16/04/2022
3133

Các bài suy niệm Lễ Phục Sinh – Năm C

Lời Chúa: Lc 24,1-12; Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

 

MỤC LỤC

  1. Chiến thắng

Thời gian gần đây, tại Việt Nam nhiều nhà thờ đã trưng bày trên cung thánh tượng Chúa Giêsu sống lại hoặc tay cầm thánh giá nhỏ, hoặc lưng tựa vào cây thánh giá lớn. Đó là một sáng kiến gợi ý. Bởi vì sự phục sinh của Đức Kitô không thể tách rời khỏi thập giá. Hơn nữa, nhờ việc Đức Kitô sống lại, cây thánh giá không còn là biểu tượng của sự thất bại, mà đã trở nên dấu chỉ của sự chiến thắng.

Thực vậy, khi các thượng tế và luật sĩ chủ mưu tiêu diệt Đức Kitô bằng bản án thập giá, họ ghét con người Đức Kitô thì ít, mà ghét chủ trương và đường lối của Người thì nhiều. Chủ trương của Người là bác ái. Đường lối của Người là cơi mở, bao dung, để phản ảnh khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, là tình yêu giàu lòng thương xót. Chủ trương ấy, đường lối ấy không phù hợp với họ. Hơn nữa, chủ trương ấy, đường lối ấy đã đụng chạm tới cái tôi ích kỷ, hẹp hòi và tự mãn của họ. Đó chính là những động lực thúc đẩy họ tiêu diệt Đức Kitô.

Thiết tưởng trong họ cũng có chúng ta. Vậy chúng ta đừng bao giờ chúng ta quên điều đó. Dù bị kết án oan và dù biết mình có sức thoát khỏi cuộc tử nạn, nhưng Đức Kitô, vì yêu thương, vẫn đễ cho các làn sóng hận thù, ghen ghét vùi dập Người cho đến chết. Kiêu căng và ích kỷ xem ra như đã thắng. Và thập giá bị coi như là dấu ấn thất bại được dành cho Đức Kitô.

Tuy nhiên, không phải là như thế, cái chết trên thập giá không phải là tiếng nói sau cùng. Bởi vì Đức Kitô đã sống lại vinh hiển. Khi sống lại rồi, Đức Kitô không oán thù ai, không phô trương gì cả, Ngài vẫn tiếp tục theo đuổi đường lối và chủ trương của bác ái, của khiêm nhường, của bao dung, như những tháng năm về trước. Ngài vẫn dạy các môn đệ Ngài hãy sống như Ngài đã dạy và đã làm gương. Bởi vì chỉ tình thương mới có sức cứu độ, chỉ bác ái mới có sức phục sinh.

Như thế, nhờ sự sống lại của Đức Kitô, cây thập giá đã trở nên Tin Mừng, làm chứng cho một tình yêu chiến thắng. Chiến thắng bằng những phấn đấu gay go, dũng cảm và kiên trì chống lại những tội lỗi và những khuynh hướng xấu xa. Chiến thắng bằng những việc làm bác ái, cởi mở, bao dung, thăng tiến có kế hoạch và chấp nhận hy sinh.

Từ mầu nhiệm phục sinh của Ngài, chúng ta đi đến một kết luận quan trọng, đó là kể từ nay, dù là ai, và dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng được Ngài lắng nghe, đón nhận và yêu thương, bởi vì Người là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót. Người đến để chúng ta có sự sống và được sống dồi dào. Người đã thắp lên trong cõi lòng chúng ta niềm vui mừng và hy vọng, bởi vì thập giá của Người là nguồn ơn cứu độ và cách sống của Ngài là con đường dẫn tới phục sinh. Hãy hân hoan bước theo Người và hãy vui mừng được thuộc về Người. Chính trong chiều hướng đó mà tôi xin cầu chúc cho mỗi người một lễ phục sinh đầy vui mừng và hy vọng với ơn lành và tình yêu thương của Đức Kitô.

 

  1. Marathon.

Hàng năm, báo chí cũng như truyền thanh và truyền hình đều thường tường thuật về những cuộc chạy marathon. Vậy chạy marathon là gì? Tôi xin thưa đó là chạy đua đường dài, với khoảng cách là 40 cây số. Nguồn gốc của việc chạy marathon là như thế này: Vào năm 490 trước Công nguyên, tướng Miltiade, người Hy Lạp, đã chiến thắng quân Ba Tư tại Marathon, một ngôi làng cách thủ đô Athène 40 câu số. Liền sau cuộc chiến thắng, tướng Miltiade đã phái một người chạy bộ, vượt khỏang đường dài này, để loan báo tin vui cho dân chúng thủ đô Hy Lạp. Người chạy đem tin vui này vừa vào tới thành thì liền tắt thở vì kiệt sức. Vì thế, anh đã trở thành biểu tượng cho những cuộc chạy đua đường trường trên thế giới.

Từ cây chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay, và chúng ta nhận thấy vào buổi sáng Chúa nhật Phục Sinh, đã có hai cuộc chạy marathon. Cuộc thứ nhất là của Mađalena. Cuộc thứ hai là của Phêrô và Gioan. Vậy động lực nào đã thúc đẩy họ lên đường, để rồi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới?

Như chúng ta đã biết: dưới thập giá của Chúa Giêsu lại chính là cuộc chiến thắng vĩ đại. Một đàng, Ngài trở nên như con rắn đồng mà Maisen đã treo nơi sa mạc, để những ai bị rắn độc cắn mà nhìn lên rắn đồng ấy thì sẽ được chữa lành. Đàng khác, cái chết tự nguyện của Ngài trên thập giá đã trở nên dấu chỉ chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa: Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Bằng cái chết, Đức Kitô đã lôi kéo chúng ta đến với Ngài, như lời Ngài xác quyết: Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta.

Trở lại với cuộc chạy marathon đi tìm dấu vết của Đấng Phục Sinh, chúng ta thấy: ở đểm xuất phát, Mađalena chạy đến mồ trước tiên khi trời còn tối. Thấy tảng đá ở cửa mộ đã bị lăn qua một bên, cô chưa tin gì về Chúa Phục Sinh, nên nghi người ta đã lấy trộm mất xác Thầy. Cô liền chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan.

Đến lượt hai ông này cùng chạy đến một. Gioan tới trước, nhưng vì kính lão đắc thọ, nên còn đứng chờ Phêrô. Khi cả hai cùng vào mộ, liền nhận ra ai đó đã sắp xếp để khăn che đầu ở một nơi. Với trực giác nhạy bén, Gioan hiểu ngay là không có chuyện ăn cắp xác mà lại để các khăn liệm thứ tự như vậy. Gioan đã thấy và đã tin.

Từ những điều vừa trình bày chúng ta thấy được hình ảnh của Giáo Hội sơ khai đi tìm dấu vết Chúa Phục Sinh. Giáo Hội ấy gồm những người như Mađalena, Phêrô và Gioan. Đó là những con người rất khác biệt nhau nhưng lại bổ túc lẫn cho nhau trong cuộc hành trình tìm kiếm Chúa Giêsu. Nếu Mađalena không tới một sớm để thấy mộ trống rồi về loan báo tin ấy cho các tông đồ, thì Giáo Hội vẫn còn im lìm, chưa có sự sống. Thế nhưng giữa những cuộc chạy marathon mà chưa có phản ứng đức tin của Gioan thì Giáo Hội vẫn chưa thực sự là Giáo Hội vì chưa sống bằng đức tin, một đức tin thấm nhuần lời Chúa. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự gặp được Đức Kitô Phục Sinh trên những bước đường của cuộc sống chưa, và nhất là chúng ta đã trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô Phục sinh giữa lòng cuộc đời hay chưa?

 

  1. Chúa Giêsu khai sinh kỷ nguyên mới

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Thế là cuối cùng, sau bao ngày chịu bắt bớ, xét xử, vu cáo, chịu đòn vọt rách nát thịt da, chịu vác thánh giá nặng nề tiến lên núi sọ trong khi sức tàn lực kiệt ngã lên té xuống nhiều lần, rồi lại phải chịu đóng đinh thân mình rất đỗi đau thương vào thập giá… Chúa Giêsu đã gục đầu tắt thở và được mai táng trong mồ. Tảng đá lấp cửa mồ đã đóng lại, đóng lại lịch sử một đời người đã làm những việc diệu kỳ. Cuối cùng, ngôi mộ đá được đóng lại, chôn vùi một Con Người tưởng là sẽ đem lại niềm hy vọng cho Israel.

Thế là hết! Còn đâu nữa những ngày nắng đẹp Ngài ngồi trên núi giảng bài tám phúc giữa đám đông quần chúng. Còn đâu nữa những buổi chiều trong hoang địa Ngài hoá bánh ra nhiều nuôi trên năm ngàn người ăn. Còn đâu nữa vị ngôn sứ oai hùng quát bảo cho sóng yên biển lặng. Còn đâu nữa Con Người làm cho kẻ chết đội mồ sống lại, người phong hủi được chữa lành, người câm được nói, người điếc được nghe… Còn đâu nữa vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và hành động phán bảo những điều đem lại phấn khởi cho bao người…

Đức Giêsu đã chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Những môn đệ thân tín sau khi hoàn tất việc an táng Thầy thân yêu, giờ đây ra về trong u sầu tuyệt vọng. Mọi sự như chìm vào tang tóc đau thương.

Thế rồi điều kỳ diệu xảy ra: qua ngày thứ ba, từ lúc tờ mờ sáng, Maria Madalêna đi viếng mộ ngay từ sáng sớm cho vơi bớt đau thương. Tới nơi, bà hoảng hồn vì mồ đá mở toang. Nhìn vào bên trong không còn thấy thi hài của Thầy đâu nữa. Bà hoảng hốt chạy về báo tin cho các môn đệ. Các môn đệ ra tận nơi xem xét ngôi mộ trống và rồi sau đó lại ngỡ ngàng gặp gỡ Chúa phục sinh. Niềm vui tràn ngập cõi lòng. Bấy giờ các ngài mới biết là Chúa Giêsu đã sống lại. Ngôi mộ đá tưởng là nơi chôn vùi, nơi xoá sổ cuộc đời Thầy dấu ái, là điểm tận cùng của Chúa Giêsu nay đã trở thành khởi điểm cho một đời sống mới, thành tảng đá đầu tiên xây dựng Vương Quốc trường sinh.

Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Ngài là Sự Sống lại và là Sự Sống như đã từng khẳng định với chị em Mác-ta và Maria: “Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.”

* * *

Từ thời nguyên tổ phạm tội đến nay, tội lỗi thống trị và huỷ diệt sự sống con người. Con người vừa được sinh ra là đã mang án chết, như hoa còn đang nụ mà đã chớm lụi tàn, như nhộng chưa thành bướm mà đã phải tiêu vong… Mầm mống chết chóc hiện diện ngay giữa lòng cuộc sống và một sớm một chiều sẽ phá huỷ sự sống đi. Lưỡi hái tử thần như đang kề cổ mọi người và cướp đi sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.

Thế rồi qua sự phục sinh vinh hiển, Chúa Giêsu đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của sự sống vĩnh hằng. Ngài đã thắng sự chết. Thần Chết phải buông khí giới quy hàng. Loài người không còn phải bị tiêu diệt bởi lưỡi hái tử thần nhưng đã được cứu sống bởi quyền lực của Chúa Giêsu phục sinh. Sự sống đã được khai thông. Cái chết đã bị đẩy lùi. Ngôi mộ không còn là điểm tận cùng của kiếp người nhưng là khởi điểm cho một đời sống mới. Cái chết không còn là dấu chấm hết của cuộc đời nhưng là khúc dạo đầu cho bản giao hưởng trường sinh. Sự phục sinh của Chúa Giêsu đã xoá đi đêm dài tăm tối của kiếp sống đau thương để làm bừng lên bình minh của cuộc đời vĩnh cửu.

Xin mọi người hãy đến cùng Chúa phục sinh để đón nhận cuộc sống hồng phúc Ngài ban tặng.

 

  1. Ngôi mộ là điểm khởi đầu hay là điểm cuối?

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Ngôi mộ là điểm cuối của cuộc đời?

Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp.

“Trăm năm còn có gì đâu?

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Du).

Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty?

Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục.

Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh.

Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới.

Người biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Người khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Người đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới!

Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.

Phục sinh với Chúa Giêsu

Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giêsu như chi thể liên kết với thân mình và vững tin vào Người như lời Người mời gọi: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”. (Ga 11, 25).

Vậy thì cùng với Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy giã từ ngôi mộ giam nhốt chúng ta lâu nay trong tội lỗi. Cùng với Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy cởi bỏ những giây băng, những khăn trùm đầu, những tấm vải liệm ràng buộc gò bó chúng ta bấy lâu nay để vùng đứng lên bước vào đời sống mới. Cụ thể là chúng ta hãy từ bỏ những đam mê tội lỗi vốn trói buộc chúng ta và làm cho đời sống tâm linh chúng ta giẫy chết.

Chúa Giêsu là Đầu của chúng ta đã khải hoàn bước vào thiên quốc, là thân mình của Người, chúng ta chắc chắn sẽ được cùng Người tiến vào cõi vinh quang bất diệt.

Vậy ngay hôm nay, chúng ta hãy bắt đầu ngày thứ nhất của cuộc đời mới với Chúa Giêsu bằng tiếng reo alleluia và với niềm vui tràn ngập tâm hồn.

 

  1. Niềm tin.

Kết quả một cuộc điều tra mới đây tại Pháp cho thấy 84% người Pháp cho mình là người công giáo, nghĩa là có lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nhưng chỉ có 32% là con tin vào sự sống lại. Và người ta phỏng đoán đến năm 2020 thì con số những người tin vào sự sống lại sẽ giảm xuống, chỉ còn độ 10%. Nếu số liệu trên là sát với thực tế và điều phỏng đoán trên là đáng tin cậy, thì tình trạng niềm tin hôm nay quả là bi đát. Tại sao lại có hiện tượng ấy?

Phải chăng con người ngày nay quá quen với những kỹ thuật khoa học có thể kiểm chứng, để không còn nhạy cảm đủ với niềm tin, vốn khởi đi từ những cảm nghiệm. Hay nói theo kiểu thánh Phaolô: Vì quá mải mê những sự dưới đất đến nỗi không còn tha thiết với những sự trên trời. Chính vì thế, chúng ta cần phải khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.

Như chúng ta đã biết Phục Sinh là một biến cố quan trọng bởi vì không có nó thì niềm tin sẽ trở thành một việc luống công vô ích, thế mà biến cố quan trọng ấy chỉ được ghi nhận bằng một sự kiện đơn giản: Ngôi mộ trống rỗng. Thế nhưng điều đơn giản ấy nếu không là dấu chứng lịch sử để mà biện bạch thì lại là dấu chỉ mở về một thực tại khác. Đó là niềm tin Phục Sinh qua những chặng đường khám phá.

Thực vậy, từ khám phá đầu tiên về cửa mồ mở toang, khiến Mađalena phải hốt hoảng, tới khám phá tiếp theo về dây băng còn nguyên và khăn liệm được cuộn lại, khiến Phêrô phải kinh ngạc không nói nên lời, để rồi kết thúc bằng khám phá bất ngờ của Gioan khi ông nối kết những dấu chỉ kia với lời Kinh Thánh để làm bừng lên một cảm nghiệm mới và hết sức lạ lùng: ông đã tin.

Mồ rỗng và khăn liệm còn đó là gì nếu không phải là một dấu chỉ cho sự phục sinh theo Kinh Thánh. Thực vậy, Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng của vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối. Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân. Bởi đó không còn một cách nào khác hơn là Ngài đã phục sinh.

Từ đó, ngày Phục Sinh được gọi là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh không phải chỉ là một biến cố có tính cách lịch sử mà hơn thế nữa, còn là một biến cố làm nên lịch sử, vì biến cố ấy không ngừng được công bố và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Bởi vì một khi Đức Kitô là đầu đã sống lại, thì chúng ta là chi thể, một ngày kia cũng sẽ sống lại, nếu như chúng ta trung thành gắn bó mật thiết với Ngài.

 

  1. Đức Kitô sống lại

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ về ba thái độ. Trước hết là thái độ của Mađalena.

Thực vậy, tập tục liệm xác của người Do Thái bao gồm việc rửa xác, ướp thuốc thơm và gói lại bằng tấm vải trắng, lấy dây băng cuộn lại từ đầu đến chân, xong xuôi đâu đó thì đem đặt xác vào trong huyệt được đục sẵn nơi vách đá và lấy tảng đá to lấp đậy cửa hang.

Vì hối hả, nên khi về nhà, Mađalêna mới nhận ra rằng mình đã không cẩn thận đủ đối với Chúa Giêsu, bà nóng lòng chờ đến sau ngày thứ bảy, tức là ngày thứ nhất trong tuần.

Phải, vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, đối với chúng ta hiện nay thì đó là ngày Chúa nhật, bà đem thuốc thơm đến mồ để ướp xác lại. Khi đến nơi, bà thấy ngôi mộ trống trơn. Cửa đã được đẩy qua một bên và Chúa Giêsu không còn ở trong đó nữa. Vì thế, bà vội vã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Rồi cả hai ông đều chạy đến mồ. Đối với Mađalêna, bà đến mồ chỉ mong để ướp xác Chúa lại cho chu đáo hơn, nói cách khác, bà đến mồ chỉ để tìm lại một xác chết. Với tâm trạng như thế, khi nhìn thấy ngôi mộ trống trơn, bà khó có thể nhận ra Chúa đã sống lại.

Còn Phêrô? Ông đã sợ hãi, ông đã chối Chúa vì sợ bị liên luỵ. Chúa đã chết và nghỉ yên trong mồ. Điều ông mong muốn lúc đó là đừng có gì rắc rối xảy ra nữa. Xin được hai chữ bình yên. Nhưng tại sao lại có sự kiện mất xác Chúa? Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo sợ trong đầu óc. Ông lo sợ một nhóm nào đó, sau khi giết Chúa Giêsu, lại tìm cách phá rối các ông để kết án và xử tử các ông.

Là trưởng nhóm, ông chạy đến mồ, quan sát những gì đã xảy ra và tìm cách biện minh: Tại sao thế này và tại sao thế nọ? Với một tâm trạng như thế, ông cũng khó có thể nhận ra Chúa đã sống lại.

Sau cùng là thái độ của Gioan. Ông yêu thương Chúa Giêsu và biết rằng Chúa cũng rất yêu thương ông. Tình yêu của ông được biểu lộ nhất là trong những giờ phút sau hết của Chúa Giêsu. Ông đã theo chân Chúa trên con đường thập giá cho đến phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa.

Kinh nghiệm cho thấy khi yêu thương ai, chúng ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình, cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa cách nhau. Với cái nhìn đó, Gioan đã dễ dàng nhận ra sự kiện Chúa đã sống lại: Ông đã thấy và ông đã tin.

Từ đó, chúng ta kết luận: tình yêu dẫn đến đức tin. Những lo lắng trần gian, như lo lắng của Mađalêna đi tìm xác chết không vượt lên được. Những suy tư lý luận của Phêrô chẳng đưa tới đâu, chỉ có tình yêu của Gioan mới dẫn ông mau chóng tới niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh.

Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta chỉ có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa và chỉ có thể hiểu được mọi biến cố trong cuộc đời mình, nếu chúng ta noi gương Gioan, để cho lòng trí mình luôn tiến triển trên con đường tình yêu của Chúa.

 

  1. Đức Giêsu vẫn sống – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi đến thăm mồ Đức Giêsu, chị Maria Magdala phát hiện không có xác Đức Giêsu trong đó. Chị cho rằng có ai đã lấy xác Đức Giêsu và quăng đi đâu đó, vì có lẽ chị không biết mồ nơi chôn táng Đức Giêsu là tài sản của ông Giuse Arimathia. Chị chạy về báo tin cho các tông đồ, cụ thể là cho Phêrô và Gioan. Hai môn đệ này tới, và cũng nhận thấy xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa. Tin mừng Gioan cho thấy “người môn đệ đến trước”, đã thấy và đã tin (Ga.20, 8); tuy nhiên tin mừng lại không cho thấy ông tin điều gì. Theo tin mừng Maccô, không có tông đồ nào tin Đức Giêsu Phục Sinh khi các chị phụ nữ báo tin Đức Giêsu đã phục sinh (Mc.16, 9-14).

Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, khi các ông gặp gỡ Ngài. Trong lần hiện ra đầu tiên cho các tông đồ, Thomas không ở đó nên không thấy, nên ông đã không tin Đức Giêsu phục sinh cho dù các tông đồ khác và các chị phụ nữ loan tin cho ông. Tám ngày sau, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ông, ông mới tin. Phục Sinh, là điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người, nên các tông đồ không tin Đức Giêsu Phục Sinh, cũng là điều dễ hiểu. Đã đành các tông đồ có kinh nghiệm người chết sống lại như trường hợp con trai bà góa thành Naim, con gái ông Giairô, Lazarô em của Matta và Maria, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh khác với những người khác sống lại. Ngài vẫn sống nhưng người ta không giữ Ngài lại được. Ngài hiện ra và biến đi, không gì ngăn cản được Ngài.

Những người được Đức Giêsu phục sinh như Lazarô, con trai bà góa thành Naim, ai muốn gặp có thể tới để gặp họ. Đức Giêsu Phục Sinh thì không như vậy. Chỉ người nào Ngài muốn, người đó mới được gặp Ngài mà thôi. Trong khoảng 40 ngày, các tông đồ còn có thể gặp Ngài (Cv.1, 3); nhưng sau thời điểm này, không ai được diễm phúc gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh nữa. Ai tin Ngài, là ngang qua những chứng nhân để tin vào Ngài. Đức Giêsu phục sinh là một biến cố mà người ta phải tin để biết. “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Bao nhiêu người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, đều là những người được ơn đức tin. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân lớn lao. “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không nhờ Thần Khí” (1Cor.12, 3).

Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một hành vi tự do. Những lý chứng cho thấy Đức Giêsu phục sinh, không đạt được tính buộc người ta phải chấp nhận như luận chứng toán học 2+2=4. Người ta vẫn tự do để tin Đức Giêsu phục sinh hay không. Tin cũng là biết. Hai anh chị yêu nhau, người này nói yêu người kia, và người kia cần tin. Tin vào người khác, là một cách biết người đó. Tin ai đó, cho rằng những điều người đó nói hay làm chứng là đúng, và nếu không tin thì không thể biết được vậy.

Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, sau khi các ngài đã được thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Sau đó những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đều phải tin qua lời chứng của các tông đồ. Các tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng rằng những gì các ngài nói là sự thật. Từ ngữ tử đạo (martureô) có nghĩa là làm chứng. Lời chứng đáng tin nhất, là lời chứng của người dám dùng chính mạng sống mình để bảo đảm rằng điều mình khẳng quyết là sự thật. Tất cả các tông đồ đều tử đạo trừ tông đồ Gioan.

Không tin Đức Giêsu Phục Sinh, đây là điều bình thường. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một ơn vô cùng lớn. Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Giêsu Phục Sinh. Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người đó hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của Kitô hữu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta. Muốn ai Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó. Không phải vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được. Đó là hồng ân của Thánh Thần.

Để có thể đón nhận đức tin, để có thể biết như người của Thiên Chúa, người đó phải có đời sống có thể đón nhận đức tin. Nếu một người có đời sống bất lương, nếu người đó chỉ tin vào mình, thì cũng khó có thể tin Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, đòi người đó phải đổi đời, phải có đời sống mới, phải sống lương thiện. Không sẵn sàng đổi đời để thành người lương thiện, người đó sẽ tìm mọi cách để biện luận từ khước tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Kitô hữu không là những người mê tín, nhưng là những người ý thức mình được ơn đặc biệt. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân vô cùng lớn. Niềm tin này làm Kitô hữu có cái nhìn mới về thế giới, về Thiên Chúa, và về con người. Tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Và một khi biết Thiên Chúa yêu thương mình, mình có thể phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa, Đấng yêu thương mình vô cùng, Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi sự để được mình.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

  1. Tại sao có những người trẻ hổ thẹn khi người khác biết họ là Kitô hữu?
  2. Đâu là lý do chính nhất làm bạn tin Đức Giêsu Phục Sinh?

 

  1. Chúa Giêsu phải từ cõi chết sống lại.

(Suy niệm của Yvon Daigneault)

Mở đầu.

Bất chấp những bài hát, những lời tung hô và những bài giảng tuyên bố Chúa Giêsu đã sống lại, mầu nhiệm này vẫn hoàn toàn là mầu nhiệm đối với chúng ta và nó mãi mãi là mầu nhiệm cho đến tận cùng, cho đến khi chúng ta được hưởng kiến Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô Phục Sinh. Vì vậy Tin Mừng mà chúng ta vừa mới đọc có một tầm quan trọng đặc biệt. Với một khoa tâm lý sâu sắc bài Tin Mừng này cho thấy nỗi bàng hoàng của các môn đệ sau cái chết của Chúa Giêsu – “người ta đã lấy Chúa khỏi mồ, và chúng tôi không biết họ đặt Ngài ở đâu”, và nó mời gọi chúng ta phải có một thái độ đúng đắn, thái độ chính yếu mà Chúa chờ mong, đó là đức tin, – “ông đã thấy và đã tin”.

Sự Phục Sinh.

Người ta thường hay nói về sự Phục Sinh trong nhiều trường hợp: thiên nhiên sống lại; một người được đưa đến bệnh viện đã hoàn sinh trở về. Người ta muốn làm sống lại những truyền thống dân gian hoặc những thói quen tốt đã bị mai một, tất cả những gì đã bị thời gian làm cho mục nát tiêu tan.

Tất cả những điều đó chẳng liên quan gì đến sự Phục Sinh của Chúa Giêsu cả. Trong những thí dụ trên đây, đó chỉ là việc trở lui về quá khứ, tìm lại cái đã mất mà thôi. Chúa Giêsu không bắt đầu lại cuộc sống của Ngài như trước kia. Không thể nào nghĩ rằng Chúa Giêsu tìm lại những con đường xứ Palestine, những đóm lửa ven bờ hồ, những cuộc gặp gỡ trên đường, hoặc Ngài tiếp tục sứ vụ của mình trước đây, như thể cuộc tử nạn chỉ là một sự cắt đứt bất hạnh và tạm thời thôi.

Chúa Kitô đã chết thật sự. Điều này không chỉ có nghĩa là kết thúc tất cả mạng lưới tương quan, công việc và dự tính, như cái chết của mọi con người.

Chúa Kitô đã Phục Sinh. Không có nghĩa là Chúa Kitô tìm lại được sự sống sinh học và những sinh hoạt của Ngài trước kia, nhưng là Thiên Chúa ban cho Ngài một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ trong một cách hiện hữu tuyệt đối mới mẻ mà nhân tính của Ngài tham gia trọn vẹn. Chúa Giêsu Phục Sinh hiệp thông hoàn toàn với chính cuộc sống của Thiên Chúa, với Ánh Sáng của Thiên Chúa, với Quyền Năng của Thiên Chúa, mà vẫn không ngừng đời đời là chính mình với thân xác của Ngài đã trở nên thần thiêng, và với tất cả những gì thuộc về thân xác: những mối dây thân ái, những kinh nghiệm đã có được, những bài học của một cuộc đời và cả những thử thách, những tương quan, những ký ức…

Mầu nhiệm Đức Tin.

Khi chúng ta tuyên xưng đức tin: “Chúa Kitô đã Phục Sinh!”. Chúng ta khẳng định rằng giờ đây Ngài tràn đầy sự sống của Thiên Chúa và tất cả những gì liên kết Ngài với chúng ta, thay vì kết thúc, đã được thể hiện cách sung mãn. Vì vậy chúng ta đã tuyên bố rằng cả chúng ta nữa, vì thuộc về Chúa Kitô, chúng ta sẽ phục sinh với Ngài để dự phần vào vinh quang của Ngài.

Phục Sinh không phải là một kỷ niệm đẹp nhưng là biến cố luôn luôn hiện tại và hậu quả của nó liên lỉ được thấy rõ trên thế giới này, nhất là trong việc thông ban Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha và Chúa Con ban cho các môn đệ để biến đổi các ông và biến đổi thế giới này.

Phục Sinh là biến cố phải được biết, đón nhận và sống trong đức tin. Đức tin không phải là nhắm mắt mà nói “đúng thế” mặc dù tôi không hiểu gì hết, nhưng là tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng thực hiện biến cố này và khẳng định nó nhờ chứng tá của Thần khí Ngài.

Kết luận.

Đón nhận biến cố Phục Sinh với niềm tin, tức là tin tưởng vào Thiên Chúa Đấng đã mặc khải biến cố này trước hết cho các tông đồ, và sau đó cho chúng ta, qua các ngài. Nếu đối với các ngài mồ có vẻ trống, thì từ ngày ấy nó còn trống hơn nữa và không nơi nào từ hai ngàn năm qua người ta đã nhìn thấy Chúa Kitô trên trần thế này, nhưng Quyền Năng của Chúa Kitô hằng sống vẫn không ngớt biểu lộ.

 

  1. Rao truyền ơn Phục Sinh

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sau, ngày Chúa chịu chết, các môn đệ rơi vào một tình trạng thê thảm: buồn rầu, sợ hãi, chán nản, thất vọng.

Còn đâu niềm vui khi được ở bên người Thầy yêu dấu. Còn đâu an ủi khi thấy những người đói khát được ăn no, người bệnh tật được chữa lành, kẻ tội lỗi được tha thứ, người chết được sống lại. Còn đâu niềm hy vọng tràn trề khi chứng kiến ma quỷ bị xua đuổi.

Tất cả đã chìm vào quá khứ. Giờ đây sự ác đã chiến thắng, sự dữ đã thống trị. Cả một bầu trời tang tóc phủ trùm trên những người tin Chúa. Tâm hồn các ngài như đã chết. Niềm tin yêu hy vọng của các ngài như cùng bị chôn táng trong mộ với người Thầy yêu quý.

Giữa lúc ấy, Chúa sống lại khải hoàn. Chúa Giêsu Phục Sinh đã khiến cuộc đời các ngài thay đổi tận gốc rễ.

Khi tảng đá lấp cửa mộ tung ra cũng là lúc tâm hồn các ngài thoát khỏi màn đêm vây phủ. Khi gặp được Chúa Phục Sinh, tâm hồn các ngài bừng lên sức sống mới. Máu chảy rần rần. Tim đập rộn ràng. Mắt sáng. Miệng tươi.

Các ngài như người đã chết nay sống lại. Chúa Giêsu đã Phục Sinh tâm hồn các ngài. Sự sống mới của Chúa đã tràn vào các ngài. Ơn Phục Sinh đã được ban cho các ngài. Sự sợ hãi đã trở thành mạnh dạn. Sự yếu đuối đã trở nên mạnh mẽ. Sự thất vọng đã biến thành hy vọng. Nỗi sầu khổ đã biến thành niềm vui.

Cảm nghiệm ơn Phục Sinh rồi, các môn đệ không còn có thể ngồi yên trong căn phòng đóng kín cửa nữa. Các ngài mở tung cửa, hăng hái ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh chia sẻ cho mọi người. Các ngài muốn vực dậy những mảnh đời đang chết dần mòn. Các ngài muốn phục hồi những tâm hồn đang héo úa. Các ngài muốn thế giới biến đổi trong một đời sống mới, tươi vui, hạnh phúc, dồi dào hơn.

Hôm nay Chúa muốn cho tất cả mọi người chúng ta, noi gương các Thánh Tông đồ, tiếp nối công việc của Chúa, đem ơn Phục Sinh đến với mọi người.

Có những người đang chết dần mòn vì không đủ cơm ăn áo mặc. Có những cuộc đời tàn lụi đi vì bệnh hoạn tật nguyền. Có những tấm thân gầy mòn vì lao lực vất vả. Có những cuộc đời trẻ thơ bị giam kín trong tăm tối thất học, nghèo nàn. Tất cả đang đợi chờ được Phục Sinh.

Có những tâm hồn đang ủ rũ vì buồn phiền. Có những mạch máu như ngừng chảy vì đau khổ. Có những trái tim đang tan nát vì bị phản bội. Có những cuộc đời cay đắng vì thất bại. Có những tương lai bị chôn kín trong những nấm mồ đen tối không lối thoát. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.

Nhất là có những tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi. Có những linh hồn đang tự huỷ hoại trong đam mê tiền bạc, quyền lợi, danh vọng. Có những niềm tin héo úa vì lạc hướng. Có những đời sống đang rỉ máu vì chia rẽ bất hoà. Có những cuộc đời đang chao đảo vì gặp khó khăn thử thách. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.

Đem Tin Mừng Phục Sinh đó là giúp cuộc đời anh em thoát khỏi những bế tắc, giúp cho linh hồn anh em được sống cao thượng và khôi phục niềm tin yêu của anh em vào Thiên Chúa, vào con người và vào cuộc đời.

Tuy nhiên, để có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi người, bản thân ta cần được Phục Sinh trước.

Trong chính bản thân ta cũng đang chất chứa những mầm mống chết chóc đó là những tội lỗi, đam mê, dục vọng. Trong chính bản thân ta cũng đang ấp ủ những lực lượng tàn phá đó là thói kiêu căng, ích kỷ, chia rẽ, bất hoà, tham lam, bất công. Trong chính bản thân ta đức tin đang héo úa, lòng mến đang nguội lạnh, niềm hy vọng đang lụi tàn.

Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Bạn có nhận thấy những lực lượng sự chết đang ở trong lòng người bạn không? Bạn có muốn loại trừ chúng không?
  2. Bạn có thấy ơn Phục Sinh là cần thiết không?
  3. Bạn có sẵn sàng đem ơn Phục Sinh cho mọi người không?
  4. Tuần này, bạn sẽ sống mầu nhiệm Chúa Phục Sinh thế nào?

 

  1. Ánh sáng và bóng tối

(Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Phụng vụ hôm nay trình bày cho ta sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng.

Mở đầu phần nghi thức, nhà thờ chìm vào bóng tối. Bóng tối tượng trưng cho thế lực sự dữ, sự ác. Khi Đức Giêsu chưa Phục Sinh, sự dữ, sự ác còn thống trị. Nhân loại chìm ngập trong bóng tối sự chết.

Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho Đức Kitô Phục Sinh. Đức Kitô Phục Sinh chiếu lên nguồn sáng mới, xua tan đi bóng đêm. Đức Kitô Phục Sinh là sự sống mới đã chiến thắng sự chết.

Như cây nến muốn chiếu sáng phải tiêu hao chính mình. Đức Kitô đã phải chịu tiêu hao đi trong những đớn đau, khổ cực, tủi nhục và cả trong cái chết, mới đem lại ánh sáng sự sống cho ta.

Chúng ta là con cái Chúa, là con cái của sự sáng. Nhưng trong ta còn nhiều phần chưa thuộc về Chúa. Nhiều phần trong tâm hồn ta còn thuộc về bóng tối.

Có thứ bóng tối tội lỗi nhận chìm linh hồn ta trong những vực sâu tối đen không có đường thoát ra.

Có thứ bóng tối đam mê dục vọng gìm linh hồn ta trong cơn mê ngủ miệt mài, mất hết ý chí phấn đấu tiến lên.

Có thứ bóng tối tham lam ích kỷ làm lu mờ lương tâm, lý trí, khiến ta coi tiền bạc trọng hơn tình nghĩa. Vì tiền bạc mà dám phạm những tội ác tày trời. Vì lợi nhuận của mình mà làm thiệt hại cho người khác.

Có thứ bóng tối ghen ghét oán thù nó làm cho tâm hồn ta không lúc nào bình an, vì chìm ngập trong nỗi hận thù dai dẳng.

Có thứ bóng tối tự ái kiêu căng khiến cho linh hồn ta không tìm thấy niềm vui trong sự khiêm nhường tha thứ.

Tất cả những bóng tối đó đang khiến linh hồn ta suy yếu, chết dần chết mòn. Tất cả những bóng tối đó ngăn chặn ánh sáng của Chúa, ngăn chặn dòng suối ơn lành của Chúa đổ vào hồn ta.

Để ánh sáng Phục Sinh của Chúa tràn vào hồn ta, ta phải quét sạch những bóng tối còn vương vấn trong tâm hồn.

Cũng như cây nến phải chịu tiêu hao mòn mỏi mới nuôi được ánh sáng soi chiếu đêm tối, ta cũng phải phấn đấu với chính bản thân mình, quên mình, chịu chết cho tội lỗi, để ta sống một đời sống mới.

Khi phấn đấu đẩy lùi bóng tối tội lỗi, ta thoát được ách ma quỷ và được sống trong ánh sáng của Chúa, trở nên con cái ánh sáng.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, Chúa đã chiến thắng ma quỷ, xin giúp chúng con chiến đấu với ma quỷ, để được sống một đời sống mới trong ánh sáng của Chúa.

 

  1. Chúa đã sống lại thật rồi

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà nước mắt chưa vơi, tình người chưa cạn. Maria Mađalêna, người đàn bà rất thật đàn bà, mạnh mẽ phi thường. Lúc các môn đệ, giới mày râu vai u thị bắp, có những vị được mệnh danh là con cái sấm sét, đang ẩn đâu đấy sau khi thầy bị bắt, bị giết và an táng trong mồ, thì Maria Mađalêna vẫn can đảm dõi bước theo Thầy trong hành trình Thương Khó, tận mắt thấy cảnh Thầy bị đánh đòn vai mang thập giá, can đảm hơn bà còn đứng dưới chân Thánh giá, chôn cất Thầy, nay lại ra viếng mồ Thầy khi trời còn chưa sáng như Gioan thuật lại trong Tin Mừng hôm nay: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối” (Ga 20, 1). Lúc tranh tối tranh sáng, người ta thường hay sợ thế lực nào đó, Maria đã chứng tỏ bản lĩnh của mình.

Bà tới mộ, ô kìa, chuyện gì đã xảy ra vậy? Sao tảng đá lấp cửa mồ lại lăn ra, xác Thầy tôi đâu? Cho dù can đảm, nhưng vốn bà vẫn là phái yếu, liễu yếu đào tơ, cần tìm người trợ giúp, hiển nhiên phải là các ông rồi. Bà liền tức tốc quay về tìm Simon Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, với hy vọng mấy ông sẽ tìm ra thủ phạm, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu?” (Ga 20, 2). Chúng ta cứ tưởng tượng xem, khi hay tin, tâm trạng các ông như thế nào lúc “cả hai cùng chạy, nhưng một ông chạy nhanh hơn, tới mộ trước cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong”(x. Ga 20, 4). Tại sao ông lại không vào trong? Ông không vào là vì ông tôn trọng Phêrô là đầu của nhóm. Ông thấy và ông  tin Người phải sống lại từ cõi chết, đúng như lời Kinh Thánh.

Chúa đã sống lại thật rồi! Allêluia! Allêluia! Allêluia! Chúng ta có tin không?

Hôm nay Giáo hội mừng Chúa sống lại với niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng: “Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng ” (Cv 10, 37-41).

Chính Phaolô, người Do thái nhiệt thành cũng quả quyết: “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay cũng còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Giacôbê; đoạn cho các tông đồ hết thảy.  Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh” (1 Cr 15, 3-8; Ga 20, 1-29); Mt 28, 9-10). Những người dân ngoại và Do thái cũng là những chứng nhân rất đặc biệt!

Bài Ca Tiếp Liên chúng ta hát trong ngày hôm nay nhắc lại biến cố lịch sử quan trọng này. Maria Madalêna đã thực sự gặp các thiên thần làm chứng tỏ tường, thấy y phục và khăn liệm của Đức Kitô Phục Sinh. Với hồng ân đức tin, đến lượt chúng ta phải công bố tin mừng Chúa phục sinh (x. Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh).

Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh là dịp để người kitô chúng ta vui mừng hân hoan và tràn trề niềm hy vọng vào một tương lai huy hoàng sáng lạng trong nước Thiên Chúa sau khi đã hoàn tất cuộc đời lữ thứ trần gian. Chúa Kitô Phục sinh khải hoàn, đó là niềm tin và lẽ sống của người Kitô. Hôm nay chúng ta hân hoan vui mừng với tinh thần mà thánh Phaolô nói: “Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Đức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5,7-8). Từ nay chúng ta quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng nữa, bởi vì ngày chúng ta chịu phép rửa tội, “nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6, 4). Ước mong niềm tin vào Đấng Phục sinh luôn đem đến cho Giáo hội, cho thế giới và mọi người trên trái đất này sự bình an, ơn hiệp nhất để cùng hướng về mục đích đệ nhất của kiếp người là được hưởng sự sống vĩnh hằng trong ngày sau hết.

Sau khi hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Giáo hội muốn nhắn gửi mỗi người chúng ta rằng: hãy lên đường, để sự hiện diện của ta là lời chứng rao giảng hùng hồn về Đức Kitô đã chết đi, loan tin Người đã sống lại, trong vinh quang mai Người lại đến đón chúng ta, những người tin vào Đức Kitô lên trời về với Chúa Cha. Vì quê hương chúng ta là quê Trời, nước chúng ta là Nước Trời. Thánh Phao lô khuyên chúng ta “hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3, 3).

Chúa sống lại thật rồi, Allêluia! Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đén muôn đời muôn thuở. Allêluia!

 

  1. Suy niệm của Lm. GB. Nguyễn Văn Hiếu

NHẬP LỄ

Chúa nhật là Ngày Của Chúa. Ngày đó, Chúa làm chủ, vì Chúa đã chiến thắng sự chết và đã sống lại. Chúa Nhật cũng là Ngày Thứ Nhất trong tuần. Thời sáng tạo, ngày thứ nhất Thiên Chúa đã tạo dựng ánh sáng. Phục sinh, ngày thứ nhất Chúa cũng đem lại ánh sáng và sức sống mới cho nhân loại.

– Lạy Chúa, sau ngày phục sinh, ánh sáng mới và sức sống mới Chúa ban cho chúng con là tinh thần hiệp nhất và sức sống liên kết (x.Cv 4,32). Xin Chúa thương xót chúng con.

– Lạy Chúa Ki-tô, sau ngày phục sinh, ánh sáng mới và sức sống mới Chúa ban cho chúng con là lòng vâng phục và yêu mến Thiên Chúa (x.1Ga 5,1). Xin Chúa Ki-tô thương xót …

– Lạy Chúa, sau ngày phục sinh, ánh sáng mới và sức sống mới Chúa ban cho chúng con là bình an của ơn tha tội và được sai đi để ban ơn tha thứ của Chúa (x.Ga 20,21). Xin Chúa thương xót …

GIẢNG

Chúa Giê-su đã sống lại. Việc Chúa sống lại / không chỉ được chứng minh bằng ngôi mộ trống và các lần Chúa tỏ mình ra cho người này người khác, ở nơi này hay nơi kia. Đoạn Tin Mừng theo Thánh Gio-an mà chúng ta nghe hôm nay, còn cho chúng ta thấy những hiệu quả xác thực việc Chúa sống lại đó. Nhờ Chúa sống lại, mà đời sống của Giáo Hội có được sức sống mới.

Sức sống mới này được nhận thấy hiệu quả trước tiên là bình an và hoan lạc trong tâm hồn. Trước khi Chúa hiện diện, “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái” (Ga 20,19a). Nhưng khi Chúa đến, “đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em” thì mọi người đều vui mừng (Ga 20,19b.20b). Sức sống mới là bình an và hoan lạc này, không ai có, mà có thể khư khư giữ lại cho riêng mình, nên niềm vui ấy đã được loan báo lại cho ông Tô-ma ~người không biết vì lý do gì vắng mặt chiều hôm ấy.

Sức sống mới ấy đã được đích thân Chúa Giê-su truyền lại cho các môn đệ. Người ban “bình an cho anh em” và Người thổi hơi, ban Chúa Thánh Thần xuống cho: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (20,22). Thánh Thần của Chúa Giê-su chính là Thần Khí đã tạo nên sự sống thời nguyên thuỷ. Thánh Thần của Chúa là nguyên uỷ của sự sống. Nhờ Chúa sống lại và hiện diện, ban xuống Chúa Thánh Thần, nên sức sống trong Giáo Hội đã được đổi thay.

Đổi thay, là con người từ nay được tha tội và được Chúa Phục Sinh sai đi để thực thi quyền tha tội: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em… Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (20,21b.23). Sức sống mới ấy, trước ngày Chúa sống lại, Giáo Hội làm gì đã có năng quyền và thẩm quyền?! Ngày nay, Giáo Hội thực thi thẩm quyền này, chính là một cách mạnh mẽ rao giảng và minh chứng quyền năng Chúa đã sống lại.

Sức sống mới ấy không chỉ ẩn sâu trong tâm hồn người tín hữu, nhưng nhờ Chúa sống lại mà “các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Sức sống từ Chúa Phục Sinh hiện diện, đã biến cải tâm hồn con người, tạo cho các tín hữu ~những người đã tin Chúa sống lại~ một sự sống mới. Sự sống mới ấy có nghĩa là từ nay không ai sống cho riêng mình, nhưng sống cho mọi người, bởi vì Chúa cũng đã chết và sống lại cho mọi người. Tình yêu đích thật của Chúa đã chan hoà nơi lòng mọi kẻ tin thờ Chúa. Thánh Gio-an viết: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng Sinh Thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1Ga 5,1).

Chúng ta đừng nghĩ rằng tất cả các tín hữu thời xưa đã có sự sống mới, nếp sống mới, đều là những người đã được thấy nhãn tiền Chúa Phục Sinh hiện diện. Cũng có rất nhiều người không được nhìn thấy Chúa như chúng ta ngày nay. Nhưng chúng ta nhớ Chúa đã nói với Thánh Tô-ma: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Các tín hữu ấy đã tin lời các Tông Đồ truyền lại. Họ đã thay đổi nếp suy tư và cách sống.

Lời rao giảng của các Tông Đồ vẫn còn được tiếp tục truyền lại cho chúng ta ngày hôm nay. Cho nên, nếu chúng ta tin, chấp nhận Chúa đã sống lại, thì nếp sống của chúng ta cũng phải được thay đổi, phải được biến chuyển:

– Chúng ta đón nhận mọi hoàn cảnh sống trong niềm vui hoan lạc và bình an,

– Chúng ta đón nhận Chúa trong việc lãnh nhận bí tích Hoà Giải, tạo cho mình một nếp sống tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần ~nghĩa là sẵn sàng vâng theo mệnh lệnh, ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần,

– Chúng ta quảng đại, bao dung đón nhận anh em, sẵn sàng chia sẻ, cộng tác với mọi người trong một nếp sống chung tương thân tương ái.

Như thế là chúng ta đã tin nhận, đồng thời cũng là rao giảng Chúa sống lại và chấp nhận mệnh lệnh Chúa sai đi, như các Tông Đồ và các giáo hữu thời xưa vậy.

 

  1. Kỷ nguyên cứu rỗi – Lc 24,1-12

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’ – Thiên Phúc)

Một bề trên tu viện Công Giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn Giáo tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Ông lo âu trình bày về tình trạng bi đát của tu viện. Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân khắp nơi tuôn đến. Nhà dòng không còn chỗ nhận thêm người xin gia nhập. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thì leo teo mấy người. Cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi tu sĩ Ấn Giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn Giáo ôn tồn bảo: Tội của cộng đoàn đó là tội vô tình. Và ông giải thích: Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người.

Từ đó, mọi người đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu bầu khí yêu thương huynh đệ thắm thiết, sức sống mới nảy sinh, và niềm vui tràn ngập tu viện. Khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện tĩnh tâm, cầu nguyện. Nhiều bạn trẻ lại đến xin gia nhập cộng đoàn.

“Sao các bà lại tìm người sống giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi” (Lc 23,5-6). Buổi sáng Phục Sinh đầu tiên, Đức Giêsu đã vinh thắng ra khỏi mộ tối, để mở đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu rỗi. Người đã hiện ra với Mađalêna, với Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmau, với các môn đệ đang tập họp trong nhà cửa đóng kín, trên bờ biển Tibêria. Và Người vẫn còn hiện diện giữa chúng ta, những kẻ tin vào Người, ở mọi nơi, trong mọi thời đại. Đó là một Tin vui không chỉ cho thành Giêrusalem mà còn cho toàn thế giới.

Tin vui chính là Đức Giêsu Phục Sinh, ánh sáng rạng ngời đã xóa tan bóng tối của tử thần và tội lỗi, để dẫn đưa con người bước vào miền ánh sáng sự sống.

Tin vui chính là Đức Giêsu Phục Sinh luôn hiện diện giữa những kẻ tin Người sống lại, để mang lại cho họ niềm vui và an bình trong cuộc sống mới.

Nếu ngôi mộ tối đã không thể giam giữ Đức Giêsu Phục Sinh, và xiềng xích của sự chết đã bị Người bẻ gẫy, thì không còn gì có thể tiêu diệt chúng ta được. Thánh Phaolô viết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35). Vì thế, Sống niềm vui Phục Sinh chính là chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa trong đời sống mới, đời sống Phục Sinh.

Sống niềm vui Phục Sinh chính là tin rằng Chúa đã sống lại và đã cứu thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi, nên chúng ta hãy đặt niềm tin và hy vọng nơi Người.

Sống niềm vui Phục Sinh chính là sống vui tươi, an bình và yêu thương trong sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh.

Cộng đoàn tu viện trong câu chuyện kể trên chỉ tìm được bầu không khí yêu thương và niềm vui huynh đệ khi mà mọi người nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ, trong người anh em.

 

  1. Tình yêu dẫn đến đức tin – Radio Veritas Asia

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)

Trong Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh, thánh Gioan kể lại cho chúng ta câu chuyện 3 người đi tìm Chúa: Maria Mađalêna, Gioan và Phêrô.

Khi đọc đoạn Phúc Âm đó, chắc chắn mỗi người chúng ta đều nhận thấy rằng tất cả 3 người đều đến mồ, đều thấy cùng một sự kiện mồ trống và khăn liệm, nhưng chỉ có mỗi mình Gioan là tin Chúa Giêsu đã sống lại. Thánh Gioan đã viết về chính mình rằng: “Ông thấy và ông đã tin”.

Để hiểu rõ câu chuyện, chúng ta hãy trở lại chương 16. Sau khi Chúa Giêsu chết, người Do Thái đến xin Philatô cho hạ xác những người đóng đinh xuống vì họ không muốn thấy xác chết treo trên thập giá trong ngày thứ bảy, ngày sabbat, nhất là ngày sabbat trong lễ Vượt Qua của họ.

Phép tắc, thủ tục xong, xác Chúa được hạ xuống. Theo phong tục người Do Thái, họ tính bắt đầu ngày mới từ lúc mặt trời lặn.

Maria Mađalêna và các môn đệ có mặt lo hối hả để chôn xác Chúa cho xong và ra về trước khi mặt trời lặn, nếu không họ sẽ lỗi luật tôn giáo vì ngày sabbat chỉ được đi bộ một quãng bằng ném hòn đá mà thôi.

Chúng ta cũng nên biết qua cách liệm xác của người Do Thái. Cách liệm xác của họ là rửa xác, ướp thuốc thơm và gói lại bằng tấm vải trắng, lấy băng quấn lại từ đầu đến chân như người ta băng bó vết thương, xong xuôi đâu đó đem đặt xác vào trong hang huyệt đục sẵn trong đá và lấy tảng đá to đậy cửa hang lại.

Vì hối hả nên Maria Mađalêna về nhà nhận thấy mình không cẩn thận đủ đối với Thầy Giêsu của mình và nóng lòng chờ đến sau ngày thứ bảy. Vào ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa nhật, bà đem thuốc thơm đến mồ để ướp xác lại. Khi đến nơi bà thấy mồ trống, cửa đã được đẩy ra và Thầy không còn trong đó nên vội vã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Gioan là thanh niên trai trẻ chạy nhanh hơn Phêrô nên ra đến mồ trước. Đến nơi Gioan chỉ đứng ngoài khom người nhìn vào chờ Phêrô đến, cả hai cùng vào mồ, họ đều thấy dây băng liệm và vải liệm, nhưng Gioan thú thực trong lòng ông đã tin Chúa sống lại. Phân tích tâm lý của 3 nhân vật, chúng ta sẽ thấy tại sao?

Đối với Maria Mađalêna, bà đến mồ chỉ mong để ướp xác Thầy lại cho chu đáo hơn. Bà cầm thuốc thơm trong tay và đầu óc chỉ nghĩ đến thân thể đã nằm yên bất động. Nói tắt một lời: Bà đến mồ chỉ để tìm xác chết. Một tâm trạng như thế, thấy mồ trống không, bà khó có thể nhận ra tức thì Chúa Giêsu đã sống lại.

Còn Phêrô, ông đã sợ hãi. Ông đã chối Thầy của mình trong giờ phút Thầy bị hành hạ nhục nhã vì ông sợ bị liên lụy. Thầy đã chết và nằm yên trong mồ. Điều ông mong muốn lúc đó là xin đừng có gì rắc rối xảy ra nữa, xin được hai chữ “bình yên”. Nhưng tại sao lại có sự kiện mất xác này. Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo âu trong đầu. Ông lo nhóm nào đó sau khi giết Thầy lại tìm cách phá rối các tông đồ để kết án họ và xử tử họ nữa chăng. Ông là trưởng nhóm, vậy ông chạy đến mồ để quan sát những gì đã xảy ra. Vậy ông chạy đến mồ mà trong lòng chỉ lo nghĩ đến việc tại sao thế này, tại sao thế nọ để tìm cách đối phó. Với tâm trạng đó, Phêrô khó có thể nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại.

Phần Gioan, ông yêu thương Chúa Giêsu và ông biết rằng Chúa Giêsu đã yêu thương ông. Trong Phúc Âm, khi ông viết một điều gì có đề cập đến mình trong đó, thánh Gioan luôn dùng kiểu nói “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”. Thánh Gioan đã yêu mến Chúa Giêsu thật sự, tình yêu mến đó đã thể hiện ra bên ngoài, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã theo chân Chúa Giêsu trên con đường thập giá và là tông đồ duy nhất đứng dưới chân thánh giá cho đến giờ phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu. Kinh nghiệm cho thấy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa nhau. Thánh Gioan luôn nhớ lại lời giảng dạy của Thầy trong lòng và hy vọng Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước. Với cái nhìn đó, Gioan đã nhận ra dễ dàng sự kiện sống lại. Ông đã thấy và ông đã tin.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ ràng rằng: Tình yêu dẫn đến đức tin. Những lo âu trần gian như lo lắng của Maria Mađalêna đi tìm xác chết không vượt lên được. Những suy tư, lý luận lo âu của Phêrô đã không đưa đến đâu. Chỉ có tình yêu Chúa Giêsu của thánh Gioan đã đưa ông nhanh chóng đến đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta cùng tìm Chúa, chúng ta có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của mọi biến cố trong cuộc đời mình nếu chúng ta noi gương Gioan, để cho lòng trí mình luôn tiến trên con đường tình yêu Chúa.

 

  1. Chúa đã sống lại – Radio Veritas Asia.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan chúng ta vừa đọc trên đây, tác giả chỉ nhắc đến bà Maria Madalena, nhưng qua ba Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta biết có thêm một vài người nữ cùng ra mộ Chúa Giêsu với bà. Các bà đi đến mộ và hốt hoảng khi thấy tảng đá chặn cửa mộ đã bị mở ra. Tại sao có chuyện kỳ cục như thế? Có ai muốn phá rối chăng? Bà Maria Madalena vội vàng chạy về báo tin cho Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Hai ông hối hả chạy đến mộ, hai ông đã thấy mộ trống với các khăn liệm còn lại ở đó, nhưng họ chẳng thấy xác Ngài đâu. Nhìn thấy quang cảnh, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến biết rằng Thầy đã sống lại như lời Thầy đã nói.

Ngôi mộ trống là một dấu chỉ mà Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ sáng ngày hôm đó. Đứng trước ngôi mộ trống, mỗi người có một phản ứng khác nhau. Các bà thì hoảng hốt, chạy về nhờ cậy các ông tới cứu. Ông Phêrô thì ngạc nhiên về sự việc xảy ra. Còn người môn đệ Chúa Giêsu thương mến thì tin rằng Thầy đã sống lại. Chúa đã sống lại thật. Allêluia.

Sự thật này có sức mạnh biến đổi cuộc đời chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi bóng tối của sự sợ sệt, của nghi nan, để sống đến cùng đức tin của mình vào Chúa Kitô. Một ngôi mộ trống nhưng được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, sẽ dẫn đến những phản ứng khác nhau.

Trong cuộc sống đức tin, mỗi người chúng ta đã nhiều lần đứng trước ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, đó là những lần chúng ta băn khoăn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đích thực của đời Kitô. Dù đã được học hỏi về đức tin Kitô, đã được nghe giảng Lời Chúa, đã được chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin của biết bao thế hệ tín hữu, nhưng những điều ấy không miễn cho chúng ta phải đối diện với đức tin của chính mình.

Như nhóm người cùng đi đến mộ Chúa Giêsu sáng sớm hôm ấy, chúng ta cùng hiệp thông với nhau nhưng không thể quyết định thay thế cho nhau. Giáo Hội khuyên chúng ta phải trả lời những câu hỏi về đức tin đặt ra cho chính mình. Có nhiều lúc chúng ta như rơi vào đêm tối bất an, tương tự như các môn đệ trong thời gian sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu, chúng ta nửa tin nửa ngờ. Một mặt chúng ta biết rằng đức tin vào Chúa Kitô có sức giải thoát chúng ta khỏi vòng vây tội lỗi và mang lại cho chúng ta một cuộc sống an bình hạnh phúc. Mặt khác, chúng ta phải đối diện với những thực tế cấp bách, thực tế xem ra không trùng khớp bao nhiêu với những điều mà đức tin dạy bảo chúng ta. Đức tin dạy chúng ta phải xây dựng hạnh phúc trên những nền tảng siêu nhiên. Thực tế lại cho thấy dường như những điều siêu nhiên chẳng giúp chúng ta đạt hạnh phúc mà đôi khi còn gây ra cho chúng ta bao nhiêu điều thiệt thòi phiền toái. Đức tin dạy chúng ta phải tập trung đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau, thực tế lại cho thấy mọi người đều dồn hết sức lực để xây dựng cho cuộc sống vắn vỏi ở đời này. Ai đúng, ai sai, ai khôn, ai dại? Chúng ta bối rối không biết phải theo ai bỏ ai đây? Trước những câu hỏi hóc búa này, chúng ta loay hoay tìm câu trả lời. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu soi sáng cho chúng ta. Nhưng có lúc, thay vì trực tiếp trả lời, Chúa Giêsu đưa chúng ta tới ngôi mộ trống của Người. Người gởi đến cho chúng ta những mật thư, những dấu chỉ, những lời nói, những biến cố đặc biệt xảy đến cho chúng ta. Muốn tìm ra lời đáp, chúng ta phải giải mã những tín hiệu này.

Khi nhìn thấy ngôi mộ trống, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến nhanh chóng nhận ra rằng Thầy mình đã sống lại, ông không nhìn bằng đôi mắt nhưng đã nhìn bằng con tim. Tác giả Tin Mừng theo thánh Gioan đã kín đáo không nêu tên người môn đệ này, nhưng truyền thống Giáo Hội vẫn cho đó chính là tông đồ Gioan. Ông là người được Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt và ông cũng đáp lại Thầy mình với tình yêu thương nồng nàn. Chính tình yêu này mách bảo cho ông biết đích xác chuyện gì đã xảy ra với Thầy. Tình yêu hun đúc niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, nhiều lúc con phải giải mã các tín hiệu mà Chúa gởi đến cho con trong cuộc sống. Xin Chúa giúp con luôn trung kiên trong tình yêu, để con nhanh chóng nhận ra sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến cho con trước ngôi mộ trống của Chúa, xin cho con vững tin rằng Chúa đã sống lại thật. Allêluia.

 

  1. Sự nhầm lẫn – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền.

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Người ta kể rằng: ở một cửa hàng bán hoa vừa xảy ra một sự nhầm lẫn thật ngộ nghĩnh. Ngày hôm đó, người bán hoa làm hai lẵng hoa cho hai khách hàng khác nhau. Một là để chúc mừng ngân hàng mới mở thêm một chi nhánh mới, và một là để chia buồn cho một đám tang. Thế nhưng, hai tấm thiệp đính kèm hai bó hoa bị đặt lộn, thành ra lẵng hoa gửi cho đám tang lại nhận được lời chúc: “chúc mừng khai trương cơ sở mới”. Ngược lại, thiệp trao cho ngân hàng lại ghi hàng chữ: “Thành thật chia buồn”.

Xem ra sự nhầm lẫn này tuy không hợp tình nhưng lại hợp lý. Vì đời là bể khổ. Ra khỏi cuộc đời là thoát khỏi khổ luỵ trần gian. Chết là lìa bỏ chỗ ở dưới đất mà lên trời. Chết là bỏ trần gian với bao bon chen vật lộn để về quê trời vĩnh cữu không còn khổ luỵ của tham sân si phàm trần. Chết là về nhà cha trong niềm vui của đứa con xa nhà nay được hồi hương trở về. Như vậy, chết là vui mừng chứ không còn là thương tiếc. Ai lại thương tiếc khi một đứa con xa nhà nay trở về? Ai lại buồn khi được đoàn tụ bên Cha trên trời?

Truyền thống văn hoá Việt Nam vẫn tin rằng: chết là sự trở về, là quy tiên, là trở về nơi mình đã xuất phát ra đi. Ngày xưa tại các nghĩa trang miền quê, người ta thường chôn người chết dưới lòng đất và vun phần trên thành hình một người phụ nữ mang thai. Điều này ngụ ý về một cuộc trở về với lòng đất mẹ. Chính nơi lòng mẹ, ta đã sinh ra. Đó là nơi kín đáo nhất, ấm cúng nhất. Khi chết là trở về nơi lòng đất mẹ cũng là nơi kín đáo và ấm cúng. Như thế, nấm mồ không phải là dấu chỉ về một con người đã chết dưới lòng đất lạnh mà là dấu chỉ cho cuộc trở về nguồn cội đích thực của mình, về nơi mà mình đã xuất phát ra đi.

Hôm nay, các người phụ nữ đến bên nấm mồ của Chúa. Họ đã kinh ngạc và hãi hùng. Vì tảng đá che cửa mộ đã bị bật tung ra ngoài. Họ vào trong nhưng không thấy gì. Họ tưởng rằng xác Chúa đã bị ai đó lấy đi. Họ tìm kiếm nhưng vô vọng. Họ thấy một người mặc áo trắng, tưởng là người làm công nên mới hỏi: “Ai đã lấy xác Chúa tôi rồi?”. Nhưng các bà lại nghe một lời mà chưa bao giờ được nghe: “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người đã trỗi dạy và ra khỏi mồ”. Nấm mồ này và khăn liệm này đã không còn dùng để phủ kín một đời người nữa! Nó không có ích cho người còn sống, có chăng là dấu chỉ cho sự thật hiển nhiên là Chúa đã sống lại từ trong cõi chết. Người không còn ở đây. Người đã ra khỏi mồ. Hãy đi báo tin cho các môn đệ và Người sẽ gặp các ông tại Ga-li-lê-a.

Vâng, Chúa đã phục sinh. Nấm mồ của sự chết đã bị bật tung. Sự lặng vắng cô quạnh của đêm tối sự chết đã bị đẩy lùi bằng ánh sáng phục sinh huy hoàng. Con người sinh ra không phải để chờ chết như bao người lầm tưởng. Sinh ra – lớn lên – gia nua – rồi chết. Thế là hết một cuộc đời. Sứ điệp phục sinh cho chúng ta hiểu rằng: con người sinh ra là bước vào một cuộc hành trình tiền về nhà cha. Nơi mà ngày xưa Adam – Eva đã từ đó ra đi, nay nhờ cuộc Tử Nạn và Phục sinh của Chúa khai mở cho chúng ta con đường trờ về Nhà Cha. Chúa Phục sinh. Cửa trời rộng mở. Con người có thể hành hương về trời. Về với hạnh phúc bất diệt, là nơi “không còn sự chết, không còn than khóc đau thương nữa”. Nơi đó, không còn đêm tối, không còn những cuộc chia ly từ biệt, cũng không còn nước mắt nhớ thương.

Hôm nay Chúa đã phục sinh. Lòng chúng ta hãy trào dâng niềm hân hoan vì Chúa đã về nhà Cha. Ngài đã hứa thiên đàng cho người trộm lành. Ngài cũng hứa thiên đàng cho những ai tin theo Ngài: “Ta đi để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”. Đó chính là nền tảng niềm tin của chúng ta. Chúng ta tin vào Đấng hằng sống để chúng ta được sống muôn đời.

Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ biến đổi chúng ta thành con người mới. Con người của ân sủng. Con người của tự do không bị những đam mê thấp hèn thống trị, không bị những thói đời gian dối làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá cao quý của con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Ước gì niềm tin Chúa đã phục sinh giúp chúng ta biết chiến đấu mỗi ngày để chiến thắng cái ác, chiến thắng tật xấu bằng những hy sinh khổ chế, bằng cuộc sống bác ái yêu thương để mai này chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển với Chúa. Nguyện xin Chúa là Đấng đã phục sinh từ cõi chết nâng đỡ chúng ta trên đường thánh giá hôm nay, để ngày sau chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc quê trời. Amen.

 

  1. Sống lại trong lịch sử

(Lm. G.B. Trần Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

 “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giêrusalem” (Cv 10,39)

Khi đặt vấn đề Đức Giêsu lịch sử trong cái nhìn hiện đại, chúng ta ngay từ đầu sẽ vấp phải vấn nạn không dễ chấp nhận: đó là các Kitô hữu ban đầu đã xác tín rằng Đức Giêsu sau khi bị đóng đanh dẫn đến cái chết, đã sống lại. Thánh Phêrô đã tuyên bố “Họ đã treo Người trên cây gỗ và Người đã chết. Nhưng vào ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và Người đã hiện ra không phải với mọi người, nhưng với chúng tôi, là những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn để làm chứng cho Người, và là những kẻ được cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người chỗi dậy từ cõi chết”.

Lời chứng của các Kitô hữu về việc Chúa sống lại đặt căn bản trên những biến cố của lịch sử, nhưng làm sao để những lời chứng này am hợp với suy luận của lý trí con người ngày nay. Làm sao một con người với đầu óc lý luận thực tiễn có thể tin vào những lời chứng này? Bởi vì, theo suy luận mang tính duy nghiệm, người chết không thể sống lại được.

Tuy nhiên, Phêrô và nhiều tín hữu buổi sơ khai đã làm chứng rằng Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại. Họ xác quyết Ngài đã từng đồng hành với họ, trò chuyện với họ và ăn uống với họ. Có phải họ nói dối? Hay lầm lẫn? Hoặc hoang tưởng? Hay họ thêu dệt bịa đặt câu chuyện, chỉ vì hụt hẫng khi Thầy của họ đã mất mà còn cố gượng gạo muốn Thầy  vẫn còn gắn bó với cuộc sống của mình? Tất cả những vấn nạn này do các học giả đưa ra khi nghiên cứu về Đức Giêsu lịch sử, thay vì dễ dàng chấp nhận những xác quyết của các Kitô hữu thuở sơ khai về việc Đức Giêsu đã sống lại. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, theo não trạng của những người thuộc thế giới cổ đại bấy giờ, cho dù nói chung họ thơ ngây và dễ tin, nhưng vẫn không phải dễ dàng và thông thường xác tín rằng người chết đã sống lại. Họ có nhiều kinh nghiệm cụ thể với thế giới người chết và tiếp cận với những người sắp chết hơn là những người Đông Phương hiện đại thời bây giờ. Họ hiểu thế nào là sự chết.

Với việc Đức Giêsu phục sinh, các môn đệ của Đức Giêsu thời sơ khai đã đồng lòng xác quyết một điều gì đó đã xảy ra, một điều rất lạ lùng, rất khác thường và tất cả đều trải nghiệm trực tiếp về điều lạ lùng và khác thường này. Ở đây chúng ta có thể đi đến kết luận, như cách nói của Ben Meyer “Mặc dù những người làm chứng cho một sự lạ đưa ra những lý chứng không mấy thuyết phục, hoặc có thể không trung thực hay tự đánh lừa chính mình, hoặc những lý chứng của họ không mấy tương hợp với sự xác tín hay với những tính chất đặc thù  của sự kiện, nhưng như một định luật thiên nhiên không thể che đậy được, là họ đã thấy, họ đã tin và đã làm chứng như vậy. Tất cả mọi người: Phêrô, Maria Maddalêna, Salômê, Maria mẹ của Giacôbê, bà Gioanna, Giacôbê, Gioan, Nathanael thành Cana, ông Tôma và các Môn đệ khác… chẳng lẽ họ đều là những con người khờ khạo, gian dối hay tự đánh lừa chính mình?

Các môn đệ Đức Giêsu đã không kỳ vọng vào việc sống lại. Cleopas trên đường đi Emmaus, đã nói giữa đám môn đệ về một cảm giác hụt hẫng “Chúng tôi kỳ vọng Ngài chính là người sẽ giải phóng Israel” (Lc 24,21). Maria Maddalêna đứng bên ngôi mộ trống đã buồn bã thốt lên “Người ta đã lấy cắp xác Chúa tôi mang đi khỏi ngôi mộ, và chúng tôi không biết họ đặt Người ở đâu”. Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu đã nói cho các môn đệ rằng Ngài sẽ phải chịu đau khổ, phải chết và sau ba ngày sẽ chỗi dậy, nhưng họ không hiểu điều Ngài nói cho tới khi trực diện tiếp cận với Đức Giêsu – Đấng Phục Sinh. Điều đã làm thay đổi đầu óc nơi họ, chắc chắn không phải là một lời nói dối, một lời hứa hão huyền, hay một ảo giác của cả một tập thể, nhưng là một kinh nghiệm có thật về Đức Giêsu – Đấng đã sống lại và ở giữa họ.

Nhưng để có được trải nghiệm về Đức Giêsu Phục Sinh, một sự kiện gây chấn động, họ phải mở rộng tâm hồn đón nhận thực tại Thiên Chúa. Họ phải mở lòng để đón nhận Thiên Chúa – Đấng đang tác động trong lịch sử, một Thiên Chúa thể hiện chương trình cứu độ đếm với con người, thông qua thân xác mong manh của Đấng bị đóng đanh, nhưng đã sống lại để khai mở một kỷ nguyên mới, một cuộc sống mới bất diệt. Nếu ai đó không tin vào Thiên Chúa, sẽ khó mà tin được Thiên Chúa đã sai gửi người con của Ngài, và hiển nhiên Ngài đã có một người con yêu dấu để trao ban cho chúng ta. Hơn nữa, nếu có ai không tin Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử, sẽ khó mà chấp nhận rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử bằng cách cho người con của Ngài sống lại để cứu chuộc con người.

Các Môn đệ đã tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia, Đấng sẽ chuộc lại dân Israel. Tuy nhiên, khi Ngài tiến nhận cái chết, họ đã phải tự thẩm định lại xem họ đã tin gì và Đấng mà họ đã đi theo là ai? Sự tái thẩm định niềm tin đó đã mau chóng xảy ra khi đối diện trước những biến cố làm chao đảo những kỳ vọng nơi họ, và cuối cùng họ đã cảm nhận  được mầu nhiệm Chúa phục sinh, chỉ vì biết mở lòng để Thiên Chúa tác động trong lịch sử hầu thực hiện kế hoạch cứu chuộc loài người. Sự phục sinh khiến họ thay đổi tận sâu thẳm tâm hồn, nhưng họ đã tin bởi vì họ đã trải nghiệm được điều chân thực này. Tất cả những việc còn lại cần phải làm và có thể làm, là họ sẽ mang chở chứng tá cho một thực tại rất rõ ràng “Đức Giêsu đã sống lại và đã đến ở giữa họ”.

 

  1. Mừng Vui Lên (Lc 24, 1-12)

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Mừng vui lên… vui lên, hỡi Mẹ Hội Thánh vui lên…hãy vang lên tiếng ca hát của toàn dân. Vâng đêm nay là “đêm của Đức Chúa” (Xh 12, 42), đêm Thánh “mẹ của mọi đêm thánh” (thánh Augustinô). Đêm đêm tôn vinh và cảm tạ, vì Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi yêu thương con người, đêm nối kết trời với đất, con người với Thiên Chúa, và con người trần thế với nhau.

Lễ nghi Canh Thức long trọng đêm nay làm cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục Sinh, một biến cố có tính cách quyết định và luôn thời sự, Mầu Nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đêm nay, vô số những cây nến phục sinh được đốt lên trong các nhà thờ tượng trưng ánh sáng Chúa Kitô đã và còn đang sáng soi nhân loại, ánh sáng không bao giờ lụi đi, ánh sang chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự dữ…(x. Exsultet). Còn hạnh phúc và hy vọng nào lớn lao hơn, khi Con Thiên Chúa sống lại, để tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại vinh quang. Vì thế, Giáo hội trần thế đêm nay với niềm vui khôn tả đều đồng thanh công bố Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới: “Mừng vui lên”, mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiền thần…Cùng vui lên hỡi các nhiệm mầu thánh này…Và vui lên, toàn trái đất…Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh…(x. Exsultet) vì Chúa đã sống lại.

Chúa Giêsu thành Nagiarét, Đấng chịu đóng đinh, đã sống lại từ trong cõi chết sau ba ngày bị mai táng trong mồ, đúng như lời Kinh Thánh. Lời loan báo của “hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói” (Lc 24,4) làm “các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất” (Lc 24,5). Thấy vậy, hai người lên tiếng: “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại”(Lc 24, 5-6). Vâng Người đã sống lại rồi.

Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem tâm tình của mấy phụ nữ “vừa tảng sáng, đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn” (Lc 24,1), hết sức bàng hoàng khi thấy: “Hòn đá đã lăn ra khỏi mồ?” (Lc 24,2). Nhờ lời của hai người lạ kia, các bà nhớ lại lời Người đã nói: “Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 24,7).

Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Chính vì thế mà các Thiên Thần từ trời cao đã tuyên bố: “Người không còn ở đây. Người đã sống lại” (Lc 24, 6). Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Đấng hằng sống” (Kh 1,8), Đấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.

Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội tổ tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người. Từ nay con người phải chết sẽ được sống, ơn làm con cái Chúa được phục hồi, sự chết sẽ không còn cơ hội để khống chế và tiêu tan những cố gắng của con người nữa. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, sự Phục Sinh của Người trở thành sự phục sinh của chúng ta, như lời tiên tri Ezechiel đã loan báo: “Đây, Ta mở ra các mồ mả của các người; Ta phục sinh các người từ các mồ mả, hỡi dân ta ơi, và ta sẽ dẫn các người trở lại xứ sở của Israel” (Ed 37,12). Những lời tiên tri trên có một giá trị đặc biệt trong ngày Chúa phục sinh, bởi vì hôm nay được nên trọn lời hứa của Đấng Tạo Hóa.

Ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta đây, thời đại bị ghi dấu bởi sự lo âu và không chắc chắn, thời đại khủng hoảng, mất niềm tin vào nhau, chúng ta được sống biến cố Phục Sinh, một biến cố đã thay đổi dung mạo cuộc đời chúng ta, đổi thay cả lịch sử nhân lọai. Tất cả những ai đang bị áp bức bởi những mối dây ràng buộc của đau khổ, của sự chết, đang chờ đợi niềm hy vọng từ Chúa Kitô Phục Sinh, cả đôi khi họ chờ đợi một cách vô ý thức.

 Cùng với Giáo Hội, những lời của bài ca Exsultet, “Hãy vui lên, hỡi ca đoàn các thiên thần, hãy hát lên… hỡi trái đất, hãy nhảy mừng”. Biến cố Phục Sinh của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ, và liên kết đất trời chung lại với nhau. Một lần nữa, với những lời của bài ca “Hãy vui lên”, chúng ta có thể cao rao: “Chúa Kitô… Đấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Đấng là Con Thiên Chúa, là Đấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời”. Amen.

 

  1. Người đã trỗi dậy rồi

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Có vẻ sau cái chết của Thầy Giêsu chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện Thầy sẽ sống lại.

Các phụ nữ chỉ quan tâm đến việc xức xác Thầy. Nhưng khi thấy ngôi mộ trống trơn, họ phân vân và bối rối không hiểu.

Là những Kitô hữu ngoan đạo, chúng ta thấy mình quá quen với chuyện Chúa phục sinh, đến độ coi đó là chuyện tự nhiên. Chính vì thế ta không cảm được nỗi lo lắng, ngỡ ngàng của các phụ nữ và các môn đệ vào buổi sáng tinh mơ của ngày thứ nhất.

Các bà chẳng biết làm gì với số thuốc thơm đã chuẩn bị. Cửa mộ đã mở toang, thi hài Thầy đâu còn.

Nếu sứ thần không hiện ra giải thích thì ngôi mộ trống vẫn là một bí ẩn khôn dò.

Khi các bà trở về kể lại cho Nhóm Mười Một những gì đã xảy ra ngoài mộ đá, các ông đã không tin, cho là chuyện lẩn thẩn. Có lẽ ho nghĩ các phụ nữ là người yếu bóng vía. Làm gì có chuyện sứ thần bảo là Thầy đã phục sinh!

Phêrô đứng lên chạy ra mộ (Lc 24,12).

Ông cũng thấy như các phụ nữ kể lại. Nhưng ông chỉ kinh ngạc thôi, chứ không tin.

Quả thật tin Thầy đã sống lại là điều khó, dù Đức Giêsu đã báo trước nhiều lần về cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Các môn đệ chỉ nhớ được nửa đầu của lời loan báo.

Dường như nỗi đau quá lớn làm họ mau quên, vì thế sứ thần hiện ra là để nhắc cho họ nhớ (c.6), và họ đã nhớ lại những gì Ngài dạy (c.8).

Đức Giêsu phục sinh hiện ra cũng nhắc cho họ nhớ (c.44).

Về sau Thánh Thần cũng sẽ làm công việc này, đó là nhắc cho họ nhớ mọi lời Đức Giêsu đã nói (Ga 14,26).

Nhắc nhớ là nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Quá khứ bị ám ảnh bởi cái chết đau thương. Chúng ta dễ bị sa lầy trong quá khứ u buồn, không còn khả năng để hy vọng và vui sống.

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở nơi kẻ chết”.

Đức Giêsu đã mở tung cửa mộ vào sáng phục sinh. Muốn gặp được Ngài, phải tìm Ngài ở ngoài phần mộ.

Kitô giáo không kết thúc bằng thập giá và phần mộ.

Đức Giêsu bây giờ là Đấng tràn trề sự sống mới. Xác Ngài không còn nằm đó, nhưng đã chỗi dậy.

Ngài vẫn đi với ta trên cùng một con đường. Ngài đến khi cả đêm ta không được một con cá nhỏ. Ngài ở lại nhà ta khi ta đóng cửa vì sợ hãi.

Chúng ta vẫn thường tìm sai địa chỉ của Ngài, bởi chúng ta không tin Ngài đã sống lại thật.

Nếu chúng ta tin Ngài là Sự Sống và là Nguồn Sống, cuộc đời chúng ta sẽ chẳng như xưa.

Gợi Ý Chia Sẻ

Cuộc đời con người kết thúc nơi nấm mộ. Nhưng người Kitô hữu lại tin nấm mộ là nơi sự sống mới nẩy mầm. Con người sinh ra là để sống mãi. Riêng bạn, tại sao bạn tin có cuộc sống đời sau? Niềm tin đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống đời này không?

Lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh, theo bạn, lễ nào vui hơn, lễ nào lớn hơn?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

 

  1. Nguồn hy vọng sống lại – Cố Lm Hồng Phúc

Trong tuần vừa qua, một màn tang tóc đã bao trùm Giáo hội. Giáo hội mặc niệm cuộc Thương khó Chúa Giêsu, vì thương yêu ta đã chết để đền tội nhân loại.

Nhưng hôm nay, mùa tang đã hết. Giáo hội vui mừng hát lên lời Alleluia, vì Chúa đã toàn thắng sự chết và đã sống lại.

Phúc Âm kể rằng sau khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá, các môn đệ đã hạ xác, liệm vào khăn, đặt vào mồ, lấy hòn đá lớn che lại và ra về. Người Do-thái đã nghe nói đến lời tiên tri Chúa phán về việc ngài sẽ sống lại, nên đâm bối rối. Và để ăn chắc, đã lấy ấn niêm phong cửa mồ và cho bộ đội canh phòng cẩn mật, làm một việc xưa nay chưa từng làm là canh chừng một xác chết vì sợ xác chết ấy sống lại.

Sáng Chúa nhật hôm ấy như sáng Chúa nhật hôm nay, khi trời còn tờ mờ sáng, Maria Madalena đi ra phần mộ. Bà thấy hòn đá đã lăn ra, liền chạy vội về báo tin cho các môn đệ. Các ông cho rằng đây là chuyện đàn bà dễ tin. Nhưng rồi Pherô và Gioan cũng quyết định chạy ra mộ xem sao. Đến nơi, họ nhận thức cảnh mộ trống. Mộ còn đó mà người nằm trong mộ biến đâu mất. Vậy sự kiện lịch sử đầu tiên về việc Phục Sinh là cảnh ngôi mộ trống. Nhưng dữ kiện ấy thôi không đủ để gây niềm tin. Vì biết đâu rằng mộ trống vì có người ăn trộm xác, rồi dấu tiệt đâu mất, như luận điệu người Do-thái tung ra để ém nhẹm sự Chúa phục sinh, sống lại. Vậy, với sự kiện mộ trống, còn kèm theo một sự kiện lịch sử thứ hai là người nằm trong mộ đã hiện ra. Vậy trong ngày trọng đại hôm nay, Đấng nằm trong mộ, Đấng mà dân Do-thái đã huyên hoang cho rằng họ đã giết chết, đã chôn chặt trong lòng đất, Đấng ấy đã phục sinh, đã sống lại, và đã hiện ra nhiều lần cho nhiều người xem. Ngài đã hiện ra với Madalena, với Pherô, với hai môn đệ trên đường Emmaus và với các môn đệ đang họp nhau trong nhà cửa đóng then cài, kín bưng kín bít vì sợ người Do-thái.

Thánh Gioan viết: “Chúng tôi thấy và chúng tôi tin: CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI”. Lòng tin của các môn đệ dựa trên hai sự việc như vừa nói: ngôi mộ trống và người chết nằm trong mộ đã hiện ra. Pherô, trong bài đọc I, đã long trọng tuyên bố: “Đức Giêsu mà Davit đã tiên báo thân xác Ngài không phải thấy mục nát. Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại. Chúng tôi hết thảy xin làm chứng” (Cv 2, 32). Và niềm tin ấy là niềm tin của Hội Thánh, là niềm tin căn bản của chúng ta.

1) Chúng ta là người tín hữu. Người tín hữu là người tin rằng Chúa đã sống lại và đã cứu thoát ta khỏi vòng tội lỗi.

Thánh Phaolô nói: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì đức tin của chúng ta sẽ ra huyền ảo vô ích, và chúng ta vẫn còn ở trong tội lỗi” (1 Cor 15, 17). Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì đạo thánh chúng ta đã tan ra mây khói từ lâu rồi.

Nhưng sự Chúa Phục sinh sống lại bảo đảm cho lòng tin của chúng ta, lòng tin dựa trên một Đấng là Thiên Chúa, Đấng có quyền trên sự sống và sự chết. Đấng mà trong cuộc đời đã 3 lần đến gần sự chết và đã phán một lời thì sự chết rút lui, người chết sống lại. Đấng ấy hôm nay đã toàn thắng sự chết nơi chính mình, đã phục sinh sống lại. Vì Ngài không phải chỉ là một người mà là một vị Thiên Chúa làm người nhập thể. Sự chết và sống lại của Ngài là niềm tin và nguồn hy vọng của chúng ta.

Ngày xưa, khi Đức Khổng Phu Tử qua đời, các đồ đệ vì thương nhớ Thầy đã xây nhà xây cửa xung quanh phần mộ Thầy để được gần Thầy. Là một nhà hiền triết, nhưng cũng là một người như ai, Đức Khổng cũng chỉ để lại một nắm xương tàn và với thời gian đồ đệ cũng tản mát bốn phương. Chúa Kitô sau khi sống lại đã qui tụ đàn chiên đang tản mát, đã khai sinh Hội Thánh và là nguồn hy vọng sống lại của chúng ta.

2) Người tín hữu còn là người Phục Sinh. Chúng ta đã chịu phép Rửa tội, và phép Rửa tội, như Phụng vụ Vọng Phục sinh tối hôm qua đã nói lên, là một sự chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa, một cuộc vượt qua biển máu tội lỗi để vào cuộc sống Thiên Chúa. Vì thế Giáo hội dạy chúng ta xưng tội chịu lễ mùa Phục sinh để sống lại với Chúa trong đời sống thiêng liêng. Và như Chúa sống lại, Ngài không chết nữa, thì mỗi người chúng ta cũng phải xa lánh tội lỗi để giữ đời sống thiêng liêng.

Xưa Thiên Thần đã nói với người phụ nữ ra mộ: NON EST HIC – Ngài không còn ở đây nữa, thì nay Thiên Thần cũng chỉ vào quá khứ tội lỗi ta và nói như vậy. Người ấy không còn ở đây nữa. Ngài đã sống lại, Alleluia.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...