22/05/2021
3455

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

BÀI ÐỌC I: Cv 2, 1-11

“Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!”

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: “Thế này nghĩa là gì?” Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: “Họ đầy rượu rồi”.]

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. – Ðáp.

Xướng:  Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa. – Ðáp.

BÀI ÐỌC II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

“Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói “Ðức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

CA TIẾP LIÊN

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 19-23

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Ðó là lời Chúa.

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

ƠN BAN THÁNH THẦN

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

Cv 2,1-11 Chúa Thánh Thần đến ngự xuống trên các môn đệ.

Tv 104,1 Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến canh tân bộ mặt trái đất!

1Cr 12,3-7.12-13 Thần Khí Đức Ki-tô hiệp nhất mọi sự.

Hoặc Ga 5,16-25 Chúng ta hãy để cho Thần Khí hướng dẫn.

Ga 20,19-23 Đức Giê-su phục sinh ban Thánh Thần cho các Tông đồ.

Hoặc Ga  15,26-27;  16,12-15 Thần Chân Lí sẽ hướng dẫn anh em. 

 

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: ƠN BAN THÁNH THẦN. Như làn gió mạnh Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ (BĐ1) như sức mạnh cần thiết để giúp các ngài làm chứng cho Đức Ki-tô Phục sinh (BTM). Vì thế, Thánh Phao-lô nêm bật tầm quan trọng của Thánh Thần trong đời sống người tín hữu (BĐ2).

2. HỎI: Nội dung bài đọc một (Cv 2,1-11) như thế nào?

THƯA: Bài đọc thứ nhất trích từ sách Công vụ (2,1-11), tác phẩm thứ hai của Thánh Lu-ca, kể lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ vào ngày lễ Ngũ tuần.

3. HỎI: Đâu là bối cảnh của cuộc Hiện xuống?

THƯA: Đó là Thành Giê-ru-sa-lem và lễ Ngũ tuần. Thành Thánh Giê-ru-sa-lem là thành của ơn ban Thánh Thần: đó không chỉ là nơi Đức Giê-su thiết lập bí tích Thánh thể, nơi Ngài sống lại, mà còn là nơi Thánh Thần được ban xuống cho nhân loại. Vào thời Đức Giê-sulễ Ngũ tuần của Do thái giáo rất quan trọng: đó là lễ kỉ niệmn ơn ban Lề luật, một trong ba lễ lớn trong năm buộc tín hữu hành hương về Giê-ru-sa-lem.

4. HỎI: Lễ Ngũ tuần trong Do thái giáo là lễ gì?

THƯA: Ngũ tuần là năm mươi ngày sau lễ Vượt qua. Trong Cựu Ước còn được gọi là “lễ các tuần” (7x7+1), là một lễ buộc những người Do thái phải “đến trước nhan Chúa” hoặc đi hành hương về Giê-ru-sa-lem (x. Xh 23,16; Đnl 16,16; Ds 28,26). Lễ Ngũ tuần thoạt đầu là lễ hội nông nghiệp, 50 ngày sau khi thu hoạch vụ lúa, người nông dân cử hành lễ hội nầy để liên hoan mừng mùa gặt tốt đẹp. Dần dần, người ta mặc cho lễ nầy ý nghĩa tôn giáo: 50 ngày sau mùa gặt, người ta đem bánh, chiên, bò, dê để dâng lễ biểu lộ lòng biết ơn sâu xa của người lao động đối với các ơn Thiên Chúa ban. Như thế, lễ 50 hoàn tất ngày lễ đầu mùa gặt hái và bầu khí do đó sầm uất, vui tươi hơn. Tiến trình tôn giáo hóa tiếp tục: lễ dâng bó lúa đầu mùa được đồng hóa với lễ Vượt Qua, kỉ niệm lần đầu tiên dân được tế lễ Chúa sau khi thoát ách nô lệ. Và 50 ngày sau, người ta kỉ niệm ngày kí kết giao ước Si-nai.

5. HỎI: Và cuối cùng, ngày lễ 50 được đánh dấu bởi ơn ban Thánh Thần?

THƯA: Đúng vậy, Chúa đã muốn dùng lễ nầy để ban Thánh Thần của Ngài một cách dồi dào trên các tông đồ và Giáo Hội.

6. HỎI: Qua trình thuật Hiện Xuống (Cv 2,1-11), Thánh Lu-ca muốn gợi lại ba bản văn nào của Cựu Ước?

THƯA: Thánh Lu-ca muốn gợi lại ba bản văn nầy: một là bản văn ban Lề luật trên núi Si-nai (Xh 19); hai là lời của Tiên tri Giô-ên (Ge 3); và ba là câu truyện tháp Ba-bên (Stk 11,1-3)

7. HỎI: Những dấu hiệu nào gợi lại bản văn ban lề luật trên núi Si-nai?

THƯA: Đó là lưỡi lửa, tiếng động giống như một luồng gió mạnh, gợi nhớ lại những gì đã xảy ra ở trên núi Si-nai khi Thiên Chúa ban lề luật cho ông Mô-sê (x. Xh 19).

8. HỎI: Thánh Lu-ca có ý gì khi gợi lại biến cố Si-nai?

THƯA: Thánh Lu-ca muốn cho thấy lễ Ngũ tuần nầy là một biến cố Si-nai mới. Cũng như Thiên Chúa đã ban lề luật cho dân để dạy họ sống theo Giao Ước, thì từ nay Người ban Thần khí của Người cho dân, như lời tiên tri Ê-dê-ki-ên loan báo: “Ta sẽ đặt trong tâm hồn chúng Thần khí của Ta, Ta sẽ dạy chúng đi theo lề luật, tuân giữ và thực hiện các điều luật của ta, chúng sẽ là dân ta và ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (36,27). Điểm đặc biệt nhất là từ nay luật Thiên Chúa được ghi khắc trong tâm hồn chứ không còn trên những phiến đá nữa như xưa nữa.

9. HỎI: Điều gì cho thấy Thánh Lu-ca muốn gợi lại lời sấm Gio-ên?

THƯA: Tiên tri Gio-ên loan báo: “Ta sẽ đổ thần khi của Ta trên mọi xác phàm” (Ge 3). Nên sự kiện nhiều dân tộc khác nhau hiện diện ở Giê-ru-sa-lem cũng như việc người Do thái từ khắp nơi đổ về Giê-ru-sa-lem dự lễ cho thấy lời sấm Giô-ên đã được hoàn tất.

10. HỎI: Trình thuật Hiện xuống gợi lại câu truyện về tháp Ba bên như thế nào?

THƯA: Trình thuật Hiện Xuốngsửa lại câu chuyện tháp Ba-bên: ở Ba-bên, nhân loại học được sự khác biệt, còn ở ngày lễ Ngũ tuần, họ học được sự duy nhất trong sự khác biệt: từ nay, mọi dân tộc đều đồng ý công bố sứ điệp duy nhất về những điều kì diệu của Thiên Chúa bằng các ngôn ngữ của họ.

11. HỎI: Chi tiết: “mọi người đang tề tựu ở một nơi” (c.1) có ý nghĩa gì?

THƯA: Mọi người đang tề tựu ở một nơi trong ngày lễ Ngũ tuần là hình ảnh của Hội thánh, một cộng đoàn tín hữu được Đức Ki-tô qui tụ lại, được Thánh Thần linh hoạt để tiếp tục sứ mạng của Ngài trên trần gian.

12. HỎI: Còn các chi tiết: “Một tiếng động, gió mạnh, hình lưỡi lửa” (c.2) muốn gợi lên điều gì?

THƯA: Hội Thánh Đức Ki-tô khởi đầu trong ngày lễ Ngũ tuần được mô tả qua các chi tiết một cuộc thần hiển. Đó là việc Thiên Chúa tỏ mình ra một cách hữu hình. Trong Cựu Ước nhiều cuộc thần hiển được ghi lại trong các đoạn: St 12,7; 18;32,31; Xh 13,21; 24,16-18; Ds 12,7-8). Dù vẫn thường lặp đi lặp lại rằng, người ta không thể thấy Thiên Chúa mà còn sống (Is 19,21;33,20), nhưng Cựu Ước vẫn kể lại những cuộc hiện ra cho ông Mô-sê và các người khác (Xh 3,1-6; 33,17-23;34,5-9; Is 6,1-5). Đến thời Tân Ước, các sách Tin mừng cũng lể lại các cuộc Thiên Chúa hiện ra trong phép Rửa của Đức Giê-su và Biến hình của Ngài (Mc 1,9-11; 9.2-8). Hôm nay, qua tiếng động mạnh, tiếng gió thổi, hình lưỡi lửa, Thiên Chúa cho thấy Ngài hành động mạnh mẽ nơi các Tông đồ.

13. HỎI: Lửa nói lên điều gì?

THƯA: Trong Cựu Ước, lửa dùng để báo hiệu việc Chúa hiện diện, làm ánh sáng dẫn dắt dân đi trong đêm tối và để thánh hóa các lễ dâng. Do đó, lửa trong ngày lễ Hiện xuống nầy có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện, hướng dẫn, thánh hóa, khích lệ các môn đệ.

14. HỎI: Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các Tông đồ mang lại hậu quả nào?

THƯA: Ngay lập tức, các ngài đầy Thánh Thần như các tiên tri trong những giây phút xuất thần và thiêng liêng nhất. Các ngài bắt đầu dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau để ca tụng các kì công của Thiên Chúa.

15. HỎI: Có bao nhiêu dân tộc nghe được những điều kì diệu ấy?

THƯA: Trong đoạn sách Công vụ nầy,tác giả kể 12 dân tộc đã được nghe các tông đồ ngày lễ Ngũ tuần, tiêu biểu cho tất cả các dân tộc trên trần gian đều được Chúa gọi về để hưởng hồng ân mà Ngài đã từng hứa ban.

16. HỎI: Đó là hồng ân gì?

THƯA: Tiên tri Giô-ên đã loan báo rằng sẽ đến ngày Thiên Chúa đổ Thần khí của Ngài trên mọi người, hết thảy đều sẽ nói tiên tri và tiếng lạ: “Trong những ngày đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên tôi nam tớ nữ. Ở dưới đất cũng như trên trời, Ta sẽ cho xuất hiện nhiều điềm lạ là máu, lửa và cột khói” (Ge 3,1). Hôm nay, trong chính ngày lễ Ngũ tuần, việc đó đã xảy đến.

17. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin Mừng (Ga 20,19-23) như thế nào?

THƯA: Đoạn tin mừng nằm trong chương cuối cùng của sách tin mừng Gio-an (ch.20) kể lại những lần Đức Giê-su phục sinh hiện ra. Trước tiên vào buổi sáng sớm, Ngài hiện ra với bà Maria Mác-đa-la (11-18) khi bà đi đến mộ nhưng chỉ thấy ngôi mộ trống (20,1-9). Sau đó vào buổi chiều, Ngài hiện ra với các môn đệ (19-23). Trong lần hiện ra nầy, Ngài đã ban cho các ông sứ mạng rao giảng Tin Mừng Cứu Độ mà Người đã nhận từ Thiên Chúa Cha. Và sau cùng Ngài ban Thánh Thần và quyền tha tội cho các môn đệ của Ngài. Tuần sau Ngài lại hiện đến, lần nầy có cả ông Tô-ma (25-29).

18. HỎI: Các cửa đều đóng kín, nhưng Đức Giê-su vẫn đến được, cho thấy gì?

THƯA: Cho thấy rằng Ngài đang sống trong một điều kiện thể lí khác hẳn trước, thân xác phục sinh của Ngài không còn bị ràng buộc bởi các định luật vật lí như chúng ta.

19. HỎI: “Nơi các môn đệ ở” là nơi nào?

THƯA: Có lẽ Gio-an nghĩ đến một căn phòng ở Giê-ru-sa-lem, và dường như đây cũng chính là nơi các môn đệ ở khi Maria Mác-đa-lađến báo tin cho các ông (20,18).

20. HỎI: Tại sao Đức Giê-su chúc các tông đồ hai lần: “Bình an cho các con”?

THƯA: Vào chiều Phục sinh, Đức Giê-su tỏ mình ra cho các tông đồ và hai lần chào chúc bình an cho họ. Giữa hai lần chào chúc, Ngài tỏ cho thấy các dấu tích của cuộc Khổ nạn. Qua đó, Ngài muốn nói rằng bình an Ngài ban không giống bình an của người đời. Trái lại đó là thứ bình an đích thực, được mua lấy bằng chính máu của Ngài trong cuộc Khổ nạn. Niềm vui và bình an Ngài ban là kết quả của cuộc Khổ nạn ấy.

21. HỎI: Tại sao Đức Giê-su thổi hơi vào các ông khi trao ban Thánh Thần?

THƯA: Cũng như Thiên Chúa đã thổi hơi sự sống cho con người đầu tiên (Stk 1, 27; Kn 15,11), Đức Giê-su thổi hơi Thánh Thần tái tạo họ để trao ban cho sứ mạng dẫn đưa người khác đến với nguồn sự sống mới.

22. HỎI: Như thế, các môn đồ được Đức Giê-su trao ban Thánh Thần hai lần, một lần chiều ngày Phục sinh (theo Gio-an) và một lần nữa vào dịp lễ Ngũ tuần (Cv 2,1-4)?

THƯA: Hai sự việc được Gio-an và Lu-catường thuật thật ra không phải hai lần trao ban Thánh Thần khác nhau, nhưng là hai cách diễn tả cùng một biến cố.

23. HỎI: Có mối liên hệ nào giữa ơn ban Thánh Thần và sứ mệnh truyền giáo không?

THƯA: Có. Sứ mạng truyền giáo đòi phải có một cuộc biến đổi sâu xa nơi các môn đệ để họ có thể đảm nhận công việc siêu phàm mà Đức Giê-su trao ban cho họ.Chỉ có Thánh Thần mới có khả năng thực hiện cuộc sáng tạo mới ấy. Nhờ Ngài các môn đồ được hiến thánh cho sứ mạng như Đức Giê-su đã được “hiến thánh và được sai đến trong thế gian” (x. 10,36; 1.33) 

24. HỎI: Quyền tha và cầm tội được trao ban cho các môn đệ nói lên điều gì?

THƯA: Truyền thống Công Giáo vẫn coi những lời Đức Giê-su trao ban cho các môn đệ quyền tha và cầm tội là lời thiết lập bí tích hòa giải. Từ nay, các môn đệ được ban cho quyền tha thứ tội lỗi để giao hòa tội nhân với Thiên Chúa.

25. HỎI: Ơn ban Chúa Thánh Thần có cần cho việc hình thành Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và loài người không?

THƯA: Rất cần. Chúa Thánh Thần sẽ đưa Giáo Hội vào chân lí toàn diện, nghĩa là giúp cho loài người hiểu biết Thiên Chúa một cách sung mãn hơn. Con người tự sức mình không thể nào vươn tới chân lí toàn diện ấy được, phải có ơn ban Thánh Thần Chân lí, như lời sấm Tiên tri I-sai-a: “Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là Đức Chúa. Chúng sẽ là Dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Gr 24,7).

26. HỎI: Sách Công vụ của thánh Lu-cathì đặt việc Chúa Thánh Thần Hiện xuống trong ngày lễ Ngũ tuần, còn tin mừng thánh Gio-an thì lại đặt việc Đức Giê-su ban Thánh Thần vào chiều ngày Chúa sống lại, tại sao có sự khác biệt đó?

THƯA: Hai Thánh sử đi theo hai đường hướng khác nhau trong việc chuyển thông niềm tin cho các tín hữu. Thánh Gio-an thì nhấn mạnh đến tính cách duy nhất của mầu nhiệm Phục sinh: Đức Giê-su sống lại, được tôn vinh (lên trời) và ban Thánh Thần của Ngài cho Giáo Hội. Còn Thánh Lu-cathì lại chú ý đến huấn giáo mầu nhiệm bằng cách suy ngắm mầu nhiệm Phục sinh qua ba cử hành khác nhau: Đức Giê-su sống lại, Đức Giê-su lên trời 40 ngày sau, và Chúa Thánh Thần Hiện xuống 10 ngày sau đó. Phụng vụ đã theo đường hướng nầy.

27 HỎI. Lễ Hiện Xuống có phải là lễ tôn giáo quan trọng nhất không?

THƯA: Đúng là như vậy. Đó là lễ lớn nhất, vì nó chỉ ra con đường cho tin mừng được loan báo trên tòan thế giới. Đó là lễ Truyền Giáo của Giáo Hội công bố cho mọi dân biết rằng Thiên Chúa Ba Ngôi ba lần thánh là Tình yêu thương nhân loại.

28. HỎI. Nhưng theo Phụng vụ, thì lễ Hiện Xuống nói lên điều gì?

THƯA: Lễ Hiện Xuống là cao điểm của các lễ mùa Phục sinh và cùng với lễ Phục sinh, là đỉnh cao của Năm Phụng vụ. Đó là lễ của Thánh Thần và là lễ của Giáo Hội, là ngày sinh ra Giáo Hội. Nó nhắc chúng ta nhớ đến sự hiện diện và hoạt động kì diệu của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và trong đời sống con người. Hơn bao giờ hết, nhân lọai có trách nhiệm to lớn là không được dập tắt hay cản trở hành động nầy. Đức Gio-an Phao-lô II nói trong thông điệp Redemptoris Missio rằng: “Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của Sứ mạng Giáo Hội”.

29. HỎI. Việc tắt nến Phục sinh có cho thấy Đức Ki-tô vắng mặt trong Giáo hội không?

THƯA: Không hẳn là như thế, dù cho việc tắt nến Phục sinh được chỉ định trong ngày hôm nay, cho thấy một hình thức hiện diện mới của Đấng Phục sinh trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, giữa các môn đệ và ngang qua các Ngài giữa mọi dân tộc.

30. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Gl 5,16-25) như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô dạy rằng ơn ban và đặc sủng chỉ có nghĩa trong mức độ giúp chúng ta xây dựng một cộng đòan trong Tình yêu. Cũng thế, sự khác biệt trong các vai trò không cho phép ai nghĩ mình trội hơn người khác. Mỗi người có một vị trí không thể thay thế được trong một tổng thể được liên kết bởi Chúa Thánh Thần muốn qui tụ mọi người trong TÌNH YÊU.

31. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Hãy để Thánh Thần hướng dẫn chúng ta, vì chỉ có Ngài mới bảo đảm cuộc đời chúng ta sẽ được tốt đẹp, đầy tràn niềm vui và mang nhiều hoa trái cho những người mà chúng ta gặp gỡ. 2. Mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần ngự vào và tự do hoạt động, bằng cách nỗ lực canh tân đời sống, xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn, dùng những ơn huệ Chúa Thánh Thần đã ban, nhất là những đặc sủng, mà phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa và Hội Thánh.

GLCG 1087861 1536. Khi ban Thánh Thần cho các tông đồ, Đức Giê-su Phục Sinh ủy thác cho các ngài quyền thánh hóa(x Ga 20,21-23): các ngài trở nên dấu chỉ bí tích của Chúa Ki-tô. Cũng do quyền năng Thánh Thần, các ngài chuyển giao quyền thánh hóa cho những người kế nhiệm. Việc kế nhiệm tông đồ định hình toàn bộ đời sống phụng vụ của Hội Thánh, việc kế nhiệm đó mang tính bí tích và được truyền lại bằng bí tích Truyền Chức.

... và hiện diện trong Phụng Vụ trần thế... 1088776 669 1373. "Để chu toàn công việc lớnlao" là ban phát hay thông truyền ơn cứu độ, Chúa Ki-tô hằng hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động Phụng Vụ. Người hiện diện trong thánh lễ, không những nơi thừa tác viên, vì "như xưa Người đã tự dâng mình trên thánh giá, thì nay chínhNgười cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục, mà còn hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng củaNgười; vì thế ai rửa tội cũng chính là Chúa Ki-tô rửa tội. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người đang nói, khi người ta đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh. Sau hết,Người hiện diện khi Hội Thánh cầu khẩn và hát thánh vịnh, như chính Người đã hứa: Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ "(Mt 18, 20)(x. SC 7).
 

Suy niệm: Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ Giáo Hội

Nhìn lại lịch sử với những thăng trầm, với những sóng gió, với những bóng tối của Giáo hội, đôi lúc người ta tưởng Giáo Hội đã tàn lụi. Người ta tưởng thế gian đã chiến thắng. Giáo hội của Chúa sẽ tan rã thê lương. Có những lúc kẻ cường quyền đã đè bẹp Giáo hội bằng những sắc chỉ cấm đạo, bằng những án tử hình ghê rợn, nhưng bạo chúa nào rồi cũng qua đi. Giáo hội vẫn tồn tại. Có những lúc Giáo hội đi vào những khúc quanh đen tối của dòng lịch sử khi mà thế quyền điều khiển Giáo hội, Giáo hội chỉ là con cờ trong tay chính quyền sai khiến, thế nhưng triều đại nào rồi cũng qua đi, bàn tay Thiên Chúa vẫn dẫn dắt Giáo hội đi theo thánh ý Chúa. Có những lúc Giáo hội tưởng như đã đổ xập xuống khi mà người điều hành Giáo hội lại sống thiếu bổn phận, thiếu trong sạch và đạo đức, nhưng Thiên Chúa vẫn giúp Giáo hội vượt qua những khủng hoảng, những mây mù đen tối để có thể tiếp tục bay cao, bay xa và đi đến tận cùng trái đất.

Giáo hội vẫn trường tồn qua mọi thời đại dầu có phải đương đầu với bao khó khăn, bất trắc và hiểm nguy vì linh hồn của Giáo hội chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa mãi hằng sống. Thiên Chúa vẫn hiện hữu giữa lòng Giáo hội. Chúa Giêsu Ngài đã chiến thắng thế gian. Ngài hứa ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Ngài là sức mạnh của Giáo hội đến nỗi cửa hoả ngục cũng không thắng được. Ngài là thành luỹ chở che Giáo hội giữa những phong ba bão tố cuộc đời. Ngài còn ban cho Giáo hội Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong lòng Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ bù đắp lại chỗ khiếm khuyết của Giáo Hội. Chính quyền năng Chúa Thánh Thần sẽ hiển trị nơi sự yếu hèn của những phần tử trong Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ uốn nắn những tư tưởng, những đường lối lệch lạc, sai lầm của con người phải thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh cho thấy: con người từng toa rập với ma quỷ để phá đổ chương trình của Chúa, nhưng Thiên Chúa đã sửa sai và làm cho tốt hơn. Điển hình là tội của Adam đã phá vỡ những điều tốt đẹp trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã biến thành Tội Hồng Phúc để ban Đấng Cứu Thế cho nhân trần. Giuse đã từng bị các anh bán qua Ai Cập, nhưng đó lại là cơ hội để cứu giúp cho cả dòng tộc Giacop… Và còn, còn rất nhiều những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử để đưa lịch sử trở về với chương trình của Thiên Chúa.

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo hội vì vẫn có bóng Thánh Thần che phủ trên hành trình Giáo hội. Giáo hội không thuộc về con người, nên cường quyền, thế quyền và thế lực của ma quỷ không thể làm cho Giáo hội biến chất hay hư hoại. Thế gian luôn thù ghét Giáo hội. Thế gian luôn tìm cách phân chia Giáo hội. Vì Giáo hội thuộc về Thiên Chúa nên thế gian tìm cách loại trừ. Chúa Giêsu Ngài đã biết trước những khó khăn sẽ tới với Giáo hội, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ đến để gìn giữ, canh tân Giáo hội. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý sẽ bảo vệ đức tin và hướng dẫn Giáo hội đi trong chân lý vẹn tuyền. Sự hiên diện của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội như muốn nói với chúng ta: Giáo hội không tồn tại bởi những con người cụ thể. Giáo hội càng không phát triển dựa vào tài trí một con người nào đó. Giáo hội luôn được lớn mạnh vì có sức sống thần linh của Ngôi Ba Thiên Chúa hoạt động trong Giáo hội.

Thực vậy, có ai nghĩ rằng chỉ vỏn vẹn 12 tông đồ yếu kém về trình độ học thức, về nghị lực lại có thể mang tin mừng Chúa trải rộng khắp Năm Châu? Có ai nghĩ rằng Phêrô vụng về năm nào lại có thể mang về cho Nước Chúa biết bao mẻ cá kỳ diệu là các tín hữu ky-tô? Có ai nghĩ rằng Giáo hội phát triển không nhờ tài trí con người, không nhờ những thoả hiệp với thế gian, những bổng lộc của vua quan mà Giáo hội phát triển, vươn lên mạnh mẽ qua những gian truân, những nước mắt và máu đổ, như lời Tertuniano đã từng nói: “Máu các thánh tử đạo sẽ làm trổ sinh các tín hữu”? Ở thế kỷ 20, có ai ngờ rằng biểu tượng sáng giá cho đời sống chứng nhân tin mừng lại nằm trong một con người nữ tu nhỏ bé thành Calcutta là Mẹ Têrêsa? Tất cả những điều kỳ diệu đó đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có thể biến các tông đồ nhút nhát thành can trường. Chúa Thánh Thần có thể ban ơn khôn ngoan cho những con người yếu hèn để họ có thể làm việc của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng có thể biến đổi kẻ từng bách hại đạo thành Chúa thành một tông đồ nhiệt thành ra đi mở mang Nước Chúa.

Vì thế, là người ky-tô hữu thiết tưởng chúng ta đừng nhìn Giáo hội với con mắt trần thế, chúng ta sẽ không thấy tương lai. Vì Giáo hội vẫn còn bất cập, vẫn còn những lập trường cá nhân hàm hồ, vẫn còn những khiếm khuyết nên có thể chúng ta sẽ thất vọng về những gì đang diễn ra trong Giáo hội. Hãy nhìn Giáo hội với con mắt của đức tin để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn trung thành với Giáo hội. Chúa sẽ có cách để gìn giữ Giáo Hội. Chương trình của Chúa chắc chắn sẽ cao hơn những gì chúng ta thấy, chúng ta nghĩ. Tư tưởng của Chúa luôn là sự kinh ngạc đến lạ thường mà con người mãi mãi không thể hiểu được! Hãy tín thác vào Chúa để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn đứng về phía Giáo hội để cầu nguyện, để bảo vệ, để giúp Giáo hội vượt qua những khó khăn trước mắt. Đừng ngồi đó để nguyền rửa nhau hay giận dỗi nhau, nhưng hãy cùng nắm tay nhau đi chung một con đường có tên Giêsu. Con đường của Giêsu là con đường âm thầm, mục nát để đem lại sự sống cho đời. Con đường của Giêsu đến để phục vụ chứ không tìm vinh quang cho mình. Con đường đó Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy trở nên như muối men giữa đời làm cho đời tốt hơn chứ không đảo lộn thế gian. Đừng bắt ai theo quan điểm của mình. Đừng lôi kéo ai theo phe nhóm mình. Hãy tìm lối sống hoà hợp giữa thế gian. Không hoà tan nhưng vẫn giữ được giá trị của phúc âm từ chính đời sống hiệp nhất yêu thương trong lòng Giáo hội.

Ngày 28 tháng 10 năm 1958, Đức hồng y Angelo Giuseppe Rollcali lên ngôi giáo hoàng lấy tước hiệu Gioan 23. Một ông lão không tiếng tăm lên lãnh đạo Giáo hội, nhiều người nghĩ rằng sẽ chẳng có gì mới với một ông lão gần đất xa trời. Thế nhưng, ông lão này đã làm nên một kỳ diệu được coi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần thứ hai khi Ngài triệu tập công đồng Vaticano II để canh tân Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm những việc kỳ diệu cho dân Người. Chúng ta hãy hân hoan bước đi trong niềm tín thác vào Chúa. Và với lòng cậy trông chúng ta cùng thưa lên cùng Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thánh hoá chúng con trong chân lý và tình thương”. Amen.
 

Biến đổi

Nhạc sĩ Phanxicô gởi gắm tâm tình của mình trong bài hát cầu xin Chúa Thánh Thần thật dễ thương: “Hãy chiếu soi lửa hồng vào đêm tối sâu thẳm hồn con, lửa tình yêu, lửa huyền siêu, Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều thánh ân…”

Không chỉ có thế, linh mục Thành Tâm thêm: “Thánh Thần! khấn xin ngự đến. Hồn con đang mong chờ Ngài, sưởi lòng những ai lạnh giá, gặp phong ba, không còn tin yêu. Ngài ơi, xin Ngài trông đến, đốt cháy lửa thiêng vô biên, mến thương. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, đến ban bình an.

Lạy Ngài xin đến, dẫn dắt chúng con trên đường. Cầu Ngài liên kết chúng con nhất tâm trong Ngài. Cầu Ngài ban ơn, thêm sức kiên vững không lay. Sống sao nên người con Chúa chứng nhân tình yêu…

Nhiều và nhiều bài hát nữa viết về Chúa Thánh Thần, nhưng tất cả chỉ có một điểm chung duy nhất đó là xin Chúa ban cho con người, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta tình yêu của Chúa.

Nguồn tin Đức Gioan XXIII loan báo triệu tập công đồng đã làm cho toàn thế giới ngạc nhiên. Lúc đó hầu như không một ai chờ đoán và nghĩ tới sự kiện đó. Vì triệu tập Công đồng Vaticanô II không phải là một suy nghĩ, sáng kiến của Đức Giáo Hoàng, mà ngài được linh hứng từ Chúa Thánh Thần. Ngài gọi Công đồng này là “Một lễ Hiện Xuống Mới”. Vì lúc bấy giờ các cửa ra vào của toà nhà Giáo Hội đã khép kín với thế giới bên ngoài đều được mở tung và hướng ra cho toàn thể nhân loại. Sau Công đồng mọi cái đều được đổi mới và được mở rộng; mỗi dân tộc trên thế giới đều có thể nghe được sứ điệp của Chúa Kitô bằng chính ngôn ngữ riêng của mình.

Một cuộc đổi mới lạ lùng hơn nữa, chính là biến cố Chúa Giêsu ban Chúa Thanh Thần cho các tông đồ cách đây hơn hai ngàn năm, Ngài đã biến đổi các tông đồ như trở thành một con người mới. Trước kia nhút nhát thì nay nên mạnh mẽ phi thường, trước kia hèn hạ bỏ trốn, thì nay sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Trước kia các ngài u mê, chậm hiểu, mặc dù sống với Chúa suốt ba năm trời vẫn không hiểu rõ sứ mệnh của Chúa.

Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục che chở và đổ tràn hồng ân xuống trên Giáo Hội và mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta cũng không thua kém các giáo hữu đầu tiên. Qua các bí tích, nhất là qua bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, Chúa thánh Thần đã đến và hoạt động trong ta; Chúa Thánh Thần thông ban dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho ta, biến đổi ta nên người Kitô hữu trưởng thành và mạnh mẽ được ket hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngài còn cho ta biết về giáo lý Chúa Kitô: “Thánh Thần sẽ nhắc nhở chúng ta” các điều cần thiết để giữ nghĩa cùng Chúa và tiến lên trong đời sống hoàn thiện. Muốn làm được điều đó chúng ta phải sẵn lòng mở cửa tâm hồn mà đón rước Chúa Thánh Thần, lắng tai mà nghe Lời Người dạy bảo, khuyên nhủ, hãy vâng theo đường lối Ngài chỉ dẫn cho chúng ta.

Trong thế giới ngày nay, tâm hồn con người cũng được biến đổi rất nhiều theo đà tiến của xã hội, nhưng không phải hết nơi họ đều được biến đổi theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, mà lại lao mình theo sự cuốn hút của “Tà Thần” đi vào nền văn minh sự chết, một nền văn minh ngày càng thiếu đi tình người. Nhắc đến đây tôi mơi giật mình nhìn lại, hàng ngày mình vẫn hay thường lãng quên Chúa Thánh Thần, không quan tâm đến các ơn của Ngài. Vậy, hôm nay và ngay bây giờ chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ và soi sáng để mỗi ngày tâm hồn ta được biến đổi theo hướng của Ngài. Amen.
 

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG B

(Ga 20, 19-23)

Lm. Tôma A. Trần Bá Huy

 

Có một chàng trai tuổi 30, cầu nguyện xin Chúa đổi mới thế giới này. Vì anh cảm thấy chân lý bị đẩy lui trong đời sống, nên thế giới dần xa rời tình yêu Thiên Chúa, càng ngày con người càng thích sự tối tăm hơn là ánh sáng. Cầu nguyện cho đến lúc đã 50 tuổi mà ông không thấy thế giới đổi mới gì cả. Ông vẫn kiên trì cầu nguyện, nhưng lần này ông không cầu nguyện cho thế giới mà cho gia đình. Xin Chúa đổi mới gia đình con vì đời sống của họ xuống cấp, chẳng biết đâu là sự thật, không biết đâu là sự quan phòng của Chúa. Đến 70 tuổi, gia đình ông vẫn như thế. Ông thất vọng. Vì cả đời cầu nguyện, cầu nguyện cho thế giới: không được; cầu nguyện cho gia đình Chúa cũng không nhận lời. Lúc này, Chúa lên tiếng. Hỡi con, điều quan trọng nhất để cứu lấy linh hồn là con hãy đổi mới chính mình. Bởi khi con đổi mới chính mình thì gia đình con và thế giới s đổi mới.

Kính thưa qobace, hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thế nhưng trong đời sống người Kitô hữu, dường như chúng ta thường nhớ tới Chúa Giêsu và Chúa Cha, ít khi nhớ tới Chúa Thánh Thần. Cho nên có người nói vui: Chúa Thánh Thần là Ðấng bị quên lãng. Thế nhưng khi nhìn vào đời sống của Chúa Giêsu cũng như đời sống của Giáo Hội, chúng ta lại thấy sự hoạt động rất kỳ diệu của Chúa Thánh Thần.

Thứ I: Sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Đức Giêsu: Từ việc tượng thai của Đức Giêsu trong cung lòng Đức Mẹ, chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính: "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh". Chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Đức Maria đã thụ thai Hài Nhi Giêsu mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Rồi khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Người đã đến xin chịu phép rửa của Gioan tại sông Giođan. Vừa chịu phép rửa xong, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người. Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và chịu ma quỷ cám dỗ. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giêsu đã chiến thắng ba cơn thử thách cám dỗ của ma quỷ. Rồi trong quyền năng Thánh Thần, Người đã đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời bắt đầu từ Galilê. Cũng nhờ Thánh Thần mà Đức Giêsu đã xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân. Khi được Thánh Thần tác động, Người đã vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha. Rồi sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần, Người đã hiện ra chúc bình an, rồi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, tiếp tục sứ vụ của Người. Người cũng thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các tông đồ chu toàn sứ vụ. Cuối cùng, Người còn ban cho các ông quyền tha tội hay cầm giữ.

            Thứ II: Sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh: Thời Hội Thánh sơ khai, Thánh Thần đã tác động biến đổi các Tông đồ: Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm và công khai làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt đám đông; Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu thấu mọi điều Chúa đã truyền dạy; Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng. Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã thâu nạp được nhiều người có lòng sám hối xin chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu. Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà cộng đoàn tín hữu đầu tiên luôn sống hiệp thông, siêng năng tham dự lễ Bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ đó số tín hữu gia nhập Hội Thánh ngày một tăng.

            Thứ III: Sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội hôm nay: Cách đặc biệt Thánh Thần soi sáng cho các vị chủ chăn để các ngài chu toàn ba sứ vụ được Đức Giêsu trao phó: Một là sứ vụ Ngôn sứ để công bố Lời Chúa. Hai là sứ vụ Tư tế để thánh hóa các tín hữu bằng các bí tích. Ba là sứ vụ Vương đế để dẫn dắt và phục vụ Hội Thánh. Do đó, khi Đức Giáo Hoàng triệu tập Công Đồng Chung mà công bố điều gì về đức tin và luân lý thì đều bất khả ngộ nghĩa là không thể sai lầm, vì luôn được Thần Chân Lý soi dẫn, cho nên trong quyết nghị của công đồng Giêrusalem năm 49 có viết: "Thánh Thần và chúng tôi quyết định" (Cv 15,28).

Thứ IV: Sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong mỗi người chúng ta: Trong Kinh Thánh, Thần Khí được ví như là hơi thở, là sự sống xuất hiện ngay từ khi vũ trụ được tạo thành. “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (x. St 1,2). Chính nhờ Thần Khí, con người đầu tiên trở thành sinh vật có sự sống. Khi dựng nên Ađam, Thiên Chúa đã thở hơi vào thân xác bất động vừa được nhào nặn từ bùn đất, lập tức thân xác ấy sống động. Đối với Thiên Chúa, hơi thở của Ngài là một biểu tượng khả giác về sự hiện diện và quyền năng của Ngài, quyền mà Thiên Chúa dùng để phát ra lời được biểu hiện trong hơi thở. Hơi thở của Ngài là “nguồn” của mọi loài. Chúng sống được là nhờ sinh khí của Ngài. Khi nói Thiên Chúa gửi Thần Khí của Ngài đến ngự trong lòng tín hữu, có ý ám chỉ chiều kích thâm sâu nơi mỗi con người được đánh động và được biến đổi. Do đó các tín hữu trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Như thánh Phaolô đã khẳng định: “Nào anh em đã chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em đó sao?". Như vậy, thân xác chúng ta là nơi Thiên Chúa cư ngụ vì đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, tẩy trừ những nhơ uế do tính xác thịt gây ra. Thân xác trở nên tinh tuyền thánh thiện xứng đáng là ngôi đền cho Thiên Chúa ngự. Thánh Thần được trao ban cho chúng ta, Thánh Thần đổ tràn đầy trong lòng chúng ta và chúng ta đón nhận Ngài như của đầu mùa, làm cho chúng ta trở nên Thân Mình của Đức Kitô. Nói cách khác, Thánh Thần đưa chúng ta đến đồng nhất với Đức Kitô: “chúng ta có Thánh Thần, chúng ta thuộc về Đức Kitô”. Vì thế, thân xác không phải là thứ ngục tù, xấu xa và đáng khinh bỉ. Nhưng ngược lại, thân xác mỗi chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em”, cái giá đó chính là Máu Đức Kitô;thân xác này được Chúa Thánh Thần làm cho trong sạch để trở nên đền thánh nơi Thiên Chúa ngự, là chi thể trong Thân Mình của Đức Kitô là Giáo Hội. Về vấn đề tôn trọng thân xác, Công đồng Vaticanô II cũng khẳng định rằng: Con người duy nhất với xác và hồn…chính phẩm giá con người đòi hỏi con người ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác mình chứ đừng để cho thân xác ấy nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình.

Kính thưa qobace, nhiều khi chúng ta cảm thấy Thánh Thần xa lạ, đang khi Ngài chính là một Người Bạn, Người Thầy của chúng ta. Ngài luôn ở bên và ở trong chúng ta. Ngài cần cho đức tin của chúng ta, giống như hơi thở cần cho sự sống. Chúng con chỉ có thể gọi Thiên Chúa là "Abba! Cha ơi !" nhờ Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử. Chúng ta chỉ có thể gọi Đức Giêsu là "Chúa" khi chúng ta ở trong Thánh Thần. Chính nhờ có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta mới dám cầu nguyện và mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Lời Chúa Giêsu. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà Hội Thánh không ngừng canh tân đổi mới. Chính vì vậy, xin Chúa đổi mới mỗi chúng ta bằng chính Thánh Thần của Ngài. Amen.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...