17/02/2022
1844

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38
a
 

MỤC LỤC

1. Yêu thương

2. Bác ái vô biên – ViKiNi

3. Luật yêu thương

4. Tiến mãi không ngừng

5. Sự tha thứ cho tất cả

6. Sự tha thứ cho tất cả

7. Yêu người tột độ

8. Tinh thần Phúc Âm mới. Yêu mến thù địch

9. Tinh thần mới – R. Gutzwiller

10. Chú giải của Fiches Dominicales

11. Cho đi

12. Nhìn ra nhau là anh chị em

13. Yêu thương

14. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

15. Luật yêu thương

16. Kẻ nội thù

17. Yêu thù địch

18. Yêu thương

19. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

20. Hãy yêu kẻ thù

 

1. Yêu thương

Huyền thoại Hy lạp kể lại rằng: Narcisse là một vị thần rất đẹp trai, khiến cho nàng tiên Echo đem lòng yêu thương say đắm. Thế nhưng, Narcisse không những đã cự tuyệt mối tình say đắm ấy, mà còn biến nàng thành tượng đá.

Ngày kia, Narcisse đi lang thang, tình cờ chàng đến bên một giòng suối. Chàng nhìn ngắm bóng hình mình in trên mặt nước và cảm thấy ngất ngây vui sướng. Chàng cố sức nắm bắt bóng hình ấy, nhưng không tài nào nắm bắt được. Chính vì thế, chàng sinh ra buồn sầu, ủ rũ và qua đời. Sau khi chết, chàng hóa nên cây thủy tiên, mọc bên giòng suối.

Bởi đó trong tiếng Pháp, danh từ “narcisse” có nghĩa là kẻ hợm hĩnh về sắc đẹp của mình, còn danh từ “narcissisme” có nghĩa là lòng tự kiêu quá đáng.

Mỗi người chúng ta, không ít thì nhiều, cũng giống như chàng Narcisse đáng buồn ấy, bởi vì ai cũng yêu mình thái quá, ai cũng thích khoe rằng mình tài, mình giỏi, mình đẹp, mình hay… Ai cũng muốn mình là nhân vật số một, mình là “number one”, mình là trung tâm của thế gian, mình là cái rốn của vũ trụ. Ai cũng thường nghĩ rằng kẻ khác sinh ra là để phục vụ cho mình và rồi cuối cùng mình sống trong cô độc và chết trong quạnh hưu, còn bản thân cũng chẳng hóa kiếp thành cánh hoa thủy tiên mọc bên giòng suối hư vô.

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi tình cảnh đáng thương ấy. Ngài chỉ cho chúng ta phương thức khai thông những bế tắc, bằng cách tận diệt cái tôi ích kỷ và kiêu căng để đến với tha nhân và yêu thương anh em đồng loại.

Cụ Phan bội Châu đã viết trong “Lưu cầu huyết lệ thư” như sau:

– Con chim sắp chết hót tiếng hót bi thương, con người sắp chết nói lời tâm huyết.

Lời tâm huyết của Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ trong phòng tiệc ly, trước khi Ngài ra đi chịu chết, đó là:

– Thày truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.

Bản tính của Chúa chính là Tinh yêu và cốt lõi của đạo Chúa cũng chính là Tình yêu. Sở dĩ đạo Chúa được gọi là đạo Công giáo vì đã dạy một điều phổ quát, chung cho mọi người, đó là hãy yêu thương nhau.

Tất cả những ai yêu thương anh em, đều là người có đạo, đều là Kitô hữu, đều là môn đệ của Chúa. Thực vậy, Ngài đã truyền day:

– Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con hãy yêu thương nhau.

Trong ngày sau hết, chúng ta sẽ bị tra vấn về những hành động bác ái, và công hay tội của chúng ta được ấn định dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất đó là tình yêu, như chúng ta đã thấy trong hoạt cảnh của ngày phán xét:

Ai cho người đói được ăn, người khát được uống, người trần trụi được mặc, ai thăm viếng người đau yếu, người bị giam cầm, ai nhường cơm sẻ áo va tiếp đón khách lạ… thì sẽ được ân thưởng hạnh phúc thiên đàng.

Vậy chúng ta phải yêu thương anh em như thế nào?

Chính Chúa đã dạy:

– Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con.

Đây là một tiêu chuẩn, một đòi hỏi rất cao, cũng cao như tiêu chuẩn và đòi hỏi:

– Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành.

Yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương chúng ta. Về số lượng, Chúa đã yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ thù địch, bằng chứng là trên thập giá, Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ làm khốn mình:

– Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm.

Về phẩm chất, Chúa đã yêu thương chúng ta tới mức đã đổ hết máu mình ra để tầy xóa tội lỗi chúng ta như lời Ngài đá phán:

– Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Trong cuộc sống, có những vị thánh, nhờ ơn Chúa, đã thực hiện được một ty cao cả như thế, chẳng hạn các thánh Tử đạo Việt Nam đã đổ máu đào để làm chứng cho Chúa, thánh Maximilianô Kolbê đã tình nguyện chết thay cho một bạn tù, Cha Đamiêng đã tình nguyện sống giữa những người phong cùi ở hải đảo Molokai để giúp đỡ họ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã tận tình chăm sóc những người bất hạnh và nghèo khổ.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực thi giới luật yêu thương Chúa truyền dạy hay chưa? Nếu có, thì tình thương của chúng ta đã vượt khỏi những người thân quen, để tìm đến với những kẻ bất hạnh và khổ đau, nhất là đến với kẻ kẻ thù oán, ghét bỏ chúng ta hay chưa?

Chúng ta có giám hy sinh thời giờ, tiền bạc và công sức để giúp đỡ những kẻ chẳng may gặp phải tai ương hoạn nan, như người Samaria nhân từ đã làm cho kẻ gị cướp đánh dọc đường hay không?

Chúng ta có nhớ rằng số phận đời đời của chúng ta lệ thuộc vào những hành động bác ái yêu thương chúng ta đã làm hay đã không làm để giúp đỡ nhung người chung quanh hay không?

Dĩ nhiên, không phải mọi Kitô hữu đều có lòng bác ái yêu thương, nhưng chắc chắn rằng những người có lòng bác ái yêu thương đều là môn đệ của Chúa và như vậy họ đều là Kitô hữu, như lời Ngài đã xác quyết:

– Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương nhau.

Nếu bây giờ tạm gác bỏ những việc bên ngoài như xưng tội rước lễ, tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện…để chỉ căn cứ vào những việc bác ái yêu thương, thì liệu người khác có còn nhận ra chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô nữa hay không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, trong cuộc sống có lẽ chúng con đã nghe và đã nói quá nhiều về tình yêu, nhưng còn việc làm thì lại chẳng được bao nhiêu. Chúng con chỉ mới yêu bằng tai, thương bằng miệng, chứ chưa thực sự yêu thương bằng việc làm, bằng hành động. Xin Chúa giúp chúng con biết giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ nghèo túng và khổ đau, để nhờ đó chúng ta trở nên người môn đệ đích thực của Chúa.

2. Bác ái vô biên – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’)

Tất cả các nền luân lý của nhân loại đều đề cập đến yêu người, nhưng yêu thương kẻ thù thì đặc biệt chỉ có giáo lý Đức Giêsu đòi hỏi thôi. Kẻ thù được xác định rõ ràng là những kẻ oán ghét, nguyền rủa, nhục mạ mình, là những kẻ vả má đánh đập, làm hại bóc lột mình đến cả áo mặc nữa. Chứ không phải kẻ thù xa lạ của đoàn thể hay đất nước. Kẻ thù chính cá nhân ta mới rất khó tha thứ và yêu thương.

Sách Đông Châu Liệt Quốc có kể hai anh em Cựu Tử và Bạch Tử tranh nhau chiếm ngai vàng nước Tề. Quản Trọng phò Cựu Tử, bạn chí thân của ông là Bào Thúc Nha phò Bạch Tử. Quản Trọng mưu bắn giết Bạch Tử để tôn Cựu Tử làm Vua, Bạch Tử không chết. Nhưng Cựu Tử lại bị Lỗ Hầu giết chết. Bạch Tử sống sót trở về làm Vua nước Tề. Bạch Tử phong Bào Thúc làm tướng quốc. Bào Thúc không dám nhận, lại tiến cử Quản Trọng.Vua rất kinh ngạc hỏi sao ông dám tiến cử kẻ thù đã mưu giết ta?. Bào Thúc nói: Vua muốn giữ nước Tề thì không cần Quản Trọng, nhưng muốn làm Vua thiên hạ thì phải nhờ Quản Trọng. Vua đã quên thù để lập nghiệp lớn.

Có phải Bạch Tử yêu thương kẻ thù như Đức Giêsu dậy chăng? Bạch Tử tha cho Quản Trọng và phong cho làm tể tướng không phải vì yêu kẻ thù, mà chỉ vì yêu mình, muốn Quản Trọng giúp mình làm bá chủ thiên hạ.

Bài đọc I cũng kể David đã không giết Saolê là kẻ thù đang đem 3000 quân đi lùng bắt giết David. Có phải David yêu kẻ thù chăng? Chắc là phải, vì David đã kính trọng Vua Saolê, là người đã được Chúa xức dầu. Như vậy, David vì mến Chúa mà tha thứ cho kẻ thù. Lòng kính mến Thiên Chúa chính là nền tảng đức bác ái vô biên. Ai nhận biết Thiên Chúa là Cha mình, mới nhận ra mọi người là anh em thật của mình và không còn ai là kẻ thù.

Đức Giêsu là con Thiên Chúa, đã muốn cho tất cả mọi người là anh em của Ngài, nhờ đó mọi người được làm con Thiên Chúa, cho nên không còn ai là kẻ thù. Vì thế, dù biết Giuda là kẻ nội phản, dẫn quân dữ đến bắt Ngài, Ngài vẫn hiền từ thương yêu và gọi Giuda là bạn chí thiết. Tên đầy tớ bị Phêrô chém đứt tai, Ngài vẫn làm ơn chữa lành tai cho nó, không coi nó là kẻ thù. Nhất là khi hấp hối đau đớn cùng cực trên thập giá, Ngài vẫn tha thiết cầu khẩn Đức Chúa Cha tha tội những kẻ giết Ngài vì chúng lầm chẳng biết. Thánh Stêphannô thấm nhuần giáo lý yêu thương vô biên đó, nên khi bị những trận cuồng phong ném đá Ngài như mưa, Thánh nhân đã cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông qùi xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa xin đừng chấp họ tội này”. (Cvtđ. 7, 59-60).

Ngày 13/05/1981 cả thế giới đều sửng sốt kinh hoàng về tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát tại chính công trường Thánh Phêrô. Ali Agca, một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, thủ phạm bắn Ngài, lại được Ngài đến thăm, nói chuyện và tha thứ cho anh. Tình yêu nào đã khiến Đức Giáo Hoàng thương yêu kẻ thù như bạn hữu của mình? Chỉ có tình yêu của Đức Giêsu đã thúc đẩy vị đại diện của Người dưới trần gian này đã có lòng bác ái vô biên như vậy. Chính tình yêu của Đức Giêsu cũng đã thúc đẩy ông Grandhi hết lòng thương yêu kẻ thù bằng dùng phương pháp bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn thoát ách nô lệ dân Anh và hòa giải dân Ấn với Hồi không còn coi nhau như kẻ thù truyền kiếp nữa. Họ đã tôn kính Grandhi như Cha già dân tộc và là vị đại ân nhân nhất của họ. Cả thế giới đều gọi ông là thánh Grandhi. Nhưng ngày 30/01/1948 đang lúc ông cầu nguyện tạ ơn vì bản hòa ước đã ký kết giữa hai dân Ấn-Hồi, thì ông bị chính người đồng bào bắn chết. Ông chỉ kêu lên được hai tiếng: Rama, Rama: Chúa ơi, Chúa ơi và giơ tay làm một cử chỉ tha thứ cho kẻ bắn ông.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong Gương Danh Nhân đã hỏi: Nhờ đâu, Grandhi lúc còn nhỏ là con người tầm thường, chơi bời, đàng điếm, ghen tương lại trở nên một thánh nhân vĩ đại của Ấn và của cả thế giới? (Tr. 81). Bách khoa tự đển của Punk đã trả lời: “Ông đã thấm nhuần giáo lý của Đức Kitô, như câu: “Ai vả anh em má bên phải, hãy giơ cho nó má bên kia nữa” “He acknowledged a debt to the teaching of Christ as expressed in …”whosoever shall smite thee on the right check, turn to him the other also”. (Punk, Encyclopedia, 9,11. P. 3896). Chính bài Tin Mừng hôm nay đã biến đổi Grandhi từ một con người hèn yếu, thành một thánh nhân vĩ đại của nhân loại.

Còn đối với mỗi người chúng ta, bài Tin Mừng này có biến đổi chúng ta thành con Chúa biết “thương yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ oán ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình” không?

Lạy Chúa, con đã xúc phạm đến Chúa biết chừng nào! Chúa vẫn tha thứ, hy sinh chịu chết cứu chuộc con và cho con được làm con yêu dấu của Chúa. Xin cho con nhận biết lòng từ bi nhân hậu của Chúa, cho con hết lòng yêu thương mọi người, dù họ thù ghét con mãi mãi.

3. Luật yêu thương

a. Lời Chúa hôm nay dễ hiểu nhưng khó thực hành

Luật yêu thương không phải thời Chúa Giêsu mới có. Luật này đã được nói tới từ lâu nhưng nó mới chỉ có tính cách tiêu cực.

Hillel một trong những Rabbit nổi tiếng của Do Thái, đã trả lời cho người đến xin ông ta dạy cho mình biết tất cả luật pháp chỉ trong thời gian anh ta có thể đứng cò cò trên một chân, ông bảo:

“Điều gì đáng ghét cho ngươi thì ngươi đừng làm cho kẻ khác, đó là tất cả luật pháp, các sự khác chỉ là giải thích”.

Philô, một vĩ nhân Do Thái sống tại Alexandria đã nói: “Điều gì anh ghét thì đừng làm cho bất cứ ai”.

Socrates, một nhà hùng biện Hi lạp nói: “Những gì khiến anh bực bội do kẻ khác gây ra cho mình, thì anh cũng đừng làm những sự ấy cho kẻ khác”.

Các triết gia của phái khắc kỷ có một nguyên tắc căn bản hơn: “Điều gì anh không muốn kẻ khác làm cho anh thì anh đừng làm cho ai khác”.

Khi người ta hỏi đức Khổng Tử rằng: “Có lời nào có thể làm luật thực tiễn cho cả đời sống con người không?”. Cụ trả lời: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Tóm lại, tất cả các hình thức trên đều là tiêu cực. Dù không phải dễ để giữ mìnhđừng làm các điều đó, và cũng vô cùng khó khi chúng ta phải ép mình làm cho kẻ khác điều mà chúng ta muốn họ làm cho mình.

Nhưng tới thời Chúa Giêsu thì luật yêu thương đã có một khuôn mặt mới. Nó có tính cách tích cực hơn: “Hãy làm cho kẻ khác những điều như chúng ta muốn kẻ khác làm cho chúng ta.” (Lc 6,31)

Tại Newban (Châu Úc), mẹ Têrêsa có mở một nhà nội trú dành cho các thanh thiếu niên nghèo. Một lần kia, mẹ gặp thấy một thanh niên đang bị đánh đập tàn nhẫn, toàn thể mình mẩy anh ta bầm tím. Mẹ thấy cần phải gọi cảnh sát đến để điều tra và khi cảnh sát đến hỏi anh: “Ai đã đánh anh?” thì người thanh niên này nhất định không chịu trả lời các câu hỏi. Cuối cùng, cảnh sát phải chịu thua anh và bỏ ra về. Lúc đó, mẹ Têrêsa mới ôn tồn hỏi anh:

– Sao con không khai người đánh đập con với cảnh sát?

– Thưa mẹ, – cậu ta trả lời – nếu con khai ra thì người đó sẽ bị trừng phạt và rồi những đau khổ của người đó cũng sẽ không thể làm giảm đi nỗi đau khổ của chính con!

Có lẽ phải can đảm lắm mới có được cách ứng xử như vậy. Nào có ai muốn khổ cho mình đâu….Vậy thì đừng làm cho người khác. Ai mà lại không muốn cho mình được yên hàn bình an, hãy cố mà làm cho người khác như vậy. Đó là điều Chúa muốn.

b. “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. (Lc 6,31)

Lời Chúa chẳng có gì khó hiểu.

Ông chủ cửa hàng bán thú nuôi mang tấm biển “Tại đây bán chó con” đóng lên cửa ra vào.

Một cậu bé xuất hiện bên dưới tấm biển hỏi:

– Ông định bán những chú chó con này bao nhiêu ạ?

– Cũng tùy, từ 30 – 50 đô-la, cháu ạ.

Cậu bé thò tay vào túi móc ra một ít tiền lẻ:

– Cháu chỉ có 2 đô-la và 37 xu. Ông cho phép cháu ngắm chúng nhé.

Người chủ mỉm cười , huýt sáo ra hiệu. Năm chú chó lơn tơn chạy ra, có một con chậm chạp theo sau. Ngay lập tức cậu bé chỉ vào chú chó khập khiễng:

– Con chó nhỏ ấy làm sao thế ạ?

– Bác sĩ bảo rằng xương chậu nó bị khiếm khuyết nên phải khập khiễng, què quặt suốt đời.

– Đây chính là con chó cháu muốn mua – cậu bé tỏ vẻ rất thích thú.

– Không, ta nghĩ cháu không nên mua nó. Còn nếu cháu thật sự thích nó thì ta tặng cho cháu đó.

Cậu bé hơi bối rối, nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng, rồi chìa tay đáp:

– Cháu không muốn được ông tặng. Nó cũng đáng giá như những con chó khác và cháu sẽ trả đủ tiền cho ông. Đây là 2 đô-la 37 xu và cháu sẽ đưa ông thêm 50 xu mỗi tháng đến khi nào đủ tiền.

– Cháu không nên mua con chó này. Nó không thể chạy nhảy vui đùa với cháu như những con chó khác – người chủ tỏ vẻ phản đối.

Cậu bé lặng lẽ đưa tay kéo ống quần lên, để lộ chiếc chân trái bị teo cơ đang được nâng giữ bằng một khung kim loại. Nhìn lên người chủ, nó dịu dàng nói:

– Cháu cũng đâu thể chạy nhảy vui đùa, và con chó này cần một ai đó thông cảm với nó ông ạ!

Nhìn lại cuộc đời của Chúa ta thấy Chúa đã không chỉ nói suông nhưng những điều Ngài dạy thì Ngài đã làm trước.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

là Lời Chúa, Lời linh thiêng, Lời uy quyền, Lời hằng sống,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.

4. Tiến mãi không ngừng

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ghi lại kinh nghiệm sống của mình trong tập nhật ký có tựa đề là Những người bạn muôn thuở, bà Ressa Marita, vợ của triết gia công giáo người Pháp Jack Maritain đã viết như sau:

“Trong cuộc sống thiêng liêng, chúng ta không nên so sánh mình với ai cả, mà chỉ so sánh mình với mẫu gương trọn lành của Chúa mà thôi. So sánh mình với kẻ khác, ta sẽ thấy mình dễ bị cám dỗ, thấy những điểm tiêu cực nơi anh chị em và trở nên tự kiêu, luôn cho mình là tốt hơn. Nhưng nếu nhìn vào mẫu gương trọn lành của Chúa, ta được mời gọi canh tân liên lỉ, tiến mãi không ngừng, vì Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng”.

Những lời tâm sự của bà Ressa Marita hướng chúng ta đến những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ mà tác giả Phúc Âm thánh Luca đã ghi lại nơi chương 6.

Mức độ đo lường của tình yêu thương chúng ta là không có mức độ nào cả, hay đúng hơn là chính mẫu gương trọn tốt trọn lành vô cùng của Thiên Chúa Cha. Bao lâu còn sống trên trần gian này, chúng ta còn cần tiến thêm mãi trên con đường yêu thương. Không ai dám tự phụ cho rằng mình đã thành toàn, đã đạt đến mức độ trọn lành như Thiên Chúa rồi. Những hành động yêu thương được Chúa Giêsu nhắc đến mà tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại là những hành động yêu thương thiết thực, yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.

“Hãy ra đi mà không tính toán hơn thiệt, đừng xét đoán, hãy tha thứ”. Ðó là những chân trời mới, bao la, rộng mở tình yêu thương nơi tâm hồn người môn đệ Chúa. Chúng ta không thể nào chỉ nói ngoài môi miệng mà còn cần phải thực hiện tình yêu thương như Chúa đã nêu gương bằng những hành động cụ thể. Nếu không, ta sẽ bị xét xử như là những kẻ giả hình, nói mà không làm, không sống thật Lời Chúa dạy.

Một cô giáo nọ ra bài cho các học sinh như sau: “Chiều nay về nhà, mỗi em phải làm một việc tốt đối với người thân nào đó trong gia đình”.

Ngày hôm sau, một em học sinh đến trường than phiền với cô giáo như sau: “Thưa cô, con không thể tiếp tục làm công tác này được nữa”.

Trước sự ngạc nhiên của cô giáo, học sinh này giải thích như sau: Bữa cơm tối qua con đã khen mẹ nấu ngon. Thay vì vui mừng, mẹ con nổi giận nói con chọc tức và gián tiếp chê bữa ăn không ngon. Con giải thích với mẹ nhưng mẹ không tin, và nổi giận ra lệnh con phải rửa chén để chứng minh cụ thể bữa ăn ngon.

Tiếc thay, em bé thành tâm khen ngợi mẹ, nhưng người mẹ thì ngược lại không tin, cho rằng em giả vờ khen và có hậu ý nào khác. Thay vì yêu thương thật tình và cảm nhận tình thương của anh chị em đối với mình, thì nhiều lúc ta cũng hành động như người mẹ trong câu chuyện vui trên. Ta nghi ngờ tình thương của anh chị em vì có bao giờ ta yêu thương thật sự anh chị em đâu, có chăng chỉ là những lời nói xã giao bên ngoài cho qua lúc. Thật là, suy bụng ta ra bụng người.

Đọc lại đoạn Tin mừng trên, ta cần xét xem mình đã sống những lời dạy của Chúa Giêsu đến mức độ nào rồi? Thánh Luca đã nhấn mạnh đến tình yêu thương nhân từ, trong khi đó tác giả Mátthêu đã ghi lại nơi câu song song “các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Sự trọn lành của Thiên Chúa là sự trọn lành của tình yêu thương và lòng nhân từ, không phải tình yêu nhân từ có giới hạn của con người, nhưng là tình yêu thương vô giới hạn của con người, nhưng là tình yêu thương vô giới hạn của Thiên Chúa “Chúng con hãy nhân từ như Cha các con Đấng ngự trên trời là Đấng nhân từ”. Đây là điều mà chúng ta phải cầu xin hằng ngày để có thể sống như Chúa, yêu thương như Chúa và tha thứ như Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con quả tim của Chúa để con yêu thương như Chúa, nhờ sức mạnh của Chúa nâng đỡ con. Amen.

5. Sự tha thứ cho tất cả

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)

Hầu hết mọi người đều biết câu chuyện chiến đấu của Đavit, một thiếu niên đã chiến thắng Gôliat, người khổng lồ. Bằng việc đó Đavit đã cứu thoát dân Israel khỏi một chiến tranh khủng khiếp với dân Philistines. Chiến thắng trên đã làm cho toàn dân yêu quý Đavit nhưng đã làm cho Saolô oán ghét. Saolô tự nhủ rằng Đavit là kẻ thù của mình và hắn đang cố gắng tranh đoạt ngai vàng. Vua đã cố gắng nhưng không thành công trong việc giết Đavit, trong bài đọc đầu tiên của ngày hôm nay, Đavit có cơ hội giết vua nhưng vì lòng kính trong đấng đã được Thiên Chúa xức dầu, ông đã từ chối làm việc đó. Ông đã thật sự tha thứ cho vua, người đã luôn luôn tìm cách giết ông.

Ngày hôm nay chúng ta có thể tìm thấy đâu một gương mẫu giống như Đavit? Chắc chắn không phải giữa những chính trị gia đang mạt sát nhau bằng lời nói trên Tivi trong suốt thời gian bầu cử. Chúng ta có một mẫu gương tuyệt hảo trong con người của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau khi ngài đã được chữa lành khỏi một cuộc tấn công mưu sát, ngài bị bắn nơi quảng trường thánh Phêrô, một trong những việc đầu tiên ngài làm đó là thăm viếng người đã ám sát ngài trong tù và ban cho hắn sự tha thứ và giao hòa.

Một người đàn ông gian dối tố cáo Đức Hồng Y Bernardin, tổng giám mục của Chicago, đã xâm phạm tình dục hắn ta khi còn trẻ. Người đàn ông chẳng bao lâu đã rút lại câu chuyện lố bịch của mình. Thật dễ hiểu nếu Đức Hồng Y đã đưa ra những lời phản bác mạnh mẽ chống lại những lời gian dối kia. Nhưng đúng hơn là Đức Hồng Y đã tìm đến để ban sự tha thứ cho người đàn ông đó.

Đây là hai mẫu gương kỳ diệu của sự tha thứ. Nhưng chúng ta nhìn qua bên kia những mẫu gương của cn tới con người của Đức Giêsu. Chúa Giêsu đã rao giảng sự nhân từ, sự tha thứ và giao hòa như chúng ta đã nghe trong bài Phúc Âm ngày hôm nay. Giáo huấn của Ngài thì rất nhiều và đối nghịch với những gì chúng ta đã nghe và thấy trong xã hội của chúng ta. Chúa Giêsu cũng thực hành những gì Ngài đã rao giảng. Chúa Giêsu đã nhìn xuống những người đóng đinh Ngài và cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Chúng ta phải trở nên những người đi theo giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu. Chúng ta phải có lòng thương xót, tha thứ và có lòng kính trọng. Chúng ta phải đi con đường đó cách công khai riêng biệt. Thí dụ, một số người Công Giáo không đồng ý với Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục Mỹ khi họ chống đối lại án tử hình. Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục thấy rõ việc hành hình một con người sẽ làm giảm giá trị chúng ta xuống một tình trạng dã man thay vì giáo huấn của Chúa Giêsu đã nâng chúng ta lên. Đó là thời gian mà những người Công Giáo đã bỏ đi những giá trị của một xã hội có tính cách trả thù báo oán để trân trọng nguyên tắc của Đức Kitô. Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa ra một hình phạt thích hợp cho những tội nhân tử hình.

Chúng ta được kêu gọi đi theo giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu trong những gì đã ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta, các bạn không thể sống bao lâu có người nào đó làm tổn thương bạn cách sâu xa hoặc nói những điều xấu xa đằng sau lưng bạn hoặc thật sự làm một điều gì đó hại bạn một cách nghiêm trọng. Những điều tổn thương này chúng ta không được nuôi dưỡng, giữ lại. Chúng ta phải xóa bỏ chúng bằng cách hiến tặng sự tha thứ và giao hòa cho bất cứ ai làm hại mình.

Trong mỗi Thánh Lễ chúng ta nghe tiếng Đức Kitô vang lên: “Này là chén Máu Ta sẽ đổ… Máu này sẽ đổra cho các con và nhiều người được tha tội”. Hãy lãnh nhận Đức Kitô trong phép Thánh Thể, hãy dự phần vào Máu của Ngài đã đổ ra để tha thứ, ban cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta cần để tha thứ và giao hòa với mọi người, không được oán ghét hay rắp tâm báo thù. Chúng ta có thể và phải trở nên giống như chính Chúa Kitô.

6. Sự tha thứ cho tất cả

Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.

Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.

Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.

7. Yêu người tột độ

“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù va làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc. 6, 27-28)

Qua đoạn Tin Mừng này, Đức Kitô dẫn chúng ta tới đỉnh cao của bác ái, càng đi theo Người càng dốc hết hơi, leo lên cao mãi, cao mãi liên tục.

“Hãy yêu thương kẻ thù”, Chúa dạy thế, không lý thuyết xuông nhưng rất cụ thể. Người cho thấy những công việc rõ ràng trước mắt, không để chúng ta phải tưởng tượng. “Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em…”. Tất cả những kẻ đó không phải là ảo ảnh ma quái, nhưng là con người bằng xương bằng thịt mà lý tự nhiên mình phải xa lánh, ghét bỏ. Chính những kẻ đó phải được nâng đỡ, phải sẵn lòng mỉm cười với họ.

Đức Kitô nói thêm: “Ai vả má bên này, thì hãy giơ má bên kia. Ai đoạt áo ngoài đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin hãy cho, ai lấy gì của anh thì đừng đòi lại…”.

Có lẽ chúng ta sẽ thẳng thắn trả lời: “Lạy Chúa, Chúa đã đi quá mạnh, không thể tới được”. Nhưng, Đức Kitô vẫn tiếp tục không khoan nhượng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những kẻ tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân nghĩa? cả kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay để được trả lại sòng phẳng.

Không thể tới được bác ái Kitô giáo, chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ. Làm sao sống vượt mức như thế! sống yêu thương tột độ! nhiều môn đệ của Chúa đã sống vượt mức như thế và còn sống vượt mọi mức tới tột độ nữa. Họ đã theo Đức Kitô Đấng giầu lòng thương xót và tha thứ. Đức Kitô sẽ hài lòng và âu yếm nhìn Phê-rô và tất cả mọi người đã nên giống Người.

8. Tinh thần Phúc Âm mới. Yêu mến thù địch

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa – của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Có thể nói ai cũng biết bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc, kể cả người ngoài Kitô giáo. Hết mọi người đều biết đạo Chúa dạy phải yêu mến thù địch và làm ơn cho những kẻ oán ghét mình. Hơn nữa, người ta còn biết đến cả chi tiết của lời Chúa dạy: Nào kẻ tát má này thì hãy chìa má kia nữa cho nó, và người đoạt áo choàng cũng đừng cản nó lấy áo lót. Không biết trong thế gian này đã được mấy người thi hành triệt để những điều dạy này? Hay người ta phải giải thích lệnh Chúa truyền một cách “bóng bẩy” hơn? Hai bài Kinh Thánh kia đọc trong thánh lễ hôm nay có giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng chính xác hơn không? Chúng ta cứ thử xem thế nào!

a. Bài sách Cựu Ước

Câu chuyện Ðavít xứng đáng đi trước bài Tin Mừng. Ngay ở thời Cựu Ước, người ta đã biết tha thứ cho cừu địch. Ðavít tha chết cho Saul mặc dù vua này chỉ muốn thủ tiêu Ðavít. Ðọc kỹ lại câu chuyện, chúng ta còn khám phá được nhiều chi tiết đáng kể nữa.

Như mọi người biết Saul là vị vua đầu tiên của con cái Israen. Ông đã có thời được Chúa tin dùng và chúc phúc. Nhưng ông đã bất trung, làm nhiều điều tội lỗi, khiến Chúa phải chọn một người khác để thay thế ông. Ðó là Ðavít, một cậu bé chăn chiên có mái tóc hoe, đôi mắt xinh xắn và dáng vẻ khôi ngô. Chúa cho Ðavít thắng được tên Gôliát từng đe dọa thách thức con cái Israen. Nhờ đó Ðavít được đưa vào đền vua. Nhưng những tiếng ken của dân chúng lại làm cho Saul ghen ghét Ðavít. Bao nhiêu cạm bẫy ông đặt ra, Ðavít đều thoát khỏi. Lòng Saul lại càng như lửa cháy. Ðavít biết thân phận đành bỏ trốn, lang thang lâu năm nơi đất khách quê người và thường phải lấy sa mạc mênh mông làm nơi ẩn núp. Nhưng Saul vẫn không buông thả. Bài sách Samuen hôm nay cho thấy ông lấy cả 3,000 tinh binh, thân hành di truy lùng Ðavít.

Chắc chắn cuộc săn đuổi đã khiến ông mệt nhọc. Ông phải nằm ngủ, nhưng quân binh vẫn đóng trại chung quanh. Ðavít nhìn thấy, Và đem theo một người bộ hạ. Ðavít đã có thể lén đến gần Saul mà chẳng ai biết gì. Sung sướng, tên bộ hạ xin phép hạ thủ Saul. Ðavít không cho, chỉ lấy cây giáo và chóe nước nơi đầu chỗ Saul nằm rồi đi. Sang đến bên kia sườn núi, Ðavít mới lên tiếng đánh thức quân binh của Saul và nói cho họ rõ: Hôm nay nếu muốn sát hại Saul, thì Ðavít đã làm xong.

Người ta có thể nghĩ Ðavít có thái độ quân tử không? Lịch sử cũng kể nhiều vị đại tướng và hoàng đế tha chết cho kẻ thù một cách cao thượng như vậy. Nhưng bấy giờ Ðavít không phải là hoàng đế hoặc đại tướng mà vẫn còn là một kẻ cô đơn phải lẩn trốn sự truy lùng của quân binh nhà vua. Ðavít đã không hành động như các nhà chính trị và quân sự hào hiệp. Chàng nhỏ bé hơn nhiều. Mặc dù được Chúa chọn, chàng vẫn cư xử như kẻ bầy tôi của vua Saul. Chàng chưa thay đổi gì cả, kể từ ngày được xức dầu, ngoại trừ bản chất đơn sơ, đạo đức của kẻ mục tử bây giờ được thêm ơn Chúa đã dám liều mạng trong nhiều cử chỉ hào hiệp.

Chính vì vậy đoạn văn này không thể là một trang anh hùng ca, mặc dù có nhiều yếu tố khiến tác giả có thể dùng để tạo nên một áng văn như thế.

Ở đây, Ðavít không tỏ ra là một tay anh hùng, nhưng chỉ là một tâm hồn đạo đức, Ðavít không để cho bộ hạ lấy đầu Saul chỉ vì chàng kính sợ Chúa và giữ lời Chúa truyền dạy. Chàng biết Saul là đấng đã được xức dầu và Luật pháp không cho phép ai động đến một con người như thế. Chàng không nghĩ đến quyền lợi của mình, chàng tôn trọng ý Chúa. Chàng để Chúa quyết định cho Saul.

Do đó, nếu chỉ đọc đoạn văn hôm nay, chúng ta mới chỉ thấy lòng đạo đức của Ðavít. Lòng kính sợ Chúa đã khiến chàng không muốn tra tay trên đấng được xức dầu của Ðức Giavê. Phải đọc thêm nữa, đọc tất cả những đoạn nói đến quan hệ giữa Saul và Ðavít, chúng ta mới thấy rõ lòng yêu kẻ thù của Ðavít. Mặc dù Saul luôn tìm cách hạ sát mình, Ðavít từ đầu chí cuối vẫn một lòng kính yêu đối với chủ mình. Chàng không xét đến quyền lợi riêng nhưng luôn chỉ muốn cầu hòa và không bao giờ có lòng thù ghét Saul. Với bối cảnh chung như vậy, chúng ta có thể bảo đoạn văn hôm nay cũng nói lên lòng yêu thương thù địch của Ðavít. Chàng đã tha chết cho kẻ luôn tìm cách sát hại mình một cách vô cớ. Và đoạn văn này xứng đáng đi trước bài Tin Mừng hôm nay.

Tuy nhiên một lần nữa chúng ta đừng quên lòng đạo đức của Ðavít. Chính vì kính sợ Chúa mà chàng đã cư xử rất quảng đại và hào hiệp với Saul. Nhà vua không ngớt thù ghét chàng, nhưng chàng lại luôn giữ một lòng kính yêu. Ðavít vẫn còn treo cao tấm gương đó cho chúng ta khi muốn thi hành lời Tin Mừng hôm nay.

b. Bài Tin Mừng

Tác giả Luca trong đoạn văn này tỏ ra không quan tâm nhiều lắm đến khía cạnh văn chương. Nghe đọc lần đầu chúng ta chẳng thấy luận lý gì cả. Các tư tưởng xem ra được viết ra bừa bãi không theo một thứ tự nào cả. Cũng có láy đi láy lại một vài ý nhưng tác giả không dụng ý xếp thành hệ thống, khiến người đọc và nghe khó nhớ được tất cả.

Là vì đây là đoạn văn tiếp nối Bài giảng trên Núi về các Mối phúc thật, diễn tả tinh thần Phúc Âm mới mẻ của Chúa Giêsu. Người tiếp tục bài giảng lạ lùng ấy bằng đoạn văn hôm nay, có thể nói không phải để đưa ra thêm ý tưởng nào, nhưng chỉ để trưng ra một số các thí dụ để giải thích thêm về tinh thần Phúc Âm. Tinh thần này là một sự sống mới, sự sống của chính Thiên Chúa muốn chia sẻ với loài người. Chắc chắn không một công thức nào có thể diễn tả đầy đủ. Một bài thuyết minh dài với cấu trúc chặt chẽ cũng không hứa hẹn hơn. Người ta phải chọn nhiều quan điểm, nhiều khía cạnh để nhìn vào, họa may chân lý mới, hiện lên được trong sự phong phú của nó.

Vậy, ở đây Chúa Giêsu muốn dùng nhiều ví dụ khác nhau để đưa thính giả của Người vào tinh thần mới của Phúc Âm. Và đám thính giả này, theo Luca cho biết ở đầu Bài Giảng Trên Núi, là nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo. Nhưng thật ra khi nói, Chúa Giêsu lại ngước mắt nhìn riêng các tông đồ. Chúng ta có thể hiểu các môn đồ đây là Nhóm 12 tông đồ mà Người mới chọn. Tuy nhiên, đúng hơn nên hiểu từ ngữ theo một nghĩa rộng hơn, bao gồm tất cả các môn đệ. Nhất là nơi Luca, chữ môn đồ thường ám chỉ mọi tín hữu trong Hội Thánh buổi sơ nguyên. Như vậy, có thể nói Luca viết bài này cho tất cả chúng ta nay là môn đồ của Chúa Giêsu.

Người dùng một số ví dụ để đưa chúng ta vào tinh thần Phúc Âm mới của Người. Trước hết, Người dạy chúng ta “hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho những người oán ghét các ngươi”. Những ý sau chỉ diễn tả thêm. Nào là hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa, khẩn cầu cho kẻ ngược đãi, kẻ tát má này hãy chìa má kia nữa. Chúng ta không có điều kiện để phân tách tỉ mỉ từng câu từng chữ, nhưng chúng ta phải biết Chúa muốn dạy gì đây.

Người thế gian thường oán ghét thù địch và chỉ muốn làm hại nó hoặc chỉ muốn cho nó bị hại. Còn tinh thần mới của Chúa đem đến là lòng yêu thương và làm ơn. Nhưng để hiểu rõ ý của Chúa, có lẽ tiên vàn chúng ta phải xác định ai là thù địch. Ðối với người Do Thái, hết mọi người không phải là con cái Israen đều là thù địch – vì họ có tôn giáo khác và luôn luôn trở thành cạm bẫy dụ dỗ họ rơi vào đa thần tà giáo. Thế nên có thể nói vì muốn bảo vệ một cách quá khích mà người Do Thái coi mọi người như thù địch… Sang đến môi trường của Luca, nói với các môn đồ của Chúa, thù địch theo nghĩa trên bây giờ lại là những người Do Thái và đặc biệt là hoàng đế Rôma và các khanh tướng của ông đang bắt đạo thời bấy giờ.

Vậy tinh thần mới của Phúc Âm bây giờ không giống như các lệnh truyền thời Cựu Ước nữa. Chúa Giêsu đã đến thiết lập Nước Trời, không đóng khung trong một dân tộc và truyền thống của dân tộc ấy, nhưng mở rộng hai cánh tay trên thập giá để đón nhận mọi tâm hồn thống hối ăn năn. Người đến đem tình yêu cứu độ đến cho mọi người tội lỗi. Môn đệ của Người không còn được kỳ thị ai nữa. Ngay đối với những kẻ bắt bớ mình, họ cũng phải theo gương Chúa trong mầu nhiệm Cứu Thế; chấp nhận sỉ nhục, đau thương và khẩn cầu chúc phúc cho kẻ làm khổ mình “vì chúng không biết việc chúng làm”. Trong mầu nhiệm thánh giá cứu chuộc Chúa Giêsu Kitô giống như Người Tôi Tớ đau khổ trong sách các tiên tri. Thế nên ở đây tác giả Luca gợi lên hình ảnh tát má, giật áo… những điều mà Ðức Giêsu Kitô cũng đã phải chịu. Tác giả không có ý bảo chúng ta phải thi hành theo chữ đen, nhưng dạy chúng ta phải có tinh thần như Chúa chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Giá. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ đọc thấy một tinh thần mới, tinh thần của các mối phúc thật, được diễn tả trong đoạn văn này, hơn là khẳng định đây là những việc mà chúng ta phải thi hành theo nghĩa đen. Nói đúng hơn, có tinh thần của Chúa Cứu Thế trong mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh rồi, thì mới hiểu và mới làm được những lệnh truyền kia, và còn làm hơn thế nữa, miễn sao chứng tỏ được mình là môn đồ của Chúa.

Cũng vì vậy mà Luca không dừng lại ở những việc trên. Người còn đi xa hơn, nói đến việc cho vay mượn và cho của cải. Người không nghĩ đến những điều người viết trong sách Công vụ Sứ đồ sao? Các môn đồ thời ấy biết chia sẻ cho nhau để ở giữa họ không ai phải thiếu thốn. Lòng yêu mến thù địch đã biến sang tình huynh đệ chân thật mà Chúa Giêsu đã dạy bảo và đã gọi là lệnh truyền và giới răn mới của mình. Và nền tảng, nguồn gốc của tinh thần và lệnh truyền ấy, chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Người thương xót con cái loài người, trước đây thù địch với Người và với nhau. Người cho Con Một của Người xuống thế, đem lòng thương xót đó đến hòa giải hết thảy nên một dân tộc mới là đoàn con và là đoàn chiên của Chúa. Chính lòng thương xót đã đổi mới họ và ban cho họ sự sống mới, sự sống của lòng thương xót, khiến ai có sự sống mới cũng phải đầy lòng thương xót.

Sách Tin Mừng Luca đã được mệnh danh là tác phẩm của lòng thương xót. Ðoạn văn hôm nay nằm trong tác phẩm ấy. Nó cũng chẳng muốn nói gì hơn là dạy ta hãy theo gương lòng thương xót của Chúa biểu lộ đặc biệt trong mầu nhiệm Cứu Thế để chúng ta luôn có nếp sống và thái độ xót thương mọi người, khiến không ai còn là thù địch hoặc xa lạ, nhưng hết thảy đã trở thành anh em vì đã là môn đồ của Chúa. Nếu ngay trong đạo Do Thái cũng chỉ có một loại thù nghịch đáng kể là thù nghịch làm hư hỏng niềm tin; mà tinh thần mới của Phúc Âm đã hủy bỏ loại thù nghịch đó rồi, thì đối với người môn đồ của Chúa không còn có thể có một mối thù nghịch nào nữa, khiến đạo của họ mới thật là bác ái yêu thương. Thực tế họ có thể sống được như vậy không?

c. Bài thơ Phaolô

Thánh Tông Ðồ rất thực tế. Bức thư này của người thường được gọi là Bức Thư của người Công Giáo, nói đến nếp sống Công Giáo trong Hội Thánh Công Giáo, đang khi thư Rôma được gọi là thư của người Tin Lành vì được những người này yêu thích cách riêng. Vậy trong thư nói về nếp sống Công Giáo, Phaolô không ảo tưởng nghĩ rằng mọi môn đồ của Chúa đều đã hoàn toàn và có thể thi hành các lệnh truyền của Chúa cách dễ dàng. Ðặc biệt tinh thần mới mà Chúa Giêsu đã mang đến, theo thánh nhân, chúng ta đón nhận trong thân xác yếu hèn, chẳng khác những bình sành lọ đất. Chúng ta khó giữ được. Và càng khó thi hành được. Bởi vì chúng ta không thần thiêng như Thiên Chúa. Chúng ta được cấu tạo bằng thể xác và linh hồn. Hơn nữa Ơn Chúa đến đổi mới chúng ta, nâng cao bản tính con người lên, kết hợp và chia sẻ sự sống Thiên Chúa, khiến nơi chúng ta vừa có con người cũ do Ađam lưu truyền vừa có con người mới do Chúa Giêsu mặc cho. Con người Ađam do tự đất, nên luôn hướng chiều về đất. Con người Giêsu do tự trời, nên muốn kéo chúng ta lên những sự cao siêu. Con người do đất là người trần ai, muốn sống như người phàm trần, con người do Chúa kéo chúng ta bắt chước nếp sống của Người. Vì người môn đồ ở trong một thế hai chiều như vậy, nên họ luôn bị giằng co. Tự nhiên họ muốn đối xử với mọi người theo cách thế gian là yêu bạn hữu ghét thù địch. Nhưng ơn của Chúa, tinh thần mới của Phúc Âm mà họ nhận được khi tái sinh trong phép rửa, lại thúc giục họ thi hành lệnh truyền của Chúa là yêu mến thù địch.

Do đó, kết luận hiển nhiên là nếu muốn thi hành điều Chúa dạy, họ phải tăng cường tinh thần của Người. Thánh lễ cho ta cơ hội đặc biệt để làm công việc này. Nhờ thân thể vinh quang của Chúa Giêsu mà chúng ta được lãnh nhận, Thánh Thần được ban thêm cho ta, sức sống thần linh được tăng cường để chúng ta lựa chọn nếp sống Phúc Âm. Chúng ta được hạnh phúc hơn đã sống theo tinh thần của Chúa, Ðấng đã đến để thi hành công cuộc hòa giải. Người lôi kéo chúng ta vào mầu nhiệm Cứu Thế, nơi mà kẻ tội lỗi và trước đây là thù địch cũng được hưởng lòng thương xót, để hết thảy trở nên Dân mới và là anh em với nhau. Xin cho chúng ta nhờ thánh lễ này được nhiều tinh thần ấy.

9. Tinh thần mới – R. Gutzwiller

Cho tới nay, Chúa Kitô vẫn ưu tiên cho các môn đệ; giờ đây, lời Ngài nói, rõ rệt nhằm cho mọi thính giả của Ngài. Cái nhìn của Ngài nhắm vào tương lai, đến chỗ kết thúc nước Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đây, Đấng đã tỏ hiện ra nơi Ngài, cũng phải xuất hiện qua những kẻ thuộc về Ngài nữa: bước đầu nhắm vào bề trong và ẩn dật, tuy nhiên, lại là một thực tại sống động.

a. Yêu cầu

Điều Chúa đòi hỏi tiên vàn không phải là cầu nguyện và hành động, nhưng là phải có những tâm tình mới. Ngài muốn có sự canh tân tâm hồn, sự cải cách bên trong con người. Tinh thần đây là lòng yêu mến, lòng yêu mến mà mức độ trải rộng ra hết sức của nó: Hãy yêu thương kẻ thù. Lòng yêu mến phải bao bọc mọi người, không loại trừ ai kể cả những kẻ thù địch dữ tợn nhất. Theo nguyên tắc, lòng yêu thương này vô giới hạn; ánh sáng của nó sẽ chiếu giãi trong khắp các xó xỉnh, và sức nóng của nó sẽ đốt nóng mọi sự.

Tâm tình là điều chính yếu, nhưng chỉ là những tâm tình chân thực khi phát xuất ra các việc làm. Hãy làm ơn cho những kẻ ghen ghét các anh chị.

Tình yêu tự trong bản chất là tốt lành (vì nó sinh ra từ Thiên Chúa là Tình Yêu). Việc làm và ảnh hưởng của Tình yêu sẽ tất nhiên là tốt lành. Hãy làm lành! Ta không được quyền lấy ghen ghét đáp trả ghét ghen, không được ăn miếng trả miếng, nhưng là phải lấy tình thương che phủ mọi sự, bởi vì sự thiện phải mạnh hơn sự ác.

Ta chỉ thực sự có tinh thần mới, một khi ta ao ước điều tốt lành cho chính kẻ thù ghét ta. Hãy chúc lành cho những kẻ nguyền rủa các anh chị. Ta phải cầu Chúa chúc lành cho những kẻ ghen ghét và nguyền rủa, để sự ác bị đánh quỵ ở mọi nơi. Lòng yêu thương chân thật sẽ không gò ép số phận trong sự cứng nhắc, nhưng đặt tất cả trong lòng bàn tay nhân từ của Thiên Chúa.

Hãy cầu xin cho những ai vu khống các anh chị. Im lặng không có nghĩa là tránh né, một sự im lặng giận dữ hoặc một sự từ khước là do sự bực tức hay mệt nhọc. Trái lại phải kiên trì mang lấy gánh nặng của mình, đặt vào tay Thiên Chúa mọi cái đè nén tâm hồn. Thái độ này làm cho tâm hồn con người được thư thái và khiến con người đối diện với những kẻ ghét mình, nguyền rủa hay vu khống mình mà không chút sợ sệt.

Tình yêu chúc lành và cầu nguyện: đó là sức mạnh mới và thần trí mới có khả năng vượt tất cả mọi sự. Mệnh lệnh chặt chẽ của luật pháp khi ấy hoá thành mềm dẻo, tương quan giữa các hữu thể nằm trên một bình diện hoàn toàn mới mẻ. Cộng đồng nhân loại từ đây vâng phục một luật lệ khác: đó là tinh thần mới Chúa Kitô đòi buộc.

b. Thực hiện

Tinh thần này được trình bày bằng hai thái độ: tích cực và tiêu cực.

Thái độ tích cực

Ai yêu mến thì sẵn sàng chịu đựng và cho đi không ngừng. Ai vả má này hãy đưa má kia nữa; ai lột áo ngoài cũng đừng cản nó lấy áo lót.

Lòng ích kỷ tiêu tan bởi vì cái tôi đã biến vào nơi Thiên Chúa. Con người không còn hành động theo quan điểm của riêng mình, nhưng bao quát mọi biến cố bởi vì việc họ kết hợp với Thiên Chúa làm cho họ vượt quá chính mình. Do đó, bao giờ câu trả lời của Chúa cũng làm cho ta ngạc nhiên vì nó bất ngờ. Lúc nào họ cũng sẵn sàng, tươi vui, chấp nhận điều xấu và thực thi điều thiện. Người đó sống trên bình diện hoàn toàn khác hẳn.

Chính vì đặt căn bản trên nước Thiên Chúa mà họ hành động và suy tưởng trong những phạm vi khác nhau của sinh hoạt nhân loại.

Thái độ tiêu cực

Lòng yêu mến loại trừ mọi thứ vụ lợi riêng tư. Nếu anh chị yêu mến những kẻ mến thương anh chị, thì còn ân nghĩa gì? Những kẻ tội lỗi cũng yêu mến những kẻ yêu thương họ. Một quy luật đồng nhất đó được dùng cho những ai làm điều thiện, cho vay mượn tiền bạc… Người cho đi chỉ để mong được lại là kẻ tìm kiếm chính mình. Con người mới phải có sự sung mãn nội tâm dồi dào, cho đi không tính toán, không đợi chờ phần thưởng. Mọi tính toán đều đi ngược vơí bản chất thâm sâu nhất của đức bác ái.

Lý do: một thái độ tương tự như thế chỉ có thể có nơi Thiên Chúa, được Ngài gợi ý và hướng về Ngài. Anh chị sẽ là con cái của Đấng Tối cao, vì chính Người nhân lành với những kẻ vô ơn cũng như ác độc.

Bí nhiệm thâm sâu nhất của nước Thiên Chúa là lòng yêu mến của Thiên Chúa. Con người chỉ là con kênh để Thiên Chúa đổ tràn nước của Ngài xuống. Ngài là động lực, là lý do hiện hữu. Con người đón nhận nơi Ngài tất cả để rồi thông chuyển tất cả. Lòng yêu thương của họ không chút sợ sệt, giống như ngọn lửa leo lét trong chiếc lò dương thế: ngọn lửa của Thiên Chúa không ngừng thắp lên và sẽ chẳng bao giờ bị tiêu hao.

Người nào từ Thiên Chúa sinh ra thì có sự sống của Thiên Chúa nơi mình và qua đó có sự sung mãn và phong phú, tất cả những thứ đó chỉ có thể từ Thiên Chúa mà đến. Họ không cần phải so đo hơn thiệt, tính toán cẩn thận, bủn xỉn chi li hay lo lắng cho tương lai. Họ có thể ban phát vơí bàn tay đầy ắp, vẻ mặt tươi vui, không lo lắng đến đáp trả hay kết quả. Họ phân phát nhân danh Chúa, nhờ Chúa và với Chúa; còn hiệu quả về phía nhân loại là một điều hoàn toàn tuỳ thuộc.

Chỉ có con người như thế; sinh vật của Thiên Chúa trong nước Ngài, mới có được tinh thần mới này và mới có thể tìm kiếm và phát triển tinh thần ấy trong bản thân mình theo những yêu cầu của Chúa. Trong trường hợp này, họ đã được thưởng nếm Thiên đàng ở ngay trần gian, và xem như nước Thiên Chúa thực sự đã cất cánh bay.

Như thế các vị thánh, những con người thực sự của Thiên Chúa, tượng trưng cho sự chiếu giãi vinh quang sẽ đến và làm cho người ta tiên cảm được những gì sẽ xảy ra trong ngày Chúa trở lại.

10. Chú giải của Fiches Dominicales

“THƯƠNG XÓT NHƯ CHA LÀ ĐẤNG THƯƠNG XÓT”

A. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

a. Một tình yêu không loại trừ và vô vi lợi

Thánh sử Luca đã nhập đề bài Chúa giảng “ở chỗ đất bằng” bằng những “mối phúc” “mối họa” Chúa gởi đến cho những người bị cuộc sống bầm dập hoặc phải chịu bách hại vì đức tin. Giờ đây Luca muốn đề cập đến một thái độ hoàn toàn đặc trưng của người môn đệ Đức Giêsu: lòng yêu thương những kẻ thù, những kẻ “ghét ” họ, “nguyền rủa” họ, những kẻ muốn chiếm đoạt danh tiếng, của cải và thân xác họ.

Đức Giêsu bắt đầu trình bày đòi hỏi cơ bản này: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”.

Cousin xác định .’ “Đây không phải vì lòng quý nên ta có đối với người trong gia đình, hay là tình bằng hữu đối với người đồng trang lứa, càng không phải là tình yêu say đắm! Đó là vấn đề biết quý trọng và cư xử tốt với kẻ thù và biết biểu lộ tâm tình ấy bằng cử chỉ và lời nói” ( “L’Evangile de Luc “, Centurion, tr. 96)

Tiếp theo là những thí dụ Đức Giêsu đưa ra để mời gọi các môn đệ khi bị người ta đối xử hung bạo, thì đáp lại bằng “thái độ bất hung bạo, hãy nhường nhịn hết mình: “Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong ..,”

Sau cùng, Đức Giêsu đưa ra luật vàng cho cung cách cư xử của các môn đệ: không chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, bởi lẽ “ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế”, hãy yêu thương nhau cách vô vị lợi, không tính toán, chỉ chờ đợi sự đáp trả ở một mình Chúa mà thôi: “Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao ” .

b. Giống lình yêu của Chúa Cha

Khi cư xử như vậy, khi thực hành yêu thương kẻ thù, khi từ chối cướp quyền thẩm phán của Thiên Chúa, các môn đệ sẽ là “con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác “; khi noi gương lòng nhân hậu của Thiên Chúa, họ sẽ nên giống Người.

– Khi cư xử như vậy, người môn đệ sẽ theo gương Thầy mình là Đấng, suốt cuộc đời và một cách trối vượt trong cuộc Khổ nạn của Người, đã thực thi tình yêu thương và tha thứ, mà Người đã đòi hỏi nơi họ. R. Meynet bình giảng: “Đức Giêsu đã chịu để cho tên đầy tớ Thầy cả Thượng phẩm tát mình, và

đã chịu để cho người ta đánh đòn, Người ta đã lột không chỉ áo ngoài của Người, mà cả áo trong nữa. Người đã giang hai tay và đưa cả hai chân ra cho người ta đóng đinh vào thập giá. Khi sắp trút hơi thở cuối cùng và phó linh hồn, Người còn cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hình Người. Thế mới biết, khi Chúa Cha yêu thương phường vô ân và quân độc ác, tình yêu ấy đã dẫn Người đi tới tận đâu: Người đã không từ chối ban chính Con Một mình. Tình yêu của Chúa Cha đối với mọi người đã hóa thân trong con người Đức Giêsu” (L’evangile selon saint Luc. Phân tích tu từ”, tập 2, trg 80).

B. BÀI ĐỌC THÊM

a. “Nếu chúng ta muốn bắt chước Chúa Giêsu”

(L. sintas, trong “Parole de Diêu pour la méditation ét l’homélie. Năm C”. Médiaspaul, 1994, trg 83) .

Nếu ta đọc những lời này vào lúc lòng ta không có điều chi ray rứt và ta đang vui tính, thì có thể thấy những lời ấy thật tuyệt vời. Trái lại trong trường hợp ta bị nhục mạ , phải cay đắng vì là nạn nhân của một bất công, thì những lời của Đức Giêsu xem ra không thể chịu nổi. Thế nhưng chính trong những giờ phút ấy, Lời Chúa mới tỏ cho thấy nó có sức mạnh và sự thật. Thế nghĩa là thế nào?

Chúa nói với ta rằng: “Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ “. Bằng lời vắn gọn đó, Đức Giêsu ban cho ta một cái nhiệt kế để đo lường mức độ lòng tin của ta.

Thực ra, vấn đề đích thực là thế này: Lòng tin làm thay đổi cái gì trong cuộc sống của tôi? Có khi nào tôi đề ra những việc làm mà giả như không phải là Kitô hữu, thì tôi sẽ không

đặt ra chăng? Yêu thương kẻ làm hại tôi, việc làm đó, một người có lương tri bình thường không nghĩ ra đâu. Để gợi ý cho tôi, Thiên Chúa đã không nề hà, vì tự mình chúng ta sẽ không nghĩ ra được điều đó. Thiên Chúa đã xuống. trần, sống kiếp phàm nhân giống hệt chúng ta. Người đã phải sống trong những hoàn cảnh đáng ghét, hoàn cảnh của một người mà chung quanh chỉ gặp toàn là thù địch. Trong hoàn cảnh như thế đó Đức Giêsu đã xin tha thứ cho những kẻ làm khổ Người. Nếu ta muốn bắt chước Đức Giêsu, thì việc chọn sống những tâm tình và thái độ của Người đến độ biết tha thứ cho kẻ thù, thiết tưởng là điều khẩn thiết!

Là Kitô hữu là tin rằng Đức Giêsu đã cuốn hút ta đến độ chính người sống trong ta. Người muốn nhờ chính con người của ta, con tim và trí tuệ, ánh mắt và lời nói của ta để nói với những con người thời nay, điều mà Người đã nói cách đây hai ngàn năm, trước mặt những người đương thời với Người. Người đã nói gì? Chỉ một sự thật này thôi: Thiên Chúa thương xót tất cả những ai thù ghét Người. Làm sao những người đương thời với chúng ta hôm nay sẽ nghe được lời này của Đức Giêsu nếu chính chúng ta không nói cho họ biết ơn tha thứ của Thiên Chúa là như vậy đó?

b. “Chúng ta được mời gọi phải vượt thắng chính mình”

( “Célébrer” Tạp chí của Trung tâm quốc gia về Mục vụ và Phụng vụ, số 216, trg 26)

Những lời Tin Mừng này có lẽ khiến ta phải hoài nghi, và xem ra càng không mấy thích hợp với những thực tại khắc nghiệt thường ngày bị chi phối bởi luật rừng. Có người sẽ bĩu môi cười: “giơ má kia à “.

Ta đừng lẫn lộn tử tế với ngu xuẩn…? Há chính Đức Giêsu đã không vặn hỏi kẻ đánh Người rằng: “Tại sao anh đánh tôi? “, mà không giơ má bên kia đó sao? Ta thấy rõ rằng Đức Giêsu muốn kêu gọi ta vượt lên chính mình; Người thúc ép ta phải có lối cư xử ngoại hạng của người Kitô hữu. Sứ điệp của Người được gởi đến “cho anh em là những người đang nghe tôi đây “, những người đang đón nhận mạc khải của phúc âm. Đó là những người đã chịu phép rửa, những người đã trở lại để sống trong Giáo hội và học dưới mái trường của vị Tôn sư dạy làm điều phi thường. Như ánh sáng đức tin, họ am hiểu lời Người. Có khó tính chăng nữa cũng phải nhận rằng cách cư xử theo Kitô giáo, việc noi gương bắt chước Đấng hằng tha thứ, dù là kẻ hành hình mình, bất quá chẳng phải là điều quá phi lý. Chẳng qua là con đường khôn ngoan vượt bực còn bí ẩn đối với “kẻ phàm nhân” thôi. Há chúng ta chẳng có được kinh nghiệm về niềm vui lớn lao khi ta xử sự theo lòng thương xót hoặc khi ta được chứng kiến những việc làm của tinh thần vị tha, tinh thần chia sẻ, tinh thần tha thứ và tinh thần yêu thương “điên rồ ” đó sao? Những lời của Đức Giêsu vẫn có thể được những người sống ngoài Giáo hội hữu hình “nghe ra ” và thực hành. Không thiếu những lời nói và hành động phi thường nơi những con người “sống ngoài ” Giáo hội. Đó phải là động cơ thúc đẩy ta dâng lên lòng biết ơn là mềm vui, vì chính họ cũng là con Đấng tối Cao.

Chớ gì lòng thương xót luôn luôn là cái đấu để chúng ta đong cho người khác…nhưng phải là cái đấu đã dằn đã lắc và đầy tràn?.

11. Cho đi

Disraeli, một chính khách nổi tiếng của Anh, lần kia đáp tàu trở về nước. Cùng chung chuyến tàu có một phu nhân mang theo đứa nhỏ, nhưng vì bà không ngó ngàng gì đến con khiến nó cứ khóc thét lên. Hành khách ai cũng bực mình, có người còn dọa ném nó xuống biển. Lúc đó Disraeli đã làm một việc mà có lẽ ít ai ngờ tới: ông ẵm lấy đứa bé, nói chuyện và cười đùa với nó. Đứa bé không khóc nữa và còn vui vẻ hơn khiến ai nấy cũng được vui lấy.

Câu chuyện trên cho thấy cách thức Disraeli thu phục nhân tâm: thay vì dùng uy quyền ra lệnh cho người đàn bà, ông đã dùng tình thương để bù vào sự thiếu sót bổn phận của bà. Đó quả là một minh họa cho lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay.

“Ân đền, oán trả” là một áp dụng cụ thể cho các công bằng giao hoán. Từ khi có ý niệm về luật pháp, thì việc báo oán cũng được qui định. Luật clủa người Babylon chẳng hạn: “Nếu kẻ nào làm cho một người thuộc giai cấp dưới mất mắt hay gẫy chân tay, thì phải chịu sự mất mắt hay gẫy chân tay để đền bù”. Người Do thái cũng áp dụng luật này, nhưng không phân biệt giai cấp: “Mắt đền mắt, răng thế răng, mọi người đều có quyền được đền bù xứng đáng”. Thật ra, ý niệm về công bằng này không hoàn toàn chi phối luật lệ Do thái. Sách Lv 19,18 viết: “Ngươi sẽ không báo oán, không căm thù với con cái dân ngươi”. Hoặc Cn 25,21: “Nếu kẻ thù ngươi đói, hãy cho nó ăn, nếu nó khát, hãy cho nó uống”. Tuy nhiên, họ không buộc phải giữ những điều này, họ vẫn có thể đòi “mắt đền mắt, răng đền răng”.

Chúa Giêsu đến để kéo con người khỏi cái vòng oán thù lẩn quẩn này. Có thể xem cái vả má là đụng chạm đến danh dự, một xúc phạm đến vật chất. Dù bị xúc phạm đến vật chất hay tinh thần, người môn đệ của Chúa Giêsu không được vị vào đó để đòi báo oán. Hành động như thế không phải là nhu nhược, nhưng là diễn tả thái độ quả cảm sẵn sàng cho đi. Càng cho đi, người môn đệ càng gần với Chúa Giêsu, Đấng đã cho đi ngay cả mạng sống mình. Đồng thời sự cho đi cũng đưa con người lại gần với nhau, bởi vì trao ban là mở lối cho cảm thông. Thực hành lời Chúa dạy: “Ai xin thì hãy cho, ai vay muợn thì đừng từ chối” tức là đã tạo được một nối kết, nhiều nối kết sẽ tạo nên bền chặt. Một sợi tơ nhện thật mong manh, nhưng nhiều sợi vẫn có thể cầm giữ con mồi. Cũng vậy, một sự cho đi xét cho cùng chẳng đáng gì, nhưng nếu cả thế giới biết cho đi thì vẫn đủ sức cầm giữ sự ác.

Xin Chúa cho chúng ta biết sẵn sàng cho đi để trong trao ban, chúng ta sẽ được nhận lãnh, sẽ gặp được bình an và để người anh em chúng ta cùng hưởng nếm được hạnh phúc thật.

12. Nhìn ra nhau là anh chị em

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)

Có một Rabbi nọ hỏi một tín hữu Do Thái: “Có biết khi nào đêm nhường chỗ cho ngày không?” Sau một hồi nghĩ ngợi, tín hữu nọ mới trả lời: “Thưa thầy, đêm nhường chỗ cho ngày có lẽ khi người ta nhận ra ánh sáng bình minh đang ló ở chân trời”. “Không”. “Hay là khi người ta phân biệt được bụi cây với một người chăng?” Rabbi lắc đầu nói: “Không phải thế, đêm nhường chỗ cho ngày là khi mỗi người nhận ra gương mặt người khác là một người anh chị em của mình. Bởi vì cho tới khi nào con người không nhìn ra nhau là anh chị em, thì khi đó, đêm đen vẫn còn dày đặc trong tâm lòng chúng ta”.

Lời nói thâm trầm trên đây của Rabbi Do Thái nọ, có lẽ giúp chúng ta suy hiểu nghĩa sứ điệp mà Giáo Hội nhắn gởi chúng ta hôm nay.

Ơn gọi của chúng ta để trở nên thánh trọn lành như Thiên Chúa, là Ðấng vô cùng xót thương con người và ban giới răn hướng dẫn toàn cuộc sống của chúng ta, là cái lôgic của Tin Mừng yêu thương ấy mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta. Sách Samuel có viết về hành xử thánh thiện của vua Ðavít. Mặc dù vua Saolê ghen tương truy nã, nhưng khi có dịp thủ tiêu nhà vua, Ðavít đã không phạm tội giết vua theo ý kiến của hai người anh họ là hai tướng tài của mình. Ðavít minh chứng cho nhà vua thấy ông có thể hạ sát người, nhưng không làm vì ba lý do:

Thứ nhất, nhà vua là người được Thiên Chúa xức dầu tuyển chọn nên là người của Chúa. Do đó cần được tôn trọng, mặc dầu có khuyết điểm và hèn yếu đến đâu đi nữa.

Thứ hai, chính nghĩa là lẽ phải của trung thực đáng tin cậy, thì không dùng bạo lực bất công và các phương thế hèn hạ đen tối của sự dữ.

Và thứ ba, phương thế duy nhất giúp loại bỏ hận thù chống đối một cách vĩnh viễn không phải là giết đi, là triệt hạ, nhưng là cảm hóa để biến thù địch trở thành bạn hữu.

Khi theo ba nguyên tắc hành xử trên đây, Ðavít không chỉ lên tiếng cho nhà vua thấy mình là một tôi trung rất am tường phép Chúa và luật nước, mà còn chứng minh cho nhà vua thấy lòng nhân từ quảng đại của mình nữa. Nghĩa là Ðavít chứng tỏ ông là người vừa có tài, vừa có đức và do đó, là người lãnh đạo lý tưởng và phó thác việc xét xử và thưởng phạt cho Chúa. Ðavít tuyên xưng lòng tin vào sự công thẳng và tình yêu thương quan phòng của Ngài. Ðây là đặc điểm hiếm thấy nơi các nhà lãnh đạo chính trị xã hội trần gian. Trong khi đó, cung cách hành xử của vua Saolê chứng minh cho chúng ta thấy nhà vua đã vừa thiếu tài, thiếu đức, lại không phải là một minh quân. Thấy Ðavít có tài, có được mưu kế hơn người, đánh đâu thắng đó, được quần thần kính nể, được tin tưởng và toàn dân thương mến nên vua ghen tương, mà nhất là sợ Ðavít chiếm ngôi của mình. Thay vì trọng dụng Ðavít, giữ Ðavít ở lại phục vụ và trợ giúp quyền thế của mình, thì vua sanh lòng mấy lần mưu sát Ðavít, khiến cho Ðavít bị bắt buộc phải trở thành người sống ngoài vòng pháp luật. Nghĩa là vua Saolê đã tự chặt lấy cánh tay mặt của mình. Lòng ghen tương đã khiến cho tâm trí nhà vua mờ tối, đem ba ngàn quân truy nã vị tướng tài ba lỗi lạc của đất nước. Chính với thái độ sống hẹp hòi và thiếu sáng suốt, không biết trọng tài trọng hiền trên đây đã dẫn đưa dòng họ đến ngày tận diệt.

Thái độ sống quảng đại liêm chính của Ðavít đã khiến cho chúng ta thấy nơi ông gương mặt của chính Ðức Giêsu Kitô, vẫn luôn luôn tha thứ cho những người lầm lạc và cầu nguyện cho những kẻ giết mình. Các giáo huấn của Chúa Giêsu như ghi trong chương 6,22-38 của thánh Luca, chứng minh cho thấy sự thật này qua hình thái của nền văn chương khôn ngoan. Thánh Luca thu góp các lời rao giảng của Chúa Giêsu liên quan đến luật sống yêu thương đại đồng và kiểu cách hành sự nhân từ, thương xót vô biên theo mẫu gương của chính Thiên Chúa. Khi mời gọi chúng ta yêu thương kể cả kẻ thù địch, là Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu sống tình yêu thương vượt xa mực thước và các nấc thang giá trị theo tâm thức của con người trần gian. Người đời thường chỉ yêu kẻ yêu mình và ghét kẻ ghét mình. Những người sống tinh thần Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu thì yêu cả kẻ thù của mình nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ rao giảng mà Ngài còn sống làm gương nữa, bằng cách hiến chính mạng sống mình để đền bù tội lỗi cho toàn nhân loại. Ở đây, Chúa Giêsu đề ra ba hình thức cụ thể trong nỗ lực sống yêu thương thù địch:

Thứ nhất, hãy làm điều lành phước đức cho kẻ thù ghét. Chúng ta lo lắng tạo dựng hạnh phúc cho họ sống được như thế, chúng ta mới xứng đáng là con Chúa, nếu Kitô hữu thù hận thì có khác gì họ.

Thứ hai, hãy chúc lành cho những người chúc dữ và nguyền rủa chúng ta. Ơn gọi của Kitô hữu là trở thành chúc lành cho người khác, đổ phước lành của Chúa xuống cho người khác và biến đổi môi trường họ sống trở thành môi trường đầy ơn phước của trời cao. Ơn phước phần hồn và kể cả ơn phước phần xác nữa.

Thứ ba, là cầu nguyện cho kẻ bắt bớ ngược đãi chúng ta để cho họ được ơn hối cải tâm lòng, thay đổi lối sống, từ bỏ kiểu cách sống gian tham độc ác, từ bỏ kiểu cách nói năng và hành xử của dã thú để sống người hơn và tin nhận Chúa và trở thành con cái Ngài.

Yêu người như Chúa Giêsu, đến độ triệt để khai trừ mọi hành động đối chất với bạo lực, luôn luôn sẵn sáng chia sẻ và quảng đại, không từ chối ai điều gì, là một thứ cụ thể cho mọi kiểu cách hành xử, là luật vàng của lòng yêu thương bác ái. Chúng ta muốn người khác làm những gì cho mình thì cũng phải làm tất cả những điều đó cho người khác. Chúng ta muốn người khác kính trọng yêu thương và trợ giúp chúng ta phải không? Hãy biết kính trọng yêu thương và trợ giúp họ như thế. Chúng ta muốn người khác dịu hiền thân thiện và an ủi đỡ nâng chúng ta phải không? Hãy dịu hiền, thân thiện và an ủi đỡ nâng họ như vậy. Chúng ta muốn người khác khoan hồng nhân thứ và cảm thông mọi tội lỗi yếu hèn và thiếu sót của chúng ta phải không? Hãy khoan hồng nhân thứ và thông cảm mọi tội lỗi yếu hèn và thiếu sót của người khác như vậy. Nếu ai cũng đem luật vàng trên đây ra thực hành nơi gia đình, giữa cộng đoàn, ngoài xã hội, thì chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, một cuộc cách mạng chưa từng thấy trong lịch sử loài người sẽ xảy ra. Hòa bình, hạnh phúc, và thịnh vượng sẽ chan hòa trái đất này, sẽ chan hòa trong tâm lòng mỗi người, trong mọi gia đình, trong mọi quốc gia và trên toàn thế giới mà không cần phung phí biết bao nhiêu tài nguyên và nhân lực cho các dịch vụ chiến tranh; mà không phải mua bán, chế tạo vũ khí; mà không cần phải bắn giết tàn phá lẫn nhau. Cũng không cần phải thương thuyết, vất vả hòa đàm, tranh cãi, tốn tiền, tốn của, tốn giờ hao phí hơi sức, mà thường không đi đến kết quả cụ thể của việc làm. Luật yêu thương dung thứ mà Chúa Giêsu Kitô đề nghị với loài người, không chỉ là giải pháp cho mọi vấn đề xã hội mà loài người chưa sao giải quyết được, nhưng còn là con đường dẫn đưa tín hữu cho đến đỉnh trọn lành và trở nên thánh thiện và dung thứ như Chúa. Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô 15,45, thánh Phaolô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô chính là Ðấng Cứu Thế và là con đường dẫn chúng ta đến cuộc sống thần thiêng bất diệt. Nếu con đường tội lỗi đã đưa Adong và toàn con cái loài người xa rời Thiên Chúa và đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc của mình, thì giờ đây, Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để dẫn đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa. Ngài là Adong mới trao cho con cái loài người cuộc sống mới qua một tinh thần sống mới. Tinh thần của Tin Mừng yêu thương đại đồng, tinh thần của cuộc sống hướng trọn về Thiên Chúa và lấy Ngài làm mẫu mực duy nhất cho cuộc sống. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta bí quyết làm thế nào để sống hạnh phúc, làm thế nào để tạo dựng hạnh phúc cho nhau và cách mạng thế giới. Chúng ta có can đảm chấp nhận và đem ra thi hành hay không?

13. Yêu thương

Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: “Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ”.

Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.

“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những anh em được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu ước, bất cứ ai không thuộc về dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạ, là kẻ thù địch, không được yêu thương.

Chúa Giêsu đã đến để mặc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu:

Thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa.

Thứ hai: tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.

Nhưng lại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.

Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.

14. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Theo Tin Mừng Mát-thêu, trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã đề cập tới những đức tính cốt yếu của người môn đệ Chúa. Đã là cốt yếu thì hẳn cũng là khó khăn vất vả mới tập tành và thể hiện trong cuộc sống. Đặc điểm của những đức tính này là đi ngược với cách ứng xử của con người trong xã hội, do đó những đức tính ấy làm cho khuôn mặt Ki-tô hữu không giống ai, nhiều khi họ thấy mình lạc lõng giữa dòng đời. Nhưng tất cả những đức tính ấy được gồm tóm trong câu kết luận của Chúa Giê-su: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca sau khi trình bày bài giảng khai mạc của Chúa Giê-su dưới đất bằng, cũng ghi lại một câu kết luận của Chúa về một vấn đề vô cùng gai góc – yêu thương kẻ thù – khi Người lấy Chúa Cha làm tiêu chuẩn: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Thật là “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”! Thánh Mát-thêu trình bày con đường nên thánh của Ki-tô hữu một cách bao quát, pháp lý và nguyên tắc. Còn thánh Lu-ca thì vẽ con đường nên thánh cho ta một cách đơn sơ hơn, thực tế hơn, tuy không có nghĩa là dễ dàng hơn đâu. Vậy vấn đề thánh Lu-ca nêu lên gợi cho ta mấy thắc mắc: ai là kẻ thù của ta và tại sao lại lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù?

a) Ai là kẻ thù?

Tôi nhớ câu đầu trong bài hát “Kẻ thù ta” của một ông nhạc sĩ Việt Nam (Phạm Duy) là: “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai?” Khi xác định một người là “kẻ thù của ta” thì ta đã ngầm hiểu rằng người ấy có tội đối với ta. Tội lớn thì thù lớn, khó mà tha và quên được; còn tội nhỏ thì cũng có thể tha và quên được vì khi nhìn lại chính mình ta thấy mình cũng có nhiều tội nhỏ đối với người khác.

Trong bài giảng, Chúa Giê-su đã nêu lên một số hành động của kẻ thù ta: nguyền rủa, vu khống, vả má, đoạt áo ngoài của ta. Chắc chắn một điều là thực sự ta không có lỗi gì để đáng chịu những hành vi bất công ấy. Vậy khi làm những hành vi bất công ấy cho ta, họ đã có lỗi với ta và trở thành kẻ thù của ta.

Nói người lại ngẫm đến ta! Khi ta xúc phạm đến một người là ta có tội với người ấy và ở mức độ nào đó ta trở thành kẻ thù của người ấy. Nếu quả như vậy, thì tất cả chúng ta đều là kẻ thù của Thiên Chúa. Đúng thế, kẻ thù đích thực của Thiên Chúa là ma quỷ và sự dữ. Ma quỷ còn muốn kéo theo con người cùng với chúng làm kẻ thù của Chúa khi nó hoạt động trong ta, cám dỗ ta sa ngã phạm giới răn Chúa. Mà ai trong thế gian này chẳng có tội, ngoại trừ Đức Ki-tô? Cho nên tội nguyên tổ đã đưa toàn thể nhân loại vào tư thế kẻ thù của Thiên Chúa. Giả như Thiên Chúa không yêu thương “kẻ thù” của Người là nhân loại tội lỗi, thì Người đã để họ hư mất luôn cho rồi và Người sẽ tạo dựng một nhân loại khác thay thế! Nhưng bản chất của Thiên Chúa là yêu thương và nhân từ, nên Người không hành xử trái với bản tính của Người. Cũng giống như trong Tin Mừng Mát-thêu, bản chất của Thiên Chúa là hoàn thiện, nên ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Người. Do đó, Thiên Chúa mới hoạch định một kế hoạch gọi là nhiệm cục cứu rỗi, để Người lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù của Người.

b) Tại sao phải lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù và biểu lộ lòng nhân từ cách nào?

Một cách cụ thể qua con người Chúa Giê-su, ta có thể nhận ra nhân loại đã xúc phạm Thiên Chúa như thế nào và Thiên Chúa đã đối xử lại với họ ra sao. Ai nói Chúa Giê-su không bị nguyền rủa và chúc dữ? Thân nhân Người cho Người là một tên khùng (Mc 3:21). Các kinh sư bảo Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám (Mc 3:22). Trước giờ chết trên thập giá, Thiên Chúa còn bị nguyền rủa và chúc dữ: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23:39). Chúa Giê-su đã bao lần bị vu khống lân la với những kẻ xấu nết và tội lỗi. Kẻ thù Chúa muốn kết luận về Người: Gần mực thì đen mà! Bị vả má và đánh đòn thì vô kể, đến nỗi Phi-la-tô muốn dùng hình ảnh đau thương của Thiên Chúa làm người (Ecce homo) để gợi lòng thương hại của con người, vậy mà cũng không xong.

Nhưng Đấng dạy ta phải thương yêu kẻ thù đã sống trọn vẹn bài học ấy trước khi dạy ta. Người chúc lành cho mọi người. Người vẫn một lòng thương cả ông Phê-rô lẫn Giu-đa. Người đã cầu nguyện cho họ, xin Cha tha thứ cho họ. Từ trên thập giá Người đã tha thứ cho kẻ thù của Người. Những tên lính chia nhau áo ngoài, Người cho luôn cả áo trong. Người còn cho nhân loại luôn cả những giọt nước và máu cuối cùng trong trái tim yêu thương của Người. Đó là tất cả những cách cụ thể Chúa Giê-su biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Chúa Giê-su bao giờ cũng thực tế. Dạy nhiều quá, chúng ta đâu có nhớ và làm nổi. Cho nên Người đưa ra một vài điều thực tế nhất, những điều ta hay gặp nhất trong đời sống hằng ngày. Đó là đừng xét đoán, đừng lên án, và hãy tha thứ. Lòng nhân từ sẽ là cặp kính để ta nhìn người khác, cặp kính đó chính Thiên Chúa ban cho ta. Nhìn qua đó, ta sẽ không thấy được ai là kẻ thù ta, mà chỉ thấy người khác là con Chúa, là người anh chị em của ta.

c) Suy nghĩ và cầu nguyện

Yêu thương kẻ thù và tha thứ cho kẻ thù là hành vi của duy Thiên Chúa nên loài người không thể làm được. Nhưng Thiên Chúa đã cho con người khả năng có thể yêu thương kẻ thù và tha thứ kẻ thù khi Người cho chúng ta một con người mẫu là Chúa Giê-su. Vậy tôi đã học nơi Chúa Giê-su ở những điểm này chưa? Tôi có kết hiệp với Người để yêu thương và tha thứ kẻ thù của tôi không? Nếu không, thì tôi phải làm gì để kết hiệp với Chúa Giê-su?

Ai là kẻ thù gần nhất của tôi? Hoàn cảnh thù ghét như thế nào? Tôi có cách thức cụ thể nào để yêu thương và tha thứ người ấy?

Tôi tập cách nào để không lên án và xét đoán người khác?

“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

đón nhận người khác là điều vượt quá sức con,

vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói,

vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa

và đừng để con quên lời Chúa nói:

“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

là làm cho chính Ta.” – Trích trong PRIER

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 112)

15. Luật yêu thương

Một phụ nữ nọ ngạc nhiên khi nghe tin Abraham Lincoln nói lên sự tử tế của quân đồng minh. Bà ta nói: “Tôi nghĩ tốt hơn chúng ta nên tập trung lại để tiêu diệt kẻ thù hơn là đối xử tốt với họ”.

Linclon trả lời: “Thưa bà, chúng ta tiêu diệt kẻ thù khi đối xử tốt với họ”. Đó cũng chính là sự khôn ngoan và lòng nhân ái toát ra từ lời Chúa dạy trong Tin mừng hôm nay.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã đưa ra một phát lý hoàn toàn mới mẻ so với Cựu ước qui định: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. So với các dân tộc chung quanh, luật Cựu ước cho thấy dân Irael đã đạt được một ý thức khá cao về công bình. Nhưng Chúa Giêsu đến kể kiện toàn lề luật: thay cho thứ công bình “Mắt đền mắt, răng đền răng”, Chúa Giêsu đề ra luật của yêu thương và được qui tóm trong một lề luật duy nhất là mến Chúa, yêu người.

Luật yêu thương ấy không có giới hạn, cũng chẳng có luật trừ. Yêu thương là yêu thương mọi người và yêu thương cho đến cùng. Qua cách cư xử của Ngài đối với các tội nhân và ngay cả kẻ thù của Ngài, Chúa Giêsu đã chứng tỏ một tình yêu không điều kiện, không giới hạn, không luật trừ, và tình yêu ấy được thể hiện trọn vẹn qua cái chết của Ngài trên thập giá.

Khi tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa và khi nối kết hai giới răn mến Chúa yêu người, Chúa Giêsu cũng chỉ cho con người thấy được ơn gọi đích thực của nó. Chỉ có một cách thể hiện hữu đối với con người đó là sống yêu thương. Khước từ yêu thương, con người tự chối bỏ chính mình. Đón nhận mạc khải của Chúa Giêsu, người Kitô hữu hiểu rằng chỉ bằng yêu thương, họ mới sống đúng ơn gọi làm người, và tỏ bày hình ảnh của Thiên Chúa mà họ mang trong mình.

Ước gì chúng ta ý thức được sứ mệnh cao cả của mình, để trong mọi sự và trong mọi quan hệ, chúng ta luôn thúc đẩy và hướng đến bởi một động lực duy nhất là tình yêu.

16. Kẻ nội thù

Không có gì hủy hoại sức con người bằng lòng thù hận: cừu hận là một hành động tự sát, ghét người cũng có nghĩa là ghét chính bản thân. Truyện Liễu thị Xuân Thu có kể lại như sau: Một người nọ nằm mơ thấy có người đeo gươm tự dưng đi vào tận nhà mắng chửi, nhổ vào mặt, rồi bỏ đi. Giật mình tỉnh dậy, anh ta ngồi bực dọc suốt đêm không sao ngủ được. Sáng hôm sau, anh tâm sự với một người bạn: “Từ thủa nhỏ đến giờ tôi vẫn là người hiếu dũng, chưa hề bị ai làm nhục, thế mà đêm hôm qua bị đứa nào làm nhục, tôi định tìm cho kỳ được đứa ấy để trả thù, nếu tìm thấy nó rồi thì tốt, còn không, chắc tôi phải chất mất”. Từ hôm đó, cùng với người bạn, sáng nào anh cũng ra đứng ngoài đường để rình. Rình ba ngày mà vẫn không thấy bóng dáng kẻ thù. Cuối cùng, anh ta về nhà uất cả người lên mà chết.

Câu truyện trên đây có lẽ chỉ là một dụ ngôn để nói lên sức tác hại của sự hận thù mà con người cưu mang trong tâm hồn. Lòng thù hận chính là kẻ nội thù nguy hiểm nhất, chỉ có một kẻ thù như thế mới có sức hủy hoại con người. Ít hay nhiều, xem ra ai trong chúng ta cũng có kẻ thù. Có những người ghen ghét hoặc tìm cách hãm hại chúng ta đã đành, mà chính chúng ta cũng không thiếu những kẻ để ghét bỏ và thù hận. Chúa Giêsu cũng có nhiều kẻ thù, đó là những kẻ rình rập, đeo đuổi để hãm hại Ngài. Đứng trước sự dữ và hành động gian ác, Chúa Giêsu không hề nhân nhượng. Ngài lên án gắt gao tất cả những gì xúc phạm đến Thiên Chúa và con người. Trong trái tim Ngài không có chỗ cho bất cứ tâm tình bất chính nào. Tuy nhiên, đối với các tội nhân là những kẻ làm điều ác, Chúa Giêsu luôn tỏ ra khoan dung. Ngài tha thứ cho chính những kẻ hành hạ và đóng đinh Ngài vào thập giá. Trong tâm hồn Ngài không có bất cứ tâm tình thù hận nào đối với kẻ thù của Ngài. Qua cử chỉ ấy, Chúa Giêsu đã mạc khải cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời thể hiện được khả năng và ơn gọi của con người là sống yêu thương. Qua cử chỉ tha thứ ấy, Chúa Giêsu bày tỏ trọn vẹn chân lý về con người. Con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu, cho nên con người chỉ có thể sống trọn vẹn ơn gọi của mình bằng cách sống yêu thương, và yêu thương như chính Thiên Chúa, nghĩa là yêu thương và tha thứ cho kẻ thù của mình. “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”. Đây không chỉ là một lý tưởng, mà còn là một đòi hỏi tất yếu đối với con người. con người có sống cho ra người và có đạt được nhân cách của mình hay không, là tùy ở nó có biết sống yêu thương và tha thứ như Thiên Chúa hay không. Nguyện xin Chúa loại trừ khỏi tâm hồn chúng ta mọi thứ cừu hận và ban cho chúng ta tình yêu của Ngài, để chúng ta luôn biết nhìn mọi người như hình ảnh Thiên Chúa, và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

17. Yêu thù địch

Trong lịch sử những cuộc đấu tranh dành độc lập, Mahtma Ganhdi là người để lại tấm gương sáng chói nhất. Do cuộc tranh đấu bất bạo động, ông đã dành được sự độc lập cho đất nước khỏi sự đô họ của Anh quốc mà không phải đổ nhiều máu và tốn nhiều nhiều súng đạn. Người Anh ra đi trong danh dự và vẫn được người Ấn xem như những người bạn. Lấy tình thương làm nền tảng, Ganhdi kêu gọi đồng bào ông dù tranh đấu cho sự thật, công lý và quyển lợi của mình, nhưng vẫn yêu thương và tha thứ cho kẻ thù. Chủ trương tranh đấu bất bạo động, như Ganhi đã có lần thú nhận, được múc lấy từ chính giáo lý tình thương của Chúa Giêsu.

Tình thương mà Chúa Giêsu rao giảng là tình thương không biên giới, vượt mọi ranh giới của gia đình, chủng tộc, ngôn ngữ, màu da, để nối kết mọi chiều kích của nhân loại, kể cả kẻ thù địch. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng 1 giáo lý mà chính Ngài không thực hiện trước. Kẻ thù không đội trời chung của người Do Thái là Samari đã được Ngài dành cho một sự ưu ái đặc biệt. Ngài còn thách đố người Do Thái khi giới răn yêu thương. Nhưng có lẽ không có gì vương giả vàng trung thực hơn trong cuộc đời Chúa Giêsu cho bằng khi chịu treo trên thập giá Ngài vẫn mỡ miệng tha thứ cho những kẻ đang hành hạ Ngài.

Cử chỉ tha thứ ấy của Chúa Giêsu là mạc khải tình yệu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương không loại trừ người nào, Thiên Chúa yêu thương và thức ho cả những kẻ chối bỏ xà xúc phạm đến Ngài. “ Hãy nhân từ như Cha chúng con là Đấng nhân từ”. Kêu gọi các môn đệ noi gương Cha trên trời, Chúa Giêsu mặc cho tình yêu và tha thứ chiều kích của đức tin: sống yêu thương và tha thứ là thể hiện của niềm tin, nghĩa là người ta không thể tôn thờ Thiên Chúa mà không yêu thương và tha thứ cho người đồng loại của mình. Người Kitô hữ yêu thương và tha thứ cho kẻ thù bởi vì họ muốn làm dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Sống trong một xã hội xây dựng trên hận thù, lấy sự phân biệt bạn thù làm châm ngôn xử thế, người kitô hữu vẫn còn có thể chứng minh cho mọi người thấy rng Thiên Chúa đang hiện diện và hành động trong xã hội ấy bằng chính tình yêu thương và lòng tha thứ của các tín hữu của Ngài.

18. Yêu thương

Chúa Giêsu nhắc lại đường lối chung của đời sống rồi Ngài loại bỏ bằng câu hỏi: “Thì còn ân nghĩa gì?’’ Thường thì người ta khoe mình cũng tốt như những người chung quang. Rất có thể họ đúng như vậy. Nhưng Chúa Giêsu hỏi: “Ngươi tốt hơn người thường được bao nhiêu?” Tiêu chuẩn để chúng ta so sánh không phải là với người lân cận, có thể chúng ta bằng họ. Nhưng chúng ta phải so sánh mình với tiêu chuẩn của Thiên Chúa, và như vậy chúng ta còn xa lắm với tiêu chuẩn của Ngài.

Ấy là để chúng ta nên giống như Thiên Chúa, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong các hoạt động của Ngài. Chúa khiến mưa xuống trên kẻ lành và kẻ dữ. Chúa nhân từ đối với kẻ làm vui lòng Ngài mà cũng nhân từ đối với những kẻ làm buồn lòng Ngài. Tình yêu Thiên Chúa bao bọc thánh nhân cũng như tội nhân. Chúng ta phải noi gương mẫu tình yêu đó. Nếu chúng ta cũng tìm lợi ích cho kẻ thù nghịch, thì chúng ta mới thực sự là con cái Thiên Chúa.

Mội người Ba – Lan đã kể câu chuyện cảm động và người đã chứng tỏ lòng thương yêu của kẻ thù – là anh ta – như sau: “Tôi đã bị bắt, cảnh sát đã tìm thấy tôi. Tôi đã giết bà Hammelmann, và tôi cũng bắt luôn bốn người con của bà. Tôi nhìn thấy họ chết trong vũng máu. Sau khi cảnh sát bắt được tôi, tôi bị đưa ra tòa. Quan tòa tuyên án: “Anh đã làm một việc vô cùng tàn bạo, anh phải ngồi tù hai mươi năm.”

Đang khi ở trong tù, tôi có nhận được một lá thư. Đây là một lá thư hết sức lạ lùng của ông Hammelmann. Ông đã viết lá thư này cho tôi vì ông đã nhận được tin chánh quyền Polish sẽ không cho phép tôi trở về quê hương của tôi là Ba – Lan. Ngay cả cánh quyền Đức cũng để nói rằng: “Chúng tôi không muốn anh sống tại nước Đức.” Bức thư của ông Hammelmann viết: “Tôi tha thứ cho anh về việc anh giết vợ và bốn con tôi. Tôi cũng đang vận động với chánh quyền Đức để họ cho phép anh có thể ở trong nhà tôi và tôi sẽ giúp anh sống một đời sống lương thiện.”

Trong thư ông cắt nghĩa: “Tại sao tôi giúp đợ anh? Tại sao tôi lại có thể tha thứ cho anh về tội anh tàn sát gia đình tôi? Tôi có thể làm điều này vì Thiên Chúa đã làm một điều lạ cho tôi. Ngài đã ban cho tôi Thánh Thần của Ngài. Thánh Thần của Thiên Chúa bây giờ dẫn dắt đời sống tôi và Ngài ban sức cho tôi có thể tha thứ cho anh.”

Bây giờ tôi biết được rằng Thánh Thần của Thiên Chúa phải có một quyền năng siêu việt. Ngài đã cất mối tử thù khỏi lòng một ngày và ban cho ông ta một tấm lòng muốn giúp đỡ tôi mặc dầu tôi đã giết vợ con ông ta.”

19. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Các mối phúc đã phác họa dung mạo người môn đệ Chúa Giêsu, biết chấp nhận những thua thiệt trong cuộc đời và bị bách hại về thể xác cũng như tinh thần vì họ muốn sống theo giáo lý của Người. Phản ứng tự nhiên của người bị bách hại là không thể đội trời chung với kẻ thù là người bách hại mình, chứ nói chi tới việc yêu thương kẻ thù. Có lẽ vì thế mà Tin Mừng Lu-ca đặt vấn đề yêu thương kẻ thù ngay sau các mối phúc, coi như một điều kiện căn bản để có thể sống những mối phúc nói trên. Vậy bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục quảng diễn những mối phúc bằng những trường hợp cụ thể rút từ lối sống của người đời và đòi hỏi người môn đệ phải sống ngược lại lối sống ấy thì mới nói lên được căn tính của người đi theo Chúa.

1) Yêu thương kẻ thù

Đã chọn đi ngược với lối sống của thế gian, môn đệ Chúa không thể đồng hành với người đời ở bất cứ nơi nào và dĩ nhiên đã trở thành thù địch với nhau rồi. Môn đệ Chúa sống theo quy luật của các mối phúc, còn người đời sống theo quy luật của các mối họa. Người môn đệ Đức Ki-tô lấy Thiên Chúa làm điểm tựa, vì chính Người mới là nơi cư ngụ vĩnh viễn (Nước Thiên Chúa), sự no đủ đích thực, hạnh phúc trường sinh và phần thưởng lớn lao. Ngược lại, người đời lấy chính họ làm cứu cánh và lấy thế gian cùng những gì thuộc về nó làm phương tiện, đó là sự giàu có sang trọng, no nê phè phưỡn, vui chơi trác táng và tiếng tăm địa vị.

Từ sự khác biệt ấy, môn đệ Chúa trở thành cái gai trước mắt người đời và luôn luôn phải đối phó với việc bị tẩy chay và bách hại. Trước tình trạng phũ phàng ấy, Chúa Giêsu đưa ra một bài học độc đáo và thực tế. Ở đây ta nhận thấy hoàn cảnh khác với hoàn cảnh trong Tin Mừng Mát-thêu. Là Tin Mừng viết cho người Do-thái, Mát-thêu đưa ra những so sánh như: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Còn Lu-ca là Tin Mừng viết cho anh em Dân ngoại nên không trưng dẫn Lề Luật, mà chỉ đề cao Chúa Giêsu là Luật tối cao: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây”. Vậy Chúa Giêsu đã nói gì về những điều môn đệ Người phải làm khi gặp trường hợp bị kẻ thù bách hại?

Trước hết, hãy yêu thương kẻ thù, đó là nguyên tắc căn bản thứ nhất. Để sống tình yêu thương này, người môn đệ phải lấy đức mà đáp lại oán, lấy việc lành mà trả cho việc dữ. Nguyên tắc thứ hai là mức độ yêu thương và làm ơn ít ra phải tích cực và hơn mức bình thường, vì yêu thương bao giờ cũng vượt trên mức công bằng. Yêu thương đòi ta phải đi bước trước và chủ động. Với yêu thương, người môn đệ làm chủ được mình. Thay vì theo thói đời là nguyền rủa lại kẻ nguyền rủa mình, người môn đệ biết tự chế, bắt mình phải theo lệnh truyền của lòng yêu thương mà nói điều tốt cho kẻ thù. Họ thắng được lòng tham tự nhiên lúc nào cũng muốn giữ cho mình, mà sẵn sàng quảng đại cho đi.

Tuy nhiên, nghe nói vậy nhưng thực hành lại là vấn đề khó khăn vô cùng. Tại sao ta lại phải làm một điều “trái tự nhiên” như vậy? Chúa Giêsu có đòi hỏi quá đáng không? Dựa vào đâu mà ta có thể biện minh cho việc yêu thương kẻ thù? Chúa Giêsu cho ta câu trả lời.

2) Có yêu thương kẻ thù, “anh em mới là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”

Cha nào con nấy. Đó là lý do. Ta phải yêu thương kẻ thù, vì chính Thiên Chúa, Cha chúng ta, yêu thương kẻ thù của Người. Nhưng kẻ thù của Thiên Chúa là ai? Là những kẻ dữ, những kẻ tội lỗi. Nói như thế thì mọi người đều là kẻ thù của Thiên Chúa, vì tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, chứ có ai là vô tội trước mặt Người đâu. Thế mà Người vẫn thương ta, vẫn sai Con Một Người đến để kêu gọi những người tội lỗi và Con Một Người còn chấp nhận chết khổ nhục để xóa bỏ tội lỗi ta.

Nếu Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã và vẫn đang yêu thương ta là “kẻ thù” của Người, thì ta phận làm con cái Người lại có thể làm ngược lại với đường lối của Người hay sao? Chúa Giêsu đề cập tới vấn đề ân nghĩa ở đây. Việc Thiên Chúa yêu thương ta mặc dù ta thân phận tội lỗi, đó là một ân nghĩa. Ân nghĩa thuộc bình diện yêu thương, chứ không phải công bằng. Cho nên đối với kẻ thù, ta không chỉ đối xử công bằng, nhưng phải tích cực hơn để đi vào lãnh vực yêu thương. Trong công bằng có sự tính toán và sòng phẳng. Còn yêu thương thì chỉ nghĩ đến cho đi, vì yêu thương là ân huệ. Thiên Chúa đã yêu thương ta nên cho ta mọi thứ ân huệ và cuối cùng cho ta Ân Sủng đầy tràn tức là Con Một Người.

3) “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”

Mỗi tác giả Tin Mừng có một cách để định nghĩa thế nào là nên thánh. Mát-thêu thì nêu lên định luật: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Còn Lu-ca thì thực tế hơn: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).

Mặc dù ta là “kẻ thù” của Thiên Chúa, nhưng Người vẫn đối xử nhân từ với ta. Đối xử nhân từ là đối xử không theo lẽ công bằng, nhưng theo lẽ tình yêu. Mà tình yêu thì có những lý lẽ riêng của nó, nhiều khi không hiểu được. Cụ thể là tình yêu Thiên Chúa. Con tim của Thiên Chúa có những lý lẽ ở ngoài lối suy nghĩ của con người. Nhân từ của Thiên Chúa là phong cách đặc biệt để biểu lộ tình yêu của Người. Người yêu thương kẻ thù của Người bằng cách tỏ ra nhân hậu đối với chúng. Chẳng những Người không xét đoán, không lên án, mà còn tha thứ nữa. Thật không thể hiểu được Thiên Chúa yêu thương cách đó! Đấy là đấu Thiên Chúa đong cho ta và Người cũng muốn ta đong như vậy cho người khác.

4) Suy nghĩ và cầu nguyện

Chúa Giêsu đã sống định luật “yêu thương kẻ thù” như thế nào? Tôi đọc thấy gì trong những sách Tin Mừng về điểm này? Có khi nào tôi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong lãnh vực này không?

Kẻ thù đáng kể nhất của tôi hiện giờ là ai? Tôi có kế hoạch nào thực thi lời Chúa để yêu thương họ?

Hay xét đoán là một nết xấu thường tình. Vậy tôi sẽ làm cách nào để tập không xét đoán người khác? Trong ý nghĩ? Trong lời nói?

Cầu nguyện

“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

đón nhận những người khác

là điều vượt quá sức con,

vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

mà yêu mến người khác

làm cho tim con đau nhói,

vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa

và đừng để con quên lời Chúa nói:

“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

là làm cho chính Ta.” – Trích trong PRIER

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 112)

20. Hãy yêu kẻ thù

Vào ngày 13.05.1981, cả thế giới đều sửng sốt kinh hoàng trước cái tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát tại chính công trường thánh Phêrô. A-li Ac-ca (Ali Agca), một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ thủ phạm bắn ngài, ngay lúc đó đã bị bắt giam. Về phần Đức Giáo Hoàng, sau một thời gian chữa trị đã bình phục và việc đầu tiên Ngài làm là đến nhà tù thăm A-li, nói chuyện lâu giờ với anh ta và sẵn sàng tha thứ tội ám sát ngài của anh ta. Chính tình yêu mến Đức Giêsu đã thúc đẩy vị đại diện của Người dưới trần gian, có lòng bác ái vô biên, là tha thứ cho kẻ giết hại mình, giống như Thầy chí thánh cũng đã từng cầu xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ thù ghét giết hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Người xưa có câu: “Ác gỉa ác báo”; “Gieo gió gặt bão”; Làm điều ác thì sẽ gặp điều ác. Lấy oán báo oán chỉ tăng thêm hận thù mà thôi. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Nếu chúng ta không sống theo lời dạy của Chúa Giêsu để tha thứ cho tha nhân những sự xúc phạm của họ đối với mình thì phản ứng dây chuyền của sự ác là hận thù sẽ tăng thêm, bạo lực sẽ kéo theo bạo lực, và tất cả chúng ta sẽ rơi vào hố sâu diệt vong.

Một nhà tâm lý đã nói rằng: “Nếu anh nuôi lòng thù hận muốn giết kẻ thù đã làm hại anh, thì anh hãy sắm sẵn hai chiếc quan tài: Một chiếc để dành cho kẻ thù sẽ bị anh giết chết, còn chiếc thứ hai sẽ dành cho chính anh. Vì anh cũng sẽ bị chết dần chết mòn do lòng thù hận gây ra”. Thực vậy, hận thù gây tác hại cho chính người thù ghét kẻ khác. Nó làm tổn thương tinh thần của người nuôi sự oán thù trong lòng. Nó hủy diệt nhân cách của họ. Ba-con nói: “Khi trả thù, người ta biến mình ngang hàng với kẻ thù. Còn khi tha thứ thì người ta vượt cao hơn hẳn kẻ thù”.

Các chuyên gia tâm lý ngày nay đều công nhận rằng: “Hận thù thì hủy diệt, còn yêu thương thì phát triển nhân cách một cách lạ lùng và hữu hiệu”. Tình yêu có phép mầu sẽ biến thù thành bạn. Ap-ram Lanh-côn (Abraham Lincon) nói: “Biến thù thành bạn, tức là ta đã tiêu diệt kẻ thù rồi vậy!”. Chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã dạy chúng ta: “Anh em hãy yêu kẻ thù…Hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha. Hãy cho đi thì sẽ được cho lại!”.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...