08/05/2021
1651

Các Bài Suy Niệm Chúa Nht 6 Phc Sinh – Năm B

Lời Chúa: Cv 10,2-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17


THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

 

Cv 10,25-26.34-35.44-48 Những người ngoại đầu tiên được rửa tội.

Tv 98,1 Thiên Chúa mạc khải quyền năng của Người cho các dân nước.

1Ga 4,7-10 Thiên Chúa là tình yêu.

Ga 15,9-17 Anh em hãy yêu thương nhau.

 

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU. Thánh Gio-an định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (BĐ2) dành cho hết mọi người (BĐ1). Vì thế các môn đệ của Đức Giê-su phải tuân giữ huấn lệnh Ngài truyền là yêu thương nhau (BTM).

2. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một (Cv 10,25-26.34-35.44-48) như thế nào?

THƯA: Sau khi Phao-lô được kêu gọi làm tông đồ (9,1-30), Hội thánh trải qua thời kì yên ổn (31). Nhờ vậy Phê-rô mở rộng địa bàn truyền giáo, ông xuống Lốt (32-35) rồi Giáp-pha (36-43). Sau khi được thị kiến (10, 9-16), ông đi xuống Kai-sa-ria đến nhà ông Co-nê-li-ô, một người ngoại cũng được thị kiến (1-8). Tại đây, bắt đầu cuộc hội ngộ lịch sử. 

3. HỎI: Bài đọc một có bố cục như thế nào?

THƯA: Bài đọc một có bố cục 3 phần: 1. (cc 25-26): cuộc gặp lịch sử giữa Phê-rô và Co-nê-li-ô; 2 (cc 34-35): diễn từ của Phê-rô khẳng định rằng Thiên Chúa không thiên vị ai cả; 3 (cc 44-48): Thánh Thần ngự xuống trên tất cả mọi người.

4. HỎI: Động cơ nào thúc đẩy ông làm việc đó?

THƯA: Phê-rô nhận được một thị kiến thúc đẩy ông vượt qua những điều cấm kị của lề luật để chấp nhận lời mời của ông Co-nê-li-ô. Chúng ta hiểu được cái giá phải trả qua việc nầy, và chỉ có Thánh Thần mới là động cơ có thể giúp Phê-rô can đảm thực hiện điều đó.

5. HỎI: Tại sao gọi đây là cuộc gặp gỡ lịch sử?

THƯA: Gọi là lịch sử vì không những cuộc gặp gỡ ấy phá đổ các khái niệm thần học và các định kiến lỗi thời, đồng thời thúc đẩy một cuộc hoán cải cho phép các cộng đoàn Ki-tô hữu non trẻ tín trung với Thánh Thần.

6. HỎI: Lề Luật Mô-sê buộc như thế nào?

THƯA: Luật Mô-sê cấm người Do thái có liên hệ thân thiết với người ngoại, nếu không sẽ bị ô uế nghi thức. Phê-rô là một người Do thái sùng đạo, biết và tuân giữ nghiêm nhặt những qui định của Lề luật. Thế nhưng giờ đây Thánh Thần đã mở cửa để ông gặp gỡ Co-nê-li-ô, một người ngoại.

7. HỎI: Tại sao đây là cuộc gặp gỡ đặc biệt?

THƯA: Đặc biệt vì đó là cuộc gặp gỡ giữa hai con người hoàn toàn khác biệt: Phê-rô là người Do thái, tín hữu xác tín, từ ít lâu là môn đệ của Đức Giê-su. Và Co-nê-li-ô là người ngoại, một người không ai dám giao thiệp, vì không những ông ta là người xâm lăng mà còn là một người ngoại giáo. 

8. HỎI: Ai có sáng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử nầy?

THƯA: Không phải ông Phê-rô có sáng kiến về cuộc gặp gỡ nầy mà là chính Thiên Chúa. Chính Ngài sắp đặt cho hai người làm nên biến cố vô cùng quan trọng cho cộng đoàn non trẻ Ki-tô hữu. Cả hai cùng hưởng thị kiến Thiên Chúa ban cho trước khi đi gặp nhau.

9. HỎI: Tại sao biến cố trên tạo khúc quanh quan trọng trong công cuộc Loan báo tin mừng?

THƯA: Trong giai đoạn đầu của lịch sử cứu độ, dân Do thái được Thiên Chúa yêu thương và chọn lựa nhưng cần phải có thời gian dài để họ trưởng thành, gìn giữ và củng cố để loan báo đức tin. Thế là từ naybắt đầu một giai đoạn mới: Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái mở cửa đón nhận dân ngoại để nghe loan báo tin mừng.

10. HỎI: Thành Kai-sa-ri-a có ý nghĩa nào trong biến cố nầy?

THƯA: Kai-sa-ri-a là địa danh thật giàu ý nghĩa. Được xây dựng trên bờ biển hướng về Địa Trung Hải và thủ đô đế quốc Rô ma, Kai-sa-ri-a từ 35 năm sau khi xây dựng, trở thành thủ phủ của tỉnh Giu-đê. Khi đến đó, Phê-rô chỉ có hai lựa chọn: một là quay trở lại con đường cũ để giam chặt Hội Thánh trong những giới hạn của Do thái giáo, hai là cùng với Hội Thánh ra khơi để đi đến Rô ma, thủ đô ngoại giáo, một Ba-by-lon mới hiện thân của mọi thứ tội lỗi (Kh 17,5). Dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Phê-rô đã chọn con đường thứ hai.

11. HỎI: Thánh Thần đã hoạt động như thế nào trong Hội Thánh sơ khai (cc.44-48)?

THƯA: Diễn từ ông Phê-rô nói một cách dạn dĩ và đầy uy quyền (cc.44-48) đặt ra một nguyên tắc nền tảng không thể chối cải được: Thánh Thần Thiên Chúa thổi bất cứ nơi đâu Ngài muốn, vì Ngài là chủ tể tuyệt đối các ơn ban của Ngài và quảng đại trao ban cho ai tùy ý Ngài. Ngài hoạt động trong tâm hồn con người, kể cả người ngoại trước khi họ chịu phép Rửa và dĩ nhiên không bắt họ phải cắt bì. Qua đó, Thiên Chúa gửi sứ điệp cứu độ cho tất cả mọi người.

12. HỎI: Như thế Phê-rô có phải là “tông đồ dân ngoại” không’?

THƯA: Tước hiệu“Tông đồ dân ngoại” thường được gán cho Phao-lô, vị Tông đồ nhiệt thành đem tin mừng đến cho dân ngoại. Nhưng ở đây chúng ta thấy, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Phê-rô đã đem tin mừng cứu độ đến cho người ngoại trước cả Phao-lô. Như thế, Phê-rô cũng xứng đáng được gọi là Tông đồ dân ngoại La mã.

13. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Ga 15,9-17) thế nào?

THƯA: Đọan tin mừng nằm trong bài diễn từ dài bắt đầu từ câu 13,31 đến câu 17,26 thường được gọi là diễn từ Tiệc li, chứa đựng nhiều mạc khải của Đức Giê-su về mối tương giao với Chúa Cha cũng như với các môn đệ, về ý nghĩa sứ mạng và cuộc Khổ nạn của Ngài. Đọan tin mừng thuộc phần đầu của chương 15, đi liền sau dụ ngôn về cây nho, nói đến nhựa sống lưu thông giữa cây và cành nho, là điều kiện để sinh hoa trái. Hình ảnh ấy nói lên sự liên kết bền chặt giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài.

14. HỎI: Đoạn tin mừng có nội dung như thế nào?

THƯA: Đọan 15, 9-17 gồm một vài giải thích của Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc lưu chuyển tình yêu giữa Cha Con và các môn đệ. Tình yêu huynh đệ là giới răn trọng đại, là đòi hỏi phát xuất từ tình yêu của Cha và Con, và đồng thời cũng là sự chuyển thông của tình yêu ấy.

15. HỎI: Niềm vui của Đức Giê-su xuất phát từ đâu?

THƯA: Niềm vui của Đức Giê-su phát xuất từ sựthực hiện thành công sứ mạng cứu thế là nguồn suối mang lại niềm vui. Như Gio an Tẩy giả đã nói về niềm vui của mình (3,29) khi ông đã có thể biến đi trước đấng mà ông loan báo. Lần đầu tiên Đức Giê-su nói: “niềm vui của Thầy”. Ngài sẽ còn nói đến điều đó nữa (17,13), vì Ngài luôn luôn vui mừng thông truyền chương trình của Cha cho các môn đệ. Nhờ vậy, họ sẽ cảm nghiệm niềm vui bên kia đau khổ (16,20-24).

16. HỎI: Điều răn của Đức Giê-su được gọi là “mới”?

THƯA: Điều răn của Đức Giê-su được gọi là mới không theo nghĩa là chưa bao giờ có, nhưng với nghĩa là phi thường, vô tận, không có giới hạn. Không chỉ là yêu tha nhân như chính mình (Lv 19,18; Mc 12,31) mà là yêu như Đức Giê-su đã yêu thương (x. Mt 5,43-48; Lc 6,27-35).

17. HỎI: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” có nghĩa gì?

THƯA: Trước khi ra đi chịu khổ nạn, Đức Giê-su đã để lại những lời trăn trối đầy cảm động cho các môn đệ của Ngài. Một trong những lời đó là: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Tình yêu của Đức Giê-su dành cho các môn đệ cũng giống như tình yêu mãnh liệt mà Thiên Chúa Cha đã dành cho Ngài. Ở lại trong tình yêu có nghĩa là đừng tạo một chướng ngại nào hay cản trở nào trước tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Cản trở lớn nhất chính là tội lỗi khiến chúng ta không sống trung thành với tình yêu của Ngài. Ở lại trong tình yêu do đó là giữ những lệnh Ngài truyền, và trung thành thực hiện những gì Ngài đòi hỏi.

18. HỎI: Đức Giê-su có “lưu lại trong tình yêu của Thiên Chúa Cha” không?

THƯA: Có. Chính Đức Giê-su đã làm gương cho chúng ta trong suốt cuộc đời của Ngài. Ngài đã từng nói rằng, thực hiện những gì thánh ý Chúa Cha muốn chính là lương thực nuôi sống Ngài. Việc hoàn thành ấy đòi hỏi những hi sinh lớn lao, nhưng đem lại cho Ngài niềm hân hoan khôn tả vì biết rằng Thiên Chúa yêu thương Ngài, và xứng đáng đáp lại tình yêu ấy.

19. HỎI: Tuân giữ lệnh truyền là lưu lại trong tình yêu, nhưng đâu là lệnh truyền quan trọng nhất?

THƯA: Lệnh truyền quan trọng nhất gồm tóm tất cả các lệnh truyền khác là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương. Chính Đức Giê-su đã nêu gương bằng chính cuộc sống xả thân hi sinh cho người mình yêu: “Không có tình yêu nào lớn cho bằng hiến mạng sống vì kẻ mình yêu” (x. Rm 5,7): đó là tình yêu của người Mục tử tốt lành (Ga 10,11). Theo gương Ngài, các môn đệ phải sẵn sàng hiến mạng sống cho nhau.

20. HỎI: Cái chết của Đức Giê-su trên thánh giá cho ta thấy điều gì?

THƯA: Cái chết tự hiến của Đức Giê-su trên thánh giá cho ta thấy tình yêu trung thành của Ngài đối với Chúa Cha, và đồng thời cũng cho thấy tình yêu thí mạng cho các bạn hữu của Ngài. Đó chính là mẫu mực của tình bạn hữu chân chính.

21. HỎI: Bạn hữu và tôi tớ khác nhau như thế nào?

THƯA: Với người tôi tớ hay nô lệ, người ta ra lệnh mà không cần phải giải thích. Còn với bạn bè, người ta tin tưởng chia sẻ các dự phóng, các khám phá hoặc cả các ngờ vực. Người ta dìu bạn mình cùng đi vào tình thân ái.

22. HỎI: Tình bạn mà Đức Giê-su mong muốn nơi người môn đệ mang những đặc tính nào?

THƯA: Nhiều lần trong lời từ biệt, Đức Giê-su lặp đi lặp lại rằng Ngài yêu thương các môn đệ (13,1.34;14,21;15,9.10), nhưng đó chưa phải là tình bằng hữu. Tình bạn mà Đức Giê-su nói đến phải mang tính cách thân mật, tin tưởng nhau, có qua có lại, phát xuất từ một sự cộng thông tư tưởng và tình cảm nào đó. Bởi thế, dù giữa Thầy và trò luôn có một khoảng cách, nhưng vẫn có thể coi nhau như bằng hữu.

23. HỎI: Được Đức Giê-su chọn lựa làm bạn hữu của Ngài, các môn đồ phải làm gì để đáp lại?

THƯA: Các môn đồ được chọn không phải vì tài năng đức độ của mình nhưng vì được yêu mến, thế nên họ phải đáp lại bằng một cuộc đời truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Khi giữ lời Chúa truyền dạy bằng cách yêu thương nhau, các môn đệ sẽ chứng minh tình bạn của họ đối với Ngài, sẽ được Ngài yêu thương, và sẽ mang lại kết quả dồi dào trong sứ mạng của mình.

 24. HỎI: Nội dung bài đọc hai (1Ga 4,7-10) như thế nào?

THƯA: Gio-an khuyên các tín hữu hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa

25. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống cá nhân bằng một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su, với Thiên Chúa và thể hiện lòng Mến Chúa trên hết mọi sự. 2. Kế đến chúng ta đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống gia đình bằng một đời sống hy sinh, phục vụ những người ruột thịt với một tình yêu vô vị lợi, không tính toán và giúp mọi người trong gia đình biết yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như Chúa dạy. 3. Sau cùng chúng ta đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống cộng đồng và xã hội bằng một đời sống mình vì mọi người nhằm mưu ích chung cho mọi người, nhất là cho những người yếu kém nhất trong xã hội.

GLCG 1824735. Đức mến là hoa trái của Thánh Thần và là sự viên mãn của lề luật. Yêu mến là giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô: "Hãy ở trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, thì anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy" (Ga 15,9-10) (x. Mt 22,40; Rm 13,8-10).

1970 1696 1789. Luật Tin Mừng đòi chúng ta chọn lựa dứt khoát giữa "hai con đường" (x. Mt 7,13-14) và thực hành các lời Chúa dạy (x. Mt 7,21-27). Luật Tin Mừng được tóm lược trong khuôn vàng thước ngọc: "Tất cả những gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì sách luật Mô-sê và các sách ngôn sứ dạy như thế" (Mt 7,12) (x. Lc 6,31).1823. Toàn bộ luật Tin Mừng thu gọn trong điều răn mới của Đức Giê-su (Ga 13,34), là chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12).

2745 2660. Cầu nguyện và sống đạo là hai việc không thể tách rời. Cả hai cùng xuất phát từ tình yêu và sự quên mình vì yêu; cả hai cùng nhắm đến chỗ hòa hợp với ý định yêu thương của Chúa Cha trong tâm tình mến yêu của người con thảo; cả hai cùng giúp tín hữu hiệp thông với Chúa Thánh Thần để được biến đổi ngày càng nên giống Đức Giê-su Ki-tô; cả hai cùng thể hiện tình yêu thương mọi người, bắt nguồn từ tình yêu Đức Ki-tô đã yêu thương ta. "Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy thì Người sẽ ban cho anh em. Điều Thầy truyền cho anh em là hãy yêu thương nhau" (Ga 15,16-17). 

---

Lm. Vinhsơn Trần Hải Ninh

 Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng nhận ra điều này, đó là “Yêu ai thì muốn làm đẹp lòng người đó”. Đời sống tự nhiên là vậy. Còn đời sống đức tin thì sao ? Trong hành trình theo Chúa, cũng đòi chúng ta yêu Chúa qua việc giữ, sống giới răn Chúa và Hội thánh.

Đây có phải là một đòi hỏi quá đáng không?

Chắc chắn mỗi Kitô hữu đều muốn yêu mến và tuân giữ luật Chúa cách trọn vẹn, nhưng cuộc sống, với những vất vả bon chen, với những lo lắng “cơm áo gạo tiền”, đôi khi làm lu mờ đi khát vọng yêu mến này. Dù vậy, Lời Chúa Giêsu dạy “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ các điều răn của Thầy” vẫn luôn nhắc nhở chúng ta thi hành lời Chúa trong cuộc sống, hầu yêu mến Chúa hơn và tìm được hạnh phúc chân thật trong tình yêu Chúa.

Thánh Giacôbê nói : “Đức tin không việc làm là đức tin chết” thì chúng ta cũng có thể nói : tình yêu không được thể hiện bằng hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, chỉ là thứ tình yêu trên mây gió, một tình cảm phớt qua và là tình yêu giả tạo. Tình yêu chân thật đòi hy sinh, như Lời Chúa Giêsu đã xác quyết “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu”.

Nếu yêu là hy sinh, mà giữ luật Chúa thì phải hy sinh, thì yêu là giữ và sống luật Chúa. Những điều này gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, nó nối kết giữa việc yêu Chúa và sống luật Chúa lại với nhau.

Vậy giữ và sống giới răn Chúa là gì ?

Là sống đạo, sống đức tin mà Chúa ban cho chúng ta ngày chịu phép Rửa tội. Chúa nhắc lại đến hai lần: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ giới răn của Thầy” và Ngài thêm : “Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con thực hành điều Thầy truyền dạy”.

Qua lời mời của Chúa, chúng ta thấy rằng giữ giới răn, sống đạo, có thể có hai tâm trạng và hai thái độ : một là giữ đạo vì vụ lợi, giữ đạo cho có lệ; hai là giữ đạo vì yêu mến Chúa... Chắc chắn ai cũng muốn giữ đạo vì yêu Chúa. Với từng người, tình yêu Chúa được chia thành ba cấp :

* Có đạo : Những người đã được chịu phép rửa tội, có tên trong Sổ Rửa tội, được gọi là có đạo vì đã được thanh tẩy, đã được gia nhập Hội thánh Chúa. Nhưng họ sống hời hợt, chỉ mang danh là Kitô hữu, còn cuộc sống của họ nhiều khi còn thua người ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa, họ sống như người vô thần. Có những người chỉ đến nhà thờ 3 lần trong đời họ : ngày chịu phép rửa tội, ngày lễ hôn phối và ngày lễ an táng.

* Giữ đạo : Những người này là những Kitô hữu bình thường, giữ luật Chúa, thi hành các bổn phận của một người Kitô hữu như đọc kinh, xem lễ, xưng tội rước lễ, ăn chay kiêng thịt ... không có gì đáng trách trong việc giữ đạo... Nhưng họ chỉ sống theo mức bình thường, mức tối thiểu.

* Sống đạo : Những người này là những người sống trọn nhiệm vụ của những người Kitô hữu bình thường, nhưng họ còn vươn lên cao hơn, cuộc sống của họ là chứng nhân, là hiện thân của Chúa Kitô. Cuộc sống của họ đã trở nên muối và ánh sáng. Họ thực hiện lời Chúa Giêsu : “Sự sáng của các con phải chiếu tỏa ra chung quanh để người ta thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha trên trời”.

Người Kitô hữu phải sống đạo bằng yêu thương. Chính đời sống yêu thương chân thành, hy sinh phục vụ theo gương Chúa đã yêu thương chúng ta, sẽ cho mọi người nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa, Ngài đang sống và như Ngài đã nói : “Thầy sẽ đến với anh em. Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”. Như vậy đòi mỗi người phải sống tình yêu trong cuộc sống hàng ngày. Một người còn biết yêu là còn đang sống, khi không còn biết yêu thương, thì cho dù người đó đang sống, xem như họ đã chết, như lời một nhà thơ đã viết “sống không tình yêu là chết mà biết thở”.

Hãy sống yêu thương, đừng so đo tính toán, chỉ mong muốn lợi lộc về cho mình, còn người khác thì “sống chết mặc bay”. Nếu như vậy thì trái tim của chúng ta đã chai cứng và nó đã chết từ thuở nào. Khi đó làm sao chúng ta giới thiệu được Chúa là tình yêu. Làm sao chúng biết được cuộc sống có ý nghĩa như thế nào.

Là người Công giáo, hãy nhớ và sống lời Chúa Giêsu dạy “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, đó là các con thương yêu nhau”.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, mỗi người chúng con đã nhận được bình an phục sinh của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết đem bình an Chúa ban đến với mọi người giữa cuộc sống hôm nay. Amen.

 ----

Lm. Tôma A. Trần Bá Huy

 

            Kính thưa qobace, trong lịch sử của một dân tộc cũng như trong hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta bao giờ cũng có những biến cố. Những biến cố có khả năng làm nên một bước ngoặc đánh dấu một sự phát triển hoàn toàn mới. Điều đó được cụ thể trong sách Tông Đồ Công Vụ mà thánh Luca thuật lại trong bài đọc một chúng ta vừa nghe. Chúng ta có thể coi đó là một biến cố làm nên một bước ngoặc mới trong lịch sử của Giáo Hội. Sách Công Vụ kể lại rằng, có một người tên là Corneliô, ông là đại đội trưởng trong binh đội Italia. Đối với người Do thái thì ông ta là dân ngoại giáo, là một kẻ ô uế không thanh sạch. Thế nhưng thánh Luca nói ông là người kính sợ Thiên Chúa, sống đạo đức, đặc biệt có lòng yêu thương bác ái với mọi người.

Một ngày kia, Corneliô có một thị kiến Chúa hiện đến nói với ông: bởi vì ngươi kính sợ Thiên Chúa, ăn ở ngay lành, công chính, cho nên lời cầu nguyện của ngươi đã thấu đến tai Ta. Ngươi hãy cho người đi tìm một người tên là Phêrô đang ở nhà của một người thuộc da tên là Simon ở Gia Phô. Khi được thị kiến đó, Corneliô sai người đi tìm Phêrô. Trong khi thuộc hạ của ông đi tìm Phêrô thì Chúa lại ban cho Phêrô một thị kiến khác. Hôm ấy thánh Phêrô lên sân thượng cầu nguyện. Cầu nguyện xong ngài bảo dọn bữa ăn, chính lúc đấy Chúa cho ngài một thị kiến, có một tấm khăn lớn từ trời sà xuống. Trong tấm khăn buộc kĩ bốn góc, thánh Phêrô thấy đủ thứ sinh vật rắn rít lúc nhúc trong đó, và có một tiếng nói vang lên bên tai ngài: Phêrô hãy đứng dậy làm thịt mà ăn. Thánh Phêrô thưa với Chúa: Lạy Chúa, đời nào con ăn những thứ ô uế không thanh sạch này. Tiếng nói đó lại vang lên: Cái gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì nhà ngươi đừng bảo là ô uế. Ngay sau đó những người được Corneliô sai đi tìm thánh Phêrô đến nơi, họ trình bày với ngài câu chuyện và mời ngài đi đến nhà ông Corneliô. Phêrô hiểu ngay ý Chúa muốn nói với mình. Ngài lên đường đi đến nhà ông Corneliô. Chính ở đó ngài tuyên bố một câu rất quan trọng: “Giờ đây, tôi biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận”. Rồi ngài cử hành phép rửa cho gia đình ông Corneliô. Vậy con xin hỏi qobace: chúng ta có biết tại sao biến cố này quan trọng không?

Chúng ta biết thời điểm đó Chúa Giêsu đã về trời, Kitô giáo bắt đầu phát triển. Nhưng họ mới phát triển trong Do thái giáo, cho nên Kitô giáo vẫn nằm trong sự chật hẹp của Do thái giáo, nghĩa là chỉ nhận người Do thái vào Giáo Hội. Đây là lần đầu tiên thánh Phêrô cử hành phép rửa cho những người ngoại đạo, những người mà dân Do thái bị cho là ô uế, không thanh sạch. Chính vì vậy mà biến cố này đánh dấu một bước phát triển hoàn toàn mới. Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của dân Do thái mà Thiên Chúa còn là Thiên Chúa của mọi dân tộc. Cho nên chúng ta thấy Do thái giáo cho đến ngày nay vẫn chỉ là tôn giáo của riêng một dân tộc, của những người mang dòng máu Do thái. Đang khi đó Kitô giáo lan tràn khắp mặt đất. Những anh chị em tín hữu Kitô là những người thuộc đủ mọi chủng tộc, đủ mọi ngôn ngữ, đủ mọi mầu da…Nếu không có biến cố này thì Công Giáo sẽ không phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay, và chính chúng ta cũng không ở trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Cho nên biến cố thánh Phêrô làm phép rửa cho gia đình ông Corneliô là một bước ngoặc rất quan trọng trong sự phát triển Giáo Hội. Thông qua biến cố đó chúng  ta có thể đặt câu hỏi: Ngày hôm nay có một sự kiện nào, một biến cố nào làm cho Giáo Hội Công Giáo có khả năng bước vào một bước ngoặc mới và có một sự phát triển mới rộng hơn, sâu hơn trên toàn thế giới không?

Triết gia Emmanuel Monier đã từng nói: “Nếu một hòn đá được đặt đúng vị trí trọng tâm, nó có thể làm chuyển hướng một dòng sông.” Nếu lịch sử thế giới là một dòng sông và Hội Thánh là một tảng đá, thì tảng đó đó phải được đặt ở đâu, đặt ở trọng tâm nào để có thể chuyển hướng đi của cả lịch sử nhân loại này?  Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta câu hỏi đó, trọng tâm đó chính là: “anh em yêu thương nhau”.

            Kính thưa qobace, điểm trọng tâm mà Chúa Giêsu muốn Hội Thánh chúng ta đặt vào để có thể lay chuyển cả dòng lịch sử nhân loại chính là giới răn yêu thương. Martin Luther King ngày xưa có một bài thơ rất hay về một giấc mơ: Tôi mơ một ngày kia, "chúng ta sẽ đập nát núi tuyệt vọng thành những viên đá hi vọng...chúng ta sẽ biến những tiếng kêu bất hòa trong lòng dân tộc thành bản giao hưởng của tình anh em... Tôi mơ một ngày kia, các trẻ trai và trẻ gái da đen cùng nắm tay các bạn da trắng như anh em một nhà”.

Chúng ta cũng có thể dùng hình ảnh đó mà nói rằng: tôi mơ một ngày nào đó mỗi một gia đình Công Giáo là một cộng đoàn yêu thương trong khu xóm. Tôi mơ một ngày nào đó mỗi một khu xóm là một cộng đoàn yêu thương trong một giáo xứ. Tôi mơ một ngày nào đó giáo xứ là thánh địa lòng thương xót Chúa cho mọi người. Nếu mỗi người Công Giáo chúng ta đều ý thức như thế thì Giáo Hội sẽ có sức hấp dẫn và lan tỏa để giáo xứ sẽ thành cộng đoàn yêu thương và gia đình sẽ là mái ấm, an bình cho mọi người.

            Nhưng để được như vậy, con thiết tưởng mỗi chúng ta phải đưa lời mời gọi của Chúa vào đời mình. Bởi Thầy không gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy đã cho các con biết. Thiên Chúa không hành động một mình, nên Ngài đã chia sẻ cái thao thức của Ngài cho chúng ta, và hôm nay Ngài cần sự cộng tác của mỗi chúng ta. Bởi như cành nho nếu không gắn liền với thân nho nó sẽ chết; Thân nho không có cành nho thì cũng không thể sinh hoa trái.

Ngày xưa khi Chúa ban cho thánh Phêrô một thị kiến, khi nhận ra ý Chúa, thánh nhân lập tức hành động. Ngài hành động trước hết vì là người Do thái mang một não trạng Thiên Chúa là sở hữu riêng của dân tộc mình. Thánh nhân trước tiên phải khước từ cái não trạng chật hẹp đó để tin tưởng rằng Thiên Chúa là Chúa của mọi dân tộc, không chỉ tin tưởng trong tâm trí, mà ngài chấp nhận lên đường, đó là bước đầu cho tất cả quãng đường ngài đi đến với mọi người. Ngày hôm nay cũng vậy, bước ngoặc trong Giáo Hội không chỉ ở Chúa theo nghĩa là chỉ Chúa hoạt động mà còn có phần trách nhiệm của chúng ta. Khi mình chấp nhận đi ra khỏi nếp sống cũ kỹ và quen thuộc của mình, ra đi khỏi sự ích kỷ thường có nơi mỗi chúng ta, để chấp nhận đến với người khác trong sự cảm thông và chia sẻ. Tất cả những điều đó góp phần làm nên một bức ngoặc mới trong lịch sử của Hội Thánh.

            Thưa qobace, suy nghĩ đã có, ước mơ cũng có, nhưng phần còn lại là làm sao để thành hiện thực. Cho nên trong dòng sông lịch sử nhận loại, Thiên Chúa đã đặt vào một tảng đá có tên gọi Giêsu, và đá tảng đó đã chuyển hướng cả lịch sử thế giới:  làm cho nhân loại trở nên nhân đạo hơn, sống có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Và Hội Thánh chính là sự tiếp nối của đá tảng Giêsu trong lịch sử nhân loại này: Hội Thánh không ai khác chính là mỗi người chúng ta, những con người yếu đuối, tội lỗi, ích kỷ. Nhưng Chúa lại muốn chúng ta cộng tác với Ngài để làm cho cuộc sống này trở nên đáng sống hơn, có tình người hơn. Xin Chúa cho mỗi chúng ta biết đáp lại lời mời gọi của Chúa ngay trong cuộc sống gia đình của mình, ngay trong mối quan hệ với những người cùng khu xóm, trong mối tương quan với những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Nhờ đó chúng ta có được niềm vui, hạnh phúc vì đã góp phần làm nên tảng đá mà Chúa muốn đặt vào dòng chảy của thế giới hôm nay.

---

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM

(Ga 15,18-21)

Trong cuốn sách The Living Stone có một câu truyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị thầy sắp lìa trần, ông cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ :”Hãy hành động vì lòng mến”.

Trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ, Ngài cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản của lòng mến:

”Ai nghe và vâng giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”.

Đức Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính, dù rằng đó cũng là điều quí gía cho phép chúng ta tin rằng chúng ta đang yêu mến Chúa.

Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là một tình yêu luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình thương mến, sẵn sàng cho đi tất cả, chứ không dừng lại ở những rung cảm tự nhiên của con người.

Có câu chuyện kể rằng:

Một người mẹ đang thoi thóp nhìn năm đứa con khóc thút thít quanh giường, mắt bà nhoà lệ. Cha của chúng đã lìa thế từ lâu, để lại cho bà gánh nặng một mình tần tảo nuôi năm đứa con thơ. Giờ đây lại đến lượt bà nối gót chồng ra đi, vĩnh viễn xa lìa đàn con nheo nhóc. Bà không an tâm chút nào khi thấy lâu nay các con hay kình cãi, tranh chấp nhau từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, từ việc chia cá, chia cơm trong bữa ăn cho đến việc tranh nhau tấm áo manh quần. Đứa nào cũng ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà quên tình anh em ruột thịt. Đứa nào cũng mong chiếm cho được phần hơn mà không màng gì đến quyền lợi các em. Mai đây bà ra đi, ai sẽ là nhịp cầu nối kết chúng lại với nhau trong tình huynh đệ?

Ai sẽ là trọng tài phân xử những tranh chấp bất hoà thường xuyên xảy ra giữa chúng?

Tuy nhiên, điều an ủi lớn lao cho bà là mặc dù chúng không thương nhau, nhưng đứa nào cũng thương mẹ.

Tuy chúng không hề biết hy sinh cho nhau, nhưng nếu vì mẹ thì chúng sẵn sàng hy sinh và làm cho mẹ bất cứ điều gì mẹ muốn. Thế nên, dựa vào tình thương chúng dành cho mình, bà lấy chút hơi tàn thều thào mấy lời trăn trối: “Các con yêu của mẹ, mẹ rất buồn, rất khổ tâm khi thấy các con bất hoà bất thuận với nhau. Lát nữa, mẹ sẽ vĩnh viễn xa lìa các con. Nếu mỗi người trong các con còn thương mẹ thì hãy vì mẹ mà thương yêu các anh em mình!”

Nói xong, bà ra hiệu cho từng đứa cúi xuống cho bà hôn lên trán rồi lịm vào giấc ngủ ngàn thu.[1]

Chính Chúa Giêsu cũng có cùng tâm trạng đó. Ngài đến thế gian để nhen lửa yêu thương trên mặt đất và Ngài mong mỏi ngày đêm cho lửa ấy cháy lên. Ngài đã truyền cho các môn đệ điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Ngài đã hết lòng yêu mến họ.

Nhưng ngọn lửa yêu thương Ngài đã nhọc công gầy dựng có thể sẽ lụi tắt. Thế nên, khi sắp lìa bỏ thế gian và các môn đệ, Chúa Giêsu nhắn nhủ họ những lời tâm huyết:

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở lại với anh em một ít lâu nữa thôi...Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 33-35)

Điều cốt yếu trong giới răn của Chúa đã được chính Chúa Giêsu xác định rõ ràng như sau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 12,34). Ngài còn xác định luôn cả mức độ yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Như vậy, câu nói của Ngài “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” có nghĩa là “nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau”.

Nói khác đi, ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa.

Nói cách khác nữa, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa.

Thánh Gioan đã diễn giải điều này rõ hơn nữa:

“Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối;

vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).

Lạy Cha, qua bài Tin Mừng hôm nay, con nhận ra rằng để được Chúa yêu mến, thì phải tuân giữ giới răn yêu thương của Đức Giêsu.

Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Chúa phải được thể hiện bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình, những người cùng làm việc với con trong xưởng thợ, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp hằng ngày.

Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...