06/05/2022
6783

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH_C

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

Lời Chúa: Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30


 

Mục lục

1. Ánh sáng muôn dân  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Gp. Hải Phòng)

2. Chúa Chiên Lành  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Chiên tôi thì nghe tiếng tôi (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

4. Mục tử xót thương (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

5. Chân dung vị Mục tử nhân lành (Lm. Văn Hào, SDB)

6. Tình yêu Mục tử  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

7. Mục tử tốt lành hiến mạng vì chiên  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

8. Ảnh hưởng  (Trầm Thiên Thu)

9. Đức Giêsu – Mục tử đầy lòng thương xót  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

10. Ơn gọi  (Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ)

11. Nên một tình yêu (Lm. Jos. DĐh. Gp. Xuân Lộc)

12. Chủ chăn đượm mùi chiên (AM. Trần Bình An)

13. Chúa Nhật 4 Phục sinh_C (Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa)

14. Vị mục tử của lòng thương xót (Lm. Giuse Trực)

15. Mục tử và chiên phải như thế nào?  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

16. Trở nên mục tử của lòng Chúa thương xót  (Lm. Đan Vinh)

17. Kim chỉ nam của mục tử và chiên  (Dã Quỳ)

18. Người mục tử (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)

19. Chúng theo tôi (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

20. Giêsu – Mục tử nhân lành (Huệ Minh)

 

ÁNH SÁNG MUÔN DÂN

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Các Bài đọc Lời Chúa hôm nay đều nhấn mạnh đến sự đông đảo của cộng đoàn Giáo Hội, tức là những người tin vào Chúa Giêsu và được thanh tẩy nhân danh Người. Chúa Giêsu Phục sinh hiện diện trong Giáo Hội. Người là sức sống của Giáo Hội và nhờ Người, cộng đoàn tin Chúa càng ngày càng gia tăng nhanh chóng. Khởi đi từ mười hai người dân chài ở bờ biển hồ Galilêa, Tin Mừng đã được rao giảng ở Giêrusalem, rồi toàn đế quốc Rôma và đến hôm nay, Tin Mừng được loan báo đến mọi quốc gia và mọi nền văn hóa. Tác giả sách Công vụ Tông đồ (Bài đọc I) ghi lại thời đầu của công cuộc truyền giáo với sự gia tăng nhanh chóng những người tin Chúa, mặc dù có sự ngăn cản từ phía một số người Do Thái. Chính sự ngăn cản này đã gợi hứng cho các Tông đồ vượt ra ngoài ranh giới Do Thái và đến với dân ngoại. Các ông được soi sáng bởi lời ngôn sứ Isaia: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”. Ánh sáng trần gian là Chúa Giêsu, như chính Người đã tuyên bố: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không còn đi trong tối tăm”. Phụng vụ đêm vọng Phục sinh đã long trọng tôn vinh Đức Giêsu là ánh sáng qua nghi thức làm phép lửa. Ánh sáng ấy bừng lên giữa cõi thâm u của sự chết, để mở tung nấm mồ và đem niềm hy vọng cho trần gian.
 
“Ánh sáng muôn dân – Lumen Gentium”, đó cũng là tựa đề của Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công đồng Vaticanô II. Qua hiến chế này, Giáo Hội nguyện tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, hiện diện giữa thế giới như ánh sáng để dẫn đưa con người nhận biết chân lý, dẫn đưa những người lầm lạc trở về chính lộ. Giáo Hội là hiện thân của Đức Giêsu. Ngay từ buổi sơ khai, cộng đoàn tín hữu đã ý thức được sứ mạng loan báo Đức Giêsu là Ánh Sáng trần gian. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Giáo Hội vẫn trung thành với sứ mạng đó, mặc dầu phải hy sinh biết bao mạng sống, như trường hợp các thánh tử đạo. Các ngài đã trải qua đau khổ lớn lao, và làm nên sức mạnh của Giáo Hội (Bài đọc II). Ngày hôm nay, Giáo Hội vẫn tiếp tục tỏa lan ánh sáng chân lý trong mọi nền văn hóa và mọi môi trường mà Giáo Hội hiện diện.
 
Khi chiêm ngưỡng sức sống và sự phát triển kỳ diệu của đàn chiên, tức là cộng đoàn những người tin Chúa, chúng ta tôn vinh Đức Giêsu là Mục Tử, là người dẫn dắt và chăm sóc các tín hữu. Chính Chúa đã khẳng định: “Ta là Mục tử tốt lành” (Ga 10,14). Hình ảnh người mục tử và đàn chiên rất thân thuộc và phổ biến trong đời sống của người Do Thái. Đàn chiên nói lên sự hợp nhất, tuân phục, liên kết với chủ chiên và nghe theo tiếng của mục tử. Mặc dù đàn chiên đông đảo như thế, vị mục tử vẫn biết rõ từng con chiên, biết cá tính, nhu cầu sở thích để chăm sóc và điều khiển. Không con chiên nào bị mục tử bỏ rơi, vì mỗi con đều đáng qúy, đáng trân trọng.
 
Khi so sánh cộng đoàn Giáo Hội với đàn chiên, Chúa Giêsu mong muốn quy tụ chúng ta trong tình hiệp nhất. Người cũng muốn chúng ta lắng nghe giáo huấn của Người. Giáo huấn của Người đem cho chúng ta hạnh phúc, như mục tử dẫn đưa đàn chiên tới đồng cỏ xanh, suối mát lành. Người cũng là Đường, là Sự thật và là Sự sống đem lại hạnh phúc đời này và đời sau cho những ai tin vào Người.
 
Để thực sự là con chiên trong đàn chiên Giáo Hội, mỗi tín hữu cần lắng nghe tiếng Chúa và hiệp thông với anh chị em mình. Những con chiên tách ra khỏi đàn sẽ bị lạc lối. Những tín hữu không hiệp thông với anh chị em mình sẽ bị lẻ loi như những ốc đảo khép kín xa lạ. Gắn bó với Giáo Hội sẽ tạo sức mạnh thiêng liêng và sẽ làm tỏa lan ánh sáng của Đấng đã phục sinh từ những kẻ chết. Chính Người đang hiện diện giữa chúng ta để ban cho chúng ta sức sống dồi dào.

Về mục lục

.

CHÚA CHIÊN LÀNH

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Hình ảnh chiên cừu dễ gây ngộ nhận vì người ta cho rằng chiên cừu chẳng biết làm gì hơn là ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng con chiên trong bài Tin Mừng ta vừa nghe hoàn toàn không có tính cách thụ động như thế. Trái lại phải tích cực, chủ động. Sự tích cực chủ động của đoàn chiên được Chúa Giêsu diễn tả bằng những từ “nghe” và “theo”: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

Nghe. Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người. Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như tiếng vỗ của một bàn tay. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của từ bỏ mình, dẫn ta lên một ngọn đồi gai góc của thập giá hy sinh và thách thức ta phục vụ đến hy sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quý trên đời.

Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.

Theo. Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.

Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ. Mức độ thứ nhất: Thích nhìn, nghe người mình yêu. Mức độ thứ hai: Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu. Mức độ cuối cùng: Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống vì người yêu.

Như thế, theo tức là yêu thương ở cao độ. Con chiên đi theo Chúa như thế phải hoàn toàn chủ động và nhất là thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ đoàn chiên. Hành động của Chúa chiên tốt lành được Chúa Giêsu tóm gọn trong hai động từ: “biết” và “cho”.

Biết. Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta. Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội. Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá. Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giếtsimani và trên thập giá. Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người. Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.

Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.

Cho. Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quý giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Ngài. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Những giá trị bị đảo lộn. Những con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ anh chị em trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi guơn Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa là là Mục Tử chăn giữ đời con, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Đã bao giờ bạn nghe được tiếng Chúa nói trong sâu thẳm tâm hồn bạn chưa?
  2. Có lần nào bạn cảm nghiệm được sự ngọt ngào được sống thân mật với Chúa chưa?
  3. Bạn cũng là Mục Tử của gia đình bạn, xóm bạn ở, sở nơi bạn làm việc. Bạn có là Mục Tử tốt lành không?

Về mục lục

.

CHIÊN TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI

Lm. Jos Tạ duy Tuyền

Ai cũng biết điếc là khổ. Người điếc bị người ta coi khinh và còn xem họ như những người chuyên làm phiền người khác. Điều đáng buồn là người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc.

Có một lần tôi đi xức dầu bệnh nhân, sau khi nói chuyện, tôi hỏi bà cụ có muốn xức dầu không? Bà liền nói: con đâu có đau đầu đâu! Hóa ra bà bị điếc tưởng tôi nói bà có đau đầu không?

Điều đáng buồn là người điếc lại cho không biết mình bị điếc nên vẫn vô tư sống.

Có một người đàn ông đi gặp bác sĩ để kể về người vợ của mình. “Tôi cho rằng vợ tôi bị điếc, cô ấy chả nghe thấy tôi nói gì mà toàn khiến tôi phải nhắc lại”.
Người bác sĩ trả lời: “Được rồi, bây giờ anh cứ về nhà. Tối nay đứng cách vợ 6 m và nói một điều gì đó. Nếu bà nhà không trả lời, đứng lại gần 2 m nữa và nhắc lại. Cứ tiếp tục như thế để xem mức độ ngễnh ngãng của bà ấy nặng đến mức nào”.

Người chồng trở về nhà và thực hiện đúng theo chỉ dẫn. Ông đứng cách vợ 6 m khi bà đang thái thịt trong bếp và hỏi: “Cưng à, tối nay mình ăn gì vậy?”. Ông không nghe thấy câu trả lời. Ông đứng gần lại 2 m nữa và hỏi lại. Vẫn không có câu trả lời. Ông đứng gần thêm 2 m. Vẫn chẳng thấy gì. Cuối cùng, ông tiến sát lại sau vợ và hỏi: “Em yêu, tối nay mình ăn gì?”. Cô vợ bực mình quát: “Đây là lần thứ 4 rồi nhá – thịt bò hầm!”.

Ai cũng biết điếc là khổ. Điếc là cách ly với thế giới bên ngoài. Điếc là khổ mình và phiền toái với người bên cạnh. Thế mà, cuộc đời vẫn còn đó những kẻ giả điếc làm ngơ. Họ cố tình bịt tai để khỏi nghe tiếng đồng loại kể cả tiếng Thiên Chúa. Họ giả điếc để sống theo ý mình. Họ cố tình gạt ra ngoài tiếng nói của lương tâm, của sự thật và chân lý. Họ bất chấp lề luật. Họ bỏ ngoài tai lời khuyên dạy của Thiên Chúa và tha nhân. Con người của kẻ giả điếc là tự tách mình ra khỏi cộng đồng xã hội để sống theo ý riêng.

Hôm nay, Chúa bảo “chiên Ta thì nghe tiếng Ta”. Chúa mời gọi chúng ta là con Chúa hãy sống theo giáo huấn của Chúa. Hãy bước đi theo đường lối của Ngài. Bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài để được bảo vệ, chở che. Ngài sẽ bảo vệ chúng ta như mục tử bảo vệ đàn chiên khỏi sự tấn công của sói dữ. Ngài sẽ dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối mát là ân sủng của Ngài luôn đong đầy trên cuộc đời chúng ta. Bước đi theo Ngài thì sẽ không đói, không khát bao giờ.

Lời mời gọi: “chiên Ta thì nghe tiếng Ta” còn là tiếng mời gọi con người làm điều lành tránh điều dữ. Ngài tha thiết kêu mời con người sống trong tình bác ái yêu thương. Sự bác ái không chỉ dừng lại ở việc yêu người yêu mình mà còn yêu cả kẻ thù. Tình yêu thương không dừng lại việc  không làm tổn thương đến ai mà còn biết giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong vui buồn cuộc đời.

Hôm nay, ngày dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục và tu sĩ, chúng ta hãy xin cho giới trẻ hôm nay nghe được tiếng Chúa kêu mời giữa biết bao ồn ào của cuộc đời. Xin cho họ không chỉ lắng nghe được tiếng nói của sự thật, của chân lý giữa xã hội đầy lừa đảo bon chen mà còn dấn thân bước đi theo tiếng Chúa kêu mời. Chúng ta cũng xin Chúa cho những bậc làm cha, làm mẹ biết giáo dục và hướng dẫn con cái sống tinh thần tin mừng để cống hiến cho Giáo hội những mần giống ơn gọi tốt lành.

Nguyện xin Chúa Giêsu, mục tử nhân lành chúc lành cho hết thảy những ai đang khao khát dâng hiến cuộc đời để phục vụ cho lợi ích tha nhân và Nước Trời. Amen.

Về mục lục

.

MỤC TỬ XÓT THƯƠNG

 Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Ngày nay, người ta có nhiều vật nuôi, thú cưng trong nhà và người ta mất rất nhiều thời gian để chăm sóc cho chúng. Tuy nhiên, họ chăm sóc những vật nuôi, thú cưng vì người ta thích nó, hay vì nó đẹp, hoặc khôn, hoặc nó trung thành với chủ. Ngày xưa theo văn hóa Do Thái, người mục tử chăn chiên yêu mến con chiên như yêu chính đứa con của mình. Con chiên không chỉ là vật nuôi gắn liền với cuộc sống du mục, mà còn là tài sản, là bạn, là thành viên trong các gia đình, được yêu mến và chăm sóc như cha mẹ chăm sóc cho con. Con chiên là giống vật hiền lành, mến chủ, nó cũng là con vật dễ bị tấn công và bị tổn thương, vì thế, người chăn chiên luôn là người bảo vệ chiên của mình.

Một vài nét về văn hóa Do Thái như thế để chúng ta có thể dễ hiểu ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, Thiên Chúa được so sánh là Mục Tử Xót Thương. Mục tử là hình ảnh rất gần gũi đối với người Do Thái. Tuy nhiên, khi so sánh : Ta là mục tử tốt lành, Chúa Giêsu muốn cho thấy Ngài thực sự là người dẫn dắt đoàn chiên và Ngài trổi vượt hơn hẳn các người chăn chiên khác.

Ngay từ xa xưa, các tiên tri, đặc biệt là Isaia, đã dùng hình ảnh mục tử và đàn chiên để nói về tương quan giữa Thiên Chúa và Israel. Israel là đàn chiên và Thiên Chúa là mục tử của họ. Thiên Chúa đã tuyển chọn Israel từ giữa muôn dân, Ngài quy tụ họ thành một dân, được thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa như người mục tử vô cùng vất vả vì đàn chiên là Israel : Khi Israel tản lạc bởi chiến tranh, Thiên Chúa đã quy tụ họ về, khi họ bị đau khổ, đàn áp bởi cuộc sống làm nô lệ, Thiên Chúa đã ra tay giải thoát. Khi họ sai đường lạc lối, Thiên Chúa đã uốn nắn, dạy dỗ và chỉ cho họ cách sống đẹp lòng Chúa. Trong hành trình sa mạc, Thiên Chúa như người mục tử lo từng miếng ăn giấc ngủ, nguồn nước cho Israel để nuôi sống họ. Khi họ xa đàn, lạc lối, Thiên Chúa sửa dạy, nhưng rồi lại xót thương tha thứ.

Đến thời đã định, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài là Chúa Giêsu đến để cùng sống với đàn chiên là Israel. Chúa Giêsu đã thể hiện vai trò là một mục tử hết lòng xót thương chăm sóc cho đoàn chiên và sẵn sàng hiến thân để bảo vệ đoàn chiên của Chúa. Chúa Giêsu đã mang trong mình một trái tim chạnh thương : Ngài chạnh lòng khi thấy đám đông dân chúng đói khổ, bơ vơ như những con chiên không có người chăn ; Ngài đã quên ăn quên nghỉ để tiếp tục giảng dạy cho họ, chỉ cho họ biết phải sống sao cho xứng đáng ; Ngài làm phép lạ hóa bánh để nuôi sống họ vì sợ họ đói lả dọc đường.

Chúa Giêsu cho thấy, những thượng tế là những người thiếu trách nhiệm chăm lo đời sống đức tin cho dân Chúa. Chúa Giêsu là một mục tử có lương tâm và trách nhiệm với đoàn chiên mà Thiên Chúa Cha đã trao cho Người. Ngài nghiêm khắc không chấp nhận tội lỗi, nhưng lại hết sức nhân từ yêu thương, thông cảm và tha thứ cho tội nhân. Ngài sẵn sàng cúi xuống để phục vụ, để nâng những con người yếu đuối hèn kém lên. Ngài đem đến cho chiên của Ngài sự an ủi vổ về, cũng như hướng dẫn họ sống theo đúng giời răn lề luật của Thiên Chúa. Ngài thương yêu đoàn chiên của Ngài đến nỗi hiến trao chính con người và mạng sống cho nhân loại.

Trước cuộc thương khó, Vị Mục tử Giêsu đã hiến ban thịt máu mình làm của ăn, của uống nuôi dưỡng đoàn chiên. Trong cuộc khổ hình thập giá, Ngài đã hiến ban đến giọt máu và nước cuối cùng để cứu thoát con người khỏi tay ma quỷ và thần chết. Ngài đã trải qua một cuộc chiến cam go với sự chết và đã chiến thắng bằng cuộc phục sinh vinh quang, đã đem lại sự sống đời đời cho đoàn chiên. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn quả quyết : Không bao giờ Ngài để cho chiên của Ngài phải bị diệt vong và không một sức mạnh nào có thể cướp được chúng khỏi tay Ngài, khỏi tình yêu thương của Ngài.

Chúa Giêsu đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống để giành lấy đoàn chiên khỏi tay ma quỷ và sự chết, bởi vì đoàn chiên nhân loại là “tài sản, là gia nghiệp” của Thiên Chúa và còn là quà tặng mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài. Vì thế, bằng mọi cách, Chúa Giêsu đã yêu thương và bảo vệ đoàn chiên khỏi mọi sự tấn công của ma quỷ và thế gian : Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Chúa Giêsu còn khẳng đình : Tôi và Chúa Cha là một. Điều này không chỉ là mạc khải về bản tính Thiên Chúa nơi Ngài, mà còn cho thấy sức mạnh vô song của Thiên Chúa đã dùng để bảo vệ đoàn chiên nhân loại của Ngài.

Không chỉ nói về vai trò và tình yêu thương của mục tử, Chúa Giêsu cũng nói đến trách nhiệm và bổn phận của mỗi con chiên : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Như vậy, để xứng đáng trở thành con chiên của Chúa, chúng ta phải nghe được tiếng nói của vị Mục Tử Giêsu. Chúng ta chỉ thực sự là chiên của Chúa Giêsu khi chúng ta nghe được tiếng của Ngài. Nghe không chỉ là đón nhận âm thanh, mà là đón nhận lời dạy và giáo huấn của Ngài, là bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài. Chỉ khi bước theo sự dẫn dắt của Mục Tử Giêsu, chúng ta mới không bị lạc đường, không gặp nguy hiểm và mới có thể bước vào đồng cỏ Nước Trời.

Tiêu chuẩn để làm chiên của Chúa Giêsu là Tôi biết chúng và chúng theo tôi, tức là phải để cho Chúa biết mình và mình biết Chúa. Để Chúa biết mình là để Ngài thấu tỏ tâm hồn, cuộc sống và mọi hành động của mình. Nói cách khác, tức là sống, làm việc và hành động đưới cái nhìn của Chúa, trong sự hiện diện của Chúa. Chúa nhìn thấu tâm hồn, ý nghĩ và hành động mỗi người, không có gì có thể che được mắt Ngài. Vì thế, muốn làm chiên của Chúa, cần phải sống và cư xử với nhau một cách ngay thẳng, không gian dối, đúng với tư cách là con của Chúa, là những người đã được Chúa cứu chuộc. Đồng thời, chính mình cũng phải biết Chúa, tức là biết Chúa là ai, Chúa muốn tôi làm gì, Chúa có vị trí nào trong đời tôi và tôi có vị trí nào trong bàn tay Chúa ?

Sau cùng, để thực sự là chiên của Chúa thì phải bước theo Chúa. Chiên phải bước theo người chăn, học trò phải theo thầy, con cái phải theo lời chỉ dạy của cha mẹ. Mục tử Giêsu cũng muốn chúng ta có thái độ như thế. Bước theo Chúa là bước đi trong sự bảo vệ, theo sự dẫn dắt của Chúa, và bước đi cùng với các anh chị em khác. Bước theo Chúa là theo sát con đường Chúa đi, là con đường yêu thương phục vụ, dám hy sinh, cho dù phải đánh đổi mạng sống, không thể rẽ ngang, cũng đừng tách đàn, đừng nấn ná cũng đừng la cà. Theo Chúa còn là tuân theo lời chỉ dạy của Chúa, qua việc sống các mối phúc của Tin Mừng, là dám sống yêu thương đến tận cùng và dám bước vào con đường thập giá với Chúa vì yêu thương anh em.

Các tông đồ là những con chiên đầu tiên của Chúa đã sống những tiêu chuẩn của Mục Tử Giêsu. Một khi các ông đã đón nhận được đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, được cùng sống với Ngài, học nơi Ngài, biết về Ngài, giờ đây, các ông trở thành những người nói về Mục Tử Giêsu cho mọi người. Chúa Giêsu không mãi hiện diện bằng thể xác với đoàn chiên nhân loại của Ngài, ngài đã muốn có nhiều các cộng tác viên để tiếp tục chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên nhân loại. Các tông đồ đã ý thức và đã lãnh nhận sứ mạng này từ nơi Chúa Giêsu, để đến lượt các ông, theo gương mục tử Giêsu, các ông hết mình chăm lo cho đoàn chiên của Chúa.

Với ơn của Bí tích rửa tội, chúng ta vừa là chiên của Mục tử Giêsu, đồng thời cũng được tham dự vào vai trò là mục tử của Ngài. Là chiên của Chúa, xin cho chúng ta luôn nhận ra tình yêu thương của Mục tử Giêsu để ta sống gắn bó với Ngài, tin tưởng vào Ngài dù khi vui hay khi gặp thử thách. Xin cho chúng ta luôn để tâm lắng nghe và làm theo tiếng Chúa nói với mình. Chúa nói với mỗi người qua Lời của Chúa và qua việc cử hành phụng vụ mỗi ngày. Xin cho chúng ta biết chăm chỉ học hỏi để biết Chúa nhiều hơn và cũng dám mở lòng, sống khiêm tốn để cho Chúa biết cuộc sống và con người chúng ta. Chúa biết chúng ta yếu đuối cần đến lòng thương xót của Ngài. Xin cho chúng ta luôn để cho Chúa yêu thương và trung thành theo Chúa dù có phải trải qua những lúc đen tối và thử thách nhất. Amen.

Về mục lục

.

CHÂN DUNG VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Lm. Văn Hào

Trong Giáo Hội có rất nhiều vị mục tử thánh thiện và gương mẫu, đáng để chúng ta học hỏi và noi theo. Nhưng, mẫu gương tuyệt hảo nhất chính là nơi Đức Giêsu, vị Mục tử nhân lành, Đấng mà Giáo hội hôm nay mời gọi chúng ta quy chiếu vào. Giáo hội dành riêng ngày Chúa nhật tuần 4 mùa Phục sinh với các bài đọc Lời Chúa để chúng ta học hỏi nơi Đức Giêsu, nguyên mẫu mục tử của tất cả mọi người.

Tình yêu mục tử nơi Chúa Giêsu được hiển thị rõ nét qua ba chiều kích : Vị mục tử biết chiên của mình, vị mục tử lặn lội đi kiếm tìm con chiên lạc, và vị mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Mục tử nhân lành ‘biết’ các chiên của mình

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói về đặc nét này. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Đây không phải là cái biết của tri thức, nhưng đó là thái độ biết chiên được biểu tỏ bằng sự hiệp thông sâu xa. Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về việc Ngài biết Chúa Cha và thi hành những công việc mà Chúa Cha trao phó (Ga7,29; Ga 8,19; Ga 9,55,…). Cũng tương tự như thế, Ngài mời gọi các học trò của mình bắt chước Ngài, hãy ‘biết’ các con chiên, giống như Ngài, vị Mục tử nhân lành luôn luôn biết các con chiên thuộc đàn mình.

Để diễn bày thái độ ‘biết’ chiên, Đức Giêsu đã đi vào trần gian, chia thân sẻ phận với chúng ta. Ngài vui với người vui, khóc với người khóc. Ngài đi dự tiệc cưới tại Cana để chung chia niềm vui đối với đôi uyên ương trẻ. Ngài thổn thức trước cái chết của đứa con trai bà góa thành Naim. Ngài rơi lệ khi đứng trước ngôi mộ của Lazarô, người bạn thân thiết. Đức Giêsu là Thiên Chúa rất Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là một con người rất con người, gần gũi với cuộc sống đời thường, sống giống hệt như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Trong một bài giảng mùa chay vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyến mời các vị mục tử đừng bao giờ ‘mỏi mệt’ để biết các con chiên của mình. Ngài vẫn hay đến thăm các nhà tù, đã từng cúi xuống rửa chân cho các thiếu niên phạm pháp, đã ngồi ăn uống với những người vô gia cư… Điều Đức Thánh Cha thực hiện, không phải là một học thuyết mới lạ mang tính cách mạng, nhưng Ngài chỉ muốn sao chép lại cách sống của Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành, biết các con chiên của mình.

Mục tử nhân lành đi kiếm tìm con chiên bị lạc

Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết gia. Ba dụ ngôn mà Thánh Luca viết lại trong chương 15 diễn bày chân dung cứu thế và lòng thương xót của một vị mục tử đích thực. Đó là dụ ngôn về người đàn bà đi tiềm kiếm đồng bạc bị mất, dụ ngôn người chăn chiên lặn lội tìm kiếm con chiên đi lạc, và nhất là dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về trong sự vui mừng tột độ của người Cha. Chúa đã chọn cái chết bi thương trên Thập giá để diễn bày lòng thương xót và sự tha thứ vô điều kiện cho các tội nhân. Phán quyết của Đức Giêsu, một vị quan tòa đầy lòng thương xót khi Ngài nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, cũng là phán quyết Chúa ngỏ trao tới từng người chúng ta, là những tội nhân đáng phải chết : “Tôi không kết án chị đâu. Hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Trong một bài giảng tại Missouri bên Hoa kỳ, Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nói rằng Đức Giêsu là một học sinh rất dốt toán. Ngài coi con số 1 lớn hơn con số 10. Ngài cũng là một kinh tế gia khá tồi, vì dám liều bỏ lại 99 con chiên để vất vả đi tìm kiếm một con đang bị lạc. Ngài cũng là một kẻ đãng trí, chẳng nhớ gì hết. Ngài không nhớ cô gái đang ngồi khóc bên chân Ngài là một cô gái điếm khét tiếng, cũng quên mất tên tử tù bị treo thân bên cạnh Ngài là một tay gian phi nguy hiểm với một quá khứ đặc kín tội ác… Bởi vì, Chúa Giêsu luôn mãi là một Mục tử nhân lành, và Ngài mắc phải một căn bệnh kinh niên, đó là bệnh hay quên. Căn bệnh lú lẫn và dễ quên của Ngài thật đáng yêu biết bao.

Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên

Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào.” Thánh giáo phụ Irênê cũng đã viết : “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Để chúng ta được sống và sống dồi dào, Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết khủng khiếp giống như một tên tử tội đốn mạt nhất. Ngài đã nói: “Cha tôi đã làm việc, và tôi cũng luôn làm việc”. Công việc của Ngài là hy sinh mạng sống để đem lại sự sống cho con người, phục hồi cho ta phẩm giá cao quý được làm con Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Salê đã nói: “Điều linh thánh nhất trong tất cả mọi điều linh thánh là làm việc cho thiện ích các linh hồn (divinissimum divinorum est opere ad lucrum animorum)”. Điều linh thánh ấy, Đức Giêsu đã thực hiện trong 3 năm rao giảng và cao điểm cuối cùng là Ngài chấp nhận cái chết oan ức trên Thập giá để cho chúng ta được sống. Ngài trở nên nguyên mẫu cho tất cả chúng ta, vì Ngài là Mục tử hoàn hảo, đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Kết luận

Một vị linh mục trẻ đã chia sẻ tâm sự của mình trên mạng như sau: “Tôi có một người bạn và cũng là một người anh rất thân thương. Ngài là một linh mục, lớn tuổi hơn tôi, và hình ảnh của vị linh mục đó luôn in đậm dấu ấn trong cuộc đời tôi. Ngài được bề trên sai về coi sóc một giáo xứ mới thành lập, và Ngài cũng là Cha xứ đầu tiên của giáo xứ đó. Giáo dân rất quý mến Ngài, vì Ngài hiền lành, luôn sống yêu thương và chan hòa với mọi người. Ngài đặc biệt quan tâm tới những người nghèo, những người bệnh tật, những cụ già neo đơn và đặc biệt Ngài quý mến các trẻ em. Nhưng có một số vị trong ban hành giáo lại không thích Ngài. Lúc đầu họ ngấm ngầm chống đối, rồi dần dần ra mặt phản kháng công khai. Có điều kỳ lạ, là giáo dân trong giáo xứ cho dầu kính phục Ngài, nhưng đã bị ban trùm lôi kéo và dần dần quay lại chống Ngài. Một kết cục rất đau buồn đã xảy ra, là đến một ngày đã sắp xếp, cả xứ kéo vào nhà thờ đập chết Cha xứ mà trước đây họ rất nể phục. Người ta báo cho chính quyền, họ cũng làm ngơ và ra vẻ như họ cũng đồng thuận. Bà cố của Cha nghe tin rất đau khổ, tâm hồn tan nát như chết lặng. Nhưng bà cố vẫn không bao giờ than trách và chẳng tỏ dấu buồn bực hay trách cứ một ai. Dần dần, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Từ khắp nơi, người ta kéo đến giáo xứ để tưởng nhớ đến Ngài và cầu nguyện trước di ảnh của Ngài như một đấng Thánh.

Người ta mới thắc mắc và hỏi: “Thế Cha xứ đó tên là gì, và ở đâu. Chúng tôi cũng muốn đến viếng và học hỏi nơi cuộc sống của Ngài”. Vị linh mục trẻ kia mới trả lời: “Ngài ở rất gần đây và cũng chẳng xa xôi gì. Tên Ngài quen thuộc lắm. Vị Cha xứ đáng kính đó tên là Giêsu”.

Giêsu chính là vị Mục tử khả ái, người Mục tử nhân lành. Ngài trở nên khuôn mẫu tuyệt hảo nhất cho tất cả mọi người chúng ta hôm nay.

Về mục lục

.

TÌNH YÊU MỤC TỬ

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử và chiên, vốn quen thuộc trong môi trường dân tộc Do thái để diễn tả mối tương quan khắng khít giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa linh mục và tín hữu. Mục tử yêu thương chiên, nhất là những chiên đau, chiên gầy, săn sóc chúng; chiên lạc, mục tử không bỏ thí, nhưng đi tìm cho bằng được, thậm chí bỏ 99 con trong hoang địa để đi tìm cho bằng được, tìm được rồi thì vác lên vai đưa về đàn; Mục tử dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, đến giòng suối mát để chiên ăn uống thỏa thuê, nằm nghỉ; Mục tử thức đêm canh chừng chiên khỏi sói dữ lẻn vào bắt mất, thậm chí chống cự lại sói dữ, và hy sinh tính mạng cho chiên. Mục tử biết tên từng con chiên, và chiên cũng biết mục tử, nghe tiếng gọi và đi theo; Mục tử có khi đi đầu dẫn đường cho chiên, có khi đi sau để bảo vệ chiên, có khi đi giữa để qui tụ chiên. Thật là một hình ảnh đẹp, thi vị, làm đề tài cho bao nhiêu ca khúc, thi phú, họa phẩm, điêu khắc.

Phần xướng đáp phụng vụ Kinh Chiều lễ các thánh Mục tử, chúng ta đọc : “Đây là người đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, đã hy sinh tính mạng vì anh em mình”. Câu nói ngắn nhưng bao hàm đầy đủ nội dung của sứ vụ Mục Tử. Tình yêu mục tử nối kết cả ba khía cạnh đó : Có yêu thì mới sống hết tình, tận tụy phục vụ. Có yêu thì mới nhớ đến và cầu nguyện cho. Và có yêu thì mới dám hy sinh mạng sống, đây là tình yêu đạt đến đỉnh điểm. Chúa Giêsu – Mục Tử Nhân Lành đã nêu gương về cả ba khía cạnh này cho mọi mục tử trong Giáo hội.

  1. Sống hết tình với anh em

Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Ngài rao giảng miệt mài từ sáng đến khuya, quên cả ăn ngủ, mệt lử đến nỗi ngủ say như chết, sóng gió tơi bời mà không hay; dân chúng “tấp nập kẻ lui người tới, đến nỗi thầy trò không có giờ nghỉ ngơi” (Mc 6,31), chữa mọi thứ bệnh tật cho dân, thậm chí cả vào ngày sabbat khiến bị chỉ trích; hóa bánh ra nhiều để nuôi dân đi theo nghe giảng; hóa nước thành rượu để giữ thể diện cho đôi tân hôn. Ngài làm nhiều phép lạ chữa quỷ ám, mù lòa, điếc câm, cả chết rồi cho cũng sống lại. Ngài gần gũi người nghèo, bà góa, trẻ em, bênh vực họ… Biết bao việc làm chứng rằng Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Cầu nguyện cho dân chúng : cho mọi người, cho các môn đệ, cho kẻ ghét mình, cầu nguyện thâu đêm, lúc sắp chết mà còn cầu xin ơn tha thứ cho kẻ giết mình, lại bào chữa rằng vì họ lầm không biết việc họ làm. Tấm lòng của Chúa thật là tuyệt vời. Hy sinh tính mạng vì anh em, đó là điều Chúa Giêsu đã làm, và là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu của Chúa : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15,12). Ngài có thể thoát khỏi cái chết, nhưng ngài không làm : “Không ai có thể cướp mạng sống tôi, nhưng tự tôi hiến mạng” (Ga 10,18).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là mẫu gương về đức ái mục tử. Ở tuổi 76 khi được bầu làm giáo hoàng, sức khỏe của ngài không tốt, vì đã bị mất một lá phổi. Ở tuổi này người ta nghỉ hưu, nhưng đức Phanxicô đã can đảm chấp nhận. Ba năm qua, ngài làm việc thật nhiều, vì ngài biết không còn nhiều thời gian trước mắt. Ngài đã khơi bùng lên niềm vui và hy vọng cho Giáo Hội. Ngài làm say mê hàng trăm triệu con tim, nhiều người bỏ đạo quay về với Giáo Hội, nhiều kẻ lâu nay hờ hững với Mẹ Hội Thánh nay lao vào vòng tay yêu thương vẫn giang rộng chờ đón của ngài. Số người thiện cảm gia tăng. Ngài đang “hồi sinh” Giáo Hội !

Với chủ trương “Giáo hội nghèo cho người nghèo”, ngài yêu thương người nghèo và chọn nếp sống giản dị. Ngài ban hành tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng để mở một trang mới cho công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, và khích lệ Giáo Hội đứng dậy, mở cửa, ra đi đến tận vùng ngoại vi để loan Tin Mừng. Ngài mở Năm Thánh Lòng Thương Xót để toàn thể Giáo Hội cảm nếm tình yêu tha thứ vô biên của Chúa. Ngài ban hành tông huấn Laudato Si’ kêu gọi bảo vệ môi trường, gìn giữ vũ trụ thiên nhiên xinh đẹp là ngôi nhà chung mà Chúa đã tạo dựng. Ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới để tìm phương cách giải quyết những thách đố về hôn nhân và gia đình. Ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du mục vụ, chủ lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới. Ngài cũng vừa ban tông huấn Niềm Vui Yêu Thương về tình yêu thương trong gia đình. Ngài đã làm được quá nhiều việc trong một thời gian vắn vỏi ! Ngài thật là Mục Tử nhân lành, là hiện thân của Chúa Giêsu. Gương sáng, lời rao giảng và chứng tá của ĐTC Phanxicô đã khiến nhiều giám mục và linh mục quyết định sống theo “phong cách” của ngài, họ tự nhận là thuộc “thế hệ Phanxicô”, từ chối sống trong những tòa nhà sang trọng, tự lái xe, tự đi chợ nấu ăn, sống gần gũi người nghèo, giản dị như một người bình dân, đề cao và bảo vệ quyền lợi của những người thấp kém và trẻ em.

“Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn thầy dạy, nếu họ tin thầy dạy, chính là vì thầy dạy ấy cũng đồng thời là chứng nhân” (Đức Phaolô VI). Một trăm bài giảng hay ho không giá trị bằng một việc làm nhỏ bé nhưng đong đầy yêu thương. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa sẽ chỉ hiệu quả nếu người ta vừa nhận ra niềm tin nơi lời rao giảng, vừa nhận thấy tình yêu thương nơi hành động và phong cách sống của người ấy.

Mọi người kỳ vọng các linh mục sẽ giống Chúa Giêsu Mục Tử theo phong cách của Đức Phanxicô, sẽ là hiện thân của Đấng đến “không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Linh mục được đánh giá theo như cung cách phục vụ của ngài : tận tụy, cần mẫn, trung tín, nhưng không (vô vụ lợi), sẵn sàng, nhanh nhẹn, quên mình. Người giáo dân hôm nay không muốn thấy, không muốn có những mục tử 3 L (làm sang, làm phách, làm biếng), 3 T (tình, tiền, tửu), 3 Đ (độc tôn, độc tài, độc đoán), lè phè, hưởng thụ, lười biếng, chẳng quan tâm đến người khốn khổ, chất trên vai họ những gánh nặng, vô cảm trước những khổ đau của họ, sống xa cách người nghèo, không bênh vực người bị áp bức bất công, không đứng dậy đi ra khỏi nhà xứ để viếng thăm kẻ bệnh tật, người già nua, trẻ cơ nhỡ, để đem về đàn những con chiên lạc bầy đang lang thang trong hoang địa. Những người nói trên đây là đối tượng của đức ái mục tử, được chính Chúa Giêsu công bố tại hội đường Nadarét năm xưa, khi khởi đầu sứ vụ : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta, an ủi mọi kẻ ưu phiền, đem cho các kẻ buồn phiền ở Sion triều thiên thay tro bụi, dầu vui mừng thay tang chế, áo hân hoan thay tâm hồn sầu muộn” (Is 61,1-3).(x. “Đức ái mục tử”. Bài giảng tĩnh tâm linh mục GP Phan Thiết 2016, Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long).

  1. Cầu nguyện nhiều cho dân chúng

Các sách Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện vào những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); đêm trước khi chọn các môn đệ (Lc 6,12); trước khi biến hình (Lc 9,28); trước khi chữa bệnh cho nhiều người (Lc 5,16); trước khi đặt ra cho các môn đệ câu hỏi quan trọng: người ta bảo Thầy là ai?; khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); khi các môn đệ đi truyền giáo lần đầu tiên trở về; trước khi chịu thương khó (Lc 22,34-46); trong bữa Tiệc Ly; đêm thương khó; trên Thánh giá (Lc 23,34.46)… Lời cầu nguyện đã nuôi sống tất cả sứ mạng của Người.Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Thầy cầu nguyện. Có lẽ khi Thầy cầu nguyện có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn tỏa ra từ nơi con người Thầy.

Vào một buổi sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã ra khỏi nhà ông Phêrô để tìm một nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Mc 1,35). Chúa Giêsu phấn khởi trong Thánh Thần, Ngài ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Con ngợi khen Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn những điều mà Cha giấu không cho những bậc khôn ngoan và trí thức biết” (Lc 10,21). Chúa Giêsu ngước mắt lên trời tâm sự với Chúa Cha rằng: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã nghe lời con cầu xin. Vâng, con biết rằng lúc nào Cha cũng vẫn nghe lời con xin. Sở dĩ con nói thế là để những người đang đứng bên con đây tin rằng Cha đã sai con” (Ga 11,41-41). Đặc biệt là trong phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để cầu nguyện với Chúa Cha. Tâm sự ngỏ với Cha rất nhiều lời tha thiết (Ga 17). Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu quỳ gối và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu đựoc thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, xin chỉ thực hiện ý của Cha” (Lc 22,42). Lúc hấp hối trên Thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện gởi lên Cha ba lời tâm sự tha thiết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm; Lạy Cha, sao Cha bỏ con?; Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28 ; Mt 5,34); kiên trì và tin tưởng cầu nguyện (Lc 11,5-8.9-13 ; Mt 7,7-11); cầu nguyện với lòng khiêm tốn để nhận ơn tha thứ (Lc 18,9-14); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)… Khi các môn đệ xin Người dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4 ; Mt 6,9-13). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.

Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Mục tử luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Ngài do đã gặp gỡ và sống với Ngài thực sự. Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11). Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính“hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của đời mục tử. Cầu nguyện là lẽ sống và có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống mục tử. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động. Mục tử cầu nguyện, hãm mình, đền tội cho giáo dân theo gương cha thánh Gioan Vianney.

  1. Hy sinh tính mạng vì anh em mình

Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”. Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài. Chúa Giêsu so sánh mục tử và người làm thuê. Mục tử tốt lành luôn hết mình vì đàn chiên. Người làm thuê chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử hy sinh cho đàn chiên. Người làm thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Người làm thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên. 

Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”. ĐTC nhấn mạnh thêm rằng mùi ấy cũng có thể phát sinh từ các yêu cầu bất tiện, đôi lúc hoàn toàn vật chất hay hoàn toàn tầm phào. Người chăn chiên phải nhận thức và đồng cảm với ý muốn của đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã nhận thức và đồng cảm cái đau ra huyết trắng của người đàn bà khốn khổ trong Tin Mừng. Muốn có cái mùi ấy, các mục tử phải ra khỏi con người mình, phóng mình tới những vùng ngoại biên nơi có đau khổ, đổ máu, mù lòa, giam cầm đủ loại. Mục tử phải cảm nhận được các gánh nặng và bộ mặt của quần chúng giáo dân, trên vai và trong trái tim mình” (Vũ văn An : Đức Phanxicô và mùi chiên, Vietcatholic.net, 4/1/2013). Linh mục cũng được đánh giá theo như ngài có hay không lòng thương yêu, hy sinh cho đoàn chiên của ngài.

Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Trong Sứ điệp ơn gọi năm nay, ĐTC Phanxicô nói về các “Ơn gọi được sinh ra từ Dân Chúa và là quà tặng của Lòng Thương Xót Chúa. Giáo Hội là đền thờ của lòng thương xót, và là “mảnh đất” cho mọi ơn gọi được nuôi trồng, trưởng thành và sinh hoa kết trái…Các ơn gọi được trổ sinh từ Giáo Hội…Ơn gọi lớn lên trong Giáo Hội…Ơn gọi được nuôi dưỡng bởi Giáo Hội…Trong số những người tham dự vào các hoạt động mục vụ, các linh mục là những người đặc biệt quan trọng. Trong sứ vụ của họ, họ hoàn hiện những lời của Chúa Giêsu đã nói: “Ta là cửa chuồng chiên;Tôi là mục tử tốt lành”. Việc chăm sóc mục vụ ơn gọi là một phần cơ bản của sứ vụ của các linh mục. Các linh mục đồng hành với những ai đang biện phận về ơn gọi của họ, cũng như những ai đã tận hiến cuộc đời của mình để phục vụ Thiên Chúa và của cộng đoàn.

Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Mục tử tốt lành luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên, yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Tối Cao, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.

Cha sở Gioan Vianney “là mục tử đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, đã hy sinh tính mạng vì anh em mình”, ngài là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.

Về mục lục

.

MỤC TỬ TỐT LÀNH HIẾN MẠNG VÌ CHIÊN

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ 

Bước vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, chúng ta có dịp đọc lại dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Phụng vụ mỗi năm trình bày cho chúng ta một khía cạnh. Năm nay, với vỏn vẹn 4 câu (Ga 10, 27-30), cũng đủ làm nổi bật Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành, thí mạng sống mình vì đàn chiên, Người đến để cho chiên được sống dồi dào (c.28), qui tụ tất cả về một đàn chiên duy nhất, Người là Con Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa (c.30).

Chúa là Mục Tử

Mục tử” là hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của dân du mục vùng Trung Đông, được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tương quan “dễ thương” giữa Người và chúng ta. Dân Cựu Ước thường gọi Chúa là mục tử của mình (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v …), vì khởi đầu lịch sử thánh, dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước tiên là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môsê, kẻ chăn cừu, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.

Chúa là mục tử đích thực của dân Israel kể từ khi Chúa chọn họ làm dân riêng và hứa không để dân bị phân tán như đàn chiên không người chăn dắt. Chính Chúa chăn dắt dân Chúa: “Này đây Ta chăm sóc chiên Ta” (x. Ed 34). Trách nhiệm mục tử này được trao cho các vị lãnh đạo dân Chúa.

Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên

Chúa Giêsu tự xưng “là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11). Trong hang toại đạo, người ta tìm thấy hình ảnh Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn sẵn sàng, “thí mạng sống vì chiên” (Ga 10, 11). Chúa biết chiên, nên hy sinh mạng sống :“Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta” (Ga 10, 27 – 28).

Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu nguyện rằng : “Vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (Ga 17, 19). Khi tự do vâng phục ý muốn Chúa Cha, tự hiến tế mình trên Thập Giá, Người trở thành “Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Đúng là Chiên con cứu chuộc đàn chiên mẹ (x. Ca tiếp liên lễ PS). Bằng tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến, Người hiến tế chính mình làm của ăn của uống cho chúng ta. Đó là lý do hôm nay chúng ta mừng kính Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành vào Chúa nhật thứ IV sau Đại lễ Phục Sinh, nên Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành.

Mục tử tốt lành vác chiên trên vai, ôm chúng vào lòng như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa Giêsu cũng làm như thế : hàng ngày, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống và các bí tích của Hội Thánh, giang cánh ta trên thập giá để thâu họp “con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52), đón nhận chúng ta vào lòng nhân ái của Người. Thật là hình ảnh tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài.

Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không? Nếu phải thì tôi có nghe tiếng Chúa không ? Chúa nói : “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10, 27). Tiếng ở đây chính là Lời Chúa. Tiếng để chúng ta nhận biết Chúa, như Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa khi đi viếng mộ Chúa.

Chúng ta có biết Chúa không và nếu biết thì biết thế nào ? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” được diễn tả qua việc làm, như thánh Gioan viết : “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối (1 Ga 2, 4).

Vậy ai nghe, biết và chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với các công dân Nước Trời.

Cầu cho các mục tử

Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi 2016, Đức Phanxicô viết : “Vào ngày được dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em Kitô Hữu hãy ý thức trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc và biện phân các ơn gọi”.

Đức Phanxicô khẳng định, người chăn chiên phải có “mùi chiên”, thì đoàn chiên mới nhận ra. Ngài muốn các mục tử trong Năm Thánh này không được để cho mình thất vọng : “Điều con người ngày nay cần nhất là những chứng từ của chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, để sưởi ấm con tim, đánh thức niềm hy vọng, và lôi kéo người ta đến với điều thiện” (Trích bài giảng 07/07/2013).

Bằng hình ảnh đó, ngài khuyên các bề trên đừng nhằm đào tạo chỉ dựa trên kỷ luật và giáo thuyết: “Đào tạo là công việc của người thợ thủ công, chứ không phải của người cảnh sát. Chúng ta phải đào tạo những tâm hồn, bằng không, chúng ta đang sản xuất ra những quái vật nho nhỏ. Rồi những quái vật nho nhỏ này lại đào tạo dân Thiên Chúa. Điều đó làm tôi rợn tóc gáy” (Adnkronos, 03/01/2013).

Ngài chỉ trích những cơ cấu Giáo hội ít có khả năng đón tiếp, và những giáo xứ co mình lại trong việc ban phát các bí tích. Theo ngài: “Tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn nhưng là nơi của lòng Chúa thương xót…”( Trích Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 47). Linh mục không phải là một công chức, cũng không phải là người sở hữu những gì của Thiên Chúa, họ chỉ là những máng chuyển mà thôi.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử thân yêu : nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài ! Chúng ta cũng cầu nguyện cho Giáo hội có thêm nhiều linh mục lành thánh.

Lạy Mẹ Maria, mẫu gương ơn gọi của chúng con, Mẹ đã không sợ hãi khi thưa tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, xin đồng hành và dẫn dắt chúng con bước theo con Mẹ. Amen.

Về mục lục

.

ẢNH HƯỞNG

Trầm Thiên Thu

Ảnh hưởng là sự tác động được/bị thay đổi bởi người khác đối với cách suy nghĩ, hành động, lối sống, văn phong,… Ảnh hưởng là áp lực có thể tốt hoặc xấu. Áp lực đồng đẳng là động thái của chúng ta đang được/bị thay đổi bởi bạn bè. Người ta ảnh hưởng bởi nhiều thứ: Văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo, môi trường, kiến thức,…

Người Việt có cách nói ám chỉ sự ảnh hưởng: “Rau nào sâu nấy” hoặc “thầy nào trò đó”. Tầm ảnh hưởng có thể do ý thức hoặc vô thức, thậm chí nó có thể dần dần hình thành tính cách của một con người.

Về sự ảnh hưởng, thần học gia và triết gia Albert Schweitzer (1875-1965, người Đức gốc Pháp) nhận định: “Gương mu không phi là điu chính yếu gânh hưởng lên người khác, mà nó là điu duy nht. Còn tâm lý gia kiêm triết gia William James (1842-1910, người Mỹ) nhận xét: “Chính thái đ ca chúng ta khi bđu mt vic khó khăn s nh hưởng kết qu thành công nhiu hơn bt c điu gì khác. Quả thật, sự ảnh hưởng rất quan trọng!

Trình thuật Cv 13:14. 43-52 cho biết rằng…

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ông vào hội đường. Tan buổi họp, có nhiều người Do Thái và nhiều người đạo theo, tức là những người tôn thờ Thiên Chúa, đi theo hai ông. Hai ông nói chuyện với họ và khuyên nhủ họ gắn bó với ơn Thiên Chúa.

Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do Thái sinh lòng ghen tc, họ phđi những lời ông Phaolô nói và nhc m ông. Bấy giờ ông Phaolô và Barnaba mnh dn lên tiếng: “Anh em phi là nhng ngườđu tiêđược nghe công b li Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước t ly, và t coi mình không xng đáng hưởng s sng đđi, thì đây chúng tôi quay v phía dân ngoi. Vì Chúa truyn cho chúng tôi thế này: Ta s đt ngươi làánh sáng muôn dân, đ ngươđem ơn cđ đến tn cùng cõđt.

Lý do rất rõ ràng. Được nhận mà không muốn nhận. Tất nhiên hậu quả khôn lường, nhưng đó là quyền tự chọn của mỗi người mà thôi. Thiên Chúa không bao giồ ép buộc ai. Và đúng như Chúa Giêsu đã từng cảnh báo: “Ai ĐÃ CÓ thì ĐƯỢC CHO THÊM và s CÓ DƯ THA; còn ai KHÔNG CÓ thì ngay CÁĐANG CÓ cũng s B LĐI (Mt 25:29).

Sau khi nghe hai ông Phaolô và Barnaba nói rạch ròi như vậy, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời đều tin theo. Và Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

Lòng ghen tức thật đáng sợ! Tại sao người ta ghen tức? Cũng như con gà tức nhau tiếng gáy, người ta ghen tức với người khác vì thấy mình lép vế, bất tài, vô dụng,… Giàu sang thì bị đía, nghèo khó thì bị khinh; ngu si thì bị khinh, thông mình thì bị ghét. Chỉ có người giỏi mới chấp nhận cái giỏi của người khác. Chúa Giêsu cũng đã có những bỏ đi nơi khác vì người ta không chấp nhận sự hiện diện của Ngài.

Và rồi chính người Do Thái đã sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do Thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và Barnaba, rồi còn trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Thật là nhỏ nhen và nham hiểm! Thấy không ổn, hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Icôniô.

Người Việt cũng có câu: “Tránh voi chng xu mt nào. Người ta không thích mình thì tránh cho xa kẻo họ “ngứa mắt”, chứ thật ra họ chẳng có gì mà chúng ta phải sợ. Cũng là cách tránh dịp tội cho đôi bên. Họ đáng khinh và đáng trách, nhưng đó là quyền tự chọn của họ. William Makepeace Thackeray (1811-1863, tiểu thuyết gia người Anh) phân tích: “Gieo hành vi thì gt thói quen, gieo thói quen thì gt tính cách, gieo tính cách thì gt s phn. Một chuỗi hệ lụy rất lô-gích. Chính sự tự do có thể tạo số phận của chúng ta, có thể tốt hoặc xấu – cả đời sống xã hội và đời sống tâm linh.

Cuộc sống con người là những chuỗi hồng ân, liên kết qua từng nhịp thở. Ngay cả đau khổ cũng là hồng ân. Vâng, hồng ân Chúa không ngừng ảnh hưởng tới sự sống của mọi thụ tạo. Vì thế, chúng ta không thể không biết dâng lời tạ ơn. Thật vậy, với cảm nghiệm sâu sắc, tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy tung hô Chúa, hi toàn th đa cu, phng th Chúa vi nim hoan h, vào trước thánh nhan Người gia tiếng hò reo. Hãy nhìn nhn Chúa là Thượng Đế, chính Người dng nên ta, ta thuc v Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dn dt (Tv 100:2-3).

Lý do vừa mặc nhiên vừa mình nhiên: “Bi vì Chúa nhân hu, muôn ngàn đi Chúa vn trn tình thương, qua bao thế h, vn mt nim thành tín (Tv 100:5). Điều này cũng được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh (1 Sbn 16:34; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4; Tv 118:29), nhiều nhất là Tv 136 (các câu 1-3 và 26). Đó là mầu nhiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chính Đức Maria cũng đã thốt lên qua bài thánh ca Magnificat: “Đi n tđi kia, Chúa hng thương xót nhng ai kính s Người (Lc 1:50). Ai trong chúng ta cũng luôn chịu ảnh hưởng bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Cuộc sống của Kitô hữu không mơ hồ, mà có mục đích rõ ràng: Sống lại và về Nhà Cha trên trời. Đó là điều kỳ diệu của cuộc vượt qua khải hoàn mà hiện nay chúng ta không thể tưởng tượng như thế nào. Tuy nhiên, trình thuật Kh 7:9. 14b-17 “hé mở” cho chúng ta biết về cuộc khải hoàn trên Thiên Quốc.

Thị nhân Gioan kể lại: “Tôi thy mđoàn người thđông không tài nàđếm ni, thuc mi dân, mi chi tc, mi nước và mi ngôn ng. H đng trước ngai và trước Con Chiên, mình máo trng, tay cm nhành lá thiên tuế. Những người này rất đẹp và hạnh phúc. Nhưng họ là ai? Họ là những người mà chúng ta gọi là các thánh.

Thánh Gioan cho biết thêm: “V y bo tôi: H là nhng ngườđã đến, sau khi tri qua cơn th thách ln lao. H đã git sch và ty trng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, h được chu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày th phượng trong Đn Th ca Người; Đng ng trên ngai s căng lu ca Người cho h trú n. H s KHÔNG CÒN phđói, phi khát, KHÔNG CÒN b ánh nng mt tri thiêđt và khí nóng hành h na. Vì Con Chiêđang ng  gia ngai s chăn dt và dđưa h ti ngun nước trường sinh. Và Thiên Chúa s LAU SCH nước mt h. Cả “cách giặt” và “chất tẩy” đều kỳ diệu, không hề có trên thế gian vật chất hữu hình này, nhưng lại thực sự có trong thế giới tâm linh và vô hình. Và hàng ngày, mỗi chúng ta cũng vẫn phải “giặt” chính mình trong Bửu Huyết của Đức Kitô Giêsu.

Nói đến chiên thì cũng phải nói tới chủ chiên. Chúa Giêsu là Đệ Nhất Con Chiên và cũng là Đệ Nhất Chủ Chiên – Vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10:11), đồng thời Ngài cũng là Cửa Chuồng Chiên (Ga 10:7-9). Trình thuật Ga 10:27-33 cho chúng ta biết về mối quan tâm của Mục Tử Nhân Lành dành cho Đoàn Chiên.

Chúa Giêsu là Người Chăn Chiên đích thực nên nặng “mùi chiên”. Đó là sự ảnh hưởng tất yếu giửa chủ và chiên. Thật vậy, mấy bà bán cá làm sao tránh được mùi cá? Hoặc mấy người chăn heo lẽ nào không ám mùi heo? Một sự ảnh hưởng rất tự nhiên, không thể không có. Mùi chiên ở đây mang nghĩa bóng. Trong khi đại đa số chiên là dân nghèo – nhất là tại Việt Nam, thế thì tại sao chủ chiên không có “mùi nghèo” của chiên? Chủ chiên có “mùi” của chiên béo thì chủ chiên đó là thật hay giả, quen hay lạ? Câu hỏi dễ ẹc mà lại rất khó (hoặc ngại) trả lời!

Nhưng chính Chúa Giêsu đã trả lời qua câu nói xác định: “Chiên ca tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng s sng đđi, không bao gi chúng phi dit vong và không ai cướđược chúng khi tay tôi. Cha tôi, Đng đã ban chúng cho tôi, thì ln hơn tt c, và không ai cướđược chúng khi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là mt Ga 10:27-30). Vâng, MỘT chứ không HAI hoặc MỘT RƯỠI. Quá rõ ràng, chắc chắn không cần nói gì thêm nữa!

Thuận ngôn nghịch nhĩ. Lời thật mất lòng. Nghe Chúa Giêsu nói vậy, người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Nhưng Ngài vẫn thẳng thắn bảo họ: “Tôi đã cho các ông thy nhiu vic tđp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì vic nào mà cáông néđá tôi?. Người Do Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phi vì mt vic tđp, nhưng vì mt li nói phm thượng: ông là người phàm mà li t cho mình là Thiên Chúa Ga 10:33). Đúng là những con người có tâm địa xấu xa, dốt mà chảnh, ngu mà ra vẻ ta đây giỏi, dại mà tưởng là khôn. Người ta còn nói đến mình là còn thương mình, người ta không thèm nói tới mình thì “hết nước nói” rồi. Nguy hiểm quá!

Về “mùi chiên”, đó phải là mùi thật, mùi tự nhiên, không thể là mùi nhân tạo. Ngày nay, người ta có thể chế biến đủ loại hương liệu để tạo mùi giả, liệu mùi chiên có bị “chế biến” hay không?

Chiên cũng đa dạng, lắm kiểu, nhiều loại: mập – ốm, cao – thấp, trắng – đen, sang – hèn, giàu – nghèo,… Nhiều người luôn tâng bốc, nịnh hót, luồn cúi,… “ra cái vẻ” đạo đức và ngoan ngoãn. Nên cảnh giác!

Khi nói đến danh từ “con chiên”, người ta có ý nói là “ngoan đạo”, nhưng cũng có nghĩa tiêu cực là “vâng lời mù quáng”. Anh ngữ có danh từ SHEEPLE /SHēpəl/ – được ghép bởi chữ Sheep (chiên, cừu) và People (người), ý nói về người dễ tin lời người khác, dễ bị dụ. Danh từ này được sử dụng từ năm 1945. Theo Thánh Tiến Sĩ Thomas Aquinas, đức tin cần có cả trí tuệ lẫn ý chí. Tin như vậy là sáng suốt chứ không mù quáng, ảnh hưởng đúng đắn.

Ly Thiên Chúa, xin soi sáng và giúp con nhn thđúng đn, t chuyn nh ti chuyn ln, trong cuc sng đi thường và tâm linh. Xin thương xót và bo v h min nhim tâm linh đ con không b nh hưởng bi nhng s xu, nhưng ch chu s nh hưởng ca Ngài mà thôi. Con cu xin nhân danh Thánh T Giêsu, Đng cđ nhân loi. Amen.

Về mục lục

.

ĐỨC GIÊSU – MỤC TỬ ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Nói đến mục tử và đàn chiên, hẳn người Công Giáo không còn cảm thấy xa lạ về khái niệm và cách gọi. Tuy nhiên, để hiểu và biết cách thấu đáo, có lẽ chưa được chính xác, thiết thực cả về vai trò mục tử lẫn bổn phận của con chiên! Vì thế, Giáo Hội mỗi năm một lần, dành riêng Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, để mời gọi mọi thành phần ý thức về sứ vụ của mình trong vai trò và nhiệm vụ riêng biệt, ngõ hầu làm toát lên những nét tiêu biểu của vai trò mục tử và đàn chiên.

Để làm sáng tỏ bản chất thiêng thánh, chúng ta cần khởi đi và bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, vị Mục Tử Tối Cao, nhất là vai trò, sứ vụ Mục Tử nơi Thầy Giêsu.

  1. Thiên Chúa là Mục Tử của dân Người

Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành, đầy lòng thương xót được khởi đi từ thời Cựu Ước, qua việc Thiên Chúa luôn chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ dân của Người. Thánh Vịnh 23 đã thốt lên niền vinh dự và an tâm khi được Thiên Chúa bảo vệ: “Đức Giavê là Mục Tử tôi. Tôi không còn thiếu gì. Dù phải đi qua thung lũng tối đem. Tôi cũng không hề lo sợ” (x. Tv 23,1-6). Qua sự cảm nghiệm trên, tác giả Thánh Vịnh cho thấy: Giavê Thiên Chúa trở thành Mục Tử của dân Israel, Người yêu thương và chăn dắt dân của Người.

Hình ảnh và sứ mạng của người mục tử cũng được trao phó cho các vị lãnh đạo thời bấy giờ, để họ thay quền Thiên Chúa, lo quản trị, nhắc nhở và nêu gương sáng cho dân.

Tuy nhiên, thật đáng buồn vì các mục tử thời đó đã làm cho dân phải đau đớn vì họ không sống đúng vai trò của mình! Điều này đã được Tiên tri Ezekiel quở trách thật nặng nề: “Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên… Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng… Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi… Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng” (x. Ez 34,2-4.9-10.23).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã trở thành hiện thân Mục Tử mà Cựu Ước đã tiên báo. Nhưng về cung cách thì hoàn toàn khác. Vì thế, chính Ngài đã tuyên bố: “Tôi là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (x. Ga 10, 27); “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10), chứ không như những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không đoái hoài đến đàn chiên đã được trao phó.

Quả thật, suốt cuộc đời, Đức Giêsu luôn chú tâm đến việc dạy dỗ, chữa lành, băng bó những con chiên đau ốm, ghẻ lở; dẫn về những con chiên đi lạc; phục hồi những con mất nhân cách; và cuối cùng, hiến tế chính mình cho chiên, để chúng được sống trong niềm vui và hạnh phúc viên mãn. Qua sự hiến dâng như thế, Đức Giêsu đã trao ban chính sự sống thần linh, tức là sự sống đời đời cho chiên của mình (x. Ga 10,28).

Như vậy, nơi cuộc đời và sứ vụ, Đức Giêsu đã phản ánh rõ nét Lòng Thương Xót của chính Thiên Chúa ngang qua lòng dạ nhân từ, bao dung và tha thứ của Ngài.

Kết thúc cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã trao phó vai trò mục tử cho các Tông đồ và những người kế vị. Để hành vi thương xót của Thiên Chúa ngang qua đời sống và cung cách của các vị trung gian được tiếp tục tiếp diễn cho đến ngày mọi người đều có một Chủ Chiên duy nhất là chính Thiên Chúa và tất cả đều là anh em trong một đàn chiên.

  1. Sứ vụ, vai trò của các mục tử trong Giáo Hội

Khi nói đến vai trò mục tử trong Giáo Hội, chúng ta nghĩ ngay đến các giám mục, linh mục, phó tế… Các ngài được lãnh nhận sứ vụ này ngang qua Giáo Hội, để ra đi thi hành bổn phận mà Thầy Giêsu đã làm khi xưa.

Sứ mạng ấy chính là quyền lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa. Tuy nhiên, gương sáng và sự dấn thân sống hết mình vì đàn chiên là điều được đề cao đến nỗi nếu không có chiều kích này, thì việc lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa trở nên một thể chế thuần tục không hơn không kém!

Khi đề cập đến sứ vụ mục tử, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh: các mục tử ngày nay không chỉ lo lắng thuần túy về cơ cấu, nhưng còn phải “ngửi thấy mùi chiên”; và “phải mang mùi chiên đó vào mình”. Thật vậy, nếu không “ngửi” và mang “mùi” của chiên nơi mình, có lẽ ranh giới giữa mục tử và kẻ chăn thuê hay cướp bóc chỉ cách nhau gang tấc! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó những vị mục tử luôn nóng nảy, dọa nạt vô cớ; cư xử phân loại; sống theo hiệu ứng đám đông; hay chỉ biết chăm chút mũ mão cân đai cho chính bản thân, lo củng cố địa vị và uy tín ngang qua những công trình sang trọng hay những buổi lễ hội… Khi lựa chọn như thế, ấy là lúc những mục tử đang có xu hướng “ngoại tình” với những “mục đích rẻ tiền” mà quên đi sứ vụ cao trọng!

Nguyên nhân dẫn đến thảm trạng đau buồn này chính là không tin phục và chẳng sống theo mẫu gương Thầy Giêsu; luôn để cho lòng tự nãm, kiêu căng, vụ lợi, ích kỷ, hèn nhát, thiếu tình thương chỉ đạo, nên chỉ biết lo cho bản thân mà không màng chi đến sứ vụ!

Nếu là mục tử thuộc về Thầy Giêsu, noi gương Đấng Giàu Lòng Thương Xót, thì lòng dạ các ngài sẽ không yên khi còn đó biết bao con người khắc khoải, đói khát, bần cùng, tỗi lỗi… đang ngày đêm kêu van thống, để chỉ mong sao những bước chân của những mục tử dám đi ra “bên lề”, tiến vào những vùng “ngoại biên” để cứu giúp họ, ngõ hầu những con chiên đen đủi, bất hạnh này được bàn tay nhân ái của những mục tử nhân lành chạm vào tâm hồn họ, để tâm hồn chiên lạc và khổ đau được nóng và sáng lên nhờ cảm nghiệm được sự an bình thư thái…

Làm được điều đó, các vị mục tử mới thực sự là người thay mặt Chúa để trả lời và mang lại cho con người hôm nay niềm hy vọng mà xã hội trần thế không làm được.

  1. Kitô Hữu là con chiên trong đàn chiên của Chúa

Còn với chúng ta, trong ngày lễ hôm nay, mỗi người hãy thực sự nhìn lại tư cách chiên của mình, để thấy được tình trạng tâm hồn trong tương quan với Vị Mục Tử Giêsu, Đấng mà chúng ta thật vinh dự khi được trở thành con chiên của Ngài ngày lãnh Bí tích Rửa Tội.

Vì thế, với tư cách là thành phần trong đàn chiên của Chúa, điều kiện tiên quyết, đó là phải tin tưởng và phó thác cuộc đời, vận mệnh, hiện tại và  tương lai cho Vị Mục Tử Tối Cao, để được núp dưới cây gậy mục tử nhân lành của Ngài.

Thứ đến là: lắng nghe Lời của Ngài, để: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10,27), ngõ hầu Lời Chúa trở thành nguồn suối mát, đồng cỏ xanh nuôi sống tâm hồn chúng ta.

Tiếp theo là đi theo, gắn bó mật thiết như hình với bóng, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tâm tư, hành động, lời nói.

Cuối cùng, sống chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em, nhất là ngang qua nghĩa cử, lòng nhân ái của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, xin cho các chủ chăn trong Giáo Hội hôm nay biết phản chiếu lòng thương xót của Chúa cách trung thực. Xin cho chúng con trở thành con chiên ngoan hiền để tận hưởng nguồn hoan lạc của đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mắt dưới bóng cánh và cây gậy mục tử của Chúa. Amen.

Về mục lục

.

ƠN GỌI

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Hôm nay Hội Thánh cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Xin cho nhiều người trẻ quảng đại đáp trả lời kêu mời của Thiên Chúa, để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người thời đại.

Tôi ban cho chúng sự sống đời đời

“Con chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, và chúng sẽ không hư mất”.

Ơn gọi tu sĩ linh mục chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc.3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Ngài trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.

Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài muốn tất cả được cứu độ (1Tm.2, 4). Ngài muốn ban sự sống đời đời cho tất cả mọi người. Sự sống đời đời khởi đầu ngay ở đời này. Nếu con người sống theo tiếng Chúa, theo lương tâm, thì người ấy được bình an. Bình an là điều kiện nền tảng để hạnh phúc.

Không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha tôi

“Không ai có thể giựt chúng khỏi tay tôi, vì Cha tôi đã ban chúng cho tôi, và Ngài lớn hơn tất cả, và không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha tôi. Cha tôi và tôi là một”.

Ơn gọi rất mong manh, và tưởng chừng ai cũng có thể phá huỷ được; nhưng thực sự không như vậy. Không ai có thể huỷ ơn gọi của một người, nếu không phải chính người đó cố tình phá huỷ. Thiên Chúa luôn trung thành, Ngài gọi ai thì Ngài mãi mãi trung thành. Ngài không thay đổi, Ngài không chỉ gọi ai một thời gian rồi thôi không gọi nữa. Nếu Ngài gọi ai, Ngài mãi mãi trung thành. Ơn gọi cũng như tình yêu, như được nối kết ràng buộc bởi “tơ trời” có vẻ rất mong manh nhưng vô cùng chắc chắn.

Ơn gọi không khởi đầu do con người, nên cũng không thể tiếp tục nếu chỉ tự sức con người. Thiên Chúa luôn ở với người Ngài chọn và gọi, để nâng đỡ và bảo vệ người Ngài tuyển chọn. Cụ thể, Thiên Chúa vẫn hay dùng những phương tiện con người, để gọi và bảo vệ những người được Ngài kêu gọi.

Dụng cụ ban ơn cứu độ

Thánh Phao-lô và Barnabas được tuyển chọn để sai đi. Hai ngài đã trở thành phương tiện Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ cho những người sẵn sàng mở lòng đón nhận Tin Mừng. Cuộc đời của Phaolô rất gian nan, nhưng Phaolô vẫn vui và hạnh phúc. Phaolô đã từng bị ném đá, bị đắm tàu tưởng chết, nhưng Phaolô vẫn kiên vững trong sứ mạng được trao.

Ơn cứu độ của con người, là chính Thiên Chúa. Được Thiên Chúa, nghĩa là, được Thiên Chúa ở cùng, được chia sẻ sự sống với Thiên Chúa, là được ơn cứu độ.

Mỗi người có thể là dụng cụ Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ cho những người sống xung quanh mình. Xin cho mỗi người nhận ra ơn gọi của mình, để hạnh phúc và trở thành dụng cụ Thiên Chúa dùng để đến với con người hôm nay.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Ơn gọi là gì? Làm sao biết một người có ơn gọi tu sĩ hoặc linh mục?
  2. Ơn gọi linh mục, tu sĩ và ơn gọi hôn nhân, ơn gọi nào cao quý hơn? Tại sao?
  3. Làm sao để nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi tu sĩ hoặc linh mục?

Về mục lục

.

NÊN MỘT TÌNH YÊU

Lm. Jos. DĐH.

Có rất nhiều con đường để đi tới thành công, có không ít người gặt hái thành quả từ mồ hôi nước mắt, nhưng công sức tiền của, hoặc ý chí quyết tâm cũng chỉ là mờ nhạt, nếu chúng ta chưa đặt để tình yêu vào trong mơ ước hạnh phúc đó. Tình yêu có phải là viên thuốc bổ, là vi-ta-min, tăng cường sức đề kháng trước những khó khăn trên bước đường đời ? Có chăng, biết chăm chỉ làm ăn thì không nghèo, có chương trình kế hoạch thì không rối rắm, có tình yêu và sự chuẩn bị trước công việc sẽ không thấy bận rộn ?

Nên một trong tình yêu vợ chồng, người ta có thể đọc được qua câu thành ngữ : thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Nên một trong tương quan yêu thương, chúng ta cũng có câu tục ngữ : dao năng liếc thì sáng, người năng chào thì thân. Nên một tình yêu được Chúa Giêsu nói tới hôm nay, phảng phất hương vị của đoàn chiên mà vị mục tử chăm sóc thật chu đáo: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Hình ảnh mục tử và chiên phản ánh một tình yêu không giới hạn, người chăn chiên sẽ ra sức bảo vệ, không để sói tấn công, không để con nào lạc lối. Chiên theo chủ, nhận ra tiếng chủ, và yêu thương không nghi ngờ là dấu hiệu để chiên không bao giờ hư mất.

Chúa Giêsu cho chúng ta một cảm nhận “nghe và theo”, chính là đặc tính nên một giữa tình yêu của chủ chăn và đàn chiên. Nghe bằng trái tim, theo trọn vẹn cả xác hồn, dù hình ảnh chủ chiên có mờ nhạt so với khoảng không tự do của thói xấu đang thu vén danh vọng vật chất. Nghe mục tử Giêsu và theo mục tử Giêsu, thời nào cũng là vấn nạn khó hiểu, bởi tiếng ồn “thụ hưởng” làm cản trở bộ lọc của trí lòng con người. Nếu thiếu tình yêu, ai có thể phân biệt được thật giả, tốt xấu, ai có thể nghe và theo chủ chiên, cũng không thể đủ tin chắc chắn vào người mục tử sẽ đưa đến bến bờ hạnh phúc.

Để nói lên tình nghĩa huynh đệ rất cần nơi cuộc sống này, người xưa bằng nhiều suy tư rất chí lý nhằm chia sẻ cho các thế hệ : anh em như thể tay chân; rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần. Tình yêu thương cũng không thể dừng lại ở phạm vi gia đình, cần phải được sẻ chia xa hơn nữa : nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước phải thương nhau cùng. Lập trường yêu thương của Chúa Giêsu hôm nay hẳn vẫn đang làm nên sự tự tin : “…Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời”. Mục tử Giêsu còn gợi lên “Lời và hành động” làm nên một tình yêu với đàn chiên mà không ai có thể cướp phá được. Sức mạnh của tình yêu ấy, vẫn đang vang lên : “Tôi và Cha Tôi là Một”.

Nên một tình yêu không phải để tận hưởng đặc quyền đặc lợi, mà còn nhằm phản ánh được tính hiệp thông chặt chẽ giữa chiên và chủ chiên. Có nghe có hiểu, có theo chủ, chiên mới đến được đồng cỏ xanh tươi, và đàn chiên không bao giờ phải hư mất. Được ở trong gia đình giáo hội, ở trong gia đình giáo xứ, là một ơn gọi nên thánh. Kinh nghiệm của đấng bậc sinh thành của bản thân, vẫn là một chuỗi dài những giới hạn, bất xứng, trước tình yêu Giêsu vị mục tử nhân lành. Mục tử Giêsu biết chúng ta không như người kỹ sư biết về cấu trúc của chiếc máy, Ngài hiểu đàn chiên của Ngài không phải như kẻ trên người dưới, nhưng là thân tình gắn bó trong tình bạn bè, huynh đệ.

Sống trên đời, tất cả mọi người đều phải ý thức mình là ai mới tồn tại được, chẳng ai sống được mà không có tình người, đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết. Chiên lạc lối thì sói ăn, người theo Chúa hời hợt, hẳn sẽ rơi vào hố sâu của sự dữ và chết chóc. Cha ông chúng ta cho thấy sự nguy hiểm khi sống xa sự thật về tình yêu : cái vòng danh lợi cong cong; kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào. (ca dao). Có những vấp ngã tự ta đứng dậy được, nhưng có những thứ sai lạc cần đến sức mạnh của cộng đoàn yêu thương trợ giúp, ta mới đứng lên được.

Đời cha cho chí đời con, có muốn so tròn thì phải so vuông. Vâng, tiền nhân luôn để lại nhiều lời răn dạy bổ ích cho hạnh phúc tương lai của con cháu. Người chăn chiên có thể biết con chiên ốm yếu, đau bệnh, và Ngài có thể vác chúng lên vai, nhưng chủ chiên không thể ép buộc chúng nghe, hiểu, thế nào là tình yêu của người mục tử dám thí mạng để bảo vệ chiên. Nên một tình yêu không phải chỉ hiểu theo nghĩa tình vợ chồng, mà chính là nhận ra Vị Mục tử Giêsu đang dẫn dắt, chở che. Mỗi con chiên đều là đối tượng của tình yêu, là môn đệ, là người bạn thân tình trong Đấng phục sinh. Amen.

Về mục lục

.

CHỦ CHĂN ĐƯỢM MÙI CHIÊN

Trần Bình An

Sau năm 1954, noi theo gương vị Mục Tử Nhân Lành, cha già Phêrô Doãn Quang Ngọc (1902–1995) đã thốt lên: “Vì yêu giáo dân mà tôi ở lại miền Bắc.” Sau hiệp định Genève, các linh mục ở lại miền Bắc lúc đó, phải chấp nhận cảnh đấu tố, giam cầm. Cha bị giam mấy tháng ở chuồng trâu của một người lương dân xóm Hồng Sơn, xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Rồi bị đấu tố ở Chiêu Ứng, sau đó còn bị điệu đi Đồng Xa, Đại An, Trù Mật để cho chính những người đã được cha già cưu mang, vu oan cáo vạ! Thế nhưng sau vụ đấu tố đó, những giáo dân này vẫn được cha già yêu thương, tin dùng và nâng đỡ. Có người hỏi: “Sao cha vẫn dùng họ?” Ngài trả lời: “Họ nhẹ dạ, họ mắc mưu, chấp làm gì!”

Một số cha trẻ di cư vào Nam, một số cha già được Chúa gọi về dần, các chủng viện bị đóng cửa, các giáo xứ dần dần vắng bóng chủ chăn. Cha già Phêrô Doãn Quang Ngọc  là cha xứ Chiêu Ứng, nhưng đồng thời phải coi sóc giáo dân tận Lào Cai, Sapa, cách xa ba bốn trăm cây số, trong khi phương tiện đi lại chỉ là một chiếc xe đạp Super Globe. Vào những năm cuối đời, dù đã tám chín mươi tuổi, cha Phêrô vẫn còn phải coi sóc thêm những giáo xứ như Phi Đình, Trù Mật, Vân Thê,… trên mười ngàn giáo dân.

Coi sóc nhiều như vậy, cha già không những đến dâng lễ, ban các bí tích, mà còn lo xây dựng đức tin và cơ sở vật chất nữa. Tất cả những nơi cha già coi sóc đều được chính ngài đứng lớp, ôn thi kinh bổn, giáo lý, mỗi năm hai kỳ vào dịp Lễ Phục sinh và Lễ Các Thánh.

Các hội đoàn như Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, Hội Mân Côi, Hội Thánh Phêrô, Hội Thánh Antôn,… do ngài thành lập vẫn sinh hoạt đều đặn. Riêng nơi cha già trông coi, các cuộc rước hoa, rước Thánh Thể vẫn tổ chức rất long trọng. Các nơi thờ tự trong địa bàn cha già coi sóc vẫn được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới, trong khi tại các xứ khác bị phá hủy, hoặc không được tu sửa.

Với tinh thần quảng đại, tha thứ và yêu thương phục vụ, cha già Phêrô còn tích cực hỗ trợ nhiều nơi xây dựng trường sở rộng rãi cho con em học văn hóa, như trường phổ thông cơ sở Sơn Cương, trường Ninh Dân thuộc huyện Thanh Ba, trường Văn Lung thuộc thị xã Phú Thọ. Những gia đình nghèo khổ luôn được cha quan tâm: cha giúp họ tiền đong gạo, cha không nhận bổng lễ khi  họ đến xin lễ. Suốt đời cha không sắm cho mình một vật gì sang trọng; cha thường nói: “Chúa Giêsu sống nghèo, tôi cũng sống nghèo; Chúa Giêsu bênh vực người nghèo, tôi cũng đi với người nghèo.”

Nói đến tinh thần kỷ luật của cha già là phải nói đến việc giữ giờ giấc: giờ ăn, giờ nghỉ, giờ làm việc trí óc, giờ lao động chân tay, giờ dâng lễ, giờ cầu nguyện; sáng, trưa, tối, mùa hè oi bức cũng như mùa đông giá lạnh, không khi nào cha sai giờ. Điều đáng khâm phục là khi ngài báo giờ lễ ở một nơi nào, dù xa xôi (như Đồng Xa, Trù Mật) mà không thể đi xe được vì thời tiết quá xấu, ngài quàng áo mưa, chống gậy đi bộ cho kịp giờ đã định. Và cũng có thể nói, trừ những tháng bị giam giữ năm 1954, ngài đã không bỏ một thánh lễ nào. Sáng ngày 28 tháng 11 năm 1995, ngài dâng thánh lễ cuối cùng, sau đó thấy mệt, tuy được các y bác sĩ điều trị, nhưng tối hôm đó ngài đã an nghỉ trong Chúa. (Gp Hưng Hoá)

Linh mục Phêrô Doãn Quang Ngọc thấm nhuần thiên chức, đã can đảm sống cho, sống vì và sống với đoàn chiên, để tận tuỵ chăn dắt và chăm lo các bổn đạo. Chúng ta thành tâm biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa đã ban tặng một chủ chăn tốt lành. Đồng thời ca ngợi, tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, đã ưu ái dân Người.

Trong Tin Mừng Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh hôm nay, Chúa Chiên Lành tha thiết mời gọi tất cả con chiên khắp nơi trung kiên đi theo. Người biết rõ từng khuôn mặt, tên tuổi, cũng như tính tốt lẫn thói hư tật xấu của từng con chiên. Dầu bạc nhược, bệnh hoạn, yếu đuối, tất cả cũng đều được Người ân cần an ủi, băng bó, vỗ về, phục hồi và ban sự sống, nếu biết nghe và theo Người.

Chiên nghe và theo

“Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta.” Nghe Lời Chúa là môt diễm phúc, một ơn phước, không phải ai cũng được hân hạnh được lãnh nhận, dẫu quyền cao chức trọng mấy đi nữa cũng chẳng được biệt đãi, như thói đời. “Vì chưng Ta bảo các ngươi, nhiều tiên tri và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều các ngươi thấy, nghe điều các ngươi nghe, mà đã không được nghe.” (Lc 10, 24)

Hơn nữa, nghe lời Chúa còn là một đặc ân cứu rỗi.“Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.” (Ga 5, 24) Bởi vì Lời Đức Giêsu bắt nguồn từ chính Thiên Chúa Cha. “Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” (Ga 8, 26)

Nghe Lời Chúa và theo Chúa chính là thực hành những điều Người dạy, mới thuộc về Thiên Chúa, về đàn chiên Người chăn dắt và chăm sóc. “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa.” (Ga 8, 47) Đức Giêsu còn tái khẳng định một vĩnh phúc, một niềm hy vọng vĩ đại cho con người. “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8, 51)

Chủ Chăn nói và biết

“Chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.” Lời Chúa luôn mời gọi từng người, từng ngày, từng phút giây trong đời. Phúc thay cho ai luôn biết tỉnh thức, lắng nghe và đáp lại Lời Chúa.

Không bao giờ cạnh tranh, chen lấn, đua đòi, kèn cựa, trong cơn bão truyền thông hiện đại, Lời Chúa thường chỉ âm thầm, lặng lẽ văng vẳng trong thinh lặng, trong cõi cô tịch hiu quạnh, trong hoang mạc vắng vẻ, trong đêm thâu trầm lắng canh thức. Như thầm thì qua lương tâm, khuyên nhủ qua những vị chủ chăn nhân lành, nhắc bảo qua các đấng sinh thành đạo đức, tâm tình chia sẻ qua những thân bằng quyến thuộc khôn ngoan theo Chúa. Nhưng công khai, tỏ tường và trường cửu hơn cả, Lời Chúa rất minh bạch, rõ ràng, rạng ngời, sáng chói trong Kinh Thánh, Tông truyền và giáo huấn Hội Thánh. Lời Chúa vốn là sự thật, là chân lý bất biến, bất diệt, mãi hợp lý, hợp thời mọi lúc mọi nơi.“Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đi!” (Mc 13, 31)

Qua suốt ba mươi ba năm nhập thể, Đức Giêsu đã trải qua hầu hết gian nan, khốn khổ, cực nhọc của kiếp người. Nhất là qua cuộc khổ nạn và chịu chết tức tưởi trên thập giá, Người đã cảm thông, thấu hiểu được tất cả nỗi khổ đau của nhân loại, nỗi cùng cực của người công chính, đạo đức, nhân ái, tử tế. Người chẳng còn lạ gì thói giả hình, thói điêu ngoa, ngậm máu phun người, thói kiêu căng, hãnh tiến, háo danh, hống hách, thói tráo trở, háo lợi, bất nghĩa, bất tín, bất trung, vì chính Người từng là nạn nhân. Nên Người luôn mời gọi những tâm hồn gian khổ, đày đoạ, hãy đến với người an ủi, che chở và cứu rỗi: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gồng gánh nặng nề. Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các con sẽ được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.”(Mt 11, 28-30)

Hơn nữa, Chủ Chăn Nhân Lành còn quan tâm, chăm sóc, còn hiểu thấu đáo đến từng con chiên. Dù lạc mất một con chiên, Người cũng đành bỏ lại chín mươi chín con ngoài đồng hoang, mà ráo riết, vội vã, đi tìm về cho bằng được. Tìm được rồi, Chủ Chăn hoan hỷ, mừng rỡ mời láng giềng đến chung vui.“Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn!”(Lc 15, 5-7)

Chủ Chăn bảo vệ và ban sự sống

“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” Chủ Chăn còn là cửa chính, nẻo ngay, đường duy nhất dẫn đến ơn cứu độ. Con chiên vâng lời, nghe theo sẽ no thoả trong đồng cỏ xanh tươi. Người luôn chăm sóc, bảo vệ khỏi mãnh thú hung ác, bạo tàn, vì “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên.” Người đã thực hiện đúng như lời đã hứa: Chịu khổ nạn và chịu chết để chuộc tội nhân loại, cho con người khỏi bị án phạt, mà được sống viên mãn.

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy.” Những người chăn thuê, mạo danh chủ chiên, hay sói đội lốt chiên, lòng dạ ác độc, chẳng khác kẻ trộm cướp, chỉ vì lợi danh, đến lạm dụng, xén lông, làm thịt, chia rẽ, nghi kỵ, phân hoá, làm tan tác cả đàn chiên. “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên.”

“Lãnh đạo phải trở nên mọi sự cho mọi người, trong bất cứ trường hợp nào, chấp nhận mọi thứ công việc, nhọc mệt, chống đối và khi cần phải hy sinh cả mạng sống con để mưu ích cho đoàn thể, nhưng đừng bao giờ làm giảm sút sự lo lắng cho chính linh hồn con.” (Đường Hy Vọng, số 881)

Lạy Chúa Giêsu, Vị Chủ Chăn Nhân Lành, xin luôn mãi gọi tên chúng con, luôn thức tỉnh chúng con khỏi sa chước cám dỗ hoang đàng, khỏi những phù phiếm lợi danh thế gian, khỏi thói vị kỷ, chiều chuộng, dễ dãi, o bế thân xác yếu đuối. Xin dẫn dắt, giúp đỡ, khích lệ chúng con dấn thân, vác thập giá hằng ngày, kiên trung theo Chúa trên đường hy vọng đầy chông gai thách thức.

Xin Mẹ Maria rất thánh thương ban cho chúng con những vị Chủ Chăn Nhân Lành, đến yêu thương dạy dỗ, hướng dẫn, chăm sóc, che chở chúng con được bình an và được sống viên mãn. Amen.

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH_C

Hồng y Tổng giám mục Dolan của giáo phận New York đã kể lại một câu chuyện sau đây.  Khi ngài còn là một chủng sinh học ở Rô-ma đã gặp Giám mục Sheen, một người rất nổi danh về giảng dạy qua phương tiện truyền hình và ra-di-ô vào những thập niên từ 1930 đến 50, vừa đi ra cửa sau buổi tiếp kiến với Đức thánh cha Phao-lô Đệ lục.  Đám đông dân chúng bao quanh ngài và hỏi Đức thánh cha đã nói gì với ngài. Mặt ngài hơi bừng đỏ và trả lời Đức thánh cha nói với tôi: “Thưa Giám mục Sheen, ngài có một chỗ rất cao trên Thiên đàng.”  Một người trong đám đông đã hỏi ngài trả lời với Đức thánh cha như thế nào.  Ngài mỉm cười trả lời tôi nói với Đức thánh cha “Kính thưa Đức thánh cha, nếu Đức thánh cha không ngại thì xin Đức thánh cha tuyên bố câu nói này với tính cách “không thể sai lầm!” (Infallible statement)

Ông bà anh chị em thân mến.  Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người Ki-tô chúng ta, đặc biệt là những người hiện diện trong Thánh lễ hôm nay, muốn có một “sự bảo đảm không sai lầm” có đời sống vĩnh cửu, được lên Thiên đàng. Nhưng nếu đó là một niềm tin vững chắc và là một ao ước chân thành, thì chúng ta có cố gắng hết sức mình để đạt được mục đích đó không?  Chúng ta tìm đâu ra phương cách, đường lối hay chúng ta phải sống như thế nào để được thành công?   Ít nhất ra, chúng ta có một sự bảo đảm vững chắc, là nếu chúng ta trung thành đi theo đường lối của Người Mục Tử Tốt Lành là Chúa Giê-su dẫn dắt và chỉ bảo, chúng ta sẽ không lo lắng về điều đó.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết Người là Mục Tử của chúng ta, và chúng ta là đàn chiên của Người.  Chúa nói: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta.” Trong một đoạn Tin mừng khác, Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta “Ý của Thiên Chúa Cha là tất cả những ai thấy và tin vào Con Thiên Chúa, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”  Trong Tin mừng của thánh Gioan, khi dạy về Bánh Trường sinh, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng:  “Ta là bánh hằng sống, là bánh ban xuống bởi trời, ai ăn bánh này sẽ được sự sống đời đời.”

Ông bà anh chị em thân mến.  Điều này nêu lên một câu hỏi hết sức quan trọng như tôi đã nêu ở trên là nếu cuộc sống đời đời và Thiên đàng là điều chúng ta tin và luôn cầu xin, cũng như đó là dự định của Thiên Chúa cho chúng ta, thì điều đó ảnh hưởng gì và như thế nào vào cuộc sống hiện tại của chúng ta hôm nay?  Hay nói một cách khác, chúng ta phải sống như thế nào để được “bảo đảm không thể sai lầm” được phục sinh, có cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên đàng?   Câu hỏi này làm cho tôi liên tưởng đến lời thánh Phaolô nói trong thư Cô-lô-sê:  “Chúng ta phải sống như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta sống, đó là sống như Người đã sống.”  Để diễn tả một cách thực tế, Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Anh chị em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh chị em, những điều xấu xa, tham lam và gian dối.  Hãy từ bỏ giận dữ, độc ác, thóa mạ, ăn nói thô tục.”  Và ngài khuyên chúng ta “Anh chị em hãy mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đấng tạo hóa, biết thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và tha thứ. Hãy có đức bác ái là mối dây nối kết tuyệt hảo.” Đây là những điều khuyên dạy và phải có những ảnh hưởng trong đời sống hiện tại của tất cả mọi người chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta phải cố gắng sống như Chúa Giêsu và phải trở nên đồng dạng với Người Mục Tử Tốt Lành để được phục sinh vinh hiển, để chiếm được đời sống vĩnh cửu mà Người đã hứa với chúng ta. Và đó cũng là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay “Chiên Ta thì nghe tiếng ta, Ta biết chúng, và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất.” Chúng ta phải có một sự liên hệ mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bác ái yêu thương, quảng đại, bằng đời sống chứng nhân và Tin mừng của Người.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúa nhật Chúa Chiên Lành luôn gợi lại cho tôi về một người đến gặp tôi mấy năm về trước.  Người đó rất âu lo và buồn sầu về cuộc sống cá nhân và gia đình của mình.  Bà đã thố lộ cho biết hình ảnh Người Mục Tử Tốt Lành của Chúa Giê-su là hình ảnh bà rất mến chuộng, và là nguồn an ủi của bà. Hình ảnh đó luôn giúp đỡ bà cảm thấy an toàn và an tâm mỗi khi bà nghĩ tới. Thật vậy, Chúa Giê-su yêu thương mỗi người chúng ta và khẳng định rằng mỗi người chúng ta rất đặc biệt và cao trọng đối với Người.  Người Mục Tử Tốt Lành xác định cho chúng ta biết Người sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đàn chiên của mình, và Người đã sống lại để chia sẻ với chúng ta vinh quang phục sinh với Người.  Đó cũng là hình ảnh cho chúng ta biết trong bài đọc 2 hôm nay, về “một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên.  Và Con Chiên sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống.”  Chúng ta cảm nghiệm được câu cuối cùng của bài đọc 2 cho chúng ta niềm hân hoan vui mừng “Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.”

Ông bà anh chị em thân mến.  Chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm nay cũng là Chúa nhật cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu.  Chúng ta nhìn ngắm lại hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tốt Lành, để cảm tạ lòng yêu thương, hy sinh và nhân từ của Người.  Đồng thời cầu nguyện cho Giáo hội luôn có nhiều bạn trẻ nhận ra tiếng gọi của Chúa, biết hy sinh trở thành linh mục và tu sĩ tốt lành như Chúa Giêsu, để chăn dắt đoàn chiên của Chúa nơi trần gian. Khi nói đến Ơn Thiên Triệu, người ta thường nghĩ ngay đến ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ nam nữ, đó là ý cầu nguyện trong tuần này. Nhưng hai chữ “thiên triệu” nói chung có nghĩa là Chúa kêu gọi. Vì vậy Chúa kêu gọi tất cả mọi người nhận biết, tin và yêu mến Chúa, trở nên những nhân chứng đích thực cho Chúa, bằng lời nói, hành động và cuộc sống. Chúa ban cho tất cả chúng ta nhiều ơn lành hồn xác để chúng ta luôn trung thành, và làm chứng cho tình yêu của Người, dẫn dắt người khác đến, tin và yêu mến Chúa.

Về mục lục

.

VỊ MỤC TỬ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Giuse Trực

Một gia đình, một cộng đoàn, một tập thể, một quốc gia… đều muốn có những người lãnh đạo có thể làm cho đời sống của gia đình, cộng đoàn, tập thể và quốc gia đó được tốt hơn. Tuy nhiên trên thực tế có những người lãnh đạo làm cho người khác thất vọng, hoặc nếu có tốt thì cũng vẫn còn nhiều hạn chế.

Đứng trước bối cảnh đó, lời Chúa hôm nay như ánh sáng được thắp lên giữa đêm tối, như làn gió mát xua tan cái oi nồng giữa trưa hè, như tiếng nói vang lên trong sự thinh lặng của sợ hãi: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Đức Giêsu khẳng định Ngài là “mục tử”, còn những người tin nhận và bước theo Ngài là “đoàn chiên”. Đây là hình ảnh rất quen thuộc trong văn hóa của người Do Thái. Công việc của người mục tử ở đây là: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 28). Vị Mục Tử này sẽ dẫn chúng ta đến sự sống đời đời, sự sống không còn đau khổ và chết chóc. Đó là điều mà không có vị lãnh đạo nào trên thế gian này có thể đem đến cho con người chúng ta.

Những nét nổi bật trong cung cách lãnh đạo của Mục Tử Giêsu là luôn đi trước đoàn chiên để chỉ cho chúng thấy những nguy hiểm, để đánh dẹp kẻ thù; là sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đoàn chiên; là không muốn một con chiên nào phải hư mất và sẵn sàng bỏ 99 con chiên lại trên núi để đi tìm con chiên lạc… Nghĩa là bằng tất cả tình yêu thương Ngài quan tâm đến từng con chiên một và Ngài chăm sóc nó trong chính hoàn cảnh của nó…

I. THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Câu đầu tiên trong Tông Sắc Misericordiae Vultus của Đức Thánh Cha Phanxicô là: “Đức Giêsu Kitô là hình ảnh Lòng Thương xót của Thiên Chúa Cha”. Như vậy sự yêu thương, chăm sóc cho đoàn chiên của Đức Giêsu chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại chúng ta. Vì vậy Ngài là vị Mục Tử của Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót đó sẽ đưa đoàn chiên đến đồng cỏ xanh và suối nước trong chính là hình ảnh của hạnh phúc vô biên.

II. ĐỂ SỐNG TRONG ĐOÀN CHIÊN

Về phần đoàn chiên, để có thể đến được đồng cỏ xanh tươi, suối nước trong lành, đến sự sống không bao giờ hư mất… thì họ phải “nghe… biết … và đi theo” mục tử Giêsu.

  1. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”

Đức Giêsu nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”. Có một câu chuyện kể rằng:

“Nhận được tin báo vị Thống soái sẽ ghé thăm đơn vị, người chỉ huy đội vệ binh tức tốc triệu tập thuộc cấp chuẩn bị nghênh đón. Một trong những việc chuẩn bị là mở đường. Thật không may cho đội vệ binh, khi xe của Thống soái gần tới, bỗng dưng một đàn cừu độ khoảng vài trăm con đổ xô lên đường. Con đường độc đạo giờ đây bị đàn cừu chiếm lĩnh. Người chỉ huy ra lệnh cho thuộc cấp:Bằng mọi giá anh em hãy lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường.

Đội vệ binh dùng đủ mọi cách, kể cả việc dùng súng bắn chỉ thiên để lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường, nhưng vô vọng!

Xe của Thống soái ngày càng tiến gần, người chỉ huy đội vệ binh càng hối thúc thuộc cấp của mình, nhưng dường như đàn cừu không màng chi tới những lo lắng của người chỉ huy và đội vệ binh, chúng vẫn nhởn nhơ vui đùa! Xe của Thống soái dừng lại trước đàn cừu. Người đội trưởng đội vệ binh lúng túng chưa biết xử sự ra sao.

Bỗng từ xa tiếng sáo du dương trầm bổng cất lên. Không cần đuổi, chẳng nhọc công, đàn cừu hướng tầm nhìn và ùa chạy về phía tiếng sáo. Hân hoan và vui mừng, chúng quây quần bên người mục đồng nhỏ bé đang đứng trên gò đất cao.

Đội trưởng đội vệ binh và thuộc cấp thở phào nhẹ nhõm, họ ngỡ ngàng, thán phục người mục đồng. Vị Thống soái mỉm cười và đoàn xe của ông ta từ từ tiến”.

Đàn cừu chỉ nghe tiếng của chủ nó chứ không nghe theo tiếng lạ.

  1. “Tôi biết chúng”

Đức Giêsu là vị mục tử biết từng con chiên một. Con nào mập, ốm; con nào khỏe mạnh, bệnh tật; con nào lành lặn, ghẻ chốc… để Ngài chăm sóc chúng theo từng hoàn cảnh của chúng, chứ không phải theo tính bầy đàn.

Ngược lại những con chiên cũng phải biết ai là chủ đích thực của mình. Nếu nó không biết thì nó sẽ bị các mục tử giả xông vào để dụ dỗ và bắt đi làm thịt. Chỉ có vị Mục Tử duy nhất yêu thương đàn chiên bằng một tình yêu chân chính và vô vị lợi. Đó là Mục Tử Giêsu.

  1. “Và chúng theo tôi”

Để được ăn uống no nê và an toàn, thì con chiên ngoài việc nghe, biết, còn phải theo người mục tử. Nếu nó không theo thì chắc chắn nó phải đói hoặc ăn uống những thứ dơ dáy, bẩn thỉu; nó sẽ gặp nguy hiểm và sẽ phải chết vì thú dữ luôn rình mò.

III.  ĐỂ HƯỞNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Từ hình ảnh Mục tử yêu thương, chăm sóc cho đoàn chiên, chúng ta thấy được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa muốn đưa con người đến sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài. Muốn như vậy, họ cũng phải giống như đoàn chiên:

  1. Nghe tiếng Chúa

Là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta phải nghe lời Ngài. Tiếng của Chúa không rõ ràng như giọng nói của một con người. Hơn thế nữa, trong xã hội hôm nay nhiều thứ tiếng đang réo gọi khiến chúng ta không thể phân biệt được đâu là tiếng Chúa, đâu là tiếng của “thú dữ”. Vì vậy chúng ta phải tập để nhạy bén với tiếng gọi của Chúa.

Một trong những việc để nhạy bén với tiếng Chúa là tiếp cận nhiều với Lời Chúa. Giáo phận Cần Thơ đã và đang có những lớp Thánh Kinh để mọi người có thể cùng nhau đọc, tìm hiểu Lời Chúa. Những câu lộc xuân được treo trang trọng trong gia đình, mỗi ngày hãy nhìn lên và đọc nó ít là một lần, cũng là dịp để tiếp cận với Lời Chúa.

Một kinh nghiệm khác để nhạy bén với tiếng Chúa là tiếng Chúa thường đòi hỏi chúng ta một sự hy sinh từ bỏ, còn tiếng của “thú dữ” thường là những lời mời gọi để hưởng thụ. Vì vậy tự nhiên có một số tiền quá lớn hoặc quá dễ dàng, thì chúng ta phải cảnh tỉnh đó là lời mời gọi của “thú dữ”. Đi ngang một người ăn xin, muốn cho họ chút gì đó, nhưng thấy tiếc quá, thì đó là lời mời gọi của Chúa. Hãy cho ngay lập tức!…

  1. Biết Chúa

Cái “biết” trong đời sống đức tin không phải là cảm xúc của giác quan, nhưng là đi vào mối hiệp thông sâu xa với Chúa. Cái “biết” quan trọng nhất của Kitô hữu là biết rằng không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa, không ai lo lắng cho chúng ta bằng Ngài, không ai có thể đưa chúng ta đến hạnh phúc đích thực ngoài một mình Ngài. Từ đó đi vào trong ước muốn của Ngài và thực hành những ước muốn đó.

Để có thể “biết” Chúa một cách sâu xa như vậy, chúng ta phải tập gần gũi Ngài. Dĩ nhiên Chúa luôn ở bên ta, nhưng vấn đề là ta ít nhận ra. Vì vậy phải có những giây phút dành riêng cho Ngài. Đó là những giờ cầu nguyện sớm tối, những lúc buồn chán, cô đơn, thất vọng… Hãy nói cho Chúa biết mọi cảnh huống cuộc đời chúng ta.

Đặc biệt hơn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Giáo hội cho chúng ta có nhiều dịp để gần gũi với Chúa qua những giờ đọc kinh Lòng Thương Xót, những giờ Chầu Thành Thể, những buổi cử hành sám hối và thánh lễ Kính Lòng Thương Xót… Tất cả đều là cơ hội để chúng ta gần gũi với Chúa để tăng thêm tình yêu thương và nhận biết Thiên Chúa.

  1. Theo Chúa

Theo Chúa nghĩa là Chúa đi đâu, ta đi đó; Chúa làm gì, ta làm nấy; Chúa sống làm sao, ta sống làm vậy… Theo Chúa là tập mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.

Khởi đầu của việc trở nên giống Chúa là biết chấp nhận thánh ý của Ngài. Ngài sẽ đưa ta đến những nơi Ngài muốn chứ không phải ta muốn; Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta làm những công việc của Ngài chứ không phải công việc của ta… Thế cho nên theo Chúa là không phàn nàn, trách trút bất cứ hoàn cảnh nào; không ngán ngại bất cứ một công việc và một trách nhiệm nào…

Đời sống đức tin của chúng ta là nghe, biết và bước theo Đức Giêsu như những con chiên biết nghe và bước theo mục tử của mình vì nó biết mục tử sẽ đưa nó đến đồng cỏ xanh và suối nước trong.

Khi Mục Tử cất tiếng gọi là Ngài đang bày tỏ lòng thương xót của Ngài. Khi con chiên nghe tiếng gọi đó và bước theo là lúc nó được hưởng lòng thương xót.

Xin ánh sáng của Đấng Phục Sinh giúp mỗi người chúng con vượt qua những tiếng gọi hưởng thụ của thế gian để nghe được tiếng gọi yêu thương của Thầy Giêsu. Xin cho chúng con biết mạnh dạn từ khước những quyến rũ của trần thế để có thể bước theo Thầy Giêsu trên con đường dấn thân phục vụ mọi người trong mọi hoàn cảnh.

Xin cầu nguyện đặc biệt cho các bạn trẻ biết đáp trả lại lời mời gọi của vị Mục tử nhân lành để bước theo Thầy Giêsu và trở nên giống Ngài trong đời sống dâng hiến trọn vẹn. Amen.

Về mục lục

.

MỤC TỬ VÀ CHIÊN PHẢI NHƯ THẾ NÀO?

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Phúc âm Gio-an triển khai đề tài Mục Tử nhân lành trong bầu khí căng thẳng của cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và những người lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, đặc biệt các người thuộc nhóm Pha-ri-sêu. Sau những khảng định về khác biệt căn bản giữa mục tử làm thuê và mục tử chân chính (Ga 10:1-18), Đức Giê-su long trọng công bố các yếu tố chính yếu trong tương quan giữa Người với các kẻ tin vào Người, giữa vị Mục Tử tốt lành với các chiên được trao cho Người chăn dắt. Chúng ta cùng suy niệm từng điểm một:  

Về người Mục Tử:

–  “Tôi biết chúng”. Rất ít ai đề cập sâu rộng tới cái ‘biết’ của Người Mục Tử nhân lành đối với chiên của mình. Người không chỉ biết số lượng (100 con), 99 con ở lại trong dàn và 01 con đi lạc. Người biết từng con chiên của mình trong tất cả tốt xấu, mạnh yếu, những thiện chí và ác ý, những nỗ lực và sa ngã… Người rành về chiên, có lẽ, còn hơn cả chính chiên biết về mình. Nhưng sự ‘biết’ này khác xa một giám thị soi mói, một cảnh sát rình rập, một quan tòa xét xử. Nó giống như cái biết của một bà mẹ âu yếm đối với đứa con dại khờ của mình, cái biết của người cha trước các thất bại của đứa trẻ ngây ngô. Đó chính là cái ‘biết’ của người Mục Tử nhân lành chăm sóc và tự hiến cho từng con chiên của mình.

– “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi… Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Lời khảng định của Mục Tử thật tuyệt đối; nó có nghĩa là, ‘tôi sẽ dùng hết sức mình để giữ chiên lại, để bảo vệ chiên’. Và Người không làm điều này chỉ vì mình mà thôi, mà còn làm nhân danh Chúa Cha, với tất cả uy quyền của Cha. Người không dùng thừng chắc để cột chiên lại, không xây chuồng, gài then để canh phòng, không rào cao, dậu dày để ngăn chặn. Người dùng chính tình yêu thương tha thứ và nhân ái để bao bọc. Dây cột, rào dậu duy nhất của Người là hiến mình trên Thập Giá. Và đó cũng chính là uy quyền của Chúa Cha, vì “Tôi và Chúa Cha là một”.

– “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời… không bao giờ chúng phải diệt vong”. Công việc và kết quả hoàn toàn nằm trong tay Mục Tử. Người chủ động và quyết đoán tất cả. Người đảm bảo và tuyệt đối quyết tâm chu toàn như một ủy thác tối hậu từ Cha: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả…”

Về phía chiên:

– Hình như không đòi một điều kiện tương xứng nào, ngoại trừ “ Chiên nghe tiếng… chiên theo tôi”.

Người ta vẫn thường giải thích, ‘nghe và theo’ chính là chấp nhận và thi hành những điều Chúa và Hội Thánh dạy bảo. Nói như thế vì người ta hay hình dung Mục Tử như một nhà thuyết giảng luân lý, đạo đức, đứng trên bục dạy dỗ…, và chiên là những tín hữu ngoan ngoãn cúi đầu lắng nghe. Không, dứt khoát không phải vậy! Mục tử nhân lành không coi dạy dỗ là nhiệm vụ chính: Giê-su là (Ngôi) Lời trước hết trong chính bản thể của mình, trong đời sống và cái chết của mỉnh. Chiên chỉ thật sự nghe tiếng Người khi chiêm ngắm Người trên thập giá và sống lại! lúc đó chiên nghe thấy và nhận ra Lời tình yêu nhân ái của một Thiên Chúa cứu độ giầu lòng xót thương. Qua việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chiên quyết bước đi trong niềm tin vào Lời tình yêu giáng thế. Và cứ thế suốt đời tiến bước theo vị Mục Tử nhân hậu đã tự hiến trên Thập Giá. Rồi chỉ cần có thế, là chiên được bảo đảm sự sống đời đời và không bao giờ phải diệt vong; dẫu có tội lỗi và bất toàn tới đâu; nhưng nếu đã tin nghe Lời nhân lành và quyết tâm bước theo Mục Tử tự hiến nhân hậu, chiên sẽ được Người vác lên vai và đưa về ràn (thậm chí không cần bước đi). Phải chăng Ki-tô hữu trước nhất phải là những chiên như thế?

Cách nói này của Đức Giê-su quả đã gây sốc cho các Pha-ri-sêu, những đôi tai và con tim chỉ biết có mẫu mục tử do Mô-sê phác họa (rất ngay chính và cương trực của Cựu ước, nhưng chẳng có nét gì là từ nhân như diện mạo đấng Mê-si-a được các ngôn sứ loan báo sau này). Thế nhưng xem ra cách nói này vẫn còn tiếp tục gây sốc cho cả nhiều mục tử (linh mục) của Giáo Hội hôm nay, đặc biệt trong chính cái công việc mà các ngài vẫn thường gọi với cái tên rất cao đẹp ‘mục vụ’, là chăm sóc các linh hồn như người Mục Tử nhân lành.

Lạy Chúa Giê-su, Mục Tử duy nhất nhân lành của tự hiến Thập Giá và Phục Sinh, xin cho con – Alter Christus của Chúa – có được một chút nét nhân lành và tự hiến quá độc đáo của Mục Tử chí thánh. Xin cho con giảm bớt tính mô phạm trong đời mục vụ, và biết gia tăng nơi mình sự tự hiến và lòng xót thương, để các chiên có thể nhận ra nơi con đôi chút hình bóng của Mục Tử Giê-su nhân lành và tự hiến. A-men.

Về mục lục

.

TRỞ NÊN MỤC TỬ CỦA LÒNG CHÚA THƯONG XÓT

Lm. Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Ga 10,27-30

(27) “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. (29) “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi với Chúa Cha là một !”.

  1. Ý CHÍNH:

Tin mừng của Gioan hôm nay ghi lại những lời tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ. Người đã tự ví mình là Mục Tử nhân lành, được Chúa Cha sai đến để thay quyền Cha mà chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên đã được trao cho Người. Người và Chúa Cha chỉ là Một”.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 27-28: + Con chiên và Mục Tử: Trong Thánh kinh, hình ảnh con chiên mang một ý nghĩa tốt đẹp: Đức Chúa đã trao đàn chiên Ítraen cho một số mục tử chăn dắt (Tv 100,3) như: Môsê, Aharon (x. Tv 77,21), Giôsuê (x. Ds 27,18-21), Đavít (x.Tv 78,70-72)… Đến thời Tân ước, Chúa Giêsu đã tự xưng mình là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,11) và duy nhất của Thiên Chúa (x.Ga 10,16). Người lại trao quyền mục tử ấy cho các Tông đồ, Giám mục, Linh mục… để các vị này thay Người tiếp tục chăn dắt dân Ítraen Mới là Hội thánh+ Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôiVào mỗi buổi tối, các mục tử thường đưa chiên về một cái chuồng lớn để nhốt chung với các bầy chiên khác. Sáng đến, mục tử đứng ở cửa chuồng gọi chiên của mình ra. Chiên sẽ nhận ra tiếng của mục tử và đi theo ông ra đồng ăn cỏ. Các mục tử thực sự là chủ của đoàn chiên thì sẽ chăm sóc cho chiên của mình, biết rõ tính của mỗi con để săn sóc và bảo vệ chúng cách hữu hiệu.

Ba thái độ mà các tín hữu cần phải thực hành để trở thành chiên ngoan của Mục Tử Giêsu là Nghe, Biết và Theo Người như sau:

* NGHE: Lắng nghe là khởi đầu của đức tin như Chúa Cha đã nhắn nhủ các môn đệ của Đức Giêsu: “Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người” (Mt 17,5) và thánh Phaolô đã khẳng định: “Đức tin là bởi nghe” (Rm 10,17).

* BIẾT: Biết ở đây không phải là biết về tri thức, nhưng là về đời sống. Biết điều gì tức là có kinh nghiệm cụ thể về điều ấy. Biết một người nào là có liên hệ thân tình với người đó, như liên hệ giữa hai vợ chồng (x. Lc 1,34). Cũng vậy, Đức Giêsu biết rõ từng con chiên của Người.

* THEO: Chiên của Đức Giêsu có nhiệm vụ phải đáp trả lời mời gọi của Người bằng việc dứt khóat đi theo, quyết tâm vâng nghe lời dạy và sống theo gương lành của Người.

Tôi ban cho chúng sự sống đời đờiĐức Giêsu dẫn các tín hữu đi từ việc được nuôi sống (x. Ga 10,9) đến chỗ được sống dồi dào (x. Ga 10,10) và sống muôn đời (x. Ga 10,28). + Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôiLà mục tử có trách nhiệm và đầy quyền năng, không bao giờ Đức Giêsu để chiên của Người bị giết hại hay bị cướp đoạt. Chỉ có chiên tự bỏ đàn để đi hoang. Còn Chúa thì không bao giờ bỏ mặc họ. Người là Mục Tử tốt lành, sẵn sàng đi tìm các chiên lạc để đưa về đoàn tụ trong một đoàn chiên duy nhất (x. Lc 15,4-7).

– C 29-30: + Tôi với Chúa Cha là một !: Lời tuyên bố này nói đến sự hiệp thông thân mật giữa Chúa Cha và Chúa con. Công đồng Nixêa năm 325 đã dựa trên lời này để tuyên tín: “Chúa Cha và Chúa con đồng một Bản tính Thiên Chúa, nhưng là hai Ngôi vị khác nhau”, để chống lại lạc thuyết Ariô (thế kỷ thứ IV) không công nhận Thần tính của Chúa Giêsu. Chính nhờ mang Bản tính Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho các tín hữu được sự sống đời đời. Người cũng nhiều lần tự xưng: “Ta là” giống như Đức Chúa khi xưa. Sau cùng Người đã bị tử hình thập giá và ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại để phục hồi sự sống cho lòai người chúng ta.

  1. CÂU HỎI: 1) Hãy kể tên một số vị Mục tử thời Cựu ước đã được Thiên Chúa trao quyền mục tử để thay Người chăn dắt đòan chiên là dân Ítraen. 2) Ba thái độ mà các con chiên ngoan của mục tử Giêsu phải có là gì ? 3) Chúa Giêsu hứa ban những quyền lợi gì cho các con chiên của Người ? 4) Công đồng Nixêa đã dựa vào đâu để tuyên bố tín điều về Thần Tính của Chúa Giêsu chống lại lạc thuyết Ariô ?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Tôi chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) MỤC TỬ TỐT LÀNH SẴN SÀNG THÍ MẠNG SỐNG VÌ ĐOÀN CHIÊN:

Vào cuối thế chiến thứ II, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Chani, miền bắc nước Ý năm 1943. Thế là viên tướng chỉ huy Đức Quốc Xã liền bắt 50 người có địa vị nhất của thành phố mang ra xử bắn để răn đe.

Hai đức giám mục chánh và phó của thành phố cố gắng can thiệp nhưng không có hiệu quả. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Rồi sau thời gian chờ đợi căng thẳng, viên sĩ quan ra lệnh cho quân lính chuẩn bị nhắm bắn. Bấy giờ hai vị giám mục đã yêu cầu viên chỉ huy cho phép ôm hôn từ biệt từng người và được chấp thuận. Các ngài đã lợi dụng giây phút quý báu để ban phép giải tội cho họ. Sau đó hai vị giám mục đã không về chỗ mà lại tình nguyện đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức giám mục chính tòa đã nói với viên chỉ huy: “Không phải 50 người, nhưng là 52 người trong đó có chúng tôi. Ông vẫn quyết định bắn chúng tôi, thì hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.”

Khi ngài vừa dứt lời, thì bầu khí đang nặng nề sự chết chóc đột nhiên biến mất và thay vào bằng những tiếng reo hò vang dậy, vì quân lính Đức đang nhắm bắn tử tội đã được viên sĩ quan ra lệnh hạ vũ khí. Hôm đó trên đường từ pháp trường về, cả hai vị mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng dâng Chúa lời Thánh vịnh: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126,1-2).

2) “GIAI ĐIỆU HẠNH PHÚC”:

Trong một cuốn phim tựa đề là “Giai điệu hạnh phúc” (La mélodie du bonheur), cô Meri là một người đang đi tìm hiểu ơn gọi tại một tu viện nữ. Một hôm bà bề trên sai cô đi làm gia sư trong một gia đình quí tộc. Ông đại uý chủ nhà là người giàu có, góa vợ và luôn tỏ ra nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái. Ông muốn chúng có tinh thần kỷ luật giống như người lính trong quân đội. Khi mới đến nhận việc, cô Meri đã bị bọn trẻ cố tình trêu chọc. Nhưng nhờ tình thương của một thầy giáo, kèm theo sự hiểu biết tâm lý và cách ứng xử mềm dẻo nhưng cương quyết, cùng những bài hát vui tươi và vũ điệu lôi cuốn của cô…

Cuối cùng cô đã chinh phục được tình cảm của lũ trẻ, biến chúng trở nên những trẻ em ngoan ngoãn dễ dạy. Chúng luôn vâng lời cô giáo, không cần cô phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc theo kiểu người cha của chúng. Cuối cùng cô còn chinh phục được tình cảm của chính ông đại uý chủ nhà. Câu chuyện kết thúc bằng việc cả gia đình ông đại úy đã khôn ngoan thoát khỏi sự ruồng bắt của chính quyền phát xít Đức lúc đó. Họ cùng nhau vượt qua biên giới an toàn để bước vào một cuộc sống mới đầy yêu thương và hạnh phúc.

3) MỘT BÀ MẸ SẴN SÀNG HY SINH CHẾT CHO CON ĐƯỢC SỐNG:

Trong thiệp báo tin Maria Cristina qua đời không mang màu đen tang chế nhưng được viền một màu xanh hy vọng. Chính giữa thiệp nổi lên hình một bông hoa hồng, có đọng những giọt sương mai óng ánh. Giữa bông hoa là ảnh chân dung của Cristina đang tươi cười duyên dáng trong chiếc áo cưới rất đẹp. Bên dưới bức ảnh là lời nguyện rút ra từ nhật ký của Cristina: “Lạy Cha, xin dâng Cha niềm vui của con như ca khúc chúc tụng Cha, trái tim con như căn nhà tiếp đón Cha và cuộc đời con để Cha thực hiện điều Cha muốn.”

Cuộc đời của Cristina đã kết thúc vào năm 26 tuổi. Bệnh ung bướu ác tính tại tử cung đã mắc vào năm 18 tuổi, tưởng đã được chữa lành, giờ lại xuất hiện. Nàng đã có hai con một trai một gái. Cristina đang chờ sinh con thứ ba. Khi nghe bác sĩ thông báo hung tin: “Cristina, tôi rất tiếc phải cho bà biết chứng ung thư ác tính đã tái xuất hiện”. Sau khi im lặng một giây, Cristina đã nhìn thẳng vào mắt vị bác sĩ và nói: “Tôi đang mang thai, bác sĩ ạ!”. Viên bác sĩ đã hiểu và không dám đề ra lối trị liệu hóa chất sẽ giết chết bào thai! Mà chỉ kê toa thuốc dưỡng thai.

Sau đó đến tháng 8 năm 1994 thì Maria Cristina đã sinh hạ bé Riccardo. Ngay sau khi sinh, chị mới bắt đầu dùng phương pháp trị liệu bằng hóa chất, nhưng đã quá trễ, bướu ung thư đã ăn sâu vào các cơ quan nội tạng. Người mẹ trẻ đã êm ái trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22-10-1995, để lại 3 con thơ dại. Cái chết anh dũng của Cristina để bảo vệ thai nhi đã cho thấy một tình thương vô bờ của một bà mẹ trẻ đối với đứa con thân yêu của mình. Chị đã thực hành lời Chúa: “Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên”.

4) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỦA MỤC TỬ GIÊSU:

Một ngày kia, Chúa Giêsu đã hiện ra cho thánh Hiêrônimô và hỏi: “Này Hiêrônimô, hôm nay con có gì để dâng cho Thầy không?”

Hiêrônimô đáp: “Con dâng cho Chúa tất cả những bộ sách con đã viết và nhất là bộ Kinh Thánh con mới dịch xong.”

Chúa Giêsu mỉm cười chấp nhận nhưng vẫn chưa thỏa mãn, Người hỏi tiếp: “Con còn có gì khác để dâng cho Ta nữa không?”

Hiêrônimô không chút do dự trả lời: “Con xin dâng cho Chúa tất cả những hy sinh, khổ cực con gặp thường ngày từ trước cho tới bây giờ. Con dâng cho Chúa trọn cả cuộc đời tu trì của con đây.”

Chúa Giêsu chấp nhận nhưng vẫn chưa hoàn toàn mãn nguyện, Người lại hỏi lần thứ ba: “Con cố nghĩ xem còn có gì thêm để dâng cho Ta nữa không?”

Lần này, Hiêrônimô suy nghĩ và đã thưa cùng Chúa: “Con nghĩ con đã dâng cho Chúa tất cả mọi sự của con rồi, Không còn gì khác xứng đáng để dâng cho Chúa.”

Bấy giờ Chúa Giêsu đã âu yếm nhìn Hiêrônimô và nhỏ nhẹ phán: “Hiêrônimô, tại sao con không dâng cho Ta những tội lỗi cùng những thói hư của con? Con giữ chúng lại làm gì? Ta đã xuống thế, chịu chết trên cây thập tự chính là để đền mọi tội lỗi của con đó”.

Bấy giờ Hiêrônimô đã thành kính dâng lên Chúa tất cả, kể cả mọi tội lỗi của mình.

  1. THẢO LUẬN:

1) Hãy cho biết Chúa Giêsu trong Tin Mừng đã tự xưng là mục tử tốt lành , phân biệt với các đầu mục dân Do thái là các kinh sư, Biệt phái và Tư tế đền thờ như thế nào? 2) Mỗi người chúng ta có thể làm gì để tích cực cộng tác với các vị chủ chăn trong giáo xứ trong việc phục vụ cộng đoàn? 3) Mỗi người chúng ta cần làm gì để thêm nhiều bạn trẻ tình nguyện hiến thân phụng sự Chúa trong các chủng viện hay dòng tu nam nữ?

  1. SUY NIỆM:

Trong Cựu Ước, hình ảnh Mục Tử Nhân Lành đã được các ngôn sứ dùng để ám chỉ Đức Chúa như sau: “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,1-4). Hình ảnh người mục tử cũng được dùng để ám chỉ các vị lãnh đạo thời bấy giờ. Nhưng thật đáng buồn khi các vua chúa đã không sống đúng vai trò mục tử của mình như ngôn sứ Êdêkien đã tuyên sấm Lời Đức Chúa quở trách họ: “Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình!  Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng chạy tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi trên khắp mặt đất thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu cũng khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Kẻ làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh ta, nên khi thấy sói đến, anh ta liền bỏ chiên mà chạy trốn. Sói vồ lấy chiên và làm cho đoàn chiên tan tác, vì anh ta chỉ là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến đoàn chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,11-16).

1) Mục tử là ai và được phân thành mấy loại?:

Mục tử là người lãnh đạo và chăn dắt đoàn chiên. Đức Giêsu phân biệt ra hai loại mục tử: Một là mục tử đích thực hay là chủ chiên nhân lành, và hai là mục tử giả hiệu hay là kẻ chăn thuê như sau: 

– Mục tử nhân lành: Đức Giêsu đã nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Đức Giêsu đã thể hiện sứ vụ mục tử của loài người: Trong thời gian giảng đạo, Người đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, dạy cho người ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và đòi chúng ta phải biết đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng việc yêu thương tha nhân bên cạnh, nhất là yêu thương những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi (x Mt 13,1-9). Người đến để cho «chiên được sống và sống dồi dào» (10,10). Đây cũng là sứ vụ mà các mục tử hôm nay cần quan tâm thực hiện, là lo cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào qua việc chuyên tâm dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dồi dào qua việc tích cực góp phần chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của dân (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34), chia sẻ cơm bánh (x. Mt 14,15-21), phục sinh kẻ chết (x. Ga 11,43-44).

– Mục tử giả hiệu: hay người chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pharisêu và các tư tế phục vụ Đền thờ. Những người này không phải là chủ chiên thực sự nên «không thiết gì đến chiên» (10,13). Họ tỏ ra vô trách nhiệm trước sự an nguy của đoàn chiên: «khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Đối với hạng mục tử này, đoàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng để phục vụ cho họ như ngôn sứ Êdêkien đã tuyên sấm lời Đức Chúa trách các mục tử Ítraen như sau: «Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đoàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).

2) Hai loại mục tử trong Hội Thánh hôm nay:

Ngày nay trong Hội thánh cũng luôn có hai loại mục tử như thời Đức Giêsu:

– Các mục tử tốt lành: Hầu hết các mục tử trong Hội Thánh hôm nay đều là những người thành tâm đáp lại ơn Chúa kêu gọi để gia nhập chủng viện, được huấn luyện, được giám mục tuyển chọn đặt tay trao tác vụ linh mục và được sai đi chăm sóc đoàn chiên. Đặc điểm của mục tử tốt lành này là nhiệt tình yêu mến Chúa và khiêm tốn phục vụ đàn chiên vô vụ lợi noi gương Đức Giêsu. Họ luôn vui vẻ đón tiếp mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn khi làm việc mục vụ, như dạy giáo lý và rao giảng Lời Chúa, thăm viếng an ủi những người bệnh tật đau khổ, chia sẻ cơm bánh và khiêm tốn phục vụ người nghèo với tình thương noi gương mục tử Giêsu.

– Bên cạnh những mục tử tốt lành nói trên, vẫn còn một số ít mục tử chưa tốt được Đức Giêsu ví như kẻ chăn thuê. Những người này coi việc mục vụ như một nghề kiếm sống. Họ cũng rao giảng Tin mừng, cũng dạy giáo lý, cũng khuyên bảo mọi người… nhưng chính họ lại không thực hành, nghĩa là “họ nói mà không làm” như lời Đức Giêsu trách các đầu mục dân Do thái: «Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm» (Mt 23,3). Hạng mục tử chăn thuê này thường biểu lộ qua các hành vi như: Chỉ kính nể săn đón người giàu và khinh thường bạc đãi người nghèo, có lối sống xa hoa ích kỷ hưởng thụ như: ở nhà sang trọng, mặc quần áo thời trang, chọn đi loại xe đời mới đắt tiền… mà không quan tâm đến những nhu cầu của người nghèo và các bệnh nhân đang cần được trợ giúp. Họ có thái độ kiêu căng tự ái cao thể hiện qua việc tìm cách trả thù những ai dám phê phán các việc làm sai trái của họ. Họ quá quan tâm đến những công việc đời thường hơn là những việc thuộc chức năng mục tử của mình, và làm mọi việc chỉ vì lý do lợi nhuận…

3) Mục tử hôm nay cần phải năng tự kiểm về lòng thương xót:

Hiện nay có hiện tượng ngày càng có nhiều tín hữu chủ trương “Tin Chúa chứ không tin Giáo Hội”. Thực tế tại các nước Nam Mỹ, một số không ít tín hữu đã rời bỏ Hội Thánh công giáo để gia nhập các giáo phái lạc đạo nhưng các người đứng đầu của họ lại có lối ứng xử có tình người hơn và có nếp sống khó nghèo phù hợp với lời Chúa hơn. Ngày lễ Chúa Chiên nhân lành hằng năm chính là dịp để các tín hữu chúng ta, nhất là các người đang có trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên kiểm điểm đời sống, năng xét mình về cung cách phục vụ như sau:

Có thể chúng ta đã “nói mà không làm” như các kinh sư và người Pharisêu giả hình xưa đã bị Đức Giêsu phê phán: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4).

Có thể một số mục tử trong chúng ta đã lối hành xử thiếu lòng thương xót khi giải quyết giấy tờ hôn phối theo ý riêng mà không theo Giáo Hội, đã bày đặt thêm những điều kiện không có trong giáo luật, gây trở ngại không ít cho công việc làm ăn của các tín hữu, gây bức súc cho các di dân từ các nơi xa đến.

Một số các mục tử trong chúng ta đã có lối hành xử “vụ lề luật”, thiếu lòng thương xót, hoặc ứng xử thiếu nhân bản thân thiện khi tiếp xúc với anh em lương dân, gây cho họ sự bất mãn và tạo thành kiến bất lợi cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Chính lối hành xử thiếu lòng thương xót này là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ phải kết hôn không phép đạo, hoặc khiến một số người lương mới theo đạo có ác cảm và đã bỏ lễ nhà thờ sau khi kết hôn…

4) Thế nào là một mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phanxicô ?:

Đức Thánh Cha Phanxicô quan niệm mục tử lý tưởng phải là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống. Là những người không có “tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội. Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên. Nhất là, làm cho niềm hy vọng được lớn lên. Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.

Cuối cùng vị mục tử có ba vị trí trong đoàn chiên khi thi hành sứ vụ chăn dắt đoàn chiên như sau:

-Một là ở đàng trước để dẫn đường.

-Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và động viên tinh thần của đoàn chiên.

-Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và tạo điều kiện để đoàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới cho đoàn.

Trong kinh Năm Thánh “Lòng Chúa thương xót” có đoạn cầu cho các thừa tác viên là các mục tử trong Hội Thánh như sau: “Xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh. Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.”

5) Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu:

Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi tín hữu chúng ta: Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân tình thương của Chúa Giêsu trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ công giáo chưa quảng đại dâng con cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và làm tu sĩ để phục vụ Chúa và Hội Thánh cách hữu hiệu hơn.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 cũng nhắc đến vai trò của giáo xứ trong việc vun trồng ơn thiên triệu như sau: “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được hướng dẫn để gặp được Đức Giêsu, để nghe lời Người và đi theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mạng cứu độ của Người”.

  1. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊSU. Xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa qua các ngài. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chăn tốt lành, giàu lòng từ bi thương xót noi gương Chúa xưa, Đấng đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”.

– LẠY CHÚA. Xin cho các gia đình Công giáo trở thành một môi trường tốt ươm trồng ơn thiên triệu, bằng việc tạo bầu khí đạo đức và yêu thương giữa các thành viên với nhau. Xin cho chúng con luôn kính trọng yêu mến các linh mục coi sóc chúng con, thành tâm cộng tác với các ngài, sẵn sàng giúp đỡ các ngài chu toàn nhiệm vụ. Ước gì giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn luôn hiệp thông giữa chủ chăn và đàn chiên, là điều kiện để giáo xứ phát triển cả về vật chất cũng như tinh thần. Nhờ đó chúng con sẽ chu toàn được sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Về mục lục

.

KIM CHỈ NAM CỦA MỤC TỬ VÀ CHIÊN

Dã Quỳ

Chúa Giêsu đã khẳng định Người là Mục Tử và tất cả chúng ta, những người theo Chúa là đoàn chiên của Chúa. Đây không chỉ như một hình ảnh mà là một thực tại mà chúng ta cần sống và tôn kính. Chúa Giêsu Kitô mãi mãi là mục tử chăn dắt chúng ta. Người hiện diện cách thiết thực trong thế giới và cụ thể ở trong Giáo hội. Cũng có thể nói Giáo hội là sự hiện diện của Chúa Kitô mục tử, bởi vì Giáo hội là thân thể của Chúa. Chính vì thế, ở trong Giáo hội và qua Giáo hội mà Chúa Kitô mục tử trở nên hiện diện sống động. Với bài Tin Mừng theo thánh Gioan chúng ta nghe, những động từ mà Chúa nhấn mạnh ” Nghe, Biết, Theo” sẽ là kim chỉ nam của mục tử và chiên mà chính Chúa Giêsu đã thực hiện và Người muốn nhắn nhủ với chúng ta hôm nay.

– Nghe: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta.” Chúa Giêsu là Lời đã trở nên người phàm. Người là Lời của Thiên Chúa, Lời Hằng Sống đem lại bình an và hạnh phúc cho con người. Chúa luôn mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng của Người được bày tỏ trong Tin Mừng, qua những giáo huấn của Giáo hội, nơi tâm hồn chúng ta và trong những biến cố của cuộc đời ta. Cách cụ thể ta được nghe Lời Chúa trong mỗi Thánh Lễ, nghe tiếng Chúa nói với ta trong kinh nguyện và trong cầu nguyện riêng. Chúa Giêsu, mục tử tốt lành luôn lên đường tìm kiếm chiên. Tiếng của Người hướng dẫn chúng ta và Lời của Người nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta không thể sống thiếu Lời Chúa, bởi vì “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”(Mt 4,4)

Là chiên của Chúa, chúng ta hãy luôn biết khát Lời của Chúa và biết để Lời Chúa trở thành lương thực hằng ngày của ta. Muốn nghe được Lời của Chúa, chúng ta cần có một tâm hồn mở rộng sẵn sàng đón nhận, có một đôi tai nhạy bén và một con tim  tha thiết mến yêu Lời Chúa. Có thể nói ta cần lắng nghe tiếng Chúa bằng con tim, vì chỉ khi nối kết với trái tim của Chúa, ta mới có thể thấu hiểu được Lời Chúa dạy bảo và đem ra thực hành trong cuộc sống cụ thể của ta. Như thế, Lời Chúa mới trở thành ánh sáng, là sức sống của ta, ta mới biết sống theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa và Lời Chúa mới sinh hoa kết trái dồi dào trong đời ta.

– Biết: “Ta biết chúng.” Người ta nói “Vô tri bất mộ.” – không biết thì sẽ không thể yêu. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, Người biết rõ chúng ta từng người một. Biết không chỉ dáng vẻ bên ngoài mà là biết tận thâm sâu cõi lòng chúng ta. Người biết ta cách cá nhân bởi Người dựng nên chúng ta. Người đã mang vào mình mọi khốn cùng đau đớn của kiếp người chúng ta. Vì thế, Người biết rõ thân phận của ta và hiểu thấu từng nỗi khó cảnh khổ của chúng ta. Từ cái biết, Người gắn kết chúng ta trong tình yêu của Người và như vậy, Chúa biết chúng ta cũng là Chúa yêu thương chúng ta. Hơn thế nữa, Mục tử Giêsu còn ban cho chiên sự sống đời đời và sự sống ấy là sự sống của chính Người, vì Người đã hy sinh mạng sống cho chiên khi khẳng định “Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên.” (Ga 10,11) Điều ngạc nhiên là bình thường mục tử chết thì không thể bảo vệ chiên được nữa. Nhưng với Mục Tử Giêsu Phục Sinh thì qua cái chết của Người, Người đã cứu sống chiên của Người.

Chính vì thế, chúng ta hãy đặt trọn niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu, Mục Tử yêu thương luôn chăm sóc và hướng dẫn chúng ta trong mọi nơi chốn và hoàn cảnh. Dù ta có gặp bao sóng gió truân chuyên hay ngàn khó nguy gian khổ thì Chúa vẫn ở bên ta, ủi an nâng đỡ và ban sức sống trợ giúp chúng ta “Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.”(Tv 22, 4)

– Theo: “và chúng theo Ta.” Một khi đã lắng nghe tiếng Chúa, ta sẽ hiểu được ý muốn của Chúa. Như những môn đệ đầu tiên khi nghe Chúa cất lời “Các anh hãy theo tôi”(Mt 4,19), chắc chắn các ông đã hiểu rõ điều Người muốn các ông là “Theo Người”. Theo là rời bỏ nơi chốn cũ của mình, lối sống riêng của mình để chia sẻ cuộc sống mới với Đấng gọi ta; là gắn bó, ràng buộc đời mình với đời của Đấng mà ta theo, yêu mến và thuộc trọn về Người cả hồn xác. Chúa Giêsu, Mục Tử đầy xót thương đã gọi chúng ta, yêu thương che chở từng người chúng ta. Chúa mong mỗi Kitô hữu theo Chúa cũng biết gắn kết đời mình với Chúa, thiết lập một tương giao mật thiết với Chúa và sống trong Chúa để cuộc sống của chúng ta thực sự thuộc về Người.

Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành và là Chúa của chúng ta đã mời gọi ta theo Người và sống trong tình yêu của Người. Chúa ban cho ta Lời Chúa và Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn, ban sức mạnh thể xác và ban cho ta sự sống đời đời vì Người khẳng định “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”(Ga 6,51) Chúng ta không phải hư mất và không ai có thể cướp ta ra khỏi tay Người. Đó là một bảo đảm của Chúa cho chúng ta. Liệu chúng ta có can trường theo Chúa và kiên trì thưa với Chúa như thánh Phêrô “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”(Ga 6,68)

Hôm nay, ngày cầu cho Ơn Thiên Triệu Linh mục và Tu sĩ. Mỗi Kitô hữu chúng ta là chiên, nhưng ta cũng được gọi trở nên mục tử trong chức vụ thừa tác hay trong bậc sống của mỗi người. Chúng ta hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Và ta hãy tha thiết cầu nguyện cho các bạn trẻ quảng đại lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi. Đồng thời xin Chúa Chiên Lành ban cho Giáo hội thêm nhiều mục tử, nhất là có những mục tử sáng suốt để giúp cho đoàn chiên lắng nghe tiếng Chúa và hiểu Tin Mừng của Chúa. Cầu cho có những mục tử “Biết mang mùi chiên, mang lấy vào mình những khốn khổ của chiên”, can đảm thấy và dám nói, dám hiến thân cho đoàn chiên và cho Giáo Hội. Như thế, Giáo hội sẽ mãi là hiện thân của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, biết chiên, yêu chiên và hiến mình vì chiên. Để rồi còn nhiều chiên lạc, chiên chưa thuộc đàn được lôi cuốn trở về sống hạnh phúc trong cùng một đoàn chiên của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, xin thương xót chúng con! Amen.

Về mục lục

.

NGƯỜI MỤC TỬ

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Người chăn dắt Israel, là một thuật ngữ quen dùng trong văn hoá người Do Thái, biểu tượng là người gìn giữ hoà bình, người của cõi thiêng mà đến.
 
Trong ngôn ngữ biểu tượng người chăn dắt là người đã từng trải bằng những kinh nghiệm của mình, người trực giác nhìn thấy phía trước, dự đoán được tương lai gần những điều sắp đến. Người chăn dẫn cũng là người biết canh chừng, theo chức năng đó người chăn dắt luôn trau dồi thêm những tình huống cảnh giác. Người chăn dắt có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đoàn chiên của mình, anh ta là người biết nhìn trời, dự đoán qua trăng sao, tai lắng nghe và phân biệt được tiếng thú dữ và tiếng chiên lạc đàn thuộc bầy của minh. Chính anh ta là người không có chỗ dừng chân, không có một nơi gối đầu định cư, số phận anh ta tuỳ thuộc vào số phận của đoàn chiên. Đối với đoàn chiên, anh ta là đôi mắt là sự am hiểu thay cho đàn chiên, biết từng con chiên và bảo vệ từng con chiên trong đàn.
 
Sứ vụ của người chăn chiên đòi hỏi phải là người khôn ngoan, hiền hậu, có trái tim nhân từ thương cảm. Con chiên nào đau bệnh, anh chữa trị, con nào lạc lối, anh tìm đưa về, con nào bước đi yếu ớt, anh cõng trên vai. Những con chiên khoẻ mạnh anh ta vỗ về… Từ những hình ảnh nhân hậu đó, người chăn chiên còn là biểu tượng của sự bình an cho đàn chiên. Người ta muốn bắt chiên, trước hết phải giết hại người chủ chiên.
 
Theo truyền thống Do Thái Cain đại diện cho người theo văn hoá du mục, Abel đại diện cho nền văn hoá định cư. Người định cư rất quý mến người du mục, và thường ân cần tiếp đón họ. Theo khía cạnh nhìn của người định cư, người chăn chiên là người không thuộc về đất, người chăn chiên có một giá trị thiêng liêng và cao quý.
 
Nền văn minh Assyrie và Babylone, biểu tượng người chăn chiên gắn liền với ý nghĩa vũ trụ. Danh hiệu người chăn chiên được gán cho thần mặt trăng Tammuz, là người chăn dắt các tinh tú, vị thần của thực vật, chết đi và sống lại. Theo chu kỳ mặt trăng tuần tự sinh ra và rồi mất đi, cũng một chu kỳ liên tiếp được làm đi lập lại mỗi khi chiều về, buổi tối ập đến, người chăn cừu lại lùa đàn chiên vào nơi gìn giữ và sáng mai lại thả ra. Người chăn dắt trong đêm ngủ mê của đoàn chiên vẫn là người lắng nghe, người cầu nguyện cho sự an toàn của đàn chiên. Với hình ảnh đó, người chăn chiên là người trung gian giữa Đấng Tối Cao và thọ tạo.
 
Người mục tử hôm nay là những nhà lãnh đạo, những nhà doanh nghiệp, những vị lãnh đạo công ty, xí nghiệp. Với đôi mắt tinh tường nhìn về phía trước, dự báo được những gì trong tương lai, chuẩn bị cho những con người dưới quyền đủ khả năng chống đỡ vượt qua thử thách. Những nhà lãnh đạo biết lo cho những người thuộc quyền cũng như cho dân được ấm no hạnh phúc. Bình an của đàn chiên là niềm vui cho người mục tử. Nhà lãnh đạo không những chỉ sáng suốt mà còn là người chăm lo hạnh phúc cho đàn chiên, là người quy tụ chứ không phải để gây chia rẽ chống đối, là người vì đàn chiên của mình mà hy sinh hạnh phúc cá nhân chứ không phải là người chỉ biết xen lông, giết thịt những con chiên béo, thu lợi nhuận từ đàn chiên để làm giàu cho cá nhân người mục tử. Người mục tử có những đức tính cần thiết và cần có cả đời sống cầu nguyện, vì người mục tử là người nối trời với đất, người lãnh trách nhiệm tinh thần cho đàn chiên của mình, vừa thăng hoa đời sống bằng vật chất vừa làm no thoả đời sống tinh thần cho đoàn chiên, bảo đảm cho đoàn chiên một tương lai chắc chắn. Người mục tử nếu là người không tín ngưỡng, không niềm tin tôn giáo là nhưng nhà lãnh đạo thiếu sót trong bổn phận của mình và có thể làm thiệt hại cho đoàn chiên.
 
Người mục tử cũng là các gia trưởng trong gia đình, người quy tụ đoàn con của mình chứ không là người gây chia rẽ. Người đảm bảo cho mọi thành viên trong gia đình có những nhu cầu thiết yếu để ăn học và trưởng thành về các đức tính cũng như niềm tin. Nhiệm vụ người gia trưởng xem ra khá nặng nề, chính vì vậy, họ cũng cần có đời sống cấu nguyện để được thêm sức mạnh gánh vác việc đời và gia đình. Các thành viên trong gia đình là những gì Thiên Chúa trao cho để thi hành sứ mạng hướng dẫn của người mục tử.
 
Người mục tử là những người cai quản các cộng đoàn cần gắn bó với vị mục tử nhân lành là Chúa Giêsu, bởi vì sứ vụ lãnh nhận từ nơi Chúa Giêsu. Cộng đoàn được trao phó để người mục tử hướng cộng đoàn đó thực thi ý định yêu thương của Thiên Chúa. Người mục tử này đóng vai trò quan trọng để xây dựng cộng đoàn mình lãnh nhận được hiệp nhất, nơi chia sẻ tình thương, sống trong bác ái và làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh.
 
Xin ban cho chúng con những người mục tử như Ý Chúa.

Về mục lục

.

CHÚNG THEO TÔI

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Suy Niệm

“Hỡi các thiên thần trên trời, các thiên thần của Chúa,
các thiên thần của bình an và hoan lạc,
xin hãy ném cho nhau những bông hồng, bông súng,
những bài hát du dương và những nốt nhạc ngát hương;
và xin hãy đổ tràn nhân đức, can đảm và hạnh phúc
trên những nữ tì của Chúa.”

Ðó là câu kết của một bài văn viết bằng tiếng Pháp,
thấy nằm trong túi áo của Hàn Mạc Tử lúc ông qua đời.
Ông đã viết bài này gần ba tuần trước khi mất
để ca ngợi lòng tận tụy của các nữ tu Phan sinh
đã chăm sóc ông trong những ngày cuối đời ở Quy Hòa.
Màu áo dòng trắng, sự tươi tắn và những lời ca êm dịu
đã làm nhẹ nỗi đau của chàng thi sĩ mắc bệnh phong.

Thế giới hôm nay vẫn cần ai đem đến cho nó
chút hương thơm của Tuyệt Ðối, chút ngọt ngào của Vô Cùng,
để thiên đàng chẳng phải là chuyện xa xôi, huyễn hoặc,
Thiên Chúa chẳng phải là huyền thoại vu vơ.
Hội Thánh hôm nay vẫn cần đến những người của Chúa:
cần bóng linh mục cho những họ lẻ, bị lãng quên,
cần bước chân mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng,
cần sự trầm mặc của người đắm mình trong chiêm niệm
cần bàn tay nhẹ nhàng xoa dịu mọi vết thương,
và trên hết cần những trái tim không san sẻ,
dám yêu hết mình, dám sống hết tình,
hết mình cho Thiên Chúa, hết tình cho mọi người,
đặc biệt cho những ai đã đánh mất mọi hy vọng.
Cả nước ta có gần 2,000 linh mục và khoảng 7,000 tu sĩ,
một con số khiêm tốn trong đất nước gần 80 triệu dân.
Trong Chúa Nhật đặc biệt cầu cho ơn thiên triệu,
chúng ta nài xin Chúa hãy gọi nhiều tâm hồn
và hãy giúp cho họ nghe được tiếng gọi ấy.

Chiên trong bài Tin Mừng hôm nay để chỉ các Kitô hữu,
nhưng cũng có thể hiểu về những người sống đời thánh hiến.
Họ là người được Chúa biết từ trong lòng mẹ,
và họ cảm nhận được cái biết đầy yêu thương đó.
Họ là người nghe tiếng của Chúa Giêsu,
một giọng nói với tất cả nét đặc trưng quen thuộc.
Tiếng ấy đã nhiều lần vang lên, thân thương và cuốn hút.
Tiếng ấy mời gọi họ lên đường
để theo sát Ngài hết sức có thể,
một Chúa Giêsu nghèo khó, vâng phục và khiết tịnh.
Họ vui lòng bỏ lại những gì họ quý yêu.
Nhờ bỏ lại mà họ được tự do thanh thoát.
Nhờ sống nghèo, họ được giải thoát khỏi cái tôi ưa chiếm đoạt.
Nhờ vâng phục, họ được ra khỏi cái tôi muốn bành trướng.
Nhờ khiết tịnh, họ có thể yêu mọi người đến vô cùng.
Như thế ràng buộc của đời tu lại đem đến tự do.
Họ có thể được Chúa âu yếm gọi là chiên của tôi,
bởi lẽ họ thuộc về Ngài cách đặc biệt.
Ước gì không ai cướp được họ khỏi tay Chúa!

Cầu Nguyện

Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.
Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.

Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.
Xin cho họ biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.
Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.

Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì Ngài đã làm trên trần gian.
Cũng xin Cha gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

Về mục lục

.

GIÊSU – MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Huệ Minh

Hôm nay, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, ta dâng Thánh Lễ này để cầu nguyện cho ơn gọi. Ta thành khẩn nguyện xin Thiên Chúa sai thêm thợ đến đồng lúa và vườn nho của Người. Thật vậy, rất nhiều nơi thiếu linh mục tu sĩ và thiếu một cách trầm trọng.

Đứng trước nạn thiếu hụt này có hại cho ta chứ không riêng gì người ở nơi ấy, vì toàn thể Giáo Hội chỉ là một thân thể mầu nhiệm và một bộ phận đau yếu phải được mọi bộ phận khác thông cảm và giúp đỡ vì lợi ích chung của toàn thể. Ta phải xin Chúa ban thêm ơn cho giới trẻ ở những nơi đang thiếu linh mục, tu sĩ được nghe biết tiếng gọi của Chúa và của các linh hồn để dấn thân tận hiến đời mình cho sứ mạng cứu thế.

Để được như vậy, ta còn cần phải cầu nguyện sốt sắng hơn nữa để các linh mục, tu sĩ nhiệt thành sống đúng với ơn gọi của mình và làm tốt mọi phận sự Chúa trao phó. Trong thực tế cuộc sống, ta không hiểu được những phấn đấu gay go và khó khăn mà linh mục tu sĩ luôn phải cố gắng trong ơn gọi. Tu sĩ linh mục cần được trợ lực bằng lời cầu nguyện và giúp đỡ cụ thể để vững vàng và nhiệt tình chu toàn sứ mạng. Những thành công của họ sẽ làm vẻ vang cho Hội Thánh và chúng ta, nên chúng ta phải hợp ý với Chúa Giêsu mà cầu nguyện để họ ra đi và mang lại nhiều hoa quả và những hoa quả tồn tại muôn đời.

Là cha là mẹ, ta có nghĩa vụ soi sáng, hướng dẫn con cái ta ngay từ nhỏ đã biết nghĩ đến ơn gọi Phục vụ. Và cùng với những ý nghĩ cũng như lời nguyện trên, ta lắng đọc tâm hồn nghe Lời Chúa hôm nay để hiểu rõ tương quan giữa mục tử và chiên, để giúp mục tử làm tốt ơn gọi của mình và để chiên biết phải cư xử thế nào cho tốt.

Ta đang sống trong tuần lễ mừng kính Chúa Chiên lành. Trình thuật Tin mừng hôm nay từ câu 27 – 30 là trình thuật Tin mừng của Chúa nhật Chúa Chiên lành.

Trong bài Tin mừng, chúng ta  thấy người Do Thái đang mong mỏi một Đấng Messia – Đấng sẽ giải phóng họ khỏi ách nô lệ của Đế quốc La Mã; Đấng sẽ mang quyền lực và vinh quang cho dân tộc họ, sẽ làm cho danh họ được rạng rỡ khắp hoàn cầu. Và ông Giê-su kia làm họ thắc mắc: Ông ta giảng dạy như Đấng có uy quyền; Ông ta làm được nhiều điều lạ lùng chữa bệnh, trừ quỷ, thậm chí cho cả người chết sống lại….

Thế nhưng ông ta không có vẻ gì là một chính trị gia, một nhà cách mạng cầm đầu giải phóng dân tộc cả! Vì thế cho nên họ thắc mắc “Ông có phải là Đấng Kitô chăng?” hay ‘Ông làm gì đi chứ!’ Vì thế mà họ trở thành không tin và cứng tin, vì Đức Giêsu không là Messia theo như ý nghĩ mong chờ của họ; Ngài có vẻ là người hòa hoãn, thậm chí lại hay lỗi luật lệ của họ, đặc biệt luật ngày sabát, làm bạn cùng phường thu thuế cùng quân tội lỗi.

Chúa Giêsu biết rõ lòng họ, nhưng câu trả lời của Ngài là: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” 

Thật vậy, Chúa Giêsu đích thực là một Messia, nhưng không phải một Messia dùng quyền để thống trị, đàn áp, loại trừ, vì nếu như thế thì Ngài cũng chỉ là một bạo Chúa như những bạo Chúa khác mà thôi; trái lại Ngài là một Đấng chăn chiên nhân lành – một ‘Messia nhân lành’ chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên; những việc làm của Ngài nhân danh Chúa Cha tỏ lộ cho con người biết một Thiên Chúa ‘bao dung, huệ ái, trọn bề nhân nghĩa và giàu lòng thương xót’.

Trong đời sống đức tin, cũng như người Do Thái, nhiều khi chúng ta mong muốn điều này điều kia theo ý mình hơn là ý Chúa; chúng ta lấy lòng ích kỷ của mình để đo lòng Thiên Chúa, nên chúng ta chưa nhận ra được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta cũng như tất cả mọi người “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”(Mt 5, 45b) và có biết bao nhiêu việc lạ lùng, kỳ diệu Chúa làm trong vũ trụ, trong cuộc đời mình mà mình vẫn cứng tin.

Điều này cho thấy rằng có lẽ chúng ta chưa là con chiên của Chúa. Bởi vì chiên của Chúa thì biết “nghe tiếng Chúa”; chúng ta chưa ở trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa để có thể nhận ra tiếng nói của Ngài qua Lời Chúa, qua những lời dạy dỗ nhắc bảo của những người có trách nhiệm, qua hoàn cảnh và các sự kiện, biến cố trong cuộc đời – chúng ta chưa ‘biết’ Chúa, (cái ‘biết’ theo nghĩa kinh thánh diễn tả tình yêu thân mật vợ chồng), và chưa theo Chúa.

Và thật sự, nếu chúng ta thuộc đàn chiên của Chúa, nghĩa là chúng ta biết tín thác cuộc đời trong tay Chúa, thì chúng ta sẽ được thừa hưởng lời hứa của Ngài: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” 

Và thật sự, đây là một lời hứa đầy an ủi.

Nếu ta biết sống phó thác cuộc đời cho Chúa như con chiên hoàn toàn lệ thuộc vào chủ chiên, chúng ta sẽ không lo sợ phải hư mất và “không ai cướp được”chúng ta khỏi tay Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Được lời hứa bảo vệ từ Thiên Chúa, chúng ta còn sợ gì?

Nhưng rồi nhìn lại thực tế cuộc đời chúng ta rất kém tin, yếu tin, và cứng tin vào Thiên Chúa. Chúng ta tin vào những thế lực của tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị những cái vốn dĩ rất mong manh và chóng qua nên cuộc đời cứ mãi còn băn khoăn, lo lắng và bất an, thiếu hạnh phúc. Không có tiền thì ta lo làm sao cho có được tiền; có được tiền rồi thì lo làm sao để giữ được tiền và có được nhiều hơn…. Làm tôi tiền bạc, chúng ta quên Thiên Chúa; vì Chúa Giê-su đã xác định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6, 24)

Ta lại xin Chúa cho ta luôn thích và hăng say lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận bí tích và tham gia vào đời sống Hội Thánh để mọi dân mọi nước làm thành một đoàn chiên với một Chúa chiên là Ðức Giêsu Kitô ta.

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...