23/09/2022
2679

 

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN_C

Lời Chúa:  Am 6, 1a.4-7;  1Tm 6,11-16;  Lc 16, 19-31

 

Mục lục

1. Vô cảm  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Hướng tới phần thưởng (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

3. Lazaro và người phú hộ (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)

4. Người bên cạnh  (Anna Cỏ May, MTG.Thủ Đức)

5. Vô cảm với người nghèo là một tội ác  (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)

6. Ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó  (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi,DCCT)

7. Bố thí  (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

8. Một lần nữa, Lời Chúa lại nói về công bình xã hội (Lm. Đaminh Trần Đình Nhi)

9. Tội thiếu sót  (Lm. Gioan Nguyễn Thiên Khải, CRM)

10. Thiên Chúa là Đấng thưởng phạt công bằng  (Lm. Phêrô Lê văn Chính)

11. Trái tim tình người  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng)

12. Niềm hy vọng của nhân loại (Lm. Bùi Quang Tuấn)

13. Hãy nghe các ngài (Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tín)

14. Ra khỏi thế giới nhỏ hẹp của lòng mình  (Lm. G. Nguyễn Cao Luật)

15. Hậu quả của việc sử dụng tiền bạc  (Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu)

16. Người nghèo Thiên Chúa chọn  (An Phong)

17. Bạn hữu của Thiên Chúa (PM. Cao Huy Hoàng)

18. Lòng nhân đạo  (Lm. Bùi Mạnh Tiến)

19. Bác ái cụ thể  (Lm. Thanh Minh)

20. Họ đã có Môisen và các tiên tri  (Lm. Cao Tấn Tĩnh)


 

VÔ CẢM

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Trong mấy Chúa nhật liên tiếp, Lời Chúa đều đề cập tới tiền bạc, sự giàu có và thói tục ăn chơi phóng đãng. Hôm nay, một lần nữa, Lời Chúa lại tiếp tục nói với chúng ta về thái độ đối với của cải và sự quan tâm cần có đối với người nghèo, qua nghĩa cử chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ.

Từ khi hiện hữu, con người đã có nhu cầu canh tác đất đai, để kiếm sống cho bản thân và gia đình. Sở hữu vật chất là một đặc tính thuộc bản năng của con người. Những người giàu sang sống yên ổn tại Sion, tưởng chừng đó là những người may mắn, vì họ không phải long đong lo cơm áo gạo tiền. Tuy vậy, dưới cái nhìn của Ngôn sứ Amos, họ lại là những người bị chúc dữ. Bởi lẽ, họ suốt ngày ăn chơi phóng đãng mà vô cảm với vận mệnh của dân tộc mà vị Ngôn sứ gọi là “Nhà Giuse”. Đó là sản nghiệp của các bậc tổ tiên đã bao đời gây dựng. Vì thói ăn chơi ngông cuồng và thác loạn của những người giàu, gia sản ấy có nguy cơ sụp đổ và trở nên hoang tàn. Nên nhớ là Ngôn sứ Amos thi hành sứ vụ của mình ở thế kỷ thứ tám. Ông là một trong những ngôn sứ của người nghèo, vì giáo huấn của Chúa mà ông có trách nhiệm chuyển tải đều mang nội dung phê phán người giàu, bảo vệ người nghèo và bênh vực quyền lợi của những người cô thế cô thân.

Tại sao người giàu có bị căm ghét và lên án? Họ không bị lên án bởi vì họ giàu. Chúng ta thấy trong Tin Mừng, có một số người thuộc hoàng gia đi theo Chúa và rộng rãi giúp đỡ Người. Những người giàu bị lên án vì họ coi tiền bạc như đích điểm của cuộc đời, nhất là họ cậy vào tiền của mà vô cảm trước nỗi đau của người khác. Trong khi đó, nhiều khi tiền bạc họ có được là do bóc lột và bất công với người nghèo. Câu chuyện người phú hộ và ông Lagiarô là một điển hình. Con đường từ trong nhà ra ngoài ngõ chừng một hai trăm mét mà tưởng chừng như xa lắm, xa đến nỗi người phú hộ không bao giờ đến được. Lagiarô như một miếng giẻ rách bị vất bỏ và quên lãng. Trình thuật của Tin Mừng khéo léo đưa ra hai hình ảnh tương phản giữa hai nhân vật này: một bên gấm vóc lụa là, một bên đầy ghẻ lở mụn nhọt; một bên phè phỡn ăn chơi, bên kia đói khát đau khổ; một bên nhiều bạn đến chơi, bên kia chỉ có con chó làm bạn.

Tin Mừng cảnh tỉnh độc giả: Đừng chỉ nhìn những gì bề ngoài! Hãy coi chừng vì cuộc sống không chỉ có hôm nay mà còn có cả tương lai! Đừng tưởng có tiền bạc giàu có mà đã sung sướng! Nếu câu chuyện dụ ngôn được dựng thành kịch, thì vở kịch này sẽ gồm hai hồi mang nội dung hoàn toàn tương phản nhau. Anh phú hộ xưa giàu có phè phỡn ăn chơi, nay khốn khổ gian nan và bất hạnh. Lagiarô xưa bị quên lãng đói khát và tàn tạ, nay hạnh phúc trong lòng Abraham. Đối với người Do Thái, được ở trong lòng Tổ phụ Abraham là điều mơ ước và là hạnh phúc tuyệt vời nhất. Cuộc đối thoại giữa anh phú hộ với Abraham là bài học rút ra từ câu chuyện: Khi sống đừng kiêu ngạo và đừng lãng quên người khác. Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Đừng cậy vào công phúc của người khác, nhưng hãy lo tích trữ của cải thiêng liêng bền vững cho mình.

Sống trong cuộc đời cần có tiền bạc và vật chất! ai cũng cảm nhận được điều này. Liệu bài học rút ra từ Lời Chúa có phải là một ảo tưởng? Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nhận sự giúp đỡ của mọi người thiện chí quảng đại. Chúa cũng dạy các môn đệ: vào nhà nào, hãy ăn những thứ người ta dọn cho, vì thợ thì đáng được hưởng công. Như thế, Chúa không hoàn toàn khinh chê vật chất bằng bất cứ giá nào. Theo ngữ cảnh, Chúa nói dụ ngôn này trong chuỗi giáo huấn về cách sử dụng tiền bạc. Trước đó, Chúa khiển trách những người Pharisiêu ham tiền bạc: “Các ông là những người làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16, 14-15). Như vậy, Chúa đã dùng hình ảnh anh phú hộ để phê phán những con người cụ thể, tức là những người Pharisiêu lúc bấy giờ.

Giáo Hội Công giáo mang danh là Giáo Hội của người nghèo, nhưng Giáo Hội cũng phải có của cải để điều hành Giáo Hội và giúp người nghèo. Người giàu vẫn có thể nên thánh, nếu họ biết sử dụng của cải như một người quản lý khôn ngoan trung tín. Mẫu mực của chúng ta là Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa giàu sang đã trở nên nghèo vì chúng ta. Nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu sang trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, trong khi nỗ lực để có cuộc sống vật chất ổn định, chúng ta phải gắng nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và mến, sống nhẫn nại và hiền hoà. Đó chính là sự giàu sang trước mặt Thiên Chúa và tha nhân, một sự giàu sang bền vững và tồn tại mãi mãi.

Cổ nhân dạy: “Có đức thì mặc sức mà ăn”. Điều đó có nghĩa, khi người ta sống lương thiện và có đạo đức thì công việc của họ sẽ thành đạt và hiệu quả. Những gì họ làm ra sẽ vững bền và giúp họ tìm thấy hạnh phúc đích thực.

“Người giàu có mà không khôn ngoan, thì cũng như bù nhìn mặc áo gấm” (Sưu tầm).

“Nghèo không là xấu, nghèo mà không có chí mới là xấu; hèn không đáng ghét, hèn mà không có tài mới đáng ghét; già không nên than thở, già mà sống thừa mới đáng than thở; chết không nên bi ai, chết mà vô bổ mới đáng bi ai” (Sưu tầm).

Về mục lục

.

HƯỚNG TỚI PHẦN THƯỞNG

Lm. Jos. DĐH.

Giầu nghèo, chức danh lớn, phận nhỏ hèn, tri thức, tầm thường, liệu mấy ai xem đó là trọng tâm của một kiếp người ; đúng hơn, bình an hạnh phúc vẫn luôn là điều mọi người mơ ước. Từ khái niệm đi đến thực tế có gì day dứt không, khi kẻ giầu sang phú quý được trọng vọng với mỹ danh: đại gia ; người nghèo khổ lại đầy mặc cảm tự ti trước sự cảnh giác của xã hội: đói ăn vụng, túng làm liều ! Khuynh hướng chung chung: kẻ giầu muốn rượu ngon, người đói ăn lại muốn no bụng. Làm sao giầu, nghèo, học thức, dân thường, vẫn sống hoà hợp, tình trạng phân chia giai cấp bị xoá bỏ, hy vọng đó có xa vời không, hay điều ấy chỉ xảy ra trong giấc mơ mà thôi ? Trách nhiệm phải canh tân bản thân và góp sức dựng xây quê hương đất nước xã hội là của ai ? Câu trả lời chắc chắn là nơi mỗi người đang thành tâm thiện chí, cùng hướng tới một phần thưởng ở phía trước.

Dụ ngôn ông phú hộ giầu, ông Ladarô nghèo, được Chúa Giêsu dẫn dắt đến một chân lý: thưởng phạt là có thật, giầu sang, nghèo hèn, điểm dừng ở đời này là sự chết. Lúc sống trên trần gian ông nhà giầu ăn sung mặc sướng, có lẽ ông phú hộ ấy chẳng còn cái cảm giác: sinh lão bệnh tử, một quy luật đang chờ ông. Lúc đói rách trên trần gian, người nghèo Ladarô cũng chỉ nghĩ, nếu được ăn chút bánh vụn từ bàn tiệc của vị đại gia thì hạnh phúc lắm ! Sau khi kết thúc cuộc sống trần thế, ông nhà giầu phải chịu cực hình, người nghèo Ladarô vinh dự ở trong lòng Tổ phụ Abraham. Trời quở báo: lên voi xuống chó ; hiểu theo suy luận nhà nông: gieo gì gặt nấy ; giáo lý tứ chung thì nói đến một hệ quả tất yếu: chết, phán xét, thiên đàng, hoả ngục. Dụ ngôn giầu nghèo, chết sống, thưởng phạt, sẽ còn lan truyền rộng rãi khắp nơi, cũng là dịp Đức Giêsu nhắc nhớ đến từng đối tượng, hãy chia sẻ vật chất, hãy sống tình yêu thương, đang khi bạn còn sống trên trần gian.

Nếu ông phú hộ biết trước giầu tiền lắm của có thể là nguy cơ phải nhận án phạt sau khi lìa đời, hẳn là ông tìm mọi cách để được sống mãi một kiếp người nghèo, hoặc ông sẽ chia sẻ hết số tài sản cho thiên hạ cách nhanh nhất. Cả lúc thưa chuyện với Tổ phụ Abraham mà còn kịp đổi giầu thành nghèo, ông phú hộ đã hoán đổi để được vinh dự sau khi ông qua đời. Nếu Ladarô biết trước diễm phúc của người nghèo là được ở cung lòng Abraham sau khi chết, chắc chắn ông cũng bao giờ thèm khát được ăn được uống, được đồng bàn với ai làm chi. Chính sự giầu sang, yến tiệc linh đình đã che tầm nhìn, ông nhà giầu không thấy người anh em đang ở cổng nhà mình, ông thiếu quan tâm bác ái, không đủ khôn ngoan sáng suốt trong việc sử dụng của cải, ông phú hộ đã tự làm cho mình nghèo hèn trước Thiên Chúa. Thực tế, chưa ai nghèo đói mà lại nói tôi sung sướng hạnh phúc, cũng không ai giầu mà lại bảo tôi đã dư tiền của rồi, than thân trách phận hoặc lòng tham vô đáy là thế.

Cha ông chúng ta nói: giầu tham việc, thất nghiệp tham ăn, Chúa Giêsu hôm nay không bình luận, không nhận xét việc giầu nghèo, Ngài có ý mời gọi hãy sống yêu thương, hãy chia sẻ, giúp nhau sống với những điều kiện ta đang có. Dù bạn là ai: giầu nghèo, vô duyên bất tài, thông thái lưu loát, thì trách nhiệm của ta vẫn phải làm cho cuộc sống không còn ngăn cách, khổ đau tan biến và hạnh phúc tràn đầy nơi cuộc sống. Giầu chưa phải là phần thưởng ở đời này, nghèo không phải là hình phạt ở cuộc sống hiện tại, ai cũng cần khôn ngoan sử dụng lợi thế, hoàn cảnh của mình để sống tốt: nghèo không hèn, giầu không ích kỷ ; tài không kiêu căng, bất tài không bi quan mặc cảm. Xã hội thời nào chẳng kêu gọi bình đẳng, vì nếu chỉ sống lý thuyết thì chưa đủ, hãy hành động để mọi người được học, người trẻ được giáo dục đến nơi đến chốn, hãy thực tế để giữa bàn tay và tấm lòng nhân ái được sẻ chia tới khắp cùng thế giới.

Mỗi người kitô hữu chúng ta hiện đang hướng về phần thưởng nào ? Giầu nghèo, khoẻ mạnh ốm đau, tài hèn, địa vị chức quyền hay hai lúa tầm thường ? Điều cần hơn, thiết tưởng chúng ta phải biết mình đang sử dụng ơn ban, đang sống với những khả năng thế nào ? Cơ hội để mỗi người đoạt giải, để ta tự tin nhận lãnh phần thưởng sau khi nhắm mắt lìa đời là có thật. Vấn đề thưởng phạt không phải do hên xui, nhưng hệ tại mỗi người hiểu, biết và sống ơn ban, sống nén bạc, đúng với tinh thần người môn đệ Đức Kitô. Một cuộc sống ý nghĩa là một cuộc sống được giãi bày tình người, tình Chúa, trong các tương quan ở đời này. Chúa Giêsu đến không thiết lập một vương quốc nghèo hay giầu, nhưng kêu gọi tình người luôn được sẻ chia, người người tìm thấy phần thưởng trong nghĩa cử nhân ái giữa cho và nhận, giữa biết và sống thật đằm thắm yêu thương. Amen.

Về mục lục

.

LAZARO VÀ NGƯỜI PHÚ HỘ

Lm Giuse Hoàng Kim Toan  

Câu chuyện về người nghèo chẳng bao giờ kết thúc. Người nghèo ở đây không chỉ là đói ăn, thiếu mặc, không nhà… Nghèo hơn mọi thứ nghèo, không được luật pháp bảo vệ, chịu bóc lột, cưỡng bức.

Lazaro ghẻ chốc.

Hình ảnh một con người nghèo ghẻ chốc, không phải là một người vô danh. Anh ta có tên gọi Lazaro, là một con người bằng xương, bằng thịt, hiện diện trong xã hội.

Cái tên gọi đích danh, không phải để người khác ca tụng, nhưng lại là một cái tên đưa ra để chịu tội cho người khác ẩn danh. Người ta gọi tên anh như con dê tế thần. Anh ta chỉ có cái tên và chẳng có gì để mất hơn nữa. Cái tên của anh quan trọng trước pháp luật, để công lý không đấm vào không khí. Cái tên của anh, ai nghe cũng ngần ngại bởi được gọi lên mỗi ngày ở tù giam.

Người nghèo Lazaro ngồi trước hiên nhà giàu, chỉ rõ một phận số người nghèo không được pháp luật bảo vệ (hình tượng ngôi nhà). Bạo lực kềm chế họ trong sự nghèo khổ (con chó liếm ghẻ chốc). Nhất là phụ nữ, trẻ em, không ai bảo vệ họ khỏi những tay cưỡng hiếp, những tay buôn người, những băng đảng ma tuý…

Sự ghẻ chốc trên con người của Lazaro, nói lên một xã hội thối nát. Lazaro là những con người làm việc tối mày, tối mặt, không đủ ăn, không đủ mặc, sống trong những căn nhà trọ chật chội, hôi hám, thiếu nước, thiếu điện, trên người đầy ghẻ chốc.

Nhiều người thơm tho, lịch lãm, ngồi ăn uống linh đình trên những khốn khổ của Lazaro mà không thấy lương tâm hổ thẹn.

Những phương pháp giản đơn.

Cần có lòng trắc ẩn, không chỉ phân phát lúa gạo, thực phẩm, mà dành thời gian nghe những nỗi niềm của Lazaro. Trong dụ ngôn người phú hộ đã không một lời và cũng chẳng đưa mắt nhìn đến Lazaro đang ngồi trước cửa. Không có đối thoại nên không có cảm thông và cũng không có lòng trắc ẩn.

Lòng trắc ẩn cần được khởi đi từ công lý chung cho mọi người. Luật pháp không chỉ dành cho người giàu như người ta vẫn nói: “Đa kim ngân, phá luật lệ”. Luật pháp cần được thực thi công bằng và đứng về phía người nghèo để họ có thể thăng tiến. Phụ nữ và trẻ em, cần được bảo vệ khỏi những bạo lực, cưỡng hiếp, bóc lột. Theo nghiên cứu của Gary Haugen (TED2015).

Trợ giúp cho những người làm việc lam lũ, cật lực để những cố gắng của họ được gặt hái thành quả phong phú hơn. Như ngân hàng Grameen Bank trong dự án của tiến sỹ Yumus (TED GLOBAN 2010).

Làm được gì cho Lazaro, hãy bắt đầu từ hôm nay. “Phúc cho những bàn tay rộng mở ôm lấy người nghèo và giúp đỡ họ: đó là những bàn tay đem lại hy vọng. Phúc cho những bàn tay vượt qua được rào cản về văn hóa, tôn giáo và quốc tịch, và rót đổ dầu thơm của sự ủi an trên những vết thương của nhân loại. Phúc cho những bàn tay không đòi hỏi sự hoàn trả, những bàn tay không bao giờ nói “nếu” hoặc “nhưng” hoặc “có lẽ”: đó là những bàn tay chuyển phúc lành của Thiên Chúa xuống trên những anh chị em của họ.” (Sứ điệp ngày Người Nghèo lần thứ 1, Đức Thánh Cha Phanxico, 19 – 11 – 2017).

Về mục lục

.

NGƯỜI BÊN CẠNH

Anna Cỏ may

Trong cuộc sống, dù đi đâu, ở nơi nào, chúng ta đều nhìn thấy bên cạnh mình những người giàu có và cả những người nghèo khổ. Sự giàu có và nghèo khổ diễn ra ở hiện tại và sẽ đem lại điều gì cho chúng ta ở đời sau?

 Cuộc sống của người giàu diễn ra như thế nào? Trong Tin Mừng theo thánh sử Luca, ngài miêu tả về người giàu có ăn mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình (x.Lc 16.19). Nhìn vào cuộc sống thực tại, những người giàu sống trong tòa nhà cao cấp, có xe đưa đón, ăn mặc sang trọng, tay đeo những đồ trang sức long lanh và tay cầm chiếc điện thoại đa năng. Nhưng trong số những người giàu, có bao nhiều người biết nhìn đến người nghèo khổ? Còn người nghèo khổ, họ không những nghèo về vật chất mà còn nghèo về trí thức và phải mang trên mình căn bệnh hiểm nghèo. Anh Ladaro nghèo nàn, thân mình đầy mụn nhọt nằm trước cổng ông nhà giàu. Anh chỉ thèm được ăn những gì trên bàn của chủ rơi xuống mà ăn cho no. Bên cạnh anh cũng có lũ chó đang chờ đợi như anh vậy. Chốc chốc, chúng đến liếm ghẻ chốc trên thân mình anh. Một cái nghèo không còn gì để nghèo hơn nữa (x. Lc 16, 20-21). Khi chết, anh đã được thiên thần đưa vào lòng ông Apraham. Người giàu có cũng chết, người ta đem đi chôn. Như vậy, sau khi chết, họ đã phải đổi vị trí cho nhau: người giàu phải bị lửa thiêu đốt khổ cực, người nghèo được an ủi trên Nước Trời. Lúc này, không ai có thể giúp hay tỏ lòng thương xót ai được. Chỉ có cuộc sống trần gian, người ta mới có thể giúp nhau sống hạnh phúc ở đời này và kéo dài cho đến đời sau.

 Ông nhà giàu xứng đáng chịu cực khổ như vậy vì ông đã sống trong tính kiêu căng qua việc ăn mặc lụa là, xa hoa và phung phí. Ông lâm vào con đường mê ăn uống là hằng ngày mở tiệc linh đình. Ông còn mang tội bất nhân, ích kỷ đã không thèm để ý giúp đỡ người nghèo trước cửa. Ông rơi vào cuộc sống của các mối họa (x. Lc 6, 24-26).  Còn anh Ladaro, anh đã sống trọn mối phúc Nước Trời (x. Lc 6,20-23)). Anh vui vẻ đón nhận những sỉ nhục, sự nghèo hèn là lê lết ăn xin. Anh không than trách phận mình với trời cũng không chê trách ông nhà giàu keo kiệt, anh chỉ ước được ăn những gì trên bàn ông nhà giàu rơi xuống cho no. Như vậy, dù chúng ta giàu hay nghèo mà sống trong ích kỷ và bất nhân thì sẽ lãnh hình phạt xứng đáng. Nếu biết thực thi bác ái, chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc trên Nước Trời.

Lạy Chúa, xin chớ để con phải ăn mày cũng đừng để con giàu có. Xin chỉ ban cho con hằng ngày dùng đủ. Kẻo khi giàu, con bị mê hoặc mà bỏ anh em hoặc khi túng thiếu con làm những việc sai trái làm ô danh Chúa. Amen.

Về mục lục

.

VÔ CẢM VỚI NGƯỜI NGHÈO LÀ MỘT TỘI ÁC

Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

Mùa hè năm 2016, nhiều trang mạng đăng tải hình ảnh thương tâm của một bệnh nhân ở Sơn La chết, vì quá nghèo nên người nhà phải bó chiếu chở xe máy về quê. Hình ảnh đó khiến cộng đồng mạng xôn xao. Có ai đó đã tài khéo ghép tượng đài Hồ Chí Minh 1.400 tỷ ở tỉnh Sơn La với cảnh “người chết bó chiếu.” Bức ảnh này phản ảnh thực trạng bất công của xã hội Việt Nam hiện nay, một xã hội mà người ta có thể xây dựng “những tượng đài nghìn tỷ, nhưng sinh mạng con người thì như chiếc móng tay” (Cô giáo Trần Thị Lam).

1- Số phận nhà phú hộ và Ladarô

Bức ảnh trên cũng có gì đó tương tự với dụ ngôn về nhà phú hộ và anh Ladarô được Chúa Giêsu kể hôm nay. Hai nhân vật có cuộc sống hoàn toàn tương phản: nhà phú hộ thì một đời “lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình,” còn Ladarô thì một đời nghèo khó, mình đầy mụt nhọt, khố rách áo ôm, ăn mày trước cửa đại gia. Tuy nhiên, số phận của hai người bị đảo ngược sau cái chết: nhà phú hộ phải chịu kiếp trầm luân; còn Ladarô được vào lòng Ápbraham hưởng hạnh phúc đời đời.

Dụ ngôn này được xếp vào loại “dụ ngôn nói về khủng hoảng đạo đức” trong xã hội. Trong đó, sự bất công, hố sâu phân cách giữa người giàu và người nghèo là quá lớn mà hậu quả người nghèo bao giờ cũng là những nạn nhân của xã hội. Thánh Luca muốn hướng tới một cuộc hoán cải bên trong để thay đổi cấu trúc xã hội nhằm mang lại sự bình đẳng cho con người. Chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa của dụ ngôn. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý muốn nói rằng: tất cả mọi người giàu có đều bị kết án và đáng phạt trong hỏa ngục, còn tất cả những ai nghèo khó thì chắc chắn sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Chúa Giêsu cũng không lên án của cải và sự giàu có. Kitô giáo không cổ xúy cho sự bần cùng hóa con người và kết án những ai giàu có trong xã hội.

Trái lại, như chúng ta biết, của cải tự thân là ân sủng Chúa ban để giúp chúng ta sống đúng nhân phẩm của mình. Triết gia Công Giáo Blaise Pascal nói đến ba bậc của sự cao cả trong cuộc sống: bậc I thuộc giá trị vật chất và thể lý: của cải, sức khỏe, sắc đẹp tự thân nó có một giá trị không ai phủ nhận, ai cũng mong ước. Bậc II thuộc giá trị tài năng mà các nhà tư tưởng, các nghệ nhân, các thiên tài nắm giữ… tài năng họ khiến mọi người nể phục và ước ao. Nhưng đó chưa phải là bậc cao nhất. Bậc III thuộc giá trị tình yêu và ân sủng. Đây là bậc cao nhất, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo không thêm không bớt gì nơi một vị thánh. Thánh thiện cao cả hơn tài năng và giàu có, khỏe mạnh.

Chúa Giêsu không lên án của cải vật chất và tài năng, nhưng Người tiếp nối truyền thống các tiên tri, lên án thái độ của những người chỉ biết hưởng thụ ích kỷ nhưng lại dửng dưng, vô cảm đối với người nghèo. Đó là một tội ác.

Trong bài đọc I, tiên tri Amốt lên án những người chỉ biết hưởng thụ, xa hoa mà không biết thương xót những người khốn khổ và tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho họ.
Trong dụ ngôn, người phú hộ bị trầm luân không phải vì một tội nào như tham nhũng, buôn lậu, hay bóc lột. Nhưng vì ông đã dửng dưng vô cảm đối với Ladarô nghèo khó. Như thế, dụ ngôn muốn gửi tới chúng ta thông điệp: Cuối cùng, Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta dựa trên những gì chúng ta thực thi cho người nghèo khó. Điều này được Tin Mừng thánh Mátthêu làm rõ trong tường thuật về ngày phán xét chung (Mt 25,35-45): “Những gì các ngươi làm cho những người bé mọn nhất, là các người làm cho chính Ta.”

Theo nghĩa này, thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Không chia sớt của cải cho người nghèo là ăn cắp của họ và lấy đi kế sinh nhai của họ. Của cải chúng ta giữ không phải là của riêng chúng ta, mà là của họ” (trích lại trong Evangelii Gaudium, số 57).

2- Người giàu và người nghèo hôm nay

Câu chuyện người phú hộ và anh Ladarô nghèo cho phép chúng ta liên tưởng đến bức tranh toàn cảnh thế giới hôm nay. Có lẽ hơn bao giờ hết, con người ngày nay có nhiều của cải vật chất, nhưng lại thiếu tình thương liên đới với nhau, của cải chỉ tập trung vào một số nước và một số người. Cơ chế kinh tế thị trường hôm nay càng tạo ra hố sâu ngăn cách ngày càng sâu giữa nước giàu và nước nghèo, giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị. Chúng ta chứng kiến cảnh những ngôi nhà chọc trời bên cạnh những khu nhà ổ chuột và những người khố rách áo ôm, buôn thúng bán mẹt; cảnh những đại gia chi tiêu hàng chục triệu mua một chai rượu cho một bữa tiệc, trong khi đó có biết bao người ngày hai bữa ăn cũng không có; cảnh các quan chức có những cái bắt tay hàng tỷ bạc, trong khi có rất nhiều người đổ mồ hôi sôi nước mắt suốt ngày mà không đủ sống.

Nguyên nhân của sự bất công, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo là do sự ích kỷ, vô cảm và tệ nạn tham nhũng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng về “thái độ vô cảm toàn cầu” này, đó là thái độ vô cảm vô can trước đau khổ và khó khăn của tha nhân. Giáo Hội chọn đứng về phía người nghèo để bênh vực và đồng hành với họ.

Sống trong một xã hội như thế, dụ ngôn hôm nay như lời thức tỉnh lương tâm ngái ngủ chúng ta trước thảm cảnh nghèo đói. Chúng ta được mời gọi cởi mở tâm hồn đối với những ai đau khổ, nghèo đói, bị thương tổn để giúp đỡ họ. Chúng ta hãy để cho dụ ngôn này đào luyện lương tâm mình để chúng ta có những cảm thức và nhạy bén với nỗi thống khổ của người nghèo giống Chúa Giêsu, cũng như biết đứng về phía họ để phục vụ theo đức ái Kitô giáo. Amen.

Về mục lục

.

ÔNG NHÀ GIÀU VÀ LAZARÔ NGHÈO KHÓ

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Tin Mừng của Đức Giêsu là những bài học sống động dạy bảo con người.Lời của Chúa là ngọn đèn soi, hướng dẫn con người, nuôi dưỡng loài người. Những dụ ngôn, những ví dụ Chúa Giêsu đưa ra nhằm sửa đổi, răn dạy con người, luôn có một sức mạnh lớn lao biến đổi con người. Những trang Tin Mừng của thánh Luca là những trang tuyệt đẹp, gây ấn tượng vô cùng khó quên cho con người, cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Hôm nay, thánh Luca trình bầy dụ ngôn :” Ông Phú hộ giầu và Lazarô nghèo khó” là hình ảnh sống động, rất thực tế để răn dạy mỗi người chúng ta.

Chúa Nhật tuần trước dụ ngôn nói về “ Người quản gia bất lương “giúp chúng ta hiểu rất rõ đoạn Tin Mừng của thánh Luca :” Ông nhà giầu và Lazarô nghèo khó “. Hình ảnh thật tương phản giữa nhà Phú hộ giầu và Lazarô nghèo khó nói lên sự bi đát, tương phản mà chúng ta thường gặp trong xã hội con người.Đây là câu chuyện sống động, rất hiện thực trong thế giới muôn thời.

Ông Phú hộ giầu sang phú quý, ngày ngày yến tiệc linh đình rất tương phản với anh Lazarô quần áo, lem nhem, rách rưới,mình đầy lở chốc Sự tương phản này nói lên sự bất công của con người, giữa người giầu và người nghèo. Người giầu của cải đầy dư, kho lẫm lúc nào cũng đầy lương thực dự trữ, còn người nghèo, anh Lazarô không có lấy mụn bánh để ăn cho đỡ đói chứ đừng nói tới ăn no, ăn đầy bụng. Hình ảnh này làm chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn “ Người con hoang đàng “. Tin Mừng viết:” khi phung phí hết tiền của “, người con đi hoang mới tự nhủ :” ở nhà Cha của anh thì giầu có, lương thực đầy dư, con anh ta phải chết đói ở đây, muốn có chút lương thực cho heo ăn mà thốn cho đầy bụng cũng chẳng ai cho “. Hình ảnh sống động, câu chuyện thực là bài học để đời cho mọi người.

Ông Phú hộ và Lazarô nghèo khó là dụ ngôn thực, đầy nét nhân văn giúp chúng ta hiểu được những mảnh đời gian nan, đau khổ, vất vả ở một cáiđời. Ông Phú hộ giầu có cứ tưởng ông sẽ sống mãi mãi, sẽ hưởng thụ suốt đời này qua đời khác.ông tưởng thế gian là vĩnh cửu, trường tôn. Ông tưởng sự giầu có là vĩnh viễn.Ông không hiểu mọi sự là tạm bợ, mau qua giống như hoa phù dung sớm nở chiều tàn. Ông không biết “ Cuộc đời là hư vô, tất cả đều là hư vô”.

Đùng một cái ông Phú hộ giầu và anh Lazarô nghèo khổ cũng lăn ra chết. Ông Phú hộ phải trầm luân nơi hỏa ngục đời đời, ông kêu van, khóc lóc nhưng tất cả đều quá muộn màng.Tội của ông là tội vô tâm, ông đóng cửa lòng trước những người nghèo.Ông làm ngơ trước nỗi đau của người khác, trước nỗi khổ nhục của tha nhân, không biết chia sẻ cho tha nhân, cho người khác.Lazarô được ngồi trong lòng Abraham. Anh đã được Thiên Chúa thưởng công.

Vâng, Lazarô đã phải chịu nỗi cay đắng, đau khổ của cuộc đời.Anh đã chấp nhận đời sống với tất cả đức tin, với tất cả sự cậy trông phó thác của mình. Tin Mừng của thánh Luca viết thực mỉa mai :” …Lazarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no…”( Lc 16, 21). Thật mỉa mai, thật đau khổ. Nhưng Lazarô đã được các thiên thần đem vào lòng tổ phụ Abraham.

Câu chuyện, còn mỉa mai hơn, khi ông Phú hộ giàu nài nỉ để có người chết về báo cho 05 đứa em của ông đang sung sướng như ông ở trần gian, nhưng lời kêu cầu đó thất bại vì họ đã có Lời Chúa và lời giáo huấn của Giáo Hội.

Câu chuyện sống động, nhưng cũng rất mỉa mai đối với những ai cậy mình giàu có mà quên đi những người nghèo khó.Chúa không bao giờ bần cùng hóa con người, làm nghèo xã hội nhưng Chúa dạy con người, chúng ta phải biết xót thương, quảng đại, chia sẻ. Bo bo giữ của, chỉ biết làm giầu cho bản thân mả vô tâm, đóng kín lòng trước người nghèo, không quảng đại, chia sẻ mà tưởng cuộc đời này sẽ trường tồn mãi mãi để họ một mình hưởng thụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng quảng đại, cảm thông, chia sẻ để chúng con luôn biết sống khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại mang theo dầu. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tội của ông Phú hộ giàu là gì ?
2.Lazarô là người thế nào ?
3.Trên thế giới này tài nguyên có được phân bổ đồng đều không ?
4.Chúng ta phải có thái độ nào đối với những người nghèo ?
5.Làm ngơ với người nghèo có tội không ?

Về mục lục

.

BỐ THÍ

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Nhà cao cửa rộng thênh thang,
Một ông phú hộ, giầu sang tiệc tùng.
Mặc toàn gấm vóc vải nhung,
Ngày ngày yến tiệc, hưởng dùng thỏa thuê.
Trước nhà hành khất bò lê,
Mình đầy ghẻ chốc, ê chề tấm thân.
La-za-rô sống thanh bần,
Hằng ngày đói khổ, thân trần gớm ghê.
Chó con liếm ghẻ cận kề,
Mong tìm bánh vụn, kéo lê cuộc đời.
Lang thang vất vưởng một thời,
Kết cùng cuộc sống, một đời khổ đau.
Thiên thần đón tiếp mai sau,
Ông già phú hộ, trước sau cũng dời.
Ra đi tay trắng không lời,
Vào nơi khổ ải, lửa khơi bừng bừng.
Cực hình quằn quại không ngừng,
Thương thay số kiếp, vui mừng đã qua.
Không màng thương giúp người ta,
Sự lành đã hưởng, phôi pha tháng ngày.

Bài Phúc âm thánh Luca đặt chúng ta trước một cảnh thương tâm. Một người giầu có ăn mặc gấm vóc lụa là, yến tiệc linh đình và một người hành khất nghèo đói lả không nơi nương tựa. Hai người ở trong hai hoàn cảnh khác nhau. Sau khi mãn phần, phận số đời sau cũng khác nhau. Người nghèo nàn bệnh tật thì không do lỗi ở người giầu. Người phú hộ cũng không xử tệ, không xua đuổi và không làm hại chi người hành khất. Vấn đề là người phú hộ có mắt mà không nhìn thấu, ông đã không biết chia xẻ của ăn và tình thương với người khốn khổ. Đó chính là lỗi mà ông phải gánh chịu.

Sự chia xẻ cho người nghèo là hình thức bác ái tốt nhất. Bố thí thì chưa đủ, vì khi bố thí, chúng ta như thương hại họ và cho chút dư thừa. Trong cuộc sống chúng ta thường nói đến công bằng và bác ái. Công bằng là điều buộc chúng ta phải làm. Không giữ đức công bằng là có lỗi. Bác ái là điều không buộc, tùy lòng hảo tâm của chúng ta.

Truyện kể: Có một cô giáo dạy học bên trường sang gặp cha sở, cô kể một cách ngạc nhiên vì chuyện xảy ra trong lớp giáo lý. Khi dạy về công bằng và bác ái, cô cho các em thực tập qua câu hỏi: Người tín hữu có thể làm gì cho người hành khất, không nhà không cửa. Em thứ nhất trả lời: Chúng ta không phải làm gì cho người hành khất vì lỗi tại họ lười biếng. Bố em nói là tại lỗi của họ nên họ bị như thế. Em thứ hai nói: Mẹ em dặn, con phải sống xa những người sống bên lề đường, bởi vì họ hay bắt trẻ con và làm việc xấu. Em thứ ba tiếp lời: Bất cứ khi nào em đi với mẹ của em, mẹ luôn nhắc em nhìn sang phía khác và giả vờ như không nhìn thấy người ăn xin vệ đường. Không có một em nào trả lời một cách tích cực giúp đỡ người nghèo. Đó chính là ảnh hưởng của giáo dục gia đình.

Thường thì sự giầu có làm cho chúng ta xa dần với hoàn cảnh khổ của những người chung quanh. Khi chúng ta có tiền bạc thì chúng ta muốn tìm chỗ yên thân để hưởng thụ. Chúng ta không muốn bị người khác quấy rầy, nên xây tường cao và cổng kín. Đây cũng chính là tâm trạng chung của nhiều người. Chúng ta tìm nhiều lý do để khỏi phải giúp đỡ người khác.

Cho thì quý hơn nhận. Chúng ta cần cho khi chúng ta còn nhận. Một người giầu có cảm thấy buồn về lời dạy của Chúa về việc bố thí. Ông cầu nguyện để có thể chấp nhận sự dậy dỗ này. Càng cầu nguyện, ông càng buồn. Một hôm thiên thần đến an ủi, hỏi sao ông buồn thế? Ông trả lời: Tôi buồn vì lời dạy của Chúa về sự bố thí. Xem ra tôi phải bố thí suốt đời. Thiên thần nói: Không phải thế đâu. Ông chỉ cho khi Chúa còn cho ông. Nếu Chúa ngưng cho ông, ông sẽ không phải tiếp tục cho nữa.

Lạy Chúa, từng giây phút trong đời chúng con nhận lãnh hồng ân của Chúa. Xin cho chúng con biết tiếp tục chia xẻ ân huệ Chúa ban cho với anh chị em kém may mắn của chúng con.

Về mục lục

.

MỘT LẦN NỮA, LỜI CHÚA LẠI NÓI VỀ CÔNG BÌNH XÃ HỘI

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Am 6:1a, 4-7;  1 Tm 6:11-16;  Lc 16:19-31)

          Các bài đọc hôm nay tiếp tục nói về công bình xã hội.  Chắc chắn đây là một đề tài nổi cộm của mọi thời đại và đó cũng là lý do Lời Chúa lập đi lập lại điều này.  Ngôn sứ A-mốt luôn là người mạnh dạn rao giảng sứ điệp về công bình xã hội, cho nên Phụng vụ Lời Chúa một lần nữa trích dẫn sứ điệp ấy, đặc biệt nhắm tới “bè lũ quân phè phưỡn” sẽ phải chịu sự phán xét chí công của Thiên Chúa.  Cũng tiếp tục nói về vấn đề công bình xã hội, Chúa Giê-su dùng một dụ ngôn rất thực tế để trình bày hai lối sống tương phản giữa một ông nhà giàu và người nghèo khó La-da-rô.  Kết cục câu chuyện là hậu quả bất hạnh đời đời dành cho kẻ sống ích kỷ hưởng thụ, trái nghịch với hạnh phúc vĩnh cửu dành cho kẻ “suốt đời chịu toàn những bất hạnh”.  Để rút bài học sống đức công bình xã hội, Lời Chúa dùng đoạn thư thánh Phao-lô khuyên nhủ môn đệ Ti-mô-thê “hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, gắng sống nhẫn nại và hiền hòa”.

          Trước hết chúng ta hãy nghe lời Thiên Chúa lên án những kẻ sống trái công bình xã hội.  Đó là những kẻ nào?  Là những kẻ cầm quyền và sống ích kỷ tại khắp Ít-ra-en, ở Giu-đê cũng như Sa-ma-ri.  Họ sống không chút quan tâm đến người khác và đến vận mệnh đất nước.  Hằng ngày họ nằm trên giường ấm nệm êm, mặc kệ người nghèo đói.  Họ ăn uống ê hề trong khi người khác đói khát.  Cho dù đất nước sắp rơi vào tay quân địch, họ vẫn vui chơi, rượu chè và tiêu xài hoang phí.  Tình trạng xã hội bất công ấy đã bị ngôn sứ A-mốt mạnh dạn lên tiếng tố cáo.  Từ Xi-on thuộc vương quốc Giu-đa, A-mốt được Thiên Chúa sai đi loan báo sứ điệp cho xứ lân cận là vương quốc Ít-ra-en phía Bắc.  Ngài loan báo hình phạt của Thiên Chúa và việc Ít-ra-en sẽ bị lưu đày vì lối sống trái đạo đức và làm mất lòng Thiên Chúa.  Các nhà lãnh đạo sẽ là những người “dẫn đầu những kẻ lưu đày” bị điệu đi làm tôi mọi cho đế quốc Ba-by-lon.  Tuy nhiên cuối cùng A-mốt lại loan báo một tin vui:  những kẻ khó nghèo luôn được Thiên Chúa phù hộ và ai tin tưởng vào Chúa sẽ không bao giờ phải tuyệt vọng.

          Nếu ngôn sứ A-mốt đã trình bày sự tương phản giữa “những kẻ sống phè phưỡn” với những kẻ nghèo khó luôn tin cậy Thiên Chúa, thì trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng nêu lên chính sự tương phản ấy khi Người kể dụ ngôn ông nhà giàu và anh hành khất La-da-rô.  Câu chuyện Chúa kể chia ra làm ba cảnh.  a) Cảnh thứ nhất là cảnh thực trên dương gian, xảy ra ngay nhà ông nhà giàu và là cảnh người giàu không có lòng nhân đối với người cùng khổ.  Quả là một khung cảnh tương phản không thể chấp nhận được:  ông nhà giàu thì “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”.  Nhưng ở ngay trước mắt khi ông đi ra đi vào là một người nghèo khó mang tên La-da-rô, một cái tên áp dụng cho ai cũng được.  Anh La-da-rô này thiếu thốn đủ điều, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông nhà giàu rớt xuống đất mà không được, mong có quần áo cũ để mặc cũng không ai cho.  Bạn của La-da-rô chỉ là “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc của anh ta”.  Anh đã bị xếp vào loại súc vật rồi!  Rồi cả hai người, ông nhà giàu lẫn La-da-rô đều chết.  b) Cảnh thứ hai:  ông nhà giàu ở âm phủ và anh La-da-rô ở trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham.  Bây giờ, sau khi chết mọi sự đều đổi ngược.  Ông nhà giàu thì rên rỉ xin tổ phụ Áp-ra-ham cứu giúp.  Ngài chỉ từ tốn trả lời ông:  “Con ơi, hãy nhớ lại:  suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi;  còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn bất hạnh”.  Ý của tổ phụ muốn nhắc nhở ông ta là khi còn sống trên đời ông ta đã sống ích kỷ, dù nhận được bao ơn lành của Thiên Chúa mà không muốn chia sẻ với những kẻ thiếu thốn.  Do đó, ông ta đã gieo nhân thì phải nhận quả, vì không ai có thể thay đổi được sự công bằng của Thiên Chúa cũng như không có lòng thương xót dành cho kẻ không biết thương xót người khác.  c) Cảnh thứ ba:  ông nhà giàu bắt đầu nghĩ đến người khác, nhưng cũng chỉ là “năm người anh em” của ông ta thôi!  Ông muốn “nhờ” tổ phụ Áp-ra-ham sai người đến “cảnh cáo” họ, để họ khỏi phải chịu khốn khổ như ông.  Kể ra ông ta cũng còn một chút “lo lắng” cho gia đình mình.  Nhưng tổ phụ trả lời:  Chúng đã có “Mô-sê và các Ngôn sứ” dạy dỗ cho chúng biết phải thực thi công bình xã hội rồi.  Ông nhà giàu nài nỉ lần chót:  Nếu có người chết trở về bảo cho họ biết thì họ sẽ sám hối và thay đổi lối sống.  Tổ phụ cũng khẳng định lần chót:  “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà chúng còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.  Người chết sống lại được nhắc đến ở đây chính là Chúa Giê-su Ki-tô đấy.  Ôi, không chịu nghe lời Chúa Giê-su thì họ (và chúng ta nữa) thực là hết thuốc chữa rồi!  Cũng đành kéo nhau xuống hỏa ngục thôi!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Để sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay, không gì tốt hơn là chúng ta hãy lắng nghe lời thánh Phao-lô nhắn nhủ môn đệ Ti-mô-thê trong bài đọc 2.  Ngài dạy anh hãy gắng trở nên người công chính đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến. Đối với người công chính đạo đức, lòng tin mến đối với Chúa và lòng bác ái đối với tha nhân là cột trụ của đời sống thiêng liêng.  Sống mà mến Chúa yêu người như thế chính là cách chúng ta xây dựng nền móng cho công bình xã hội vậy.  Ti-mô-thê là một vị lãnh đạo trong Giáo Hội mà còn được nhắc nhở như vậy, huống chi chúng ta là đoàn chiên Chúa chăn dắt!

Về mục lục

.

TỘI THIẾU SÓT

Lm. Gioan Nguyễn Thiên Khải

Thưa anh chị em,

Chúa nhật tuần trước Lời Chúa dạy “Hãy dùng tiền của mua lấy bạn hữu, để sau này họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”. Hôm nay, Lời Chúa tiếp tục nói với chúng ta về việc sử dụng của cải, như là phương thế tốt đẹp, để sau này đạt tới ơn cứu độ.

Trong bài đọc I, tiên tri Amos nhân danh Thiên Chúa nặng lời chúc dữ: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu sang ở Sion. Các ngươi nằm trên giường ngà, ăn ngon, mặc đẹp, thế mà chẳng chạnh lòng thương những người khốn khổ.  Rồi đây, những bữa tiệc các ngươi sẽ không còn nữa”(Am 6, 1. 4-6).

Thái độ sống dửng dưng những người giàu sang, bên cạnh những người nghèo khó mà tiên tri Amos nói trên, là hình ảnh tiên trưng dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay.

Trong dụ ngôn có hai người hai hoàn cảnh khác nhau. Nhà phú hộ trong trang phục lụa là gấm vóc;  Còn Ladarô thì rách rưới tả tơi. Nhà phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, sang sỉn chiều say; Còn Ladarô đói khát ước ao một chút bánh vụn từ bàn ăn rơi xuống mà cũng không có.

Nhà phú hộ sống trong lâu đài sang trọng; còn Ladarô sống cảnh màn trời chiếu đất trước cổng của nhà phú hộ, ấy thế mà ông không nhìn thấy Ladarô mình đầy ghẻ chóc đang lê lết trước cổng nhà ông. Ladarô rên rỉ đau đớn vì bệnh tật, mà ông cũng chẳng hay. Ladarô chết dần chết mòn, mà nhà phú hộ không một chút lòng thương xót.

Nhưng rồi, Ladarô chết trong cảnh nghèo đói cô đơn; còn nhà phú hộ chết trong cảnh giàu sang ấm cúng. Thế nhưng, số phận đời sau hai người rất đổi khác nhau. Nhà phú hộ rơi xuống biển lửa cực hình; còn Ladarô được Chúa thưởng ngồi trong lòng tổ phụ Abraham.

Tác giả Tin mừng không nói nhà phú hộ xua đuổi Ladarô ra khỏi lâu đài của mình; cũng không nói ông đánh đập, chửi mắng Ladarô, mà đơn giản là ông không chạnh lòng thương xót Ladarô đói khổ. Chẳng bao giờ ông nghĩ mình được Chúa thương ban cho giầu có, suốt đời gặp những sự lành; còn Ladarô kia hoàn cảnh bất hạnh đáng thương, thế mà trái tim nhà phú hộ không chút cảm thương. Cho nên, nhà phú hộ không phải vì giàu có mà rơi xuống biển lửa, nhưng bị phạt vì tội thiếu sót, tội làm ngơ, tội không quan tâm đến người khác, không làm những gì lẽ ra phải làm.

Chính khi nhà phú hộ đóng cửa lòng mình lại, thì cửa thiên đàng cũng sẽ đóng lại với ông. Ladarô không phải vì nghèo khó mà được Chúa thưởng, nhưng nhờ ông biết chấp nhận số phận hẩm hiu của mình, và cậy trông vào tình thương xót của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào thế giới hôm nay, con người quá ư là văn minh tiến bộ vượt mức. Thế nhưng, dường như trái tim con người lại nhỏ bé hơn, lòng con người hẹp hòi ích kỷ hơn, do chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, chỉ lo vun đắp cho mình hơn lo cho người khác. Chính vì thế, thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Đó là nền văn minh của sự chết “.

Mặc dầu thế giới văn minh như thế, nhưng vẫn còn ở nhiều nơi thiếu thốn lương thực. Đức Chúa Trời tạo dựng nên vũ trụ này, tài nguyên thiên nhiên Chúa ban dư đầy, thì không thể nào con người phải thiếu thốn. Ấy thế mà tại sao vẫn còn tình trạng đói khát như thế? Thưa, bởi vì con người thiếu tình thương xót với nhau.

Mỗi năm những nước giàu có đổ xuống biển biết bao nhiêu tấn lương thực, do thừa mứa, do hết hạn sử dụng, mà không viện trợ cho những đất nước nghèo. Rồi hơn 80% của cải được gởi trong ngân hàng, cất giữ trong két sắt, của những nhà tỉ phú, những ông đại gia…

Người ta bỏ ra bao nhiêu tiền của, để đầu tư vào những vũ khí tối tân, những thiết bị y tế, nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ mạng sống con người, nhưng người ta lại ác tâm giết chết những thai nhi vô tội nằm trong dạ mẹ.

Người ta bỏ ra bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu tiền của đi du lịch nước này, nước nọ chơi được; nhưng lại khó lòng dành ra một chút thời giờ bước sang nhà bên cạnh, để thăm bệnh nhân đang cần một lời kinh hay một lời an ủi trong giờ sau hết.

 Có khi người ta không chết vì chén cơm manh áo, nhưng người ta lại đói tình người, đói sự quan tâm chia sẻ với nhau. Cho nên, thế giới ngày nay, con người rất những chén cơm yêu thương, những tấm áo tình người, những ly nước của lòng thương xót.

 Dưới ánh sáng Tin mừng hôm nay, chúng ta cần xét lại đời sống đạo của mình. Nếu anh chị em đọc kinh dự lễ hằng ngày mà chúng ta làm ngơ trước nỗi khổ của tha nhân… thì e rằng chúng ta mắc tội thiếu sót, đây là một trong bốn tội mà trước mỗi thánh lễ, ai trong chúng ta đều đấm ngực xưng thú: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”.

Ngày giờ sau hết, Chúa không hỏi chúng ta đi một ngày bao nhiêu lễ, đọc mỗi ngày bao nhiêu kinh, hay đi hành hương mỗi năm bao nhiêu lần…. nhưng Ngài chỉ hỏi chúng ta một điều duy nhất đó là: con có yêu mến Ta không? Và thước đó lòng yêu mến Chúa được căn cứ vào đức bác ái đối với tha nhân mà thôi.

 Ước gì, khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta được gặp thấy lòng thương xót và nghe những lời mời gọi của Chúa: ” Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh lấy phần gia nghiệp là sự sống đời đời đã dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống, Ta bệnh tật các ngươi viếng thăm… hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta”. Amen.

Về mục lục

.

THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG THƯỞNG PHẠT CÔNG BẰNG

Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Câu chuyện của bài dụ ngôn Tin mừng lại tiếp tục chủ đề sử dụng của cải tài sản trong cuộc đời hiện tại. Có một sự thay đổi triệt để và chung cuộc ở cuộc đời sau cái chết. Người phú hộ giàu có sung sướng rồi sẽ phải đau khổ trầm luân sau cái chết, trái lại người nghèo khổ Lazarô rồi sẽ được hưởng hạnh phúc viên mãn mai này.

          Truyền thống Kitô giáo, tiếp nối truyền thống Do thái giáo, đã có những hiểu biết rất mạch lạc và lý luận chặt chẽ về chủ đề sử dụng tiền của trong cuộc đời hiện tại. Trong cái nhìn đức tin, các tiên tri luôn có những cái nhìn sắc bén về thời đại mà các ngài đang sống. Trong khi mọi người bằng lòng với những sự giàu có hưởng thụ vật chất, nào là “nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên trường kỷ, xức dầu thơm hảo hạng…. và chẳng thương hại gì tới nổi băn khoăn của Giuse”, thì  tiên tri Amos đã thoáng  thấy ở chân trời những thảm họa của một cuộc tận diệt do đế quốc Assyria mà sức mạnh và sự trừng phạt của nó sẽ rất ghê gớm : “giờ đây họ phải đi lưu đày, và đi đầu những kẻ lưu đày… Những yến tiệc của kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”. Nhưng giải thích cho cùng thì chính Thiên Chúa mới là Đấng chủ tể tối cao và người để cho  đế quốc Assyria trừng phạt Dân của người. Vào thời tiên tri Amos, vương quốc phía Bắc được hưởng một thời kỳ phồn thịnh kinh tế kéo dài. Triều đại của nhà vua Giêrôbôam II kéo dài tới 40 năm, từ năm 783 tới 743, vương quốc mở rộng và càng lúc càng giàu có phồn thịnh với triều đại kéo dài cho thấy sự bình an thịnh vượng của vương quốc, lúc mà nhiều người giàu cảm thấy bình an và bằng lòng với những gì họ đang thụ hưởng. Trong hoàn cảnh như thế, với sứ điệp của tiên tri Amos, lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện thành ngữ “ngày của Giavê”, ám chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với dân của người vì những bất công xã hội mà những người giàu có trong xã hội chà đạp trên hạng người nghèo khổ. Giavê là Đấng chủ tể hoàn vũ và chủ tể mọi dân tộc sẽ trừng phạt nặng nề đối với Israel vì đời sống xa hoa và những thực hành mất công bằng của họ.

          Câu chuyện dụ ngôn của bài Tin mừng là giải thích rất thẳng thắn của Chúa Giêsu đối với các môn đệ và mở rộng cả với những người biệt phái vốn quen với quan niệm thông thường trong xã hội do thái là sự giàu có đầy đủ ở đời này là dấu chỉ sự chúc lành của Thiên Chúa và là dấu chỉ đời sống luân lý ngay thẳng. Chúa Giêsu cho thấy một cái nhìn sắc bén về một sự đảo lộn mọi hoàn cảnh trong dự định cứu độ của Thiên Chúa, và những sự giàu có bề ngoài không làm chứng điều gì như người ta vẫn nghĩ, nó chỉ có tính cách giai đoạn hạn hẹp của đời sống con người mau qua sánh với cuộc đời vĩnh cửu sau này. Lề luật và các tiên tri vốn là những bản lề quan trọng quyết định trong tư duy của người do thái, giờ đây phải được cập nhật bởi một sự đánh giá mới quyết định bởi Chúa Giêsu, vị tiên tri cao cả của Thiên Chúa có thẩm quyền giải thích lề luật và khai mạc triều đại mới mẽ của Nước Thiên Chúa. Lời rao giảng này mời gọi mọi người phải có một cung cách mới mẽ quyết định trong thái độ của mình đối với việc sử dụng của cải vật chất.  Câu chuyện dụ ngôn về người phú hộ  và Lazarô nghèo khổ trình bày hình ảnh của một con người giàu có, được đánh giá cao đối với cái nhìn thông thường của người do thái, ăn mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, lại trở nên rất lạc hậu so với thời cuộc mới mẽ mà Chúa Giêsu đang thiết lập. Trong khi ông vẫn bình an hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất, vẫn an nhàn trong tư duy cố hữu của mình như sự giàu có nhiều của cải là sự chúc lành của Thiên Chúa, thì ngoài kia, mọi sự đang bắt đầu thay đổi nhanh chóng, sứ điệp những người nghèo khổ, bị khinh miệt sẽ là những người được thừa hưởng hạnh phúc Nước Thiên Chúa đang được công bố với vị tiên tri cao cả  là Chúa Giêsu, Đấng đang thực hiện và hoàn tất những gì đã được Lề luật và các tiên tri loan báo.

          Người phú hộ này là hình ảnh của một con người lạc hậu so với thời cuộc, sử dụng của cải một cách tưởng là thời thượng nhưng lại rất sai lầm: ngày ngày yến tiệc linh đình, mặc toàn lụa là gấm vóc. Trong khi đó người nghèo Lazarô trong mô tả của câu chuyện dụ ngôn thì không thấy có nhân đức nào ngoài thân phận nghèo khổ bất hạnh bi đát. Câu chuyện như làm vọng lại sứ điệp đã được công bố về Hiến chương Nước Trời với những mối phúc dành cho những người nghèo khổ, đói khát, khóc lóc và những lời đe dọa đối với những người giàu có, no đủ, sung sướng. Một sự thay đổi đảo lộn sẽ diễn ra bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng sẽ trả lại sự công bằng ngay thẳng cho những người đã phải chịu những đau khổ thiếu thốn trong cuộc đời hiện tại. Thánh vịnh 145 trong bài đáp ca làm vang vọng sứ điệp cứu độ giải thoát của Thiên Chúa dành cho những người nghèo khổ : “Chúa là Ðấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.” Sứ điệp của bài dụ ngôn chỉ là khẳng định lại giá trị của nền luân lý tinh tuyền của sách Lề luật và các tiên tri mà không ai có thể cho phép mình bỏ qua hay không biết. Sách đệ nhị luật (15,7-11)  đã viết: “Nếu ở nhà ngươi có người nghèo khó… ngươi không được cứng lòng và không được khép kín bàn tay không giúp đỡ người nghèo khó này. Ta truyền cho ngươi: ngươi phải mở rộng bàn tay cho người anh em nghèo khổ ở trong xứ sở của ngươi”. Câu chuyện mang nhiều nét được hình dung theo văn hóa do thái, như sau khi chết thì người phú hộ phải ở trong hỏa ngục đau khổ bị lửa thiêu đốt và Lazarô thì được hạnh phúc ở trong lòng tổ phụ Abraham.  Điều được khẳng định mạnh mẽ qua câu chuyện là giờ đây số phận đã thay đổi quyết định, và dù người phú hộ có là con cháu Abraham đi nữa, thì quan hệ ruột thịt này cũng không thay đổi gì được tình thế đã được an bài và mỗi người phải chấp nhận định mệnh mà mình đã tự quyết định trong cuộc đời tại thế. Câu chuyện còn nêu lên một khẳng định nhắc nhở khác khi gợi ra lời cầu xin của người phú hộ, xin phép tổ phụ Abraham cho Lazarô trở về nhắc nhở năm người em còn sống vì ông nghĩ rằng nếu có người chết trở về nhắc nhở thì họ sẽ tin. Nhưng lời thỉnh cầu này cũng bị từ chối dứt khoát vì nếu những người này không nghe lời Lề luật và các tiên tri, họ cũng không bao giờ nghe lời người chết trở về nhắc nhở.

          Lời khuyên của thánh Phaolô đối với Timôthêu trong bài đọc thứ hai cũng là lời nhắc nhở cho mọi người: hãy luôn giữ vững đức tin của mình trong mọi giao động của cuộc đời. Có lẽ vào lúc bấy giờ, Phaolô hình dung Chúa Giêsu sẽ trở lại trong một thời gian gần, vì thế điều quan trọng là phải sẵn sàng trong đời sống của người tín hữu, cố gắng thực hành những nhân đức nền tảng của người tín hữu là đức tin, đức ái, đức nhẫn nại và hiền lành; và đời sống đức tin của người tín hữu là một cuộc chiến đấu với chính nghĩa là đức tin để đạt được cuộc sống đời đời. Phaolô nhắc lại gương mẫu sống động là hình ảnh Chúa Giêsu đứng trước toà án Philatô. Người đã vững vàng trong cuộc chiến đấu của đức tin đến hơi thở cuối cùng và trở nên gương mẫu cho mọi người chúng ta, Người sẽ trở lại tràn đầy vinh quang mà chúng ta sẽ dự phần với người.

Về mục lục

.

TRÁI TIM TÌNH NGƯỜI

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

KHOẢNG CÁCH VẬT CHẤT

“Trong lịch sử, chưa bao giờ nhân loại đạt được một sự bình đẳng dù ở bất cứ một mức độ tương đối nào, nhưng những gì đang tồn tại, thực sự gây nên những mối lo ngại lớn” (Theo nghiên cứu lịch sử kinh tế thế giới 2000 năm qua, The World Economy: History Statistics).

“Mối lo ngại” trước tiên chính là khoảng cách ngày một xa giữa người nghèo và người giàu, giữa nước giàu và nước nghèo. Đó là điều tồi tệ không mong gì cải thiện được.

Lướt qua số liệu tổng kết khoảng cách giữa các nước kém phát triển và các nước phát triển – giữa dân nghèo và dân giàu – càng lúc càng tăng cao, chúng ta mới thấy rõ đúng là “mối lo lớn” thật sự. Nếu năm 1820 khoảng cách là 3:1, sau 30 năm là 35:1, và đến năm 2002 đã là 75:1.

Khoảng cách giàu – nghèo tiếp tục gia tăng

Cuộc đấu tranh vì công bằng của nhân loại hẳn còn cả chặng đường dài: báo cáo mới của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD – Organization for Economic Cooperation and Development) cho thấy khoảng cách giàu – nghèo ở 30 nước giàu nhất vẫn tiếp tục tăng trong 20 năm qua, đặc biệt là ở Mỹ. Các tiến bộ về thương mại và kỹ thuật đã giúp kinh tế các nước thành viên OECD phát triển nhanh chóng, nhưng đời sống tầng lớp thấp không cải thiện là mấy.

Nghiên cứu trong suốt 20 năm của OECD cho thấy có đến 27/30 nước có tình trạng thu nhập người giàu thì tăng trong khi nhóm còn lại giậm chân tại chỗ. Mỹ là nước có tỉ lệ chênh lệch giàu nghèo cao nhất, chỉ sau Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ, và khoảng cách này đã tăng nhanh kể từ năm 2000 tới nay. Pháp trong khi đó giảm được phần nào sự bất bình đẳng này khi công nhân nghèo đã được trả lương tốt hơn. Ở Mỹ, 10% người giàu nhất thu nhập trung bình 93.000 USD/năm (cao nhất trong OECD) trong khi 10% người nghèo nhất chỉ thu nhập 5.800 USD/năm, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình của OECD. Nhóm 10% giàu nhất chiếm tới 71% tài sản của toàn bộ nước Mỹ. Thu nhập 10% giàu nhất ở Pháp là 54.000 USD/năm so với 9.000 USD/năm của 10% nghèo nhất. Con số tương ứng ở Nhật Bản là 60.000 USD và 6.000 USD.

Đằng sau sự văn minh của thế giới, vẫn là thiên tai, ô nhiễm, dịch bệnh, cái nghèo cùng cực và chết đói. Đằng sau sự hào nhoáng của các quốc gia đều là những mảng tối. Chiếc bánh kinh tế toàn cầu đã nở phồng lên theo tỷ lệ chưa từng thấy, nhưng đáng buồn là người giàu đã ăn hầu hết phần bánh này. Họ dùng cả quyền lực để bảo đảm phần béo bở nhất và chỉ nhường phần vụn thừa rơi rớt cho người người nghèo đói (góp nhặt từ Internet).

Đó là câu chuyện Phú ông và Lagiarô thời đại.

KHOẢNG CÁCH TINH THẦN

Khoảng cách tinh thần: đó là sự “lạnh lùng” đáng sợ của một bộ phận đông đảo những người giàu có. Sự ấm áp đã làm cho họ không thể hiểu nổi thế nào là băng giá. Sự no đủ đã làm cho họ không thể hình dung được thế nào là đói khát. Sự hưởng thụ sung túc đã làm cho họ không thể tưởng tượng được thế nào là cùng khổ.

Ánh mắt của đa số những người giàu có luôn chỉ có một hướng nhìn về “thế giới thiên đàng vật chất” và họ chìm đắm trong mơ ước không ngừng vươn lên cao hơn nữa trong khoái lạc riêng tư với niềm tự hào, tham vọng, và cả lòng ganh tỵ đua chen.

Họ bỏ mặc – hay không còn nhận ra – một thế giới khác đang ở ngay bên cạnh họ. Thế giới của một Lagiarô cùng khổ và cực kỳ bất hạnh. Có khi không phải họ khinh miệt người cùng khổ, thật ra – và là điều đáng sợ – họ quên sự hiện diện của người cùng khổ đang cùng sống với họ trên hành tinh này.

Họ sống trong thế giới hiện thực đầy no thỏa và hóa thân thành thần thánh đầy hạnh phúc trong thế giới thiên đàng ảo – thế giới giàu có vật chất và dư đầy hưởng thụ – cho đến một ngày nào, khi tài khoản thời gian của họ đã hết. Đó là lúc họ mới nhìn thấy thế giới của Lagiarô, một thế giới thần thánh hiện thực mà Lagiarô đã vươn đến được từ thế giới cùng khổ với một đời bất hạnh luôn đói khát no ấm và tình yêu. Nhưng khát vọng ấy Lagiarô đã không tìm thấy được trong thế giới hữu hình mà Lagiarô đã trải qua.

Bây giờ, khi ông nhà giàu chết, ông mới bước vào một thế giới thật – đây mới là thế giới thật! – Ngỡ ngàng nhận ra đây không phải là Thiên Đàng sau những tháng ngày sống trong cõi thiên thai của “thiên đàng ảo” đã tan biến!

Bây giờ, họ – những con người của thế giới phú hộ – mới nhận thấy Lagiarô từ xa. Con người bần cùng, mà trước đây – và cũng là thế giới bần cùng mà trước đây – đã ở ngay bên cạnh họ, ngay trước mắt họ, chỉ cần bước một vài bước là đã thấy, chỉ cần cúi xuống một chút là đã chạm tới – nhưng họ đã không hề biết đến! “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh Lagiarô trong lòng tổ phụ”(Lc.16,23).

Trên đỉnh cao của sự sang trọng, giờ ở tận cùng của sự đọa đày, những con người như nhân vật phú ông mới ngộ ra được thế nào là đau khổ tận tâm cang. “Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh Lagiarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”(Lc. 16.19-31).

LẠC LỐI

Trong nơi đọa đày, phú ông mới biết mình đã lầm đường lạc lối.”Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lagiarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’” (Lc. 16.27-28).

Có phải vì thiếu thông tin, thiếu sự hướng dẫn, thiếu giáo huấn, mà phú ông đây “sa vào chốn cực hình” không? – Chắc hẳn là không rồi.

Ngay từ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã đặt để Giáo Huấn Tình Thương của Ngài trong lòng trí con người. Thiên Chúa không ngừng Giáo Huấn con người tiệm tiến theo thời gian. Cho đến khi Ngài chọn Dân Riêng của Ngài để ban tặng cho con người Đấng Cứu Thế. Nhưng Lịch Sử Cứu Độ cho thấy con người đã nhiều lần “để ngoài tai” lời răn dạy của Chúa. Và lịch sử con người cũng chứng minh con người luôn nuôi tham vọng riêng mình, sống ích kỷ chỉ vì bản thân, không biết chia sẻ và yêu thương đùm bọc lẫn nhau. “Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”(Lc.16,29-31).

Trong Khổng Tử Gia Ngữ có kể một câu chuyện:

Khổng Tử làm quan Tư Khấu nước Lỗ, khi được quyền nhiếp chính chức vụ tể tướng, nét mặt có vẻ vui mừng. Trò của ngài là Trạng Do liền hỏi:

– Do này vẫn được nghe là những người quân tử, thấy tai họa đến cũng không sợ, thấy hạnh phúc tới cũng không vui mừng, thầy mới được có địa vị mà vui mừng như thế là cớ làm sao?

Khổng Tử đáp:

– Phải có câu nói ấy thực, nhưng há chẳng có câu nói rằng: “Người ta vui vì được đem địa vị cao quí của mình mà hạ xuống cùng với mọi người sao?

Giới Luật Yêu Thương đòi hỏi sự chia sẻ trong tình liên đới giữa người với người. Tội lỗi không chỉ là lánh xa những điều độc ác, mà còn phải làm những điều chân thiện. Dân gian cũng có câu: “làm lành lánh dữ”. (Vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn…Mt.25,31-46).

Câu chuyện phú hộ và Lagiarô vẫn còn tiếp diễn trong thế giới hôm nay. “Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”(Lc.16,31).

Còn hơn thế nữa, chính Đấng Cứu Thế đã đến với nhân loại. Giáo Huấn Tình Thương của Ngài đem đến cho con người sự an bình và dịu ngọt biết bao! Thế nhưng, vẫn còn đó “những người giàu có” lạnh lùng trước những “Lagiarô” đầy đau khổ và bất hạnh. Trong rất nhiều hoàn cảnh, Giới Luật Yêu Thương vẫn còn nằm bên lề cuộc sống.

Nhưng, dù thế nào đi nữa, người Kitô-hữu chúng ta vẫn luôn sống trong hy vọng. Ánh sáng Tin Mừng vẫn tiếp tục chiếu soi trong thế giới tối tăm này. “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga.1,5).

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tình liên đới bằng con tim rộng mở, để biết chia sẻ với đồng loại nhân danh Tình Yêu Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

.

NIỀM HY VỌNG CỦA NHÂN LOẠI

Lm. Bùi Quang Tuấn

“Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư; người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:52-53). Lời kinh Magnificat của Đức Maria trong ngày thăm viếng chị họ Elisabet đã được Chúa Giêsu làm rõ nét hơn qua dụ ngôn “Phú ông và Lazarô.”

Hai con người rất gần nhau trong không gian, nhưng lại rất xa nhau trong cảnh sống. Phú ông mặc toàn gấm vóc, lụa là; người ăn mày Lazarô nghèo nàn, rách nát. Phú ông ở nơi nhà cao cửa rộng; Lazarô lê lết bên cổng nhà giàu. Phú ông ngày ngày yến tiệc linh đình; Lazarô không một chút bánh cầm hơi. Phú ông sống trong thiên đàng dương thế; Lazarô chịu cảnh hoả ngục trần gian.

Thế giới của hai người chỉ cách nhau bằng một chiếc cổng, ấy thế mà vẫn như xa nhau vô cùng. Người nhà giàu chẳng khi nào bước qua chiếc cổng đó để đi vào thế giới người nghèo. Ông ta chôn mình trên nhung lụa và hưởng thụ mê say. Đang khi kẻ bất hạnh nằm chờ chút bánh rơi mà không được; anh ta thèm thuồng nhìn những miếng bánh “lau tay” đi vào miệng bầy chó. Mấy con chó này còn “có lòng” hơn phú ông khi không “cắn gậy ăn mày,” nhưng đến liếm các mụn ghẻ cho anh ta.

Thời xưa, trên các bàn ăn của người Do thái chưa hề có dao, muỗng, nĩa và khăn lau tay như ngày nay. Người ta dùng tay để lấy và cầm thức ăn. Tại nhiều nhà sang trọng hay trong những nơi quyền quí, người ta có thói quen lau tay ngay trên những miếng ruột bánh mì mà sau bữa ăn sẽ được vứt đi. Đây là thứ bánh “lau tay” mà Lazarô khao khát trông chờ. Song hoài công! Phú ông vẫn làm ngơ, vô tình.

Nhưng rồi cái chết ập đến làm đổi thay tất cả. Kẻ từng lê lết dưới chân bàn ăn thì được đưa lên mây trời; còn người ngồi nơi cao ráo lại bị tống xuống vực sâu. Lazarô được hưởng phúc thiên đàng; còn Phú hộ thì trầm luân hoả ngục. Phải chăng Kinh thánh muốn nói: hễ sung túc đời này sẽ bất hạnh đời sau và khốn khổ hôm nay sẽ được hạnh phúc ngày mai? Không hẳn thế, vì giàu sang không phải là tội và nghèo khổ cũng chưa chắc là tấm vé thiên đàng.

Ân phúc là việc người nghèo biết tựa nương, cậy trông Thiên Chúa. Lazarô là danh xưng duy nhất mà Thánh Luca đã đặt cho nhân vật “ăn mày” trong dụ ngôn trên. Lazarô có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi.” Như thế, kẻ ăn mày này đã biết tin tưởng và phó thác đời mình cho Thiên Chúa dù đang nghèo rớt mồng tơi. Chính niềm tin tưởng và phó thác này đã mang lại cho anh ta ơn phúc làm con tổ phụ Abraham–cha những kẻ tin.

Còn người phú hộ, ông ta đâu có bóc lột hay ngược đãi gì kẻ khác; ông đâu có ra lệnh tống cổ tên ăn mày khỏi cổng nhà mình; ông cũng chẳng đánh đập hay ăn chận gì của Lazarô, vậy cớ sao lại bị đoạ đày trong chốn cực hình như vậy?

Thái độ đáng trách của Phú ông là đã làm ngơ trước nỗi thống khổ của người bên cạnh. Tội của ông là sự dửng dưng, coi như không có sự hiện diện của Lazarô. Chẳng phải vì người phú hộ đã làm điều gì thất nhân ác đức, nhưng vì ông ta đã không làm gì cả cho kẻ khốn cùng.

Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa cách Thiên Chúa và tha nhân. Mắt không chút xót thương, lòng không hề vương vấn đã làm cho hố sâu ngăn cách giữa ông và Lazarô rộng lớn đến nỗi không thể qua được.

Người nghèo phải đau khổ vì sự bần cùng đã đành, nhưng người giàu cũng sẽ phải khốn nạn vì sự giàu sang, nếu trong đó không có tình yêu và xót thương.

Một nhà tư tưởng đã chỉ ra hai nguy cơ của sự giàu có thiếu tình thương như sau:

Một là nó khép kín lòng mình với Thiên Chúa: người ta bằng lòng với những lạc thú trần gian mà quên đi đời sống vĩnh cửu là điều tối quan trọng.

Hai là nó khép kín lòng mình với tha nhân: người ta không còn nhìn thấy người nghèo nằm ngay bên cổng nhà mình.

Hoả ngục chính là sự kéo dài của tình trạng khép kín này: người ta vẫn mãi xa cách Thiên Chúa và tha nhân. Hố ngăn cách càng được đào sâu và rộng bao nhiêu, đời sau người ta sẽ hết phương trở về bấy nhiêu. Thế nên thật chí lý khi nói rằng: “Con người đã tự phán xử chính mình ngay ở đời này”(Noel Quesson).

Nếu tôi yêu mến và liên kết với Thiên Chúa qua tha nhân, ngày kia tôi sẽ hiệp hoan Nước Trời. Trái lại, nếu tôi ích kỷ trong hưởng thụ riêng tư, chẳng hề quan tâm đến việc chia sẻ phúc lộc mình có, thì nỗi đơn độc và khổ đau sẽ là sản nghiệp đời đời cho tôi.

Dụ ngôn “Phú ông và Lazarô” là lời cảnh báo những kẻ chỉ biết tôn thờ vật chất, say hưởng trần gian, quên đi tình Chúa tình người. Nó còn là lời kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng liên đới với tha nhân, nhất là người nghèo.

Mẹ Têrêsa Calcutta có nói: “Ngay trong giờ phút lâm chung, bạn và tôi, bất kể chúng ta là ai, đã từng sinh sống nơi nào, Kitô hữu hay là lương dân, tất cả chúng ta, những người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa bằng bàn tay yêu thương của Ngài, chúng ta sẽ phải đứng trước nhan Giavê và được xét xử tuỳ theo những gì đã sống và làm cho người nghèo. Chính lúc này các cân lượng mẫu mực cho việc phán xét sẽ được đưa ra.”

“Chúng ta phải càng ngày càng ý thức hơn rằng người nghèo chính là niềm hy vọng của nhân loại, bởi vì chúng ta sẽ được xét xử theo cách thức mà chúng ta đã cư xử với họ. Chúng ta sẽ đối đầu với thực tế khi được triệu về trước ngai Thiên Chúa. Và Ngài sẽ nói: “Xưa ta đói, ta trần truồng, ta không nhà cửa. Và những gì ngươi đã làm cho một trong những kẻ bé mọn chính là đã làm cho Ta.”

“Kẻ bé mọn” không chỉ là những người đang nghèo nàn về vật chất, nhưng còn là những ai đang thiếu thốn về tinh thần. Có người nghèo cơm ăn áo mặc, nhưng cũng không ít người nghèo giáo lý, kiến thức, cảm thông, an ủi, thứ tha. vì chẳng ai trao ban.

Thế nên, hôm nay, sau khi nghe tiếng Chúa, bạn và tôi, chúng ta đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy rộng mở cho yêu thương và sẻ chia.

Về mục lục

.

HÃY NGHE CÁC NGÀI

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

Đoạn nầy có thể chia thành ba phần: – Cuộc sống của người giàu có và Lazarô trên trần gian (16,19-21); – Số phận của hai người sau khi chết (16,22-23); – Tình trạng cực hình của người giàu có (16,24-31). Ngoài việc chia sẻ chủ đề chung về việc sử dụng của cải, đoạn nầy bàn thêm về hậu quả của việc sử dụng ấy khi cuộc đời nầy qua đi. Số phận của người giàu có và Lazarô đảo ngược trong cuộc đời bên kia. Luca nhấn mạnh rất nhiều về việc Thiên Chúa đảo ngược số phận giữa người khiêm hạ và người quyền thế (1,46-55), giữa các Phúc Thật và Chúc Dữ (6,20-26), và ở đây giữa người giàu và người nghèo (16,19-31).

Cuộc sống của người giàu có và Lazarô trên trần gian

Trong hai câu dẫn nhập Luca mô tả hai con người với hai cuộc sống hoàn toàn tương phản nhau: một người giàu có (c. 19.21) và Lazarô nghèo khó (c. 20). Sự giàu có của người nầy được mô tả qua cách ăn mặc: áo đỏ tía, porphyra, chỉ dành cho vua (x. Mc 15:17.20; Kh 18:12) và hàng mịn, byssos. Cả hai thứ nầy được kể là những đồ quí giá chung với vàng bạc, đá quý và ngọc ngà (Kh 18:12). Động từ “mang” ở thì quá khứ chưa hoàn thành cho thấy ông thường ngày mang áo quần nầy, chứ không phải chỉ một dịp lễ lạc trọng thể nào đó. Việc ông “làm yến tiệc”, euphrain#, cũng kiên tục, và việc nầy nhắc đến thái độ tự hài lòng của người giàu có trên của cải ông đã kiếm được, ăn uống, hưởng thụ và chỉ dừng lại ở đó (12:19).

Tương phản với người giàu có là người nghèo Lazarô. Khi Luca dùng cách nói “tên là” (1:5.13.26.27.31…), ông muốn ám chỉ đó là người được ưu ái trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, tên “Lazarô” có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Sự nghèo khốn của Lazarô được diễn tả qua tình cảnh bệnh tật của ông: nằm liệt do bệnh, ball#, và nhức nhối (c. 20) do những vết thương lở loét của ông (c. 21). Đến lúc nầy, dụ ngôn không nêu lên một lỗi phạm nào của người giàu có. Chỉ trong câu 21, tình cảnh của Lazarô được mô tả thêm và sai lỗi của người giàu có mới được hình dung ra. Lazarô nằm ở trước cửa nhà người giàu có: đói lả và muốn được ăn no như tình cảnh của người con hoang đàng (15:16). Động từ “ước muốn” nầy ở thể phân từ hiện tại diễn tả tình trạng kéo dài. Như thế, Lazarô ở đó mỗi ngày và chờ đợi những mẩu bánh vụn từ trên bàn rơi xuống. “Cái bàn” gợi lên yến tiệc của người giàu có; qua đó, cho thấy người giàu có không nghĩ gì khác ngoài việc hưởng thụ cuộc sống giàu có của ông. Ông chỉ sống cho mình và không biết đến Lazarô nghèo khó trước cửa nhà ông. Bởi lỗi phạm đó mà ông sẽ chịu hậu quả sau nầy.

Số phận của hai người sau khi chết (16:22-26)

Đoạn nầy và đoạn kế tiếp (16:27-31) được trình bày dưới hình thức đối thoại giữa người giàu có và Abraham. Những gì được nói đến trong hai đoạn nầy không nhằm mô tả cuộc sống sau khi chết, mà sự khác biệt tận căn và sự đảo ngược giữa cuộc sống của người giàu có và Lazarô. Câu 22 là câu chuyển tiếp: người giàu có cũng như người nghèo khó đều chết như nhau (c. 22), nhưng số phận họ lại khác nhau. Lazarô được các thiên thần đem vào lòng Abraham; trong khi người giàu có “được chôn cất”. Abraham, tổ phụ của dân Do thái (1:55.73; 3:8). “Lòng Abraham” là phần trước ngực. Ngồi vào lòng ai có nghĩa là nằm dựa đầu vào ngực người ấy. Đây là vị trí cận kề và thân thiết (x. Gio 1:18; 13:23). Hình ảnh nầy gợi lên bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa, trong đó có Abraham và tất cả các tổ phụ khác và các tiên tri (13:28). Như thế, Lazarô nghèo khó và thiếu thốn của ăn nuôi sống trên trần gian, nay được thông hiệp với Abraham. Và Thiên Chúa của Abraham là Thiên Chúa của sự sống (20:37-38). Trong khi đó, người giàu có “được chôn cất”, ám chỉ ông nằm giữa những kẻ chết (x. 9:59-60). Điều nầy được xác định rõ hơn trong cách nói “trong âm phủ” (c. 23). “âm phủ” là giang sơn của người chết và nơi của sự hủy diệt (x. Cv 2:27.31), hình phạt (Kh 20:14). Đối nghịch với “âm phủ” là trời, nơi cư ngụ của Thiên Chúa (x. 10:15).

Tình cảnh khốn khổ của người giàu có (16:24-31)

Nội dung của phân đoạn nầy được trình bày qua hình thức đối thoại với ba lần thỉnh cầu của ông (cc. 24.27-28.30) và ba lần từ chối của Abraham (cc.25-26.29.30). Qua cuộc đối thoại ngắn nầy, tình cảnh khốn khổ của người giàu có được trình bày thêm.

Lời thỉnh cầu thứ nhất (c. 24): “xin thương xót tôi” (c. 24). Lời nầy trong Luca chỉ xuất hiện trong trình thuật người mù thành Giêricô (18:38.39), và mười người phong cùi. Người giàu có đang ở trong tình trạng vô phương cứu chữa như những người nầy. Hai yếu tố khác cho thấy tình cảnh của ông đã bị đảo ngược. Trước đây ông chỉ mặc áo đỏ tía và lụa là, giờ đây ông đang chịu cực hình, odynaomai, giữa lửa cháy bao quanh ông, trong khi Lazarô ở nơi mát mẻ. Trước đây, ông nằm trên giường tiệc, Lazarô bên dưới và chờ mong những mảnh bánh vụn rơi xuống từ bàn tiệc của ông. Giờ đây, ông phải nhìn lên mới thấy Lazarô, và nài xin một giọt nước từ ngón tay của Lazarô nhỏ vào liệng lưỡi ông.

Trong câu trả lời của Abraham (cc. 25-26) Luca nhắc lại quá khứ “hãy nhớ lại”. Ông nói đến “điều tốt” và điều xấu”, như là sự tương phản giữa hai người (c. 25). “Điều tốt” ở đây là của cải đời nầy (6:45; 12:18.19). Sau đó, Luca khẳng định điều đang xảy ra, “bây giờ” hai người. Động từ “an ủi” (c. 25) nhắc lại lời “Khốn cho các người giàu có, vì các người đang được an ủi” (6:24). Người giàu có đã được an ủi đời nầy, thì đời sau chịu khốn khổ; trong khi Lazarô được an ủi đời sau. Đây là một trong những cách hành động của Thiên Chúa (1:52). Tiếp theo Abraham nói đến sự phân cách tuyệt đối và khách quan giữa hai người (c. 26). Một “vực thẳm” “được đặt ra” (ở thể thụ động); không thể có hiệp thông giữa hai bên. Không thể qua lại với nhau được. Như thế người giàu có bị loại hẳn khỏi sự hiệp thông với Abraham.

Lời thỉnh cầu thứ hai (cc.27-28.29): trong lời thỉnh cầu nầy, ông không nghĩ đến bản thân nữa, vì ông đã ý thức tình trạng khốn khổ không thể cứu vớt của mình. Bởi đó, ông kêu xin Abraham hãy nghe lời ông xin. Ông nghĩ đến những người anh em của ông đang còn sống trên trần gian, và muốn tránh cho họ khỏi rơi vào nơi khốn khổ như ông. Lời đáp của Abraham là chỉ cho thấy phương thế cứu khỏi nơi ấy, chính là nghe lời Môsê và các ngôn sứ (c. 29; 24:44). Mệnh lệnh “Hãy nghe” phải dẫn đến việc làm theo điều đã nghe. Mệnh lệnh nầy cho thấy cách gián tiếp là người giàu có đã không nghe lời Môsê và các ngôn sứ nên đã không để ý đến những người nghèo (Lv 19:9-10; Đnl 14:29; 15:7-11). Ông đã không quan tâm nghe lời của Thiên Chúa, nên không biết ý muốn của Người. Ông chỉ quan tâm đến sự giàu có và sự thụ hưởng của ông.

Lời thỉnh cầu thứ ba (cc. 30.31): người giàu có cố gắng nài xin thêm một lần nữa cho anh em nhà của ông. Ông nghĩ anh em của ông sẽ “hoán cải” nếu như được người chết hiện ra. Tuy nhiên sự hoán cải không được thực hiện bởi phép lạ, mà bởi lời rao giảng về Chúa Giêsu (x. 11:32; Cv 2:36-38; 3:18-19). Hoán cải là mở lòng đón nhận, tin vào Thiên Chúa và thay đổi cuộc sống. Do đó, nếu không nghe lời Môsê và các ngôn sứ, không thể hoán cải được. Người chết có hiện ra chỉ vô ích mà thôi.

Luca sẽ không dừng lại ở việc mô tả hậu quả của việc sử dụng của cải không đúng theo ý Thiên Chúa. Ông sẽ nói đến cách hành động tích cực đối với của cải. Đó là phân phát cho người nghèo (4:18; 18:22; 19:8; 21:3). Cuộc sống ở trần gian không là tất cả. Số phận đời sau tùy thuộc cuộc sống hôm nay. Muốn được an ủi đời sau, phải thi hành ý Thiên Chúa hôm nay.

Về mục lục

.

RA KHỎI THẾ GIỚI NHỎ HẸP CỦA LÒNG MÌNH

Lm. G. Nguyễn Cao Luật

Những bức tranh tương phản

Tin tức trên báo chí cho biết: khoảng vài phần trăm dân số địa cầu nắm giữ gần hết tài nguyên của thế giới, trong khi đa số dân còn lại chỉ được hưởng dùng một số nhỏ. Hố phân cách giữa các miền của thế giới càng lúc càng rộng thêm, số người giàu chỉ tăng lên rất ít, còn số người nghèo càng lúc càng tăng lên rất nhiều. Hình ảnh đó là một sự kiện rõ ràng của thế giới hôm nay, và cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia, nhiều vùng đất, nhất là tại các thành thị.

Dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay nêu lên một bức tranh với nhiều mầu sắc tương phản. Hình ảnh được vẽ lên là những thế giới đóng kín, những vũ trụ tách biệt, với những vực sâu ngăn cách. Từ thế giới này sang thế giới kia, không có mối liên lạc nào: mọi cây cầu đã bị phá đỗ.

– Bức tranh thứ nhất: Cuộc sống thường nhật. Một người giàu, ăn mặc sang trọng, yến tiệc linh đình ; và một người nghèo tên là La-da-rô, không có gì che thân, không có gì để ăn. Người giàu ở trong nhà và người nghèo ở ngoài cổng. Ở giữa, một cánh cửa đóng kín.

Người giàu không có tên. Chỉ biết rằng ông ta có nhiều của cải, nhiều đến dư thừa. Thái độ, cách cư xử của ông: không để ý đến ai khác, ngay cả người nghèo đang ăn xin ở cổng nhà.

Còn người nghèo có tên là La-da-rô, có nghĩa là Thiên Chúa giúp đỡ. Anh sống mà dường như đã chết. Thế nhưng anh bị đói, anh đợi chờ và mong ước được sống. Cuộc sống của anh có những lỗ hổng và vì vậy, Thiên Chúa có thể can thiệp.

Khi cái chết phủ xuống: người giàu được đem chôn, còn người nghèo được đem lên trời.

– Bức tranh thứ hai: Tại thế giới kẻ chết: trời cao và âm phủ. Người nghèo được hạnh phúc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham: anh đã chết, mặc dù chưa được hưởng điều Thiên Chúa hứa ; nhưng anh đã thấy từ xa và đón chào các điều ấy, vì đã xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất (x. Dt 11,13).

Còn người giàu phải chịu muôn vàn đau khổ. Ông muốn được hiệp thông, muốn được chia sớt một giọt nước, nhưng không thể được: không có lối qua, dù đó là vì lòng bác ái, dù đó là những người đang thèm khát. Giữa hai thế giới có một vực sâu, một vực sâu rất lớn. Trước kia người nghèo không có gì cả: anh chỉ chờ đợi và khát mong được sống ; người giàu thu hẹp đời mình vào trong những của đang nắm giữ. Bây giờ thì ngược lại, nhưng không còn thay đổi gì được nữa.

– Bức tranh thứ ba: Vẫn tại thế giới kẻ chết. Và ở phần cuối là cuộc sống con người trên trần gian, nơi năm anh em của người giàu đang sống. Giữa hai thế giới này, có thể thông thương được. Thế nhưng chỉ là điều vô ích, vì tâm hổn của những con người đang sống ấy đã bị đóng kín.

Và dụ ngôn kết thúc với một câu nói có liên hệ đến con người thời nay: “người chết có sống lại, họ cũng chẳng tin đâu.”

Cuộc sống trần gian chưa phải là tất cả

Dụ ngôn trước hết nhắm đến quan niệm sai lầm của những người biệt phái, vì họ coi thịnh vượng đời này là dấu chỉ ơn lành của Thiên Chúa và nghèo nàn là dấu chỉ bị ruổng bỏ. Dưới mắt họ, thế giới bên kia chỉ có ích lợi thứ yếu. Ở trần gian này, nếu mọi sự tốt đẹp, có nghĩa là con người đã làm đẹp lòng Thiên Chúa, còn nếu ngược lại, thì chính vì con người đã phạm tội. Đó là nguyên nhân người biệt phái chế giễu Đức Giê-su vì Người đòi hỏi phải từ bỏ lạc thú ở đời này. Yêu sách này của Đức Giê-su gây ra mâu thuẫn gay gắt với xác tín tôn giáo của họ. Dụ ngôn đã khai triển sự tương phản đó một cách không kiêng nể.

Thịnh vượng trần thế không minh chứng giá trị đạo đức và sự hậu đãi của Thiên Chúa, cũng như nghèo khó không phải là kết quả của sự bại hoại luân lý và việc Thiên Chúa ruổng bỏ. Người biệt phái đã quan niệm sai lầm. Thiên Chúa phán đoán hoàn toàn khác. Đó là ý nghĩa của dụ ngôn.

Vì thế, không nên căn cứ vào một vài chi tiết của dụ ngôn để rút ra những hệ luận thiêng liêng: chẳng hạn các hình khổ dành cho người phú hộ hưởng thụ là biểu hiện những khổ hình của hoả ngục. Đó chỉ là một hình ảnh. Việc người nghèo an nghỉ trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham cũng thế …

Đàng khác, dụ ngôn còn muốn cho thấy rằng cảnh ngộ trần thế và bên ngoài không liên quan gì tới trạng thái tâm hổn. Người ta vẫn thường cho rằng người giàu có, ăn sung mặc sướng là người biết tổ chức tốt cuộc đời của mình, và người ta thương hại kẻ nghèo phải sống lệ thuộc vào người khác, không có khả năng thoả mãn những ước vọng ở đời. Tuy nhiên, Thiên Chúa không xét đoán như thế. Đây là một trong những quy tắc nền tảng của Ki-tô giáo.

Như vậy, dụ ngôn không hề có ý mô tả cuộc sống tương lai cũng như tình trạng đời này. Dụ ngôn muốn chứng tỏ rằng cuộc sống hiện tại của người giàu chẳng có giá trị gì cả. Chính sự hiện diện của người nghèo nói lên điều đó: anh đã muốn phá vỡ nếp sống an toàn giả tạo của người giàu, kêu mời sự hiệp thông, nhưng không được, và thế là hết …

Kể cả người chết sống lại

Không có ai, kể cả người chết sống lại, có thể buộc một người đang sống phải yêu mến. Lời Chúa, luật lệ và các ngôn sứ đã trình bày rõ ràng những điều gì cần được thực hiện. Mặc khải đã có sẵn, cuộc đời là nơi duy nhất để cho những điều đó thành hiện thực.

Hoàn cảnh sống ở đời chưa phải là tất cả. Vực sâu lớn nhất của cuộc đời chính là từ khước yêu mến.

Chỉ có thái độ quan tâm để ý đến người khác mới có thể tạo nên những cây cầu, những lối đi để từ đó đưa đến sự hiệp thông, đến tình liên đới.

Khi biết quan tâm đến những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đang được bày tỏ trong cuộc đời con người ; khi biết lắng nghe lời giáo huấn của tổ phụ Áp-ra-ham cũng như của các ngôn sứ ; khi biết để ý đến người khác, dù chỉ là những cái nháy mắt, những lời thì thầm, và khi biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa torng những biến cố, thì tất cả đều thay đỗi, tất cả đều dễ thương, tất cả đều trở thành cơ hội để hành động.

Biết để ý quan tâm, biết nhạy cảm, đó là biết bước chân ra khỏi lòng mình đang bị đóng kín với nỗi trống rộng của riêng mình.

Vậy mà, trong cuộc đời, vẫn có biết bao rào cản đã được dựng nên ; vẫn có những người đi qua cuộc đời một cách vô tình, không cần chú ý đến ai khác, vẫn có những tiếng kêu than bị bỏ quên, vẫn có những lời cầu cứu không được đáp trả … Người ta vẫn thường dành nhiều thời giờ để bảo vệ mình hơn là để ý đến người khác. Người ta vẫn không ngừng xây những bức tường kiên cố để che chắn cho mình, đang khi lẽ ra cần phải mở ra những cánh cửa, cửa ra vào lẫn cửa sỗ.

Cuộc đời vẫn có nhiều La-ra-rô đang than thở, bị bỏ quên, trong lúc không ít người giàu có lại lẩn quẩn, lại đóng kín trong những nỗi sợ hãi của riêng mình. Thực là những bức tranh tương phản.

Hôm nay, lúc này là thời gian để ra khỏi mình: hãy mở toang những cánh cửa, những cánh cửa của hiệp thông, của liên đới. Chỉ có những người đang sống mới mở được, những người khác, kể cả người chết sống lại, không thể nào mở được.

* * *

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Người Nghèo,

Chúa chẳng có gì cả,

dù là một viên đá gối đầu.

Chúa chẳng có gì cả,

dù chỉ là một cơn gió nhẹ,

vinh quang của Chúa chính là sự trần trụi

cả một cái áo tả tơi của đứa trẻ mổ côi,

cũng còn đẹp hơn.

…..

Chúa là người ăn xin với bộ mặt ẩn giấu,

là người không có chỗ trên mặt địa cầu.

Nhưng đàng sau sự nghèo khó,

là ánh sáng rực rỡ.

Phỏng theo R.M. Rilke

Về mục lục

.

HẬU QUẢ CỦA VIỆC SỬ DỤNG TIỀN BẠC

Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu

Chủ nhật tuần trước, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Anh em hãy dùng tiền bạc mà mua lấy bạn bè, để khi hết tiền bạc, anh em sẽ được họ mời đón vào sự sống đời đời”.

Chủ nhật hôm nay, Chúa kể dụ ngôn về một người phú hộ giàu có không biết sử dụng tiền bạc, để rồi phải chết đời đời trong chốn cực hình.

Ông phú hộ chịu cực hình trong cõi chết đời đời, không phải ông làm giàu bất chính, chuyên vơ vét và bóc lột người khác. Nhưng chỉ vì ông đã thờ ơ lãnh đạm, không nhìn thấy Lazarô nghèo khó cần giúp đỡ đang nằm ngoài cổng nhà ông mà thôi. Vâng, chỉ đơn giản có thế thôi, đã đủ làm cho ông phải chịu cực hình.

Tiền bạc đã làm mờ mắt tâm hồn ông, khiến ông chỉ nhìn thấy mình mà không nhìn thấy Lazarô. Ông giống như một người soi gương, chỉ thấy hình bóng mình trong gương mà không nhìn thấy người khác.

Tiền bạc đã tạo ra một hố ngăn cách giữa ông và người nghèo Lazarô mà cái cổng là một biểu tượng.

Một bên là thế giới cực kỳ xa hoa dư thừa vận toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Còn bên kia là thế giới nghèo khó bần cùng, nằm lay lắt trước cổng nhà giàu muốn được ăn những của dư thừa từ bàn tiệc của nhà giàu rớt xuống mà chẳng ai thèm cho, chỉ có mấy con chó thỉnh thoảng đến liếm ghẻ chốc xoa dịu, an ủi ông thôi!

Sự phân cách chênh lệnh đó, đã được cái chết đón nhận và thể hiện một cách rõ nét. Chỉ có điều là thay ngôi đổi chủ và mang tính cách vĩnh viễn:

Trước kia Lazarô đói nghèo bất hạnh ước một mẩu bánh vụn cũng không được, giờ đây ông no đầy hạnh phúc đời đời nơi lòng tổ phụ Abraham.

Trước kia người phú hộ giàu có dư thừa, giờ đây phải đói khát túng thiếu đời đời nơi hoả ngục, túng thiếu đến nỗi một giọt nước nhỏ làm mát lưỡi cũng chẳng thể có.

Trước kia trên trần gian, ông phú hộ và Lazarô bị ngăn cách bởi một cái cổng, thì giờ đây giữa họ là một vực thẳm lớn, khiến hai bên không thể qua lại giúp đỡ nhau được. Đó là khoảng cách giữa Thiên đàng và Hoả ngục.

Đối với ông phú hộ thì Hoả ngục chỉ kéo dài và tiếp nối cái tình trạng đói khổ mà vô tình ông đã tạo nên cho người nghèo Lazarô trên trần gian. Như thế, Hoả ngục là do ông tự xây cho mình chứ không phải Thiên Chúa.

Tóm lại: Con người tự tạo lập Thiên đàng hay hoả ngục cho mình ngay từ trên trần gian này tuỳ thuộc vào cách thế con người xử dụng tiền bạc.

Ông phú hộ giàu có một cách chính đáng, nhưng vô tâm vô tính, nhắm mắt làm ngơ, không quan tâm giúp đỡ những người chung quanh đã có một kết cục bi thảm như vậy, thì những người làm giàu một cách bất nhân bất chính, làm giàu trên xương máu, mồ hôi và mạng sống của người khác sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ không khá hơn ông phú hộ trong dụ ngôn Tin mừng.

Lạy Chúa, xin giúp con biết dùng của cải và tài năng Chúa ban để mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho tha nhân ở đời này và đời sau. Amen.

Về mục lục

.

NGƯỜI NGHÈO THIÊN CHÚA CHỌN

An Phong

Tin mừng Chúa Nhật 26 Thường Niên C là dụ ngôn về người giàu có và ông Lazarô nghèo khó. Tin mừng gồm hai phần: phần thứ nhất nói về số phận của con người sau khi chết (c. 19-26); phần thứ hai là cuộc đối thoại của Abraham và người giàu có. Trong phần thứ nhất, số phận của người giàu có cả một đời được sung sướng “vận toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình”, bên cạnh một Lazarô “mình đầy ghẻ chốc” đã bị đảo lộn sau khi chết. “Trong hỏa ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Lazarô trong lòng ngài”. Người giàu có ích kỷ là hình ảnh người không lắng nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa. Họ “lòng chai dạ đá”, không quan tâm đến những bất hạnh của người khác. Trong phần thứ hai, cuộc đối thoại cho thấy con người phải tự nguyện và tự do để hoán cải, chứ không cần đến bất cứ một áp lực nào từ bên ngoài. Hơn nữa, Thiên Chúa đã dự liệu những phương tiện cần thiết để con người có thể hoán cải.

Dụ ngôn này không có ý an ủi những người nghèo khó: “Anh em là những người nghèo ở đời này, hãy can đảm lên, một ngày kia anh em sẽ được lên trời và anh em sẽ được đền bù những khốn khó đời này như Lazarô”. Thật vậy, bài Tin mừng hôm nay không chỉ khích lệ người nghèo khổ hãy cam chịu nghèo khổ hiện tại để được hưởng hạnh phúc đời sau. Chỉ vì lý do nghèo khó vật chất thôi vẫn chưa đủ, cần có nghèo khó tâm hồn “phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5).

Dụ ngôn này cũng không chỉ nói đến cuộc sống bị đảo lộn sau cái chết của hai nhân vật chính: người giàu và người nghèo, nhưng còn nói đến số phận của con người tùy thuộc vào cách sống, cách cư xử với người khác ngay tại trần thế này. Đúng hơn, chỉ có một nhân vật chính là người giàu. Người nghèo Lazarô đã chẳng nói một lời nào từ đầu đến cuối. Cuộc đối thoại giữa Abraham và người giàu cho thấy số phận bi đát của người giàu, nếu họ không chịu hoán cải. Hoán cải ở đây tức là quan tâm và giúp đỡ người nghèo. Đóng cửa lòng mình lại trước những khốn khó của những người chung quanh là một tội lớn. “Khi tôi nghèo, các anh đã không cho ăn, không cho quần áo mặc, không thăm viếng, không giúp đỡ tôi” (Mt 25,41-46).

Hình ảnh Lazarô trong câu chuyện là một hình ảnh đẹp. Ông là một người nghèo hoàn toàn. Ông cần người giàu giúp đỡ. Nhưng, cũng cần phải nói thêm: người giàu cũng cần người nghèo “giúp đỡ”. Lazarô có thể “giúp đỡ” người giàu thoát khỏi tính ích kỷ của mình. Mở rộng tấm lòng, có được một tình yêu vô vị lợi. Thật vậy, con người “quên mình là lúc gặp lại bản thân” (thánh Phanxicô Assissi), cho đi là nhận được. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, Đấng đã tự hiến thân mình cho nhân loại. Thiên Chúa mời gọi con người hoàn thành đời mình theo hình ảnh Thiên Chúa. Bao lâu con người còn ích kỷ, còn đóng cửa lòng mình lại trước những người nghèo khổ, bấy lâu con người vẫn chỉ là một nhân loại “thui chột”, không theo hình ảnh Thiên Chúa.

Cho người nghèo khổ một chỗ đứng trong cuộc đời chúng ta, quan tâm đến họ là một cách thế làm cho đời mình trở nên “giàu có” trước mặt Thiên Chúa. “Mến Chúa yêu người” vẫn mãi là luật vàng Kitô giáo.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con đầy lòng ưu ái,

đầy tình thương cảm đối với tha nhân,

khởi đầu với những người gần chúng con nhất.

Xin dạy chúng con biết chia sẻ nỗi đau khổ

của những người gặp buồn phiền,

biết đỡ gánh nặng của họ,

nhờ vậy mà chúng con được gần gũi với Chúa.

Lạy Chúa,

xin dạy chúng con biết nhìn thấy những người đang đau khổ.

Chúa đang khóc với những giọt nước mắt của họ.

Biết bao tiếng nức nở đã trôi dạt vào đại dương của tình thương.

Xin dạy chúng con biết canh phòng

bên ngưỡng cửa đưa vào lãnh địa mênh mông của khổ đau. Amen.

Về mục lục

.

BẠN HỮU CỦA THIÊN CHÚA

PM. Cao Huy Hoàng

Chúa thương người giàu 

Tôi không bênh vực cho những người giàu có, nhưng thiết nghĩ, trong Tin Mừng theo Thánh Luca 16,19-31 hôm nay, Chúa Giêsu không lên án người phú hộ, nhưng lên án lòng ích kỷ, không bác ái, không thương người của người phú hộ. Ngài có thương những người giàu có đấy chứ. Vì thương, Ngài mới dùng dụ ngôn để cảnh cáo họ, để dạy họ cách sống bác ái để được sống đời đời trong lòng tổ phụ Abraham, theo cách người Do Thái thường suy nghĩ.

Tiên tri Amos cũng đã từng được Thiên Chúa sai đến miền Bắc nước Do Thái , lên tiếng cảnh cáo một xã hội phân hóa trầm trọng giữa giàu và nghèo, mà những người giàu có toa rập với những người có chức có quyền “đang nằm trên giường ngà, thõng thượt trên sạp gụ” “ăn chiên cừu bê để sẵn, nghêu ngao theo cung điệu Davit, uống rượu tô, xức dầu thượng hạng thơm nức”. (Am 6,4-6). Họ đang sống cảnh phong lưu sa đọa mà như một thứ tôn giáo trá hình, thứ tôn giáo mượn danh nghĩa ích nước lợi dân để thu quén bao thành quả của dân nghèo vào tay những ông to ông lớn và ông tư sản. Cái cho đi của họ là một thứ đạo bác ái cho dân nước theo kiểu “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, hoặc “thả con tép bắt con tôm”. Thực ra, Tiên tri Amos trách họ chẳng màng đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc, của đồng bào nhân dân. Họ chỉ biết tiệc tùng say xỉn “chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ” (Am 6,6). Lời cảnh cáo của Amos thật nặng nề dành cho những kẻ giàu có và quyền chức ăn chơi “Chúng sẽ bị lưu đày, đi đầu những kẻ lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phởn”. Lời cảnh cáo của Tiên tri Amos, như vẫn còn nghe đâu đây trong thế giới hôm nay: “ngàn năm mây trắng vẫn bay, mấy ngài lãnh đạo có ngày lãnh đao”. Người giàu có hôm nay cũng giống như thời tiên tri Amos, tập trung hầu hết vào những người có chức có quyền. Bởi vậy ngàn xưa đã có câu: “nhất thế, nhì thân, tam cần, tứ đức”. Giàu nhờ cậy quyền cậy thế nhiều hơn giàu nhờ đức.

Nhưng, dù thế nào đi nữa, thì thiết tưởng, đây vẫn là những lời tình từ lòng yêu thương của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không muốn mất đi một con người nào. Thiên Chúa muốn con người làm giàu cách chân chính, vì những cách làm giàu bất lương, giàu trên xương máu, mồ hôi của kẻ khốn cùng là thứ giàu có tội lỗi, là con đường dẫn đến diệt vong. Người làm giàu chân chính thì cảm thông với người cùng khổ. Còn người làm giàu bất lương, thì tự họ đã bất lương trước khi làm giàu. Nói như Thánh Nicolas: “Người giàu có ích kỷ có thể đốt nhà bạn để luộc cho mình một quả trứng”, cũng vậy, “họ có thể hy sinh một dân tộc, miễn là họ được an thân”. Chúa yêu cầu người giàu thay đổi cách sống: bỏ đi tính ích kỷ nhỏ nhoi, hướng đến tha nhân với tương quan đồng vị, cùng sống với cuộc sống của tha nhân trong bất cứ tình huống nào.

Quả vậy, trong dụ ngôn Tin Mừng, không lẽ “người giàu lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc”, có mắt mà không thấy “Lazaro nghèo khó, mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng nhà ông” ấy sao? Con chó nhà ông còn trông thấy chạy đến liếm ghẻ chốc cho anh ta kia mà! Quả thực người giàu có có thấy, nhưng không động lòng trắc ẩn, vì ông không có lòng trắc ẩn để động. Người nghèo không “khóc than kêu cứu” hay “làm đơn xin” gì cả, nhưng anh ta chỉ nằm đó thôi, đã đủ là một lời xin thống thiết; anh ta cũng không gõ cửa hay kêu gào, nhưng người giàu nếu giàu lòng quảng đại bác ái, giàu lòng trắc ẩn thì đã thấy cảnh tượng thương tâm, đã nghe tiếng gõ nhức nhối tận thâm sâu cõi lòng.

Vậy tôi có thể kính thưa với những người giàu có hôm nay rằng: Chúa không bỏ các bạn đâu, Chúa muốn các bạn làm giàu chân chính. Chúa không kết án các bạn đâu, nhưng qua lời Tiên tri Amos và dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, Chúa đang cho các bạn một cơ hội để mở mắt nhìn những bạn hữu nghèo khó của Thiên Chúa, để mở tai nghe nỗi đau của họ đang kêu gào mà nghẹn ngào không thành tiếng, để mở lòng đón nhận họ như đón nhận chính Đức Kitô, để mở bàn tay ra mà chia sẻ cho họ một cuộc sống đồng nhân vị ở đời nầy, để chính họ sẽ chia cho bạn một chỗ trong lòng tổ phụ Abraham và trong lòng Thiên Chúa mai sau.

Chúa cứu người nghèo 

Với những người nghèo, nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, những người nghèo khổ túng thiếu trong cuộc đời, những cái bang, hiệp khách ăn mày, những người ở đất nước nghèo đội sổ như chúng tôi, thường phấn khởi lắm – phấn khởi vì được Chúa ủi an, nhưng cũng không thiếu cái phấn khởi do tâm lý thỏa mãn lòng ganh ghét bấy lâu nay với những người giàu có, quyền lực. Vì thế, tôi nghĩ trong dụ ngôn nầy, không chỉ những người giàu, mà cả những người nghèo cũng cần phải cảnh giác. Vì điểm chính của Lời Chúa dạy, không phải là giàu hay nghèo, mà là biết chia sẻ hay không biết chia sẻ, quảng đại hay ích kỷ, bác ái vị tha hay hà tiện vị kỷ.

Cái thói quen trả thù của người nghèo cơm áo gạo tiền, nghèo chữ nghĩa là “thấy ai hoạn nạn thì vui mừng”, nhất là những người giàu có, quyền thế, thiếu đạo đức gặp hoạn nạn thì càng mừng hơn- cho là “ông trời có mắt”, “lưới trời lồng lộng” hoặc “Chúa phạt nhãn tiền” . Cách suy nghĩ ấy là không hợp với tinh thần bác ái Kitô Giáo, là có tội. Hơn nữa, dụ ngôn Người Phú Hộ và Lazaro nghèo khó hôm nay, rất dễ đẩy chúng ta vào một xu hướng lạc đề: “chấp nhận cảnh nghèo khổ túng thiếu ở đời nầy để được hạnh phúc ở đời sau”, mà quên một điều quan trọng là : “chính trong cảnh nghèo khổ túng thiếu ấy, chúng ta cũng có bổn phận phải chia sẻ cho nhau”.

Không đợi người giàu thực thi đức bác ái, mà chính người nghèo phải giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật giúp cho người khuyết tật, người tù lo cho người tù, người ổ chuột thương người ổ chuột… như thế mới là đúng tinh thần dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. Người giàu có, có cách chia sẻ của người giàu có, người nghèo khổ cũng có cách giúp đỡ chia sẻ cho nhau; miễn là có một tấm lòng nghĩ đến tha nhân. Một điểm tâm lý khôi hài nữa là: ai cũng nghĩ mình nghèo, không thể giúp đỡ người khác. Họ chỉ có thể giúp đỡ tha nhân khi họ cảm thấy họ dư thừa. Đối với Chúa thì không phải như thế: đồng bạc cuối cùng của bà góa là đồng bạc giá trị. Vì bà đã cho đi chính sự sống còn của bà, và giao phó sự sống còn của bà cho Thiên Chúa. Vì những suy tư trên đây, tôi nghĩ, chúng ta nên sợ cảnh “nghèo lòng bác ái”, vì nghèo lòng bác ái cũng đồng nghĩa với nghèo ba nhân đức quan trọng “Tin Cậy Mến”.

Từ “Lazaro” tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa cứu giúp”. Nhân vật Lazaro là nhân vật hư cấu trong dụ ngôn, đại diện cho những người nghèo khổ, túng thiếu. Nhưng, qua hình ảnh Lazaro, không nên lầm tưởng rằng người nghèo được vui mừng hả dạ vì mấy người giàu “khó vào nước trời” hoặc bị phạt xuống hỏa ngục đời đời..

Ngược lại, là những người nghèo, hãy tạ ơn Chúa cho chúng ta sống trong cảnh nghèo khổ khốn khó, có cơ hội dễ cảm thông và sẻ chia với những người nghèo khổ khốn khó, có cơ hội nhận ra chính chúng ta và những con người nầy là Bạn Hữu Của Thiên Chúa .

Hãy chia sẻ với các bạn của Chúa, như Đức Kitô đã chia sẻ đến tận cùng cuộc sống mình. Và khi không còn gì để chia sẻ, chúng ta sẽ là một Lazaro được “Thiên Chúa cứu giúp”, được ngồi gần các tổ phụ, giữa lòng Abraham và trong cung lòng của Thiên Chúa.  

“Thiên Chúa cứu giúp người nghèo”- không phải những người nghèo vì họ nghèo- nhưng là những người nghèo vì họ đã cho đi tất cả những gì mình có.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết “cho đi tất cả” để được là Bạn Hữu của Thiên Chúa, được “Chúa thương cứu giúp”, được Thiên Chúa đền bù xứng đáng trong Nước Vinh Hiển của Người. A men.

Về mục lục

.

LÒNG NHÂN ĐẠO

Lm. Bùi Mạnh Tín

Chia sẻ tiền của cho những người nghèo đói, đó là một hình thức bác ái cụ thể nhất và luôn được Chúa chúc phúc.

Trong cuộc sống, chúng ta thường phân biệt: công bằng và bác ái.

Công bằng là điều buộc phải tuân giữ, không tuân giữ thì có tội, chẳng hạn: không được bớt xén tiền bạc, không được lấy của kẻ khác, đừng làm hại tài sản của tha nhân, v…v…

Bác ái là nhưng điều không buộc, muốn thì làm không thì thôi, chẳng hạn: cho kẻ nghèo một đồ vật cần dùng, ủng hộ cho cơ quan từ thiện một số tiền,v…v…

Suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy, nếu chỉ làm những việc phải làm, nếu chỉ dừng lại ở mức độ công bình, mà không tiến tới mức độ bác ái, con người vẫn chưa sống xứng với “đạo làm người”, sẽ đánh mất đi “lòng nhân đạo” và sẽ trở thành ích kỷ. Hiểu như vậy, cha ông chúng ta đã thường dùng những câu châm ngôn để nhắc nhở: “Chia cơm xẻ áo”, “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”.

Về phương diện tôn giáo, đặc biệt trong Kitô giáo, bác ái không phải có tính cách “nhiệm ý”, nhưng là một điều luật căn bản và quan trọng, như Chúa Giêsu tuyên bố: “Đây là một giới răn mới”. Là một điều luật, một giới răn, bác ái mang tính cách bắt buộc, và mọi Kitô hữu phải tuân giữ. Để nhấn mạnh tầm quan trọng này, Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta câu truyện về một nhà phú hộ và Ladarô. Theo câu truyện, nhà phú hộ không làm gì sai đức công bằng: không gian tham, không trộm cắp, không bớt xén tiền của tha nhân. Nhưng điều tạo nên số phận bất hạnh đời đời cho ông, chính là ông không quan tâm đến Ladarô, một người nghèo và bệnh tật mà ông gặp hằng ngày, không chia sẻ cơm áo cho người anh em trong cảnh túng quẫn đang hiện diện bên ông. Ông chỉ biết phung ph1i tiền của để tạo nên hạnh phúc cho riêng mình. Nói khác, ông sống ích kỷ. Ở đây, chúng ta cũng nên nhớ lại quang cảnh ngày phát xét chung, do chính Chúa Giêsu mô tả (Mt 25:31-46). Định mệnh đời sau của mỗi người hầu như tùy thuộc hoàn toàn vào tinh thần bác ái – có nghĩa là, tất cả những việc tốt chúng ta làm cho tha nhân, dù âm thầm và nhỏ bé, cũng luôn mang giá trị cứu độ và đóng góp vào hạnh phúc mai sau. Bác ái, như Chúa Giêsu cho biết, là con đường bảo đảm nhất dẫn vào Nước Trời. Hơn thế, Chúa cho thấy những ích lợi của bác ái ngay trong cuộc sống này.

Bà goá miền Sarepta, vì biết chia sẻ nước uống và bánh cho tiên tri Isai, đã được Thiên Chúa cứu sống qua thời gian hạn hán, bằng cách làm cho hũ bột và bình dầu của bà không bao giờ vơi cạn (xem 1 Các Vua, 17). Tabitha được thánh Phêrô cho sống lại, “vì bà là người đã làm nhiều việc tốt và việc bố thí đối với tha nhân” (xem TĐCV 9:36-42). Cùng với lời cầu nguyện và ăn chay, sự bố thí rộng lượng của Monica đã đem con trai của bà là Augustinô về với Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng ta biết “dùng của cải đời này để mua sắm nước Thiên đàng đời sau.”

Về mục lục

.

BÁC ÁI CỤ THỂ

Lm. Thanh Minh

Chắc hẳn ai trong chúng ta lúc học giáo lý đều hiểu rõ đức bác ái là cốt tủy của đạo thánh Chúa: “Mười điều răn Đức Chúa Trời tóm về hai nầy mà chớ: “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy”. Trong ba năm rao giảng nước trời Đức Chúa Giêsu đã huấn dụ rất nhiều về Đức bác ái như bài giảng trên núi (xem Mt chương 5), dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 29-37), diễn từ chung luận về ngày tận thế (xem Mt. 25, 31-46), dụ ngôn về người phú hộ và Ladarô hôm nay (Lc 16, 19-31). Và nhất là lời trối trăng di chúc của Ngài trong bữa tiệc ly tối thứ năm trước khi bước vào giờ tử nạn: “Thầy truyền cho chúng con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con, nhờ đó thiên hạ sẽ nhận ra các con là môn đệ của thầy” (Ga 13, 34-35)

Quảng diễn giáo thuyết của thầy chí thánh, thánh Phaolô đã ca lên trong bài ca đức ái (xem 1Cor 13) và Ngài đã khẳng quyết: “Yêu thương anh em là chu toàn lề luật”.

Tiên tri Amos trong bài đọc 1 đã nói với những người phú quý giàu sang rằng vì họ xưa kia đã được sung sướng no đầy nên nay phải bị lưu đày.

Người phú hộ trong bài Phúc Âm, thuở sinh tiền đã sống trong nhung lụa giàu sang phung phí yến tiệc linh đình mà khinh chê rẻ rúng người hành khất đáng thương Ladarô túc trực bên vỉa hè, do đó ngày nay bị trầm luân muôn kiếp trong lửa hỏa ngục, còn Ladarô suốt đời cực khổ, sống chẳng ra người thì nay được hưởng phần thưởng trên nước Thiên đàng với tổ phụ Abraham.

Đây là một câu chuyện nửa dụ ngôn, nửa thực tế, đáng chúng ta run sợ xét lại mức độ thực thi bác ái cụ thể của mình.

Về mục lục

.

HỌ ĐÃ CÓ MÔISEN VÀ CÁC TIÊN TRI

Lm. Cao Tấn Tĩnh

Nếu bài Phúc Âm Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên Năm C tuần trước Chúa Giêsu nói với các môn đệ về việc các vị cần phải có tinh thần trung tín như một người quản gia hết mình phục vụ Nhà Chúa, không làm tôi hai chủ, thì bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVI tuần này, Người nói với nhóm Pharisiêu về dụ ngôn người phú hộ và Ladarô. Tại sao Chúa Giêsu không nói dụ ngôn này với các môn đệ của Người, hay với chung dân chúng, hoặc với thánh phần thượng tế và kỳ lão lãnh đạo dân Do Thái, mà lại nói riêng với nhóm Pharisiêu? Để trả lời cho vấn đề vừa được đặt ra ở đây, cũng như nhờ đó để hiểu rõ hơn bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta cần đọc lại đoạn Phúc Âm Giáo Hội không muốn cho đọc, đoạn Phúc Âm giữa bài Phúc Âm lần trước và lần này. Chúng ta nhớ lại là bài Phúc Âm tuần trước được kết thúc ở câu Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”. Bởi thế, ngay sau câu này, Phúc Âm Thánh Luca viết tiếp là: “Những người Pharisiêu, thành phần tham lam, nghe thấy tất cả những điều ấy thì cười nhạo Người”. Như thế, sở dĩ Chúa Giêsu nói dụ ngôn này cho riêng nhóm Pharisiêu chẳng những vì họ là “thành phần tham lam”, mà còn vì họ đã “cười nhạo Người”, nghĩa là không tin lời Người khẳng định “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”, vì họ cho rằng, dù cho họ có thực sự tham lam đi nữa, nhưng, như dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện trong Phúc Âm Thánh Luca cho thấy, họ vẫn giữ đủ mọi luật lệ dâng cúng theo lề luật, tức là họ vẫn có thể được rỗi.

Nói với nhóm Pharisiêu dụ ngôn người phú hộ và Ladarô này, Chúa Giêsu như muốn chỉnh lại ảo tưởng vô cùng nguy hại này của họ, như muốn ngầm nói với họ rằng: Thế thì các người hay nghe dụ ngôn sau đây và hãy suy nghĩ cho kỹ, chứ đừng có mà tưởng bở, kẻo sẽ bị lãnh số phận vô cùng bất hạnh như người phú hộ trong dụ ngôn đó. Thật vậy, nếu Chúa Giêsu nói với nhóm Pharisiêu dụ ngôn này thì nhà phú hộ trong dụ ngôn chính là hình ảnh sống động của họ, và Ladarô trong dụ ngôn còn ai hơn là hạng người tội lỗi, được hiện thân nơi người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, hạng người đáng khinh bỉ dưới con mắt ngạo mạn của người Pharisiêu cũng đang cầu nguyện trong đền thờ bấy giờ. Qua dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy hai cảnh hoàn toàn trái ngược nhau, chẳng những ở đời này, một người giầu sang phú quí là người phú hộ, và một người thì cùng cực khổ đau là Ladarô, mà còn ở đời sau nữa, người phú hộ thì bị muôn đời trầm luân khốn nạn, còn Ladarô thì được ngàn thu vinh phúc. Tại sao người phú hộ trong dụ ngôn bị hư đi và Ladarô cùng khổ được cứu độ? Phải chăng chỉ vì người phú hộ giầu sang phú quí đến nỗi đã phũ phàng hất hủi Ladarô khi còn sống? Và phải chăng Ladarô được cứu độ chỉ vì cảnh cùng khổ của Ladarô trên trần thế?

Trước hết, về số phận hư đi đời đời của người phú hộ đã được xác định rõ trong dụ ngôn, ở câu: “Người phú hộ chịu cực hình trong chốn kẻ chết, ngước mắt lên thấy Abraham từ xa và Ladarô đang nghỉ ngơi trong lòng ông… Abraham đáp lời hắn: Giữa ngươi và chúng ta có một vực sâu thăm thẳm ngăn cách, không ai có thể từ đây sang đó hay không ai có thể từ đó sang đây”. Thế nhưng, số phận bị đời đời hư đi “trong chốn kẻ chết” đây của người phú hộ chẳng lẽ, như lời Abraham nói với hắn, là vì “hỡi con, con hãy nhớ rằng con đã được may lành trong cuộc sống”. Như thế, số phận “may lành trong cuộc sống” nói chung chẳng lẽ lại chính là cớ làm cho con người hư đi đời đời hay sao? Phải chăng cũng chính vì thế Chúa Giêsu đã khẳng định trong Phúc Am Thánh Luca đoạn 6 câu 24 về cái khốn đầu tiên trong tứ khốn là: “Khốn cho các người là những kẻ giầu có, vì giờ đây các người đã được an ủi rồi”. Như thế thì đúng là cái khốn của thành phần giầu có là ở chỗ “được an ủi”, “được may lành trong cuộc sống”! Tại sao? Nếu không phải vì tình trạng “được an ủi”, “được may lành trong cuộc sống” này sẽ dễ làm cho lòng tham vô đáy của con người nơi họ chỉ nghĩ đến hưởng thụ mà thôi. Thái độ “chỉ nghĩ đến hưởng thụ” này của thành phần tham lam giầu có cũng được Chúa Giêsu đề cập đến ở một dụ ngôn Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm Thánh Luca Chúa Nhật Thường Niên XVIII Năm C, cách đây 9 tuần, đó là trường hợp của “một người giầu có được mùa” liền nghĩ cách tích chứa những gì thặng dư của mình, sau đó anh ta tự nhủ mình như sau: “Hãy sống thoải mái! An cho ngon, uống cho đã. Hưởng cuộc đời”. Người phú hộ “ăn mặc lụa là gấm vóc, hằng ngày yến tiệc linh đình” trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVI Thường Niên hôm nay cũng thế, chỉ biết hưởng thụ đến nỗi, như lời Chúa Giêsu diễn tả, không hề biết đến Ladarô là một kẻ cùng khổ ngồi ngay “trước cổng nhà của mình”, nghĩa là ở ngay trước mắt người phú hộ. Bởi thế, cho dù người phú hộ chẳng hề ra mặt khinh khi và phũ phàng hất hủi hay tống cổ Ladarô đi cho khuất mắt, trái lại, chỉ vì ông đã neglect, đã không để ý đến mà thôi, ở chỗ không chịu ra tay giúp đỡ khi có thể, mà bị đời đời hư đi vậy.

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ đơn giản có thế. Bởi vì, số phận hư đi đời đời ở đây còn liên quan đến một vấn đề sâu xa hơn nữa, hay nói cách khác, liên quan đến một nguyên nhân sâu xa khiến cho chung người giầu có, điển hình là người phú hộ trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói với nhóm Pharisiêu ở bài Phúc Âm hôm nay, chỉ biết sống hưởng thụ, ngoài ra không còn biết đến, hay không hề nghĩ đến, tha nhân cùng khổ chung quanh mình nữa. Nguyên nhân sâu xa khiến con người sống vị kỷ trên đời này, cũng là nguyên nhân khiến họ hư đi đời đời đó là gì, nếu không phải chỉ vì họ đã không sống đức tin, hay có đức tin mà không áp dụng, một đức tin phải được thể hiện qua việc thực thi bác ái, như nguyên tắc Thánh Phaolô đề ra trong Thư gửi Giáo Đoàn Galata đoạn 5 câu 6: “Đức tin hoạt động qua đức ái”. Đó là lý do, để trả lời cho lời yêu cầu của người phú hộ xin cho người chết hiện về báo cho 5 người anh em của hắn biết về số phận vô cùng khốn nạn để họ khỏi bị chung số phận đời đời trầm luân như hắn, vị tổ phụ đã trả lời với hắn là: “Họ đã có Moisen và các tiên tri… Nếu họ không nghe Moisen và các tiên tri thì dù kẻ chết có hiện về họ cũng không tin”. Mà toàn bộ luật Moisen và lời các tiên tri dạy gì, nếu không phải được tóm gọn trong tinh thần mến Chúa yêu người, đúng như Chúa Giêsu đã xác nhận trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 22 câu 40: “Toàn thể lề luật và lời các tiên tri được dựa vào hai giới răn này”. Vậy thành phần hư đi nói chung chính là thành phần không mến Chúa yêu người. Ap dụng lời Chúa vào trường hợp người phú hộ trong dụ ngôn hôm nay thì sở dĩ hắn có bị vĩnh viễn hư đi cũng chỉ vì hắn không mến Chúa yêu người. Mà lòng mến Chúa được thể hiện qua đức bác ái yêu thương, tức không biết yêu nhau thì không thể nào mến Chúa, trái lại, “họ chỉ là kẻ nói dối”, như Thánh Gioan xác nhận Thư Thứ Nhất của ngài ở đoạn 4 câu 20. Vậy người phú hộ, hiện thân của nhóm Pharisiêu, dù có giữ lề luật tỉ mỉ, những việc liên quan đến lòng mến Chúa, song không tỏ lòng yêu thương tha nhân trong tầm tay của mình, trái lại, còn ra mặt khinh bỉ những người tội lỗi, thì thực sự họ không sống trong chân lý, sống giả tạo trước nhan Thiên Chúa.

Nếu người phú hộ bị muôn đời trầm luân vì không sống đức tin, được thể hiện qua việc mến Chúa yêu người, thì Ladarô được rỗi chắc chắn cũng phải có đức tin, cũng phải mến Chúa yêu người, chứ không phải chỉ ở trong cảnh cùng khổ là tự nhiên hay tất nhiên sẽ được cứu độ. Hình ảnh Ladarô ngồi trong lòng tổ phụ Abraham là cha của những kẻ tin tưởng cũng đủ chứng tỏ Ladarô đã sống đức tin trong đời này. Tuy Phúc Âm không kể lại rõ ràng những cách thức Ladarô chứng tỏ đức tin của mình, chứng tỏ lòng mến Chúa yêu người của mình, ngoại trừ cho thấy hình ảnh của một Ladarô âm thầm chịu đựng nỗi cùng cực khổ đau của anh ta về phần xác, như bị chó đến liếm tấm thân ghẻ lở cùng mình, mà còn chấp nhận cả những bất hạnh, nhục nhã bởi cùng khổ mà ra, như bị đồng loại khinh bỉ, bỏ rơi, quên lãng, song anh vẫn hoàn toàn không hề than thân, trách phận, oán trời, hận đời v.v. Thế nhưng, trong bài Phúc Am theo Thánh Luca Chúa Nhật XXVI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay Chúa Giêsu không quan trọng hoá số phận của Ladarô cho bằng của người phú hộ. Vì Người cố ý nói dụ ngôn này với thành phần Pharisiêu là thành phần chẳng những tham lam, chỉ biết sống cho mình, mà còn bị mù tối bởi ảo tưởng về việc tự công chính hóa của họ, đến nỗi, đã tỏ ra không tin tưởng Người, ở chỗ, cười nhạo lời Người khẳng định với các môn đệ trong bài Phúc Am tuần trước, đó là: “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”. Phúc Âm Thánh Luca không thuật lại cho chúng ta biết phản ứng của những người Pharisiêu sau khi nghe dụ ngôn người phú hộ này ra sao, nhưng theo thực tế sống đời và kinh nghiệm sống đạo, ai trong chúng ta dám phủ nhận lời Chúa Giêsu, hay dám chứng minh ngược lại những gì Chúa nói không còn công hiệu hay giá trị nữa, lời Người phán: “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”.

Vấn đề thực hành sống đạo: Nếu quả thực người phú hộ trong bài Phúc Am Chúa Nhật XXVI Mùa Thường Niên theo Thánh Luca Năm C hôm nay bị hư đi đời đời chỉ vì ông ta không có đức ái với tha nhân, ở chỗ, có khả năng mà không chịu ra tay giúp người, chứ không phải lỗi phạm đức ái với tha nhân, như hiếp dâm, sát nhân hay trộm cắp v.v., thì phải chăng chỉ cần loài người chúng ta nói chung, và Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô chúng ta nói riêng, không có bác ái, như không có hay không mặc áo cưới khi được mời đến dự tiệc cưới Nước Trời (xem Mt 22:11-12), thì sẽ bị trầm luân muôn kiếp, như thành phần dê không chịu phục vụ Chúa nơi đồng loại của mình trong ngày chung thẩm (xem Mt 25:42-43)?

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...