24/07/2022
1708

CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN_C

Lời Chúa: St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13

 

Mục lục (2022)

1. Tình Cha  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Hãy tin và hãy xin (Lm. Jos DĐH. Gp. Xuân Lộc)

3. Hãy xin sẽ được  (Lm. Thái Nguyên)

4. Lạy Cha chúng con  (Jorathe Nắng Tím)

5. Được gọi Chúa là Cha (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

6. Nhiêu khê  (Lm. Vũ Đình Tường)

7. Xin Thầy dạy con cầu nguyện  (Bông Hồng Nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức)

8. Cầu nguyện  (Thiên San, Học viện MTG.Thủ Đức)

9. Đọc ngược kinh Lạy Cha (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

10. Lời kinh đẹp nhất (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)

11. Chúa ban phúc lộc dồi dào (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

12. Suy niệm Chúa Nhật 17 TN_C (Lm. Phạm Hồng Thái)



 

TÌNH CHA

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Trong cuộc sống thực tế, người cha thường hay nghiêm khắc đối với con cái, nhưng lại dạt dào tình thương. Nói đúng hơn, cách thể hiện tình cảm của người cha khác với người mẹ. Tuy vậy, tình cha không kém gì tình mẹ, vừa rộng mở, vừa bao dung. Nếu có nghiêm khắc, là vì muốn cho con nên người, bởi lẽ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Cũng trong quan niệm thông thường của người Việt Nam, chữ “tình” rất quan trọng. “Trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Vì tình nghĩa, người ta dễ dàng bỏ qua những thiếu sót, “chín bỏ làm mười”, để quên đi quá khứ và sống hài hoà với nhau trong một làng, một xóm hoặc một đại gia đình.

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được xưng tụng là Cha. Ngài rất khiêm khắc đối với tội nhân, nhưng lại bao dung đối với những ai thành tâm sám hối. Ngài là Đấng “nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6). Câu chuyện ông Abraham “mặc cả” với Chúa đã diễn tả lòng nhân từ của Ngài. Thời đó, dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra sống trong tội lỗi và sa đọa, khiến Thiên Chúa bừng bừng nổi giận. Ngài quyết định sẽ trừng phạt họ. Ông Abraham đã “năn nỉ” với Chúa và dần dần từng bước hạ thấp điều kiện. Từ con số năm mươi người công chính, ông đã hạ xuống chỉ còn mười người, nhờ đó mà Chúa thay đổi ý định trừng phạt. Thiên Chúa đã bớt giận trước lời nài xin của ông Abraham và Ngài đã đồng ý: nếu có được mười người công chính thì Ngài sẽ không tru diệt hai thành này. Tác giả sách Sáng thế đã dùng lối văn “như nhân” để diễn tả Thiên Chúa. Ngài nguôi giận trước sự van xin của con người. Nếu đọc tiếp đoạn Sách thánh này, chúng ta sẽ thấy, điều kiện có mười người công chính cũng không đạt được. Thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra đã bị lửa diêm sinh từ trời thiêu rụi. Tất cả đã bị tru diệt, chỉ trừ gia đình ông Lót, là người kính sợ Chúa. Khi vừa chạy khỏi thành, bà vợ ông Lót, vì tiếc của quay lại, bỗng hoá thành tượng muối.

Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn trước sự xúc phạm của con người, thì con người cũng phải kiên nhẫn cậy trông để thoát khỏi trừng phạt. Người hàng xóm trong Tin Mừng thánh Luca đã kiên trì nhẫn nại để vay bánh vào lúc nửa đêm. Sự kiên trì đã làm thay đổi lòng chai đá của chủ nhà, mà trỗi dậy lấy bánh cho người hàng xóm. Chúa Giêsu đã dùng một tình huống đời thường để liên hệ đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu người thường còn làm thế, huống chi Cha trên trời. Hãy kiên trì cầu nguyện. Hãy phó thác nơi Thiên Chúa những lo lắng của cuộc đời. Ba động từ được Chúa Giêsu nhắc tới, đó là: xin, tìm, gõ cửa. Cả ba hành động này đều diễn tả sự kiên nhẫn, lòng cậy trông và tin tưởng phó thác. Thiên Chúa là Cha nhân từ. Ngài luôn lắng nghe những ước nguyện chân thành của chúng ta.

Cầu nguyện làm nên cốt lõi đời sống người tin Chúa. Vì cầu nguyện chính là than thở với Ngài, để trình bày với Ngài về nỗi niềm nhân thế. Cầu nguyện cũng là xin Chúa đỡ nâng trên đường đời còn mang nhiều truân chuyên. Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện. Lời Kinh “Lạy Cha” diễn tả mối dây thiêng liêng giữa Thiên Chúa và người tín hữu. Chỉ có Chúa Giêsu mới được gọi Thiên Chúa là Cha, vì Người là Con của Chúa Cha, như Người nhiều lần khẳng định. Lời cầu nguyện mà Người dạy các môn đệ khởi đầu bằng hai chữ “Lạy Cha”, hoặc “Thưa Cha”, hoặc “Cha ơi”. Như vậy, Chúa Giêsu đã cho phép chúng ta gọi Chúa là Cha, giống như bản thân Người. Nói cách khác, nhờ Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu, và với Chúa Giêsu mà chúng ta được gọi Chúa là Cha với tâm tình thân thương trìu mến.

Nếu chúng ta mạnh dạn đến với Chúa và thân thưa với Ngài: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, là nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá.  Thánh Phaolô nói với chúng ta: trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi mọi chướng ngại ngăn bước chúng ta đến gần Thiên Chúa.

Khác với lối cầu nguyện kể lể dài dòng và nhằm phô trương nơi những người biệt phái đã bị Chúa Giêsu kịch liệt lên án, kinh Lạy Cha ngắn gọn, đơn sơ mà lại mang nội dung rất phong phú. Đây là tâm tình đơn sơ của người con thảo thân thưa với Chúa. Điều cầu nguyện ưu tiên là ước mong cho vinh quang Chúa tỏ hiện giữa lòng nhân thế, để mọi người trên thế giới nhận biết Chúa là Cha vinh hiển quyền năng. Tiếp đó là những ý cầu nguyện xin cho bản thân và cho những người anh chị em bạn hữu. “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Lời kinh khiêm tốn nhẹ nhàng, vừa hướng chúng ta về Chúa, vừa liên kết chúng ta với tha nhân. Lời kinh cũng thể hiện thiện chí sống hài hoà với mọi người nhờ ơn Chúa, để có được trái tim bao dung như Ngài.

Với tâm tình yêu mến, phó thác và cậy trông, chúng ta cùng thưa với Chúa; “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Chắc chắn lời kinh sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an, trong mọi tình huống của cuộc đời.

Về mục lục

HÃY TIN VÀ HÃY XIN

Lm. Jos DĐH.

Người xưa có câu: phải cầu xin là nhục, phải khuất phục là hèn. (Khổng Tử). Thực tế mỗi người phải đi bằng chính đôi chân của mình, phải sống bằng thực lực của mình, không ai chấp nhận bạn đầu hàng số phận. Nếu đường đi lối lại thuộc về bạn, bạn phải bước đi, người khác chỉ có thể cùng đồng hành với bạn. Sống trong cơ chế xin cho: người nghèo xin người giầu, kẻ dưới xin cấp trên, qua sông phải luỵ đò là thế. Vâng, cứ đi đi, cứ ngã đi, rồi bạn sẽ biết cách phải tự đứng dạy. Đồng ý rằng: cuộc sống quá phức tạp, vấp ngã, không phải là khó hiểu, người tình có thể bỏ rơi ta, bạn thân có thể nghi ngờ lòng tốt của ta, nhưng đứng lên là do sức mạnh nội tâm của ta. Ví như các vận động viên chuyên chăm tập luyện, các ca sĩ kiêng khem, luyện giọng, ít là vì danh hiệu, vì nghệ sĩ cần phải sống mãi với các “fan” hâm mộ của mình.

Cứ theo suy nghĩ tự nhiên: kẻ đói xin ăn, người giầu xin danh tiếng, ốm đau bệnh tật thì xin gặp thầy gặp thuốc, vậy những người tài giỏi, khoẻ mạnh, có phải họ không cần nói lời xin bao giờ ? Theo diễn tiến của đoạn tin mừng hôm nay, ngoài cơm bánh vật chất, địa vị danh vọng, người ta còn có nhu cầu tâm linh thật quan trọng. “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ ông”. Không xin bạc vàng, công danh, nhưng xin biết cầu nguyện, xin cho biết thân thưa với Thiên Chúa, đúng và đẹp, xin như thế, có phải người đời sẽ cho là khờ dại, vớ vẩn không ? Trò tin Thầy tài giỏi đức độ, con cái tin cha mẹ yêu thương, hẳn họ sẽ bày tỏ lòng mến và xin điều cần xin. Cũng vì hết sức thiết thực, Thầy Giêsu chỉ dạy các học trò cầu nguyện, xin ơn, Thầy còn đưa ra một minh hoạ về câu chuyện xin bánh giữa đêm khuya.

Hãy tin và hãy xin, hãy yêu và đừng hỏi tại sao phải sống yêu thương, hãy tin Thiên Chúa là Cha giầu lòng xót thương, qua đó ta không phải “lăn tăn” việc thành bại, tại sao lại có câu: cho vàng cho bạc không bằng chỉ đàng đi buôn. Chỉ những ai thật sự khôn ngoan mới đủ thấm lời dạy: người không học như ngọc không mài. Chỉ những ai tự mãn kiêu căng, không thành ý, không tham vấn, không cầu xin ai bao giờ mới nói: nhịn thì nhục mà cự thì gục. Hãy tin, hãy xin, vì “không người cha nào khi con cái mình xin bánh, mà cho nó hòn đá, xin trứng, lại cho nó con bọ cạp” ? Tin tưởng, xin ơn, chắc không đấng bậc nào đòi hỏi con cái phải dồi dào kỹ thuật, nhất là khi chúng đã biết đặt mình trước sự khiêm tốn thành khẩn. Xưa, người ta nói con người chỉ đẹp khi là trẻ thơ, trong hình ảnh thiên thần. Nay, người ta nói con người chỉ đẹp khi ở trên mạng xã hội, với những thủ thuật tẩy xoá, giả tạo …

Cổ nhân có câu: dịu dàng mà không nhu nhược, dịu dàng mà vẫn cương quyết, đó là bí ẩn của phụ nữ. Thánh nữ Rosalima năm xưa vừa dịu hiền vừa quyết đoán, Thánh nhân thường hãm mình, ăn ít, ngủ ít, để có nhiều thời giờ tâm sự, cầu nguyện với Chúa. Lời tâm sự của thánh nữ rất chân thành: ôi Chúa Giêsu đáng mến biết bao, cho đến khi nào con mới biết yêu mến Ngài cho đủ ? Kẻ nào không yêu mến Chúa, thì hoặc vì họ chưa biết Ngài, hoặc họ là người không có trái tim bằng thịt. Vì xót thương dân thành Sôđôma, Abraham cầu xin, thương lượng cùng Thiên Chúa: giả như tìm được mười người công chính trong thành Chúa có tha cho họ không ? Chính niềm tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa quyền năng và giầu lòng xót thương, ông Abraham và nhân loại được nghe: “vì mười đó, Ta sẽ không phá huỷ thành Sôđôma”.

Hãy tin, hãy xin, không phải đó là dấu chỉ kẻ nhu nhược yếu mềm, mà là nét đẹp của bậc hiền nhân quân tử: người có đức là vua, người có tài là nô bộc. Người có phúc có đức, vẫn được xem là dễ dàng hơn trong việc sống thảo sống hiếu với bậc sinh thành, ít ra vì niềm tin: có đức ắt có phúc, có phúc ắt có phần. Hình ảnh người bạn xin bánh vào đêm khuya, được đáp ứng, hình ảnh bậc làm cha mẹ, không từ chối khi con mình xin trứng xin cá, tất cả là vì yêu vì thương. Đức Giêsu còn dẫn người môn đệ đi xa hơn: “nếu các con là những kẻ gian ác còn biết cho con cái mình của tốt, phương chi Cha các con trên trời lẽ nào lại không ban Thánh Thần cho kẻ kêu xin Người”. Vấn đề tin, không thể chuẩn và đẹp khi chưa sống, chưa thực hành, vấn đề xin không thể hợp lý và có lý, nếu chỉ dừng lại trên môi miệng, hình thức.

Người xưa thật tinh tế và dồi dào kinh nghiệm: mẹ yêu con bằng trái tim, cha yêu con bằng bờ vai vững chắc. Đức Giêsu yêu các học trò không hệ tại roi vọt hay ngọt bùi, mà bằng chính gương sáng của niềm tin Thiên Chúa là Cha và hãy nhẫn nại trong nguyện xin. Hãy tin Đức Giêsu là Thầy, là Thiên Chúa cứu độ, hãy nài xin tình yêu của Chúa hiện diện, ở mãi trong các tương quan gia đình và xã hội. Tiền nhân chỉ dạy chúng ta: ở chọn nơi chơi chọn bạn. Một người bạn tốt là người bạn luôn mỉm cười khi ta cười, vui khi ta vui, nhưng sẽ không khóc khi ta khóc, bởi lúc đó họ phải nắm tay và bảo vệ ta, người bạn tốt đó, nhất định phải là tình Thầy Giêsu. Hãy tin, hãy xin, vì chính Thầy truyền dạy: “ai xin sẽ được, ai tìm sẽ gặp, ai gõ sẽ mở cho”. Amen.

Về mục lục

HÃY XIN SẼ ĐƯỢC

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Khi thấy Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ cũng xin Thầy dạy cho biết cách cầu nguyện. Ngài đã dạy các ông kinh Lạy Cha, là lời kinh tuyệt vời, vì đó chính tâm tình sống ngập tràn tình yêu mến của Ngài đối với Chúa Cha. Theo thánh Luca, phần đầu của lời nguyện là cầu cho danh thánh Cha vinh hiển và Triều Đại Cha mau đến, nghĩa là cho mọi người được nhận biết quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Thật ra, Thiên Chúa là Đấng sung mãn và đầy tràn vinh quang, không ai thêm bớt gì được nơi Người; Người là sự sống vô biên và là nguồn mạch mọi ơn lành, nên khi con người được nhận biết, thì đó là diễm phúc cho cuộc đời họ. Hơn nữa, khát vọng sâu thẳm của con người chính là Thiên Chúa, Đấng là khởi nguyên và là cùng đích của mọi loài mọi vật. Tiếp theo là xin cho lương thực hằng ngày; xin ơn tha thứ và biết thứ tha, nhất là xin đừng bị sa chước cám dỗ.

Trong lời kinh này, điều lạ lùng và hết sức ngạc nhiên là Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha: “Ba ơi!”. Tiếng gọi đó làm rúng động trái tim loài người chúng ta trước tình thương bao la của Thiên Chúa. Tiếng “Cha” ở đây không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa thâm sâu và mầu nhiệm. Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Ngài cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa rất riêng tư và thân thiết với Cha.

Qua Kinh Lạy Cha, chúng ta còn khám phá ra mọi người đều là anh em có cùng một Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha chúng con” chứ không Lạy Cha của con. Vì là anh em với nhau trong một gia đình của Thiên Chúa, nên mọi người phải sống tình liên đới và có trách nhiệm với nhau trên mọi phương diện, cả trong lời cầu nguyện. Từ nền tảng này, câu “Tứ hải giai huynh đệ” mới có một ý nghĩa thiêng liêng cao vượt, chứ không chỉ là một liên hệ bề ngoài mang tính xã hội. Tổ phụ Abraham đã thực hiện tình liên đới đó khi tha thiết cầu xin cho thành Sôđôma khỏi bị phạt vì tội lỗi của họ quá nặng nề. Ông đã mặc cả với Chúa rằng, nếu trong thành có 50 người công chính thì xin Chúa tha cho cả thành. Chúa đồng ý, nhưng rồi ông phải hạ xuống dần dần còn 10 người. Rất tiếc là Abraham đã dừng lại ở con số đó, không dám tiến xa hơn vào lòng thương xót của Thiên Chúa (x. St 18, 20-32).

Sau kinh Lạy Cha, Đức Giêsu khuyến khích chúng ta hãy xin, hãy tìm và hãy gõ cửa. Ngài mời gọi ta hãy hành động tích cực chứ không thụ động ngồi chờ. Nhưng có khi vì tự phụ mà ta không xin nên không được; có khi vì ta lười biếng mà không tìm nên ta không gặp; có khi vì ta nhút nhát không gõ cửa nên không được mở cho.

Qua dụ ngôn người bạn bị quấy rầy, Đức Giêsu còn dạy phải kiên trì khi cầu xin, để tăng thêm ước muốn của ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Chúa ban. Nếu ta không nhận được điều mình xin, không phải là Chúa không ban, nhưng có thể điều cầu xin ấy không có lợi mà còn có hại cho tâm hồn ta, hoặc Ngài muốn dành cho ta một ơn lớn lao hơn. Trong sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa là Cha từ ái, Ngài biết phải ban ơn gì và ban như thế nào để làm triển nở cuộc đời ta.

Cầu xin không phải để cho được điều mình mong ước, mà còn để đạt tới những gì Chúa ước mong. Cầu xin chủ yếu là để nối kết thân tình với Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự trong ta, Đấng đang kết dệt nên cuộc đời ta và đưa ta vào chương trình tình yêu cứu độ của Ngài. Hiểu như thế để ta ra khỏi những bận tâm chật hẹp của bản thân, để thấy những nhu cầu lớn lao của tha nhân và Giáo hội. Cũng đừng quên rằng, ơn cao cả nhất mà Cha muốn ban cho ta là Chúa Thánh Thần. Có Thánh Thần là có niềm vui, có sức mạnh, có ánh sáng và sự sống mới. Đó là sự sống của Đức Kitô đang hình thành nơi mỗi người chúng ta cho tới khi đạt tới tầm mức viên mãn trong Thiên Chúa.

Cần lắng sâu trong cầu nguyện, ta mới biết điều mình phải xin, vì những điều ta xin còn mang nhiều cặn bẩn. Lắm khi ta xin rắn mà không hay. Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp. Chỉ với con mắt đức tin, ta mới biết Chúa đã nhận lời mình rồi, nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn. Với tình yêu mến, thì mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương của Chúa dành cho ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su!
thách đố lớn của đời Ki-tô hữu,
chính là sự thinh lặng của Thiên Chúa,
vì con kêu cầu mà chẳng thấy đâu,
khi gặp khổ đau tinh thần thân xác,
khi thấy người lành gặp bao điều ác,
kẻ vô tội lại bị những hàm oan,
bao người phải than van và nổi loạn,
có thật chăng một Thiên Chúa toàn năng?

Chính Chúa cũng quằn quại trên thập giá,
cảm thấy sự thinh lặng của Chúa Cha,
trước sự gian tà mà không đáp trả,
xem như muốn bỏ cả người Con yêu.

Nhưng Ngài vẫn phó thác trong tay Cha,
biết Cha không hành động như người ta,
Cha không đưa Con xuống khỏi thập giá,
nhưng đã đưa Con ra khỏi nấm mồ,
đó mới là quyền năng Cha thi thố,
để nhờ Con muôn người được cứu độ.

Hôm nay Chúa dạy con cứ việc xin,
và hãy tin chắc rằng Chúa sẽ cho,
không hẳn thỏa mãn điều con cần có,
nhưng lớn lao hơn những gì con nghĩ,
người cha trần thế không cho điều xấu,
huống chi Thiên Chúa là Cha nhân hậu.

Xin cho con cứ tin tưởng thật nhiều,
nhưng hãy để cho Thiên Chúa định liệu,
vì Người biết những gì là tốt nhất,
Người còn ban cho con cả Thánh Thần,
là Đấng thánh hóa suối nguồn hồng ân. Amen.

Về mục lục

LẠY CHA CHÚNG CON

Jorathe Nắng Tím

Tôn giáo nào cũng dạy cầu nguyện, vì cầu nguyện là thực hiện tuơng quan với Đấng Thiêng Liêng mà người tín hữu tôn thờ. Cầu nguyện để chúc tụng, tạ tội, xin ơn… và sự gắn bó giữa Đấng Vô Hình với con người hữu hình, giữa Đấng Tối Cao, Toàn Năng, Tuyệt Đối với phàm nhân tương đối, yếu đuối, mỏng dòn được lớn lên qua cầu nguyện.

Sở dĩ xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện, vì các tông đồ nhìn thấy chung quanh mình nhiều người cầu nguyện, đặc biệt các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và các ông muốn bắt chước họ cầu nguyện. Nhưng nguyên nhân sâu thẳm hơn, đó là từ đáy sâu tâm hồn,  các ông  cảm nhận cầu nguyện là một nhu cầu không thể thiếu.

Và Đức Giêsu đã dạy các ông cầu nguyện. Nhưng khi dạy các ông cầu nguyện:  “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11,2-4), Đức Giêsu đã không dạy các ông một công thức cầu nguyện khô khan, cứng nhắc, kiểu bấm nút tự động thì ơn lành sẽ tuôn ra; cũng không dạy các ông cầu nguyện như người ta lải nhải một cách vô hồn những lời thần chú mê tín, ma mị, mù qúang, nhưng mặc khải cho các ông Tên của Thiên Chúa.

Tên ấy là “Cha”. Với Tên này Đức Giêsu đã “hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bận khôn ngoan, thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn..” (Lc 10,21); với Tên này, trong vườn Cây Dầu trước giờ bị bắt, Ngài đã bồi hồi khẩn khoản: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con …” (Lc 22,42), vì sứ vụ mặc khải Tên Thiên Chúa là Cha chính là mục đích của đời Ngài, như Tin Mừng Gioan đã ghi lại trong lời cầu nguyện của Ngài với Chúa Cha: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm”, và  “những kẻ  Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha…”  (Ga 17, 4. 6).

Vì thế, người môn đệ cũng được mời gọi chung tâm tình cầu nguyện với Đức Giêsu, được chia sẻ hạnh phúc gọi Thiên Chúa là Cha và ký thác nơi Ngài mọi tâm tư, ước nguyện như Ápraham đã  nài xin Thiên Chúa tha thứ cho dân thành Xơđôm, “vì tội lỗi của chúng quá nặng nề” (St 18,20), khi ông năn nỉ Chúa rút  số người lành từ năm mươi xuống còn mười người (x. St 18,22-33).

Để làm chứng tình thương bao la, cao vời của người cha Thiên Chúa đối với con cái mình, sau khi dạy các tông đồ cầu nguyện khi thưa với Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con”, Đức Giêsu  khẳng định với các ông: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9-10) khi quả quyết tình yêu tuyệt đối và vô cùng quảng đại của người Cha Thiên Chúa: “Ai trong anh em là một ngưòi cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11, 11-13).

Quả thực, mặc khải quan trọng nhất chúng ta nhận được từ Đức Giêsu chính là  được biết tên Thiên Chúa là “Cha chúng ta”, và  Người thương chúng ta bằng tình cha tuyệt đối của người Cha Thiên Chúa.

Có Thiên Chúa là Cha, chúng ta biết mình được yêu thương, gìn giữ, bao che, bênh vực, nhất là được tự do đến với Ngài, tự do ca tụng Ngài, tự do cầu xin Ngài thương xót, ban ơn, tự do tạ tội với Ngài khi lầm lỗi, mà không sợ hãi, vì “ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14), mà con cái thì không  sợ sệt, chỉ nô lệ mới phải sợ sệt thôi (x. Rm 8, 15). Nói cách khác, chúng ta có tất cả quyền làm con, vì “chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta  và sai Con của Người  đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10), “hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” ( Gl 4,5), được gọi Thiên Chúa “Ápba! Cha ơi!”(Gl 4, 6).

Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ quên Ngài là Cha chúng ta, người Cha yêu thương con mình bằng một tình yêu toàn năng tuyệt đối. Và vì có chung một Cha, nên chúng ta là anh em của nhau, và chung nhau một tâm tình cầu nguyện cho “Danh thánh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10) với lòng khiêm nhường và bền tâm tín thác, trông cậy  ở  tình thương của Cha chúng ta trên trời.

Về mục lục

ĐƯỢC GỌI CHÚA LÀ CHA

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Cuộc sống là vô thường. Không có gì là tồn tại mãi. Có những điều mất đi ta mới thấy hụt hẫng như tình yêu thương của cha, của mẹ dành cho con cái. Khi ở trong vòng tay của mẹ cha ta luôn cảm thấy ấm áp hạnh phúc. Mất đi rồi ta mới thấy nhớ nhung, nuối tiếc không nguôi.

Tôi nhớ có đoạn status viết rằng:

“Bố à! con ước gì bố vẫn ở đây với con. Có nhiều thứ làm con mệt, làm con muốn khóc. Con của bố nhiều khi không mạnh mẽ được như lời bố dặn. Ở một mình con hay khóc lắm vì nhớ bố, vì tủi thân

Con nhớ Bố, Bố ơi”

Và có bạn còn viết rằng:

“Trái đất cứ xoay vòng, thời gian thì cứ trôi, nhưng một điều sẽ mãi mãi không thay đổi, đó là tình thương của cha trong trái tim con. Dù ngần ấy năm trôi qua, con vẫn nhớ về cha mỗi ngày như vậy

Quả thực người cha luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho ta mỗi khi ta thấy mình yếu đuối, va vấp trong cuộc đời; là khung trời cho ta tung cánh bay thật cao…thật xa…với những ước mơ đong đầy….

Thật hạnh phúc cho những ai có một người cha tốt lành. Một người cha luôn ở bên con, lo lắng mọi điều cho con. Một người cha bao dung luôn tha thứ và kiên nhẫn với lỗi lầm của con.

Hôm nay Chúa Giê-su cũng mạc khải cho nhân loại về một Thiên Chúa với danh xưng là Cha. Một người Cha quyền năng và cũng thật tốt lành. Một người cha yêu thương con đến nỗi đã trao tặng cho con người toàn bộ gia sản mà Ngài đã tạo dựng nên. Một người cha chậm bất bình và rất mực từ bi. Ngài có giận trong giây lát nhưng yêu thương thì suốt đời, cho dù con cái có vong ân bội nghĩa, cha vẫn ngày ngày ngóng con trở về và luôn rộng lòng tha thứ khi con quay gót trở về.

Thật hạnh phúc cho chúng ta được làm con Thiên Chúa. Hãy đặt niềm tín thác nơi Chúa. Thiên Chúa như người Cha sẽ luôn lo lắng mọi sự cho con cái. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta vì chính Ngài đã nói: “hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho”.

Chúng ta hãy nhớ tới biết bao người đang đói khổ do mất mùa, do dịch bệnh gây nên.

Chúng ta hãy nhớ tới biết bao người đang thất nghiệp, nhưng còn gánh trên vai nợ nần chồng chất.

Chúng ta hãy nhớ tới biết bao người đang đau yếu bệnh tật, đang thiếu mọi phương tiên cứu sống.

Xin Cha ban lương thực và gìn giữ họ khỏi mọi sự dữ. Xin Cha đoái nhìn đến những thiếu thốn của họ và rộng tay ban phát.

Nguyện xin cho danh Chúa được cả sáng khi con người biết tín thác vào

Về mục lục

NHIÊU KHÊ

Lm Vũđình Tường

Khi cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn, đồng thời cởi mở tấm lòng, tâm sự cùng Chúa. Đôi khi tấm lòng đó là mớ bòng bong rối bời, bao gồm lo lắng, buồn phiền, lo sợ, pha trộn với đau thương, đen tối, thất vọng, ê chề, chan chứa niềm đau của chính mình hoặc của người thân thương. Chúng ta dâng lên Chúa mối bận tâm đó, bởi chúng ta tự nhận mình yếu đuối, không đủ khả năng giúp mình và cần đến ơn Chúa trợ giúp. Chúng ta định thời gian cầu nguyện, nơi chốn và ngay cả cách cầu nguyện. Tuy nhiên kết quả cầu nguyện, nằm ngoài tầm tay ta; điều này hoàn toàn thuộc về Chúa và do Chúa quyết định. Cầu nguyện thường rập khuân theo thói quen, có nghĩa là lập đi, lập lại cùng phong cách, lời cầu. Cuộc sống tâm linh và cuộc sống thường ngày giống nhau ở điểm lập đi, lập lại. Mỗi ngày chúng ta thức dậy đúng giờ, làm cùng một công việc cần làm cho bản thân trước khi bắt đầu một ngày mới. Khi cầu nguyện, chúng ta bắt đầu bằng tâm tình tạ ơn, sau đó chúng ta cởi mở tấm lòng, tâm sự cùng Chúa điều chúng ta cần, bởi chúng rất gần, liên quan đến cuộc sống.

Kinh Lậy Cha, Đức Kitô dậy xin cho lương thực hàng ngày bởi chúng ta cần thực phẩm mỗi ngày. Chúng ta xin Chúa thứ tha tội lỗi bởi con người vừa bất toàn, vừa yếu đuối lại hay chiều theo thân xác. Học từ Thiên Chúa chúng ta cũng cần bỏ qua lỗi lầm thiếu sót của anh em. Đây không phải là một lựa chọn mà là điều phải làm bởi chính chúng ta được Chúa yêu thương, tha thứ. Chúng ta cần thể hiện điều đó với tha nhân. Chúng ta cũng cầu nguyện cho í Chúa được thể hiện để mọi người được sống an vui, hạnh phúc. Í tha nhân thường thay đổi, trong khi í Chúa không bao giờ thay đổi, trước sau như một. Đức Kitô dùng hình ảnh cha mẹ trần thế dù bất toàn còn biết cho con cái điều tốt đẹp. Chúa Cha sẽ ban cho những ai kêu cầu Danh Ngài điều trọn lành, thiện hảo, bởi Ngài là Đấng Thánh. Ngay cả Danh Ngài cũng Chí Thánh vì thế mọi sự đến từ Ngài đều tuyệt vời.

Đức Kitô kể chuyện ba người bạn để nói lên lòng nhân ái Chúa. Người bạn đi đường xa đến nhà anh bạn vào lúc đêm khuya. Chủ nhà không có chi đãi bạn đường xa, anh đến nhà người bạn cùng xóm hỏi mượn của ăn vào giữa đêm khuya. Người bạn đó chính là anh và tôi. Chúng ta được mời gọi dâng lời cầu lên Thiên Chúa bất cứ khi nào chúng ta nhớ đến Chúa, chập tối, giữa đêm hay hoàng hôn. Bất cứ khi nào chúng ta thấy nhu cầu cần cầu nguyện, chúng ta có thể dâng lời cầu xin. Bạn bị thức giấc, lo sợ, phiền muộn giữa đêm, bạn dâng lời cầu xin. Chúa không phiền trách. Đức Kitô còn dậy:

Ai xin sẽ được, tìm sẽ thấy và gõ sẽ mở cho Lc 11,9.

Đây không phải là kinh nghiệm của Kitô hữu bởi ai cũng có kinh nghiệm xin hoài, xin mãi vẫn không nhận được điều mình xin. Điều chắc chắn, rõ ràng là những gì đến từ Chúa đều trọn lành, tốt đẹp, bởi Ngài là Đấng Thánh. Có thể Chúa không ban đúng điều chúng ta xin nhưng ban cho điều khác tốt lành cho ta hơn. Có thể Chúa ban cho sức mạnh nội tâm để vững tin vào Chúa. Có thể Chúa ban ơn khôn ngoan để giải quyết vấn đề. Có thể Chúa ban cho ơn can đảm để chấp nhận sự thật trong đời. Chúng ta xin ơn khôn ngoan biết nhận ra món quà Chúa trao ban.

Chú trọng quá nhiều đến thành quả của cầu nguyện là đặt sai trọng tâm trong cầu nguyện. Trọng tâm của cầu nguyện không phải là nhìn đến kết quả của cầu xin. Trọng tâm của cầu nguyện là liên kết cuộc sống ta với Thiên Chúa; nhận biết Thiên Chúa cùng đồng hành với ta trong mọi hoàn cảnh, tình huống của cuộc sống. Đức Kitô cho biết Chúa Cha biết ta cần những gì ngay cả trước khi chúng ta xin.

Khi cảm thấy điều ta xin bị từ chối, hãy đọc lại dụ ngôn người kia tổ chức tiệc cưới cho con. Ông gởi thiệp mời đến các thân hữu. Mọi người đều viện lí do từ chối. Người thì cần đi xem ruộng định mua, kẻ khác coi nhà bán, kẻ khác nữa đi mua súc vật Lc 14:16-19. Dụ ngôn đặt vấn đề ai từ chối ai? có bao giờ bạn từ chối lời Đức Kitô mời gọi: Hãy theo ta.

Đức kitô không thiếu kinh nghiệm bị người ta loại bỏ, từ chối, trách móc, nhục mạ. Đức Kitô có lần nói, ‘Ta đứng gõ cửa. Ai ra mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta’. K H 3:20.

Cuối bài giảng Đức Kitô cho biết,
‘Cha trên trời ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người’ Lk 11,13
Có Thánh Thần Chúa là có tất cả bởi Thánh Thần sẽ đáp lại lời ta tâm sự.

Về mục lục

XIN THẦY DẠY CON CẦU NGUYỆN

Bông Hồng Nhỏ

Trong suốt hành trình rao giảng, Thầy Giêsu luôn dành thời gian để cầu nguyện cùng Cha. Hình ảnh Thầy Giêsu cầu nguyện đã trở nên thật quen thuộc và đầy lôi cuốn. Người thường cầu nguyện một mình. Từ trước đến nay, Thầy Giêsu chỉ âm thầm làm gương cho các ông, và hôm nay một người môn đệ mới đại diện các anh em ngỏ lời xin Thầy dạy cầu nguyện. Người đã dạy các ông lời cầu nguyện đẹp nhất và khuyên các ông hãy kiên trì trong cầu nguyện.

Lời cầu nguyện mà Thầy Giêsu dạy chính là lời kinh “Lạy Cha” mà ta vẫn thường đọc hằng ngày. Lời ấy hướng tâm hồn ta về Thiên Chúa là Cha, đặt ta trước sứ mạng làm chứng cho Nước Chúa hiển trị ngay ở trần gian bằng chính đời sống yêu thương và tha thứ. Khi cầu xin như thế, người Kitô hữu tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và bày tỏ lòng tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người. Cầu nguyện là sự sống của mỗi người Kitô hữu và cũng là một hành động xuất phát từ một trái tim tràn đầy lòng mến và một đức tin trưởng thành mỗi ngày. Đây không chỉ là một hành động cầu xin đơn thuần nhưng là một sứ mạng thiêng liêng liên quan đến ân sủng. Nghĩa là khi cầu nguyện, ta không dựa vào sức lực và ước muốn riêng nhưng cần mở ra trước ân sủng của Chúa và trung thành dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thầy Giêsu dạy cầu nguyện cho tất cả những ai đang khao khát cầu nguyện. Thánh Luca không nêu rõ danh tính của người ngỏ lời xin Thầy Giêsu dạy cầu nguyện. Người ấy là ai?

Hôm nay, người ấy có thể là một người mẹ quê nghèo khổ đang mắc bệnh nặng. Chị đến với Chúa chỉ đơn giản thưa lên Chúa tâm tình phó thác của mình, bằng sự đơn sơ chân thành, chị đọc lời kinh “Lạy Cha” mà chị đã thuộc lòng từ tấm bé. Ngày này qua ngày khác, chị kiên trì cầu nguyện với Chúa Giêsu. Chị bày tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ, chị lần hạt mỗi ngày để nhờ Mẹ chuyển cầu lên Chúa. Người ấy cũng có thể là một nhà bác học đang cặm cụi với những thí nghiệm, những nghiên cứu của mình. Người ta vẫn có thể bắt gặp ông đang quỳ gối cầu nguyện trong ngôi nhà nguyện nhỏ. Đó cũng có thể là một bác nông dân đang mong chờ cơn mưa đầu mùa. Sau những ngày nắng hạn, cơn mưa tưới mát cả cánh đồng. Nhìn cơn mưa, lòng đầy phấn khởi và hy vọng, bác thầm dâng lên Chúa lời tạ ơn. Người ấy có thể là bất cứ ai – những người khao khát được gặp gỡ Chúa và dâng lên Chúa tâm tình tri ân. Cũng như người kia đến nhà người bạn để xin sự giúp đỡ, anh ta đã nhận được sự giúp đỡ sau khi đã đứng lì ra đó để mà nài xin. Anh không xin cho mình nhưng cho một người bạn lỡ đường. Cầu nguyện đòi hỏi sự kiên trì và hạ mình thẳm sâu.

 Cầu nguyện là hành động của người đang cầu xin sự giúp đỡ, của tâm hồn đang tìm kiếm chân lý, của đôi chân đang ngập ngừng đứng trước cửa và đưa đôi tay gầy guộc để gõ lên cánh cửa đang đóng với hy vọng nó sẽ mở ra. Thầy Giêsu khẳng định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho (Lc 11, 9-10).

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân lành! Cha biết rõ con cần gì trước khi con cầu xin. Cha hằng ban Thánh Thần cho những kẻ cầu xin. Xin cho con biết cầu nguyện với tâm tình của một người con thảo theo gương thầy Giêsu, để lời cầu nguyện của con thống nhất với cả đời sống, một đời sống tràn đầy tình bác ái yêu thương. Amen.

Về mục lục

CẦU NGUYỆN

Thiên San

Cầu nguyện là cách để con người đến gần Thiên Chúa. Qua cầu nguyện, con người đi tìm gặp Thiên Chúa cũng như chính Thiên Chúa đến gặp gỡ con người. Lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy các cuộc gặp gỡ ấy. Chẳng hạn như cuộc gặp gỡ của tổ phụ Ápraham với Thiên Chúa, Giacóp với sứ thần của Chúa, của Môsê với Thiên Chúa… Bài Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện của Thầy trò Đức Giêsu. Một lần kia, sau khi Thầy Giêsu cầu nguyện xong, có một môn đệ đến xin Người dạy cho cách cầu nguyện. Đức Giêsu đã dạy cho các ông.

Điều đầu tiên khi cầu nguyện đó là xin cho danh thánh Cha được vinh hiển, tiếp sau đó mới đến các nhu cầu của ta. Chúa Giêsu hướng chúng ta đến tương quan với Chúa Cha, hướng đến Đấng mà ta cầu xin và mong cho triều đại của Cha mau đến hơn là nói về điều ta muốn xin cho mình. Sau đó là hướng đến các nhu cầu của ta, của mọi người và cũng không quên xin cho mình khỏi sa chước cám dỗ. Để nói rõ và cụ thể hơn về lời dạy của mình, Đức Giêsu kể cho các ông nghe câu chuyện anh bạn lỡ đường. Người khẳng định rằng dù người bạn đó không dậy để lấy cho anh bạn của mình những gì anh ta cần vì tình bạn thì cũng sẽ dậy vì sự kiên trì của anh ta. Người còn tha thiết, mời gọi các ông hãy cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì ngay cả một người cha vốn là kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành thì Cha trên trời sẽ còn ban cả Thánh Thần cho những kẻ kêu xin (x. Lc 11, 5-13).

Đọc lại câu chuyện của tổ phụ Ápraham, chúng ta sẽ thấy được sự kiên nhẫn và tình thương bao la của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng học được nơi tổ phụ Ápraham một thái độ cần thiết khi cầu nguyện. Để nài xin Chúa tha thứ cho dân thành, ông Ápraham đã không ngần ngại hết lần này đến lần khác thưa lên với Chúa lời van nài để xin Chúa thương xót dân thành. Quả thực, theo dõi diễn tiến của gặp gỡ, trao đổi của ông với Đức Chúa, chúng ta sẽ phải nín thở, thán phục sự mạnh bạo của ông và đồng thời hết lòng ngợi khen lòng thương xót, khoan dung của Chúa bao la vô ngần. Con số những người lành được tìm thấy dường như ít dần đi nhưng với hết cả tấm lòng và sự tin tưởng, ông vẫn thưa lên cùng Đức Chúa. Ông rất khéo léo, khiêm tốn và hết sức tin tưởng vào Chúa. Nhờ ông mà bao nhiêu người được cứu thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Khi cầu nguyện, chúng ta không chỉ dừng lại ở tương quan cá vị với Chúa mà còn được thực thi một nghĩa vụ cao cả là trung gian chuyển cầu. Ông Ápraham đã thực hiện một cuộc thương lượng để dân thành khỏi chết vì lửa (x. St 18, 20-32), ông Môsê đã cố gắng làm cho nét mặt của Chúa dịu lại (x. Xh 32, 7-14). Ngày hôm nay, chúng ta cũng hãy đến với Chúa, thưa lên cùng Chúa lời nguyện cầu thay cho bao người, có khi vì chúng ta nài xin mà Chúa sẽ không giáng phạt như Ngài định làm; hay vì chúng ta, Ngài sẽ ban cho người này người kia điều họ mong ước. Chúng ta có thể trở thành trung gian chuyển cầu khi biết tìm đến với Chúa, thân thưa với Ngài, sống thân tình với Chúa. Vì là chỗ thân tình, là bạn tâm giao, là người yêu dấu, chúng ta sẽ được Chúa nhậm lời. Trong cầu nguyện, khi làm trung gian chuyển cầu, chúng ta cần lắm sự trung thành, kiên trì dù gặp khó khăn và một thái độ chân thành, khiêm tốn.

Cầu nguyện không phải là việc của riêng ai, không phải là của tu sĩ, linh mục nhưng là của tất cả mọi người. Có tương quan là có cầu nguyện. Mỗi người tương quan với Chúa thế nào một phần là ở việc cầu nguyện. Cầu nguyện là điều không thể thiếu trong đời sống của người Kitô hữu nói chung và là nền tảng của đời sống tu trì. Mỗi người sẽ có cách cầu nguyện khác nhau, sẽ có tương quan thân gần hay xa cách, mặn nồng hay hờ hững, thân thiết hay quen biết xã giao với Chúa. Chúa luôn mở rộng cửa đón chờ chúng ta, đến hay không là ở sự tự do của mỗi người. Đừng để thời gian qua đi mà không thiết lập tương quan với Thiên Chúa là Đấng tối cao. Ngài là kho báu, là bể tình thương cho ta kín múc. Hãy đến với Ngài, đừng ngần ngại.

Về mục lục

ĐỌC NGƯỢC KINH LẠY CHA

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Kinh Lạy Cha được ghi lại ở hai Phúc âm: Matthêu và Luca.

Sau khi Chúa dạy đừng khua chiêng đánh trống như người giả hình. Đừng cho tay trái biết việc tay phải phải làm. Khi cầu nguyện đừng lải nhải, họ cứ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha trên trời biết rõ anh em cần gì. Đừng như người giả hình thích đứng cầu nguyện trong hội đường. Rồi Matthêu kết luận: Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Mt 6,7-9).

Luca xếp hoàn cảnh Kinh Lạy Cha ngay sau trình thuật bữa ăn ở nhà Macta, Maria và Ladarô. Câu chuyện xảy ra ở vùng núi Ôliu. Nơi chốn và thời gian của Kinh Lạy Cha là: “Mọi người trở về nhà mình, còn Chúa thì đến và qua đêm ở núi Ôliu”. Cả ngày Chúa giảng trong đền thờ. Đêm đến Thầy trò kéo nhau về núi Ôliu. Bấy giờ các môn đệ hỏi Chúa cách cầu nguyện. Chúa đã dạy Kinh Lạy Cha: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện,cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.Người bảo các ông:‘Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến’” (Lc 11,1-2).

Kinh Lạy Cha, một lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm.

Đọc xuôi, Kinh Lạy Cha bao gồm: một lời thân thưa (Lạy Cha), hai lời nguyện ước (xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển triều đại Cha mau đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời) và ba lời cầu xin (xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, xin tha tội cho chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ). Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện là xin cho mình được sống trọn tình con thảo đối với Thiên Chúa. Làm con thảo của Chúa là làm sao để mọi người được nhận biết, thờ phượng và thực thi ý Chúa, tuân giữ lề luật của Ngài và yêu thương tha nhân.

I. Đọc ngược Kinh Lạy Cha

Đọc ngược kinh Lạy Cha để đi lại lộ trình đức tin của dân Do thái ngày xưa và để bày tỏ niềm xác tín mới đối với Thiên Chúa vì những gì Người ban cho chúng ta qua kinh Lạy Cha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng:

  1. Thiên Chúa là Cha quyền năng đã cứu chúng ta cho khỏi sự dữ.

Cũng như ngày xưa Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ bên Ai cập, thì nay qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa cứu khỏi quyền lực của Satan là đầu mối của mọi sự dữ.

  1. Thiên Chúa là Cha yêu thương không để chúng ta sa chước cám dỗ.

Sau khi được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, dân Do thái đã đi qua hoang địa tiến về đất hứa, đã gặp rất nhiều cám dỗ và thử thách. Sau khi chịu phép rửa tội, cuộc đời chúng ta cũng là một hành trình xuyên qua hoang địa trần gian để tiến về đất hứa đích thực là thiên đàng. Chúng ta cũng gặp phải những chước cám dỗ như người Do thái ngày xưa. Nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta tha thiết khẩn cầu Chúa gìn giữ và Người đã gìn giữ chúng ta.

  1. Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

Mặc dù đã nhiều lần phản bội, quay lưng lại với Thiên Chúa, thử thách Thiên Chúa, cứng đầu cứng cổ bất tuân lệnh Chúa, nhưng dân Do thái đã được Chúa tha thứ, nhờ lời chuyển cầu của ông Môsê. Cũng vậy, nhờ công nghiệp của Đức Kitô, chúng ta luôn được Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm thiếu sót và những xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em là hình ảnh của Người. Được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng tha thứ cho nhau, để cùng nhau tiến bước trên con đường của Chúa.

  1. Thiên Chúa là Cha quan phòng luôn chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta.

Trong suốt hành trình 40 năm trước khi tiến vào đất hứa là nơi chảy sữa và mật, mỗi ngày dân Do thái đã được Thiên Chúa ân cần ưu ái ban cho manna, thịt chim cút và nước sạch từ tảng đá chảy ra. Ngày nay Thiên Chúa quan phòng cũng luôn lo liệu cho chúng ta mọi nhu cầu vật chất, để chúng ta có thể sống xứng đáng và phát triển các khả năng. Hơn nữa Người còn ban cho chúng ta bánh hằng sống là Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, cùng với dòng nước ơn thánh vọt ra từ tảng đá là Đức Kitô đang hoạt động qua các bí tích, giúp chúng ta có sức đạt đến đất hứa đích thực là nước thiên đàng, nơi tràn trề sữa và mật thiêng liêng, khiến cho chúng ta không bao giờ đói khát.

  1. Thiên Chúa là Cha khôn ngoan đã mạc khải cho chúng ta thánh ý của Người và giúp chúng ta thực hiện.

Cùng với manna, chim cút và nước từ tảng đá vọt ra, Thiên Chúa còn ban cho dân Do thái các huấn lệnh bày tỏ ý muốn của Người, để họ tuân giữ và được sống. Ngày nay, chúng ta cũng nhận được thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo Hội. Đời sống của mỗi người chúng ta hệ tại việc thực thi ý Chúa. Khi kết hiệp sự vâng phục của chúng ta với sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý Cha, tức là chúng ta làm cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

  1. Thiên Chúa là Vua uy quyền đã làm cho Nước Chúa trị đến nơi chúng ta.

Sau khi hoàn tất cuộc hành trình xuyên qua sa mạc, Thiên Chúa đã ban cho dân Israel đất hứa làm gia nghiệp, ở đó họ sống hạnh phúc dưới quyền cai trị của Người. Sau khi hoàn tất cuộc hành trình nơi dương thế, chúng ta cũng sẽ được đưa vào Nước Trời, nơi Thiên Chúa hiển trị, để Người mãi mãi là Vua của chúng ta và chúng ta sẽ là dân của Người đến thiên thu vạn đại, và trong Nước Người không còn đau khổ, khóc than và tang tóc, nhưng chỉ có sự sống dồi dào trong hạnh phúc vô biên.

  1. Thiên Chúa là Cha, đó là thánh danh mà chúng ta ca tụng đến muôn ngàn đời.

Sống trong đất hứa Thiên Chúa đã ban, những người Do thái đạo đức không ngừng tôn vinh danh Chúa, vì chính nhờ danh Người họ đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, được giúp đỡ để vượt qua các chước cám dỗ, được tha thứ mọi tội lỗi, được nuôi dưỡng chăm sóc, được biết thánh ý của Thiên Chúa, được sống dưới quyền cai trị của Chúa. Mai ngày trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ không ngừng ca tụng thánh danh Thiên Chúa và chúng ta có thể khởi đầu kinh Lạy Cha như sau: “Lạy Cha, giờ đây chúng con được ở với Cha trên trời”. (trích từ: Kinh Lạy Cha của Linh Mục trong Năm Đức Tin, ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi; Gpquinhon.org).

II. Kinh Lạy Cha, lời kinh tuyệt vời

Kinh Lạy Cha là lời kinh của chính Chúa Giêsu. Thánh Tôma Aquinô gọi Kinh Lạy Cha là “lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất”. Còn Tertulianô nói đây là “Bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng”. Tin Mừng về Thiên Chúa là Cha và chúng ta có thể nài xin cùng Ngài trong tư cách là những người con.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Vinh danh và thánh ý Chúa được đặt trên hết. Các nhu cầu của con người được đặt sau.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Con người được gọi Thiên Chúa là Cha. Mỗi người là con cái của Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai.

Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này.

III. Đọc Kinh Lạy Cha với tâm tình yêu mến

Trong Thánh Lễ, trước khi đọc Kinh Lạy Cha, chủ tế mời gọi: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo lời Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”. Động từ “dám” diễn tả một thái độ kính sợ đối với Chúa. Thái độ này bắt nguồn từ truyền thống lâu đời trong Kinh Thánh, được minh họa trong cảnh Môsê gặp Thiên Chúa nơi bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi: “Chớ lại gần. Cởi dép ra, bởi đất ngươi đang đứng là đất Thánh” (Xh 3,5). Chỉ nhờ Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa làm người, chúng ta mới dám đến gần Thiên Chúa là Cha, trong niềm tin yêu thảo hiếu: “Trong Ngài, ta được tự do dạn dĩ và được đến cùng Cha, đầy lòng tín thác vì đã tin vào Ngài” (Ep 3,12).

Kinh Lạy Cha là bản kinh tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là lời kinh của Chúa Giêsu, lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu đã trực tiếp dạy các môn đệ. Kinh Lạy Cha còn là lời kinh của Hội Thánh, trong Phụng vụ, Kinh Lạy Cha luôn chiếm ưu thế đặc biệt trong các Giờ kinh Nhật tụng, trong Thánh lễ và trong các Bí tích gia nhập Kitô giáo.

Chính vì thế, khi đọc Kinh Lạy Cha, thái độ nền tảng chúng ta phải có là khiêm tốn và biết ơn: khiêm tốn vì nhận ra sự thật về con người bất xứng của mình, tạ ơn vì biết rằng tất cả là ân huệ Thiên Chúa ban. Đồng thời, phải noi gương Chúa Giêsu, sống tư cách người con hiếu thảo, luôn tín thác vào Cha, và thực thi thánh ý Cha. Cầu nguyện là thân thưa với Thiên Chúa như con với cha.

Chúa Giêsu là Đấng đã thi hành ý muốn của Cha ở dưới đất cũng như ở trên trời. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy chúng ta cũng là lời tóm kết những gì Chúa đã sống. Lời cầu nguyện và đời sống của Chúa đi đôi với nhau. Kinh Lạy Cha, nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta “dám” thân thưa lời cầu nguyện hàng ngày với Cha trên trời. Trong thánh lễ, trước khi đọc Kinh Lạy Cha, vị chủ tế nâng cao Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, tuyên xưng rằng: Chính nhờ Ðức Kitô,cùng với Ðức Kitô,và trong Ðức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha,là Thiên Chúa toàn năng, đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Về mục lục

LỜI KINH ĐẸP NHẤT

Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay là trích đoạn từ chương 11,1-13, trong đó tác giả ghi lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha, là lời kinh đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong kinh nguyện Kitô giáo. Bởi lẽ, lời cầu nguyện này trực tiếp đến từ môi miệng của Chúa Giêsu, do Người dạy. Chúng ta hãy tưởng tượng mỗi ngày trên thế giới có biết bao nhiêu triệu người đọc Kinh này để cầu nguyện.

Hơn nữa, lời Kinh này ra đời trong bối cảnh đặc biệt sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha và sống thân mật với Người. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu là con người cầu nguyện và là thầy dạy cầu nguyện. Vì thế, các môn đệ đến xin Chúa dạy cho biết phải cầu nguyện thế nào như họ đã thấy Gioan Tẩy Giả dạy các môn đệ ông cầu nguyện. Ở đây, chúng ta cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của Kinh Lạy Cha.

1- Thiên Chúa là Cha chúng ta

Trước hết, Chúa bảo họ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói rằng: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển.”

Ở đây, Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha khi cầu nguyện, chứ không gọi là Thiên Chúa, là Vua, là Đấng quyền năng, dẫu đó là những danh hiệu dành cho Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu muốn chúng ta đi vào tương quan trước hết với Thiên Chúa như là Cha – con với Người. Đây chính là tương quan nền tảng và là niềm vui của chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta bởi vì Người đã tạo dựng và cứu độ chúng ta. Người muốn chúng ta được chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa. Chúng ta hình dung Thiên Chúa của mình theo hình ảnh nào? Có phải như là một ông chủ và chúng ta là đầy tớ? Ở đây, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy thưa với Thiên Chúa là Cha, hãy đi vào tương quan với Thiên Chúa như là Cha của mình. Thật là vinh dự khi được gọi Thiên Chúa là Cha!

2- Vì Danh và Nước Chúa

Thứ đến, “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển.” Danh Thiên Chúa là thánh. Theo Cựu Ước, thánh có nghĩa là tách biệt khỏi mọi sự trần tục.

Ở đây, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trước hết cho Danh Cha. Nghĩa là Danh Chúa được ưu tiên trước hết. Điều này có nghĩa là Chúa phải là ở chỗ nhất trong ý nguyện và trong đời sống của chúng ta.

Quả thế, tiền bạc, nghề nghiệp, gia đình, tương quan bạn bè vv… tất cả là tốt và cần thiết cho cuộc sống, nhưng chúng không phải là chỗ nhất trong đời sống của người Kitô hữu. Thiên Chúa phải ở chỗ nhất. Như thế, chúng ta cầu xin cho “Danh Cha vinh hiển” có nghĩa là xin cho mọi người biết đặt Thiên Chúa ở chỗ nhất trong cuộc sống mình, chúng ta ước mong và khát khao cho mọi người được biết Danh Cha và tôn thờ Danh đó.

Lời cầu thứ hai: “Triều Đại Cha mau đến.” Triều Đại Thiên Chúa là gì và tại sao chúng ta phải xin cho Triều Đại đó mau đến?

Theo một số Giáo Phụ như Origene và các nhà thần học, Triều Đại Thiên Chúa không phải là một nơi chốn, hay là một điều gì nhưng trước hết chính là Chúa Kitô, hiện diện trong chính con người Đức Giêsu. Trong tiếng Hy Lạp, từ autobasilia có nghĩa là chính trong con người Chúa Giêsu. Như thế, Chúa Giêsu chính là Triều Đại Thiên Chúa đến và hiện diện giữa trần gian. Người chính là Nước Trời ở giữa chúng ta. Nước đó được thiết lập cách hữu hình qua việc Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội như là dấu chỉ và phương tiện của Nước Trời.

Triều Đại Thiên Chúa còn có ý nghĩa khác theo thánh Phaolô: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự bình an, hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta chân lý, sự thật và quà tặng Thánh Thần. Chúng ta cầu nguyện cho Nước đó được mau đến trong lòng của mỗi người, mỗi gia đình và mọi dân tộc. Chúng ta xin cho chân lý, tình yêu và hoan lạc của Chúa ngự trị, lan rộng và phát triển khắp mọi nơi, trong mỗi người trên thế giới.

3- Lương thực và ơn tha thứ

Lời cầu xin thứ ba mà Chúa Giêsu dạy là “xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày.” Ở đây Chúa dạy chúng ta cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta có đủ lương thực hằng ngày. Nghĩa là chúng ta xin Chúa ban của cải vật chất để sinh sống. Lương thực hằng ngày là cái ăn, cái mặc, nhà cửa, phương tiện đi lại… Những thứ này là cần thiết cho đời sống con người. Xin Chúa ban những thứ đó để chúng ta có đủ điều kiện sống xứng đáng với nhân phẩm con người và làm con cái Chúa.

Tuy nhiên, theo chú giải của các Giáo Phụ, lương thực hằng ngày còn có ý nghĩa sâu xa hơn, không chỉ dừng lại ở lương thực vật chất, mà còn là lương thực tinh thần. Quả vậy, con người không chỉ sống nhờ cơm bánh nhưng còn sống bởi tình yêu và giá trị tinh thần, tôn giáo. Theo ý nghĩa đó, lương thực hằng ngày đây chính là Thánh Thể và Lời Chúa. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu hiến mình và trở thành Bánh Thánh để nuôi sống chúng ta. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục ban Lời hằng sống để nuôi dưỡng đời sống tâm linh con người. Như thế, trong lời xin này, chúng ta xin Chúa Cha cho chúng ta lương thực hằng ngày cả vật chất lẫn tinh thần.

Lời cầu nguyện cuối cùng: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người.”

Trong ý nguyện này, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi của chúng ta. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đã phạm tội, ai trong chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta cần được Thiên Chúa tha thứ. Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến nhập thể, chết và phục sinh để tha tội cho chúng ta. Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Chúng ta xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.
Nhưng để được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng phải biết tha thứ cho những ai có lỗi với chúng ta. Chúa dạy chúng ta cũng phải có lòng tha thứ, bao dung và thương xót đối với anh chị em như chính Thiên Chúa đã tha thứ và thương xót chúng ta.

Như thế, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đẹp nhất, ý nghĩa nhất của Kitô giáo do chính Chúa Giêsu dạy chúng ta. Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, hãy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, đồng thời chúng ta cũng xin Chúa cho những ý nguyện đó được thực hiện trong đời sống mỗi người, trong gia đình và xã hội. Amen!

Về mục lục

CHÚA BAN PHÚC LỘC DỒI DÀO

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng dụ ngôn người bạn vay bánh giữa đêm khuya cũng như chuyện người cha sẵn sàng cho con cái mình những gì tốt nhất để khẳng định với chúng ta rằng nếu chúng ta liên lỉ nài xin thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Ngài dạy: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho…”

Thiên Chúa là Cha nhân lành, luôn yêu thương chăm sóc nuôi dưỡng đoàn con trên dương thế. Không có ơn Chúa ban, con người không thể tồn tại. Ngài ban cho ta vô vàn ân huệ mà lắm khi chúng ta không ngờ tới.

– Có nhiều ân huệ Chúa ban trước khi ta cầu xin, đó là Ngài cho ta được sinh ra làm người, được ân cần chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ ngay từ ấu thơ… Ngoài ra, từng hơi ta thở, từng hớp nước ta uống, từng tia nắng soi đường và sưởi ấm cho ta… đều là ân huệ Chúa rộng ban cho ta được sống trên đời.

– Còn rất nhiều ân huệ khác Chúa ban qua tay những người chung quanh: Chúa cho ta cơm ăn, áo mặc, đồ dùng… qua trung gian cha mẹ ; Chúa giáo dục ta nên người nhờ thầy cô ; Chúa cứu chữa ta khỏi bệnh nhờ các y bác sĩ…

Tuy nhiên, có những lúc chúng ta cầu xin mà dường như Chúa chẳng nhận lời, rồi đâm ra thất vọng, oán trách Chúa. Nên hiểu rằng : Trong những trường hợp đó, vì muốn đào tạo ta nên người trưởng thành, Chúa “không cho cá mà lại cho cần câu.”

Người cha khôn ngoan không tự mình đi câu cá, đem về nấu nướng, dọn sẵn lên bàn cho con ăn, bởi vì nếu ngày nào ông cũng làm như thế thì đứa con sẽ cậy dựa vào cha mẹ mà không tự lo cho mình, sẽ trở thành lười biếng và suốt đời chỉ muốn người khác ban phát mọi thứ cho mình.

Nhưng thay vì trao cá cho con ăn từng bữa, ông sẽ trao cho nó một chiếc cần câu. Nhờ sử dụng phương tiện nầy, người con có thể kiếm được rất nhiều cá mà không phải ngửa tay xin.

Tương tự như thế, Thiên Chúa là Cha khôn ngoan. Ngài không ban hết mọi thứ ta xin, vì nếu làm như thế, Ngài sẽ làm hỏng đời ta. Khi đó, không ai còn muốn học tập, lao động, sản xuất nữa… vì đã có Chúa lo cả rồi.

Trái lại, thay vì cho cá, Ngài trao cho ta những “chiếc cần câu”, nghĩa là ban cho ta đôi tay để lao động, ban cho ta trí tuệ để tìm tòi, phát minh và sáng chế, ban đủ thứ phương tiện để ta hoạt động hằng ngày…

Nhờ vận dụng những thứ “cần câu” nầy, trí tuệ chúng ta được mở mang, thân xác được khoẻ mạnh, con người được phát triển vẹn toàn.

Chúa không cho cá nhưng lại cho chiếc cần câu

Ý tưởng này đã được một tác giả diễn tả cách chí lý như sau:

“Tôi xin sức mạnh…

Và Ngài đã cho tôi gặp khó khăn để trui rèn tôi nên mạnh mẽ.

Tôi xin khôn ngoan…

Và Ngài cho tôi những vấn đề – tựa như những bài toán khó – để giải quyết, nhờ đó tôi trở thành người khôn ngoan.

Tôi xin tiền của…

Và Ngài cho tôi khối óc và bắp thịt để làm việc, nhờ đó tôi trở nên giàu có. (…)

Thế là, tuy không trực tiếp lãnh nhận những gì tôi xin…

Nhưng tôi có được tất cả những thứ tôi cần” (Khuyết danh).

Lạy Chúa Giê-su,

Nhờ tình thương và muôn vàn ân sủng Chúa, chúng con mới được sống đến ngày hôm nay. Xin cho chúng con biết đền đáp tình thương Chúa bằng cách sử dụng ân huệ Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Amen.

Về mục lục

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 17 TN_C

 Lm Phạm Hồng Thái

Phải chân nhận rằng: Cầu nguyện là nhu cầu cần thiết cho đời sống con người chúng ta. Có ai mà không có những lúc cầu nguyện? Chúa Giêsu là gương mẫu của đời sống cầu nguyện nên các môn đệ đã xin Chúa dạy về cầu nguyện. Chúa cũng cho biết là Thiên Chúa sẵn sàng và thích nghe lời chúng ta cầu nguyện cho nên Chúa dạy ta đừng ngại quấy rầy Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện của mình. Vì thế chúng ta hãy cầu nguyện cho mình và tiến thêm bước nữa là cầu nguyện cho tha nhân.

Kitô giáo chúng ta có kinh Lạy Cha là kinh nguyện do chính Chúa Giêsu dạy. Có hai bản văn về kinh Lạy Cha: một trong Tin Mừng Matthêô (6, 7-15) và một trong Tin Mừng Luca (11, 2-4): trong Tin Mừng Matthêô có 7 lời cầu, còn Tin Mừng Luca có 5 lời cầu: hôm nay chúng ta đọc trong Tin mừng Luca.

Có một chút khác biệt trong cách dịch Việt ngữ với nhiều bản dịch khác, thí dụ tiếng la tinh thì dịch là Pater Noster: “Cha chúng con” còn Việt ngữ là “Lạy Cha chúng con”. Cha ông chúng ta đã thêm chữ “Lạy” để tỏ sự kính trọng nhưng có lẽ nó cũng làm giảm đi phần nào sự thân thiết vì có nơi Chúa Giêsu còn dạy ta thưa với Thiên Chúa là “Abba: Cha ơi! (Rm 8, 15)” nữa cơ. Qua lời kinh này, chúng ta được thưa với Thiên Chúa là Cha và xưng mình là con.

Trước hết là hai lời xin thuộc về Chúa:

– “Nguyện xin Danh Cha cả sáng”. Dùng từ Danh để tránh gọi tên cực thánh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu có lần cầu nguyện tương tự: “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha (Ga 12,28)”

– “Nước Cha trị đến”: Nước hay triều đại có ý nghĩa như nhau vì thế lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là: “Thời kì đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã gần đến … (Mc 1,14)”. Lời nguyện mà mọi Kitô hữu phải cầu xin là lời nguyện cuối cùng ghi trong sách Khải Huyền: “Manaratha “Lạy Giêsu xin ngự đến (Kh 22,20)”

Ba lời xin liên can đến chúng ta là :

– “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”: tức là xin ngày nào đủ lương thực cho ngày đó không xin để tích trữ nhưng để dùng đủ. Lương thực đây không những là cơm bánh vật chất mà trước hết phải hiểu là lương thực thần thiêng: Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh thể

– “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con”. Nợ đây trước hết chỉ những tội lỗi ta xúc phạm đến Chúa nhưng điều kiện để được Chúa tha là ta cũng phải tha cho anh em. Chúa Giêsu cũng dạy ta: “Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha (Lc 6, 37)”

– “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu dặn các môn đệ: “Hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Mc 14,38)”. Satan chính là tác giả các chước cám dỗ.

Tiếp đến qua dụ ngôn “Người bạn bị quấy rầy”, Chúa Giêsu dạy ta phải có lòng kiên trì khi cầu nguyện. Chúa nhận định: “Dù người ấy không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho bạn, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần”. Kiên trì xin ơn để tăng lòng ước muốn nơi tâm hồn ta và để thêm giá trị ơn Chúa ban.

Tiếp đến là lời Chúa Giêsu: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho”. Qua lời này, Chúa khuyến khích chúng ta tích cực cầu nguyện: đừng có thái độ dửng dưng, bất cần, lơ là không muốn cầu nguyện. Nhưng hãy luôn có tâm tình là chúng ta cần đến Chúa như con cái cần đến cha mẹ mình.

Vậy khi ta xin mà không được thì sao? Có thể là ta xin Chúa những ơn không có ích mà có thể còn có hại cho phần rỗi linh hồn mình và nhiều khi Chúa đổi cho ta ơn khác có lợi cho ta hơn vì thế mà Chúa Giêsu nói: “Phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người”. Chúa khuyến khích chúng ta cầu nguyện với tấm lòng khiêm tốn, nhưng bạo dạn, siêng năng và không trễ nải, kiên trì và không nản lòng.

Noi gương tổ phụ Abraham, chúng ta cũng cầu nguyện cho tha nhân nữa. Ông Abraham đã cầu xin cho thành Sôđôma bằng cách mặc cả so kè với Chúa từ con số: nếu có 50 người công chính, ông rút xuống 45, 40, 30, 20 rồi 10. Ông dừng lại ở con số 10 không dám rút xuống thêm nữa. Nếu ông có lòng tin mạnh hơn nữa vào Lòng Thương xót Chúa thì thậm chí ông có thể rút xuống con số 1 vì như lời sách tiên tri Isaia: người Tôi Trung của Thiên Chúa (Is 53, 4-12) có thể cầu thay nguyện giúp cho toàn dân và đó là hình ảnh về Chúa Giêsu bầu chữa và đền thay tội lỗi cho cả nhân loại.

Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Chúng tôi có trên 1.000 nữ tu và mỗi ngày phải nuôi hơn 10.000 người nữa. Thế mà Chúa không để chúng tôi phải thiếu đói: Chúa luôn ban lương thực hằng ngày như chúng tôi tin tưởng cầu xin trong kinh Lạy Cha. Chúng tôi cũng chưa bao giờ phải từ chối bất cứ ai túng cực tới xin giúp đỡ vì Chúa luôn can thiệp kịp thời và Ngài không làm lơ trước lời cầu nguyện của chúng tôi”.

Được lời Chúa dạy về cầu nguyện hôm nay, chúng ta hãy sống tâm tình người con hiếu thảo đối với Cha trên trời và siêng năng cầu nguyện cùng Chúa mọi nơi mọi lúc trong đời sống chúng ta. Amen.

Về mục lục


 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...