18/06/2021
2032

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 12 Thường Niên – B

Mc 4,35-41

  1. Sóng gió. 4
  2. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 6
  3. Người dựa vào chiếc gối mà ngủ. 9
  4. Bão táp cuộc đời – Cố Lm. Hồng Phúc. 12
  5. Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?. 14
  6. Sóng gió cuộc đời – Lm Anphong Trần Đức Phương. 18
  7. Lời kêu xin. 21
  8. Thầy không lo sao?. 23
  9. Ai có thể trở nên một người như thế?. 26
  10. Nỗi kinh hoàng của con người 29
  11. Đức tin trưởng thành. 31
  12. Các con không có lòng tin sao? – Noel Quesson. 35
  13. Mời gọi qua sông – Jean-Yves Garneau. 37
  14. SLC- Giông bão. 40
  15. SNLC/565- Điều khiển. 42
  16. CSTM/150- Bão tố. 44
  17. Cha em là người cầm lái. – Thiên Phúc. 47
  18. An tâm – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An. 49
  19. Biển đời và biển khơi – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền. 54
  20. Vẫn chưa có lòng tin?. 57
  1. Sóng gió

Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng sáng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.

Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Có người cho rằng chính Thiên Chúa thử thách để rèn luyện và củng cố niềm tin nơi chúng ta. Có người lại cho rằng do trình độ hạn chế của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống.

Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người khác.

Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.

Sự dữ tuy tràn lan, nhưng ơn sủng của Ngài vẫn dư đầy, bởi vì Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi con người. Bằng chứng là Đức Kitô đã đến, Ngài tìm mọi phương cách, thậm chí cả đến cái chết của mình để cho chúng ta thêm xác tín vào tình thương của Ngài. Một vị Thiên Chúa nhân lành như vậy, nhất định sẽ không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ, nhất định Ngài sẽ cứu chúng ta.

Làm sao chúng ta có thể thất vọng và chán nản khi Ngài vẫn ở bên chúng ta và vẫn yêu thương chúng ta. Mặc dù ngày nay Thiên Chúa không còn trực tiếp làm phép lạ để truyền cho sóng gió phải yên lặng, nhưng Ngài dùng bàn tay của những người nhiệt tâm làm vơi giảm những nghịch cảnh, những bất công trong cuộc sống. Và cũng không ít những con người đang đấu tranh cho công bằng xã hội. Nhiều khi họ cũng đã phải trả giá cho những đấu tranh ấy bằng chính mạng sống của mình.

Còn chúng ta thì sao? Niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương lẽ nào lại để cho chúng ta phải buông xuôi và tuyệt vọng bởi vì Đức Kitô chính là niềm hy vọng, chính là sức sống trong cuộc đời chúng ta.

 

  1. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI

Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.

Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.

Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.

Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.

Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.

Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.

Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.

Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.

Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Tại sao Chúa cho ta bị thử thách? Thử thách có cần thiết không?

2) Thử thách giúp ta trưởng thành thế nào?

3) Ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên trên thử thách?

 

  1. Người dựa vào chiếc gối mà ngủ

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?”

Cũng như hai dụ ngôn ‘hạt giống tự mọc’ và ‘hạt cải nhỏ bé’ được kể trước đó, sự kiện cuồng phong nổi lên và sóng nước ập vào làm cho con thuyền các môn đệ hòng chìm, trong khi đó Đức Giê-su ‘đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ’ buộc ta phải suy nghĩ khi giáp mặt với những nghịch lý đầy thách thức trong chính đời sống Tin Mừng. Tự nhiên, khi nghĩ về Thiên Chúa cũng như về vương quốc của Ngài, thì quyền năng và sức mạnh mới chính là điều mà mọi người thường nghĩ tới trước nhất. Chính vì vậy mà khi nhìn thấy đau khổ tràn lan, bất công ngập tràn và sự ác thống trị, trong khi sự thiện lại thoi thóp trong tuyệt vọng, nhiều người đã cho rằng, đó là một bằng chứng thuyết phục cho thấy không hề có Thiên Chúa; vì nếu Ngài thật sự hiện hữu, thì với tất cả quyền năng và thánh thiện như thế, tại sao lại không can thiệp, không giáng phạt bằng tất cả sức mạnh của Ngài? Thiên Chúa lẽ nào lại vô tâm tới mức đó sao? Giải đáp duy nhất mà người ta thường nại tới để giải quyết nghịch lý này là sự kiên nhẫn chịu đựng có giới hạn của Thiên Chúa, sự nhẫn nhục này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời này, để rồi tới kiếp sau sự công thẳng và quyền bính của Ngài sẽ hiển trị qua việc nghiêm minh xét xử, với phần thưởng thiên đàng dành cho người thiện, hay hình phạt hỏa ngục dành cho người dữ. Giải đáp này trên thực tế hình như được hầu hết các tôn giáo trưng ra, tuy với những hình thái khác nhau, chẳng hạn như thuyết luân hồi của Phật Giáo.

Vẫn biết Thiên Chúa là quyền năng và quyền năng này vượt trên tất cả mọi sự, ‘Thức dậy, Người ngăn đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ’. Thiên Chúa đương nhiên có quyền trên cả sự dữ! Trong trường hợp cụ thể này, theo lối suy nghĩ của các môn đệ, biển cả dậy sóng là hình ảnh quen thuộc của sức mạnh sự dữ, của tà thần (xem Mc 1:25). Có điều là ít tôn giáo nào dám nghĩ rằng quyền năng lớn lao nhất của Thiên Chúa (Thượng Đế…) lại chính là quyền năng buộc Ngài phải câm nín. Ngoài Ki-tô giáo, có tôn giáo nào dám nghĩ rằng có một Thiên Chúa mà quyền năng và bản chất tuyệt hảo nhất của Người lại chính là lòng nhân từ và thứ tha? Đặc tính ‘nhân từ và hay thương xót’ của Thiên Chúa, nếu có tìm thấy trong Do Thái giáo, Hồi giáo…, thì cũng chỉ mang tính tạm bợ và hạn hẹp, và chỉ dành cho một số đối tượng nhất định mà thôi (các tín hữu trung thành, những người công chính chẳng hạn). Chỉ riêng Tin Mừng của Đức Giê-su mới cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu, và bản chất của Tình Yêu đó trước hết và trên hết là thứ tha và hay thương xót. Phải chăng từ muôn thuở yếu tính của Thiên Chúa chính là điều này… và sẽ còn tiếp tục mãi mãi cho tới muôn đời? Mạc khải lớn nhất của Đức Giê-su Ki-tô chính là đây: Thiên Chúa không lên án, Ngài không luận phạt, Ngài chỉ làm một điều duy nhất là cứu độ và xót thương. Luận phạt hay lên án là do chính con người tự quàng vào cổ mình “vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:16-21). Kể từ mạc khải vĩ đại này, thinh lặng trước sự dữ, thay vì là yếu đuối sợ hãi, lại biểu lộ sức mạnh vô địch nhất của Thiên Chúa. “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?… Nhưng đức Giê-su vẫn làm thinh” (Mt 26:62-63).

Thần lực Người làm cho gió im biển lặng đã làm cho các môn đệ hoảng sợ, mối hoảng sợ này có lẽ lớn không kém lúc cuồng phong bão tố nổi lên, ‘Các ông hoảng sợ nói với nhau…’ Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3:1), hoặc I-sai-a khi thoáng nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa (Is 6:5), hoặc bất cứ ai khác cũng đều run sợ trước mọi biểu hiện của quyền lực thần linh. Chỉ duy uy quyền tình yêu của Thiên Chúa là không gây sợ hãi! Và chỉ có sức mạnh tình yêu tha thứ mới làm cho con người được thư thái và an bình thực sự. “Bình an cho anh em… Thầy đây đừng sợ!” (Lc 24:36). Một khi được Đức Giê-su tỏ cho biết Thiên Chúa là ai trong thực chất của Ngài, và Thần Khí giúp ta khám phá ra Thiên Chúa thật gần gũi, thấu hiểu hết các yếu đuối lỗi lầm của con người cho dù họ có gian ác tội lỗi tới đâu đi nữa, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy tràn ngập một niềm an bình độc đáo, một thứ an bình không ai trên cõi đời này có thể ban cho. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy… không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi…” (Ga, 14:27)

Tuy nhiên, một khi khám phá ra và hiểu rõ hơn về sức mạnh tình yêu tha thứ và xót thương của Thiên Chúa, con người sẽ không khỏi cảm thấy một mối kinh ngạc thú vị, gần giống như một cảm giác ngất ngây. Hy vọng rằng các Ki-tô hữu chúng ta, một khi nghiệm thấy cảm giác tuyệt diệu đó, hãy để cho mối ‘kinh ngạc ngất ngây’ này tiếp tục tràn ngập tâm hồn mình… bây giờ và cho tới muôn đời!

Lạy Vua Tình Yêu nhân ái, cảm tạ Chúa đã một lần cho con nếm cảm được uy lực tình yêu nhân ái Chúa trong đời sống con. Xin cho con luôn nghiệm thấy Thiên Chúa tình yêu đang thinh lặng hiện diện trong con giữa mọi sóng gió cuộc đời. Xin đừng bao giờ cất khỏi lòng con sự bình an ngây ngất của Thần Khí hiện diện trong con, để con luôn có thể mở miệng kêu lên ‘Áp-ba’ giữa mọi nghịch cảnh. A-men.

 

  1. Bão táp cuộc đời – Cố Lm. Hồng Phúc

Một phái đoàn quan khách đến thăm quan một trại cùi. Họ rất cảm phục vì thấy các nữ tu vui vẻ săn sóc cho bệnh nhân. Một người trong phái đoàn hỏi một chị: “Vì sao chị lại sống ở đây? Cho tôi một triệu tôi cũng không dám!” Người nữ tu trả lời: “Cho tôi hai triệu tôi cũng không ở. Sở dĩ tôi muốn ở đây và sống chết ở đây vì tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy tôi.” Với giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cũng từng nói như vậy: “Lòng yêu mến Đức Kitô thúc bách tôi”. Từ ngày ngài được biết Chúa Kitô và cảm thấy tình thương của Chúa đến độ “hiến thân mình vì tôi” (Ga.2,20), Phaolô như bị đè nặng dưới khối tình yêu của Chúa. Từ trong thâm tâm, người nghe như có tiếng vọng lại: Hãy yêu mến Ta như Ta đã yêu mến ngươi. Hãy tiến lên nữa. Hãy để Ta dùng ngươi để yêu mến kẻ khác. “Chúa Kitô đã chết thay cho hết mọi người, để những ai đang sống không sống cho mình nữa, mà chỉ sống cho Đấng đã chết và sống lại vì ta.”

Đối với tất cả chúng ta, tình yêu Thiên Chúa cũng thúc bách và đè nặng như vậy.

Bài Phúc Âm hôm nay, dưới ngòi bút linh động của Marcô, là một bài phóng sự một cơn bão táp xảy ra trên mặt biển hồ Tiberiade hay có những cơn gió lốc về chiều do bầu khí bị dồn ép trong thung lũng sông Giordan. Sau khi giải tán đám đông, Chúa truyền cho các môn đệ chèo thuyền qua bên kia biển hồ. Ngài lên thuyền. Sau một ngày giảng dạy mệt nhọc, Ngài đến phía sau lái, dựa trên một chiếc gối và ngủ say. Một cơn gió lốc thổi đến, cuộn lên những ngọn sóng lớn làm cho thuyền đầy nước. Các môn đệ tay chống tay tát…, còn Ngài, Ngài vẫn ngủ. Các ông đến thức Ngài dậy: “Chúng con chết mất, Thầy không quan tâm sao?” Ngài bèn đe gió và phán với biển, như một người bị quỉ ám: “Hãy im đi!” Tức thì gió và biển lặng.

Tường thuật cơn bão táp im lặng có ý nghĩa gì? Đối với Chúa Giêsu, Ngài muốn dạy cho chúng ta phải có niềm trông cậy và phó thác nơi Chúa: “Sao các con sợ hãi? Các con không có đức tin ư?” Trong mọi hoàn cảnh, mọi hiểm nguy, chúng ta đều nằm trong bàn tay của Cha trên trời. Trong một hoàn cảnh tương tự, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngã tay chèo, được nghe một câu nói bất hủ: Anh không biết là anh đang chở vua César? Thì huống hồ ở đây, không phải là một vị vua trần thế mà là Vua Cả trên trời, “Ngài làm cho bão táp dừng yên phăng phắc, sóng biển yên lặng như tờ” (Tv. 107, 29).

Đối với nhiều người đã chứng kiến, vì Marcô nói: “Có nhiều thuyền khác theo”, thì đây là một phép lạ nói lên quyền năng của Chúa Giêsu, Đấng chỉ cần phán lên một lời thì gió yên biển lặng, Đấng có quyền trên vạn vật, là Đấng tạo thành vạn vật. Các Thánh Giáo phụ nhìn thấy ở đây tác động của hai bản tính của Chúa Giêsu. Thánh Gioan Kim-Khẩu nói: “Họ vừa nhìn thấy Ngài, dựa trên gối, ngủ say, đó là một con người, họ nhìn thấy Ngài bắt biển cả phải lặng yên, đó là vị Thiên Chúa.” Trong khi các nhà thần học minh giáo lại đề cao ý tưởng “con thuyền Giáo hội” giữa sóng gió ba đào (Tertullien). Chúa Kitô vẫn ở trong con thuyền Giáo hội cũng như Ngài ở trong tâm hồn chúng ta. Một hôm Bà Thánh Catarina Sienna phải chiến đấu mãnh liệt với chước cám dỗ, Bà kêu lên: “Lạy Chúa, trong khi con phải chống lại những ý tưởng nhuốc nha thì Chúa ở đâu? Chúa phán: Ta đang ở trong tâm hồn con, để hỗ trợ con và để chia sẻ sự toàn thắng của con.”

Lạy Thầy, xin cứu chúng con vì chúng con sắp chết mất!

 

  1. Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?

(Trích trong ‘Tin Vui Xuân Lộc’)

Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay thánh Maccô thuật lại một hành trình trên biển để “sang bờ bên kia” của Chúa Giêsu và các môn đệ. Hành trình này được ví như hành trình đức tin của mỗi chúng ta. Hành trình trên biển gặp sóng gió là chuyện không lạ lắm đối với những người thường xuyên đi biển và sống bằng nghề biển như các môn đệ. Tuy nhiên, chiếc thuyền của Chúa Giêsu và các môn đệ hôm nay không gặp những con sóng ngọn gió hiền lành bình thường, mà là gặp “cuồng phong”… “sóng ập vào”… “thuyền đầy nước”… Các môn đệ lo lắng như “chết đến nơi rồi”, còn Chúa Giêsu thì “chẳng lo gì”… Các môn đệ kêu cầu đến Chúa và Chúa đã ra tay uy quyền, Chúa mắng các môn đệ “làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Chúng ta ngắm nhìn xem, tại sao Chúa Giêsu lại mắng các môn đệ chưa có lòng tin?

Qua trình thuật này chúng ta có thể hiểu rằng, giữa Chúa Giêsu và các môn đệ đã có một tương quan rất thân thiện với nhau rồi. Cùng làm việc và cùng thi hành sứ vụ chung với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng cảm nghiệm rằng, dường như tương quan ấy chỉ mới có ở bề mặt bên ngoài, có nghĩa là các môn đệ mới chỉ gặp gỡ, gần gũi làm việc chung, mới tương quan trên bình diện công việc và cuộc sống, chứ các môn đệ chưa đi vào tương quan sâu, chưa hiểu hết Chúa như thế nào, quyền năng của Ngài ra sao?

Chúa mắng các môn đệ “chưa có đức tin” quả thật là phải lẽ, vì hành trình của các ông đang có Chúa đó, nhưng các ông chẳng ý thức về sự hiện diện đồng hành của Ngài, các ông không nhận biết quyền năng của Chúa, các ông cũng chẳng trông cậy vào Ngài… Sóng gió ập đến, các môn đệ mới sực nhớ đến Chúa, và rồi các ông vội trách Chúa “chẳng lo gì”.

Cuộc sống thường ngày của chúng ta dường như cũng thế, chúng ta ít khi ý thức sự hiện diện của Chúa, chúng ta thường đi với Chúa cách vô ý thức, coi như Chúa không biết gì, Chúa chẳng quan tâm. Đến lúc nguy khó mới nhớ chạy đến Chúa và kêu la rối rít. Thái độ sống này, chắc chắn sẽ bị Chúa mắng là “chưa có lòng tin”. Tuy nhiên, một thái độ ngược lại cũng đáng quan tâm. Cuộc sống đôi lúc chúng ta cũng rơi vào tâm trạng thất vọng nặng nề, chúng ta cũng chẳng còn nhớ đến Chúa, và quên rằng Ngài ở bên chúng ta và chờ chúng ta khiêm tốn lên tiếng kêu cầu Ngài. Thái độ chỉ kêu đến Chúa khi gặp khó khăn, hoặc là thất vọng đến quên cả Chúa mà lầm lũi bước đi đó là thái độ “chưa có lòng tin”.

Thánh Maccô thuật tiếp, sau khi các môn đệ kêu đến Chúa, tin tưởng vào quyền năng của Chúa, Chúa bắt đầu ra tay. Nhưng sau khi Chúa ra tay truyền sóng biển im lặng, thì các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai…?”

Gặp sóng gió, các môn đệ hoảng sợ, không tin đủ vào Chúa. Sau khi Chúa tỏ quyền năng thì các ông lại thắc mắc “Ngài là ai?” Điều này chứng tỏ nền tảng đức tin của các môn đệ chưa vững chắc, đi bên Chúa, gặp gỡ Chúa nhưng không khao khát tìm biết Chúa là ai? Lẽ ra các ông phải tìm hiểu về Chúa, biết Chúa là ai khi bắt đầu cất bước theo Ngài! Còn nghi ngờ vào chính Thiên Chúa thì chắc chắn là chưa có lòng tin. Tin Chúa là phải học cho biết Ngài là ai và đi vào trong tương quan sâu để cảm nghiệm Ngài như ta đã được học biết. Tin vào Chúa là hiểu điều Chúa làm, mong điều Chúa muốn và phó thác cho Ngài cuộc sống của ta.

Sau phép lạ Chúa làm truyền sóng biển im lặng, chắc chắn các môn đệ phải tìm được câu trả lời Chúa là ai khi quan sát sự kiện và khi tương quan gần gũi song hành với Chúa. Vậy mà không hiểu sao các ông lại còn hoảng sợ và thắc mắc “ông này là ai?” Câu hỏi này chứng tỏ lòng tin của các ông chưa có và bị Chúa mắng thì cũng không oan uổng gì.

Bởi vì các môn đệ chưa có lòng tin, nên chưa ý thức sự hiện diện của Chúa. Chưa có niềm tin nên còn nghi ngờ “ông này là ai?”. Chưa có lòng tin nên còn dành quyền điều khiển và kiểm soát hành trình. Khi các môn đệ dành quyền kiểm soát và điều khiển hành trình đời mình, thì Chúa dành cho họ ưu tiên đó, Ngài nghỉ ngơi. Giả như chúng ta tin tưởng trao phó cho Chúa để Ngài điều khiển và an tâm nghỉ ngơi, thì chính lúc ấy Chúa sẽ giang tay ra hành động, Ngài chở che, bao bọc và cứu giúp.

Thái độ của những người “chưa có lòng tin” là thái độ của những người ưa thích đảo lộn tình thế, đứng vào vị trí điều khiển của Chúa, quên đi vai trò lệ thuộc của chính bản thân mình.

Có lòng tin là ý thức Chúa hiện diện trong mọi nẻo hành trình; Có lòng tin là trả lời xác tín với mọi người về chính Chúa, bằng sự cảm nghiệm của chính cá nhân mình; Có lòng tin là để Chúa điều khiển và kiểm soát cuộc sống của mình; Có lòng tin là khiêm tốn kêu xin khi gặp gian nan khốn khó.

Giờ đây, chúng ta khiêm tốn dâng lên Chúa lời nguyện xin ơn đức tin:

Lạy Chúa Giêsu,

Chúng con cám ơn Chúa vẫn hiện diện trong cuộc sống chúng con.

Xin cho chúng con tin vào quyền năng Chúa vẫn hiển trị trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, cuộc sống quanh chúng con có biết bao điều xảy đến.

Tất cả đều nằm dưới bàn tay tình thương quan phòng của Chúa.

Xin Chúa giúp chúng con biết cùng với vạn vật dâng lời ca khen quyền năng Chúa.

Xin giúp chúng con biết đón nhận ân ban của Chúa trong sự khiêm tốn thẳm sâu.

 Xin dạy chúng con biết chạy đến với Chúa khi gặp những gian nan thử thách,

Xin giúp chúng con biết bám vào Chúa để đi qua những giông bão trong cuộc đời.

Lạy Chúa, Chúa luôn nâng đỡ những ai kêu cầu Chúa.

Chúng con xin phó dâng cuộc sống trong tình thương quan phòng của Chúa. Amen.

 

  1. Sóng gió cuộc đời – Lm Anphong Trần Đức Phương

Tôi đã được nghe một câu chuyện về Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963). Ngài chỉ ở trên ngôi vị Giáo Hoàng trong vòng 5 năm (1958-1963), nhưng được nhiều người sùng mộ. Sau khi Ngài qua đời, rất nhiều người đã đến viếng mộ của Ngài, đến nỗi di hài của Ngài đã được đưa từ hầm mộ lên trên nền Đền Thờ Thánh Phêrô để dễ dàng cho giáo dân kính viếng. Ngài có một niềm ưu tư đặc biệt về việc hiện đại hóa Giáo Hội. Ngài cũng luôn quan tâm về nền hòa bình thế giới. Một trong những thông điệp nổi tiếng của Ngài là Thông Điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới” (Pacem in Terris), ra ngày 11-4-1963, trong đó Ngài kêu gọi mọi người có thành tâm thiện chí hãy chung tay xây dựng Hòa Bình và sự Công Chính trên thế giới, để “làm cho trái đất này trở nên nơi ở tốt đẹp hơn cho nhân loại!”(Lời kết Thông Điệp) Một đêm khi Ngài đang ngủ, Ngài chợt nghĩ đến bao nhiêu những điều cần phải thực hiện trong Giáo Hội. Ngài mong cho đến sáng để xin vào trình bày với Đức Giáo Hoàng về những việc cần phải làm ngay. Nhưng Ngài sực tỉnh và mới nhận ra chính Ngài đang là Giáo Hoàng! Lúc đó, Ngài cảm thấy hết sức sợ hãi! Nhưng như có tiếng Chúa nói với Ngài: “Giáo Hội là của Cha chứ không phải của con!” Bấy giờ Ngài mới lấy lại can đảm và cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho Ngài biết phải làm gì để canh tân Giáo Hội. Rồi Ngài đã mở Đại Công Đồng Vatican II (1962-1965), mời các vị Hồng Y và Giám Mục từ các nơi trên thế giới trở về Rôma họp để cùng nhau đưa ra những ý kiến hiện đại hóa Giáo Hội.

Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, trong Bài Phúc Âm (Mc 4, 35-41), chúng ta thấy các Thánh Tông Đồ đang chèo thuyền trên Biển Hồ Tibêriat trong đêm tối, thì sóng to gió lớn nổi lên, nước ùa vào trong thuyền đến nỗi thuyền sắp chìm, mà Chúa Giêsu cứ ‘ngủ yên’ trên mạn thuyền, như không biết gì cả. Các Tông Đồ phải đánh thức Chúa dậy: “Chúng con sắp chết đến nơi mà Thày không quan tâm đến sao?” Chúa Giêsu đã ‘thức dậy’ và làm phép lạ cho gió yên, biển lặng! Rồi Chúa trách các Tông Đồ: “Các con không có đức tin ư? Sao mà qúa sợ hãi như vậy!”

Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta có nhiều lúc cũng gặp “bão tố nổi lên” và chúng ta có cảm tưởng Chúa cứ ‘ngủ yên’ mà không thương cứu giúp chúng ta. Y như trong trường hợp khổ đau của ông Gióp trong Bài Đọc I (Gióp 38, 1.8-11). Nhưng ông Gióp đã luôn vững tin nơi Chúa, không phàn nàn, kêu trách; rồi Chúa đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, và ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong Bài Đọc II (2Cr 5,14-17), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: Vì thương yêu chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã sống lại!..”, đem lại cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào tình thương của Chúa.

Là những tín hữu của Chúa, chúng ta hãy noi gương ông Gióp, luôn biết tin tưởng, phó thác nơi Chúa trong mọi biến cố xảy ra cho chúng ta, gia đình chúng ta, thế giới chúng ta và ngay trong Giáo Hội Chúa nữa; vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng, và là Cha yêu thương của chúng ta. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi sự quan phòng của Chúa là Cha luôn yêu thương chúng ta và lo lắng mọi điều cần thiết cho chúng ta. (Mt 6, 25-34)

Trong thế giới ngày nay, người ta thường thiếu niềm tin nơi Chúa, và vì thế dễ lo lắng, sợ hãi trước những biến cố đau thương xảy ra trong cuộc đời, và trở nên khủng hoảng tinh thần, bất mãn với cuộc đời, tâm trí bị căng thẳng, rồi suy nhược (depressed) và có những trường hợp đưa đến loạn trí, hành động điên rồ gây nên những tội ác khủng khiếp: như tự hủy chính mình, có khi giết hại mạng sống cả gia đình, có khi giết hại những người vô tội, như những cuộc bắn giết tại các trường học, tiệm ăn, sở làm và các trung tâm thương mại v.v…

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta được vững niềm tin phó thác nơi tình thương che chở của Chúa là Cha chúng ta. Xin cho chúng ta biết nhìn lên Thánh Giá Chúa để chấp nhận mọi đau khổ, thử thách xảy ra cho chúng ta , gia đình chúng ta. Chính những đau khổ, thử thách tôi luyện đức tin của chúng ta, làm cho đức tin của chúng ta trở nên vững chắc hơn. Đau khổ và thử thách cũng là những dịp để chúng ta được thông phần với sự đau khổ Chúa đã chịu để cứu chuộc chúng ta (Xin xem 1 Pr 1, 6-9; 2 Cr 4, 17-18; Rm 8,18).

“Anh em hãy phó thác mọi nỗi lo âu cho Chúa; vì Chúa luôn lo lắng cho anh em!” (1Pr 5,7).

“Hãy phó thác đường đời cho Chúa,

Người sẽ lo liệu mọi sự cho chúng ta!”

(TV 37).

“Tôi tin, tôi tin Chúa đã thương tôi, nên Người đã chết, chết vì tôi…

“Tôi tin Chúa vẫn thương tôi, cho dù đời tôi bao phen giông tố…”

(Bản Thánh ca “Tôi Tin” của Thành Tâm)

 

  1. Lời kêu xin.

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cho chúng ta thấy các tông đồ đang ở vào một tình thế tuyệt vọng. Lời van xin của họ dường như bị sóng biển vùi lấp:

– Lạy Thầy, xin cứu chúng con.

Chúa Giêsu rất có thể lên tiếng trách cứ các ông:

– Bộ các con không hiểu rằng bao lâu Thầy còn ở với các con, thì không một tai ương hoạn nạn nào có thể xảy ra.

Thế nhưng lời van xin ấy lại rất bình thường và gần gũi với bản tính của chúng ta. Lời van xin xuất phát từ trái tim của một tạo vật nhỏ bé, như muốn xác quyết rằng: Vấn đề thật vô phương cứu chữa, chỉ mình Chúa mới có thể giúp đỡ.

Thế nhưng ngày hôm nay, liệu chúng ta có còn tìm thấy những lời van xin đầy tin tưởng và hy vọng như thế hay không? Nếu chúng ta hỏi những người lính chiến rằng: Vào những lúc nguy hiểm có bao giờ các bạn đã nghĩ tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không. Hầu như tất cả đều trả lời rằng không.

Nếu chúng ta hỏi những người lái xe rằng khi xảy ra tai nạn có bao giờ các bạn nghĩ tới đời sau và xin Chúa phù trợ hay không. Hầu như tất cả đều trả lời rằng không.

Chiếc tàu Dora với một ngàn bảy trăm hành khách, chẳng may gặp nạn và chìm dần xuống biển, người ta đã ghi nhận được một cảnh tượng thật trái ngược trong thời điểm hoảng hốt đó. Các cô thì lo giữ lấy đôi giày của mình. Các bà thì lo giữ lấy những bộ áo của mình. Các ông thì lo giữ lấy ví tiền của mình. Chỉ có một em bé năm tuổi là đã quỳ gối cầu nguyện.

Ngay cả bản thân chúng ta cũng thế. Mỗi khi gặp phải tai ương hoạn nạn, chúng ta vùng vẫy, chúng ta kêu gào, chúng ta làm mọi cách để thoát khỏi tai ương hoạn nạn ấy, nhưng lại không biết mở miệng kêu xin:

– Lạy Chúa, xin Chúa cứu giúp con kẻo con chết mất. Chỉ mình Chúa mới có thể bảo đảm cho con được an toàn.

Chúng ta cũng giống như dân ngoại. Chẳng tìm thấy hướng đi cũng như ánh sáng cho cuộc đời chúng ta. Ngày xưa mỗi khi mất mùa đói kém giặc giã xảy ra, người ta kêu cầu Chúa:

– Lạy Chúa xin giúp đỡ con.

Người ta tổ chức những cuộc rước kiệu, những cuộc hành hương để kêu cầu Chúa. Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao?

Ngày hôm nay, người ta có rất nhiều phương tiện, chẳng hạn như thuốc trụ sinh, công ty bảo bảo hiểm, và người ta cảm thấy không còn cần đến sự trợ giúp của Chúa nữa. Và tệ hơn nữa, người ta muốn trục xuất Thiên Chúa ra khỏi những sinh hoạt cá nhân và xã hội. Người ta muốn thay trời vắt đất làm mưa. Người ta sống như không còn sự hiện diện của Ngài nữa.

Từ những điều vừa trình bày chúng ta đi tới kết luận: Bao lâu Chúa Giêsu còn ở trong chúng ta thì không một tai nạn nào có thể xảy ra. Tuy nhiên con người thời nay lại không hiểu là như thế. Do đó, vấn đề cần phải đặt ra cho mỗi người, đó là Chúa Giêsu có thực ở trong thuyền đời chúng ta hay không. Tôi đã phản ứng và hành động như thế nào trong những hoàn cảnh đen tối. Tôi có biết hướng tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không? Đó là những câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự tìm lấy lời giải đáp.

 

  1. Thầy không lo sao?

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Các môn đệ gặp trận cuồng phong khi vượt biển. Họ kinh hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chửng. Bất lực trước cơn cuồng nộ của sóng gió, họ đã đánh thức Đức Giêsu, xin Ngài giúp đỡ.

Cuộc đời nào tránh được mọi cơn giông tố?

Ai trong chúng ta cũng thích biển lặng sóng yên, nhưng giông tố lại giúp ta nhận ra mình: yếu đuối, chao đảo, mong manh, bất lực, không đủ khả năng đương đầu với bao thách đố.

Giông tố đưa ta đến với Đức Giêsu, và phó thác cho sự trợ giúp của Ngài. “Chúng con chết mất!”

Cái chết thể lý và cái chết tinh thần. Cái chết của bản thân và của tập thể mình gắn bó. Cái chết của những công trình mình xây dựng.

Chúa là sự sống, sao Chúa lặng yên để chúng con chịu chết? Sao Chúa để sự dữ tung hoành trên thế giới? “Mà Thầy không lo sao?”. Một lời trách móc?

Nhiều khi chúng ta cũng trách Chúa như vậy. Có vẻ Chúa quá vô tư, lãnh đạm, hững hờ. Chúa yên ngủ khi đời ta gặp cơn giông tố.

Đức Giêsu đã thức dậy, ra lệnh cho gió và biển: “Câm đi! Im đi!”. Gió ngừng ngay và biển lặng xuống.

Sự lặng đi của biển đưa đến sự trầm lặng của lòng. Nỗi kinh hoàng tan biến, nỗi sợ chết cũng bay xa.

Nhưng chúng ta không đòi phép lạ biển lặng trong đời. Điều quý hơn, đó là lòng ta được lặng.

Lòng lặng không phải vì biển lặng, mà lặng ngay giữa lúc biển động. Đó là một phép lạ lớn hơn nhiều, và đó cũng là thái độ Chúa muốn ta phải có.

Tại sao các anh lại kinh sợ? Sóng gió làm gì được các anh khi Thầy đang cùng các anh ở chung một con thuyền?

Đức Giêsu đòi các môn đệ không được khiếp sợ.

Thầy đã làm bao phép lạ trước mắt các anh, vậy mà các anh vẫn chưa có lòng tin ư? Nếu có lòng tin thì đâu có cuống cuồng như vậy.

Đức tin chỉ lộ ra khi biển động. Và có thể nói, biển động giúp hình thành đức tin. Đức tin lớn lên ít nhiều sau mỗi lần biển động.

Thuyền đời Kitô hữu chẳng bao giờ êm ả. Nó chỉ êm ả khi về tới bến. Nhưng lòng ta lại phải giữ cho bình yên, ngay cả khi Ngài không thức dậy, dù ta đã gọi Ngài nhiều lần giữa tiếng sóng gào thét. Ta tin rằng Ngài sẽ cứu ta theo cách của Ngài.

Gợi Ý Chia Sẻ

Điều gì khiến bạn sợ hơn cả trong cuộc sống? (Sợ thất nghiệp, sợ thi rớt, sợ không được yêu, sợ mất uy tín, hay sắc đẹp…). Sự sợ hãi có làm đời bạn bớt vui không? Có làm bạn bớt tự do không?

Khi bạn bị căng thẳng, lo âu, mất bình an, bạn thường làm gì để trở lại bình thường? Cầu nguyện có giúp gì cho bạn không?

Cầu Nguyện

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con. Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.

 

  1. Ai có thể trở nên một người như thế?

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tng’ – Charles E. Miller)

Chiếc tàu Titanic được chào hàng như một chiếc tàu không bao giờ chìm. Và sau đó là đụng một tảng băng ngay trong cuộc hành trình đầu tiên của nó, chiếc Titanic đã chìm xuống đáy của Đại Tây Dương với hầu hết những người đi trên con thuyền đó trong vài phút. Đại dương quyền năng hơn bất cứ một con tàu nào, đã nuốt trọn con tàu Titanic giống như nó đã nuốt một hộp cá mòi vậy.

Đó là một mầu nhiệm sâu xa về biển cả, và đó không có gì là ngạc nhiên về quyền năng của nước được xem là một thuộc tính của thần linh. Trong sách Gióp chính Thiên Chúa đã làm chứng về quyền năng thần linh của Ngài, bằng việc biểu dương quyền năng của Ngài là chủ tể của nước sâu. Những tông đồ là những người đánh cá, hơn ai hết họ không cần ai nói cho họ biết về việc phải sợ hãi cái vẻ bề ngoài đáng sợ của biển Galilê. Thình lình, tai họa có thể xảy ra một cách bất thường. Biển thì ở 685 bộ bên dưới mực nước biển và bao quanh bởi những ngọn núi. Với một làn không khí lạnh thổi xuống từ những ngọn núi hầu như nhanh chóng biến đổi làn nước đại dương thành những con sóng nguy hiểm cao đến bảy hoặc tám bộ.

Thật chính xác những gì đã xảy ra vào buổi chiều hôm đó, khi Chúa Giêsu vào thuyền của các môn đệ ở trên biển Galilê. Đó giống như một ngày của sáng tạo, những yếu tố tự nhiên đang chờ đợi khoảnh khắc khi mà Chúa là chủ tể của chúng xác quyết quyền năng và tỏ hiện sự thần linh của Ngài. Sau khi Chúa Giêsu làm cho biển bình yên bởi những lời của Ngài, các tông đồ đã kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Người này là ai mà làm cho gió biển phải vâng lời?”

Gió và biển đã biết Chúa Giêsu là ai và cả chúng ta cũng như thế. Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi của các tông đồ. Nếu chúng ta không có đức tin, chúng ta xem Người một cách giới hạn bởi xét đoán của con người nhưng bởi đức tin mà chúng ta nhận biết rằng Chúa Giêsu là Chúa, là Đấng Cứu Độ. Vì Chúa là Đấng cứu độ của chúng ta, Ngài ước ao giải thoát chúng ta khỏi những tai họa của đời sống trên biển. Sự sợ hãi những căn bệnh như ung thư hoặc Siđa, lo lắng về tận cùng của tương lai một cách bất an, những lo lắng về con cái trong một xã hội say sưa và hỗn tạp, sự không vững chắc hay gãy đổ của đời sống hôn nhân, sự khủng hoảng hay sự cô độc, bị bỏ rơi, sự khủng khiếp mà viễn cảnh của sự chết có thể phát sinh.

Trong lời tuyên xưng Thánh Thể chúng ta đã kêu lên: “Bởi thánh giá và sự Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta”. Sau kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ và ban cho chúng con bình an trong ngày hôm nay, bởi lòng thương xót Chúa sẽ giữ gìn chúng con khỏi tội lỗi và bảo vệ chúng con khỏi mọi lo âu”. Lời nguyện này muốn nói lên lời diễn tả đức tin của chúng ta nhưng cấp độ bình an và quang đãng của chúng ta không tùy thuộc và sự diễn tả đức tin của chúng ta nhưng ở chiều sâu của nó. Đức tin của chúng ta phải sâu như biển cả vậy.

Khi chiếc Titanic chìm xuống, số người bị lâm nạn đã tăng lên gấp bội bởi vì thuyền đã không trang bị đủ những thuyền cứu sinh. Chúng ta còn được hơn thuyền cứu sinh cứu nữa. Chính Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khi chúng ta bị chìm trong biển cám dỗ sâu nhất của cuộc đời. Chúng ta có con người của Chúa Giêsu Kitô, luôn luôn hiện diện với chúng ta trong Giáo Hội và hướng về Người, chúng ta có thể cầu nguyện một cách tin tưởng. Trong cơn bão trên biển hồ, các tông đồ đã phàn nàn: “Lạy Thầy chúng con sắp chết mà Thầy không quan tâm đến sao?” Với đức tin chúng ta biết rằng, không có vấn đề gì với Chúa Giêsu. Vấn đề là sự cứu độ của chúng ta không đến từ những lời nói, tuy nhiên ở nơi. Lời quyền năng của Ngài: “Hãy yên lặng, hãy im đi”. Sự cứu độ của chúng ta đến từ hy tế nơi thánh giá. Đức tin của chúng ta là: “Lạy Chúa bởi thánh giá của Người, và sự Phục Sinh của Người xin giải thoát chúng con, Người là Đấng cứu độ chúng con”.

 

  1. Nỗi kinh hoàng của con người

và sự yên tĩnh của Thiên Chúa – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Giai thoại bão táp yên lặng là một cơ hội tốt cho những ai ngã theo khuynh hướng “giải huyền thoại” trong phúc âm (khuynh hướng này ngày nay đã giảm). Để giản lược biến cố vào một sự kiện tự nhiên, họ chỉ cần tưởng tượng và rồi sau khi đã chiều theo sức ép của trí tưởng tượng, quả quyết rằng bão táp tự nó ngưng lại, vừa lúc Đức Giêsu ra lệnh cho biển; và như thế là do tình cờ. Có một loại não trạng tự gọi là khoa học, chủ trương ngay từ đầu chối bỏ mọi can thiệp của Thiên Chúa trong vũ trụ và giải thích một số sự kiện bằng một định kiến như thế thật dễ dàng. Trong trường hợp này chúng ta có thể bám vào lời này: Ở khởi điểm của truyền thống Phúc Âm, có thật là biến cố, nhưng liền được giải thích trong môi trường của Giáo Hội sơ khai, dựa trên một não trạng Kinh Thánh và một niềm tin vào sự Sống Lại” (X.L. Dufour, Etudes d’Evangile, Paris, 1965).

Ưu tư của Giáo Hội sơ khai là minh chứng: Đức Giêsu có cùng một quyền năng trên tạo vật như Thiên Chúa (não trạng Kinh Thánh) và dẫn đưa người tín hữu đến một niềm tin nơi Đức Giêsu Phục Sinh, một niềm tin trọn vẹn, truyền giáo (Hãy sang bên kia bờ) và có khả năng đương đầu với mọi nghịch cảnh.

Giải quyết xong điều trên, câu chuyện bão táp yên lặng gợi cho chúng ta một vài suy nghĩ rất đơn sơ:

1) ‘Thưa Thày, chúng con chết mất mà Thày không quan tâm đến sao?’

Lời trách móc này cho thấy rõ sự mâu thuẫn giữa nỗi kinh hoàng của các môn đệ và sự yên tĩnh của vị Thày. Một bên sóng gió nguy hiểm, một bên Đức Giêsu vẫn ngủ. Biển hồ Giê-nê-sa-rét, như các biển hồ được núi đồi bao phủ khác, thường có những cơn bão táp đột ngột và dễ sợ. Con thuyền bị sa vào một trong các cơn bão táp như thế. Chúng ta hiểu Đức Giêsu sau một ngày trọn rao giảng mệt nhọc, đã ngủ thiếp đi. Các môn đệ không hiểu được sóng gió mạnh mẽ như thế, lại tràn ngập vào thuyền mà không làm cho Ngài tỉnh dậy. Họ không mường tượng được rằng: chỉ duy có sự hiện diện của Đức Giêsu với họ, đã là một sự bảo đảm an toàn vững chắc.

Họ có lỗi vì đánh thức thày dậy không? Chắc là không. Đó chỉ là phản ứng bình thường của con người hoảng hốt, sự yếu hèn của họ (nhưng họ chưa có niềm tin sau Phục Sinh) ở chỗ họ không đặt sự an toàn của mình nơi con người Đức Giêsu. Chúng ta cũng gặp phải những giây phút thử thách nghiêm trọng. Chúng ta không có lỗi khi kêu đến Thiên Chúa, khi đánh thức Người dậy. Chúng ta không thể chế ngự một số âu lo tự nhiên. Ít là chúng ta nên nhớ Đức Giêsu đang ở với chúng ta để giữ vững niềm tin của chúng ta.

2) Hình ảnh con thuyền gợi lên con thuyền Giáo Hội, theo như ngôn từ của các thánh phụ.

Trong thời đại của chúng ta, cũng như trong mọi thời đại, Giáo Hội tựa con thuyền bị lay động và cản trở mạnh mẽ do các lầm lạc, bách hại, thao túng của thế gian. Một vài lầm lỗi hình như xâm chiếm cả Giáo Hội. Những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. Điều này có lẽ tạo nên nỗi lo âu lớn nhất cho nhiều người ưu tú trong nhóm môn đệ Đức Kitô. Hãy nhớ rằng chỉ một lời của Chúa vào lúc ngài muốn, có khả năng cứu thoát tất cả. Ngài nói: “Im đi….”, tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Điều quan trọng là hãy giữ niềm tin cho sống động và mạnh mẽ. ‘Các con không có đức tin ư?’.

 

  1. Đức tin trưởng thành.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

John Newton là con trai một đại uý hải quân người Anh. Khi John lên 10 tuổi, mẹ cậu qua đời. Từ đó cậu bé thường theo bố đi biển. Nhờ vậy mà cậu rành rẽ đường lối ngoài biển khơi. Tuy nhiên vào năm cậu 17 tuổi, cậu bé bất mãn với bố. Cậu bỏ thuyền ra đi lao vào cuộc đời gió bụi. Cuối cùng cậu nhận được việc làm trên chiếc tàu hàng buôn nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ Châu. Cậu thăng quan tiến chức rất lẹ và chẳng bao lâu đã trở nên thuyền trưởng. Chẳng bao giờ Newton bận tâm suy nghĩ đến việc buôn nô lệ là đúng hay sai. Cậu chỉ làm công việc của mình nhằm mục đích kiếm tiền mà thôi. Thế nhưng một biến cố quan trọng đã xẩy đến thay đổi tất cả cuộc đời cậu.

Một đêm nọ một cơn bão dữ dội xuất hiện trên mặt biển. Sóng dâng cao như thác núi xô đẩy và quay vòng chiếc thuyền của Newton như món đồ chơi trẻ con. Mọi người trên thuyền vô cùng kinh khiếp. Lúc bấy giờ bỗng dưng Newton buột lời cầu nguyện. Đây là điều cậu không hề làm kể từ khi rời khỏi thuyền của bố cậu, cậu kêu to: “Lạy Chúa, nếu Ngài thương, xin cứu vớt chúng con, con nguyện sẽ mãi mãi làm nô lệ cho Ngài”.

Chúa nhậm lời cầu xin của cậu và cứu vớt con thuyền. Thế rồi sau khi vào được bờ, Newton đã giữ lời hứa và bỏ nghề buôn nô lệ. Sau đó cậu đi tu, và một thời gian sau trở thành mục sư coi sóc một nhà thờ nhỏ ở Olney, nước Anh. Ở đây vị mục sư trở nên một nhà giảng thuyết kiêm nhà soạn thánh ca lừng danh. Một trong những bản thánh ca cảm động nhất mà Newton đã sáng tác là bản nhạc ca ngợi Chúa về cuộc trở lại của cậu.

Giống như Newton, các Tông đồ cũng gặp phải bão biển dữ dội. Giống như Newton, các ông đã kêu to lên cùng Chúa: “Xin hãy cứu chúng con”. Giống như Newton, các ông cũng đã được biến đổi hoàn toàn sau khi Chúa nhậm lời cầu xin. Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Ông này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”.

“Ông này là ai?”. Đây chắc chắn là một câu hỏi căn bản. Dĩ nhiên câu trả lời đã có sắn trong bài đọc 1 và trong Thánh Vịnh đáp ca hôm nay. Bài đọc 1 mô tả Chúa là Đấng Tạo Hoá, chính Ngài đã tạo dựng biển cả, đã đặt ranh giới cho chúng và truyền lệnh cho chúng tuân theo ý muốn của Ngài. (x.G 38,1.8-11). Thánh Vịnh đáp ca là lời kêu cầu Chúa của những thuỷ thủ gặp bão biển. Và Chúa đã ra tay cứu họ. Họ vui sướng, vì trời yên biển lặng. Và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ. Họ tạ ơn Chúa, vì Chúa từ nhân (x. Tv 107).

Trong cả hai bài đọc Cựu Ước này, chúng ta thấy Chúa đang thi hành chủ quyền của Ngài trên sóng gió. Ngài truyền lệnh cho chúng và chúng tuân phục Ngài. Đây cũng là điều chúng ta thấy Chúa Giêsu đang thực hiện trong Tin Mừng hôm nay.ngài đang biểu lộ chủ quyền của Ngài trên sóng gió. Ngài truyền lệnh và chúng tuân phục ngay. Như thế các bài đọc hôm nay cho thấy Thiên Chúa trong Cựu Ước và Đức Giêsu của Tân Ước là một. Ngài đang thực thi quyền năng của một Thiên Chúa. Thánh Marcô không chỉ muốn nói lên quyền năng của Chúa mà còn muốn khẳng định Ngài chính là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, và mời gọi chúng ta hãy hoàn toàn tin vào Ngài.

Các môn đệ ở chung một thuyền với Chúa, các ông đã biết Chúa quyền năng, có thể làm nhiều phép lạ, nhưng khi sóng gió nổi lên, các ông vẫn hoảng hốt. Các ông quên rằng dù thức hay ngủ, Chúa vẫn là Chúa. Các ông chưa hoàn toàn tin vào Chúa. Chúng ta thường nghĩ mình có đức tin, nhưng trong thử thách, khi cần biểu lộ lòng tin thì nhiều khi ta lại hoảng sợ.

Đời tự nó đã là khó. Đi trong cuộc đời với niềm tin theo cách Chúa dạy lại càng khó hơn. Chúng ta đã vâng lệnh Chúa mà nhổ neo ra khơi, đã tin tưởng vì có Chúa ở đàng lái, ở vị trí hoa tiêu, nhưng có thể đã có lần chúng ta đau đớn vì Chúa lại ngủ giữa phong ba. Điều đó có thật, là kinh nghiệm muôn đời của những ai tin Chúa. Niềm tin không phải là giải đáp dễ dãi, không miễn trừ những khó khăn. Cần phải dày công học tập mới chấp nhận được thực tế đó. Người có niềm tin trưởng thành là người “giữa phong ba khốn cùng ngàn nỗi vẫn luôn thành tín ngợi khen Chúa là thuẫn đỡ, là khiên che, là đồn luỹ”. Phải dám ra đi dù trời đã về chiều, dù có thể gặp phong ba. Nếu không thì chẳng bao giờ sang được “bờ bên kia” của cuộc sống. Chúa có thể ngủ, nhưng Chúa luôn thức vào lúc quyết định để trợ giúp những ai bằng lòng để cho “Chúa ở đằng lái”.

Bão lớn, nước sắp đầy thuyền thì ai mà không sợ? Vậy mà Chúa còn trách: “Sao các con sợ thế, các con không có đức tin ư?”. Các môn đệ lâm nguy thật sự. Trong hoàn cảnh đó, chẳng những nên kêu cứu Chúa, mà đúng là phải kêu cứu Chúa. Nhưng đừng kêu cứu với tâm trạng sợ hãi đến tuyệt vọng như vậy. Phải kêu cứu nhưng hãy kêu cứu trong niềm cậy trông tín thác tuyệt đối. Lời trách cứ của Chúa Giêsu khai mở cho chúng ta một kinh nghiệm đức tin quý báu: niềm tin vững vàng làm chúng ta thêm can đảm lắm mới có thể tin. Vì tin Chúa, thực tế chính là “ trao thân gởi phận” cho Chúa. Người tin Chúa thực sự thì không sợ, còn người sợ thực sự thì không tin. Trong rất nhiều trường hợp, “yếu tin” đồng nghĩa với “hèn tin”!

Câu hỏi của các môn đệ sau khi được Chúa cứu nguy: “Ngài là ai mà cả gió lẫn biểu cũng đều vâng lệnh?” phải là câu hỏi căn bản cho những ai muốn tin và muốn đạt tới niềm tin trưởng thành vào Chúa Giêsu. Phải trả lời cho thật, cho đúng, cho sâu và sát với hoàn cảnh đời mình. Tin không phải chỉ là xác tín về một chân lý lý thuyết cho thoả trí óc, nhưng là “trao thân gởi phận” cho Chúa, nên phải biết rõ Chúa là ai, đáng tin đến mức nào. Thánh Phaolô là chứng nhân đức tin kiệt xuất, đã trải qua bao gian nan mà vẫn tín trung với Chúa, vì thánh nhân “biết mình đã tin vào ai” (2Tm 1,13). Nếu thực sự muốn tin, chúng ta cũng phải biết: Chúa Giêsu Kitô là ai? Tin Mừng cho chúng ta biết: Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Chân lý ấy quá đơn sơ, chúng ta đều đã biết. Nhưng có thể chúng ta mới biết bằng “cái đầu”, bằng trí óc, chứ chưa biết bằng “con tim”, bằng lòng yêu mến. Tin cuối cùng là yêu, là trung thành gắn bó với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Vậy lòng ta cần phải biết Ngài là Chúa, nghĩa là không chỉ biết rằng Ngài quyền trên cuộc đời mình, Ngài là Chúa của mình. Khi lòng ta chưa biết điều đó, thì dù không nói hay không dám nói ra, tự thâm tâm ta vẫn nghĩ: Lời Chúa chói tai quá! Lệnh Chúa truyền khó khăn qúa! Và sẽ bỏ đi như người Do Thái, vì thầy tin Chúa là phải là phiêu lưu và quá khó khăn! Người có đức tin trưởng thành là người “biết điều”: họ nhận ra Đấng mời gọi là Đấng có quyền, nên họ dấn thân theo lời mời gọi của Ngài vì đó là đòi hỏi của tình yêu.

Hãy vận dụng đức tin để dấn thân vào đời, lấy sức chèo chống, ngăn chận sự ác đang hoành hành. Hãy chạy đến Chúa và phó thác cho Ngài mọi lo lắng của cuộc đời, kiên trì tin tưởng Chúa sẽ cứu thoát chúng ta.

 

  1. Các con không có lòng tin sao? – Noel Quesson.

Một sĩ quan người Anh cùng gia đình xuống tầu đi tới một miền xa lạ. Đang lênh đênh trên biển thì bỗng có giông bão khủng khiếp ập tới. Hành khách trên tầu cuống cuồng lo sợ, nhất là bà vợ của viên sĩ quan. Bà thấy ông vẫn bình thản thì bực bội và trách ông không quan tâm đến nỗi lo lắng của bà và các con. Ông này ra khỏi phòng một lát rồi trở lại, ông nghiêm nét mặt, rút kiếm ra dí vào ngực vợ. Bà vợ hơi tái mặt, nhưng lát sau bà phá lên cười. Viên sĩ quan hỏi: – Thấy mũi kiếm sắp đâm vào người mà em không sợ sao? – Việc gì em phải sợ? Em biết anh vẫn thương em mà.

– Thế tại sao em bắt anh phải sợ khi anh biết Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta? Và cơn bão này cũng ở trong bàn tay Thiên Chúa?

Chúng ta thường nghĩ mình có đức tin, nhưng trong thử thách, khi cần biểu lộ lòng tin thì nhiều khi ta lại hoảng sợ. Chính vì thế, Chúa nhắc bảo ta luôn nhớ cầu nguyện để xin ơn tăng cường đức tin. Các môn đệ ở chung một thuyền với Chúa, các ông đã biết Chúa có quyền năng có thể làm nhiều phép lạ, nhưng khi sóng gió nổi lên, các ông vẫn hoảng hốt. Các ông quên rằng dù thức hay ngủ, Chúa vẫn là Chúa. Các ông chưa tin vào Chúa hoàn toàn. Chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa làm ra vẻ ngủ say để thử lòng tin của các môn đệ. Nhưng cũng có thể Chúa ngủ thực, vì Chúa cũng mang bản tính con người như ta. Chúa mệt mỏi vì bao công chuyện dồn dập mấy bữa qua: đi lại, giảng dạy, chữa bệnh cho bao nhiêu người. Sự mệt mỏi đã đưa Chúa vào giấc ngủ say.

Có những bất trắc, những tai nạn, rủi ro xảy tới cho đời ta, ta kêu cầu hoài mà không thấy Chúa đáp cứu. Những nhà duy vật thời nay thường nói: “Thiên Chúa đã chết”. Đôi khi, chính chúng ta là tín hữu Kitô, cũng có cảm tưởng như vậy. Chúng ta bị đe dọa, bị xô đẩy, bị chèn ép, chúng ta bất lực mà Thiên Chúa cứ làm thinh cho thiên nhiên hoành hành, cứ để cho bạo động xảy tới, xem ra Thiên Chúa đang ngủ quên. Tuy hoảng sợ, các môn đệ cũng còn chút tin tưởng ở Chúa, các ông tới đánh thức Chúa: “Thưa Thầy, chúng con chết đến nơi mà Thầy không quan tâm sao?”. Chúa thức dậy, đứng lên, quát nạt sóng gió và sóng gió trở lại yên tĩnh tức thì.

Sau khi trời yên biển lặng, Chúa bảo các môn đệ: “Sao các con sợ hãi? Các con không có đức tin ư?”. Chúa trách các môn đệ thiếu lòng tin. Không tin rằng có Chúa đang ở với mình trong thuyền. Không tin rằng Chúa vẫn yêu thương săn sóc các ông. Nhiều khi chúng ta còn đáng trách hơn các môn đệ, vì những lần chúng ta than thân trách phận, oán trời, trách Chúa: Sao Chúa để chúng ta đau khổ, kêu mãi kêu hoài mà Chúa vẫn làm ngơ.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh để chúng con lướt thắng mọi thử thách trên đường đức tin. Xin giúp chúng con luôn nhận ra Chúa trong những biến cố cuộc đời để chúng con an tâm phục vụ Tin Mừng. Quyền năng và tình thương của Chúa luôn làm cho con vững dạ an lòng (Tv 23,4).

 

  1. Mời gọi qua sông – Jean-Yves Garneau.

Chúng ta phải liên lỉ băng qua bờ bên kia. Thường thường biển động. Nhưng Chúa Kitô ở với chúng ta. Việc băng qua hồ Tibêriát, như thánh Marcô kể lại, mang một ý nghĩa tượng trưng, cho ta thấy một kinh nghiệm quan trọng và sâu sắc mà các môn đệ đã có được. Kinh nghiệm này có một giá trị gương mẫu đối với chúng ta. Thường thường chúng ta phải sống những kinh nghiệm tương tự.

Sang bờ bên kia.

Chúa Giêsu bảo bạn hữu của Chúa sang bờ bên kia. Vấn đề không phải chỉ đơn giản là đi từ nơi này đến nơi khác, nhưng là sống một biến cố sẽ giúp họ lớn lên. Lúc đó họ chưa biết được điều này.

Nhiều lần cả chúng ta nữa, chúng ta đứng trước một tiếng gọi của Chúa Kitô. Gọi vươn lên, gọi sống đời sống Kitô hữu của chúng ta mãnh liệt hơn, gọi dấn thân một cách mới mẻ… Nếu chúng ta đáp trả tiếng gọi ấy chúng ta không biết trước những gì sẽ xảy ra cho mình hoặc nó sẽ đưa mình đến tận đâu.

Từ biển lặng đến sóng gió.

Không chút do dự các tông đồ chấp nhận qua bờ bên kia, thậm chí họ còn có sáng kiến chuẩn bị nữa. Lúc khởi hành, mọi sự diễn ra suôn sẻ. Biển hồ yên lặng. Họ là những tay chèo giỏi. Chúa Kitô nằm ngủ ở mạn thuyền.

Rồi gió nổi lên. Đó là giông bão. Các môn đệ hoảng hốt. Từ đáy lòng họ la lên: “Lạy Thầy, chúng con chết mất!”.

Sự kiện này có thể áp dụng vào chính cuộc sống của chúng ta. Nhiều lần chúng ta phải đáp lại những lời mời gọi của Thiên Chúa. Không thể nghi ngờ thiện chí của chúng ta: Như các môn đệ, chúng ta thưa vâng trước những tiếng gọi này. Nhưng việc thực hành những gì tiếng gọi ấy thường có vẻ khó khăn và gắt gao hơn ta tưởng. Các khó khăn nhất thiết sẽ xảy đến. Chúng rất thường nhiều hơn và lớn hơn điều ta dự tính.

Thế giới này trong đó chúng ta sống cũng giống như mặt biển động vậy. Sống đạo trên một mặt biển như thế không dễ dàng, không đơn giản! Không dễ dàng lớn lên về mặt Kitô hữu trong một xã hội như xã hội của chúng ta, đang loan truyền đủ mọi thứ khác trừ sứ điệp của Chúa Kitô và lôi cuốn đến mọi nơi khác trừ những con đường của Tin Mừng.

Lúc đó ta bị cám dỗ buông xuôi hết. Trở thành những kẻ không dấn thân. Không đi nhà thờ nữa, chỉ còn sống cho mình, chỉ còn mang tên là tín hữu mà thôi. Người ta vớt vát cho bộ mặt bên ngoài nhưng trong lòng thì không còn gì nữa.

Phải làm một hành vi đức tin.

Giữa cơn giông tố, các tông đồ có ý tưởng rất hay là quay về với Thầy của mình và cầu cứu Ngài. Kết quả thật lạ lùng. Chúa Kitô ra lệnh cho biển. Biển lặng như tờ. Ngài trách họ: “Sao lại sợ? Tại sao các con không có lòng tin?”. Phản ứng của các môn đệ có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Thay vì kêu lên: “Lạy Chúa, chúng con tin”, họ lại tự hỏi: “Ngài là ai mà ngay cả đến phong ba và biển cả cũng phải vâng phục Ngài?”.

Không phải một sớm một chiều mà ta có được một niềm tin vững chắc và sâu xa. Cần thời gian. Phải trải qua nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời làm Kitô hữu.

Ba điểm cần nhớ.

Những gì cần nhớ trong bài Tin Mừng hôm nay có thể tóm tắt trong ba điểm.

Một là: đừng sợ qua bờ bên kia. Đây là một điều kiện phải có để lớn lên. Khi cứ ở lại mãi trên bờ yên tĩnh của thế giới bé nhỏ an toàn của mình, người ta không bao giờ trở thành một Kitô hữu biết nhìn xa thấy rộng được Chúa Kitô luôn luôn mời gọi đi xa hơn, cao hơn.

Hai là: đừng ngạc nhiên về những khó khăn gặp phải khi muốn sống một cuộc đời Kitô chân chính. Biển động là thành phần của cuộc sống ấy, đó là dịp để tiến bộ.

Ba là: không nghi ngờ về sự hiện diện và quyền năng của Chúa Kitô. Ngài ở với chúng ta. Cùng với Ngài, chúng ta luôn luôn tới được những bến bờ khác. Chính Ngài đã đi qua cái chết… và đã tới bờ của một cuộc sống mới. Những lần chúng ta phải đi từ bờ bên này sang bờ bên kia trong cuộc sống hằng ngày đó là chúng ta được chuẩn bị cho cuộc vượt qua cuối cùng.

Coi chừng những cuộc sống Kitô quá yên ổn, quá an toàn. Chúa Kitô chờ đời chúng ta trên biển động. Thường thường đó chính là nơi mà Ngài tự mặc khải cho chúng ta cách mạnh mẽ. Và chính ở đó, ở ngoài khơi mà rất thường đức tin của chúng ta có thể được thức tỉnh hơn hết và có thể lớn lên.

 

  1. SLC- Giông bão.

Qua hình ảnh mặt biển dạy sóng Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta những gì?

Mặt biển dạy sóng trước hết là hình ảnh của tâm hồn chúng ta.

Thực vậy, nhiều lúc chúng ta đã cảm thấy: những quyến dũ bất chính, những đam mê mù quáng, những cám dỗ nặng nề, quả thực đã trở nên như những ngọn sóng ngầm. Những quyến dũ ấy, những đam mê ấy, những cám dỗ ấy như muốn đè bẹp con thuyền nhỏ bé là tâm hồn chúng ta, nhận chìm nó xuống đáy nước tội lỗi, nếu như Chúa Giêsu, Đấng có quyền làm cho gió yên biển lặng đã không đến can thiệp và giúp đỡ chúng ta. Vì thế chúng ta hãy kêu xin Chúa như các tông đồ ngày xưa:

– Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp chúng con không thì chúng con chết mất.

Mặt biển dạy sóng còn là hình ảnh của thế gian.

Đúng vậy, thế gian là một mặt biển dạy sóng, trong khi đó Giáo hội chỉ là một con thuyền nhỏ bé, mà người cầm lái, là Đức Kitô thì dường như lại đang ngủ say. Những phong ba bão táp và những ngọn sóng trào dâng là những cấm cớ bách hại, là những lập trường bài bác vu khống và chụp mũ, khiến cho chúng ta, những môn đệ của Chúa cũng phải bàng hoàng kinh hãi, nếu không muốn nói là đã đi đến chỗ tuyệt vọng.

Tại sao chúng ta lại sợ hãi? Phải chăng là vì yếu đức tin. Chúng ta nên nhớ rằng, tình thương và sự quan phòng của Ngài luôn canh giữ chúng ta. Chỉ một cái nhìn của Ngài cũng đã đủ để làm cho sóng yên biển lặng, tất cả trở lại trật tự.

Kinh nghiệm của Giáo hội, cũng như của bản thân mỗi người cũng làm chứng như vậy. Điều quan trọng, chúng ta phải luôn xác tín rằng: Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta. Mặc dù đôi lúc Ngài dường như có vẻ ngủ say, nhưng thực sự thì tình thương của Ngài luôn canh giữ chúng ta. Và một khi Ngài đã ở với chúng ta thì không ai có thể chống lại chúng ta.

Thánh nữ Cartarina Sienna ngày kia đã hỏi Chúa, sau khi đã thoát khỏi sự cám dỗ nặng nề:

– Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con phải chiến đấu. Chúa Giêsu đã trả lời:

– Ta ở bên cạnh con để giúp đỡ con.

Chính vì thế, giữa những gian nguy thử thách, giữa những cám dỗ đe dọa, chúng ta hãy biết chạy đến và kêu van:

– Lạy Chúa, xin cứu chúng con, không thì chúng con chết mất.

Điều quan trọng là làm thế nào để Chúa Giêsu thực sự ở trong chúng ta với tất cả tình thương của Ngài?

Tôi xin đưa ra một pháp đó là hãy xa tránh tội lỗi. Vì tội lỗi sẽ đẩy chúng ta xa lìa tình Chúa và làm dấy lên trong tâm hồn cũng như xã hội một trận cuồng phong thảm khốc.

Chính vì thế muốn trấn áp cuồng phong, muốn tái lập trật tự, chúng ta phải biết hãm dẹp những dục vọng xấu xa, những khuynh hướng tội lỗi. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thành công, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ đã kêu lên với Chúa giữa cơn phong ba bão táp:

– Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con, không thì chúng con chết mất.

 

  1. SNLC/565- Điều khiển.

Rufus Jones có thuật lại câu chuyện sau đây: “Một cậu bé đang chơi trên boong tàu, khi đó một cơn bão tố đang nổi lên. Một hành khách tiến lại hỏi cậu bé: Này cháu, cháu không sợ cơn bão đang đến hay sao? Cậu bé trả lời: “Không, cháu không sợ. Bởi vì cha cháu đang điều khiển con tàu”.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại một câu chuyện xảy ra trong một cơn bão tố. Nhưng nó chỉ giống ở khung cảnh mà lại khác hẳn về nội dung. Nỗi sợ hãi của các môn đệ hoàn toàn trái nghịch với lòng tín thác của cậu bé trong câu chuyện của Jones, một lòng tín thác xuất phát từ một niềm tin vững mạnh.

Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giêsu quở trách: “Tại sao các con nhát gan thế? Các con vẫn chưa có lòng tin sao?” Chúng ta cần nhớ lại lời Kinh Thánh đã chép: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”.

Chúng ta không luôn luôn thấy những đối tượng đức tin của chúng ta, đặc biệt khi niềm tin của chúng ta bị che phủ bởi nỗi sợ hãi và lo âu xao xuyến, và nhất là khi chúng ta bị những cơn giông tố trong cuộc đời vùi lấp một cách phũ phàng. Trong những cơn thử thách mãnh liệt như vậy, chúng ta hãy đặt tất cả niềm tin tưởng phó thác vào chính Thiên Chúa. Vào thế kỷ 19, tiểu thuyết gia kiêm thi sĩ người Tô Cách lan George MacDonald đã viết: “Con người hoàn hảo về đức tin là kẻ có thể đến với Thiên Chúa trong sự trống rỗng về cảm giác, không có một chút cảm hứng và an ủi nào, chỉ có những thất bại nặng nề, bị bỏ rơi, bị quên lãng hoàn toàn, và vẫn nói với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là nơi con náu ẩn, là thành lũy che chở con”.

Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa là Trạng Sư và là bạn thân thiết của con. Xin Chúa dạy con biết từ bỏ bản thân mà lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu. Con không muốn trốn tránh trách nhiệm của con đối với cuộc đời của mình, nhưng con muốn để Chúa Giêsu chi phối toàn bộ cuộc sống của con.

 

  1. CSTM/150- Bão tố.

Hồ Tibêria nằm ở mạn bắc Palestine, còn gọi là hồ Gênêsarét hay biển Galilê, nhưng quen gọi là Biển Hồ, có hình bầu dục, chiều dài 21 km, chiều ngang 12 km, thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải 208m, lại nằm bên rặng núi Hemon cao ngất, luôn có tuyết phủ, vì thế, các luồng gió mạnh đều dốc đổ vào hồ, gây nên những cơn giông và bão tố bất thường.

Cựu Ước ít nhắc tới Biển Hồ này, nhưng trong Tân Ước, hồ này nổi tiếng, vì nơi đây Chúa Giêsu đã làm một số phép lạ và giảng dạy nhiều điều. Phép lạ kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay xảy ra ở Biển Hồ này, vào một buổi chiều đầy kỷ niệm của một ngày tháng chạp, năm thứ nhất công khai giảng dậy của Chúa.

Hôm ấy, sau khi dùng thuyền làm tòa giảng dạy dân chúng nhiều dụ ngôn, Chúa Giêsu giải tán cho họ ra về, rồi bảo các môn đệ kéo buồm ra khơi sang bờ bên kia đến thành Gêrasa. Khi thuyền ra gần giữa khơi thì gặp biển động mạnh, gió thổi dữ dội, sóng nước quật mạnh vào thuyền khiến thuyền chòng chành, chồm lên chồm xuống muốn chìm. Các môn đệ ra sức chèo chống, tuy là những ngư phủ đã quen với những cơn giông bão trên biển, mà lần này các ông cũng hoảng sợ, vậy mà Chúa Giêsu vẫn nằm ngủ ngon lành ở cuối thuyền như không có sự gì nguy hiểm đang xảy ra.

Các môn đệ không còn biết xoay sở làm sao đưa thuyền vào bờ, trở lui không được vì bị sóng gió cản lại, mà tiến sang bờ bên kia thì còn xa quá. Thật là tiến thoái lưỡng nan, các ông chỉ còn biết cầu cứu đến Chúa, mà Chúa thì lại đang ngủ. Các ông đánh thức Chúa dậy và xin Chúa cứu giúp. Lời kêu cứu này chứng tỏ các môn đệ tin Chúa có quyền phép. Nhưng Chúa đã quở trách các ông: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Chúa trách các môn đệ như vậy là vì mấy tuần qua các ông đã được chứng kiến Chúa làm nhiều phép lạ tỏ ra Chúa là Đấng có quyền phép, nên đáng lẽ các ông phải tin tưởng nơi Chúa mà không hoảng sợ trước cơn giông bão. Nhưng đức tin của các ông còn yếu kém, gặp cơn giông bão, tuy có Chúa ở trong thuyền mà các ông vẫn hốt hoảng sợ hãi, nên Chúa mới quở trách như vậy. Tuy nhiên, Chúa vẫn đứng dậy, truyền cho sóng gió yên lặng, tức khắc biển trở lại bình thường.

Qua phép lạ này, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy uy quyền Thiên Chúa toàn năng của Ngài, đồng thời cũng cho họ biết: họ phải vững tin vào Ngài, có Ngài ở bên, họ không được sợ hay không phải lo sợ gì cả, vì không có gì Ngài không làm được, mọi sự đều tùy thuộc uy quyền toàn năng của Ngài.

Khi tìm hiểu về cơn bão tố xảy ra trên Biển Hồ, một nhà chú giải Kinh Thánh đã giải thích: “Chúa Giêsu đã muốn đem các môn đệ của mình đi trên biển, giữa bão tố kinh hoàng để cho họ thấy trước những bão tố sau này là những bắt bớ, những hành hạ mà họ sẽ gặp trên đường tông đồ. Đối với họ, là những người sẽ cầm lái thế giới sau này, con thuyền nhỏ bị sóng gió dữ tợn đánh chòng chành sắp chìm, là hình ảnh của những trận bão tố sau này sẽ tấn công Giáo hội mà họ phải kiên gan chống đỡ”.

Các nhà giảng thuyết thường áp dụng việc Chúa Giêsu làm cho sóng gió yên lặng vào việc Chúa luôn ở cùng Giáo hội, và bênh vực gìn giữ Giáo hội trải qua những cơn sóng gió trần gian. Chiếc thuyền của Phêrô là tượng trưng cho con thuyền Giáo hội của Chúa mà Phêrô là đầu. Những cơn sóng gió là những cơn thử thách bách hại mà Giáo hội luôn gặp phải. Cũng như khi xưa các tông đồ trên thuyền đã được an toàn qua cơn sóng gió vì có Chúa Giêsu ở với các ông, thì ngày nay cũng nhờ có Chúa Giêsu luôn hiện diện trong Giáo hội mà trải qua bao cơn thử thách bách hại, Giáo hội vẫn đứng vững và trường tồn.

Nhìn vào lịch sử Giáo hội, qua dòng thời gian, trải qua các thời đại, chúng ta thấy Giáo hội đã gặp phải bao cơn gió bão, thuyền Phêrô, tức là Giáo hội, đã vượt biển được hai ngàn năm, thuyền đó ra đi, mặc dầu gặp bao sóng gió, nhưng vẫn luôn đứng vững, lý do là vì Chúa Giêsu luôn hiện diện trong Giáo hội như Ngài có mặt trên thuyền của các môn đệ xưa kia. Đôi khi xem ra Ngài ngủ và có vẻ buông xuôi tay lái, nhưng thực ra đó chỉ là những cơ hội để nêu cao sự hiện diện đầy quyền năng của Ngài.

Đối với mỗi người chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa toàn năng cai trị những bão tố bên ngoài, thì Ngài cũng thống trị những cơn bão, những sóng gió trong tâm hồn, trong cuộc sống, trong cuộc đời thăng trầm của mỗi người. Cuộc đời chúng ta là một đời lữ khách, vui buồn chen nhau. Là thân lữ khách, chúng ta biết phận mình là thế, và trong muôn cảnh ngộ, chúng ta luôn có hy vọng về tới bến. Đức tin vững chắc là bánh lái thuyền đưa chúng ta về tới bến cứu độ. Chúa Giêsu luôn ngồi đàng sau con thuyền để trợ giúp chúng ta. Chúng ta cứ yên trí lớn chèo thuyền ra đi, điều cần thiết nhất là chúng ta có luôn tin tưởng vững chắc vào Chúa hay không?

Vì thế, giữa những bão tố, những sóng gió của biển đời, chúng ta cần bắt chước gương các tông đồ, chạy lại với Chúa Giêsu và xin Ngài cứu giúp: Lạy Chúa, xin cứu chúng con kẻo chúng con chết mất. Tin tưởng và cầu xin Chúa, chúng ta sẽ được bình an.

 

  1. Cha em là người cầm lái. – Thiên Phúc

(Trích trong “Như Thầy đã yêu”)

Trong một cuộc hải trình vượt Đại Tây Dương, khách du lịch đang thư thái ngắm cảnh hoàng hôn trên boong tàu.

Nơi tít mù xa, mặt trời đỏ cam đang chiếu những ánh vàng cuối cùng của một ngày còn sót lại.

Bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, tối sầm cả một vùng trời. Sấm chớp đổ xuống liên hồi, giông tố cuồn cuộn nổi lên, càng lúc càng thét gào dữ dội.

Mọi người trên boong chen lấn nhau chạy về phòng mình. Duy chỉ có một bé trai cứ tiếp tục chạy giỡn trên boong giữa trận cuồng phong.

Được hỏi tại sao em không sợ hãi trước cơn giông tố?

Em thản nhiên đáp lại:

– Vì cha em là người cầm lái con tàu!

***

Giống như khách du lịch trong câu chuyện trên, các môn đệ cũng gặp một trận cuồng phong khi vượt biển. Các ngài kinh hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chững. Bó tay bất lực trước phong ba bão táp, các ngài đã vội đánh thức Đức Giêsu và xin Người ra tay cứu giúp: “Thưa Thầy, chúng con chết mất, Thầy không quan tâm sao” (Mc. 4,38). Người liền đe gió và phán với biển như một người bị quỉ ám: “Hãy im đi”. Tức thì sóng yên biển lặng.

Ai cũng thích sóng yên biển lặng, xuôi chèo mát mái. Nhưng cuộc đời nào mà chẳng có những cơn giông? Đại dương nào mà không có những bão tố?

Tuy nhiên, chính giông tố mới giúp chúng ta nhận ra chính mình: mình còn yếu đuối và bất lực, còn nhát đảm và kém tin.

Cũng chính giông tố sẽ đưa ta đến với Chúa, để ta hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Người. Cũng chính giông tố sẽ giúp ta biểu lộ đức tin. Có thể nói, đức tin sẽ lớn lên ít nhiều sau mỗi lần giông tố.

Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa không ban cho ta một thần khí nhát sợ nhưng mạnh mẽ, bác ái và tự chủ” (2Tm.1,7),

Mỗi người chúng ta không khác chi chiếc thuyền nan chông chênh giữa cơn lốc cuộc đời, khó khăn nối tiếp khó khăn. Giống như cậu bé đã tin tưởng ở cha mình cầm lái con tàu, mỗi người chúng ta cũng hãy vững tin ở Thiên Chúa tình yêu. Người sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Có Chúa trong đời, những cô đơn như bị xóa nhòa, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được mạnh sức. Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển động.

Thánh Phanxicô Salêsiô dạy: “Phải ở lại trong con thuyền mà Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào, để hành trình từ cõi đời này về chốn đời sau. Chúng ta phải sẵn sàng ở lại trong sự bình an thanh thản”.

Lạy Chúa, thuyền đời chúng con chẳng bao giờ được êm ả, nó chỉ êm ả khi tới bến thiên đàng. Xin cho lòng chúng con luôn bình an ngay cả khi Chúa còn đang ngủ, miễn là có Chúa trong thuyền, vì Chúa chính là thuyền trưởng của đời chúng con. Amen.

 

  1. An tâm – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Sau một ngày giảng dạy dân chúng, Chúa Giêsu bảo các môn đệ chèo thuyền đưa Ngài sang bên kia Biển Hồ. Biển Galilê dài 21km, rộng 12km, xung quanh có những rặng núi bao bọc. Nhiệt độ ở Galilê thuộc miền Bắc Israel và ở Biển Chết thuộc miền Nam chênh lệch nhau, thỉnh thoảng tạo ra những cơn gió mạnh. Biển Galilê nổi sóng dữ dội vì hình thể lòng chảo với núi non bao quanh. Vì thế, người xưa quan niệm rằng, biển là biểu hiện cho những gì nguy hiểm, tối tăm và sợ hãi. Biển động sóng gào biểu trưng cho một thế giới hỗn loạn và phường tội lỗi (x. Is 57, 20). Ý định băng qua bên kia Biển hồ lúc trời đã về chiều quả là một ý định táo bạo, liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy.

Tuy vậy, Chúa Giêsu quyết định ra đi và thực hiện phép lạ trên biển với mục đích củng cố đức tin cho các môn đệ, đồng thời biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa vượt trên mọi thế lực sự dữ.

Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và có một số thuyền khác vượt biển giữa trời đêm. Thuyền lướt sóng ra khơi giữa màn đêm. Bão tố cuồng phong bỗng dưng ập đến. Các môn đệ, dù nhiều trải nghiệm về biển cả vẫn hốt hoảng lo lắng hoang mang. Chỉ mình Chúa Giêsu vẫn an nhiên tự tại, vẫn ngủ như không có gì xảy đến. Lạy Chúa, đến nước này mà Ngài vẫn ngủ sao? Trong dòng lịch sử, không ít lần dân Do thái thấy như Chúa ngủ quên: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ? Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày? Tới bao giờ kẻ thù con thắng mãi?” (Tv 13,1-2).

Các môn đệ cuống cuồng lo sợ và hỏi: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng. Gặp bão tố cuồng phong trên biển cả, không lẽ những dân chài thứ thiệt như các ngư phủ lại phải cậy đến sự trợ giúp của một bác thợ mộc ư? Kinh nghiệm thợ mộc giúp được ích gì cho các ông lúc này? Ở đây rõ ràng là các ông cần sự trợ giúp thần linh, cần một phép lạ. Khi con người đối diện với những gian nan khốn khó, với những mãnh lực ác thần, họ mới thấy sức người quá hèn yếu, nhỏ bé. Bài đọc 1 cho thấy con người yếu đuối tìm đâu được một chỗ dựa vững vàng ngoài niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng: “Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?” (G 38,1.8-9). Đứng trước số phận ngàn cân treo sợi tóc, họ mới thấy cần biết bao quyền năng Thiên Chúa trợ giúp. Thiên Chúa sẽ ra tay đúng lúc để đáp ứng tiếng van nài của họ.

Không phải bằng một kỹ năng hàng hải mà bằng uy quyền của trời cao, Chúa Giêsu thức dậy và ra lệnh cho sóng biển: “Im đi! Câm đi!”. Cử chỉ và lời nói của Chúa giống như lúc Ngài trừ quỉ. Lập tức, gió ngừng thổi và biển yên lặng như tờ. Rồi Chúa quở các môn đệ: sao các con lại sợ hãi thế? Đức tin của các con như thế nào? Rõ ràng, Chúa không nói các môn đệ không có đức tin; Chúa cũng không nói các môn đệ có đức tin bé nhỏ; ở đây đức tin của các môn đệ giới hạn quyền năng của Thiên Chúa, thua sức mạnh thiên nhiên, sự hiện diện của Chúa Giêsu không thể cứu nguy cho những người cùng thuyền được nên họ phải đánh thức Chúa dậy.

Khi Chúa dùng lời quyền năng dẹp yên gió bão, các môn đệ ngạc nhiên và hỏi: “Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Thông cảm với các môn đệ vì các ông chưa biết rõ Chúa là ai, quyền năng thế nào để phó thác mạng sống mình cho Chúa. Nhờ phép lạ này, các ông nhận ra Thầy có quyền trên cả gió và biển, có quyền như Thiên Chúa vậy. Từ đó, các ông suy nghĩ, tìm hiểu con người Thầy hơn.

Những trắc trở đến từ thiên nhiên chỉ nói lên một phần nhỏ sự yếu đuối của con người khi phải đối diện với trăm ngàn đợt sóng mãnh liệt từ các dục vọng làm xáo động tâm hồn họ. Những sự ác dữ dội như sóng biển ấy chẳng để ai ngủ yên, mà bắt người ta phải đặt niềm tin vào Chúa trong khi chống cự để có được sự sống muôn đời: “Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể, chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng. Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con, đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài” (Tv 25,19-20).

Giông bão bắt người ta phải tin, nhưng niềm tin lại cần đến thử thách của giông bão, vì niềm tin cần được thử thách để lớn lên. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta giúp ta biết mình hơn, biết yêu mến cậy trông vào Chúa hơn và giúp đức tin vững mạnh hơn. Chúa phán với ông Gióp trong gió bão, dạy dỗ ông những lẽ khôn ngoan. Ông Gióp đã luôn vững tin vào Chúa, không phàn nàn, kêu trách; rồi Chúa đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, và ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các Tông đồ cũng gặp bão táp trên biển cả. Chúa dùng lời quyền năng dẹp yên giông bão. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn, từ nay các ngài không còn cuống quít sợ hãi mỗi khi gặp gian nan nữa. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng hơn. Thánh Phaolô nhắc nhở: vì thương yêu chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã sống lại!” đem đến cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào tình thương của Thiên Chúa.

Tàu thuyền một khi đã lênh đênh trên mặt biển rồi thì không thể nào tránh được những cơn sóng to nhỏ và chẳng có cách chi thoát khỏi những chao đảo, bập bềnh và lắc lư do bão táp và cuồng phong gây nên. Cũng vậy, mọi người không ai tránh khỏi những sóng gió và bão tố to nhỏ do biển đời này gây ra!

– Khi tôi lâm vào cảnh hoang mang, sợ hãi, lúng túng, lo lắng, bất an, phiền muộn, chán chường, thất vọng…

– Khi gia đình tôi chạm trán với những biến cố đau thương như tai nạn xe cộ, tai nạn nghề nghiệp, thất nghiệp, vợ chồng con cái bất hòa xung đột với nhau, đau ốm, tang chế…

– Khi trong cộng đoàn giáo xứ của tôi xảy ra những gương mù, gương xấu: đố kị, ghen tương, kèn cựa, tranh giành quyền lợi, chia bè, kéo phái, tố cáo nhau, mạt sát, thù ghét nhau …

– Khi trong cộng đoàn dòng tu của tôi phải đương đầu với những khủng hoảng về mặt nhân sự, tài chánh, huấn luyện, đào tạo, kỳ thị, chia rẽ, phân biệt, thiên vị…

– Khi Giáo Hội bị bêu xấu, hạ nhục, và bị công kích bởi gương mù gương xấu do một số nhỏ giáo sĩ gây ra…

Thuyền trên biển gặp sóng gió, bão táp là chuyện rất bình thường. Khi thuyền đời của mình không thể tránh được sức va chạm và những ảnh hưởng của sóng gió, bão táp giông tố của cuộc đời này thì tôi phải làm gì để giữ cho thuyền khỏi bị lật úp?

Cách hay nhất là bắt chước các môn đệ, chạy đến với Chúa Giêsu để xin Ngài dẹp tan sóng gió và bão tố bảo vệ thuyền của mình khỏi bị nhận chìm. Chỉ khi nào tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng có quyền năng trên sóng gió mưa bão và mở miệng van xin Ngài ra tay cứu giúp thì lúc đó thuyền đời mới được bình an, bởi lẽ “Không có Thầy thì các con không thể làm gì được!” (Ga 15,5).

Tin mừng hôm nay giúp chúng ta luôn sống an tâm. An tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp, giữa những thử thách gian truân vẫn luôn có Chúa là thuyền trưởng hướng dẫn thuyền vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô, “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Chúa, để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chúng ta luôn có Chúa ở vị trí hoa tiêu để hướng dẫn và can thiệp kịp thời, giúp chúng ta đến bến bờ bình an.

 

  1. Biển đời và biển khơi – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền.

Cuộc ra khơi nào cũng chứa đựng những bất trắc, những hiểm nguy. Dòng đời nào cũng có biết bao cạm bẫy giăng ngang. Biển khơi luôn làm cho con người sợ hãi. Dòng đời luôn làm cho con người lo âu. Con người luôn cảm thấy mình quá nhỏ bé trước biển khơi và biển đời. Biển đời và biển khơi mãi mãi làm cho con người cảm thất bất lực. Sóng gió vẫn thét gào. Sự dữ vẫn tung hoành. Con người luôn phải đối phó trước những tình huống rủi ro có thể xảy đến.

Thời gian qua báo chí nói nhiều về những nguy hiểm của các ngư dân Việt Nam đánh cá xa bờ. Lênh đênh trên biển. Không được bảo vệ. Một mình đối phó với biết bao hiểm nguy do thiên nhiên đưa đến, và ghê sợ hơn là do chính con người gây ra. Sự táo bạo của bọn cướp biển. Sự tranh giành phần biển đánh cá của các nước lân bang. Nhiều ngư dân cảm thấy sợ hãi khi phải rời bến xa bờ. Họ cảm thấy bất lực trước gian nguy trước mặt. Họ không dám mạo hiểm đánh đổi tính mạng mình để đổi lấy một vài con cá. Họ đành rút lui. Họ sợ không thể đương đầu với bao sóng gió nghi nan. Kẻ bán thuyền. Người để thuyền nằm bờ chờ đợi thời cơ. Có mấy ai đủ can đảm ra khơi lúc này? Họ biết rằng ở nhà thì đói. Nhưng ra đi càng thêm nợ nần, có khi còn mất cả tính mạng!

Năm xưa các tông đồ đã từng hoảng loạn, sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên, của giông bão. Giông bão như muốn nhấn chìm tất cả: con người và tài sản. Con thuyền của họ thật mong manh! Họ đâu nghĩ rằng đêm nay biển dậy sóng trào. Họ đâu lường hết được những rủi ro có thể đến với họ đêm nay. Họ phải đối đầu với nguy nan, với bất trắc, với rủi ro. Một chiếc thuyền nan mong manh trên biển cả biết bám víu vào đâu? Làm sao họ có thể vào bờ an toàn trước gió biển và cuồng phong lồng lộng. Họ bất lực. Họ muốn buông xuôi cho dòng đời xô đẩy. Nhưng may thay, họ đã nhớ đến Thầy. Thầy vẫn hiện diện bên họ. Có Thầy hiện diện tại sao không cầu cứu? Thầy có thể làm cho kẻ chết sống lại. Thầy có thể đẩy lùi sự dữ. Thầy có thể làm mọi sự. Tại sao không chạy đến cùng Thầy? Dầu sao Thầy cũng là một cái phao duy nhất để các ông bám víu trong lúc nguy nan của dòng đời.

Các ông đã chạy đến kêu cầu Thầy: “Thầy ơi, chúng con chết mất!”. Đó là tiếng kêu từ thẳm sâu tâm hồn cần đến sự trợ giúp từ Thầy Chí Thánh. Đó là tiếng cầu cứu nói lên sự bất lực của con người trước sóng gió ba đào.

Đó cũng là tiếng kêu cứu của con người hôm nay khi đứng trước biết bao nghịch cảnh xảy đến trong đời. Biển đời vẫn đưa đẩy những sóng gió nghi nan, những bất trắc đau thương. Thiên tai vẫn ập xuống địa cầu. Sự dữ vẫn đang tung hoành. Có nhiều người như muốn thất vọng buông xuôi vì không tìm được lối thoát. Có nhiều người oán trời oán đất vì quá sức chịu đựng. Có nhiều người ôm phiền muộn trong đau thương một mình vì chẳng tìm được sự an ủi, cảm thông và tin tưởng nơi tha nhân. Dòng đời vẫn còn đó tiếng kêu van tha thiết dâng lên Đấng tối cao. “Xin cứu chữa chúng con, Chúa ơi!”.

Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao sóng gió nổi trôi. Cuộc đời tựa như chiếc thuyền nan chòng chành trước bao cám dỗ mời mọc, bao sự dữ bủa vây. Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy kêu cầu Chúa. Hãy đưa tay để Chúa dìu chúng ta đi qua những thăng trầm của dòng đời. Dòng đời đâu mấy khi bình yên. Con người mãi chơi vơi trong bể khổ trần gian. Nhưng có Chúa vẫn đang đi trong cuộc đời chúng ta. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa. Hãy tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa, Ngài sẽ luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái của Ngài.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng luôn hiện diện bên cạnh các tông đồ và bên cuộc đời chúng ta, xin thương đến những cảnh đời đầy khó khăn thử thách của kiếp người chúng ta. Amen.

 

  1. Vẫn chưa có lòng tin?

(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Nằm trong văn mạch 4:35-5:43, trình thuật 4:35-41 là một trong những đoạn trình bày quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ cho các môn đệ sau khi Người đã giảng dạy (4:1-34): giải thoát khỏi nguy hiểm sự chết (4:35-41); khỏi quyền lực thù nghịch với Thiên Chúa (5:1-20), khỏi bệnh tật (5:25-34), và khỏi sự chết (5:21-24.35-43). Điểm chung của các trình thuật nầy là: – sự hiện diện của các môn đệ ( 4:35; 5:13; 5:31.37); – sự bất lực của con người – cầu cứu ở Chúa Giêsu (4:38; 5:3; 5:23; 5:26); – Chúa Giêsu giải thoát mọi sự dữ (4:39; 5:12-13; 5:29; 5:41tt); – Người đòi hỏi lòng tin (4:40; 5:34.36). Cấu trúc của đoạn 4:35-41 có thể phân ra như sau: 1- Nhập đề: bối cảnh và nhân vật (cc. 35-36); 2- Chúa Giêsu làm sóng gió lặng yên (cc. 37-29); 3- Kết luận: Thắc mắc của cả Chúa Giêsu và các môn đệ (cc. 40-41).

Câu 4:34 là móc nối giữa hai đoạn 4:1-34 và 4:35-5:43. Như khi ở riêng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã thường cắt nghĩa mọi sự cho họ, Người cũng sẽ tỏ chân dung của Người qua những việc quyền năng Người thực hiện khi Người và họ đã tách khỏi dân chúng (x. 3:9.20.32; 4:1). Họ cần “ở với Người” (c. 36) như lần đầu tiên họ được kêu gọi để có thể có kinh nghiệm sâu đậm về Người (3:14; x. 5:37). “Buổi chiều” trong Marcô thường là khung cảnh của những việc không tốt lành sẽ xảy đến (4:35; x. 6:47; 11:11; 14:17; 15:42). Đây là lần duy nhất Marcô nói là các môn đệ “đem Người theo” (paralambano). Động từ nầy nói đến quan hệ giữa Chúa Giêsu-môn đệ. Thông thường Người đem các môn đệ theo để tỏ cho họ chân tính của Người (9:2), cho họ hiệp thông vào cuộc thương khó của Người (10:32; 14:33). Ngược lại, các môn đệ đem Người theo và cuối cùng tỏ lộ cho Người thấy sự yếu đuối của họ (4: 40).

Trong hành trình sang bờ bên kia, các môn đệ kinh nghiệm ba điều: vũ lực của gió bão kéo theo nguy hiểm chết người, sự bất lực của con người và quyền năng của Chúa Giêsu (cc. 37-39). Gió bão được kể là quyền lực thù nghịch gây hại cho con người. Chúa Giêsu ngăm đe và ra lệnh “Im đi!” cho ma quỷ và gió bão (x. 1:25; 3:12; 4:38; 8:33; 9:25). Các môn đệ thấy lâm nguy cho tất cả “chúng ta”, nhưng lại tỏ ra bất lực chế ngự gió bão, nên phải làm Người chỗi dậy (egeirò). Mỗi lần Chúa Giêsu “làm ai chỗi dậy” là Người đã chữa lành người đó (x. 1:31; 5:41; 9:27). Trái lại, các môn đệ chờ đợi sự can thiệp từ phía Người. Việc Người ngủ trong khi thuyền gặp bão tố cho thấy Người không sợ bị hại do những gì có thể xảy ra (x. 13:36; 14:37.40tt). Không cần ngăn ngừa và tránh né, vì Người làm chủ trên gió bão.

Khi gió bão đã biến mất, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với các môn đệ, cũng như họ cũng tự hỏi về Người là ai. Hai câu hỏi của Người không mâu thuẫn nhau; trái lại, mở một con đường. Trong tình huống gió bão có thể gây chết người, vì đã để mình cuốn lôi bởi vũ lực vô nhân tính, nên các môn đệ đã cảm nghiệm cách thâm sâu sự bất lực mà biểu hiện của nó là sự sợ hãi. Trái lại, cũng trước nguy hiểm ấy, nếu để Chúa Giêsu và sự hiện diện của Người dẫn dắt vô điều kiện, sẽ không cảm thấy bị đe dọa và không sợ hãi. Đó là đức tin vô điều kiện Người muốn nơi môn đệ của Người (x. 11:22). Còn câu tự hỏi của các môn đệ rất giống với những câu hỏi của dân chúng trước đây, chỉ sự kinh ngạc và thán phục trước công cuộc cao cả tỏ hiện quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu (x. 1:27).

Biết Chúa Giêsu không chỉ bằng tri thức, mà cả kinh nghiệm bản thân. Đức tin cần thiết để nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đang thực hiện những điều không thể cho con người, và để sống hiệp thông với Người (x. 4:11).


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...