24/02/2023
1819

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY_A

Lời Chúa: St 2,7-9; 3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11
--------------------------------

 

Mục lục

1. Trở về  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Cám dỗ  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Vâng lời Thiên Chúa (Bông Hồng Nhỏ,  MTG.Thủ Đức)

4. Đẩy lùi bóng tối  (Anna Cỏ May, MTG.Thủ Đức)

5. Tỉnh thức và cầu nguyện (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

6. Quỷ bỏ Người mà đi (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

7. Theo Ađam hay theo Chúa Giêsu?  (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

8. Cám dỗ, nguy cơ và cơ may (Lm. Phêrô Nguyễn Hương)

9. Sa mạc – Nơi giúp  khám phá sự thật  (Lm. Phêrô Trần Minh Đức)

10. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

11. Ma quỷ  (Lm. Giacobe Phạm Văn Phượng)

12. Liên hệ (Lm. Vũ Đình Tường)

13. Cám dỗ!  (Lm. Bùi Quang Tuấn)

14. .Cám dỗ  (Lm. Trần Xuân Lâm)

15. -Cám dỗ  (Lm. Hưng Long, CRM)

16. Ba cơn cám dỗ  (Lm. Gioan Nguyễn Thiên Khải, CRM)

17. Sống mùa Chay  (Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

18. Dám nói “không”  (Thiên Phúc)

19. Cám dỗ của ngày hôm nay (An Phong)

20. Hãy cảnh giác trước cám dỗ (Jos.Vinc.Ngọc Biển)

 

TRỞ VỀ

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nếu người lữ khách cần dừng chân để xác định phương hướng và nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi chúng ta cũng cần phải có những điểm dừng để nhìn lại cuộc đời đang sống. Như bản nhạc cuộc đời có những dấu lặng để tăng thêm âm điệu sâu lắng, cuộc sống của chúng ta cũng phải có những giây phút thinh lặng để trở về với chính mình. Mùa Chay chính là điểm dừng chân để nhìn lại chặng đường đời đã qua. Mùa Chay cũng chính là dấu lặng trong bản nhạc cuộc đời, để giúp chúng ta suy xét những hay dở, những phải trái trong cuộc đời đầy đa đoan này. Phụng vụ của Giáo Hội đã mượn lời thánh Phaolô để gọi Mùa Chay là “mùa Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (x. 2 Cr 62b).

Bốn mươi ngày của Mùa Chay phác họa nhiều sự kiện quan trọng trong Cựu Ước. Đó là 40 ngày mưa lớn gây trận Đại hồng thủy để xóa sạch nhân loại vương tội lỗi. Đó cũng là 40 ngày ngôn sứ Elia chạy trốn trước sự săn đuổi của vua Achab và hoàng hậu Isabel, sau khi ông “đơn thương độc mã” chiến đấu với 450 tiên tri của thần Baal và 400 tiên tri của thần A-sê-ra. Ông đã chiến thắng và làm cho những tiên tri này hổ thẹn và bị giết. Mùa Chay cũng nhắc lại 40 năm dân Do Thái lữ hành về Đất hứa. Đặc biệt, 40 ngày của Mùa Chay nhắc lại 40 ngày Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay và cầu nguyện. Ở đó, Người chịu cám dỗ và đã chiến thắng cám dỗ.

Thực ra, Thiên Chúa thi ân và ban ơn cứu độ trong mọi nơi, mọi lúc và cho mọi người. Ơn cứu độ và phúc lành của Chúa như mưa xuống cho mọi tạo vật, như ánh mặt trời chiếu soi khắp mặt đất. Tuy vậy, Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để chúng ta đón nhận phúc lành của Chúa. Phụng vụ Mùa Chay là lời mời gọi chúng ta hãy trở về.

Trước hết là trở về với Chúa: Giáo lý Công giáo dạy chúng ta: mỗi khi phạm tội là chúng ta đi lạc đường. Dù thuộc nền văn hóa hay chủng tộc nào, Thiên Chúa luôn mời gọi con người bước đi trên con đường công chính, trung thành tuân giữ những giáo huấn Ngài đã truyền dạy. Phạm tội là đi ngược lại với những gì Chúa muốn. Tội lỗi làm cho con người xa Chúa, không còn sống trong mối thân tình mật thiết với Ngài nữa. Tác giả sách Sáng Thế, trong Bài đọc I của Phụng vụ hôm nay đã viết về sự sa ngã của đôi bạn đầu tiên của nhân loại, tức là ông Ađam và bà Evà. Đây là trang sử buồn, để lại dấu ấn không phai mờ về sự phản bội của con người đối với những lệnh truyền của Chúa. Đây cũng biến cố đau thương, làm cho con người và Thiên Chúa xa nhau. Trình thuật này được đọc lên trong phụng vụ của Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay đề giúp chúng ta nhận ra thận phận hèn yếu của mình.

Có lẽ bà Evà nghĩ rằng: ăn một trái cây có quan trọng gì! Tuy vậy, vấn đề ở đây không phải chỉ là một trái cây mà là lệnh truyền của Thiên Chúa. Con rắn là tác nhân trực tiếp của cám dỗ. Ở đây nó được trình bày giống như một con người, cũng lý luận, kích động, gieo rắc nghi ngờ. Không chỉ là thèm muốn một trái cây “ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt”, mà bà Evà còn nghi ngờ lòng tốt của Thiên Chúa. Thế ra, Ngài không tốt lành như bà nghĩ trước đây, vì Ngài sợ bà trở nên khôn ngoan biết mọi sự nên Ngài cấm bà không được đụng vào trái của cây ở giữa vườn. Một khi bà nghi ngờ Thiên Chúa, thì bà cũng phủ nhận hết những điều tốt đẹp Chúa đã làm cho hai ông bà. Sự nghi ngờ lòng tốt của Chúa là lý do dẫn đến việc bà phạm tội, tức là ăn trái cấm.

Trình thuật cám dỗ của tác giả sách Sáng thế cho chúng ta thấy sự bất hạnh của thân phận con người khi họ phạm tội. Sự bất hạnh này được diễn tả qua mâu thuẫn trái ngược giữa lời hứa của con rắn với thực trạng của ông bà sau khi phạm tội. Mắt ông bà mở ra, nhưng thay vì họ trở nên như những vị thần như con rắn hứa hẹn, thì ông bà lại thấy mình trần truồng. Một sự thật nghiệt ngã mà ông bà phải chứng kiến đó là sự bất hạnh và xấu hổ nhục nhã của ông bà sau khi phạm tội. Xấu hổ về sự trần truồng là hậu quả của tội, vì trước đó ông bà cũng trần truồng mà không xấu hổ. Điều ông bà khám phá sau khi phạm tội không phải là phẩm giá cao quý của mình như con rắn đã rủ rê, mà là sự bất hạnh, sự yếu hèn, cô độc và đáng thương.

Trở về với Chúa chính là tâm tình sám hối, nhận ra thân phận tội lỗi và yếu hèn của mình, để xin Chúa tha thứ.

Tinh thần trở về của Mùa Chay cũng là trở về với chính mình: con người bôn ba vật lộn với cuộc sống, đầy những toan tính bon chen, nhiều khi đánh mất chính mình. Họ không nhận ra mình là ai trong vũ trụ mênh mông này. Ađam và Evà đã chối bỏ thân phận thụ tạo, muốn nên ngang hàng với Thiên Chúa. Con người ngày nay đánh mất mình khi chối bỏ sự hiện hiện của Chúa trong cuộc đời và không muốn nhận mối tương quan giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Khi đánh mất mình, con người cũng phủ nhận mối tương quan với anh chị em mình, để rồi sống ích kỷ, hận thù, bất bao dung và chia rẽ oán hờn. Mùa Chay nhắc chúng ta hãy trở về với chính mình nhận ra mình chỉ là một “đóa hoa vô thường” trong vũ trụ. Như một đóa hoa nay còn mai mất, chúng ta cần phải hướng về vĩnh cửu, bằng những cố gắng nên hoàn thiện trong đời sống hiện tại.

Sau cùng, Mùa Chay là mùa trở về với tha nhân: Con người sống trên trần gian không phải là những ốc đảo cô đơn, nhưng có liên đới với anh chị em mình. Những mâu thuẫn nảy sinh ở mọi lãnh vực khác nhau đều phát xuất từ tính ti tiện, ích kỷ và ghen tương. Trở về với tha nhân là nhận ra nơi họ những điểm tốt lành, đồng thời nhận ra nơi chính bản thân chúng ta cũng có những khuyết điểm. Trở về với tha nhân là thực thi lòng bao dung nhân hậu đối với những lầm lỗi của người khác. Thánh Phêrô đã hỏi Chúa Giêsu: “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? có phải bảy lần không?. Chúa trả lời: “Thày không bảo là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Như thế, sự tha thứ không dừng lại ở những con số, nhưng là tha thứ vô điều kiện. Hơn nữa, cùng với sự tha thứ bao dung, chúng ta còn thể hiện tình yêu mến đối với người xúc phạm mình. Nếu con người biết thực thi lòng bao dung đối với nhau, thì cuộc đời này sẽ tươi đẹp biết bao, và vương quốc Đức Giêsu rao giảng sẽ được thực hiện trên trần gian này.

Để thực sự trở về với Chúa, với chính mình và với tha nhân, con người phải trải qua những chiến đầu kiên cường. Phụng vụ Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay giới thiệu với chúng ta Đức Giêsu chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỷ. Tên cám dỗ, đã xuất hiện ở đầu lịch sử để cám dỗ ông Ađam và bà Evà, giờ đây lại tái xuất để cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa. Thánh Matthêu đã gọi đích danh tên cám dỗ là “quỷ”. Khi đặt ra những điều hấp dẫn gọi mời, không phải quỷ có ý thử xem Chúa có phải là Đấng Thiên Sai hay không, nhưng nó muốn phá vỡ chương trình của Thiên Chúa. Thực ra, quỷ biết rõ Chúa Giêsu là ai. Sau này nhiều lần chúng đã hô lên trước đám đông để nói về thân phận và nguồn gốc của Người. Ví dụ trường hợp được thánh Mác-cô ghi lại: khi Chúa Giêsu chữa cho người bị thần ô uế nhập tại Hội đường Caphanaum, thần ô uế đã la lớn tiếng rằng: “Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệu chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1-23-24). Theo trình thuật của thánh Mátthêu, ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu cùng một cách thức như nó đã cám dỗ bà Evà. Cũng vuốt ve, cũng lý luận, cũng hứa hẹn. Như chúng ta thấy, Chúa Giêsu không chịu khuất phục trước những lời ngon ngọt của ma quỷ. Người đã chiến thắng cám dỗ. Người không để cho quỷ lừa đảo bằng những “lời nói có cánh” dịu ngọt của nó.

Lịch sử không may có Ađam là nguyên nhân gây nên tội ảnh hưởng mọi thế hệ, nhưng lại may mắn vì có Chúa Giêsu. Thiên Chúa không bỏ rơi con người dưới ách của sự chết. Ngài đã có sáng kiến sai Con Một của Ngài đến trần gian để phục hồi phẩm giá của họ, dẫn họ về với tình trạng thánh thiện của thời ban đầu, thời mà Chúa hằng ngày đi dạo với con người trong làn gió hiu hiu thổi của buổi chiều hôm. Nhờ Đức Giêsu mà hôm nay, chúng ta không chỉ đi đàm đạo với Chúa, mà được Chúa nhận làm con, được Chúa nuôi dưỡng và yêu thương ấp ủ vỗ về. Thánh Phaolô, trong Bài đọc II đã khẳng định: “Tình yêu  thương của Chúa mãnh liệt đến nỗi ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. Thánh nhân cũng đã so sáng giữa ông Ađam ở khởi đầu lịch sử với Đức Giêsu Kitô, đấng được gọi là Ađam thứ hai, cũng là Ađam cuối cùng. Nếu Ađam thứ nhất là nguyên nhân của sự chết, thì Đức Giêsu là nguyên lý của sự sống. Nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, mà nhân phẩm và danh dự của chúng ta được phục hồi.

Ma quỷ đã xuất hiện ở khởi đầu lịch sử để cám dỗ bà Evà. Nó cũng đã xuất hiện khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai để loan báo Tin Mừng. Ma quỷ cũng vẫn đang hiện diện trong cuộc đời để lừa lọc, gây chia rẽ và làm cho chúng ta xa cách Chúa. Vì thế, Mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng giữa ánh sáng với tối tăm, giữa thánh thiện với tội lỗi. Mùa chay cũng là mùa trở về để nối lại tình xưa nghĩa cũ với Thiên Chúa trước khi con người phạm tội, để nối lại tình huynh đệ thân thương với anh chị em mình. Nhờ thành tâm trở về, mỗi chúng ta sẽ được canh tân, hòa giải và trở nên tạo vật mới trong Đức Kitô.

Về mục lục

CÁM DỖ

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.

+ Cơn cám dỗ thứ nhất: thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.

Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.

+ Cơn cám dỗ thứ hai: muốn có quyền lực thống trị.

Ma quỷ biết Đức Giêsu muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỷ là hợp lý. Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe. Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ chịu chết. Chỉ cần quỳ xuống thờ lạy ma quỷ, vua quan dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo. Thật là tiện lợi. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.

+ Cơn cám dỗ thứ ba: tìm những điều kỳ lạ.

Muốn những chuyện thần kỳ. Muốn làm được những việc kinh thiên động địa. Muốn có những thành công lẫy lừng. Cơn cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ. Cơn cám dỗ xây tháp Ba ben từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn. Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta thấy ma quỷ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.

Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.

Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.

Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.

Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.

Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Về mục lục

VÂNG LỜI THIÊN CHÚA

Bông hồng nhỏ

Con đường dẫn đến hạnh phúc đích thật là con đường “vâng theo thánh ý Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã bước đi trên con đường ấy và Ngài mời gọi mỗi người chúng ta can đảm bước theo Ngài. Trước những cám dỗ ngọt ngào và êm ái, chúng ta có dám khước từ để sống cho những gì cao quý hơn không?

Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần. Ngài được dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ. Đây là thời gian rất quan trọng để Ngài ở với Chúa Cha, là thời gian thanh luyện tinh thần và thể xác. Sau thời gian ăn chay ròng rã suốt bốn mươi ngày, bấy giờ Chúa Giêsu bắt đầu thấy đói. Tên cám dỗ đã đến gần và rỉ tai: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì  truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Đói khát là kinh nghiệm Chúa Giêsu đã trải qua. Ngài cảm nhận rất rõ cơn đói đang dày vò nhưng Ngài đã khước từ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Mt 4, 1-4). Cơm bánh là những thứ rất cần để nuôi sống thân xác nhưng con người đâu phải chỉ có thân xác mà còn có linh hồn. Linh hồn chúng ta cần được Lời Chúa dưỡng nuôi. Hằng ngày, linh hồn chúng ta có đón nhận nguồn lương thực tuyệt vời là Lời Chúa không? Bao lâu, chúng ta biết chăm sóc cho linh hồn mình thì chúng ta sẽ được sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chỉ chăm sóc và chiều chuộng thân xác, mà xao lãng việc nuôi dưỡng linh hồn thì chúng ta sẽ bị lạc đường. Chiều chuộng thân xác và thỏa mãn các đam mê dễ làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái và sung sướng, nhưng nó lại dẫn chúng ta đến cái chết. Sống cho những gì cao quý hơn dường như thật khó khăn, bởi nó đòi buộc chúng ta phải hy sinh bản thân rất nhiều.

Thiên Chúa vẫn rất mực yêu thương chúng ta. Thế nhưng, chúng ta dễ để cho những lầm lỗi đè nặng và ngày càng lún sâu trong tội lỗi. “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7). Nếu chúng ta hết lòng yêu mến Thiên Chúa thì khi gặp thử thách gian nan, lòng Tin- Cậy- Mến nơi chúng ta sẽ được tôi luyện vững vàng hơn, son sắt hơn và thắm thiết hơn. Tự cao, tự đại và tự ti mặc cảm đều là con đẻ của tính kiêu ngạo. Chỉ có lòng khiêm tốn thẳm sâu mới giúp chúng ta đến với tình yêu của Thiên Chúa. Khi ấy, chúng ta sẽ vâng lời Thiên Chúa và đi theo đường lối của Người. Chúng ta hãy bắt đầu sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa.

Sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa nghĩa là chúng ta biết ưu tiên cho việc thờ phượng Thiên Chúa, dám khước từ các đam mê xấu. Tình yêu Chúa nơi chúng ta ngày càng thêm mật thiết thì tình yêu thương tha nhân sẽ được diễn tả qua từng hành động cụ thể. Chỉ có tình yêu mới giúp một người mẹ thức trắng đêm để chăm sóc đứa con bệnh tật, chỉ có tình yêu chân thành mới giúp chúng ta dành cho người khác điều mà chính chúng ta cũng đang cần. Chúng ta có nhận ra một niềm hạnh phúc lớn lao là hằng ngày chúng ta được giáp mặt với Thiên Chúa nơi từng người anh chị em bên cạnh không?

Lạy Chúa Giêsu! Đói khát, kiêu ngạo và thờ ngẫu tượng là ba cơn cám dỗ chúng con phải trải qua. Xin Chúa đổ tràn Thánh Thần trên chúng con, để “khi sống nhờ Thần Khí thì chúng con cũng nhờ Thần Khí mà tiến bước”,  nhờ thế mà chúng con sống đẹp lòng Chúa Cha. Amen.

Về mục lục

ĐẨY LÙI BÓNG TỐI

Anna Cỏ May

Khởi đầu công cuộc cứu chuộc, Đức Giêsu đã trải qua cơn cám dỗ trong hoang địa. Những cám dỗ Đức Giêsu chịu là gì?

Sau những ngày ăn chay ròng rã bốn mươi ngày, Đức Giêsu bắt đầu thấy đói. Tận dụng thời cơ, tên cám dỗ tiến đến nói với Ngài: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” (Mt 4, 3). Nó lợi dụng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng có quyền mọi sự để mồi thử Ngài. Nhận diện được lời cám dỗ của quỷ, Đức Giêsu trả lời thẳng thắn: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Thật vậy, cơm bánh là thứ nuôi thân xác mau chết, nó đi vào bụng rồi lại đi ra chứ không tồn tại mãi. Tiếp đến, quỷ đem Đức Giêsu đến thành thánh và đặt Ngài trên nóc Đền Thờ rồi nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,6). Kiểu cám dỗ của quỷ tiến tới một bước nữa là lấy đức tin thử đức tin. Nhưng Đức Giêsu mau mắn đáp lại: “Nhưng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,7). Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi cao và chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy mà bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9). Quả thật, nếu người ta được cả thế gian mà lại thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? (Mt 16,26). Vì thế, Đức Giêsu đã dứt khoát đuổi nó đi với lời khẳng định: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10). Nó bỏ đi nhưng không bỏ cuộc. Nó quay sang cám dỗ các anh chị em của Đức Giêsu là những người thi hành lời Chúa (x. Mt 12,50).

Ngày hôm nay, quỷ cám dỗ con người với một cái tên gọi đặc thù hơn đó chính là “tự nhiên”. Chúng ta viện cớ tự nhiên để chiều theo những gì đối nghịch lại với Thiên Chúa. Tên cám dỗ không chỉ bởi những lời nói quyến rũ ngọ ngào của thế gian mà chúng còn len lỏi vào những điểm yếu, nhu cầu tự tạo cũng như những sở thích tự nhiên của con người để cám dỗ. Nó gọi mời ta bước vào mê cung và dần dần đóng của lại, khiến chúng ta không thể ra được. Vì vậy, dầu ở vị trí nào, quyền lực hay thường dân, chúng ta phải có một cuộc sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ là thù địch của chúng ta như sư tử gầm thét, rảo quanh ngày đêm tìm mồi cắn xé. Chúng ta phải đứng vững trong đức tin mới có thể chống cự được (x.1Pr 5,8-9a). Sách Gương Chúa Giêsu dạy, khi bị cám dỗ, chúng ta không nên thất vọng, nhưng phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa một cách khẩn thiết hơn (x. Q1,đ 13) .

Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một thế giới mù mờ, đầy bóng, đầy tiếng gào thét cùng những tiếng nói ngọt ngào lạ tại. Xin cho chúng con vững niềm tin vào tình yêu của Chúa, để chúng con nhận ra và chống trả lại được những cơn cám dỗ của ma quỷ, nhờ đó chúng con được cùng Chúa Giêsu đi về Nước Trời. Amen.

Về mục lục

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Câu hỏi:

Nếu Đức Giêsu thực sự là Thiên Chúa, tại sao Satan còn cố cám dỗ Người? Chẳng lẽ nó không biết là Thiên Chúa thì không thể phạm tội?

Trả lời:

Đúng thế, Satan biết, thế nên nó đã cố cám dỗ Người. Nếu Đức Giêsu không vượt thắng được cám dỗ, ma quỷ sẽ biết được là Người thực chẳng phải là Đấng Mêsia.

Hãy nhớ rằng, ma quỷ không phải là Thiên Chúa. Nó không toàn tri hay bất khả ngộ, nên nó không biết được mọi sự. Nó có thể sai lầm. Như thánh Tôma Aquinô diễn giải: “Nơi ma quỷ, ý muốn gian manh tách trí khôn ra khỏi sự thông tuệ của Thiên Chúa, nên đôi khi chúng phán đoán về các vật một cách tuyệt đối, theo tình trạng tự nhiên. Trong lãnh vực tự nhiên, chúng không sai lầm. Nhưng trong những điều thuộc lãnh vực siêu nhiên, chúng có thể sai lầm, thí dụ khi thấy một người đã chết, nó nghĩ là người ấy sẽ không sống lại; hay khi thấy con người Giêsu, nó đoán Ngài không phải là Thiên Chúa” (ST I:58:5). Vì thế, để xác minh Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, ma quỷ cần phải thử. (Minh Đăng dịch từ: catholicsay.com).

Câu chuyện Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4,1-11) được đặt trong Tin mừng Matthêu ngay sau sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả (3,13-17). Sau khi chịu phép rửa tại sông Gioađan, Đức Giêsu đã được tiếng từ trời tuyên bố là “Con Thiên Chúa”. Satan xúi Đức Giêsu lợi dụng quền năng siêu nhiên của tư cách là Con Thiên Chúa của Người để làm một phép lạ có lợi cho nó. Một cách tinh vi và nham hiểm hơn, chữ “nếu” cũng có thể có nghĩa là “Có phải ông là…”. Satan cố ý làm cho Đức Giêsu hoài nghi về lời tuyên bố lúc Người lãnh nhận phép rửa: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Nó xúi giục Đức Giêsu làm một phép lạ để  “chứng minh” lời nói ấy thực sự đến từ Thiên Chúa.

Thông qua ba cơn cám dỗ, Satan chỉ có một mục đích chia rẽ Đức Giêsu với Thiên Chúa và kiểm chứng danh hiệu Con Thiên Chúa, bắt nguồn từ chính niềm tin vào Lời của Chúa Cha.

Trong hoang địa, Đức Giêsu chỉ chuyên lo sống mật thiết trọn vẹn trong tình cha con với Thiên Chúa. Trong những giờ phút linh thiêng nhất đó, quỷ dữ đã mò tới tấn công mãnh liệt để phá vỡ mối tình thắm thiết giữa Người và Thiên Chúa, như nó đã phá vỡ cuộc sống thân thiết giữa Ađam và Thiên Chúa. Qua 3 cơn cám dỗ, ta thấy Satan rất xảo quyệt.

Cám dỗ thứ nhất: Satan thách đố Đức Giêsu biến sỏi đá thành cơm bánh ăn: “Nếu  ông là Con Thiên Chúa, hãy làm cho đá nầy trở  thành bánh đi!”. Ý đồ của Satan là xúi Chúa Giêsu vận dụng quyền năng Thiên Chúa trao cho Ngài để phục vụ bản thân mình trước đã. Nhưng Đức Giêsu đã từ chối. Ngài là Con Thiên Chúa không phải để phục vụ bản thân mình, nhưng để làm công việc Thiên Chúa trao cho Ngài. Ngài đến để phục vụ và làm theo ý Đấng đã sai Ngài.

Cám dỗ thứ hai:  Satan xúi Đức Giêsu thử thách quyền năng Thiên Chúa; vận dụng quyền năng Thiên Chúa để mở một con đường tắt mà hoà thành sứ mạng; nếu Chúa Giêsu nhảy từ đỉnh cao của đền thờ Giêrusalem xuống mà an toàn thì tất nhiên mọi người sẽ theo Ngài. Đức  Giêsu không theo đường tắt Satan đề nghị. “Ngài hạ mình vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chết và chết trên thập giá” để thực hiện công cuộc của Chúa Cha. Ngài mời gọi ai muốn theo Ngài thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá của mình mà đi theo Ngài.

Cám dỗ thứ ba: Satan hứa sẽ trao cho Đức Giêsu mọi quyền lực và vinh quang của các vương quốc trên trần gian nầy, nếu Đức Giêsu chịu thờ lạy nó. Cái “xạo” của Satan là ở chỗ nó cho rằng nó là bá chủ mọi vương quốc trần gian và có quyền ban quyền lực và vinh quang cho Đức Giêsu. Satan muốn Đức Giêsu nhìn nhận rằng: chỉ có quyền lực và vinh quang của mọi vương quốc trên trần gian này là đáng quý. Đức Giêsu muốn được hưởng thì cứ thờ lạy là xong ngay. Để trả lời Satan, Đức Giêsu phán: “Mi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của mi, và mi chỉ phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” Đnl 6,13). Quyền lực và vinh quang trên trần gian không phải là tất cả. Chỉ có Thiên Chúa mới đáng thờ lạy, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền lực và vinh quang thật để ban cho Ngài.

Đức Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan bằng quyền năng Thánh Thần, bằng sức mạnh Lời Chúa, bằng đời sống chay tịnh cầu nguyện và luôn tín thác vào Chúa Cha.

Cả ba Phúc Âm đều đề cập đến một chi tiết rất thú vị, đó là Đức Giêsu không đi vào hoang địa một mình mà đi cùng với Chúa Thánh Thần.

–   “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1)

–   “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).

–  “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).

Thánh Thần hướng dẫn Đức Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Đây là một hành động hết sức khó hiểu và nghịch lý. Vì Thánh Thần sao lại có thể làm như thế cho Chúa Giêsu? Thế nhưng, cũng qua việc Đức Giêsu chịu cám dỗ, mỗi khi chúng ta bị ma quỷ cám dỗ cũng có thể nói được là “Thánh Thần đã dẫn chúng ta đến chỗ để bị cám dỗ”, để qua đó, chúng ta có thể tránh khỏi sa chước cám dỗ.

Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Đức Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Ngài đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ và đã chiến thắng.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của Satan, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Đức Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta.

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; LGTC #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Đức Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Đức Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Gương của Đức Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Đức Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:

– Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)

– Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)

– Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).

Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chời đợi thời cơ”. Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện nó sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đàng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ quỷ chờ đợi chính là lúc Đức Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn.

Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Đức Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Dt 4,15). Đức  Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.

Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Thánh Phêrô dùng một hình ảnh đáng sợ, để ám chỉ Satan. Ngài viết : “Ma quỷ là thù địch của anh em, nó như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 3,8). Với lời trên, thánh Phêrô quả quyết Satan cám dỗ chỉ để làm hại con người mà thôi. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.

Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ngưới tín hữu xét mình, để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mà sống đẹp lòng Thiên Chúa mỗi ngày.

Về mục lục

QUỶ BỎ NGƯỜI MÀ ĐI

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Suy Niệm

Sống là chịu tác động của hoàn cảnh bên ngoài. Có những điều nâng đời sống của ta lên, và cũng có những điều khiến ta ngã qụy.

Chấp nhận làm người là chấp nhận bị cám dỗ. Cám dỗ từ bên ngoài, từ quỷ dữ, từ tha nhân… Cám dỗ từ bên trong, từ đòi hỏi của bản năng tự nhiên, của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim.

Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ, nhưng phận người lại cao cả hào hùng vì con người có thể thắng được mọi cơn cám dỗ bằng một lựa chọn đầy tự do.

Nhìn lại ba cơn cám dỗ tiêu biểu của Đức Giêsu, ta thấy chúng có một mẫu số chung. Đó là Ngài bị lôi kéo sống cho mình, lo cho mình, xây đắp cho mình. Dù là dùng quyền năng Cha ban để biến đá thành bánh ăn cho đỡ đói. Dù là nhảy xuống từ nóc Đền thờ như một thách đố đối với Thiên Chúa yêu thương, hay như một biểu diễn ngoạn mục để thu hút quần chúng. Dù là sấp mình bái lạy Satan để được nắm mọi quyền hành trên muôn nước.

Giàu sang, quyền lực, khoái lạc vẫn là những cám dỗ muôn thuở, cho mọi người, mọi tập thể đạo đời.

Đức Giêsu đã thắng được các cơn cám dỗ.

Cơn cám dỗ lớn nhất là quay vào mình, chọn mình thay vì chọn Chúa và anh em.

Chúng ta cần nhận ra những cơn cám dỗ hiền lành, mang một lớp vỏ bên ngoài vô hại.

Một số bạn trẻ Thái Lan mơ ước có được 7 điều, tất cả đều bắt đầu bằng chữ C theo tiếng Anh: xe hơi, điện thoại di động, quần áo, máy vi tính, một căn hộ sang trọng, thẻ tín dụng, thuốc ngừa thai.

Không phải vật chất là điều xấu. Nhưng nếu con người bị ám ảnh bởi vật chất và coi đó là mục đích duy nhất của đời mình, thì cuộc sống sẽ nghèo nàn biết chừng nào!

Sống đâu phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để hiến trao. Con người đâu phải chỉ là thân xác, mà còn là tinh thần. Cuộc sống đâu phải chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau.

Cần tập chiến thắng cơn cám dỗ bằng cầu nguyện, hy sinh.

Hy sinh là làm chủ các giác quan và trí tưởng tượng, là khiêm tốn nhận mình yếu đuối, mỏng dòn, là dám cương quyết từ chối: “Hãy xéo đi, Satan.”

Gợi Ý Chia Sẻ

Chúng ta thường đứng trước những chọn lựa: chọn giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái chính và cái phụ; chọn cái tốt hơn giữa những cái tốt; chọn cách tốt hơn để làm một điều tốt… Có khi nào bạn bị giằng co khi phải chọn lựa không?

Chúa có thể gửi đến cho ta những thử thách. Nếu vượt qua được, chúng ta sẽ trưởng thành và lớn lên trong tình yêu. Bạn có khi nào vượt được một thử thách nho nhỏ hay lớn lao không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con. Chúng trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng con có, để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lòng trước những lời mời gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Về mục lục

THEO AĐAM HAY THEO CHÚA GIÊSU?

Lm Ignatiô Trần Ngà

Điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất không đi đúng quỹ đạo mà Thiên Chúa đã vạch ra cho nó? Trong trường hợp nầy, một thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người và lịch sử vũ trụ sẽ xảy ra. Một trận hoả hoạn toàn cầu khủng khiếp chưa từng thấy sẽ bùng lên thiêu rụi hết mọi thứ nếu trái đất xích lại gần mặt trời hơn cự ly hiện nay, hoặc giá băng sẽ bao trùm trái đất khiến sự sống của mọi sinh vật sẽ bị huỷ diệt nếu trái đất trệch ra xa mặt trời hơn khoảng cách hiện tại.

Điều gì sẽ xảy ra nếu nước biển không tuân theo quy luật là nước phải tụ về chỗ trũng thấp? Lúc đó, Thái Bình Dương thỉnh thoảng tràn lên đến tận dãy Trường Sơn và toàn bộ phố xá ruộng vườn đều bị cào xới bình địa, mọi cư dân đang sống trên đường đi của nó trở thành lương thực cho các loài tôm cá.

Điều gì sẽ xảy ra nếu quy luật giao thông không được người tham gia giao thông tuân giữ? Lúc đó, xe cộ sẽ trở thành vũ khí huỷ diệt hàng loạt trên toàn cầu và đường sá trở thành nơi ngốn nhiều nhân mạng hơn hết thảy mọi cuộc chiến tranh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ngữ pháp không được người ta tôn trọng lúc giao tiếp? Khi đó, chỉ có người nói mới hiểu mình nói gì và người chung quanh không thể hiểu được điều ta nói.

Điều gì sẽ xảy ra nếu loài người không đi theo con đường mà Đấng sáng tạo đã vạch ra cho mình? Lịch sử Hội Thánh cho thấy nguyên tổ loài người đã đi trật đường Chúa… và phải lãnh lấy hậu quả là đau khổ và chết chóc.

Nói tóm lại, mọi sự đều phải vận hành theo quy luật mà Thiên Chúa đã an bài thì sự sống mới được duy trì và khi quy luật không được tôn trọng thì thảm hoạ sẽ xảy ra cho vũ trụ, cho thế giới, cho mọi loài.

Bài trích sách sáng thế được công bố trong phụng vụ hôm nay khẳng định lại chân lý nầy. Khi hai ông bà nguyên tổ đi trệch đường lối Thiên Chúa (được minh hoạ bằng việc Chúa truyền đừng ăn trái cấm mà hai ông bà bất tuân) thì hậu quả đau thương đã đến với hai ông bà và lan truyền đến toàn thể nhân loại.

Qua bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô khẳng định lần nữa chân lý nầy: Vì một người (là Ađam) đã không đi theo đường lối Thiên Chúa mà muôn người trở thành tội nhân (Rôma 5, 19) và tội lỗi đã gây nên sự chết! (Rôma 5, 12).

Khốc liệt thay hậu quả của việc bất tuân, của việc đi lệch ra ngoài quỹ đạo!

* * *

Vì loài người đi lệch quỹ đạo của Thiên Chúa, không đi theo đường lối Thiên Chúa, nên đau khổ và sự chết là hậu quả tất nhiên đã đến với mọi người.

Để cứu vớt loài người, Thiên Chúa Cha đã cho Ngôi Hai xuống thế, trở thành một Ađam mới, sửa lại những sai lệch do Ađam cũ gây nên, hầu cứu nhân loại khỏi vòng huỷ diệt.

Cũng như Ađam cũ, Ađam mới cũng bị Sa-tan cám dỗ đi trệch đường của Thiên Chúa với hy vọng một khi ‘Đầu Tàu’ bị trật bánh thì toàn thể đoàn tàu cũng sa xuống vực sâu. Ba lần cám dỗ trong hoang địa mà Tin Mừng hôm nay thuật lại là tổng hợp của ‘trăm chiều thử thách’ (Do-thái 4, 15) mà Ađam mới là Chúa Giêsu phải đương đầu trong cuộc đời dương thế.

Nhưng khác với Ađam cũ nông nổi nghe lời Sa-tan xúi giục đi trệch đường lối Thiên Chúa, Đức Giêsu đã kiên quyết tuân theo đường lối Chúa Cha không hề sai lệch, cho dù phải chấp nhận thập giá và cái chết vô cùng đau thương (Pl 2,8). Nhờ thế, Ngài đã nắn lại những sai trật do Ađam gây ra và đã lôi kéo được nhân loại về với Thiên Chúa.

Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải đương đầu với những cám dỗ, thử thách mà Ađam cũ cũng như Ađam mới là Chúa Giêsu đã gặp hôm xưa.

Bước theo vết chân của Ađam cũ (tức là nghe theo lời mời mọc của Sa-tan) để rồi phải lâm vào cảnh đau thương chết chóc hay kiên quyết chống cự để trung thành với đường lối của Thiên Chúa là chọn lựa mà mỗi người chúng ta phải lặp lại mỗi ngày. Bao lâu còn mang thân phận con người, bấy lâu chúng ta còn phải chịu thử thách và chiến đấu.

Đường vào thiên quốc hay lối xuống địa ngục, cửa sinh hay cửa tử đang mở ra trước mặt mọi người. Xin Chúa thương giúp chúng ta đừng mê muội đi vào cửa tử nhưng khôn ngoan sáng suốt chọn bước vào cửa sinh, theo gót Chúa Giêsu là Đấng đã vinh thắng khải hoàn.

Về mục lục

CÁM DỖ, NGUY CƠ VÀ CƠ MAY

Lm Pietro Nguyễn Hương

Với Chúa nhật I mùa Chay năm A, phụng vụ Lời Chúa hướng sự chú ý của chúng ta tới một chủ đề chính đáng suy nghĩ đó là CÁM DỖ. Chủ đề này như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bài đọc. Nếu ma quỉ xuất hiện như làm một kẻ thù rất nguy hiểm của con người, thì Đức Giêsu là người chiến thắng tất cả các cám dỗ và cạm bẫy của Ma quỉ, trở thành khuôn mẫu và là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát của nhân loại.

Bài Đọc I từ Sách Sáng Thế (St 2,7-9. 3,1-7), kể cho chúng ta nghe lại câu chuyện sa ngã của tổ tiên chúng ta do những lời mời mọc ngọt ngào của con rắn. Adam va Eva bị cám dỗ ăn trái cấm của “cây biết lành biết dữ” (St 3,2). Họ đã sa ngã, xa rời Thiên Chúa, đánh mất sự sống và sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi sự thiện hảo. Câu chuyện này cũng nhắc nhở chúng ta về một sự kiện lịch sử là nhân loại ngay từ đầu đã phạm tội và không có khả năng giải phóng mình khỏi tội lỗi và sự giữ. Nhân loại cần đến ơn cứu độ, sự hoàn nguyên đến từ Thiên Chúa.

Thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Rôma (Rm 5,12-19), cho chúng ta lời giải đáp về mầu nhiệm cứu độ của nhân loại mà Đức Kitô đã mang lại qua mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Đức Kitô: «Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính» (Rm 5,19).

Bài Tin mừng (Mt 4,1-11) giới thiệu với chúng ta kinh nghiệm của Đức Giêsu trong sa mạc, nơi Người bị cám dỗ và chống lại Satan như thế nào.

Chúng ta hãy nhìn vào ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu: cơn cám dỗ thứ nhất, trong lúc đói lã, Ma quỉ đề nghị Người biến những viên đá thành bánh để ăn. Đấy là cám dỗ đặc trưng về vật chất. Nhưng Đức Giêsu trả lời: «Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra» (Mt 4,4). Đức Giêsu đã từ chối cám dỗ này và sống phó thác vào Chúa Cha, vì đối với Người có một thức ăn quan trọng hơn “bánh mì” đó là Lời Chúa và thi hành theo Ý Cha.

Trong cơn cám dỗ thứ hai: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi!» (Mt 4,6). Đây là cám dỗ về lòng kiêu ngạo. Ma quỉ gợi lên sự ngờ vực, thách thức về Tình Yêu của Chúa Cha đối với Người, và để nghị Người sử dụng quền của mình để làm những cảnh ngoạn mục, tìm kiếm sự vỗ tay của đám đông. Trong câu trả lời: «Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi», Chúa Giêsu cho thấy Người là Con đích thực của Thiên Chúa, đã chọn một cách sống trong khiêm tốn, trong ẩn dật, và không cần phải bắt Thiên Chúa làm theo ý mình để biểu lộ tình yêu đối với mình. Cách đơn giản Người sống tin tưởng vào Cha.

Cuối cùng, Cám dỗ thứ ba liên quan đến sự khát khao quyền lực: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi. (Mt 4,9). Một cách công khai Ma quỉ để lộ mục đích của nó: hãy thờ lạy tôi chứ không phải Thiên Chúa, bạn sẽ có tất cả. Chúa Giêsu trả lời bằng một lối sống thực sự chỉ có tôn thờ và phục vụ một mình Thiên Chúa mà thôi.

Quả thật, cả ba cám dỗ của Đức Giêsu là “ba con đường dễ dãi để không trải qua Thập Giá” (Fulton Sheen), nhưng Đức Giêsu đã chấp nhận con đường Thập Giá, với một tình yêu và lòng phó thác hoàn toàn vào Cha. Như thế, Người đã chiến thắng và như thế qua Thập Giá, Người cứu độ chúng ta.

Cũng như Đức Giêsu, ngày hôm nay chúng ta sống trong thế giới này, một thế giới đầy cám dỗ, và cám dỗ hôm nay được mặc nhiều dáng vẽ hấp dẫn và đẹp đẽ. Đằng sau những cám dỗ là Ma quỉ, kẻ thù luôn dấu mặt. Kẻ được định nghĩa bởi Gioan như là cha đẻ của sự dối trá (Gv 8,44), một kẻ thù rất nguy hiểm không bao giờ ngủ, luôn sẵn sàng để thử thách chúng ta. Và như nhà thơ Baudelaire nói: “Sự quỉ quyệt nhất của ma quỉ là làm cho con người không tin rằng nó hiện hữu”.

Chúng ta đừng có sợ hãi vì Đức Kitô đã chiến thắng Satan để giải thoát ta khỏi Satan. Chúng ta hãy học hỏi từ Đức Giêsu, để chiến đấu với Ma quỉ bằng sức mạnh của Lời Chúa, và khí cụ của việc ăn chay, cầu nguyện và việc bác ái. Hãy học nơi Người để tĩnh thức luôn, để nói KHÔNG với từng cơn cám dỗ và nói VÂNG với Thiên Chúa. Đặc biệt là như Đức Giêsu, hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời chúng ta, hãy trở nên nhảy cảm và dễ bảo với Người. Tôi xác tín rằng, nếu chúng ta bước đi trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ chiến thắng các cám dỗ, và qua những thử thách đó chúng ta sẽ trưởng thành trong Đức Tin và trong Tình Yêu với Thiên Chúa và với mọi người. Đó là tin vui và cùng với niềm vui đó chúng ta bắt đầu hành trình Mùa chay hướng về niềm vui phục sinh của Đức Kitô, Chúa Chúng ta. Amen!

Về mục lục

SA MẠC – NƠI GIÚP KHÁM PHÁ SỰ THẬT

Lm. Phêrô Trần Minh Đức

Trong cuộc đời làm người ai ai cũng phải trải qua những giây phút khủng hoảng. Trong những lúc đó tất cả mọi chuyện to nhỏ đều trở thành một vấn nạn. Kẻ đó tìm một câu trả lời trước khi lựa chọn, quyết định cho tương lai đời mình. Giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên là một giai đoạn quan trọng trong đời người. Tuổi dậy thì chứa đầy hỗn loạn. Thân xác bỗng dưng biến đổi và phát triển khác thường. Con người bị ép buộc tham dự vào một cuộc phiêu lưu để khám phá ra mình là ai. Nhiều chuyện thần thoại đã mô tả về giai đoạn này. Dĩ nhiên, nhân vật chính luôn là một chàng trai. Anh phải từ giã mái ấm gia đình, chấp nhận mạo hiểm một mình tiến vào rừng sâu nước độc, nơi chứa đầy cạm bẫy của yêu tinh quỷ nữ! Anh ta phải vượt qua mọi thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài. Anh ta được tôi luyện. Khi trở về, anh giống như được đầu thai làm một con người hoàn toàn mới, đủ tài trí và khả năng gánh vác những trọng trách được giao phó.

Bài Phúc âm hôm nay cũng nói về thời gian thử thách tương tự của Đức Giêsu. Ngài được Thánh Thần dẫn đưa vào hoang địa, giang sơn của quỷ dữ. Ngài ăn chay hãm mình, sống trong cô tịch, hoàn toàn không có gì để đề phòng âm mưu của kẻ xấu luôn bám sát, chờ cơ hội thuận lợi để thu thập. Thử thách làm nảy sinh một hoài nghi cơ bản: Những gì từ trước tới nay tôi cho là tốt đẹp bây giờ có vẻ vô nghĩa. Những gì tôi cho là tội lỗi xấu xa giờ đây hình như chứa đầy hứa hẹn. Khi đối diện đương đầu với dụ dỗ Đức Giêsu dần dần khám phá ra mình là ai, đâu là sứ mạng của mình. Thời gian sống trong sa mạc là giai đoạn quan trọng trong đời của Đức Giêsu. Trong thời gian này Ngài cảm nhận một cách sâu xa sự mỏng dòn trong thân phận con người. Mặc khác, Ngài đã sống mật thiết thân tình với Chúa Cha, giúp Ngài ý thức về trọng trách được Chúa Cha giao phó. Ngài trở nên chín chắn trưởng thành, có thể bước vào cuộc đời công khai, công bố Tin mừng cứu độ. Bởi vậy, sa mạc không phải chỉ là nơi chết chóc, tăm tối mà còn là nơi gặp gỡ chính Thiên Chúa.

Trong sa mạc Đức Giêsu hiểu thấu những yếu đuối cơ bản của con người. Cám dỗ đầu tiên nhắm vào sự đói khát. Có đầy đủ của ăn là một nhu cầu căn bản của cuộc sống con người. Thân xác đòi hỏi quyền lợi của nó và sẽ trở nên kiệt quệ nếu như nhu cầu này bị cự tuyệt, không được đáp ứng. Dĩ nhiên chúng ta ăn để sống, nhưng chúng ta sống không phải chỉ để ăn, để uống. Do đó, con người giống như bị bà nhập khi nghĩ rằng, ý nghĩa của cuộc sống con người chỉ đặt trên cơ bản của vật chất và sự hưởng thụ. Con người chia sẻ những nhu cầu thuộc thân xác với tất cả mọi sinh vật khác, nhưng khát vọng của con người còn trổi vượt hơn, đi ra ngoài giới hạn này. Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng, nhu cầu lớn nhất của con người thuộc về đời sống tâm linh: „Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Đời sống con người không phải là một cuộc sống no say nhưng là một cuộc đời sung mãn về mọi mặt.

Thử thách thứ hai nhắm vào khát vọng quyền lực. Bởi vì muốn chứng tỏ quyền lực của mình, bảo đảm chỗ đứng của mình, kẻ ấy ra sức tìm cách hạ bệ kẻ khác, ra sức chèn ép, trèo lên đầu lên cổ người khác và nếu cần sẵn sàng bước qua xác chết! Tranh đấu quyền lực là chuyện xảy ra như cơm bữa từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đặc biệt trong môi trường chính trị và kinh doanh,… Đức Giêsu không đầu hàng dụ dỗ. Ngài sẵn sàng từ bỏ quyền thế và bạo lực. Ngài chọn con đường yêu thương vô vị lợi.

Dụ dỗ thứ ba nhằm chối bỏ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo càn khôn. Đặc biệt con người ngày nay nghĩ rằng, mình có thể đạt được tất cả mà không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tất cả đều dựa vào khả năng của bản thân. Ngày Chúa nhật không đi lễ nhà thờ chẳng thấy mình mất mát gì! Nhìn nhận giới hạn của mình, nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình là một điều không dễ dàng. Thiên Chúa đòi hỏi con người tin vào Ngài, mặc dầu không ai có thể chứng minh và nhìn thấy Thiên Chúa.

Mùa chay chính là một lời mời gọi sáng tạo một mảnh sa mạc trong cuộc đời mình, mời gọi xa rời cảnh huyên náo, bon chen, xô bồ để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài trong cô tịch. Bởi vì sa mạc, đối với Đức Giêsu cũng như mỗi người chúng ta, là nơi giúp khám phá sự thật, nơi chúng ta có thể đối diện với chính mình để nhận biết mình là ai và Thiên Chúa muốn gì nơi tôi.

Về mục lục

MA QUỶ CÁM DỖ CHÚA GIÊSU

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Chúa nhật I Mùa chay hướng chúng ta về mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Và Chúa nhật này cũng đưa chúng ta đến một khung cảnh, đến một sự việc bất ngờ và kỳ diệu. Chúa Giêsu, Ngôi Hai xuống thế làm người, ngày hôm nay đã bị ma quỷ cám dỗ. Thực tế, đây là một mầu nhiệm bởi vì ma quỷ làm sao dám đối diện với Vua Trời Đất cao cả…

Quả thực, Chúa Giêsu “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 6-9). Như thế, ngoại trừ tội lỗi, Chúa Giêsu đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người. Nên, Ngài là con người giống chúng ta trong mọi sự. Chúa Giêsu đã phải đối đầu với cám dỗ và Ngài đã chống trả dứt khoát. Trái ngược với Ông bà nguyên tổ: Ađam và Evà. Hai Ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng đã bị con rắn là ma quỷ cám dỗ, nhưng nguyên tổ đã sa ngã vì bất trung với Thiên Chúa. Còn Chúa Giêsu khi sửa soạn sứ vụ công khai của Ngài, Ngài đã đi vào nơi hoang địa để đương đầu với ma quỷ trong những cám dỗ chết người, nhưng Ngài đã một mực trung thành với thánh ý của Thiên Chúa Cha và ý chí ấy đã đưa Ngài từ Sa mạc hoang vu, tới dòng sông Giorđăng, từ Giêrusalem đến vườn Cây Dầu, nơi đây, ma quỷ còn thử thách Ngài nặng nề hơn nữa, cám dỗ Ngài bỏ sứ mạng cứu thế của Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lúc nào cũng đầy Thánh Thần và Ngài đã luôn chiến thắng những cám dỗ do ma quỷ bầy ra để kéo Ngài ra khỏi Thiên ý của Chúa Cha. Ngày Lễ Lá, chúng ta thấy Chúa Giêsu thốt lên trong vườn Cây Dầu khi Ngài đang hấp hối: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cất chén đắng này khỏi con”. Nhưng, Chúa Giêsu luôn kiên nhẫn, luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Chính vì thế, Ngài luôn nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Ngài luôn hết mình tuân phục Thánh ý của Thiên Chúa cha: “Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý của Con”.

Chúa Giêsu đã luôn đi theo con đường của Thiên Chúa Cha. Đó là con đường cứu độ, con đường tình yêu. Chúa Giêsu đã đi từ đau khổ, chết tới phục sinh. Đó là Mầu nhiệm Vượt Qua. Đó là cuộc đau khổ hồng phúc của Chúa Giêsu. Bởi vì, Ngài đi qua thống khổ, bị kết án tử hình, bị treo trên Thập giá, bị táng trong mồ và sau ba ngày, Ngài đã sống lại khải hoàn. Đây là mầu nhiệm vì nó được giấu kín trong sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa Cha.

Ba cám dỗ về của ăn, tiền tài vật chất, danh vọng là ba cám dỗ đã làm cho biết bao người ngã gục trước nanh vuốt đen tối của ma quỷ. Chúa Giêsu đã anh dũng chiến thắng tội lỗi, cám dỗ và sự chết. Ngài đã đi từ cõi chết đến cõi sống, đi từ bóng tối tới ánh sáng trường sinh, vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã chết và đã vinh thắng sự chết, khải hoàn sống lại vinh quang. Ngài đã chết cho chúng ta được sống, Ngài đã gánh tội của chúng ta không như tội nhân mà là Đấng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Mầu nhiệm phục sinh là chân lý hướng dẫn người Kitô hữu trong suốt cả cuộc hành trình đức tin dưới thế. Đặc biệt, Mùa chay ba phương thế: ăn chay, cầu nguyện, bố thí là ba phương cách truyền thống giúp người Kitô hữu kết hiệp với Chúa Giêsu và giúp người Kitô hữu hợp nhất với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, với lễ Vượt Qua của mỗi người chúng ta để rồi chúng ta có thể thốt lên: ” Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa và ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con vững mạnh trong đức tin mà chiến thắng mọi cạm bẫy của ma quỷ. Amen.

Về mục lục

MA QUỶ

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày. Sau đó ma quỷ đến cám dỗ Chúa về ba thứ: miếng ăn, kiêu ngạo và danh vọng.

CÁM DỖ VỀ MIẾNG ĂN: Biết Chúa trong suốt bốn mươi đêm ngày không ăn uống gì, chắc hẳn phải đói lắm, ma quỷ khôn khéo lợi dụng cái đói bụng để cám dỗ Chúa. Chúng đưa ra một hòn đá và bảo Chúa hãy truyền cho nó biến thành bánh mà ăn. Tại sao ma quỷ không đem ngay bánh tới để cám dỗ mà lại dụ dỗ Chúa làm phép lạ cho đá hóa thành bánh? Điều đó cho chúng ta biết ma quỷ không cám dỗ Chúa về sự mê ăn uống, bởi vì một người ăn chay trường được thì không phải là người mê ăn, một tấm bánh có gì đáng mê ăn, hơn nữa, một người đói cần ăn, không có gì là xấu, cho nên, ở đây ma quỷ muốn cám dỗ Chúa dùng sai khả năng, sai mục đích, dùng uy quyền vô lý, ma quỷ muốn Chúa biểu diễn một phép lạ không có lý do chính đáng. Nếu Chúa làm phép lạ thì Chúa không còn uy quyền trên ma quỷ nữa, vì đã vâng phục chúng. Nếu Chúa làm phép lạ thì chứng tỏ Chúa không còn tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa Cha nữa. Nếu Chúa làm phép lạ thì mắc mưu ma quỷ, nghĩa là chúng bảo Chúa hãy sử dụng quyền phép mà giải quyết việc đói bụng. Nhưng chúng thất bại hoàn toàn, Chúa không chê cơm bánh, Chúa cũng không làm phép lạ, Chúa đã dùng sức mạnh của chính lời Chúa trong Kinh Thánh để chiến thắng cám dỗ. Chúa bảo cho ma quỷ biết: ” Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

CÁM DỖ VỀ KIÊU NGẠO: Ma quỷ đưa Chúa lên nóc đền thờ Giêrusalem và xúi bẩy Chúa nhảy xuống. Nếu Chúa nhảy xuống thì thật là một hành động ngoạn mục, giả như bị chết hay bị thương thì càng tốt, còn nếu không hề hấn gì như lời Thiên Chúa nói là Thiên Chúa sẽ ra lệnh cho thiên thần đỡ nâng, thì Chúa sẽ được mọi người ở dưới vỗ tay tung hô ca tụng và được biết đến như một người Thiên Chúa sai đến. Như vậy, khi xúi giục Chúa nhảy xuống là ma quỷ đã khích động lòng kiêu ngạo vốn thường có nơi mỗi người. Quả thực, ma quỷ muốn Chúa kiêu ngạo như chúng. Tính kiêu ngạo thường ẩn núp dưới hai hình thức: là tôn trọng mình cách vô lối và muốn mọi người khác phải đề cao mình. Ma quỷ là cha thần kiêu ngạo, chúng đem kiêu ngạo vào mọi lãnh vực, đó là điểm rắc rối của cuộc đời. Biết bao người đã là nạn nhân của lòng tự ái, lòng háo danh, tự hào tự phụ về tài năng, sắc đẹp và cả nhân đức nữa. Nhưng một lần nữa Chúa Giêsu lại chiến thắng ma quỷ và bảo cho chúng biết qua lời Kinh Thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”, nghĩa là đừng đòi hỏi Thiên Chúa làm phép lạ vô ích.

CÁM DỖ VỀ DANH VỌNG: Ma quỷ lại đưa Chúa lên núi cao, chỉ cho Chúa thấy khắp bàn dân thiên hạ, thấy mọi vinh quang phú quý uy quyền, rồi hứa biếu Chúa tất cả nếu bằng lòng uốn gối quỳ thờ lạy chúng. Thờ lạy tức là vâng phục, là đầu hàng. Lời dụ dỗ của ma quỷ rất hấp dẫn, vì dân Do Thái lúc bấy giờ đang trông đợi một Đấng Mêsia trần thế, một anh hùng, một vị cứu tinh đến giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc. Vì thế, ma quỷ xúi Chúa thờ lạy chúng đi là được ngồi ngay vào ghế đó. Cờ đến tay rồi, còn chờ gì nữa không cầm mà phất lên. Nhưng Chúa Giêsu đã từ chối bằng câu Kinh Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Sự kiện cám dỗ này dạy chúng ta nhiều điều, chúng ta hãy nhớ ba điều sau đây:

Thứ nhất, là con người, chúng ta có rất nhiều nhu cầu, nhưng vấn đề là phải biết: đâu là nhu cầu chính yếu đâu là nhu cầu phụ thuộc. Kinh Thánh cho biết chỉ có hai thứ nhu cầu mà thôi: nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Nhu cầu vật chất là cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, nhu cầu tinh thần là sự sống vĩnh cửu, con người phải có hai nhu cầu đó mới sống được. Chúa đã dạy: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời”. Nghĩa là trong khi lao động để tìm kiếm những nhu cầu vật chất chúng ta đừng quên tìm kiếm những nhu cầu tinh thần trước hết.

Thứ hai, chúng ta cần phải cảnh giác trước những gì là hình thức hào nhoáng bên ngoài. Nhiều người dễ bị lầm, đến khi nhận ra thì đã quá muộn và đụng phải một thực tế phũ phàng. Vì thế, đừng để cho vẻ hào ngoáng bên ngoài cám dỗ. Những ai chạy theo vẻ bên ngoài thì sẽ chỉ gặp cái vỏ bên ngoài. Cái thực chất mới đáng theo đuổi. Thực chất nằm ở trong những gì giá trị lâu dài chứ không nằm trong những gì hào nhoáng nhất thời.

Thứ ba, là con cái Chúa, mặc nhiên chúng ta trở thành mục tiêu tấn công của ma quỷ. Ma quỷ rất tinh quái và xảo quyệt, thánh Phaolô gọi chúng là một kẻ thù hiểm độc, một nhà chiến lược đầy tội ác, chúng dùng mọi cách để cám dỗ chúng ta. Vì thế, chúng ta phải đứng về phe Chúa, phải nương nhờ vào sức mạnh của Chúa mà chiến đấu, nếu không chúng ta sẽ dễ dàng bị thất bại. Nương nhờ vào Chúa bằng cách chăm chỉ cầu nguyện, ăn chay, sống chân thật, ngay thẳng, đọc Kinh Thánh và dùng Lời Chúa để chiến thắng cám dỗ như Chúa đã làm gương.

Về mục lục

LIÊN HỆ

Lm. Vũ Đình Tường

Chương đầu sách Sáng Thế Ký tường thuật sự việc Chúa tạo dựng con người phỏng theo hình ảnh Chúa. Trình thuật cho biết từ nguyên thuỷ Chúa lấy bùn đất tạo nên con người và thở hơi vào lỗ mũi ban Thần Khí Chúa cho con người. Nhờ Thần Khí đó mà con người có sự sống.

Nguyên việc sáng tạo cũng đủ cho biết con người có quan hệ rất mật thiết với vũ trụ do Chúa tạo dựng. Đây là lí do chính giải thích tại sao con người lại có khuynh hướng yêu mến, quyến luyến trần thế.

Nguyên do

Ngoài ra, thân xác con người bởi đất mà ra. Con người nhận biết mình là bụi tro và sau cuộc đời khổ ải này sẽ trở về bụi tro. Nói cách khác thân xác con người là một phần của vũ trụ do Chúa tạo thành. Yêu thích vật chất, của cải thế gian chính là yêu thích cái cội nguồn thân xác trần thế của chính mình.

Chúa phán cho nhân loại con người hãy làm chủ chim trời, cá biển và những sinh vật trên mặt đất. Con người thi hành giáo huấn tích cực đến độ cạnh tranh, tranh nhau làm chủ và ngay cả tàn sát nhau để được quyền làm chủ trên đất, biển và không gian. Thực ra con người được mời gọi làm quản gia, chứ không phải là chủ gia. Nhiệm vụ của quản gia là bảo quản, coi sóc, bảo vệ, canh tác và hưởng thành quả của lao tác. Đòi làm chủ vượt quá quyền hạn của quản gia. Mầm mống của phản loạn chống lại chủ nhân vũ trụ, chống lại Đấng sáng tạo ra vũ trụ. Mình Chúa làm chủ tất cả. Mọi người đều là quản gia, công nhân của vườn nho Chúa.

Con người nhận biết của cải, vật chất trần thế rất thực tiễn. Hữu dụng cho cuộc sống và thoả mãn những nhu cầu con người. Chính những gì trái đất cung cấp làm con cho người trở nên thèm khát và muốn chiếm đoạt, chiều theo lòng ham muốn của cải.

Đam mê

Khuynh hướng đam mê của cải, chức tước tác động mãnh liệt cho một số thành phần vì họ khát khao có chúng. Với họ bao nhiêu vật chất cũng chưa vừa, sống bao lâu cũng chưa đủ. Vì ham của cải, vật chất trần thế nên họ chối bỏ Đấng sáng tạo vũ trụ. Đơn giản nhất là chối bỏ Ngài hiện hữu, để thay Ngài làm chủ vũ trụ. Từ đó họ tự do xưng mình là chủ mọi loài, kể cả sự sống. Tự trao trong tay quyền ban phát sự sống cho người khác. Để ai sống người đó sống, bắt ai chết người đó chết. Quả là lộng quyền, lộng ngôn. Ngày nào đó họ cũng chết, không cứu được mình. Phúc Âm vạch rõ ma quỉ cầm đầu kẻ lộng quyền, lộng ngôn khi nó hứa cho Đức Kitô vinh quang phú quí trần thế. Nó không có gì để cho ngoại trừ gian dối, lừa gạt. Chính lừa gạt, gian dối này mà nó hứa cho cả những gì nó không có. Điều ngạc nhiên là có người tin lời hứa hão huyền. Sẵn sàng gây chiến với anh em. Dùng thủ đoạn đối xử với nhau. Thủ đoạn đi chung với chém giết, thủ tiêu, khai trừ. Chết chóc, khổ đau, goá bụa, con côi, phát sinh từ lòng tham, từ đam mê làm chủ sinh ra.

Vũ trụ do Chúa tạo dựng là nơi con người sống và là nơi cung cấp nguồn thực phẩm cho thân xác. Vì thế con người cố gắng làm chủ càng nhiều của cải càng tự tin. Họ tin vật chất bảo vệ sự sống vì nó nuôi và làm đẹp thân xác. Chúa trao quyền cho con người làm chủ chim trời cá biển và mọi sinh vật trong mặt đất. Lời chúc phúc này chung cho mọi người, không riêng cho một cá nhân, tập thể nào. Mọi cố gắng tranh giành cho riêng mình, tập thể mình đều sai. Tranh chấp, bất hoà và tàn sát lẫn nhau vì của cải, vật chất; danh vọng, chức tước vì thiếu ơn Chúa và sa vào cạm bẫy, chước cám dỗ của satan.

Cám dỗ

Ma quỉ biết rõ lịch sử hình thành nhân loại ra sao. Bởi đất mà ra nên chúng dùng miếng ăn, hoa mầu ruộng đất và vinh quang phú quí trần thế cám dỗ con người. Cả ba chước cám dỗ đều có chung mục đích là lo cho thân xác: thực phẩm nuôi thân, mong nổi tiếng và lắm vàng, nhiều bạc. Vừa có tiếng vừa có miếng quả là một thách đố lớn. Tiếng và miếng đều đến từ môi miệng. Ma quỉ dậy con người quên đi con tim và nhắm vào hầu bao và bao tử. Chúng cố tình làm ngơ sự sống Chúa ban cho con người vì mục đích chúng là bóp nghẹt sự sống trường sinh.

Đức Kitô

Đức Kitô nhắc cho ma quỉ biết ngoài phần thân xác ra Chúa còn in dấu ấn tình yêu Ngài vào trong con tim ta. Nhờ dấu ấn tình yêu này mà con người có sự sống. Khi tạo dựng con người bằng bùn đất. Bùn đất đó chưa có sự sống. Sự sống chỉ xuất hiện khi Chúa thở hơi vào hình bụi đất đó. Từ đó bụi đất có sự sống do Chúa ban. Vì thế đừng quá lo lắng cho thân xác bụi đất mà hãy chú trọng vào sự sống trường sinh, cõi lòng con người. Đức Kitô nhắc con người ta sống không chỉ bởi cơm bánh mà còn do lời Chúa nữa. Cơm bánh cần cho thân xác; Lời Chúa cần cho tâm linh. Cơm bánh nuôi thân xác; Lời Chúa nuôi tâm linh.

Ngôn ngữ của môi miệng không mang lại sự sống; ngôn ngữ của con tim nối kết tình Chúa, tình người. Thiếu ngôn ngữ của con tim mọi sự sẽ trở về hư vô. Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, khi qua đời thân xác cũng sẽ trở về nguồn gốc của chúng là bụi tro. Sự sống trường sinh đến từ Chúa sẽ trở về với Chúa. Vì phát xuất từ Chúa nên tâm linh ví như cành cần thường xuyên liên kết với thân là Chúa để nhận sự sống, được thánh hoá hầu sống mạnh khoẻ, tinh tuyền.

Đức Kitô xua đuổi ma quỉ và nhắc cho chúng biết Thiên Chúa có quyền bắt chúng phải tùng phục Ngài. Ngài nhắc con người cần để ý, lưu tâm đến phần tâm linh nhiều hơn vì đó là sự sống trường sinh. Thần khí đó không bao giờ chết. Một là sống thảnh thơi trong tình yêu Chúa. Hai là lạc xa tình yêu Chúa. Bị lạc nó sống trong đau khổ, khắc khoải, nửa sống nửa chết, vì nó luôn muốn tìm về cội nguồn mà không được.

Về mục lục

CÁM DỖ!

Lm. Bùi Quang Tuấn

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Có qua cám dỗ mới biết được ai là người thánh thiện, ai là kẻ đê hèn. Waterstone có viết: “Đầu hàng cám dỗ là hành động của thú tính, chiến thắng nó mới là con người”.

Cám dỗ chưa phải là xấu. Nó có thể giúp người ta trở nên tốt hơn. Cám dỗ không phải là tội. Nó sẽ giúp thấy rõ hơn sự thánh thiện nơi một con người. Cám dỗ cũng không phải là hình phạt, song nó sẽ là triều thiên vinh quang cho những ai chiến thắng (W. Barclay).

Bị cám dỗ cũng có nghĩa là đứng trước một lựa chọn: tốt hay xấu, chiến đấu hay đầu hàng, theo ý Chúa hay thuận ý Satan.

Bậc anh hùng là người nếm chiến thắng và cái giá phải trả cho cuộc chiến. Chẳng ai trao huy chương cho kẻ bỏ cuộc, nhưng là con người đã can đảm chống lại kẻ thù.

Trong cuộc sống, chẳng ai tránh được cám dỗ. Chính Đức Giêsu còn bị cám dỗ, tức phải làm những cuộc chọn lựa và quyết định trong đời, huống hồ là tôi. Nơi con người, ai cũng có các động lực vị kỷ, thiển cận, ngại khó, thích nhàn, thúc đẩy một chọn lựa sai lạc mà kết quả là nỗi niềm bất hạnh. Adong và Evà đã nếm mùi xấu hổ, khổ đau, và chết chóc vì đã chọn lựa sai lầm. Bởi chọn theo ma quỷ, chống lại luật Chúa, tôn thờ cái tôi mà thương đau đã lan tràn đến khắp nhân loại.

Thế nhưng, “nếu bởi sự sa ngã của một người mà nhiều người phải chết… và do sự bất tuân của một người mà nhiều người bị liệt hàng tội nhân, thì cũng nhờ sự vâng phục của một người (Đức Giêsu Kitô) mà nhiều người sẽ được liệt hàng công chính” (Rm 5:12-19).

Chính Đức Giêsu, qua các cơn cám dỗ trong sa mạc, đã khẳng định nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại bằng việc lấy chính Lời Chúa làm ánh sáng soi dẫn đường đi, lấy việc tùng phục thánh ý Thiên Chúa để thánh hóa con người trở nên “người” hơn, và lấy việc tôn thờ Thiên Chúa trên mọi tạo vật như giá trị tuyệt đối và hạnh phúc chân thực của cuộc đời.

Mỗi một ngày sống trên trần gian, tôi sẽ phải không ngừng chọn lựa. Một chọn lựa ngay chính sẽ giúp cho việc chọn lựa ngay chính kế tiếp của tôi dễ dàng hơn. Trái lại, một sự nhu nhược đầu hàng cũng dễ kéo theo những đầu hàng nhu nhược tiếp theo. Và rồi tôi sẽ khó tránh khỏi tình trạng “cây xiêu bên nào sẽ đổ về bên đó”.

Không phải là “thánh” nghĩa là không bị cám dỗ tấn công. Đức Giêsu là Đấng Thánh, ấy thế mà Ngài cũng phải trải qua kinh nghiệm của xung khắc giữa sự lành và sự ác. Thư Do thái ghi nhận rõ ràng: “Không phải Ngài là người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của chúng ta, song là Đấng đã dãi dầu bao cơn thử thách, đủ điều như chúng ta” (Dt 4:15). Và thái độ chọn lựa của Ngài đã làm nên hy vọng lớn lao cho con người mong manh của tôi. Ấy là “nếu tôi cùng chết với Ngài, tôi sẽ cùng Ngài phục sinh; nếu tôi chịu khổ với Ngài, tôi sẽ cùng Ngài thống trị” (1 Tim 2: 11-12).

Đứng trước những lời mời gọi ngọt ngào của thế gian và bao hấp lực quay cuồng của xác thịt, sự từ khước hay vượt thoát nào cũng hàm ngậm một cân lượng khổ đau, nếu không nói là “chết” trong lòng ít nhiều. Bất cứ sự thắng vượt gian dối, điêu ngoa, dục tình, tức giận, ích kỷ, kiêu căng, hay ươn lười nào cũng đòi hỏi một cuộc chiến gay go, lắm khi phải rướm máu con tim chứ chẳng chơi.

Thế nhưng, cần phải chiến đấu để có thể chiến thắng! Cho dù thử thách và cám dỗ nặng nề đến đâu tôi vẫn xác tín như Thánh Phaolô: “Thiên Chúa trung tín sẽ không để con người bị cám dỗ quá sức. Trái lại, cùng với cám dỗ Ngài sẽ chừa cho lối thoát để có thể chịu đựng nổi” (1 Cor 10:13).

Sự “chịu đựng” đến khi chiến thắng chỉ có thể đạt tới nhờ liên kết chân thành với Thiên Chúa. Không gì tạo nên gắn bó cho bằng cầu nguyện. Chính nhờ cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã có sức mạnh chịu đựng và chiến thắng tên Cám Dỗ ngay từ phút đầu.

Bước vào hành trình mùa Chay, tôi được kêu mời tu chỉnh lại đời sống cầu nguyện, để nhờ đó sức mạnh của Đức Kitô luôn ở trong tôi, giúp tôi can đảm chọn lựa những gì thuộc về Thiên Chúa, vững bước vượt bao chông gai trong đời, tiến đến đích cùng của bình an và hạnh phúc chân thật.

Về mục lục

.CÁM DỖ

Lm Trần Xuân Lãm

Thánh sử Matthêô, một người Do- thái, nhắm trước hết vào các độc giả Do-thái, ông muốn nhắc nhở: dân Do Thái đã sa chước cám dỗ khi họ sống trong hoang địa 40 năm trường, còn Chúa Giêsu đã chiến thắng các cám dỗ của ma quỷ, sau khi ăn chay 40 ngày nơi rừng vắng.

Có tất cả 3 cám dỗ nặng nề:

1- Cám dỗ cơm bánh hay vật chất: Trong hoang địa, dân Do thái kêu ca vì thiếu tiện nghi và lương thực. Chúa cho manna để nuôi họ. Nhưng họ nhàm chán thứ bánh họ ăn hằng ngày. Lương thực nói đây tượng trưng nhu cầu vật chất chúng ta muốn hưởng thụ. Trong cơn cám dỗ vật chất, Chúa Giêsu đã trưng lời sách Đệ nhị luật: “Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng bởi lời từ miệng Thiên Chúa”. Mặc dù Chúa Giêsu cảm thấy đói, nhưng sự đói khát nghe lời Thiên Chúa còn quan trọng hơn là nhu cầu về cơm bánh. Ngài hơn hẳn dân Do thái xưa, Ngài tìm ý Thiên Chúa hơn là tìm sự thỏa mãn cho riêng Ngài.

2- Cám dỗ về sự thử thánh quyền năng Thiên Chúa: Dân Do thái luôn yêu cầu Chúa ban những dấu lạ điềm thiêng, nhưng Chúa từ chối vì họ không thực tâm tin vào Ngài, mà đơn thuần chỉ để thách thức Chúa. Hôm nay, khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu gieo mình xuống khỏi đền thờ, Ngài đã trả lời bằng cách trưng dẫn sách đệ nhị luật: “Ngươi đừng thử thách Thiên Chúa”. Những gì dân Do Thái khiêu khích Thiên Chúa nơi hoang địa, nơi đây ta thấy Chúa Giêsu đã chẳng hề làm.

3- Cám dỗ hạ mình thờ lạy ma quỷ: Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó. Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, thú vui, vật chất, tiện nghi, sắc dục đem chúng ta xa lìa Chúa và dẫn ta đến chỗ thỏa hiệp, phạm tội. Chúa Giêsu chẳng màng bất cứ điều gì ma quỷ trưng dẫn, kể cả vương quốc nó muốn dâng tặng Ngài. Ngài đã chẳng cúi đầu thờ lạy nó, trái lại Ngài dõng dạc tuyên bố: “Ngươi chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa” (Đnl 6:13).

Thánh Mat-thê-ô chỉ ra rằng, trong khi dân Do thái đã ngã thua cám dỗ trong sa mạc, thì trái lại, Chúa Giêsu đã chẳng hề sa ngã. Bởi đó, Chúa Giêsu, là dân Is-diên mới, là con thật của Thiên Chúa, là thừa kế chính truyền của vương quốc Thiên Chúa. Những ai theo gương Ngài, sẽ vượt qua cám dỗ trong cuộc đời, và trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa.

Về mục lục

-CÁM DỖ

Lm Hưng Long

Trong một câu chuyện thân mật giữa một tu sĩ già 70 tuổi và một tu sĩ trẻ, tu sĩ trẻ tâm sự: “Ở cái tuổi của tôi, cơn cám dỗ tôi cảm thấy phải chiến đấu dữ dằn nhất là làm sao giữ được tâm hồn trong sạch. Không hiểu tới tuổi nào thì cám dỗ mới chịu tha!” Vị tu sĩ già cười và tếu táo nói: “Tuổi 70”. Thế rồi vào một ngày nọ khi hai tu sĩ đang coi TV giải trí, bất thình lình hình ảnh hai anh chị yêu nhau thân mật hiện lên. Đêm về hai tu sĩ chứng kiến cảnh chiến đấu trằn trọc của vị tu sĩ già: “Không được! Không được! Tội lỗi! Tội lỗi! Xin Chúa thương xót con!”. Sáng hôm sau, tu sĩ gia gặp tu sĩ trẻ và nói: “Bạn còn nhớ những gì tôi nói với bạn hôm nao về vấn đề cám dỗ không? Về cái tuổi không còn bị cám dỗ nữa đó? Tôi lầm rồi. Đúng ra là 71 tuổi chứ không phải là 70”.

Câu chuyện cho thấy cám dỗ thử thách là một kinh nghiệm lâu dài trong suốt cuộc đời tại thế. Cám dỗ đến với mọi người bất kể tuổi tác, nam nữ, hay cấp bậc văn hoá. Cám dỗ đến với mỗi người cách khác nhau, tùy theo tính tình, hoàn cảnh sống, và khả năng của mỗi người. Cám dỗ chỉ kết thúc khi ta nhắm mắt lìa đời.

Thiên Chúa cho phép cám dỗ xảy ra như phương thế giúp chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với Ngài, lớn lên trong nhân đức, và trưởng thành hơn. Thánh Phaolô cho biết Thiên Chúa không để cho chúng ta bị cám dỗ quá sức mình, ám chỉ là Thiên Chúa cho phép cám dỗ xảy ra trong giới hạn của chúng ta. Vì thế cám dỗ không phải là tội. Chúng ta tin chắc rằng những cám dỗ chúng ta gặp hàng ngày cũng nằm trong ý định của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Trong bài Phúc âm hôm nay, thánh Matthêô trình bày cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu bị ma quỉ cám dỗ trước khi Người bắt đầu sứ mạng công khai rao giảng Tin mừng. Trong ba cơn cám dỗ ma quỉ xúi giục Ngài: thứ nhất hãy biến đá thành bánh, thứ hai hãy thi hành quyền bính trên dân chúng, và thứ ba hãy cứu mình khỏi phải chết.

Trong cơn cám dỗ thứ nhất ma quỷ đề nghị với Chúa là Ngài có thể chiếm được sự kính trọng và biết ơn của dân chúng bằng việc đáp ứng nhu cầu vật chất của họ. Chúa đã chống lại chước cám dỗ bằng việc nhìn nhận là trong cuộc sống còn nhiều cái quan trọng hơn thỏa mãn giác quan. Chỉ có của ăn vật chất không thì chưa đủ.

Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đề nghị với Chúa là Ngài có thể biểu diễn quyền lực phi thường để làm cho dân chúng kinh ngạc và do đó có thể thu hút lôi kéo họ. Chúa Giêsu đã thẳng thắn khẳng định là Ngài không muốn dùng quyền phép để ép dân chúng theo ý Ngài. Thứ quyền bính đó là thứ quyền bính của ma quỷ, chỉ trói buộc dân chúng. Chúa Giêsu muốn tình yêu của con người được tự do dâng hiến. Ngài mời gọi họ trở nên con cái Chúa chứ không muốn ép họ.

Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ cám dỗ Ngài tránh né con đường thánh giá đau khổ đưa tới cái chết thê thảm. Chúa Giêsu đã từ chối con đường vinh quang thế tục và chấp nhận con đường thánh giá đau khổ. Chính con đường phục vụ và đau khổ thập giá đã chiến thắng sự chết và dẫn tới sự phục sinh vinh quang.

Chúa Giêsu bị cám dỗ trong mọi lãnh vực như chúng ta, nhưng Ngài đã không phạm tội. Ngài được đầy tràn Thánh Thần, Đấng đã nâng đỡ Ngài qua cơn cám dỗ và giúp Ngài chiến thắng thần dữ. Ngài dựa trên Lời Chúa như một vũ khí vũng chắc để đối phó với tất cả những cám dỗ thử thách. Ngài thật là gương mẫu cao cả đáng cho chúng ta noi theo trong việc đối phó với mọi chước cám dỗ.

Mùa Chay là cơ hội tốt giúp chúng ta sống gần Chúa và tiến tới sự đầy tràn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu chấp nhận của an và sức mạnh của Thiên Chúa và can đảm từ chối đường lối của ma quỷ, từ chối của ăn và quyền lực nọ trao tặng. Chúng ta hãy tin tưởng Thiên Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta trong tất cả những gian nan thử thách.

Về mục lục

BA CƠN CÁM DỖ

Lm Gioan M. Nguyễn Thiên Khải

Thưa anh chị em,

Mỗi năm Mùa Chay về, Giáo hội cho chúng ta nghe lại câu chuyện Đức Giêsu trước khi bước vào đời sống công khai rao giảng Tin mừng, Ngài được Thánh Thần thúc đẩy đi vào trong hoang địa ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày. Trong thời gian này, ma quỷ đến cám dỗ Chúa về của cải vật chất, quyền hành thống trị và danh vọng trần thế.

Trước hết, ăn uống là nhu cầu thiết yếu của con người. Sau những ngày chay tịnh, Đức Giêsu cảm thấy đói. Ma quỷ đến đúng lúc và đề nghị thật hợp lý: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy biến những hòn đá này thành bánh mà ăn”.

Chống trả cơn cám dỗ này, Đức Giêsu cho thấy sứ mạng của Ngài đến trần gian không phải để lo nhu cầu vật chất cho riêng mình, nhưng Ngài đem đến cho nhân loại một sức sống mới đến từ Thiên Chúa. Đó là: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Thua keo này, bày keo khác. Ma quỷ đem Đức Giêsu lên núi cao, chỉ cho Ngài thấy các nước thiên hạ và nói: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc trần thế, nếu ông sấp mình bái lạy tôi, thì tất cả thuộc về ông”.

 Đây là cơn cám dỗ về sự ham mê quyền hành thống trị. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng nắm giữ mọi quyền lực trên trời dưới đất. Vậy mà ma quỷ ngạo mạn dám cho là của nó và hứa cho Chúa tất cả vinh hoa lợi lộc ở thế gian.

Phần đông nhân loại thích giành vinh dự và quyền lực muốn thống trị người khác, muốn người khác phải nghe theo mình. Vì thế, họ có thể làm bất cứ điều gì để đạt được chức quyền đó, kể cả việc gian dối, lật lọng và bái lạy ma quỷ. Chống lại cám dỗ này, Đức Giêsu quả quyết với ma quỷ: “Đã có lời chép: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ lạy một mình Người mà thôi”.

Cuối cùng, ma quỉ đưa Đức Giêsu lên nóc cao đền thờ Giêrusalem với lời thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi”. Và nó còn dùng lời Kinh Thánh để thúc đẩy Chúa: “Thiên Chúa sẽ truyền cho các thiên thần gìn giữ bạn, các vị ấy sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Cơn cám dỗ cuối cùng này, ma quỉ muốn Đức Giêsu tìm kiếm danh vọng trần thế, nài ép Thiên Chúa làm phép lạ chiều theo ý mình, để thực hiện những màn biểu diễn ngoạn mục thu hút ánh nhìn người khác.

Nhưng Đức Giêsu quyết tâm chống trả cơn cám dỗ này như lời truyền lệnh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Vì những ai tin theo Chúa là phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Ngài, chứ không đòi Chúa phải làm theo ý riêng mình.

 Anh chị em thân mến,

Ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu năm xưa cũng là ba cơn cám dỗ của nhân loại ngày nay. Trong Mùa Chay thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta đi vào hoang địa cuộc với Đức Giêsu, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Bởi vì ma quỷ không hiện hình dữ tợn để cám dỗ chúng ta, nhưng nó cám dỗ chúng ta một cách tinh vi hơn.

Vào hoang địa cuộc đời, nghĩa là đừng quá bận tâm vào của cải vật chất, nhưng hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước. Ngày nay, nhiều người không tìm kiếm lương thực tinh thần, lương thực Lời Chúa, mà chỉ lo cơm áo, gạo tiền, nên bỏ qua những bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với nhau.

Vào hoang địa cuộc đời, nghĩa là sống âm thầm khiêm tốn phục vụ theo gương Đức Giêsu, chứ đừng dùng quyền hành mà thống trị người khác, muốn dìm người khác xuống để mình được nổi lên, muốn lôi kéo sự chú ý về mình, cho mình là người tài giỏi, tự hào về khả năng của mình.

Vào hoang địa cuộc đời lắng đọng tâm hồn, để phân biệt đâu là thánh ý Chúa, đâu là mưu mô của ma quỷ. Bởi vì, các cám dỗ ngày nay ma quỷ không cám dỗ chúng ta bỏ Chúa, cũng không cám dỗ chúng ta lao vào ăn chơi trác táng ngay, mà nó cám dỗ từ những cái nhỏ đi đến cái lớn. Có khi cám dỗ chúng ta qua lời thách thức, rủ rê của bạn bè, qua những lối sống buông thả, dễ dãi.

Xin Chúa giúp chúng ta tích cực sống tinh thần sám hối của Mùa Chay với tâm tình trở về. Chắc chắn với sức riêng mình, chúng ta không thể chiến thắng được ma quỷ, nhưng cậy nhờ ơn Chúa và Lời của Ngài là sức mạnh thiêng liêng nâng đỡ chúng ta. Xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ, nếu có lần nào yếu đuối vấp ngã, chúng ta can đảm đứng lên bước đến tòa cáo giải làm mới lại cuộc đời. Amen.

Về mục lục

SỐNG MÙA CHAY

Lm Giuse Vũ Thái Hòa

Từ ngày thứ Tư lễ Tro vừa qua, chúng ta bước vào Mùa Chay để chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, tương ứng vời 40 ngày cầu nguyện và chay tịnh của Đức Giêsu trong sa mạc trước khi Người bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng. Tại đây, Người chịu quỷ cám dỗ ba lần: hóa đá thành bánh, làm phép lạ phi thường, cho mình là vua thiên hạ.

Dân Do thái mong chờ Đấng Mêsia thực hiện những điều đó. Họ muốn Người cung cấp cho họ mọi nhu cầu vật chất, làm những điều kỳ diệu và bành trướng quyền thế của Người trên khắp địa cầu. Nhưng Đức Giêsu không làm như thế. Người chỉ thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha.

Trong hoang địa cũng như nhiều lần khác mà Tin Mừng đã kể lại, Đức Giêsu chống trả những cơn cám dỗ. Thí dụ: sau khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Người làm vua, nhưng Người lánh mặt, lên núi một mình (Ga 6:15); nhưng người Pharisêu muốn Người cho một dấu lạ từ trời (Mt 16:1); Người bị cám dỗ không đi Giêrusalem vì biết sẽ phải chịu nhiều đau khổ và bị giết. Chính ông Phêrô ngăn cản Người thực hiện điều đó và bị Người khiển trách: “Sa tan, lui lại đàng sau Thầy!” (Mt 16: 21-23). Tại vườn Ghếsêmani, Đức Giêsu bị cám dỗ nặng nề: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con…” (Mt 26:39). Và trên thập giá, Người bị nhục mạ: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27:42)

Đức Giêsu đã thật sự bị cám dỗ, nhưng Người luôn trung thành với Chúa Cha và với sứ vụ mà Cha Người giao phó. Vào đầu Mùa Chay, Tin Mừng muốn chúng ta noi theo Đức Giêsu chống trả và chiến thắng những cơn cám dỗ này:

1/ Cám dỗ về cơm bánh hằng ngày hoặc cám dỗ về nhu cầu vật chất.

Con người cần phải ăn uống và cần phải có những nhu cầu vật chất tối thiểu để sống. Điều đó rất tốt. Nhưng chúng ta thường bị cám dỗ chỉ sống dựa vào những nhu cầu vật chất của thân xác mà thôi. Nhiều khi chúng ta lo kiếm ăn đến nỗi không còn nghĩa đến việc tìm kiếm những giá trị tinh thần và đạo đức nữa, không còn giờ để đọc kinh, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, ngay cả việc tham dự thánh lễ Chúa nhật!

Trong mùa Chay này, chúng ta hãy suy gẫm Lời Chúa: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”.

2/ Cám dỗ về sự thành công.

Thành công trong cuộc sống là một điều rất tốt và phải làm. Nhưng chúng ta thường bị cám dỗ chỉ sống để thành công, muốn thành công với bất cứ giá nào, mặc dầu phải làm những chuyện không tốt như lừa dối, chà đạp người khác…; thành công để vênh vang, tự đắc, để giữ thể diện và thỏa mãn tự ái của mình.

Ngay ngày đầu của Mùa Chay, Đức Giêsu mời gọi: “Khi làm việc lành phúc đức, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… đừng cho tay trái biết việc tay phải làm… Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn giả hình… Thiên Chúa thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6:1-6)

3/ Cám dỗ về quyền hành hoặc tham vọng thống trị.

Mỗi người trong chúng ta đều có một trách nhiệm, một quyền hành nào đó mặc dù là khiêm tốn. Có quyền hành, có trách nhiệm là để phục vụ và bênh vực công lý. Nhưng chúng ta thường bị cám dỗ là lẫn lộn giữa quyền hành và lòng tham vọng thống trị. Nếu những nhà lãnh đạo các quốc gia đều có tinh thần phục vụ dân chúng, thì bộ mặt thế giới sẽ khác hẳn!

Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy kiểm điểm lại tinh thần trách nhiệm và phục vụ của mình trong gia đình, trong nhóm, trong cộng đoàn…

Những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu chịu trong sa mạc cũng là những cơn cám dỗ của mỗi người chúng ta về vật chất, hào nhoáng bên ngoài và quyền hành. Đức Giêsu đã chiến thắng. Người cũng muốn chúng ta tham dự vào chiến thắng của Người bằng cách bước theo đường của Người và noi gương Người. Đó là mục đích của mùa Chay.

Kính chúc ông bà và anh chị em sống Mùa chay thánh thiện và đón nhận nhiều hồng ân của Chúa.

Về mục lục

DÁM NÓI “KHÔNG”

Thiên Phúc

Đời Tam quốc, Quan Văn Trường bị thất thủ thảm bại ở Hạ Bì. Thân đơn nhất mã, phò hai người chị dâu (tức vợ của Lưu Bị) qua nương tựa nhà Tào Tháo. Đêm đến, Tào Tháo cho ba người ngủ chung một phòng, dụng tâm là muốn cho chị em loạn luân, chúa tôi phải thất lễ.

Quan Văn Trường một dạ thẳng ngay không để tà tâm vật dụng quyến rũ, tay cầm đuốc, tay cầm sách Xuân Thu đọc đến sáng.

Mọi người thấy vậy khen Văn Trường là người chính trực. Từ đó danh từ “Nguọn đuốc Văn Trường” được dùng để ám chỉ những kẻ ngay thẳng, không để vật dục quyến rũ lòng mình.

***

Những con người anh dũng lướt thắng cám dỗ như Quan Văn Trường quả là hiếm. Càng hiếm hơn nữa, những con người không để cho vật dục quyến rũ. Vì người ta đã quen lối sống dễ dãi, thích hưởng thụ, ham khoái lạc. Cho nên, tâm trí họ lúc nào cũng là là mặt đất, không đủ sức bật để vượt qua những cám dỗ thử thách, mà vươn lên những ý tưởng cao thượng, những ý nghĩ thánh thiêng.

Dù thế nào đi nữa, cám dỗ vẫn là số phận của con người. Đối với người Kitô hữu, cám dỗ càng đeo đuổi họ như hình với bóng, nó chỉ buông tha khi họ đã đi hết cuộc hành trình trần gian. Tuy nhiên, thành công hay thất bại cũng tùy thuộc họ chiến thắng hay đầu hàng các cơn cám dỗ. Số phận đời đời cũng sẽ căn cứ vào việc họ đã vượt qua cơn thử thách hay buông xuôi bỏ cuộc

Cuộc đời Đức Giêsu không thiếu những cơn cám dỗ, có lúc nhất thời, có khi dai dẳng. Những cơn cám dỗ ấy hoặc đến từ ma quỷ, hoặc từ người ta, hay có khi lại ngay trong bản thân Người.

Tin mừng hôm nay thuật lại các cơn cám dỗ từ ma quỷ: Chúng dụ dỗ Ngưòi biến thành bánh mà ăn, vì Người đã ăn chay ròng rã bốn mươi đếm ngày. Chúng khiêu khích Người hãy gieo mình xuống từ nóc cao đền thờ. Chúng hứa cho Người vinh hoa lợi lộc các nước, nếu Người sấp mình bái lạy chúng. Cuối cùng, Đức Giêsu đã oanh liệt chiến thắng các cơn cám dỗ ấy, nhờ trưng dẫn các câu Kinh Thánh. Thật vậy, cám dỗ nào cũng bị Người đánh bại bởi các lời Kinh thánh.

Kinh thánh chính là khiên thuẫn cho người tín hữu trong mọi cơn cám dỗ. Một khi Lời Chúa đã thấm nhiễm vào con tim, khối óc, và toát ra trong các hành vi người tín hữu, trhì không một cơn cám dỗ nào mà họ không thể vượt qua, không một thử thách nào mà họ không lướt thắng.

Cám dỗ nào cũng dẫn chúng ta đến một chọn lựa. Hoặc là chọn Thánh ý Chúa hoặc là chọn chính mình. Người không có Lời Chúa hướng dẫn, thường hay chọn mình lắm: họ chọn danh vọng cho mình, giàu sang cho mình, khoái lạc cho mình. Khi “cái tôi” đã đầy ứ trong lòng thì Thiên Chúa phải đội nón ra đi.

Đức Giêsu đã không thể thắng các cơn cám dỗ, nếu Người chỉ qui hướng về mình. Người sẽ thua ma quỷ nếu Người tìm vinh danh mình khi hóa đá thành bánh, Người sẽ bị sập bẫy Satan khi nhảy xuống từ nóc cao đền thờ để được khen ngợi tung hô. Người sẽ thất bại thảm thương khi quỳ lạy ma quỷ để được vinh hoa thế gian. Nhưng không, không bao giờ Người làm thế, vì tinh thần chủ đạo của Người, vũ khí sắc bén của Người chính là: “Thánh Ý Chúa”. Người suy nghĩ, nói năng, hành động bất cứ điều gì cũng là để theo Thánh Ý Cha. Chính trong cơn cám dỗ khốc liệt nhất của Người trước cái chết, Người cũng chỉ thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39).

Muốn vâng theo ý Cha, cần phải cầu nguyện và ăn chay, hy sinh và hãm mình. Trước khi chịu ma quỷ cám dỗ, Đức Giêsu đã chẳng ăn chay, cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày đó sao?

Mùa chay là mùa dọn mình để chiến đấu với các cơn cám dỗ. Cám dỗ từ ma quỷ, từ nơi người khác, và nhất là từ ngay chính bản thân. Có bao nhiêu giác quan là có bấy nhiêu cửa ngõ cho cám dỗ đi vào.

Nếu so sánh vũ khí để chiến đấu với cơn cám dỗ là “cung và tên” thì “cung” chính là lòng khiêm tốn nhận mình yếu hèn cầu nhờ ơn Chúa, và “tên” chính là ý chí cương quyết nói “Không” trước cơn thử thách. Trong các kế sách để thắng cám dỗ chỉ có duy nhất một diệu kế. Đó là kế “Đào vi thượng sách”.

Dù bầu trời đen mênh mông bao trùm địâ cầu, thì trong một bờ đá nào đó, canh hoa mảnhmai vẫn hồn nhiêu nơ trong đêm khuya. Canh hoa mỏng manh là thê mà sao dũng mạnh hơn tâm hồn chúng ta nhiều quá! nếu hoa lá là ngôn sứ của thiên Chúa, thì sứ điệp của chúng là: Hãy mềm mại để cho Lời Chúa đưa chúng ta vượt qua đêm mưa bão của cám dỗ, thử thách. Và ngày mai trời lại sáng.

***

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có những kinh nghiệm của những sa ngã tồi tệ. Sa ngã này chưa vực dậy được, thì sa ngã khác lại vùi dập chúng con xuống.

Xin cứu giúp chúng con và ban cho chúng con tình thần kiên vững của Đức Kitô, luôn sống theo Lời Chúa và tuan theo Thánh ý Người. Amen.

Về mục lục

CÁM DỖ CỦA NGÀY HÔM NAY

An Phong

Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta về nguồn cội của thân phận con người: tội lỗi. Nguyên tổ Adong, Evà đã sa chước cám dỗ của Satan, và tội lỗi đã đột nhập vào thế gian. Chính đó là nguyên nhân của biết bao khốn cực trong cuộc sống nhân loại: “Chỉ vì một người, tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (bài đọc 2).

Nhưng Lời Chúa hôm nay không dừng lại ở vấn đề tội lỗi, mà muốn trình bày cho chúng ta biết Ơn Cứu độ trong Đức Giêsu Kitô… “… nhờ một người thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa cho trở nên công chính, nghĩa là được sống” (Bài đọc 2).

Đây là một lời khẳng định có liên quan đến tất cả nhân loại: tất cả mọi người đều bị chi phối dưới quyền lực của tội lỗi; chỉ có một con đường giải thoát dành cho con người, đó là Ơn Cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

Con đường mà cả nhân loại đã đi và đã thất bại, thì nay chính Đức Giêsu đã đi lại con đường đó, con đường làm người, chấp nhận mọi tội lụy của con người; và Ngài đã chiến thắng cám dỗ của Satan.

Cám dỗ ngày hôm nay cũng vẫn còn đầy dẫy: đó là những cám dỗ của nẻo đường Satan, cám dỗ muốn theo cách thức của Satan để giải quyết cuộc đời mình, cám dỗ tìm niềm vui và sự thành đạt cuộc đời trong lạc thú, quyền lực và của cải.

Người kitô hữu chỉ có thể chiến thắng Satan khi hiệp thông vào cuộc chiến thắng của Đức Giêsu; nhờ tin vào sự hướng dẫn của Lời Chúa, trông cậy nơi quyền năng của Ngài, và hết lòng yêu mến phụng thờ Ngài: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

“Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa của ngươi”. (Chúa Giêsu muốn nhắc nhủ người bị cám dỗ những lời này)

Hỡi con nhỏ của Cha

Cha ở đây, Cha đâu có bỏ con

Sao con kém tin thế!

Con đã quá tự phụ!

Con vẫn còn tin cậy ở con!

Nếu con muốn lướt thắng tất cả các chước cám dỗ,

Mà không sa ngã, không suy nhược,

Con phải ý thức rằng con chưa đủ vững mạnh,

Con phải để mình được dẫn dắt

như một trẻ nhỏ, hỡi con nhỏ của Cha!

Con phải rất bé nhỏ, hoàn toàn bé nhỏ

Vì Cha chỉ yêu thương những trẻ nhỏ.

Michel Quoist

Về mục lục

HÃY CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁM DỖ

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Chúng ta đã cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Chay Thánh hôm thứ Tư lễ Tro vừa qua. Khởi đầu Mùa Chay Thánh với việc xức tro. Cử chỉ bỏ chút tro lên đầu và vị chủ sự mời gọi: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”, Giáo Hội muốn mời gọi con cái của mình khiêm tốn và ý thức thân phận con người chẳng là gì cả, chỉ là bụi tro mà thôi.

Hôm nay, với Chúa Nhật I Mùa Chay, bài Tin Mừng thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu vào hoang địa ăn chay và sau đó bị Ma Quỷ cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng.

Qua đó, Giáo Hội muốn nhắc cho con cái của mình là: hãy sám hối để bắt đầu bước vào hành trình tập luyện và chiến đấu thiêng liêng. Trong hành trình ấy, mẫu gương của Đức Giêsu trong sa mạc hôm nay được hiện lên như một động lực, điểm tựa cho mỗi chúng ta.

  1. Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu

Khi đón nhận thánh ý Thiên Chúa Cha qua việc vâng lời tuyệt đối khi nhập thể và nhập thế, Đức Giêsu đã trở nên Cứu Chúa của nhân loại. Vì thế, khởi đầu cuộc sống công khai, Ngài đã vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày, để tìm thánh ý Thiên Chúa Cha, hầu chu toàn ý định của Người. Sau khi chay tịnh, Đức Giêsu cảm thấy đói, vì thế, nhân cơ hội này, Ma Quỷ đã tiến đến và cám dỗ Ngài.

Cám dỗ đầu tiên mà Ma Quỷ tấn công Đức Giêsu chính là cám dỗ về của ăn nuôi thân. Lợi dụng lúc Đức Giêsu đói, Ma Quỷ đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này, nên hắn đã tiến lại gần và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” (Mt 4, 3). Ma Quỷ thật tinh vi, nhưng Đức Giêsu đã không bị những thứ lương thực chóng tàn, mau hết làm cho Ngài sa ngã, vì thế, Ngài đã chiến thắng ngay từ cơn cám dỗ đầu tiên khi nói cho chúng biết lương thực của Ngài chính là làm theo ý Thiên Chúa Cha. Ngài nói: “Đã có lời chép rằng: ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra’” (Mt 4,4).

Cơn cám dỗ thứ hai mà Ma Quỷ muốn tấn công chính là đề nghị Đức Giêsu sử dụng quyền lực. Vì thế, nó đã nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: ‘Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá’” (Mt 4,6).

Tuy nhiên, Ma Quỷ đã lầm khi tưởng rằng Đức Giêsu sẽ sử dụng quyền lực theo kiểu thế gian, để trổ tài theo ý của nó bằng những cú nhảy đẹp mắt, những pha ngoạn mục. Nhưng lại thêm một lần nữa chúng thất bại và chịu tác dụng ngược lại khi Đức Giêsu cho chúng biết rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7). Khi cám dỗ Đức Giêsu như thế, Ma Quỷ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ mắc bẫy để sử dụng ý riêng của Ngài thay cho thánh ý Thiên Chúa Cha. Nhưng không! Đức Giêsu đã đi theo con đường khiêm tốn mà Chúa Cha muốn nơi Ngài.

Thất thế lần hai, Ma Quỷ vẫn chưa chịu thua, chúng tấn công lần thứ ba. Lần này chúng nhắm tới danh vọng. Ma Quỷ đã nịnh hót Đức Giêsu, và “đem Người lên một ngọn núi cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi’” (Mt 4, 8-9). Nhưng lần cuối cùng này chúng vẫn thất bại và chịu sự quở trách nặng nề của Đức Giêsu, đồng thời Ngài cũng xác định danh giới của chúng khi nói: “Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: ‘Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi’” (Mt 4, 10).

Qua câu nói này, Đức Giêsu khẳng định thật rõ Ngài là Con Thiên Chúa, nên chỉ có bổn phận phục quyền và tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.

Như vậy, cả ba lần cám dỗ, chúng đều lãnh nhận những thất bại. Nếu chúng tập trung vào: thú, lợi, danh, để hy vọng hạ gục được Đức Giêsu, để Ngài phải phục quyền chúng, và nhất là nó muốn phá vỡ chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, ý định đó đã không thành, vì Đức Giêsu đã lựa chọn con đường Thiên Chúa Cha muốn, đó là con đường tự hủy nhờ đức vâng lời.

  1. Ma quỷ cám dỗ chúng ta

Cơm, áo, gạo, tiền, vinh hoa, phú quý, quyền cao, chức trọng luôn gắn liền với thực tại của con người. Con người luôn hướng chiều về những điều đó vì mục đích sinh tồn của bản năng nơi loài thụ tạo. Vì thế, người ta chấp nhận và làm mọi cách để đạt được những mục đích trên.

Ma Quỷ là loài tinh quái, xảo quyệt. Nó đánh trúng tim đen của con người. Nó biết rất rõ nhu cầu và điểm yếu của chúng ta. Thực vậy, những nhu cầu như ăn uống, danh vọng, địa vị, chức quyền và sau cùng là tự phụ, khoe khoang, kiêu ngạo luôn theo sát mỗi người từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Cái quỷ quyệt của chúng là đưa ra những chiêu thức rất hấp dẫn, toàn là màu hồng để quyến rũ con người. Nhưng thực ra, những điều mà chúng cám dỗ ta chỉ là nửa sự thật mà thôi, chứ không phải sự thật tuyệt đối. Một khi con người sa lầy trước cám dỗ của nó, con người mới ngỡ ra là nó đã đưa mình vào những ảo vọng hão huyền.

Cách thức của chúng dùng chính là qua một trung gian, một cơ hội hay một sự vật:

Qua trung gian là con người, chúng tìm cách để người nào đó rủ rê dần dần ta phạm tội. Lúc ban đầu chỉ là những chuyện lặt vặt, nhỏ bé hằng ngày. Tuy nhiên, dần dà lâu ngày thành quen. Tội nhẹ, rồi dẫn đến tội trọng. Nay ăn cắp quả ổi là chuyện bình thường; ngày mai ăn chộm con gà cũng chẳng sao; ngày mốt lấy con trâu, rồi cuối cùng giết người cướp của.

Từ chuyện rất nhỏ, nhưng nó làm cho con người trai lỳ lương tâm và mất dần cảm thức về tội, nên chúng ta không lạ gì khi thấy nhiều người cứ nhởn nhơ trong vũng lầy tội lỗi mà vẫn tự hào mình là người tốt. Những người như thế, thường tìm mọi cách để ngụy biện cho hành vi sai trái của mình. Họ dùng những phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Họ sẵn sàng làm từ thiện để che lấp những tội ác như tham nhũng, bóc lột và buôn gian, bán lậu. Hay nói cách khác, họ dùng hình thức rửa tiền để che đậy những việc làm mờ ám của mình.

Thật vậy, là con người, ai cũng muốn có cơm no, áo ấm, rồi dần dần dẫn đến tình trạng ăn ngon mặc đẹp, tiếp theo chính là thỏa mãn xác thịt, ăn chơi trác táng và cứ như thế, chẳng mấy mà dẫn đến “Cực lạc sinh bi ai?”. Đây chính là cơn cám dỗ đầu tiên mà Ma Quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu.

Cơm cám dỗ thứ hai mà trước kia Ma Quỷ cám dỗ Đức Giêsu, thì ngày nay, nó cũng không buông tha chúng ta. Thật vậy, nó tấn công chúng ta về quền lực, vinh quang, phú quý để làm cho ta ra mê muội và tìm mọi cách để đạt được những điều ta muốn dù là bất chính.

Cám dỗ cuối cùng mà nó tấn công Đức Giêsu là tham lam, danh vọng. Ngày nay, nó vẫn thường cám dỗ chúng ta như thế. Nó đánh đúng sào huyệt tham sân si của con người, rồi sau đó, con người phải tôn thờ nó. Xin nhắc rằng, Ma Quỷ nó làm được nhiều thứ để cám dỗ con người, nhưng chỉ có một điều mà nó không làm được, đó là không cho con người được hạnh phúc thật và sự sống đời đời mà thôi.

Như vậy, Ma Quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu về 3 điểm, đó là: thú, lợi, danh. Đến lượt chúng ta, nó cũng không ngừng tấn công chúng ta về những điểm trên.

Nhưng, như Đức Giêsu đã chiến thẳng, còn chúng ta ngày nay thì sao? Mỗi khi đứng trước cám dỗ, chúng ta phải làm gì?

  1. Khi bị cám dỗ, ta phải làm gì?

Mỗi khi cám dỗ đến với chúng ta, xin hãy nhớ lại lời Đức Giêsu cảnh báo để thêm sự cẩn trọng, hầu không vì kiêu ngạo mà mắc vào cạm bẫy của chúng: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26, 41). Hay Đức Giêsu nói với Phêrô về sự nguy hiểm của chúng: “Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Và khi thánh Phêrô đã cảm nghiệm rõ nguy hiểm của Ma Quỷ, nên ngài đã cất lên lời khuyên nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì Ma Quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tiìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).

Nhiều người quá coi thường chúng nên dần đi vào con đường mà chúng vạch ra cho lúc nào không hay.

Thật vậy, có nhiều người vì ích kỷ, nên sinh ra cố chấp với anh chị em trong cộng đoàn, rồi kết cục bỏ Chúa và không tham gia sinh hoạt đoàn thể vì tính kiêu ngạo của mình. Những người như vậy, họ theo đạo vì ông này bà nọ, chứ không phải vì Chúa. Bởi vậy, khi họ có chuyện khúc mắc với anh chị em thì họ bỏ luôn Chúa, vì đâu biết rằng những người kia, họ chỉ là phương tiện, là cầu nối để ta gặp được Chúa, chứ không phải họ là Chúa. Đây là cách mà Ma Quỷ thường hay tấn công vào những người thiếu sự khiêm tốn, cố chấp.

Lại có những người luôn nghĩ mình là tốt lành, thánh thiện, nên không sợ gì sa ngã vào con đường tội lỗi, vì thế, họ không ngần ngại khi được bạn bè rủ rê đi vào chốn ăn chơi trụy lạc vì nghĩ rằng: tướng Quỷ cũng không bao giờ quyến rũ được mình. Tuy nhiên, biết bao người đã trở thành nô lệ của chúng chỉ sau vài cuộc ăn chơi. Riết thành quen, không đi thấy nhớ. Hay cũng có những người nghĩ rằng mình cũng cần phải thâm nhập thực tế để cứu giúp những người tội lỗi ra khỏi cuộc sống bê bối của họ, nhân danh việc tốt để dẫn đưa anh chị em thoát khỏi vòng tội lỗi, tuy nhiên, cũng lại không ít người đã thay đổi vai trò. Từ người cứu giúp chuyển dần sang thành người đi theo và cùng nhau phạm tội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chúng ta coi thường mối nguy hiểm của công việc và coi thường sự sự khôn ngoan, tinh xảo của Ma Quỷ.

Thấy được sự nguy hiểm này, nên Đức Giêsu mới dạy các môn đệ cầu nguyện trong kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, và trong kinh Ăn Năn Tội cũng có câu: “Nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội”. Trong dân gian, trải qua cuộc sống, người ta đúc kết thành kinh nghiệm và khuyên: nếu lượng sức mà không vượt qua được thì hãy “đào vi thượng sách”.

Thực vậy, sức con người thì giới hạn, vì thế, không thể nào chống trả được những cơn cám dỗ. Nếu muốn chiến thắng, chúng ta phải cậy dựa vào ơn Chúa. Nói như thánh Phaolô: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13).

Khi chúng ta cậy dựa vào ơn Chúa và đi theo con đường của Chúa, chúng ta dùng chính võ khí của Đức Giêsu để chiến đấu. Võ khí đó là gì? Thưa! Đó là sự khiêm tốn và vâng lời, đơn sơ, chân thật. Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Chúa là tồn tại, vì thế, phải cẩn trọng trong việc lựa chọn trước những trào lưu tục hóa như ngày nay. Đứng trước sự lựa chọn, thánh Phaolô đã cho chúng ta một kiểu mẫu: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi truyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô” (Pl 3, 8). Ăn chay, cầu nguyện và bố thí chính là xác định thật rõ về sự giới hạn của chúng ta với Đấng Tuyệt Đối. Ăn chay để hãm dẹp nết xấu và ý thức được thân phận mong manh của mình. Cầu nguyện chính là xin Chúa trợ giúp và cùng đồng hành với chúng ta để chúng ta chiến đấu chống lại Ba Thù. Bố thí chính là vượt ra khỏi sự ích kỷ vốn là mầm mống của tội lỗi, để sống hiệp thông, liên đới với anh chị em.

Lạy Chúa Giêsu, xưa kia Chúa đã chiến đấu và chiến thắng Ma Quỷ. Giờ đây, xin giúp chúng con chiến thắng được Ba Thù, để thuộc trọn về Chúa như Chúa thuộc trọn về Thiên Chúa Cha. Amen.

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...