04/04/2022
753

CHÚA NHẬT THƯƠNG KHÓ

Sự Thương Khó Đức Giêsu, Chúa chúng ta”
–X—
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã bước vào Tuần Thánh là đỉnh cao của năm phụng vụ. Khi cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa, chúng con không cử hành một nghi thức đạo đức, mà sống thực một mầu nhiệm tình yêu cao cả: Chúa hiến mình đến chết để cứu chúng con khỏi tội và đưa chúng con đến cuộc sống mới vĩnh cửu.
LỜI CHÚA (đứng)                                     Pl 2,6-11 (Bài đọc II)
SỨ ĐIỆP (ngồi)
Đức Kitô được dân chúng đón vào Giêrusalem biểu trưng Ngài tự nguyện bước vào cuộc Thương khó[1]. Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội bằng tình yêutự hiến trên Thập giá[2].Cái chết khiêm hạ tột cùng của Chúa là dấu chứng của tình yêu vô biên và là nguồn ơn cứu độ[3]. Đây là lúc Chúa hoàn tất lời loan báo về người Tôi Trung của Thiên Chúa gánh lấy tội lỗi và khổ đau của nhân loại[4].
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa cách đây hai ngàn năm đã không qua đi, nhưng đang được thực hiện giữa chúng con lúc này với tình yêu toàn vẹn và hoa trái cứu độ dồi dào nhờ Chúa Thánh Thần. Bởi lẽ cái chết của Chúa là vì chúng con và cho chúng con. Tại vườn Cây Dầu, cũng chính tội của chúng con đè nặng tâm hồn Chúa; trên Thập giá, chính sự ích kỷ, sự lạm dụng tự do của chúng con đã đóng đinh Chúa. Nếu Chúa đã chết “vì tội chúng con”, thì điều đó có nghĩa là chính chúng con đã đóng đinh Chúa. Đối diện với ba ngàn người ngày lễ Ngũ Tuần, nhiều người trong họ đâu có mặt ở dinh Philatô, ở đồi Calvê, vậy mà Thánh Phêrô vẫn mạnh mẽ nói với họ: Anh em đã đóng đinh Đức Giêsu Nazarét!” Và, dưới tác động của Thánh Thần, họ đã thừa nhận sự thật này nên: “đau đớn trong lòng và hỏi Phêrô: Thưa ông, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,23-37)[5].
“Bạn đã có ở đó không, bạn đã có ở đó không, khi chúng đóng đinh Chúa của tôi?” Lờicủa bài ca này cũng đang tra vấn lòng chúng con. Phải chăng lúc này, lòng chúng con cũng thật run sợ để thưa lên: “Hỡi ôi, đúng vậy, tôi cũng đã ở đó, tôi cũng đã ở đó khi chúng đóng đinh Chúa của tôi!” Chỉ khi chúng con bước vào cử hành phụng vụ Tuần Thánh với những tâm tình này, thì mầu nhiệm tình yêu của Chúa mới chạm đến chúng con, làm chấn động con tim và đổi mới cuộc đời chúng con.
  • Hát: NIỀM VINH DỰ (Văn Chi) (đứng).
Lạy Chúa, khi diễn tả lòng mình với Chúa,thánh Phaolô chỉ biết xúc động thốt lên: “Đấng đã yêu tôi đến chết vì tôi” (Gl 2,20). Cho đến bao giờ, tình yêu đến chết của Chúa mới chạm đến chúng con và làm chấn động con tim chúng con như vậy? Tham dự vào cử hành Tuần Thánh, chúng con cần đến ít là một lần được Chúa Thánh Thần chạm đến, làm con tim chúng con cảm được “Chúa yêu đến chết vì con” là một thụ tạo vô ơn và bất nghĩa mà Chúa đã dựng nên, để đem lại cho đời nó tương lai tươi sáng, cho nó được sống, sống đời đời. Làm sao chúng con dám tin nổi một tình yêu như vậy? Nhưng cử hành phụng vụ đang nói lên sự thật như vậy! Nếu lúc Chúa chết trên Thập giá, màn đền thờ bị xé, những tảng đá vỡ ra và những cửa mồ rộngmở, thì khi chúng con tham dự vào cử hành cuộc khổ nạn của Chúa, xin hãy cho niềm kính sợ lành mạnh ập vào tâm hồn chúng con, xé rộng con tim chúng con, để nó mang một thương tích mà chỉ có tình yêu Chúa mới có thể chữa lành.
Trong những ngày này, “phép rửa trong cái chết của Chúa” được thực hiện trong đời sống của mỗi người chúng con. Ước gì chúng con có thể ngắm nhìn Đấng bị đâm thâu vì tội lỗi chúng con bằng con tim đã được Thánh Thần đổi mới, để có thể xúc động với những giọt nước mắt chân thành như Phêrô ngày nào (x. Lc 22,61-62). Ước gì điều gì đó của con người cũ như gian dối, bất công, ngoại tình, vô đạo… lìa khỏi con người chúng con để bị chôn vùi mãi trong cuộc khổ nạn của Chúa. Trong quá khứ, chúng con đã mất giờ làm thỏa mãn dục vọng là quá đủ rồi (x. 1Pr 4,3); mất giờ cho những xung đột tầm thường nơi gia đình, cho những tham lam quá độ về tiền bạc, lạc thú là quá đủ! Trước một Thiên Chúa yêu thương đến chết vì chúng con, để giải thoát chúng con khỏi tội, để chúng con được sống dồi dào, mà chúng con lại cứ để mình vẩn vơ vào những xung đột, tranh luận, vào cái tầm thường, vào tội lỗi dơ bẩn như vậy mãi sao? Phần lớn những điều xấu xa và tai họa xảy đến cho gia đình, cộng đoàn và Giáo Hội là do mỗi người xét đoán và buộc tội người khác thay vì xét đoán và cáo buộc chính tội lỗi mình; mỗi người muốn người khác thay đổi nhưng lại ít người nghĩ cách nghiêm túc là phải thay đổi chính mình. Vâng, nếu lúc này, chúng con quyết định thực hiện việc thay đổi này nơi chính mình, thì ngay từ đây, gia đình chúng con hạnh phúc hơn, tâm hồn chúng con bình an hơn và cuộc đời chúng con thánh thiện hơn.  
Cuộc khổ nạn của Chúa đang thúc bách chúng con hoán cải. Chết đi cho tội lỗi nghĩa là chúng con đi vào phán đoán của Chúa. Chúa ngắm nhìn thế giới này và xét xử nó. Chỉ có sự xét xử của Chúa có thể vạch ra một giới tuyến rõ ràng giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối. Sự xét xử của Chúa không thay đổi theo thời. Xin cho chúng con có được sự hoán cải chân thật, dám vượt qua bức tường dối trá để thưa lên: Lạy Chúa, con chấp nhận sự xét xử của Ngài trên con, sự xét xử ấy liêm chính và thánh thiện, là tình yêu, là ơn cứu độ cho con!Lạy Chúa, từ Tuần Thánh này, xin cho con đủ ơn Chúa, để tiến tới sự hoán cải như Chúa muốn giữa một thế giới đầy dối trá và sự dữ này!
NHD: Giờ đây, chúng ta thinh lặng giây lát để cầu nguyện riêng.
  • Nếu được, dành từ 2 đến 5 phút thinh lặng. Sau đó mời quỳ, hát và đọc lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng…
 
[1] x. Lc 19,20-40 (Tin Mừng); x. GLHTCG 557-560.
[2] x. Pl 2,6-11 (Bài đọc II); x. GLHTCG 654,1067-1068, 1085, 1362.
[3] x. Lc 22,14 – 23,56 (Tin Mừng); x. GLHTCG 449, 602-618, 713, 2816.
[4] x. Is 50,4-7 (Bài đọc I).
[5] x. HY Cantalamessa, Chúng Tôi Rao Giảng Một Đức Kitô Bị Đóng Đinh, tr. 110.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...