09/05/2022
1177

CN 4 PS C

Cv 13, 43-52; Kh 7, 9. 14-17; Ga 10, 1-11

 

TRÁI TIM MỤC TỬ TRONG TÌNH MẪU TỬ
Lm. Phaolo Đinh Chí Hiền

Trọng kính Đức cha….

Kính thưa quí cha, quí tu sĩ nam nữ, quí bà cố và quí Hiền Mẫu,

Hôm nay, chúng ta được Đức Kitô phục sinh qui tụ về mái nhà chung của Giáo phận để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Đây là cơ hội quí báu của ân sủng và quí giá của tình hiệp thông mang ý nghĩa sâu đậm Giáo hội hiệp hành. Những ước mong cùng nhau đi đến mái nhà giáo phận còn mặc một giá trị thật cao và ý nghĩa thật quý nữa khi chúng ta cử hành lễ Chúa Chiên Lành- cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ trong ngày cả thế giới dành tôn vinh người mẹ. Sự trùng hợp 2 trong một này không do tình cờ của Thiên Chúa nhưng là do không ngờ của chúng ta. Trong niềm vui thiêng thánh này và dựa trên ánh sáng Lời Chúa, chúng ta cùng đọc lại cuộc đời và ơn gọi của mỗi người khởi đi từ câu thánh vịnh đáp ca: chúng ta là dân của Chúa, đoàn chiên do Chúa dẫn dắt (Tv 99, 3).

Thật vậy, khi lặp đi lặp lại cụm từ “dân của Chúa”, chúng ta thêm một lần xác tín rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và được trả giá đắt để chuộc về: Thiên Chúa yêu mỗi chúng ta bằng một tình yêu muôn thưở. Cho nên, một Vịnh gia đã cảm nghiệm tình yêu sâu thẳm đó và thốt lên: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi” (Tv 139, 13-14). Chúng ta biết rõ mười mười Chúa yêu chúng ta qua sự sống, ơn lành đã nhận lãnh, cả trong những lúc thăng trầm, sóng gió của phận người. Với ân sủng đức tin và lòng cậy trông chúng ta đều chân nhận một sự thật rằng Chúa yêu thương, chở che, chăm sóc và đồng hành với từng người trong dọc dài cuộc đời. Điều này được Chúa Giêsu khẳng định rất sống động rằng “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi… Tôi ban cho chúng sự sống đời đời…và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 27-29). Có như thế, chúng ta mới thấu cảm tình yêu dạt dào của Chúa luôn chảy tràn vào đời chúng ta. Trong tình yêu, Chúa cho chúng ta một chỗ đặc biệt để sống, một ơn gọi với đặc sủng để thành toàn đời Kitô trong Thánh Thần. ĐTC Phanxicô trong sứ điệp ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi năm nay khẳng định, “Mỗi người trong chúng ta là một thụ tạo được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương; mỗi người chúng ta đều có một vị trí riêng và đặc biệt trong ý muốn của Thiên Chúa.”

Kinh nghiệm tình yêu của Chúa thể hiện sống động và sâu đậm nhất được diễn tả trong tương quan của người mẹ và con thơ mà chúng ta gọi tên là tình mẫu tử. Theo nhà tâm lý học Erikson, tương quan giữa người mẹ và con thơ là giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách của một người trưởng thành sau này. Trong giá trị đẹp, chúng ta dễ dàng hiểu ý nghĩa và mục đích của ngày hôm nay cả thế giới dành tôn vinh người mẹ. Sự tôn vinh này không chỉ nhằm nói đến công đức sinh thành và dưỡng dục của người mẹ nhưng ẩn chứa bên trong và sâu đến tận nguồn là tình yêu vô biên của Thiên Chúa và vô hạn của lòng xót thương đang đong đầy mỗi người. Nhạc sĩ Y Vân trong bài “lòng mẹ” đã đưa tâm hồn mọi người cảm nếm, “Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn giá đùa mặt hồ.  Sở dĩ lòng mẹ có thể yêu con như ánh trăng tròn nhất và đẹp nhất là nhờ được đong đầy trong ánh trăng tuyệt hảo của tình Chúa. Tình người mẹ có thể thương con đến thao thức bao đêm trường bởi trái tim người mẹ được thấm sâu trong trái tim yêu dạt dào và thấm đẫm trong tình yêu xót thương vô tận. Chỉ trong tình Chúa, chúng ta mới có thể đong đầy tình người; cũng vậy, chỉ nhờ người mẹ biết rõ Chúa yêu và can đảm bước theo sự dẫn dắt của Thánh Thần, bà mới có đủ sức mạnh để tự tin yêu con bằng trái tim mẫu tử; đủ nghị lực để tự hiến đời mình thắp sáng đời con; và tự nguyện đón nhận những thập giá trong đời để đổi lấy thánh giá như gia tài ân sủng cho con cái. Tôn vinh người mẹ trong ý nghĩa này, chúng ta càng hiểu thấu lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Ta là mục tử tốt lành… Ta đến cho chúng được sống và sống dồi dào.” như được họa lại và in dấu trong cuộc đời hiền mẫu. Biết bao người mẹ đã yêu con và luôn yêu con bằng sự tốt lành của trái tim mục tử. Biết bao người mẹ đã dành trọn đời mình hầu mong con được sống và sống dồi dào. Một tác giả vô danh đã chân nhận, “Sinh con cơ cực lầm than. Nuôi con khôn lớn, gian nan bội phần. Mẹ luôn chu đáo ân cần. Nhịn ăn nhịn mặc để phần cho con.”

Mừng “ngày của mẹ” trong thánh lễ cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ hôm nay còn gửi thêm một thông điệp đầy ý nghĩa về sứ mạng người mục tử nhân lành được in sâu trong trái tim người mẹ và đang dần thành hình nơi đời con. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định, “Tôi biết chiên của tôi và chiên tôi biết tôi.” Điều này cho thấy về cái biết được nội tại trong nhau; cái biết như thế không dừng lại những việc làm bên ngoài mà cả những cảm xúc và cảm nhận bên tròng. Nói cách khác, khi chúng ta nói mình biết ai và biết rõ người đó là lúc chúng ta đã đi vào tương quan gặp gỡ sâu thẳm của cái nghĩa cái tình. Cách tương tự, nói đến ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta không bao giờ được phép tách rời đời sống dâng hiến khỏi cái nghĩa của cha và cái tình của mẹ; càng không bao giờ được phép cắt khỏi trái tim một tình mẫu tử. Thánh Giáo Hoàng Pio X  đã để lại câu chuyện tuyệt vời về công nghĩa mẹ cha, cách riêng là tình mẫu tử,Chuyện là vào năm 1884, ngay sau khi được tấn phong làm Giám mục Giáo phận Mantova nước Ý, Đức Cha mới về quê dâng Lễ tạ ơn tại quê cha đất tổ. Sau Thánh Lễ, Đức Tân Giám mục về gia đình để thăm người mẹ già yếu. Vừa vào đến nhà gặp Mẹ, Đức tân Giám mục liền hớn hở khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình với Mẹ: “Mẹ ơi, mẹ xem nhẫn Giám Mục của con có đẹp không nè?” Mẹ ngài không trả lời ngay, lặng lẽ và nhoẻn một nụ cười nhân hậu rồi Bà Cố từ từ rút chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay của mình ra, rồi chỉ vào và nói: “Đẹp ! Đẹp lắm con ạ ! nhưng nếu không có chiếc nhẫn cưới xấu xí này của mẹ, thì làm sao con có chiếc nhẫn Giám Mục đẹp của con hôm nay?”... Vâng, câu trả lời của người mẹ quê chỉ là như vậy nhưng chất sâu một giá trị nhân văn và chất đầy một ý nghĩa sinh thành, giáo dục con nên người. Quả thật, không có chiếc nhẫn cưới của người mẹ thì cũng không có bất kỳ chiếc nhẫn nào của tu sĩ. Điều này giúp chúng ta hiểu thấu hơn lời của ĐTC Phanxicô, “Ơn gọi đã được sinh ra theo cách này, nhờ nghệ thuật của Nhà điêu khắc là Thiên Chúa, với “bàn tay” của mình, Người làm cho chúng ta ra khỏi chính mình để trở nên kiệt tác mà chúng ta được kêu gọi trở thành.” Nghĩa là qua tình mẫu tử của mẹ, Thiên Chúa gọt đẽo, cắt tỉa và uốn nắn để trổ sinh mầm ơn gọi linh mục và tu sĩ hôm nay. Có thể giây phút này cũng như cả ngày hôm nay, hàng ngàn con tim của các linh mục và tu sĩ nam nữ đang hướng lòng, đang muốn chạy về bên mẹ, đang bấm sđt gọi mẹ, gửi thiệp hay nhắn tin nói lời cám ơn mẹ về chiếc nhẫn cưới đã xấu xí, phai màu theo năm tháng để cho con diễm phúc được đeo chiếc nhẫn của đời hiến dâng. Ngàn tấm lòng của những người con dẫu mẹ còn hay đã khuất bóng vẫn muốn hòa nhịp sống lòng biết ơn với mẹ; bởi lẽ, qua chiếc nhẫn cưới, mẹ đã sống đời nhẫn nại vì con; trong chiếc nhẫn cưới, mẹ đã hiến đời nhẫn nhịn với con; và bởi chiếc nhẫn cưới, mẹ đã trọn đời kiên nhẫn thương con.

Ước mong ngày họp mặt chất cao giá trị tình Chúa và chất rộng ý nghĩa tình mẹ hôm nay giúp mỗi người chúng ta mặc trọn hơn tâm tình “từ bi, nhân hậu và khiêm tốn” (x. Cl 3, 12-16) của Chúa Giêsu. Từ đó, chúng ta thấm nhuần thái độ và phong cách sống cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng của Chúa Giêsu và cho  nhau. Khi định đời sống trên ước muốn này, chúng ta quyết tâm mở ra cách sống không “tìm lợi ích cho riêng mình”, nhưng sẽ nỗ lực “tìm lợi ích cho người khác” (x. Pl 2, 3-5). Lúc đó, chúng ta cùng ĐTC Phanxicô sống đích thực ơn gọi của mình. Đó là “biến giấc mơ của Thiên Chúa thành hiện thực” trong đời sống thường ngày. Amen.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...